Vũ Thất, Biển Vẫn Dạt Dào

Vũ Thất

Biển Vẫn Dạt Dào

-  Tặng các bạn Bảo Bình XI

Tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. Đặng Văn Tuyên uể oải nhấc cổ tay, cố gắng hé mắt nhìn đồng hồ. Mới 8 giờ sáng. Kinh nghiệm cho biết điện thoại reo sớm chỉ là các lời quảng cáo. Bạn bè anh không ai gọi giờ này ngày cuối tuần.  Anh xoay người đè gối lên mang tai, ngủ tiếp.

     Tiếng chuông ngừng một lúc lại liên hồi. Anh miễn cưỡng vói tay bắt ống nghe, giọng càu nhàu:

     - Tôi nghe đây. Ai gọi?

     Bên kia là giọng nữ ngọt ngào, run run:

     - Em đây. Bích Ngọc đây.

     Hai tiếng Bích Ngọc và giọng ngọt ngào thân thương như cơn sóng lớn phủ ập vào người Tuyên. Anh rùng mình, ngồi bật dậy. Bích Ngọc là tên vợ anh, giọng nói kia là của vợ anh, người vợ suốt mười hai năm qua anh truy tìm không mệt mỏi. Anh phát ra từng tiếng, run run:

     - Trời ơi! Bích Ngọc. Phải thật em không?

     Có tiếng khóc òa vào tai anh. Tuyên cố gắng lấy lại bình tĩnh, hối hả hỏi:

     - Em đang ở đâu? Cho anh địa chỉ, anh đến ngay.

     Vẫn chỉ tiếng sụt sùi thương cảm. Anh quýnh quáng, nài nỉ:

     - Cho anh địa chỉ…

     Giọng Bích Ngọc nghẹn ngào:

     - Em đang ở Đức, Đức quốc.

     - Ở Đức? Sao lại ở Đức?

     - Chuyện dông dài không tiện nói qua viễn liên. Gặp anh, em sẽ kể…

     - Vậy cho anh địa chỉ anh sẽ bay ngay qua Đức.

     - Không. Anh cho địa chỉ, em và con sẽ qua Mỹ…

     Quá sức ngạc nhiên, Tuyên dè dặt hỏi :

     - Em vừa nói con… con anh?

     Giọng Bích Ngọc nồng nhiệt:

     - Sau ngày anh đi biền biệt khoảng hai tuần, nghi mang thai, em đi khám bác sĩ.  Em đã háo hức chờ anh về báo tin mừng mà chờ hoài. Năm nay con sắp là thiếu nữ mà chưa biết mặt ba nó.

     - Anh cũng đâu ngờ. Mà sao em biết số điện thoại của anh?

     Giọng Bích Ngọc vui vẻ:

     - Chắc Trời run rủi. Tuần rồi đi ăn tiệc cưới, em ngồi gần một anh Hải Quân. Em nói em là vợ anh, vợ chồng thất lạc nhau đã trên mười năm. Anh ấy hứa sẽ tìm giúp. Tưởng chỉ là lời đẩy đưa, không ngờ anh ấy vừa điện thoại cho số của anh.

Tuyên nôn nóng hỏi dồn:

     - Ở Đức em và con ở vùng nào? Sinh sống ra sao?

     - Như em vừa nói, chuyện dông dài. Em và con sẽ qua anh bằng chuyến bay sớm nhất. Anh đón ở phi trường nghe.

     - Tất nhiên rồi.

     - Em sẽ gọi lại cho anh chi tiết chuyến bay.

     - Hãy nhớ là từng phút từng giây anh trông ngóng em và con.

 

     Đặng Văn Tuyên có mặt tại khu đón rước phi trường Los Angeles đúng 8 giờ rưỡi sáng nhưng mãi bốn mươi phút sau Bích Ngọc mới xuất hiện. Nàng vẫn trẻ trung mảnh mai, khuôn mặt có phần mệt mỏi sau chuyến bay tám tiếng. Thế nhưng vẻ mệt mỏi lại làm nét đẹp mê hồn ngày xưa thêm nồng nàn. Ngay sau chiếc va-li nàng đang kéo là một thiếu nữ duyên dáng, bước đi sinh động. Hẳn là con gái của anh đây. Anh rộn ràng, hồi hộp vẫy tay. Cả hai giơ tay đáp lại. Khi Bích Ngọc tới gần, Tuyên mở rộng vòng tay, bắt chước hành động của vợ ngày xưa mỗi lần đón anh công tác trở về.

Bích Ngọc cũng ôm siết anh, nồng nàn. Nhưng khi anh định hôn môi thì nàng tránh né, chỉ áp má vào má chàng. Rồi nàng vội buông lỏng tay như ngại ngùng trước đông người. Tuyên nhủ thầm, rồi đây phải tập cho nàng quen tục lệ Mỹ. Anh nói với cô bé, “Chào mừng đến Hoa Kỳ”, hôn lên trán rồi đỡ lấy cán va-li từ tay Bích Ngọc. Cả ba theo dòng người đi băng qua ba con đường không dứt lưu thông đến khu đậu xe.

 

Suốt quãng đường dài cả tiếng đồng hồ, cô bé ngủ say ở băng sau. Bích Ngọc ngồi cạnh anh nhưng lặng thinh ngắm quang cảnh bên đường. Mỗi khi anh lên tiếng hỏi, nàng quay ngang trả lời vắn tắt rồi lại nhìn ra ngoài. Anh nghĩ cảnh lạ đang lôi cuốn sở thích của nàng. Thật ra lòng nàng đang vô cùng rối rắm chưa biết xử sự thế nào. Tuyên lặng lẽ lái xe, thầm vui: “Rồi đây em và con mặc sức ngắm cảnh đẹp nước Mỹ.”

     Theo dự trù, khi đến phố Cam, anh sẽ dừng lại tiệm ăn nổi tiếng cùng ăn sáng nhưng thấy cả hai đang say ngủ, anh lái thẳng về nhà. Anh mở khóa, bật đèn rồi cả ba bước vào. Bích Ngọc lướt nhìn nhanh quanh nhà. Bộ salon màu xanh nước biển rất đẹp. Sâu hơn là nhà bếp và bàn ăn bốn người. Độ rộng xem ra tương đương với căn nhà của nàng ở Đức nhưng trang hoàng giản đơn, tươm tất. Đặng Văn Tuyên chỉ chiếc ghế dài:

     - Em và con ngồi nghỉ đi. Chắc mỏi chân lắm rồi.

     Anh đi rót ba ly nước rồi ngồi đối diện trên chiếc ghế tựa cá nhân. Anh nhìn con gái ôm cánh tay mẹ mà nghe ấm ức. Nếu không có nó, anh đã ôm chầm Bích Ngọc hôn ngấu nghiến, đền bù cho thời gian xa cách quá dài. Thấy anh đăm đăm nhìn, cô bé cúi mặt ngượng ngùng. Anh hỏi:

     -  Con tên gì?

     -  Dạ, Đặng Ngọc Tuyền.

     Anh “A” lên thích thú. Ngày xưa, có lần anh bàn với nàng về việc đặt tên đứa con đầu lòng. Anh đề nghị hai tên rất có ý nghĩa: “Nếu là trai sẽ mang tên Đặng Chí Tuyến, vừa mang tên anh, vừa gợi hơi hướm hải quân. Nếu là gái, tên Đặng Ngọc Tuyền, vừa mang tên mẹ lẫn tên cha.” Nàng cười: “Anh khôn quá, trai hay gái đều mang tên anh. Còn em, lúc nào cũng chịu thiệt thòi.”

     Anh tươi cười hỏi Ngọc Tuyền:

     -  Con biết tên ba con chứ?

     -  Dạ, mẹ có nói. Đặng Văn Tuyên. Ở trường, con mang tên ba.

     Anh gật đầu thích thú:

     -  Con không có tên Đức sao?

     -  Dạ không.

     -  Con lên lớp mấy rồi?

     -  Dạ, mới lên trung học.

     -  Con có muốn đi học ở Mỹ không?

     Nó ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:

     -  Con không biết. Tùy mẹ.

     Đặng Văn Tuyên nói với Bích Ngọc:

     -  Anh rất xúc động và cám ơn em về tên của con. Càng vui hơn nghe con nói rành rẽ tiếng Việt…

     Bích Ngọc vui sướng mỉm cười. Tuyên lại lên tiếng:

     - Em thấy căn nhà thế nào? Em thích nó chứ?

     Nàng lại nhìn quanh rồi dừng lại khung ảnh trên vách trước mặt. Thì ra là ảnh kỷ niệm ngày cưới. Hai nụ cười tươi tắn, hạnh phúc. Nàng xúc động nói:

     - Ảnh xưa quá rồi! Sao không treo ảnh mới người mới?

     Tuyên cười, tiếp tục ý tưởng về căn nhà:

     - Trước đây anh ở apartment một phòng ngủ. Nay thêm em và con nên anh dọn qua căn này có ba phòng. Anh nghĩ con nó cần một phòng học riêng cho tiện khi có bạn đến học chung. Nè Ngọc Tuyền, con có muốn đi xem phòng ngủ phòng học của con bây giờ không?

     Cô bé nhìn mẹ. Bích Ngọc nói nhỏ nhẹ:

     - Thật ra em đã định mướn khách sạn.    

     Tuyên ngạc nhiên. Chẳng lẽ nàng ngại ngùng xấu hổ với con vì ngủ chung với anh. Cũng có lý. Với Ngọc Tuyền, anh còn là người cha xa lạ. Anh thấy rất nên có thời gian thân mật dần. Nhưng Bích Ngọc nghĩ khác. Trước khi qua đây, nàng tự hứa là phải giữ khoảng cách, phải cố tránh không để tự mình xấu hổ với việc cùng lúc có hai chồng. Nàng chưa biết phân trần thế nào thì Tuyên đã lên tiếng:

    - Bích Ngọc, em nên ở đây. Phòng của con trang bị giường đôi. Phòng học tuy là ghế bố nhưng có nệm đàng hoàng. Hai mẹ con ngủ chung hay riêng tùy ý.

     Bích Ngọc vẫn lặng thinh. Tuyên khẽ lắc đầu:

     - Anh thấy em thay đổi nhiều. Ít nói hơn xưa!

     Bích Ngọc ráng nở nụ cười mà lòng xốn xang:

     - Em… em vẫn vậy!

     Sợ anh đặt thêm câu hỏi, nàng ngẩng mặt, nhìn thẳng vào mắt chàng:

     - Anh kể chuyện của anh đi. Vì đâu anh bỏ rơi mẹ con em?

     Tuyên hít hơi dài, rồi thở ra mạnh:

     - Đừng nghĩ vậy em. Anh đã vô cùng lo lắng cho em. Anh đã tìm kiếm em, đã nhớ thương em suốt mười hai năm qua. Anh viết thư hỏi cả Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Không ai biết em ở đâu. Anh không tin em chết khi vượt biển. Anh vẫn tin có ngày ta gặp lại nhau. Hiện tại anh vô cùng hạnh phúc. Hãy cho anh biết cơ duyên nào đẩy đưa em qua Đức?

     Như được dịp trút nỗi ưu phiền đeo đẳng, nàng tuôn ra một hồi:

     - Giữa tháng tư, nửa tháng sau khi anh đi công tác, em nghi mang thai nên đi bác sĩ. Em đã háo hức chờ anh về báo tin mừng mà chờ mãi chờ hoài. Rồi đúng ngày con đầy tháng, bọn cướp nước đuổi tất cả mọi người ra khỏi Cư xá Hải Quân. Nhà ba má em trước đó đã bị tịch thu, ba em thì đi tù, má về ở chung với con rể. Em ôm con về ở chung với ba má anh. Sau hai năm, không còn nữ trang để bán, em và con đi buôn lậu thuốc tây. Tội nghiệp con bé, mới hai tuổi mà phải chịu đựng bao nhiêu hộp thuốc tây quanh người. Như được phù hộ, nó không khóc khi xe đò bị công an khám xét. Một lần tình cờ trên xe đò, em ngồi cạnh một bạn thân cùng khóa Hải Quân với anh – Trung úy Hào. Anh ấy vừa ra tù, hỏi thăm về anh, về cuộc sống của mẹ con em.  Bỗng hai tháng sau, anh ấy đến nhà ba má, cho biết anh theo đoàn tàu di tản qua đến đảo Guam bình an. Rồi anh Hào hỏi em có muốn vượt biên qua Mỹ đoàn tụ thì anh ấy sẽ giúp. Anh ấy làm tài công, được cho bốn người vượt biên không mất tiền. Anh ấy chỉ dắt theo hai đứa em. Còn hai chỗ Ba má anh khuyến khích em nên đi. Ở lại rồi cũng chết vì đói khổ.

     Đặng Văn Tuyên nôn nóng hỏi:

     - Vậy sao em lại ở Đức?

     - Tụi em được thương thuyền Đức cứu vớt, chở thẳng về Đức. Ở Đức, em được một cặp vợ chồng già bảo trợ. Hai vợ chồng rất tử tế, cho mẹ con em một phòng riêng rộng rãi, đối xử với em và con như ruột thịt. Sáu tháng sau, ông bà rủ em đi dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai ở Bá Linh, sẵn dịp để biết luôn thủ đô nước Đức. Em quen Jonas từ đó…

 

Tự dưng tim Đặng Văn Tuyên như ngưng đập. Anh lặng người nghe tiếp: Sau lễ tốt nghiệp, Jonas về nhà, thường hỏi han giúp đỡ em, dạy học và đùa giỡn với con, tỏ ra hết sức thương yêu nó. Được một tháng thì Jonas trở lên Bá Linh nhận việc. Nhưng cứ tới cuối tuần là Jonas về nhà… Ba năm sau, Jonas ngỏ lời yêu em và muốn cưới em. Ba má Jonas rất tán thành. Thú thật là em chỉ có cảm tình với Jonas, không là tình yêu. Em nói em không thể nhận lời vì em đang có chồng, là cha của Ngọc Tuyền. Ba má Jonas nói còn hy vọng gì sau tám năm không tin tức. Anh thấy đó, em và con chịu ơn ba má Jonas rất nặng, Jonas lại thật lòng thương yêu em và con, mà anh thì cứ biệt tăm biệt tích, em khó thể chối từ. Tuy vậy em cũng cố hoãn binh bằng cách xin được chờ đợi thêm một năm nữa. Đến cuối năm, Jonas lặp lại lời cầu hôn. Không thoái thác được nữa, em nhận lời với một điều kiện: Trong trường hợp em gặp lại anh, em dứt khoát sẽ trở về với anh. Jonas đồng ý. Jonas tổ chức đám cưới rất đình đám nhưng không làm hôn thú. Cho tới khi em có mang…

     Đặng Văn Tuyên đang nâng ly nước định uống, bỗng chiếc ly rơi vỡ tan tành. Bích Ngọc và con lăng xăng giúp lau dọn. Khi mọi người trở lại an vị, Bích Ngọc lặng thinh, khuôn mặt xanh xao, buồn bã.

     Tuyên cố lấy giọng tự nhiên:

     - Anh đoán là con trai?

     - Dạ đúng. Con trai, vừa lên hai.

     Tuyên nghe xót xa, thờ thẫn đưa tay lên ôm đầu. Bao nhiêu mộng đẹp xây dựng từ sau cú điện thoại Bích Ngọc báo tin qua Mỹ, giờ thành ác mộng. Trong các trận đụng độ với Việt cộng trước kia, anh rất thản nhiên điều động phản kích, thế mà giờ chỉ một thông tin cũng đủ làm anh lịm người.

     Nhìn dáng muộn phiền của cha, Ngọc Tuyền tự dưng cảm thương, thấy gần gụi cha hơn. Cô bé lên tiếng:

     - Ba. Mẹ thường nói với con về ba và thường khóc vì lo lắng không biết ba sống chết thế nào. Mẹ cũng thường than phiền là những người quen mẹ đều nhận được tin tức chồng của họ, còn mẹ thì một chữ của ba cũng không có…

     Tuyên ngẩng mặt nhìn Bích Ngọc, phân trần:

     - Trong thời gian bị Việt cộng nhốt, anh có viết cho em nhiều thư. Gửi chính thức cũng có mà gửi lậu cũng có.

     Bích Ngọc ngạc nhiên:

     - Bị nhốt? Sao lại bị nhốt? Chớ không phải theo đoàn tàu di tản?

     Tuyên cười buồn:

     - Anh đã di tản đến Guam, nhưng vì lo lắng cho em nên anh quyết quay về. Để anh kể có đầu có đuôi. Như em biết, vào cuối tháng ba, tàu anh được lệnh công tác miền Trung yểm trợ cuộc rút lui. Cuối tháng tư, trong khi đổ bộ đồng bào di tản lên Phú Quốc thì có lệnh tập trung tại Côn Sơn. Sáng ngày 1 tháng 5, tàu anh cùng trên ba mươi tàu khác khởi hành đi Phi Luật Tân rồi đến đảo Guam. Tuần lễ đầu ở đảo này, đêm nào cũng lo lắng cho em không tài nào ngủ được. Anh nhất quyết tìm cách trở về Sài Gòn. Rồi có tin rỉ tai ai trở về sẽ được chính quyền mới tiếp đón, giúp phương tiện làm ăn sinh sống. Hơn một ngàn người có hoàn cảnh tương tự như anh liền tập họp tranh đấu trở về. Tất cả biểu tình, làm dữ. Tranh đấu mãi mấy tháng Mỹ mới đồng ý cấp chiếc thương thuyền Việt Nam Thương Tín. Sáng ngày 16 tháng 10, tàu khởi hành về Việt Nam. Sau 9 ngày đêm lênh đênh, tàu vào neo ở Vũng Tàu. Việt cộng ra lệnh tàu đi Nha Trang rồi tại đây họ quy tội tất cả là gián điệp Hoa Kỳ, trở về để hoạt động phá hoại. Thế là họ ngày đêm tra khảo, đánh đập rồi đưa mọi người lên vùng rừng núi gần biên giới Lào. Ở đó, họ phát mỗi người ba thứ là dao, búa, liềm và bảo tụi anh tự làm nhà ở, tự sinh sống…

     Bích Ngọc ôm mặt, nước mắt tuôn trào. Thì ra anh đã vì nàng mà bị đánh đập tù đày suốt bảy năm. Càng tội nghiệp, Bích Ngọc thấy mình càng tệ bạc. Anh hết lòng thương yêu mà nàng lại là người vợ thiếu thủy chung.

     Đặng Văn Tuyên vói tay lấy hộp khăn giấy đưa cho nàng, nhẹ nhàng an ủi:

     - Anh không giận em đâu, đừng tủi thân. Em ở lại, một mình lo cho con mới sanh cũng đã quá khốn khổ, quá đói rách. Anh hoàn toàn hiểu hoàn cảnh của em, hiểu tấm lòng của em. Và anh thấy thương yêu em thêm hơn.

     Bích Ngọc thút thít:

     - Rồi anh được thả về năm nào, làm sao qua được Mỹ?

     - Sau bảy năm tù đày, bọn Việt cộng cần Mỹ bỏ cấm vận, nên họ buộc lòng thả tụi anh. Ngay khi ra tù có người tiếp xúc mướn anh làm tài công như Trung úy Hào. Ba má anh lúc đó đều chết hết, nên ngoài hai chỗ dành cho hai đứa em, hai chỗ còn lại đổi thành bốn cây vàng. Anh ở Mã Lai sáu tháng, đến Mỹ đầu năm 1983. Nhà bảo trợ giúp anh tìm việc làm. Lương anh bây giờ dư sức bảo bọc em và con. Bốn cây vàng anh còn giữ tới giờ, em mặc sức mua sắm.

     Bích Ngọc buồn vui lẫn lộn. Tuyên vẫn hết lòng yêu nàng. Trong bổn phận làm vợ, nàng phải trở về với chồng. Nhưng còn đứa con hai tuổi, nàng bỏ nó sao đành.

     Một ý tưởng vụt đến mang cho Bích Ngọc niềm hy vọng mong manh:

     - Anh Tuyên, cho em hỏi và xin anh thành thật: Từ ngày anh qua Mỹ đến nay, suốt bốn năm trời, anh vẫn sống… một mình?

     Tuyên cười buồn:

     - Anh luôn luôn tin là em còn sống nên đêm nào cũng cầu nguyện được đoàn tụ.

     Bích Ngọc gằn giọng:

     - Anh thật tình muốn em và con qua đây sống với anh?

     - Thì em thấy đó, nhà cửa chuẩn bị sẵn sàng.

     Bích Ngọc cúi mặt lâng lâng buồn. Tuyên chợt nghe mềm lòng:

     - Thôi được. Anh để em quyết định.

     Nàng xúc động, nghẹn ngào:

     - Không! Anh quyết định. Anh đầy đủ tư cách quyết định. Anh đã vì em mà phải chịu đựng bảy năm khổ sai, đã kiên trì chờ đợi. Còn em, em không giữ được thủy chung…

     Anh cười cố tạo một câu đùa cợt: 

     - Anh nghĩ, chúng ta như đang trên con tàu mới vượt qua bão bùng sóng gió mà biển thì vẫn dạt dào mênh mông không bờ bến…

     Bích Ngọc mỉm cười ôn tồn:

     - Thôi thì như ngày xưa, mỗi khi gặp chuyện rắc rối cần quyết định chung, anh vẫn ra oai: anh là chủ gia đình, anh quyết định!

     Tuyên nhìn con gái đang tựa sát mẹ chăm chú lắng nghe. Quyết định sao đây? Nếu anh quyết định mẹ nó ở lại Đức mà nó chịu qua Mỹ thì hẳn là giải pháp tốt đẹp nhất. Anh mất vợ nhưng còn được con. Mà chắc gì nó chịu xa mẹ nó về đây sống với anh! Còn trường hợp anh giành lại quyền làm chồng làm cha, thì Bích Ngọc phải xa đứa con hai tuổi. Dễ gì Jonas đồng ý cho Bích Ngọc mang con qua Mỹ. Có thể nào anh thản nhiên nhìn mẹ con chia cách? Nhất là thời điểm đứa bé đang ở tuổi rất cần người mẹ. Anh thấy đầu óc rối rắm như rong biển. Rõ ràng vấn đề cần suy xét chín chắn, thông suốt mọi góc cạnh. Anh hỏi Bích Ngọc:

     - Em và con ở Mỹ mấy ngày?

     - Dạ, một tuần.

     Tuyên kêu lên:

     - Một tuần? Mười hai năm gặp lại mà bù đắp chỉ một tuần?

     Bích Ngọc cười buồn:

     - Anh quên rồi sao, em còn thằng con mới lên hai. Em qua gặp anh chính yếu là muốn biết quyết định của anh. Nếu anh nhất định muốn nối lại tình vợ chồng, thực hiện quyền làm cha, em sẽ về Đức thu xếp. Trong thời gian đó anh làm thủ tục bảo lãnh em và con. Mọi việc suôn sẻ, em và con qua sống hẳn với anh.

     Anh trố mắt nhìn Bích Ngọc. Anh vẫn biết tính nàng khảng khái, tế nhị nhưng bất ngờ trước thái độ dứt khoát với tâm nguyện dành cho anh. Tuyên cảm thấy vô cùng vui sướng, hả hê. Anh hết ngắm nàng lại ngắm con. Nó quá giống anh. Từ khuôn mặt, mắt, mũi, miệng. Nhưng nét đẹp thì thanh tao giống mẹ. Thật biết bao hạnh phúc khi được cả hai cận kề. Nhưng trở về thực tế nỗi vui sướng hả hê cạn dần.  Anh buồn rầu hỏi Bích Ngọc:

     - Nếu quyền quyết định là của em, thì em quyết định thế nào?

     Bích Ngọc trân trân nhìn anh. Một lúc lâu, chính anh lại lên tiếng:

     - Mà thôi, có gì phải vội phải vàng. Mình còn tới một tuần để… tính tới. Bây giờ vấn đề lớn trước mắt là giải quyết cái bao tử. Quá ngọ rồi!

     Anh dứt khoát đứng lên.

 

Trên đường ra khu Phước Lộc Thọ, Tuyên quay lui thấy bộ mặt con gái đượm nét u buồn, vội cười nói:

     - Nè Ngọc Tuyền. Bảy ngày ở Cali con không có thì giờ buồn chán đâu. Ba sẽ đưa con đi thăm các thắng cảnh, các viện bảo tàng, các đài thiên văn…

     Ngọc Tuyền chồm người tới, tươi tỉnh:

     - Con muốn đi chơi Disneyland, coi Grand Canyon.

     Tuyên gục gặc:

     - OK, ưu tiên con đi viếng Disneyland, kế tiếp Grand Canyon và bất cứ nơi nào khác con thích. Ba chỉ mong con mãi mãi nhớ California, ngộ lỡ con không còn dịp trở lại.

     Bích Ngọc lên tiếng cằn nhằn:

     - Anh nói cái gì lạ vậy?

     Anh vờ không nghe, tiếp tục hỏi con

     -  Ở Đức, con có dịp ăn cơm Việt Nam?

     - Dạ có. Mẹ thỉnh thoảng nấu canh chua cá kho tộ. Con thích lắm! Ba Jonas cũng rất thích.

     Bích Ngọc vụt quay nhìn anh. Tim anh nhói đau nhưng miệng mỉm cười:

     - Vậy thì chúng ta đi ăn canh chua cá kho tộ. Ngày xưa, hai món đó mẹ cũng thường nấu cho ba. Ba mê lắm!

     Bích Ngọc mím môi, rơm rớm nước mắt…

Vũ Thất

14/4/2025

 

 

 

 

Gíao Hoàng LEO XIV, vị giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử Vatican ​​​​​​​
Tân GH Leo XIV  đã truyền đạt thông điệp đầu tiên từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, tại Vatican. (Dylan Martinez/Reuters)Khi một làn khói trắng, báo hiệu Giáo Hội Vatican đã có một giáo hoàng mới, bốc lên từ ống khói trên Nhà nguyện Sistine lúc 6:07 chiều ngày thứ Năm 7 tháng 5 và một giờ sau, Hồng y người Pháp Dominique Mamberti tuyên bố, “Habemus Papam” — chúng ta đã có một giáo hoàng thì GH Leo XIV mặc một chiếc áo choàng vai màu đỏ tươi và khăn choàng thêu hoa văn cầu kỳ, trái ngược với chiếc áo trắng đơn giản mà Giáo Hoàng Francis mặc năm 2013.Mặc dù có một số dự đoán về một mật nghị kéo dài, nhưng cuộc thảo luận kéo dài trong 24 giờ 23 phút này ngang bằng với hai mật nghị trước đó, khi GH Francis được bầu sau năm lần bỏ phiếu và Benedict XVI trong bốn lần bỏ phiếu.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top