ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Quang Dũng (1921-1988)
GS LÊ ĐÌNH THÔNG
Sơn Tây - Quang Dũng vẽ
Nhà thơ Quang Dũng sinh tại làng Phượng Trì, cái tên được Hàn Mặc Tử nhắc lại bốn lần trong Ave Maria :
Phượng trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì
Nhà thơ lấy tên Quang Dũng con trai ông làm bút hiệu. Ông là nhà thơ miền bắc, nhưng lại được các nhạc sĩ miền nam phổ thành nhạc. Cung Tiến soạn nhạc cho Kẻ Ở, Phạm Trọng Cầu viết : Em mãi là 20 tuổi, nhưng biết nhiều hơn cả là Đôi Bờ soạn năm 1948 và Đôi mắt người Sơn Tây : 1949 ; cả hai được Phạm Đình Chương gom làm một, soạn thành một ca khúc duy nhất, trong không gian của Đêm Màu Hồng, và thời gian của Nửa Hồn Thương Đau : nửa hồn sau tím ngắt, nên lòng nhớ thương chất ngất, và nước mắt.
Cả hai đều là Đôi : Đôi Bờ, Đôi Mắt : nhưng Đôi Bờ thì phân ly đôi ngả ; còn Đôi Mắt là của riêng một bóng hình. Cả hai đều là thơ mới bảy chữ, bài 1 có 4 khổ, vần AABA (rimes redoublées), nói lên sự nhung nhớ trùng điệp. Bài 2 : 7 khổ, vần hỗn tạp, nói lên sự mong chờ cô liêu : ôi những người khóc lẻ loi một mình, như câu cuối ca khúc Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương. Tôi chép lại cả hai bài thơ như sau :
Đôi Bờ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Đôi Mắt Người Sơn Tây
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?...
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
Phạm Đình Chương soạn hai bài thành một ca khúc, không những vì quê ngoại của nhạc sĩ cở Sơn Tây, mà còn là mối giao duyên giữa thi và nhạc, vì đôi mắt người Sơn Tây cũng là đôi mắt người tình muôn thuở của ông. Cũng vì mối cảm hoài nay, ông đã soạn thêm lời để nói lên mơ ước của riêng ông:
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ.
Ngoài thơ, Quang Dũng còn là một họa sĩ. Ông không vẽ đôi mắt giai nhân mà viết một bài thơ. Ông muốn đem đôi mắt đã làm ông say đắm vào thơ, nghĩa là chuyển hóa thực thành mộng, thay vì từ thực tại này sang thực tại khác. Vì chỉ có thơ mới có phép mầu ‘‘vẽ’’ được và chắp cánh bay thật xa, may ra đôi mắt người yêu dấu mới có thể nhận biết được. Còn họa phẩm chỉ có một không gian nhất định.
Quê nhà thơ là ở Hà Đông, nhưng ông lại tưởng nhớ đến xứ Đoài, núi Ba Vì, đồng Bương Cấn. Chỉ vì Hà thành có năm cửa ô. Ô Cầu Giấy dẫn nhà thơ về với quê hương Sơn Tây của mắt ngọc.
Nhà thơ Quang Dũng (1951)
Bài thơ đề tặng Đôi mắt người Sơn Tây. Vậy đôi mắt ấy là ai?
Khoảng năm 1946, nhà thơ ghé thăm Chợ Đại (Cống Thần), mê mẩn đôi mắt cô hàng cà phê. Cô người Sơn Tây, có lúc giao du với người Nhật, nên họ đặt tên là Akemi, có nghĩa là sắc đẹp chiêu dương (joli crépuscule).
Sau 1954, Akemi đem đôi mắt người Sơn Tây di cư vào Nam, bỏ lại nhà thơ ngẩn ngơ trong nỗi nhớ.
Ba Vì - tranh Quang Dũng
Các nhà thơ đông tây, kim cổ đều ngẩn ngơ vì đôi mắt giai nhân, như Giai nhân ca của Lý Diên Niên:
佳人歌
北方有佳人,
絕世而獨立。
一顧傾人城,
再顧傾人國。
寧不知,傾城與傾國,
佳人難再得。
李延年
Giai nhân ca
Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Ninh bất tri, khuynh thành dữ khuynh quốc,
Giai nhân nan tái đắc.
Lý Diên Niên
Tôi xin tạm dịch như sau:
Người đẹp tuyệt trần ở bắc phương
Lẻ bóng phòng không sống dị thường
Ngoảnh mắt lần đầu thành chuếnh choáng
Quay lại nữa nhé nước ngả nghiêng
Nàng hỡi có hay thành quỵ ngã
Gặp gỡ chi đâu dạ vấn vương.
Mắt biếc giai nhân không gặp lại
Chim sa cá lặn vẫn còn thương.
LĐT
Cao Bá Quát lấy câu thơ chót của họ Lý, sáng tác bài hát nói Tự tình như sau:
Giai nhân nan tái đắc
Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Mái Tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu rĩ bấy xuân về, oanh nhớ
Phong lưu công tử đa xuân tứ
Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư
Nước sông Tương một dải nông sờ
Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi!
Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi!
Chữ chung tình biết nói cùng ai?
Trót vì gắn bó một hai ....!
Cao Bá Quát
Lưu Trong Lưu có bài Đôi Mắt như sau:
Đôi Mắt
Có hoa nào qua mùa không héo?
Có tiếng nào giàu đẹp hơn không?
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.
Đàn "nguyệt dạ" hương đêm bay lạc
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?
Phép gì khỏi nhớ đừng trông
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi.
Lưu Trọng Lư
Trở lại với Đôi mắt người Sơn Tây, Quang Dũng đã tả đôi mắt giai nhân trong các khổ 2, 4. Trong khổ 1, nhà thơ vẫn còn e ấp, dấu đi mối tình câm.
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?...
Bản chép khác:
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
Nếu chắp nối vần thơ Quang Dũng, đôi mắt người Sơn Tây trong như nước giếng thôn làng, long lanh ứa lệ: em đã bao ngày lệ chứa chan. Còn nữa, ngó thì cũng như là Tái cố khuynh nhân quốc. Vì vậy nên nương chiều đã ngả bóng mà vẫn còn u ẩn, lang thang. Ở đây, thơ hòa chung cung nhạc:
(1) Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng;
(2) Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca.
Trong bài Đôi bờ, nhà thơ vẽ lại Đôi mắt người Sơn Tây ngay trong khổ 1, 3, 4:
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Trong bài Đôi bờ, tác giả viết bên ‘‘tê’’ là phòng tuyến ; bên ‘‘tề’’: dịch âm chữ ‘‘rentrer’’ có nghĩa là về thành.
Đôi mắt người Sơn Tây sầu cô quạnh, mắt ngấn lệ, thơ ngây, vì tác giả hoang tưởng là thiếu nữ vẫn còn phòng không chiếc bóng.
Thơ viết về đôi mắt giai nhân không nhiều. Charles Dovalle viết: Tes yeux où je lis ton âme, Pierre de Ronsard có Je vois tes yeux, Charles Baudelaire: Les yeux de Berthe, nhưng đôi mắt người Sơn Tây là tuyệt tác. Nhà thơ chỉ nói Sơn Tây mà không có tên người, tuy chân dung chỉ là vài nét chấm phá mà khắc sâu tận tâm khảm. Toàn bài là tiếng thổn thức, thở dài, như sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng, làm buốt giá tâm can, như bài thơ Verlaine, xin chép lại thay cho lời kết bài viết này.
Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon coeur
D’une langueur
Monotone.
Verlaine
---
Paris, 27/11/2019
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404