Trúc Giang MN: Thiếu Lâm Tự ngày nay

Du Lịch

Trúc Giang MN

Thiếu Lâm Tự ngày nay

       
Chùa Thiếu Lâm

Đã từ lâu, Thiếu Lâm Tự hay chùa Thiếu Lâm đã đi vào đời sống xã hội Việt Nam, nhất là môn võ Thiếu Lâm, được nhiều người VN yêu thích và tập luyện. Võ Thiếu Lâm, cũng như các môn võ khác như Nhu đạo (Judo), Thái Cực Đạo (TaeKwando) hay quyền Anh, đã thuộc về văn hóa và tài sản của thế giới, chớ không còn ở trong phạm vi nước Trung Hoa, Nhật Bản hay Đại Hàn nữa. Võ Thiếu Lâm đã gắn liền với tên tuổi của những người lập ra và phổ biến nó.

Ở Trung Hoa ngày nay có hơn 10 chùa mang tên Thiếu Lâm Tự, tuy nhiên chùa Thiếu Lâm được nhắc đến như là sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn của võ học Trung Hoa, là ngôi chùa ở miền trung nước Tàu, là Thiếu Lâm Tự Tung Sơn, thuộc tỉnh Hà Nam. So với Thiếu Lâm Tự ở tỉnh Phúc Kiến thuộc miền nam, thì chùa Thiếu Lâm Tung Sơn là Bắc Thiếu Lâm.

         
         Dãy Tung Sơn        Cổng chính chùa Thiếu Lâm        Phía sau chùa

Qua tác giả Kim Dung, chúng ta được biết đến Thiếu Lâm với những đại sư chân tu, có những tuyệt kỹ võ công, đúng là danh môn chính phái, danh trấn giang hồ.
Thiếu Lâm nổi tiếng với Dịch cân kinh, 72 tuyệt kỹ võ công, La Hán quyền, Đại lực kim cương chỉ... và cũng qua Kim Dung, chúng ta thấy được những bê bối của một môn phái được gọi là chính phái, khác với những ma giáo tà ma ngoại đạo. Đó là những phương trượng phạm sắc dục, thông dâm với phụ nữ, có con rồi đem giấu ở căn nhà bỏ hoang phía sau chùa, để đêm đêm lén lút tới lui quan hệ tình dục.
Cũng như Huyền Từ đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm, dẫn đám giang hồ gây ra vụ án ở Nhạn môn quan, phục kích giết chết cả nhà Tiêu Viễn Sơn, khiến cho Kiều Phong, bang chủ Cái bang phải mồ côi cha mẹ. Không những giết người vô tội mà Huyền Từ còn lẹo tẹo với Diệp cô nương lòi ra Hư Trúc.

Đừng tưởng rằng các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm chỉ lo việc kinh kệ, tu hành dứt bỏ trần tục, tứ đại giai không mà lầm.
Nhiều đại sư, phương trượng rất hồ đồ và thiếu chữ Trí trong bi, trí, dung, của nhà Phật, như việc bảo quản Tàng Kinh Các. "Thư viện" nhà chùa chứa nhiều sách vở, tài liệu, bí kiếp võ công, tuyệt kỹ võ thuật, thế mà cứ để cho nó đóng bụi rồi lau chùi, bị mưa dột thì đem ra phơi, mà tuyệt đối cấm đọc, cấm tham khảo. Muốn đọc lén thì phải mai phục ở Tàng Kinh Các vài chục năm như Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bát mới được.

           
Tàng Kinh Các nơi lưu giữ những pho võ công bí truyền ngàn năm của Thiếu Lâm Tự

Tài liệu quý báu như thế mà không biết xử dụng, không biết sao chép làm nhiều bản copy để lưu trữ, bảo đảm an toàn mất cái nầy còn cái khác. Nhưng thật ra có sách cũng như không, bởi vì cấm đọc. Bộ Lăng Già kinh do Bồ Đề Đạt Ma sư tổ viết ra, trong đó có Cửu Dương chân kinh, Dịch cân kinh, đã bị Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử ăn cắp mang đi, trốn sang dãy Côn Luân mà luyện tập.

Thái độ hồ đồ của các bậc cao tăng Thiếu Lâm Tự, được thể hiện rõ nét qua việc xử phạt Trương Quân Bảo (Trương Tam Phong) và Giác Viễn đại sư, khi hai người nầy đã ra tay cứu vãn danh dự ngàn năm, và bảo vệ chùa Thiếu Lâm, đánh bại sự khiêu chiến của Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo.
Thế nhưng sau khi đẩy lui được đối thủ, thì trụ trì đã không cám ơn cứu mạng mà còn cố ý giết người vì hình phạt quá nặng. Trương Quân Bảo bị phạt vì đã học lén võ công ở Tàng Kinh Các. Thiếu Lâm đã không dạy võ cho Trương Quân Bảo, cho nên không thể trách việc hiếu học nầy của đệ tử Thiếu Lâm.
Thiếu Lâm Tự còn dung dưỡng cho sư gian, ma đầu Hỗn Nguyên Phích Lích Thủ, Thành Khôn, người sư phụ đã hãm hiếp và giết cả nhà Tạ Tốn, Kim Mao Sư Vương, Thành Khôn đã cấu kết với quân Mông Cổ tàn hại võ lâm Trung nguyên. Cuối cùng thì phương trượng Thiếu Lâm bị Thành Khôn khống chế trong Đại hội Đồ sư để giết Tạ Tốn.
Thật ra câu chuyện của Kim Dung chỉ là sự kiện tiểu thuyết, không có thật ngoài đời. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những sự kiện có liên hệ đến Thiếu Lâm Tự.
Huyền thoại về Thiếu Lâm Tự kể ra không hết, cho nên một người lặn lội đến Tung Sơn để tìm hiểu sự thật về Thiếu Lâm Tự như thế nào.
Ông ta thuật lại như sau.
 
1. Chợ Kungfu

“Thị trấn Đăng Phong cách Thiếu Lâm Tự 30 phút lái xe, đang trong tiến trình gấp rút xây dựng để phát triển dịch vụ du lịch của chùa nầy. Mỗi năm có trên một triệu rưởi du khách quốc tế đến tham quan Thiếu Lâm Tự. Ở đây, đã có xa lộ cao tốc 6 làn, nhiều khách sạn 3 sao, 4 sao và nhiều cao ốc đang xây.
Người khách và người phiên dịch đã đến trị trấn Đăng Phong.
Người tài xế biết khách đến đây là muốn tầm sư học đạo, anh ta móc cái di động ra, xí xô xí xào một lúc, rồi quay qua khách bảo: "lên chùa học làm gì cho mệt, ghé chỗ bạn tôi, chỉ học vài tháng thì đạt được tuyệt kỹ võ công".
Thấy khách do dự, tài xế bảo: "tôi bao tất cả, 10,000 tệ thì có bằng do đệ tử chân truyền của phương trượng cấp. Ở Mỹ mở trường còn được huống chi ở châu Á".  Tài xế tiếp "chỉ học 3 tháng là đủ".
Ở thị trấn Đăng Phong nầy có hơn 40 học viện, Trung tâm, đại võ đường Thiếu Lâm, lớn nhỏ, cho nên ở bất cứ nơi nào du khách cũng có thể được hướng dẫn, giới thiệu dịch vụ nầy. Đó là những võ đường tư nhân, do các sư phụ trong chùa mở ra, để tăng gia thu nhập.
Thậm chí có nhiều "cò" còn cho biết, là sẽ bảo đảm cho được vào chùa tu học, mà ban đêm cũng có thể ra ngoài thị trấn nhậu nhẹt lai rai, đàn đúm nữa.

Một anh "cò" sà đến, "chỗ của tôi không cần học chi cho mệt, cứ đến ghi danh, đóng tiền rồi tìm chỗ ăn ở thoải mái, tôi sẽ chạy cho tấm bằng chứng nhận đã tốt nghiệp tu luyện do chính tay đương kim phương trượng Thích Vĩnh Tín ký tên, đóng dấu. Nhiều võ sư Mỹ, Pháp muốn có thêm bằng Thiếu Lâm Tự cũng học theo lối nầy." Anh cò tiếp "giấy giả thôi, chỉ cần 1,000 tệ là có, nhưng ông trời có xuống cũng không phân biệt đâu là thật, đâu là giả, cũng như người in giấy bạc giả vậy".
Người khách đang phân vân trước cái chợ kungfu hỗn độn nầy, thì may mắn thay, bắt được một người tên Hải Phong, xưng là thư ký của một cao tăng trong chùa.
Hải Phong hỏi các chi tiết, về việc: chỉ học võ thôi hay học cả võ lẫn đạo, nhu cầu ăn ở, mua sắm võ phục loại nào, có khả năng ở phòng riêng hay không, thời gian học bao lâu...
Hải Phong móc cái di động, xí xô xí xào, nói chuyện một hồi rồi bảo "sư phụ sẽ đến ngay, sẽ trao đổi trực tiếp với anh".

Cánh cửa mở, một người to béo bước vào, gương mặt trông rất quen thuộc. À, thì ra đó là những tấm hình trên các tờ quảng cáo dán đầy đường ở thị trấn nầy, là hình ảnh của thầy.
Để chứng minh địa vị của mình, sư phụ đưa ra tấm danh thiếp "Thích Diên Truyền- Tổng Giáo đầu võ tăng đoàn Tung Sơn Thiếu Lâm Tự". Là nhân vật cao cấp trong 180 vị cao tăng, chỉ dưới một người là Chưởng môn, và trên vạn người ở chùa nầy.
Vị đại sư không đả động gì đến việc tu học, ngài phất tay ra hiệu cho người khách theo ngài ra ngoài. Sư phụ bấm Remote thì có tiếng ót ét phát ra từ một chiếc xe, ngài cầm lái chở khách chạy phon phon trên xa lộ 6 lanes thẳng đến chùa Thiếu Lâm, dưới chân núi Thiếu Thất của dãy Tung Sơn, tỉnh Hà Nam.
Chuyện đời trái ngược, xưa kia những hiệp khách phải quỳ dưới mưa sa, bão tuyết suốt 7 ngày 7 đêm mới được sư phụ nhận cho vào chùa làm đệ tử, nhưng nay thì khác, sư phụ đưa đệ tử vào tham quan thực tế, trước khi ký giấy tờ và đóng học phí.”
 
2. Thiếu Lâm Tự

Thiếu Lâm Tự (Thiếu: là núi Thiếu Thất, Lâm: là rừng, Tự: là chùa) là chùa trong rừng của núi Thiếu Thất. Ngôi chùa nầy ở dãy núi Tung Sơn, thuộc thị xã Đăng Phong, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam nước Trung Hoa. So với những chùa cũng tên Thiếu Lâm ở miền Nam, thì chùa nầy là Bắc Thiếu Lâm Tung Sơn.

             
Chùa nổi tiếng nhờ hai đặc điểm là Phật Giáo Thiền Tông và võ thuật.

Võ thuật phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc của các phái võ Trung Hoa ngày nay. Có câu "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm".
Thiếu Lâm Tự là ngôi chùa xưa nhất Trung Hoa, có lịch sử 1,500 năm. Vua Hiếu Văn Đế của nhà Bắc Ngụy cho xây dựng chùa vào năm 497 sau Công nguyên.
Truyền thuyết cho rằng Bồ Đề Đạt Ma, người nước Ba Tư, ở phía nam Ấn Độ, vào Trung nguyên truyền đạo Phật, và đã đến Thiếu Lâm Tự nầy.

Bồ Đề Đạt Ma thấy các nhà sư có thân hình không mạnh khoẻ, thường hay ngủ gục trong lúc nghe kinh, và nhập thiền. Nên tổ sư Bồ Đề mới ngồi thiền quay mặt vào vách đá suốt 9 năm, để nghĩ ra những phương pháp tập luyện cho cường thân kiện thể. Sau đó, ông trình bày một hệ thống bài tập thể dục, được gọi là Thập bát La Hán chưởng, hay là bài tập co giản cơ bắp kinh điển Đạt Ma.

       
Bồ-đề-đạt-ma, 9 năm diện bích

Dần dần, những động tác nầy trở thành võ thuật.
Sự hệ thống hoá võ thuật, được những quan võ trong quân đội về hưu, vào tu trong chùa tạo nên, và cải tiến không ngừng.
Một tấm bia của Thiếu Lâm Tự (TLT) năm 728, mô tả các nhà sư đã giúp cho Lý Thế Dân, sau nầy trở thành hoàng đế nhà Đường) chống lại đối thủ của ông là Vương Thế Sung. Sau khi lên ngôi, Lý Thế Dân nhờ các nhà sư huấn luyện cho binh lính triều đình.

Võ công Thiếu Lâm đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Minh (1368-1644) khi có vài trăm nhà sư được phong chức như quân đội, họ đích thân chỉ huy các chiến dịch dẹp nội loạn, và quân cướp từ Nhật Bản.

Năm 1928, Thiếu Lâm Tự bị thiêu hủy nặng nề nhất, là do viên tướng Thạch Hữu Tam, thuộc hạ của Tưởng Giới Thạch, nhận lịnh đi tiểu trừ viên tướng tư lịnh tỉnh Hà Nam, là Phàn Chung Tú. Chung Tú là bạn thân của hoà thượng trụ trì là Diệu Hưng, nên khi thua trận, Chung Tú chạy đến chùa xin bảo vệ.
Hai bên đánh nhau. Thiếu Lâm thua trận, phương trượng Diệu Hưng tử trận. Chung Tú và các nhà sư chạy trốn.
Tướng Thạch Hữu Tam ra lịnh đốt chùa, kinh sách đều bị cháy hết.
Sau vụ đốt chùa, Tưởng Giới Thạch rất hối hận, cho trùng tu lại ngôi chùa và ký sắc lịnh cho thành lập "Nam Kinh Trung Ương Quốc Thuật Quán" (Nanking Central Kuo Shou Institute) và "Trung Ương Quốc Thuật Quán". Đó là 2 viện võ học quốc gia đầu tiên của Trung Hoa.

Cuộc Cách mạng Văn Hoá của Mao Trạch Đông, đã thanh trừng các nhà sư, tịch thu đất nhà chùa, các Hồng Vệ Binh đã tiêu hủy tất cả những tài liệu Phật giáo, trong khuôn viên nhà chùa. Chùa bị hoang tàn trong nhiều năm.

Năm 1982, sau thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự, do Lý Liên Kiệt (Jet Li) thủ vai chính, đã đưa hình ảnh của chùa lan rộng ra khắp nơi, nhất là phương Tây.

 
             Lý Liên Kiệt (Jet Li)

Căn cứ vào đó, nhà nước Trung Cộng khai thác Thiếu Lâm Tự trong dịch vụ du lịch, cùng với Vạn Lý Trường Thành.
Ngoài chùa ở Tung Sơn ra, còn có nhiều chùa khác cũng mang tên Thiếu Lâm Tự, như TLT Bàn Sơn, TLT Nga My, và riêng ở tỉnh Phúc Kiến cũng có 3 chùa mang tên Thiếu Lâm Tự:
- Thiếu Lâm Tự Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến
- TLT Toàn Châu, Phúc Kiến
- TLT Phúc Thanh, Phúc Kiến.

Ở Hoa Kỳ cũng có 3 chùa mang tên TLT, trong đó có TLT ở đại lộ Ventura, Los Angeles, do Franco Testini, 43 tuổi, thành lập. Testini gốc Italy là người ngoại quốc đầu tiên được thu nhận vào TLT vào lúc 7 tuổi. Đến 9 tuổi, ông nhận được nhiều giải thuởng trong các cuộc thi tài võ thuật. Ông nói "đó là nguyện vọng của sư phụ, là muốn phát triển Phật giáo, và võ học Thiếu Lâm vào Hoa Kỳ".
 
3. Những huyền thoại về Thiếu Lâm Tự

1. Vụ đốt chùa
Việc "hoả thiêu Thiếu Lâm Tự Tung Sơn" được truyền khẩu trong giới võ lâm Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...là không đúng sự thật.
Sự thật là không có vị vua nào, ở triều đại nào đã ra lịnh đốt TLT Tung Sơn cả.
Năm 1704, vua Khang Hy đã đến viếng TLT còn lưu lại thủ bút thư pháp "Thiếu Lâm Tự", trên cổng sơn môn trước chùa.
Năm 1750, vua Càn Long viếng TLT, đã bỏ ra một số tiền rất lớn để trùng tu lại chùa.
Quả thật là có 2 vị vua nhà Mãn Thanh, là Ung Chính và Càn Long, đã ra lịnh đốt chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu, Phúc Kiến. Vì chùa là căn cứ địa của phong trào Phản Thanh Phục Minh.

2. Sự lầm lẫn về Nam, Bắc Thiếu Lâm
Thiếu Lâm Tự Tung Sơn là Bắc Thiếu Lâm, Thiếu Lâm Tự Toàn Châu tỉnh Phúc Kiến, là Nam Thiếu Lâm. Chính Nam Thiếu Lâm Tự Phúc Kiến, mới bị đốt 2 lần, và lần sau cùng thì bị hủy diệt vĩnh viễn.
Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến với những nhân vật được đưa lên phim ảnh và tiểu thuyết như: Chí Thiện Thiền sư, Ngũ Mai Sư thái, Bạch mi đạo nhân, Phùng Đạo Đức, Miêu Hiển. Những cao đồ TL nổi tiếng như Hồng Hy Quan, đã tạo ra môn phái Hồng Gia Quyền, Phương Thế Ngọc, Hồ Huệ Càng, Lục A Thái, Lâm Thế Vinh, Hoàng Kỳ Anh, và con là Hoàng Phi Hùng...
Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến đã đi vào dân gian bởi vì, chỉ có Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến mới nhận các đệ tử tục gia, vào chùa học xong thì hạ san, với điều kiện là phải qua được 18 cái ải do các người gỗ trấn giữ.

3. Nam Thiếu Lâm Toàn Châu Phúc Kiến
Chùa nầy ở trên núi Đông Nhạc Sơn, ngoại thành Toàn Châu tỉnh Phúc Kiến. Nhiều tài liệu cho biết chùa nầy được xây vào năm 611 sau Công nguyên, vào thời Nhà Tùy. Bị thiêu hủy 2 lần. Lần thứ nhất năm 1723, lần sau cùng vào năm 1763, thời Càn Long thứ 28.
Sau khi chùa bị thiêu hủy toàn bộ, các sư phụ tản cư nhiều nơi ở phía nam Trung Hoa, mở trường dạy võ, lập ra nhiều môn phái có tên khác nhau, như Hồng Gia Quyền, Vịnh Xuân Quyền. Môn Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long cũng bắt nguồn từ cái căn bản của Nam Thiếu Lâm.


 
4. Tuyệt kỹ võ Thiếu Lâm

4.1. Dịch cân kinh
Dịch cân kinh là bộ kinh sách dạy phương pháp vận khí, để cường thân kiện thể, giảm bớt đau bịnh để sống lâu. Bí kíp nầy được cho là chính Bồ Đề Đạt Ma đã lập ra, sau 9 năm ngồi thiền, quay mặt vào vách đá, đã nghĩ ra.

4.2. 72 Tuyệt kỹ Thiếu Lâm
Thiếu Lâm Thất Thập Nhị huyền công, là 72 tuyệt kỹ, mà các võ sư của TLT đã đúc kết, tinh lọc và phân loại làm căn bản cho việc rèn luyện võ công.
Chuyện kể rằng, vào mùa thu năm 1333, vua Huệ Tông nhà Nguyên mở Đại Hội Võ Thuật Thiếu Lâm ở Tàng Kinh Các của TLT. Chủ trì Đại hội là thiền sư phương trượng thứ 12, là Nguyên Hanh và 4 vị trưởng Lão tiền bối, đã ẩn cư trong núi 20 năm. Đại Hội cũng triệu tập 700 trưởng tràng các chi nhánh, các môn đồ...mục đích là để cảnh cáo các võ sư, đã tự ý mở trường dạy bừa bãi những công phu sở trường của mình, mà không đi sát với chương trình đã ấn định theo tiêu chuẩn của Thiếu Lâm.
Suốt 2 tháng bàn cãi sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau, không tìm được một kết luận chung, thì một môn đồ sơ đẳng tên là Nguyên Nhiên, đưa ra ý kiến là, khởi đầu môn đồ phải tập võ công căn bản, rồi sau đó, tùy theo thể trạng và sở trường của mỗi người, mà luyện tập những môn thích hợp. Ví dụ như người lùn, thấp, thì cho học xà quyền, hầu quyền, người cao thì tập hạc quyền, to cao thì tập long quyền...
Sau khi xem xét hàng trăm phương pháp, cách thức, bí quyết, nội công, ngoại công, ngạnh công, nhuyễn công, thủy công...Đại Hội tổng kết thành 72 tuyệt kỹ với tên gọi là Thiếu Lâm Thất Thập Nhị Huyền Công.

72 tuyệt kỹ bao gồm những bí quyết luyện tập được chia thành những nhóm như sau:
- Các bí quyết luyện chỉ lực (luyện ngón tay)
- Bí quyết luyện chưởng (Lòng bàn tay hoặc cạnh tay)
- Bí quyết luyện khinh công, phi hành (Chạy nhanh, nhảy cao, hoặc lướt trên mặt nước)
- Bí quyết luyện thiết quyền (Luyện nắm đấm)
- Bí quyết luyện thiết cước (Luyện chân, đá)
- Bí quyết luyện các công phu đặc biệt (như đầu cứng như đá, cơ thể nhu nhuyễn, thu hạ bộ vào khoang bụng)

      
   Một ví dụ về cách luyện Ngủ Độc truy sa chưởng.

Vào tiết thanh minh, lấy 10 cân bùn dưới đáy giếng, bỏ vào trong một cái lu. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, bắt 1 con rắn đỏ, 1 con thằn lằn, 1 con rết, 1 con cóc, 1 con nhện, và 5 cân mạt sắt, 5 lít giấm trắng, 5 cân rượu trắng, một cân thanh đồng, đem trộn tất cả vào bùn, cho vào bọc vải, để trên miếng gỗ mà đánh chưởng (bàn tay). Đến khi dập nát hết, thì làm bao khác cũng với những thứ như trên.
Mỗi lần tập, đánh 400 cái mỗi tay, cho đến khi mỗi ngày đánh được 40 ngàn lần, kéo dài trong suốt thời gian từ 4 đến 6 năm, và về sau, mỗi khi luyện thì ngâm rượu thuốc tẩm tay.
“Bí kíp” như thế thì cho dù có công khai phổ biến trên báo, có lẻ cũng không hấp dẫn được ai trong thời đại ngày nay.

 
5. Trụ trì chùa Thiếu Lâm hiện nay
  

Trụ trì Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín *phô trương hình thức bên ngoài như vua chúa. (Phải có người hầu che lộng)

Trụ trì Thiếu Lâm Tự Tung Sơn hiện tại, là hoà thượng Thích Vĩnh Tín, chưởng môn trẻ nhất của 1,500 năm lịch sử nhà chùa.
Sinh năm 1965 tại An Huy, tên thật là Lưu Ứng Thành. Năm 1981 cậu Ứng Thành xin phép cha mẹ, tìm đến Thiếu Lâm Tự Tung Sơn, bái phương trượng Hành Chính làm sư phụ, và cạo đầu đi tu.
Sau được cử vào Ban Quản lý của chùa, Thích Vĩnh Tín giúp phương trượng quản lý công việc hàng ngày chu toàn, đâu ra đó.

Năm 1987
Tháng 8 năm 1987, trưởng lão Hành Chính viên tịch, Vĩnh Tín được cử lên kế vị làm chủ Ban quản lý, chủ trì mọi việc. Ông bắt tay vào việc trùng tu, tái thiết, xây dựng cơ sở mới. Ông lo toan mọi việc, xoay sở tài tình, tìm nguồn vốn, tìm vật liệu xây dựng, và thầy thợ. Nổ lực của chùa đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của chùa Thiếu Lâm.

Năm 1999.
Từ tháng 8 năm 1999, Thích Vĩnh Tín chính thức trở thành trụ trì thứ 30, trẻ tuổi nhất trong lịch sử của chùa.
Các phương trượng trước kia được mô tả là những vị lão tăng khắc khổ, nghiêm túc, xa cách cuộc đời trần tục, tứ đại giai không, nhưng phương trượng Vĩnh Tín thì trái lại, ông là một đại biểu Quốc hội liên tiếp 3 khoá: 9,10, 11. Sở hữu chiếc xe đắt tiền trị giá 125,000 đôla, có tài xế riêng, dùng điện thoại di động, xử dụng máy vi tính nối mạng Internet, vân du tứ hải bằng máy bay phản lực.
Năm 1996, Thiếu Lâm Tự xây dựng một Website cho chùa. Đến năm 2004, đã có 15 vạn người truy cập vào trang mạng nầy.  Ông chủ trương "Tăng nhân phải học tiếng Anh, học xử dụng máy tính, và du học". Ông nói "Điện ảnh, truyền hình và Internet, là những công cụ hiện đại để giao lưu thế giới, cho nên phải dùng những phương tiện đó để phổ biến văn hoá, và võ thuật Thiếu Lâm".

 
Phương trượng Thích Vĩnh Tín (ngoài cùng bên phải) cùng TT Nga Putin xem đệ tử biểu diễn võ thuật
Ông là phương trượng Thiếu Lâm đầu tiên có bằng MBA của Hoa Kỳ. (Master of Business Administration degree -Thạc sĩ quản trị kinh doanh).

5.1. Phương trượng kinh doanh
Tờ The Guardian cho biết, Thiếu Lâm Tự đã có chi nhánh khắp nơi, mỗi năm thu nhập 17 triệu bảng Anh, trong đó nhà chùa nhận 1 phần 3. (1/3)
Từ nhiều năm nay, Thiếu Lâm Tự đã trở thành một tập đoàn kinh doanh cở lớn, với năm công ty con, cùng mang tên Thiếu Lâm Tự. Đó là Công ty Quản lý tài sản, Công ty Hoan hỷ địa, Công ty truyền bá văn hóa, Công ty phát triển thực phẩm, và Công ty Dược. Năm công ty là “năm pháp bảo kiếm tiền”.
Thiếu Lâm hiện có 40 công ty ở Berlin (Đức), Luân Đôn (Anh), đã có 50 trường dạy võ, và nghiên cứu truyền bá Thiếu Lâm Kungfu.
Thích Vĩnh Tín nổi tiếng chẳng khác gì một ngôi sao điện ảnh. Kênh truyền hình Discovery của Mỹ gọi ông là CEO (Chief Executive Officer) của Công ty Thiếu Lâm Tự.

5.2. Bảo vệ thương hiệu Thiếu Lâm Tự
Thích Vĩnh Tín cho thành lập một công ty, thuê nhiều luật sư, khai chiến với những công ty xử dụng thương hiệu Thiếu Lâm Tự bất hợp pháp. Phương trượng Thiếu Lâm nầy, đã lôi ra toà hàng chục công ty, đã gây chấn động nhiều nơi.
Có hơn 60 sản phẩm mang thương hiệu Thiếu Lâm Tự bất hợp pháp, như rượu bia, thuốc lá, thịt xúc xích, xe hơi, khoá an toàn...
Công ty Thiếu Lâm Tự đã đăng ký bản quyền trên 80 quốc gia.
- Cho thuê địa điểm nhà chùa làm phim trường
- Cho võ sư trong chùa đi đóng phim
- Bán vé vào cửa giá 40 tệ mỗi người vào tham quan.
- Mở công ty du lịch và chuẩn bị lên sàn chứng khoán.
- Ngày 9-6-2006, tổ chức một Đại Hội Thi đấu võ, có tên là "Ngôi sao kungfu" để chọn tăng nhân, tham gia đóng bộ phim "Truyền Kỳ Về Đội Quân Nhà Sư Thiếu Lâm Tự" với số vốn là 30 triệu nhân dân tệ.

Chùa Thiếu Lâm đã trở thành một trung tâm du lịch và giải trí, cho nên hiện nay rất náo nhiệt. Các đại điển, nghi thức, biểu diễn võ thuật, xảy ra liên miên, đã thu hút được rất nhiều du khách ngoại quốc.
Mỗi năm có trên 1.5 triệu người đến viếng chùa. Công ty phát triển công nghệ Thiếu Lâm được thành lập. Các cửa hàng bán vật lưu niệm như sách vở, DVD luyện võ công, xâu chuỗi, tượng Phật, quần áo... Đã mở cửa hàng bán đấu giá trên mạng "tabao.com".
* Thuê chùa để mở võ đường.
Mới đây, phương trượng đã thuê 4 ngôi chùa ở tỉnh Vân Nam, để gắn bảng hiệu Thiếu Lâm Tự, mở trường dạy võ chân truyền Thiếu Lâm.
* Xây công viên võ thuật ở Úc.
Một dự án của sư phụ trụ trì được triển khai, là xây dựng một công viên văn hoá, võ thuật Thiếu Lâm, trên một diện tích 12 Km2 mới mua ở Úc.
Các hoạt động thương mại đã mang lại cho TLT 150 triệu nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đô la Mỹ). Riêng tiền bán vé vào cửa đã chiếm 60 triệu tệ. (Khoảng 7.5 triệu đôla)
Các chính khách và lãnh đạo quốc gia, cũng đến viếng TLT, như Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Tổng thống Nga Putin, Ts Kissinger...

5.3. Biểu diễn võ thuật ở nước ngoài


           Treo ngược người trên xà                    Nằm trên giáo mác

Năm 2004, chính sư phụ Thích Vĩnh Tín, đích thân hướng dẫn các đệ tử đi biểu diễn ở 60 quốc gia. Theo tờ The Guardian, thì biểu diễn 1,000 buổi, mỗi buổi thu được 10,000 đôla.
Năm 2006.
Tháng 7 năm 2006, đoàn võ tăng kết hợp với đoàn ca múa, đã sang Mỹ trình diễn vở kịch múa "Thiếu Lâm Trong Gió" 800 buổi, thu được 8 triệu đôla.
Cũng năm 2006, TLT và công ty Du lịch đã tổ chức "Đại tỷ thí võ thuật toàn cầu" mang nặng tính chất thương mại.
Rồi Thiếu Lâm Tự lại cho 999 cặp tân hôn, được tổ chức lễ cưới tại chùa.
Mặt tiền của chùa được cho mướn làm nền của những cuộc thí võ, thậm chí còn cho tổ chức thi hoa hậu, với các thiếu nữ mặc đồ tắm hai mảnh, uốn éo lượn qua lại “trước các tượng Phật” nữa.

5.4. Lễ Hội Võ Thuật Thiếu Lâm khai mạc rầm rộ

 
Hơn 60 ngàn võ sinh biểu diễn võ thuật dọc theo con đường dài 10 Km, dẫn đến chùa Thiếu Lâm, để chào mừng quan khách đến dự Đại Hội Võ Thuật Quốc Tế, với 56 quốc gia tham dự.
Phô trương rầm rộ làm cho nổi bật bề ngoài vĩ đại, để che dấu cái mặc cảm quốc nhục do các cường quốc tranh nhau xâu xé nuớc Tàu ở thế kỷ trước.

  
Các Thầy Thiếu Lâm Tự chụp ảnh chung với 87 cô hoa hậu đến du lịch

5.5. Quyền Thái Lan gởi thơ thách đấu
Năm 2009, Muay Thái thách đấu với chùa Thiếu Lâm, do báo China Daily đưa tin như sau:
"Môn phái Thiếu Lâm rất tầm thường. Điều đó chắc chắn họ không đở nổi quyền Thái của chúng tôi. Nếu họ chấp nhận thách đấu nầy, thì chúng tôi sẽ thắng tuyệt đối, với tỷ số 5-0, và sẽ san bằng Thiếu Lâm Tự Hà Nam, Trung Quốc".
Tân Hoa xã dự đoán 5 võ sĩ Thái thách đấu, có thể là những người có biệt danh như Thần Mục Sát, Quỷ Kiến Tất, Ma Thuật Trì, Quyền Diệt Phong và Đồ Long Trữu.
Đó là những võ sĩ thượng thặng của Thái Lan như Kaoklai, Fairtex, Singmanee, Naruepon faitex và Singhyok Sor-Seesan.
 
Nga My lên tiếng
Trước những lời thách thức được công khai trên báo, chùa Thiếu Lâm lại im hơi lặng tiếng. Sau đó, một đại diện của TLT trả lời phỏng vấn báo chí như sau: "Võ tăng Thiếu Lâm là người tu hành không muốn dây dưa với thị phi ngoài đời".
Trước thái độ của TLT, ông Ưng Kiện (Wang Jian) chưởng môn phái Nga My lên tiếng, và khẳng định là, sẽ dạy cho võ sĩ Thái một bài học đích đáng.
Sau đó mới biết là võ sĩ Thái không có khiêu khích, mà do một nhân viên quảng cáo, đã phịa ra tin giật gân, để câu khách cho một trận đấu quyền Anh. Nhưng dù sao thì Thiếu Lâm Tự cũng đã có thái độ chạy rót, sọc dưa, khiến cho dân Tàu nổi giận.

      
 Muay Thai
 
6*. Giới Phật Giáo Đài Loan đánh giá Thiếu Lâm Tự

“Trụ trì khoát áo cà sa thực chất là mua bán võ thuật tinh vi và sắc sảo, không có liên quan gì đến việc làm của Phật Giáo chân chính. Suy ra cho cùng, ông chỉ là một giám đốc, có công trạng lớn của Bộ phát triển mở rộng. Ranh mảnh, mượn danh nghĩa chùa Thiếu Lâm để thành lập chi đoàn võ nghệ mà thôi.
Thiếu Lâm Tự là đạo tràng Phật Giáo, lại còn là tổ đình của Thiền tông, ngoài việc đáp ứng nơi thanh tu cho người xuất gia, còn phải tịnh hóa thế gian, rộng độ chúng sanh, đảm trách công việc từ thiện phù hợp, đó mới là sự nghiệp của Phật môn.
Vậy thử hỏi trụ trì chùa Thiếu Lâm biểu hiện những phương diện nói trên như thế nào?
Trước kia Đạt Ma sư tổ dùng võ thuật trong việc tu tập, chớ không có mục đích thu lợi về tiền bạc.
Võ nghệ được học tập để tăng cường sức khỏe, giữ chùa, hộ pháp, chớ không phải dùng làm chiêu bài để phô trương, khoe khoang.
Chùa Thiếu Lâm đã không tuyên dương Phật Pháp, không hoằng pháp, trái lại lợi dụng lịch sử ngàn năm của các đời cao tang, mà tranh thủ trục lợi. Đây không phải là đoàn xiếc là gì?

Hòa thượng Tuyên Hóa định nghĩa Chánh Pháp như sau: “Quý vị thành thật tu hành, không ham hư danh, giả lợi, không ham cúng dường, đó chính là Chánh Pháp trụ thế. Nếu mọi người xuất gia đều có thể giữ giới, không đụng đến tiền bạc, đều có thể ngồi Thiền, có thể ngày ăn một bữa lúc giữa trưa, có thể luôn luôn mặc y giới và nghiêm trì giới luật, thì đó là Chánh Pháp trụ thế vậy!. Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối, thí đó là Chánh Pháp đang trụ thế vậy!”

7. “Sex, tiền và Kungfu trong Vương quốc Thiếu Lâm Tự”

  
Trụ trì chùa Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín, tay cầm trượng đầu rồng, mình khoác casa bằng lụa, thêu đầy tượng Phật, tay áo trái thêu hình rồng năm vuốt bay lên, giống như một nghĩa hiệp Thiếu Lâm! Giống như một long đầu lão đại!

Đó là tựa đề của bài báo Tây Ban Nha, El Periodico đã gây chấn động trên các trang mạng Trung Cộng, về trụ trì Thích Vĩnh Tín.
Trong bài báo “Tình, tiền và võ thuật” nhiều thông tin giật gân, về đời sống bí mật của hòa thượng trụ trì chùa Thiếu Lâm, ông đã nhiều lần quan hệ bất chính với một số nữ minh tinh trong ngành giải trí của Trung Quốc.
Bài báo cho biết sư phụ cặp bồ với một nữ sinh viên của Đại học Bắc Kinh, tên là Lý Tịnh Thanh, cô nầy có con và hiện đang sống ở Đức.
Tờ El Periodico còn tiết lộ, nhà sư nầy có nhiều biệt thự ở Mỹ, Đức và một tài khoản lên tới 300 triệu tệ, ở các ngân hàng nước ngoài.
Đương nhiên là phát ngôn viên của chùa Thiếu Lâm sẽ cho rằng tất cả đều là bịa đặt, vu cáo, cố ý làm hại trụ trì Thích Vĩnh Tín, vì ngứa mắt trước những việc làm của ông trong thời gian gần đây. Đó là ông tranh luận gắt gao với các quan chức địa phương, về việc chia tiền thu hoạch được trong dịch vụ du lịch, theo tỷ lệ 3/7. Thiếu Lâm lấy 3, chính quyền lấy 7.
Trang mạng Sohu cũng nêu lên những vụ tranh chấp đất đại giữa Thiếu Lâm Tự, với những người dân địa phương. Sohu còn nêu việc cửa hàng bán xúc xích lấy tên Thiếu Lâm Tự đã bị đóng cửa, theo yêu cầu của trụ trì nhà chùa.
Đó có thể là những nguyên nhân vu cáo nói trên.
Đây không phải là lần đầu tiên, trụ trì chùa Thiếu Lâm dính vào những tin đồn tai tiếng. Hồi tháng 5 năm 2011 dư luận xôn xao về việc trụ trì có dính líu đến việc giải sầu với gái bán hoa. Cuối năm đó lại xuất hiện vụ ông có người tình, và tài khoản 3 tỷ USD ở nước ngoài.
Trụ trì Thiếu Lâm Tự, Thích Vĩnh Tín bị tố phạm giới luật, là ăn thịt, uống rượu, và tà dâm.
Cô Lưu Lập Minh tung lên mạng Weibo, ảnh chiếc quần lót “có chứa tinh dịch của nhà sư”, đồng thời gửi bao cao su mà sư Thích Vĩnh Tín "từng sử dụng", cho bác sĩ để làm bằng chứng. Cô này nói 2 người đã có 20 lần quan hệ tình dục, tại các khách sạn trên khắp Trung Quốc.

  
Cô Lưu Lập Minh (trái) và một ni cô cùng đứa bé được cho là con của sư Thích Vĩnh Tín

Thích Vĩnh Tín là một nhà sư gây tranh cãi nhất ở Trung Quốc.
Năm 2009 truyền thông dậy sóng khi nhà sư khoe chiếc áo cà sa trị giá 160,000 tệ. Tân Hoa Xã dẫn lời của tờ Phượng Hoàng ở Hồng Kông cho biết, trong cuộc thăm dò dư luận với 5,000 người được hỏi ý kiến, thì 90% phản đối việc nhà sư có chiếc cà sa xa xỉ như vậy.
Hình ảnh nhà sư xử dụng iPad trong buổi hợp đại biểu nhân dân cũng gây nhiều tranh cãi.

   
Trụ trì Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín—phô trương hình thức bên ngoài giống như vua chúa.

8. Vén màn bí mật

Sau khi các võ sĩ Thái Lan khiêu chiến, trong cuộc họp báo, phương trượng Thích Vĩnh Tín tiết lộ về đời sống của võ tăng như sau:
Phương trượng cũng giống như tất cả những võ tăng khác, mỗi ngày lãnh 7 tệ (Khoảng 1 đôla). Tính ra thu nhập các khoản, mỗi tháng các võ tăng nhận từ 100 đến 200 tệ.
Cơm nước thì ngày 3 bữa, bữa sáng cháo trắng, hai bữa cơm chay theo kiểu Buffet gồm có mì, cơm, bánh bao và trứng luộc để cho chư tăng lựa chọn.

Hình Tổng giáo đầu Thích Diên Truyền

Các võ tăng phải tham gia vào những chương trình trình diễn võ thuật phục vụ du khách mỗi ngày 5 đợt, vào mùa đông thì ít hơn. Một số được phân công làm dịch vụ như bán vật lưu niệm, bán vé vào cửa.
Ngày nay Thiếu Lâm Tự ồn ào náo nhiệt hơn trước kia, du khách nam nữ được tiếp đón ân cần. Trước kia không cho phái nữ lên chùa, vì thế mới có trận đấu giữa Quách Tường với một đại sư trên đường cô đến chùa để tìm Dương Quá. Quách Tường là con gái của Quách Tĩnh-Hoàng Dung, sau trở thành chưởng môn phái Nga Mi.
Chưởng môn Thích Vĩnh Tín toạ thiền trong một phòng của toà cao ốc hiện đại. Có máy điều hoà không khí 2 chiều, nóng và lạnh. Kế bên đó, các sư phụ tá tất bật lo sắp xếp chương trình rất bận rộn hàng ngày của chưởng môn, bằng điện thoại di động và máy vi tính nối mạng.

 
Kết luận

Nhiều người cho rằng Thiếu Lâm Tự hoạt động kinh doanh, thương mại hoá, chạy theo lợi nhuận làm tổn hại đến việc tu học của các võ tăng, vi phạm vào các điều cấm về tham, sân, si của nhà Phật. Lôi ra toà, bỏ tù người xử dụng thương hiệu bất hợp pháp làm mất đi đức hiếu sinh và lòng từ bi của Phật môn.
Phương trượng vân du tứ hải bằng xe xịn có tài xế riêng, được xem như một nhà sư chính trị, kinh doanh. Trước đó, dư luận từng xôn xao sau khi Hòa thượng Thích Vĩnh Tín sở hữu chiếc áo cà sa Vân Cẩm bằng vàng thật, trị giá 160,000 tệ, (khoảng 23,000 USD). Trên mạng Internet từng xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích “các nhà sư Thiếu Lâm Tự sống xa hoa, lo làm ăn kinh doanh, buông lỏng kinh sách…”.
Thương trường cũng là một trận chiến với nhiều âm mưu thủ đoạn để bảo vệ và phát huy thương hiệu.
Một số tăng sinh vào chùa với giấc mơ đổi đời mà thần tượng là Lý Tiểu Long (Bruce Lee), Lý Liên Kiệt (Jet Li), Thành Long (Jackie Chan) hơn là tu tập Phật Giáo.
Các sư phụ bung ra mở trường tư thục dạy võ, cho nên không muốn ai nhắc đến ý niệm về tứ đại giai không nữa.
Giáo sư về hưu của trường Đại học Bắc Kinh, ông Chu Hiếu Chính, đã cực lực phê phán cách điều hành của chùa Thiếu Lâm, ông cho rằng Thiếu Lâm đã đi quá đà trên con đường tìm kiếm lợi nhuận, ông nói: “Không nên điều hành một ngôi chùa như một doanh nghiệp. Chùa chiền phải là nơi để tín đồ gởi gắm tâm linh. Biến chùa chiền thành chỗ kiếm tiền là hoàn toàn sai trái”.
Trúc Giang MN
Minnesota ngày 26-6-2022


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top