Khi một Ông Tây Viết Về HÀ NỘI.
Em thân yêu!
Anh tới Hà Nội đã được hai tuần rồi. Chắc em cũng biết, hai tuần trong đời một con người không đáng là bao, nhưng em cứ tin rằng hai tuần ở đây mang lại cho anh nhiều cảm xúc hơn hai mươi năm ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thế giới của chúng ta rộng lớn và kỳ lạ, và Hà Nội có cả hai đặc tính đó, đã vậy còn kỳ lạ và rộng lớn một cách vẻ vang.
Đấy là một thành phố không lớn lắm em ạ, nhưng rõ ràng ai sống ở đấy cũng tự hào. Sự tự hào này có nhiều cách diễn đạt, ví dụ như có rất nhiều món ăn kiêu hãnh mang tên Phở Hà Nội, ô mai Hà Nội, bánh Trung Thu Hà Nội… Nhưng chủ yếu người đi đường thích nói mình là người Hà Nội. Có lẽ đấy là thành phố duy nhất có người trí thức, người nông dân, người nhập cư, người vãng lai và người Hà Nội.
Thành phố này có một khi hậu tuyệt vời, không nóng và không lạnh, không quá nắng và cũng không quá mưa. Và có sự âm thầm rất khó tả. Nếu nửa đêm, em có dịp đi bộ trên vỉa hè, nghe rõ từng tiếng bước chân mình và nghe lá cây trên đầu xào xạc, mùi hoa sữa (rất giống sữa tươi!) bay bay, cam đoan em sẽ có một cảm giác lâng lâng đến nghẹn ngào.
Kiến trúc ở đây có cổ kính, có hiện đại, có nửa cổ kính, nửa hiện đại, thậm chí có cả sự pha trộn cực kỳ phong phú ví dụ như cái cột thì cổ kính còn cái mái thì hiện đại. Điều ấy rõ nhất ở những vùng mới xây dựng ven đê. Đến nỗi anh vô cùng hối tiếc khi ngày xưa mình đã mất tiền đến Hy lạp và đến La mã để xem các công trình. Chỉ cần đến Quảng Bá là thấy tất cả.
Anh hay lang thang một cách hào hứng trên những con phố cổ ở trung tâm. Lang thang bằng đôi chân của mình vì đấy khéo là cách tốt nhất để nhẩy, để chạy, để nhón gót hoặc để luồn lách qua đủ các thứ xe cộ, quang gánh, hàng quán la liệt, phong phú, rực rỡ, lộn xộn, lơ lửng ở tứ phía.
Em sẽ không khi nào tưởng tượng nổi người ta có thể chất nhiều thứ đến thế và trưng bày nhiều thứ đến thế trên một vỉa hè nhỏ hẹp đến thế. Nếu anh là chủ một con tàu vượt đại dương, anh thề sẽ mời một người dân Hàng Ngang hay Hàng Đào làm thuyền trưởng vì ông ta có thể xếp một triệu khách lên một con tàu có sức chở một trăm người.
Tuy đi lại vất vả như thế, anh không khi nào thấy mệt em yêu ạ, vì chỉ cần di chuyển vài mét là anh có thể ngồi xuống, nghỉ ngơi ở một quán nước trà trên vỉa hè. Ai cũng tưởng trà đạo của Nhật là vô địch. Họ nhầm. Trà chén ở Hà Nội đúng mới là một tôn giáo thực sự.
Từ thanh niên đến ông già, từ ông xích lô đến ngài tiến sĩ đều có thể cầm cái chén bé xíu trong tay, ngồi cả ngày và uống kiên nhẫn từng giọt trà một (bởi nếu không uống từng giọt thì chả có cách nào ngồi lâu tới vậy!). Khi ngồi xuống đấy, qua các câu chuyện khách khứa trao đổi với nhau, anh cũng biết được toàn bộ tình hình Trung Đông, giá vàng, giá đô la, ai sắp làm tổng thống Mỹ và ai sắp trở thành hoa hậu. Rõ ràng đấy không phải là một quán nước thông thường, mà là những trạm phát thanh, do những người thành thạo, có tâm huyết đảm nhiệm một cách tình nguyện. Thậm chí, anh còn tin rằng, nếu em phản bội anh, đi với kẻ khác tại Paris, thì chỉ cần ngồi ở một quán nước vỉa hè anh cũng biết, vì chỗ này có đủ mọi tin tức trên đời, đã thế còn lan truyền cực nhanh.
Nếu không đi bộ thì anh đi xe. Thành phố này người ta dùng xe máy để đi và xe hơi để khoe, vì đi xe hơi có thể chậm hơn đi xe máy rất nhiều nhưng nhiều người vẫn mua với mục đích ra “oai”.
Anh không nhớ “oai” dịch ra tiếng Anh như thế nào nhưng ở tiếng Việt, từ ấy rất quan trọng. Tuy “oai” không phải thức ăn, không phải nước uống, càng không phải quần áo nhưng nhiều người thà không ăn, thà không uống, thà không mặc quần áo chứ cương quyết không “oai”. Họ có khả năng dành dụm, tích cóp, phung phí bất tận cho “oai” chứ không cho bất cứ gì khác.
Đi xe máy ở Hà Nội, theo anh, quan trọng nhất không phải cần biết luật giao thông, mà chỉ cần biết bấm còi và không giật mình khi nghe đứa khác bấm còi. Ngày đêm, tiếng còi xe vang vang trên từng góc phố, từng hàng cây, từng con đường, trở thành một bản nhạc hùng vĩ, bất tận. Anh có cảm giác bây giờ mà hạ cánh xuống Paris không nghe tiếng còi nữa, anh sẽ nghĩ đấy là một thành phố ma. Cũng như tất cả các thành phố hiện đại khác, ở Hà Nội có kẹt xe, và cũng như tất cả người dân khác, khi kẹt xe người ta phải nhăn nhó. Nhưng với tính sáng tạo bẩm sinh và khả năng nhanh nhẹn cao độ, dân Hà Nội lúc kẹt xe không ngồi im đọc sách hoặc cầu nguyện.
Họ phi lên vỉa hè, phi vào các ngỏ nhỏ và nếu có thể "phi" lên cả ngọn cây. Ai cũng phi và ai cũng tìm cách lách nhanh hơn người khác cho nên sự kẹt xe thường được tự giải quyết rất gọn gàng. Anh đặc biệt thích những lúc trời mưa, khi mà ngồi trên xe máy nước ngập ngang đùi, thỉnh thoảng có cảm giác một chú cá chạm vào chân, chưa khi nào ở trong thành phố mà anh gần thiên nhiên đến thế. Đã xuất hiện những tin đồn khi phố thành sông, có nhiều người đi làm về chỉ cần rũ ống quần là có nửa ký cá rơi ra, không cần mua ở chợ. Những người may mắn còn vớ được cả lươn. Còn ếch nhái thì nhiều vô kể. Nhưng ếch nhái thì tính làm gì?
Kỷ niệm sâu sắc nhất khi ở đây có thể xảy ra rất hồn nhiên, rất bất thình lình và rất đời thường lúc ta đến các tiệm ăn. Hà Nội có rất nhiều tiệm ăn, và có nhiều món ngon khủng khiếp, được chế biến cầu kỳ, truyền từ đời nọ sang đời kia.
Nếu như ở châu Âu, tới tiệm ăn phải đặt chỗ trước thì ở Hà Nội chỉ cần phải chuẩn bị tinh thần. Ở các tiệm ăn này, tiền bạc không là gì cả, chỗ ngồi không là gì cả, khách khứa cũng không là gì cả mà bà bán hàng là tất cả. Bà ấy có thể tươi cười (điều này khá hiếm) bà ấy có thể hầm hầm và mắng mỏ xa xả (điều này khá thường xuyên). Khách ăn không hề tự ái, và cũng không được tự ái bởi không ăn thì “biến” để đứa khác ăn.
Nhân tiện nói thêm "biến" là một từ rất phổ biến ở đây. Ta có thể bị kẻ khác hô “biến” ở bất cứ chỗ nào, kể cả lúc chia tay với người yêu. Nhưng chắc em cũng hiểu, phần lớn anh không biến vì anh đâu phải là thần thánh, anh chỉ đứng sững sờ.
Tất cả những chi tiết ấy chỉ chứng tỏ ẩm thực Hà Nội cực kỳ tinh tế và ngon miệng. Nó tinh tế đến mức để thưởng thức nó, khách hàng sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời gian, sức lực và đôi lúc cả danh dự của mình. Những món ăn này đã vượt lên trên những giá trị thông thường, trở thành thiêng liêng đến mức mọi thứ khác đứng cạnh đều trở nên tầm thường.
Nếu ở Paris, sau khi dùng bữa, hai đứa mình gọi hai cốc cà phê thì ở Hà Nội, hai đứa có thể ra “trà chanh chém gió”. Điều phi thường là thứ nước ấy chả có trà cũng chả có chanh. Nó có gì thì quỷ sứ cũng không biết nhưng ai uống cũng vung tay chém vào không khí trên vỉa hè khiến muỗi bay tán loạn. Ở các quán trà chanh này nếu anh có bảo mình là Tổng thống Pháp chắc cũng có người tin và nếu không tin cũng chả ai cười, vì ở đây mọi người đều có chức vụ cao hoặc quen với ai đó chức vụ cao.
Nói tóm lại, sau một ngày đi bộ, đi xe, ăn uống và chém gió, anh đã cảm thấy nhịp sống trẻ trung, say sưa, đầy sôi động của Hà Nội. Và anh nghĩ mình rất khó xa nơi đây, mình yêu nó từ lúc nào như yêu một cô gái dễ thương, vừa đỏng đảnh, vừa ngây thơ vừa phá phách, vừa nhí nhảnh vừa cau có, quyến rũ vô cùng.
Anh hy vọng em bỏ hết mọi thứ, bay sang đây với anh, và hai đứa sẽ nắm tay nhau đi dưới hàng cây, để hoa sấu (tên một loại hoa sinh ra quả vừa ngọt vừa chua) rơi lên tóc.
Anh của em