Những “Mùa Trồng Cây” ở Đà Lạt thập niên 1950

Du Lịch

Những “Mùa Trồng Cây” ở Đà Lạt thập niên 1950



Mỹ từ “thành phố trong rừng” dành cho Đà Lạt có từ các bản quy hoạch và những quy tắc quản lý điền thổ, các quy định xây dựng, chỉnh trang, kiến trúc, sang nhượng bất động sản thời Pháp thuộc. Ngoài điều ấy ra, nỗ lực để gìn giữ một nề nếp sống gắn với thiên nhiên, qua từng thời kỳ đã có những chương trình cụ thể. Ví dụ, chỉ nhắc đến khoảng hai năm 1957-1958, Thị trưởng Đà Lạt Trần Văn Phước đã có những nỗ lực cải thiện mỹ quan qua Mùa Trồng Cây.
 

Tô điểm thành phố bằng thông, anh đào, khuynh diệp…


Trước đó, trong những chuyến công du và nghỉ mát tại Đà Lạt, Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã nhiều lần nhắc nhở Tòa Hành chánh Đà Lạt phải tổ chức trồng thêm cây xanh trên những ngọn đ ồi trong thành phố, đồng thời lưu ý dân ở những trại di cư (1954 – 1958) không được tự ý chặt phá rừng.
Mùa Trồng Cây bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11, vào thời điểm cuối mùa mưa kéo dần sang mùa khô lạnh. Kể từ năm 1957, được các tài liệu lưu trữ mô tả lại khá sinh động.

Năm 1957
Sáng sớm ngày 22/10/1957, khoảng 2.000 người dân với các nông cụ trên tay, đứng dọc theo đường Nguyễn Hoàng tự nguyện tham gia Mùa Trồng Cây. Trong đó, có một số tổ chức: Chi đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia, hướng đạo sinh, công chức, Phong trào Cách mạng Quốc gia Thành bộ Đà Lạt, dân vệ, công dân vụ, học sinh và giáo viên, cộng đồng Hoa kiều…
Năm ấy, kế hoạch trồng cây được tập trung vào vài quả đồi quanh bờ hồ Xuân Hương và khu nghĩa trang.

https://i.imgur.com/CnyohNd.jpg
Người Đà Lạt tham gia trồng cây năm 1957. 

Trước đám đông dân chúng vui vẻ hưởng ứng một hoạt động mà họ nghĩ rằng có ý nghĩa đối với đời sống thành phố, ông Hạt trưởng Hạt Thủy lâm qua bài diễn thuyết, cũng làm rõ hơn về lợi ích của cây xanh với mỹ quan, sức khỏe cư dân và nhấn mạnh về công cuộc bảo vệ lâm phần. Tiếp đó, ông Tổng thư ký Tòa Hành chánh Đô thị thay mặt Thị trưởng Phước đọc huấn từ truyền đạt những chủ trương xuyên suốt trong xây dựng một nếp sống tốt lành của đô thị qua ứng xử hài hòa với tự nhiên, kêu gọi ý thức cải tiến dân sinh căn bản phát triển cộng đồng và ca ngợi những người tham gia hoạt động tự nguyện này.
“Sau đó, từng lớp người tràn lên nghĩa-trang, theo chân ông Tổng-thư-ký, vui-vẻ hăng-hái đào đất trồng cây. Chỉ trong khoảnh-khắc, những núi đồi trơ-trọi buồn-thiu đã được tô-điểm bằng những hàng thông non xinh đẹp”. 
 

1957

Mùa Trồng Cây năm 1957, tại nghĩa trang Đà Lạt đã có thêm 6.000 cây xanh, trong đó có 50 cây khuynh diệp. Cuộc vận động với sự hưởng ứng rất cao của người dân trong thành phố năm đó; đã làm lợi cho công quỹ khoảng 30.000 đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa) theo ước lượng của Hạt Thủy lâm.
Ngoài trồng cây, vào thời gian này, nhóm 2.000 người dân và đoàn thể tình nguyện trong thành phố nói trên cũng đã dọn vệ sinh sạch sẽ trên 60 cây số đường và các công sở trong thành phố. Phố chợ, cửa nhà, ngõ hẻm tươm tất. Người ta lại mang hoa treo lên những ban công, dọc các lối ẩm ướt, rêu và cây được cắt tỉa. Thành phố như lột xác sau những cuộc kêu gọi của chính quyền được người dân hưởng ứng cách tự nhiên.
Một tháng sau, chương trình trồng cây trên các ngọn đồi trong thành phố được tiếp tục. Rạng sáng 10/11/1957 người dân trong thành phố lại tụ tập về ngã ba đường Phù Đổng Thiên Vương và Bà Huyện Thanh Quan (Khu vực Vườn hoa Đà Lạt ngày nay) để bắt đầu tham gia thực hiện trách nhiệm của họ. Những ngọn đồi quanh bờ hồ Xuân Hương và trên đường đi Ankroet sau đó được phủ xanh bằng 9.400 cây thông. Lần này, người dân Đà Lạt đã tiết kiệm ngân sách cho chính quyền thành phố đến 61.050 đồng. Nhưng điều quan trọng nhất, họ xem đó là một ngày hội thực sự vì làm giàu có cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và đóng góp cho mỹ quan thành phố. Cư dân hiểu rằng, thiên nhiên làm nên giá trị và chất lượng đời sống của họ.
Những năm sau đó, chương trình Mùa Trồng Cây vẫn được tiếp tục cho đến 1963, sau đảo chánh, tình hình Đà Lạt rơi vào rối ren và chương trình này phải gác lại.
 

Năm 1958

Tháng 7 năm 1958 chương trình Mùa Trồng Cây được tổ chức quy mô hơn, vẫn với sự hướng dẫn của các chuyên viên Hạt Thủy lâm. Lần này, ngoài thông, khuynh diệp thì mai anh đào (khoảng 2.000 gốc) được trồng trên các con đường Phù Đổng Thiên Vương và Bà Huyện Thanh Quan. Có 7.850 gốc thông và anh đào mới được trồng, tiết kiệm 17.270 đồng công quỹ.
https://i.imgur.com/0L867Cr.jpg
Ghi chép đốn cây thông tại đồn Hurlevent Đà Lạt. 

Một tháng trước đó, ông Thị trưởng Đà Lạt cũng hân hoan báo tin với Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm rằng dân thành phố của ông đã trồng thêm 5.850 cây thông và 2.150 cây anh đào. Những gốc anh đào già và những bóng thông trên các con đường ven hồ tạo nên cảnh sắc lãng mạn của ngày hôm nay, rất có thể là thành quả của hai Mùa Trồng Cây 1957 và 1958. Nó là những dấu chỉ yêu thương còn lại của những thị dân cũ tỏ bày với đô thị của mình; là dấu vết tồn tại đầy ý nghĩa của họ trên thành phố cao nguyên.
Hai Mùa Trồng Cây cho thành phố Đà Lạt đã khơi gợi trong người dân một cảm thức gắn kết với giá trị nền tảng của đô thị mà họ đang sinh sống; cũng là cách hình thành nơi họ những ứng xử đúng mực trong tương quan với thiên nhiên. Nếu đánh mất tương quan ấy, họ biết mình sẽ vong thân dù có đang tồn tại ở đây, thuần túy trên phương diện vật lý.
 

Đốn thông thì phải trồng bù

Chuyện đốn cây để xây dựng những công trình công cộng cũng có xảy ra. Tuy nhiên, trước mỗi dự án có sự can thiệp đến môi trường như vậy, thì thành phố phải có tờ trình gửi lên Tổng thống. Có thể kể đến, đầu năm 1960, việc đốn cây thông tại đồn Hurlevent Đà Lạt đã được báo cáo và kiểm tra rất nghiêm ngặt.

Đợt đốn cây này là do yêu cầu của Công ty Thủy điện đề nghị để đưa đường dây điện cao tần vào biệt thự Hurlevent và mở rộng không gian dọc theo đường dây điện thoại. Thời gian này, nhân viên Đài Phát thanh cũng đốn một nhóm thông để dựng trụ sắt phát sóng. Mười chuyên viên Hạt Thủy lâm làm cuộc thống kê lúc đó, đếm số và ghi chép từng gốc cây còn lại, tổng cộng là 1.579 cây.

Cây đốn được báo cáo chi tiết là: có đường kính từ 40cm trở lên: 45 cây, đường kính từ 20-40cm: 196 cây, đường kính 10-20cm: 620 cây và từ 5 đến 10cm: 718 cây.

https://i.imgur.com/AJtVmQG.jpg
Nhân viên Hạt Thủy lâm chỉ dẫn về việc trồng cây quanh bờ hồ Xuân Hương

Tờ trình còn phân tích số cây đốn trên được Đài Phát thanh Đà Lạt sử dụng một phần xây đồn bảo an, giữ cơ sở và làm hàng rào xung quanh biệt thự hết độ 35 thước khối còn dư bỏ tại chỗ.

Ông Bộ trưởng Canh nông Lê Văn Đồng còn ký xác nhận việc đốn thông ở đồi Hurlevent do nhân viên Đài Phát thanh yêu cầu và chính quyền địa phương đã thỏa thuận vì nhu cầu kỹ thuật cần thiết, không có sự lạm dụng cơ hội để đốn quá nhu cầu, không có sự sử dụng gỗ đốn được để thủ lợi riêng. Ông Thị trưởng Đà Lạt sau đó cũng buộc phải có tờ trình Tổng thống Diệm về việc đốn thông này và đồng thời cũng có đề xuất trồng mới để bù vào số cây đã đốn qua việc làm con đường lên Pic Langbian. Ông phải vận động dân chúng trồng khoảng 800 cây thông ven đường, ngoài ra còn “trồng cây chung quanh Chợ Mới và tuân hành chỉ-thị của Tổng-thống về việc chỉnh-trang khu nầy”.

Rừng thông trong thành phố trong một giai đoạn ngắn đã được tích lũy và kiểm soát một cách chặt chẽ, cộng hưởng sự tự giác từ phía người dân và quy định của chính quyền thời Đệ nhất Cộng hòa. Điều này đã góp phần làm nên cảnh trí thiên nhiên và làm gia tăng giá trị đô thị cho Đà Lạt ngày hôm qua.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (báo Người Đô Thị)

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top