• Trần Nguyên Thắng: Triết lý Ba Không  tại Nikon, Nhật Bản

Du Lịch

• Trần Nguyên Thắng

Triết lý Ba Không 

ti Nikon, Nht Bn



Khỉ mẹ phóng tầm mắt lo xa cho tương lai cho con

Toshogu là ngôi đền Thần Ðạo thờ Tướng Quân Tokukawa Ieyasu (Ðức Xuyên Gia Khang), một vị Shogun nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản vào thế kỷ 17. Phong thái kiến trúc của đền hết sức nguy nga rực rỡ, cộng lẫn với các triết lý văn hóa riêng biệt của thành phố Nikko. Một trong những điểm triết lý văn hóa nổi tiếng, lan truyền khắp nơi trên thế giới được phát xuất từ ngôi đền Toshogu, là hình ảnh “ba chú khỉ: một chú lấy hai tay che mắt, một chú bịt hai tai, và một chú bụm miệng” được điêu khắc trên gỗ.
Đến du ngoạn Ðền Toshogu, sau khi bạn đi qua hai cổng thần đạo Tori, cũng chính là lúc bạn đặt chân đến “Chuồng ngựa thần” của đền. Ðây là nơi ở của các con “Ngựa thần” được ban tổ chức đền tuyển chọn để diễn hành trong các dịp lễ hội. Chuồng Ngựa thần được xem như là một kiến trúc sơ sài nhất trong khu vực đền thờ, nhưng lại là nơi có điểm văn hóa hết sức phong phú của đền thờ. Nếu không có người hướng dẫn, du khách dễ dàng bỏ lỡ dịp sự thưởng ngoạn điểm kiến trúc này. Nhớ lại lần đầu tiên đến viếng đền Toshogu, tôi ngẩn người khi nhìn thấy các tấm tượng gỗ đẽo khắc hình ảnh miêu tả về sinh hoạt của đàn khỉ được trang trí chung quanh mái chuồng.



Khỉ mẹ dạy khỉ con “Không nghe điều xấu – Không nói điều xấu – Không nhìn điều xấu”.

Ðó là tám tấm gỗ được đẽo khắc diễn tả về hành trình đời sống của một gia đình khỉ. Nghệ nhân người Nhật Hidari Jingoro thời đó đã nhân cách hóa con cháu “Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không” để diễn tả về kiếp nhân sinh của con người.
Từ các bức tranh gỗ trên, người nghệ nhân đã gửi gấm triết lý về đời sống nhân gian qua hình ảnh của gia đình khỉ. Trong số đó, hình ảnh “ba con khỉ che mắt không nhìn – bịt tai không nghe – bụm miệng không nói” là nổi bật nhất, lấn át đi toàn thể ý nghĩa của bảy tấm tranh kia. Tuy vậy, người ta chỉ thấu hiểu được toàn bộ ý nghĩa triết lý sống đó, khi chúng ta thưởng ngoạn qua tất cả hình ảnh của 7 tấm gỗ còn lại.
Hình ảnh của tấm gỗ thứ nhất là hình ảnh khỉ con sau khi lọt lòng mẹ, nó lúc nào cũng sống ôm theo vòng tay Khỉ mẹ, đôi mắt lúc nào cũng hướng nhìn khỉ mẹ. Đây chỉ là điều tự nhiên của đời sống vì đứa con lúc nào cũng bám vào sự che chở của cha mẹ khi chúng còn bé thơ. Nhưng chính điều này làm cho khỉ mẹ lo âu cho ngày trưởng thành của con mình, cha mẹ nào cũng luôn luôn “phóng tầm mắt” lo nhìn tương lai xa cho đàn con.



Khỉ con khôn lớn và tự lập, không cần đến mẹ nữa.

Hình ảnh của tấm gỗ thứ hai miêu tả về sự giáo dục của khỉ mẹ với con. Bà nhìn tương lai xa cho con, nhưng bà giáo huấn cho con những điểm thực dụng đời sống để khỉ con bước vào đời với con đường bằng phẳng, không bị những nhọc nhằn ganh ghét, dễ bị các điều kiện bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý tạo ra những khổ sở lo âu, tự ti mặc cảm, và dễ đem đến sự tuyệt vọng của đời sống của con.
Khỉ mẹ cố gắng dạy khỉ con ba điều “không nhìn các điều xấu xa” – “không nghe các điều xấu xa,” – “không nói các điều xấu xa.” Ðó chính là ý nghĩa thực dụng của các hành động khỉ bịt tai, che mắt, và bụm miệng lại. Hành động bịt tai lại không có nghĩa là Điếc, che mắt lại không có nghĩa là Mù, bịt miệng lại không có nghĩa là Câm.
Ðộng tác “che-bịt-bụm” của ba con khỉ thực ra chỉ là hình ảnh của chú khỉ con. Chú không mù mà phải sống như là “không nhìn thấy” những điều tồi tệ. Nếu có “Nhìn thấy” những sự xấu xa ghen tỵ của đời sống thì trong Tâm như không thấy!


Khỉ con trưởng thành, háo thắng tự phụ vênh mặt nhìn đời.

Chú không điếc mà phải sống như “không nghe” những điều hung dữ. Tuy nhiên, Nghe những lời xấu xa đồn đãi nhưng những thông tin này chưa được kiểm chứng thì trong Tâm như không nghe!
Miệng chú không câm nhưng chú “không nói’ hay loan tin những lời đồn đãi, chú chỉ nói những điều tốt hướng thượng, có kiểm chứng rõ ràng. Nói ra những lời xấu xa mà chính mình không tận mắt thấy, không nghe tận tai, không được kiểm chứng thì Tâm thiện không cho phép Nói!
Khỉ mẹ muốn con mình bước vào đời sống với một Tâm thức an bình, tâm an vạn sự an! Không muốn đời sống con mình bị trôi nổi theo sự lo âu sợ hãi, bị lôi cuốn theo sự đồn đãi dư luận đời sống xã hội chung quanh.
Hiện tại, con người càng ngày càng bị lôi cuốn vào ma trận Internet. Những Youtube, Facebook, Messages, các thông tin của báo-chí lá-cải càng ngày càng bị một thiểu số lợi dụng quá nhiều, đưa con người đến mê hồn trận của lo âu, sợ hãi vì tin đồn nhảm nhí. Tại sao người ta lại phải lo âu sợ hãi khi nghe/đọc một tin tức mà chưa có một cơ quan chính phủ kiểm chứng cho ra thông tư hoặc ban hành thành luật? Tại sao người ta phải hoảng loạn đầu cơ tích trữ chỉ vì một tin đồn? Người ta quên rằng mỗi khi xã hội hoảng loạn, đó là thời cơ tốt nhất cho các gian thương xuất hiện, từ gian thương chợ búa cho đến gian thương các ngành chuyên môn.


Khỉ con chán chường sau những thất bại trong đời sống.

Đã đến lúc con người phải vận dụng trí tuệ của mình để thóat ra khỏi ma trận Internet như đã nói trên. Triết lý “Ba điều Không của khỉ mẹ” sẽ giúp chúng ta trở lại với sự an bình của chính mình. Không xem/đọc những thông tin của bất cứ cá nhân nào loan truyền, ngoài các thông tin chính thức từ chính phủ. Không Nói hay loan truyền những thông tin mà mình không biết, không hiểu. Chúng ta hãy kiểm chứng và xác thực lại các thông tin trước khi mình gửi đến những người khác! Chúng ta đừng vô tình tiếp tay cho sự những con buôn kinh tế chính trị, cho những kẻ tự tôn hiểu biết, cho những kẻ chỉ vì đồng tiền lợi dụng thời cơ nhằm tạo ra sự hoảng loạn xã hội.
Ngoài bức tranh “Khỉ bịt tai – che mắt – bụm miệng,” các bức tranh kế tiếp trên chuồng ngựa thần, tôi cho là cũng quan trọng không kém. Đây là sự diễn tiến trong đời sống chú khỉ con. Khỉ mẹ dạy chú là một chuyện, nhưng chú ngày một lớn, tự lập lấy một mình. Chú ngước mặt nhìn trời, có lẽ lúc ấy chú háo thắng “coi trời chỉ bằng cái vung,” thích “hành hiệp” vào đời sống thiên-hạ-sự. Chú mon men tình yêu với nàng khỉ-gái-nhỏ-ngây-thơ, rồi khi thất tình lục dục lao đao. Chú lại thích được “dại khờ” như Xuân Diệu.

“…Người ta khổ vì cố chen ngõ chật
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào
Rồi bị thương người ta giữ gươm đao.
Không muốn chữa, không chịu lành thú độc.”



Khỉ con tương tư khi biết yêu

Nhưng rồi, không chỉ thất bại về tình yêu, mà trong đời sống còn có thêm những thất bại chua cay khác liên tiếp xảy đến cho chú, tạo cho chú những sự căng thẳng cùng cực. Trong cơn tuyệt vọng, chú tê tái ê chề nhìn xuống hố thẳm cuộc sống như đang muốn chôn vùi chú. Nhưng may mắn, chú được một chú khỉ bạn an ủi và khuyến khích chú đứng lên, đi chữa “lành thú độc vết thương” hằn trên tinh thần và thể xác của chú. Nhờ bạn bè, chú tự chủ đứng lên. Tuyệt vọng rồi cũng  qua đi.
Tôi yêu thích câu nói của một vị thiền sư, “Mọi chuyện đời sống rồi sẽ qua đi.” Nhiều khi mình mất đi điều này ngày hôm nay, tưởng như là sống trong hố thẳm tuyệt vọng. Nhưng nếu có ý chí, mai sau mình lại được hưởng những điều tốt hơn, may mắn và thú vị hơn trong đời sống.
Ðây là một trong những điểm mà tôi cho là rất quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật cho dù có thất bại như thế nào, bằng mọi giá và mọi cách họ đều cố gắng đứng lên bằng chính đôi chân của họ. Họ biết rõ, không ai ngoài chính họ mới giúp họ đứng lên được. Thất bại trong thế chiến thứ II, người Nhật đã sống trong tận cùng nghèo nàn và đói khổ. Họ đã nhẫn nại chịu nhục xây dựng đất nước, vươn lên đứng thẳng hùng mạnh như ngày nay và không một nước lớn nào có thể uy hiếp được họ. Các thiên tai động đất sóng thần của các năm 1995 Kobe và 2011 Fukushima càng làm cho họ chứng tỏ được tinh thần Võ Sĩ Ðạo tiềm tàng trong tinh thần Nhật Bản. Trong tâm tư, tôi vẫn cho sự tinh túy cao nhất của các bức tượng về kiếp sống “khỉ” là hình ảnh chú khỉ-bạn khuyến khích chú khỉ-con vươn sức đứng lên. Người Nhật có sức mạnh của một nụ cười thầm lặng.


Sau thất tình và thất bại, khỉ con đứng lên làm lại cuộc đời! Cuộc sống tươi đẹp hơn. 

Trong ngôn ngữ Nhật Bản, khi bạn không nhìn thấy sự vật thì được gọi là “Mizaru.” Nếu bạn bị lãng tai hay không nghe thấy âm thanh quanh bạn thì đó là “Kikazaru,” còn nếu bạn bị cứng họng vì bất cứ lý do gì thì bạn sẽ là người đồng hành với hòa thượng “Nói Không Ðược/Không Ðược Nói” trong tiểu thuyết Kim Dung, tiếng Nhật viết là Iwazaru. Vì thế “Mizaru – Kikazaru – Iwazaru” trở thành một triết lý sống của xã hội Nhật, một phần giúp cho nước Nhật giữ được sự trật tự trong xã hội họ.
Hình ảnh “Không nhìn-Không nghe-Không nói các điều xấu” giúp cho đời sống tâm tư nhẹ nhàng hơn, không màng đến thiên hạ sự, nhưng vẫn hòa mình thoải mái vào mạch sống của dòng đời. Tấm tranh cuối cùng miêu tả hình ảnh thời gian trôi qua. Khỉ-con có mái ấm gia đình, yêu đời và ngồi nhớ lại lời dạy của Khỉ mẹ năm xưa. Vòng nhân sinh “mọi chuyện rồi sẽ qua đi và đời sống vẫn tràn đầy hy vọng”!
Nếu bạn đến du ngoạn Nhật Bản vào mùa Thu, chắc hẳn thế nào bạn cũng nên ghé đến thành phố Nikko, một thành phố mùa thu rực rỡ nổi tiếng nhất nước Nhật. Ở đây ngoài sự quyến rũ của màu sắc rực rỡ thiên nhiên mùa Thu, còn có ngôi Ðền Toshogu (Ðông Chiêu Cung) là một ngôi đền Thần Ðạo có kiến trúc đẹp nhất, tốn kém nhất và triết lý sống thực dụng nhất trong lịch sử Nhật Bản. (Trần Nguyên Thắng)


Khỉ con mang thai báo hiệu vòng luân chuyển đời sống.
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top