Tiến sĩ Tô Văn Trường
KÍNH CHIẾU YÊU!
Một người tu hành theo Phật pháp, lẽ thường xuất gia thì danh từ chung gọi là nhà sư như sư thầy, sư ông, tại gia gọi là cư sỹ, tu sỹ. Các từ đại đức (Bhadanta), thượng tọa (Sthavira – Thera), hoà thượng (Upadhyaya – Upajjhaya) vốn được dùng để tôn xưng một vị tu hành theo Phật giáo đã đạt thành quả nhất định. Về sau, những từ này trở thành tên các cấp bậc (giáo phẩm) khác nhau, do Giáo hội Phật giáo phong.
Khi các vị đại đức, thượng tọa học qua trường thì cũng được cấp học vị cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Như vậy, có thể hiểu, “sư”, “nhà sư” là cách nói dân gian chỉ người tu hành. Còn đại đức, thượng toạ, hoà thượng là giáo phẩm do Giáo hội Phật giáo phong.
Công dân Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) không nhận mình là sư mặc dù trên thực tế có thời gian ông đã ở chùa, lấy pháp danh Thích Minh Tuệ và trên thực tế đang tu tập theo Đạo Phật. Nhưng người nói tiếng Việt dùng từ “sư” gọi ông là đúng nghĩa. Không nhất thiết cứ phải thuộc “biên chế” của một chùa nào mới là sư. Tục ngữ chẳng đã có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” là gì?
Nhà sư Minh Tuệ chọn cách tu khổ hạnh (hạnh đầu đà), âm thầm miệt mài 6 năm qua đầu trần, chân đất, đi khắp mọi miền của đất nước chỉ ăn 1 bữa cơm chay vào buổi trưa , ngủ ngoài trời, không nhận tiền bạc, khiêm tốn xưng “con” với mọi người. Thích Minh Tuệ xuất hiện như một luồng ánh sáng chiếu kỳ lạ, đã soi thấu những hào quang giả tạo của giới tu “thích cúng dường” , “thích tí khí ” của một bộ phận không nhỏ Phật giáo hiện nay.
Trong Phật giáo Việt Nam thời hiện đại có thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi tiếng toàn thế giới. Nhưng tăng đoàn của Ngài không thuộc Giáo hội phật giáo Việt Nam. Nói theo công văn của Ban trị sự Giáo hội thì cả thiền sư Thích Nhất Hạnh và các đệ tử của Ngài cũng không phải là "tu sỹ phật giáo" vì không có trong danh sách tăng ni do Giáo hội quản lý.
Thầy Minh Tuệ là một hiện tượng, một năng lực, một nhân cách không tầm thường. Tuy nhiên, câu chuyện chính ở đây không phải là về sư Minh Tuệ, mà là về những bức xúc của dư luận lâu nay trước quá nhiều nhiễu nhương, tiêu cực trong giới tu hành buôn chùa bán Phật. Những nỗi niềm, khát khao của dân chúng về các vị chân tu và về đạo đức xã hội đã tích tụ đủ lớn để thành một kho xăng.
Nhưng ngọn lửa châm vào kho xăng ấy không phải là ngài Minh Tuệ mà lại chính là cái công văn tai hại của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam “quốc doanh”.
(27.5.2024)