Trump, Putin và Bolsonaro:
Khi sách lược “dân túy” chịu thua viruscorona
Khi sách lược “dân túy” chịu thua viruscorona
Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro không mang khẩu trang giữa đại dịch tham dự một cuộc mít tinh đông người ủng hộ ông ở thủ đô Brasilia ngày 31/05/2020. REUTERS - Ueslei Marcelino
Lẽ ra dịch đại dịch Covid-19 phải là thời khắc vinh quang cho các lãnh đạo theo xu hướng dân túy trên thế giới, có thể lợi dụng nỗi sợ hãi trong người dân trước hiện tại và tương lai để củng cố uy quyền. Thế nhưng, thực tế lại không diễn ra như vậy.
Trong một bài phân tích ngày 31/05/2020, mang tựa đề “Trump, Putin và Bolsonaro đã thấy rằng các sách lược dân túy của họ không phải là đấu thủ với virus corona - Trump, Putin and Bolsonaro find their populist playbooks are no match for coronavirus”, đài truyền hình Mỹ CNN đã nêu bật trường hợp của ba tổng thống Mỹ, Nga và Brazil - được cho là tiêu biểu cho trào lưu dân túy hiện nay – để ghi nhận rằng các chính sách dân túy mà họ áp dụng đã hoàn toàn thất bại trước con virus corona.
Bài viết nêu bật thực tế là cả ba vị tổng thống – Donald Trump tại Mỹ, Vladimir Putin tại Nga và Jair Bolsonaro tại Brazil – như đã hoàn toàn bất lực trước con virus đang tàn phá đất nước họ. Cả ba quốc gia đều rất lớn này đang có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với các trường hợp tử vong vì Covid-19 không ngừng tăng, trong lúc kinh tế lại phải gánh chịu hậu quả vô cùng năng nề.
Theo số thống kê mới nhất của trường đại học Mỹ Johns Hopkins, tính đến hết ngày 02/06, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus được xác nhận: 1.831.821 người, cũng như về số người tử vong: 106.181. Theo sau là Brazil, với 555.383 ca nhiễm và 31.199 người chết. Đứng thứ ba là Nga: 423.186 ca nhiễm, 5.031 ca tử vong.
Con “virus nhỏ” gây nên họa lớn
Tuy nhiên, sách lược thường nhật của các lãnh đạo này dựa trên “hù dọa, gây lo sợ và tuyên truyền” đã không hiệu quả trước con virus, trong lúc mà sự tin tưởng vào khoa học, tính chất minh bạch trong thông tin, việc kế hoạch hóa dài hạn lại có được người dân tin tưởng hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng vũ khí mả ông ưa chuộng: Twitter để vừa nỗ lực quy trách nhiệm cho Trung Cộng về tình trạng của đất nước ông, quảng bá loại thuốc trị mà hiệu quả chưa hề được chứng minh, và thúc ép thống đốc các tiểu bang dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Thế nhưng, những thông điệp qua Twitter cũng như cố gắng hù dọa của ông đã không ngăn chặn được virus.
Tổng thống Nga Putin thì vẫn sử dụng những mánh khóe tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cố hữu của ông để phô trương hình ảnh của một lãnh đạo đang kiểm soát đươc tình hình. Thế nhưng số ca nhiễm tại Nga tăng vọt đã cho thấy là virus đã vuột khỏi tầm kiểm soát của ông.
Còn tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thì đã lập đi lập lại thông điệp sai lệch là dịch virus corona chỉ là một “bệnh cúm nhỏ” không gây ra bất kỳ nguy cơ nào. Lập luận “cúm nhỏ” của ông Bolsonaro đã gây nên tai họa lớn khi số ca nhiễm ở Brazil vào cuối tháng 5 tăng 20.000 trường hợp mỗi ngày, vào lúc dịch bệnh tại nước này chưa đạt đỉnh.
Tóm lại, theo các chuyên gia được CNN trích dẫn, ba ông Trump, Bolsonaro và Putin, ngay từ lúc đầu đã cố tình làm giảm nhẹ nguy cơ dịch Covid-19, cho dù họ đã thấy rõ thảm kịch tại các nước như Ý. Giờ đây, họ lại cố cho thấy là đã khống chế được tình hình trong khi virus vẫn tiếp tục lây lan và giết chóc, điều đã phơi bày chỗ yếu của các lãnh đạo này.
Donald Trump: “Cứ bình tĩnh, dịch sẽ qua thôi”
Theo phân tích của CNN, việc cả tổng thống Mỹ lẫn Brazil không xem virus corona là một mối đe dọa, đã dẫn đến tình trạng các chính phủ của họ phản ứng chậm trễ.
Cũng như Bolsonaro, Donald Trump luôn luôn cho là virus corona không khác một bệnh cúm và thường xuyên khẳng định là mọi việc đều “trong tầm kiểm soát”. Đến khi rõ ràng là không phải như thế, tổng thống Mỹ vẫn nói là mọi việc rồi sẽ OK.
Mỹ đã sớm áp đặt một số giới hạn trong việc đi lại, bắt đầu bằng việc cấm những chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc từ 02/02. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 15/03, thì Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh mới đưa ra hướng dẫn đầu tiên về giãn cách xã hội. Chỉ 6 tuần lễ sau, số ca nhiễm virus đã vượt mức 1 triệu.
William Hanage, một nhà dịch tễ học tại Đại Học Harvard nhận định: “Việc giảm nhẹ nguy cơ của virus corona là hành động coi thường mọi thực tế thấy được tại Trung Quốc rồi tại các nước châu Âu về tác hại của dịch bệnh. Và điều đó rõ ràng đã góp phần làm suy yếu hành động đáp trả của ngành y tế công cộng…”
Bolsonaro: Dân tộc Brazil miễn nhiễm virus corona!
Tại Brazil, tổng thống Bolsonaro không những cho rằng virus sẽ không bao giờ đánh gục ông mà còn tin rằng người Brazil nói chung sẽ miễn nhiễm với virus corona.
Trong một phát biểu ngày 26/03, khi số ca nhiễm tại Brazil gần mức 3000 người, tổng thống Brazil không ngần ngại khẳng định: “Cần phải nghiên cứu người Brazil. Chúng ta không hề bị nhiễm bất kỳ cái gì. Nhiều người đã lặn ngụp trong nước thải mà có hề hấn gì đâu?”
Đến khi Brazil sớm đưa ra một số biện pháp, như cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số quốc gia bị dịch Covid-19, đóng cửa biên giới trên bộ, ông Bolsorano không bao giờ chấp nhận đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học và chính quyền của ông cũng chưa bao giờ đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho các bang để thực hiện việc giãn cách xã hội.
Trong thực tế, tổng thống Bolsonaro luôn phá hoại các hạn chế chống dịch mà chính quyền địa phương ban hành, tham gia biểu tình chống phong tỏa, không đeo khẩu trang, bắt tay dân chúng, ôm trẻ em.
Francisca Costa Reis, một nhà nghiên cứu về Brazil tại trung tâm nghiên cứu Leuven Centre for Global Governance Studies ở Bruxelles (Bỉ) phân tích: “Trong đối sách chống dịch bệnh, ông Bolsonaro vẫn tiếp tục phủ nhận mức nguy hiểm của virus, và không hề thay đổi chút nào”. Theo chuyên gia này, “ít ra thì giờ đây tổng thống Mỹ đã công nhận là có vấn đề”, còn Bolsonaro thì không.
Putin: Tuyên truyền bị phản tác dụng
Tình hình Nga hơi khác biệt so với Mỹ hay Brazil nhưng cũng có sai sót. Chính quyền Nga không hề hành động chậm trễ. Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào ngày 30/01, một hôm trước khi ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên, và thông báo biện pháp phong tỏa khi số trường hợp lây nhiễm còn chưa đầy 700.
Nhưng sai lầm của Nga là đã bỏ sót nhiều trường hợp nhiễm virus từ nước ngoài, cụ thể là từ Ý và Tây Âu, cũng như không ngăn ngừa được việc bệnh viện trở thành nơi phát tán virus. Việc thông tin yếu kém đã vô hiệu hóa một số kết quả của quyết định can thiệp nhanh chóng.
Phát biểu của ông Putin từ tốn, cẩn trọng hơn là Trump và Bolsonaro. Ông thường xuyên kêu gọi mọi người thận trọng, gọi virus corona là mối đe dọa thật sự, và không phủ nhận thực tế khoa học của virus. Nhưng vấn đề là tổng thống Nga vẫn áp dụng mô hình tuyên truyền kiểu cũ, bắt đầu bị phản tác dụng.
Vào cuối tháng 3, truyền hình Nga chiếu cảnh ông Putin đi thăm một bệnh viện mới được xây dựng để đối phó với virus, mặc một bộ đồ bảo hộ màu vàng, trong một màn trình diễn tuyên truyền điển hình nhằm mục tiêu phô diễn một lãnh đạo bình tĩnh trong một hệ thống y tế hoạt động tốt.
Nhưng chuyến thăm không hề khiến người Nga an tâm chút nào. Tổng thống Nga được thấy không hề mặc áo bảo hộ, bắt tay vị bác sĩ trưởng của bệnh viện, người sau đó đã bị xét nghiệm dương tính với virus. Điều đó chỉ làm dấy lên suy đoán rằng tổng thống đã bị nhiễm bệnh, và ông Putin đã phải tự cách ly trong tư dinh, điều hành đất nước thông qua hệ thống truyền hình.
Điện Kremlin đã phải cực lực phủ nhận việc tổng thống trốn "trong một bunker nào đó", một vụ việc đã đi ngược lại với hình ảnh người hùng mạnh mẽ mà ông Putin thích phô diễn.
Chuyến thăm của Putin cũng mâu thuẫn với các báo cáo ngay sau đó về tình hình thê thảm ở các bệnh viện của Nga. Bệnh nhân quá đông, nhân viên y tế phải làm việc quá sức, trong hoàn cảnh thiếu thiết bị bảo hộ. Một đoạn video về tình trạng các y tá tại một bệnh viện ở thành phố Derbent vào đầu tháng 5 là dấu hiệu cho thấy tình hình đã xấu đi như thế nào.