Doug Mills/The New York Times
THE PRESIDENT’S TAXES
Long-Concealed Records Show Trump’s Chronic Losses
and Years of Tax Avoidance).
By Russ Buettner, Susanne Craig and Mike McIntire
Sept. 27, 2020
HỒ SƠ ĐƯỢC CHE GIẤU NHIỀU NĂM CHO THẤY NHỮNG TỔN THẤT KHỔNG LỒ CÙNG NHIỀU NĂM TRỐN THUẾ
New York Times đã có trong tay giấy khai thuế của tổng thống Donald Trump trong 20 năm, cho thấy tổng thống Trump đang gặp khó khăn về tài chánh, dù đã khấu trừ khổng lồ, đang bị Sở Thuế audit và hàng trăm triệu tiền nợ đến hạn phải trả.
Bai 5: Giải pháp 20 phần trăm
Giúp Trump giảm thiểu tiền thuế phải đóng cho chính phủ là những khoản lệ phí tư vấn mơ hồ, một số có thể coi như là chị em sinh đôi với khoản thu nhập mà Ivanka Trump nhận được.
Xem xét kỹ các tài liệu về thuế của Tổ Hợp Trump, người ta phát hiện thấy một chi tiết đặc thù xuất hiện nhiều lần: Từ năm 2010 đến 2018, Trump khấu trừ 26 triệu đô la gọi tên chung chung là “Phí Tư Vấn” (Consulting fees) như một lọai chi phí doanh nghiệp. Chi phí này xuất hiện hầu như ở tất cả các thương vụ mang tên Trump.
Ở phần lớn trường hợp, chi phí tư vấn này chiếm 1 phần 5 (tức 20 phần trăm, do đó tiêu đề bài này có tên: Giải Pháp 20 phần trăm – ND) tổng thu nhập của ông ta: Ở Azerbaijan, Trump thu về 5 triệu đô la từ một dịch vụ khách sạn và khai chi phí tư vấn là 1.1 triệu; Ở Dubai, Trump thu 3 triệu với $630,000.00 chi phí tư vấn, và nhiều thương vụ khác cũng cùng một công thức như trên.
Những khoản thanh toán lớn và không rõ ràng trong các giao dịch doanh nghiệp thường bị đánh dấu nghi ngờ, nhất là ở những nơi mà việc hối lộ hay thói quen lại quả cho người môi giới thường hay xảy ra. Nhưng không có chứng cứ nào nghi ngờ Trump làm những việc như vậy, vì phần lớn các thương vụ giao dịch của ông ta chỉ liên quan đến việc cấp phép bản quyền “Trump marks” đến các dự án của người khác, và không liên quan gì đến việc phải chạy chọt để được sự chấp thuận của chính quyền sở tại cho một dự án doanh nghiệp.
Thực tế, dường như có một cách giải thích đơn giản hơn, gần gũi hơn cho nguồn gốc của ít nhất một số “chi phí tư vấn”: Trump giảm thiểu số lợi tức bị đánh thuế bằng cách lấy người trong gia đình ra đóng vai một chuyên viên tư vấn, rồi khấu trừ khoản chi phí ấy như là một chi phí kinh doanh.
Tên tuổi “chuyên viên tư vấn” không bắt buộc phải liệt kê trong các hồ sơ khai thuế. Nhưng chứng cớ của sự sắp xếp giả định ở trên được gợi ý từ việc so sánh các tài liệu thuế còn giữ kín của Trump với những bản báo cáo tài chánh công khai mà Ivanka Trump phải nộp khi cô này gia nhập đội ngũ cố vấn tham mưu tòa Bạch Ốc năm 2017. Ivanka báo cáo rằng, cô ta nhận được khoản tiền thanh toán từ một công ty tư vấn mà cô ta đồng sở hữu, số tiền là $747,622.00. Con số này giống hệt con số Tổ Hợp Trump khai chi phí tư vấn và dùng nó để khấu trừ lợi tức kinh doanh từ các dự án khách sạn ở Vancouver và Hawaii.
Eric, Ivanka và Donald Trump Jr. với thân phụ trong một buổi họp thông báo dự án khách sạn ở Vancouver năm 2013. Ivanka Trump có vẻ như vừa trực tiếp điều hành dự án này và một dự án khác ở Hawaii – với tư cách nhân viên ăn lương của Tổ Hợp Trump và vừa nhận thù lao với tư cách “chuyên viên tư vấn” cho cả hai dự án. Nguồn: Jonathan Hayward/ The Canadian Press/ AP
Ivanka Trump là viên chức điều hành (Executive Officer) của Tổ Hợp Trump. Các công ty từ Tổ Hợp Trump đã thu lợi nhuận và trả phí tư vấn cho cả hai dự án nói trên – có nghĩa là cô ta được Tổ Hợp Trump coi như chuyên viên tư vấn trong hai dự án khách sạn dưới quyền điều hành của chính cô, vì đó là một trong những công việc mà cô phải làm với tư cách là một viên chức điều hành trong doanh nghiệp của cha mình.
Khi được hỏi về khoản khấu trừ chi phí tư vấn này, luật sư của Tổ Hợp Trump, ông Garten đã không có lời bình luận nào.
Các công ty doanh nghiệp được phép khấu trừ chi phí tư vấn như là một loại chi phí phải tốn của doanh nghiệp, đồng thời cũng không bị bắt buộc phải giữ lại các khoản thuế như họ phải làm với những nhân viên ăn lương trực tiếp từ công ty. Theo quy định của luật thuế, để được coi là đủ tiêu chuẩn cho một chi phí doanh nghiệp, chi phí tư vấn phải chứng minh được là những chi phí “thông thường và cần thiết” (ordinary and necessary) thuộc về công việc điều hành hàng ngày của công ty; và khoản tiền chi phí phải hợp lý, phù hợp với giá cả thị trường. Người nhận được chi phí này sẽ vẫn phải trả thuế lợi tức trên số tiền thu nhập.
Sở thuế (IRS) đã từng áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt dân sự với những doanh nghiệp có ý đồ lợi dụng điều luật thuế này nhằm tránh né trả thuế bằng cách khai những con số chi phí tư vấn cao ngất trời, chi trả cho những người có quan hệ gia đình, chứ thật sự không phải là những người cung cấp dịch vụ độc lập. Một trường hợp tương tự đã xảy ra trong một bản án về thuế hồi năm 2011. Sở thuế từ chối không chấp thuận cho một công ty kế toán ở Illinois khấu trừ chi phí tư vấn 3 triệu đô la mà họ trả cho chính mình thông qua một doanh nghiệp tư vấn vệ tinh của công ty. Tòa án đã phán quyết rằng, các đối tác đã “cấu trúc” khoản chi phí này “để chia nhau lợi nhuận, chứ không phải để trả phí cho một dịch vụ”.
Không có một chỉ dấu nào cho thấy sở thuế đã đặt nghi vấn với việc Trump thường hay khấu trừ hàng triệu đô la phí tư vấn cho doanh nghiệp của ông ta. Nếu khoản tiền trả cho con gái Trump là tiền lương cô ta được lãnh, thì vẫn chưa rõ tại sao ông ta lại làm như vậy, nếu không vì mục đích man khai, hầu làm giảm nhẹ gánh nặng thuế lợi tức của mình. Ngoài ra, một khía cạnh pháp lý nguy hiểm hơn có thể áp dụng trong trường hợp này: Khoản phí tư vấn Trump trả cho Ivanka là một sự lươn lẹo Trump sử dụng để chuyển giao tài sản cho con mà không phải trả thuế biếu tặng (gift tax).
Một cuộc điều tra của New York Times hồi năm 2018 đã phát giác ra, cách đây mấy thập niên, người cha quá cố của Donald Trump là Fred Trump, đã sử dụng một số phương cách thiếu minh bạch để tránh không trả thuế biếu tặng, khi ông ta chuyển giao hàng triệu đô la cho các con cái. Tuy nhiên, qua xem xét những tài liệu thuế hiện nay của gia đình Trump, rất khó để quả quyết có một ý đồ nào khác trong những thủ thuật tài chính, mà trong đó chuyển giao tài sản trong gia đình là một yếu tố chính.
Mặt khác, trước sự kiện rõ ràng là một số chi phí tư vấn khai trong hồ sơ thuế của Trump giống hệt với thu nhập được khai bởi con gái ông ta, đã gợi lên những nghi vấn rằng, liệu có phải Trump đã dùng phương cách này để thưởng cho những người con tham gia trực tiếp vào doanh nghiệp của mình. Thật vậy, ở các trường hợp mà khoản lệ phí tư vấn rất lớn, những người hiểu biết và gần gũi với các dự án khách sạn nói trên cho biết, họ không gợi nhớ đến bất cứ một chuyên viên tư vấn bên ngoài nào nhận được khoản thù lao hậu hĩnh như vậy.
Về dự án khách sạn thất bại ở Azerbaijan, tai tiếng vì dính líu đến tham nhũng, hối lộ, một luật sư của Tổ Hợp Trump nói với báo The New Yorker rằng, công ty của Trump không có dính líu gì đến những tệ nạn trong vụ này, vì họ đơn giản chỉ là người cấp phép bản quyền, không giữ vai trò nào hệ trọng; ông còn thêm vào: “Chúng tôi không trả một xu nào cho bất cứ ai”. Tuy nhiên, hồ sơ khai thuế của 3 công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên Trump (Trump L.L.Cs) có tham gia trong dự án đó cho thấy, những khấu trừ chi phí tư vấn là 1.1 triệu đô la, đã trả cho một người nào đó.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một nhân vật có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dự án xây 2 tòa tháp Trump ở thủ đô Istanbul đã tỏ ra ngơ ngác, bất ngờ khi được hỏi về dịch vụ tư vấn (consultants) cho dự án, và trả lời New York Times rằng, không hề có bất cứ một dịch vụ tư vấn nào hoặc một đối tác thứ ba nào (third party) ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận được tiền thù lao từ Tổ Hợp Trump. Nhưng hồ sơ thuế cho thấy, con số khấu trừ thường xuyên cho các dịch vụ tư vấn lên tới 2 triệu đô la rải đều trong 7 năm.
Ivanka Trump khai trong hồ sơ bạch hóa với công chúng rằng, lệ phí mà cô ta nhận được, trả qua công ty trách nhiệm hữu hạn TTT Consulting, theo cô, công ty này cung cấp “dịch vụ tư vấn, cấp phép bản quyền và dịch vụ quản lý cho các đề án địa ốc”. Được sát nhập vào Tổ Hợp Trump ở Delaware tháng 12 năm 2005, công ty này là một trong một số các doanh nghiệp liên quan đến Trump, mang những cái tên na ná như TTT hoặc TTTT, chỉ dấu cho thấy có liên quan đến những thành viên trong gia đình Trump.
Cũng như hai người anh ruột của mình là Donald Jr. và Eric, Ivanka là một nhân viên thâm niên của Tổ Hợp Trump, giữ vai trò điều hành hơn 200 công ty lớn nhỏ của Tổ Hợp, kinh doanh chủ yếu vào việc cấp phép bản quyền, quản lý khách sạn và các đề án xây dựng khu giải trí. Hồ sơ thuế tiết lộ, ba anh em, mỗi người nhận được mức lương $480,000.00/năm. Sau khi Trump trở thành tổng thống, mức lương của họ được tăng lên 2 triệu đô la/năm – mặc dù Ivanka không còn được nhận lương nữa. Thêm vào đó, Trump từng thừa nhận, các con của ông ta đều có dính líu mật thiết đến việc điều đình, quản lý các doanh nghiệp của ông ta. Trong một vụ án hồi năm 2011, khi được hỏi, ai sẽ là người Trump tin cậy để điều hành những công việc quan trọng trong các hợp đồng cấp phép bản quyền, ông ta chỉ nêu tên 3 người: Ivanka, Donald Jr. và Eric.
Trên website riêng (nay đã bị hủy bỏ) của Ivanka, có phần giải thích vai trò của cô ta trong Tổ Hợp Trump, nhưng không thấy xác định nhiệm vụ của cô với tư cách là một chuyên viên tư vấn. Chính xác hơn, Ivanka được mô tả như là một viên chức điều hành cao cấp (senior executive) “trực tiếp tham dự vào tất cả các lãnh vực họat động của các đề án mang tên Trump hay có quan hệ tới Trump, bao gồm công việc đánh giá các thỏa thuận, hoạch định các kế hoạch tiên khởi, tài trợ, thiết kế, xây dựng, giao dịch thương vụ và quảng cáo, đồng thời bảo đảm rằng, các tiêu chuẩn họat động và hình thức bên ngoài mang tầm cỡ thế giới của Trump phải được đáp ứng triệt để”.
“Cô ta có tiếng nói trong mọi quyết định – lớn cũng như nhỏ”.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Nghệ thuật của sự khấu trừ