Thư Gửi
Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930 tại Đại Ngãi, quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, nhóm cầm quyền Việt Cộng đẩy tôi và các đồng đội vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987. Rời khỏi Việt Nam ngày 29/3/1991 sang Thái Lan làm thủ tục, và ngày 5/4/1991 đến Hoa Kỳ tị nạn Việt Cộng trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam khi Việt Cộng độc tài còn cai trị quê hương tôi.
Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về chế độ độc tài + gian trá + tự cao + tham nhũng, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. Và khi nhóm cầm quyền Việt Cộng tự suy yếu đến hỗn loạn, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì nhóm cầm quyền Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Là Người Lính trong Quân Đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì bản chất độc tài độc ác của cộng sản. Cộng sản Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ.
Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nữa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài với tham vọng thống trị thế giới, không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Xin nói thêm cho rõ. Với những bài văn bài thơ của các tác giả ở trong nước, tôi xin sử dụng chữ viết truyền thống thay thế chữ viết thời Việt Cộng, ngoại trừ những nhóm chữ thời Việt Cộng mà tôi không hiểu nghĩa.
Với lá thư này, tôi tóm lược những bản tin liên quan đến:
1. Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tham gia tổ chức Liên Hiệp Quốc.
2. Trung Cộng thiếu hụt tài chánh, nhưng đang tái tổ chức tập thể nông thôn chuẩn bị chiến tranh.
3. Thỏa Thuận mới nhất giữa Nhật Bản với Philippines.
4. Nội bộ Việt Cộng:
Thủ Tướng Việt Cộng quyết định Bộ Công An quản trị kinh tế xã hội Đà Nẳng và Hưng Yên.
Chủ Tịch Nước Tô Lâm tạm thay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang trọng bệnh.
Tổng Bí Thư Việt Cộng Nguyễn Phú Trọng qua đời
1. Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tham gia tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Năm 1979, Hoa Kỳ chấm dứt bang giao với Đài Loan để ủng hộ Trung Cộng gia nhập Liên Hiệp Quốc, trong khi Hoa Kỳ và Đài Loan vẫn duy trì bang giao chặt chẽ dựa trên Đạo Luật Bang Giao Đài Loan cùng năm 1979, một đạo luật cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho đảo quốc này các thiết bị quân sự để tự vệ.
Thời Tổng Thống Đài Loan là Mã Anh Cửu (Ma Ying Jeou) -một thành viên Quốc Dân Đảng thân Trung Cộng- Đài Loan được tham gia vào Đại Hội Đồng của WHO (WHA) với tư cách quan sát viên. Đến năm 2017, bà Thái Anh Văn -thành viên Đảng Dân Chủ Tiến Bộ chống Trung Cộng- đắc cử Tổng Thống. Trung Cộng với thế lực đang lên, vận động các tổ chức quốc tế mà Đài Loan đang là thành viên, Trung Cộng viện dẫn Đài Loan tự trị là một trong các tỉnh của họ, vì vậy mà Đài Loan bị loại khỏi các tổ chức đó.
Thực tế thì Đài Loan chẳng những chưa bao giờ dưới quyền của Trung Cộng, mà đảo quốc độc lập này luôn luôn bầu cử vị lãnh đạo và Quốc Hội một cách dân chủ. Đài Loan có Hiến Pháp, có tiền tệ riêng, có một quân đội hùng mạnh, hoàn toàn không liên quan gì đến Trung Cộng, và quyết tâm phòng thủ bảo vệ Đài Loan, nhất là phòng thủ chống Trung Cộng.
Năm 2021, trong các cuộc thảo luận, khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khuyến khích các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cùng với Hoa Kỳ “ủng hộ sự tham gia mạnh mẽ có ý nghĩa của Đài Loan vào tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức cộng đồng quốc tế.”
Tháng 1/2023, Hạ Viên Hoa Kỳ đã thông qua dự luật “Không phân biệt đối xử với Đài Loan (H.R. 540), trong đó Hoa Kỳ hỗ trợ để Đài Loan được nhận vào Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) với tư cách một thành viên. Dự luật này do Dân Biểu Đảng Cộng Hòa Young Kim, cùng với Dân Biểu Đảng Dân Chủ Al Green đồng bảo trợ.Khi giới thiệu dự luật này tại Hạ Viện, nữ Dân Biểu Đảng Cộng Hòa nhấn mạnh rằng:
“(1)Đài Loan với diện tích chỉ có 36.197 cây số vuông, dân số 23.000.000 (23 triệu) người, nhưng là nền kinh tế lớn thứ 21 trên thế giới, và là hợp tác thương mại hàng hóa lớn lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, Đài Loan xứng đáng có một ghế tại IMF.(2) Ngành kỹ nghệ điện tử Đài Loan chiếm 75% thị trường thế giới, trị giá 2.000 tỷ mỹ kim/năm.(3)TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Ltd) còn được gọi là Taiwan Semiconductor. Đây là tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm 60% trên thị trường chip bán dẫn tối tân. (4)Xuất cảng dụng cụ chính xác và máy công cụ đứng thứ 3 trên thế giới, sau Nhật Bản và Đức quốc.(5)Sản lượng điện mặt trời đứng thứ 2 trên thế giới, trong số 7/20 công ty hàng đầu thế giới. (6) Passport Đài Loan được miễn thị thực tại nhiều quốc gia nhất, vượt qua Hoa Kỳ.
“Đã quá lâu rồi, các quyền tự do của Đài Loan đã bị đàn áp và tiếng nói đã bị Trung Cộng bịt miệng. Đạo Luật Không phân biệt đối xử với Đài Loan, sẽ giúp Đài Loan thoát khỏi sự đàn áp đó, đồng thời bảo đảm tiếng nói của Đài Loan sẽ được lắng nghe trong các quyết định tài chánh quốc tế”.
Tháng 5/2024,Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Blinken đưa ra một thông báo kêu gọi WHO khôi phục lại lời mời Đài Loan tham gia WHO, với lý do “nếu đảo quốc này tiếp tục bị loại khỏi diễn đàn y tế ưu việt này, sẽ làm suy yếu sự hợp tác về an ninh y tế công cộng toàn cầu”. Nhưng các nhà lập pháp Châu Âu và WHO vẫn quyết định không mời Đài Loan tham gia WHO.
Ngày 21/6/2024, Bộ Ngoại Giao Đài Loan phổ biến một thông báo với nội dụng: “Cuộc họp hôm nay giữa Hoa Kỳ với Đài Loan đã thành công, bởi vì hai bên đã có các cuộc thảo luận một cách xây dựng, tiếp tục hợp tác với nhau một cách chặt chẽ”.
Ngày 22/6/2024, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh trong thông cáo báo chí, rằng:
“Sau một vòng thảo luận khác tại Đài Bắc, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ Đài Loan tham gia vào tổ chức Liên Hiệp Quốc, và các diễn đàn quốc tế khác, bao gồm tổ chức Y Tế Thế Giới, và tổ chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế.Chuyên môn đẳng cấp thế giới của Đài Loan, mang đến giá trị gia tăng đáng kể trong việc giải quyết những thách thức cấp bách nhất hiện nay, bao gồm sức khỏe công cộng quốc tế, an ninh lương thực, an toàn hàng không, và biến đổi khí hậu. Sự ủng hộ này là phù hợp với chính sách một Trung Quốc của chúng tôi, được hướng dẫn bởi Đạo Luật Bang Giao với Đài Loan, ba Thông Cáo Chung, và Sáu Bào Đảm”.
Các cuộc thảo luận có tên gọi chánh thức “Cuộc Họp Nhóm Công Tác Hoa Kỳ - Đài Loan về các tổ chức quốc tế, bao gồm đại diện của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Đài Loan, do Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) +tòa đại sứ thực tế của Hoa Kỳ tại Đài Bắc + và Văn Phòng Đại Diện Kinh Tế & Văn Hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ (TECRO) +tòa đại sứ thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, đồng tổ chức. (tóm lược bài của Gia Huy dẫn tin từ báo The Epoch Times trong e-mail tinggoinonsong@ … ngày 24/6/2024)
2. Trung Cộng thiếu hụt tài chánh,
nhưng tái tổ chức tập thể nông thôn chuẩn bị chiến tranh.
nhưng tái tổ chức tập thể nông thôn chuẩn bị chiến tranh.
Trung Cộng thiếu hụt tài chánh kêu gọi quân đội tiết kiệm.
Ngày 20/6/2024, báo Giải Phóng Quân của quân đội Trung Cộng đưa tin: “Văn Phòng Quân Ủy Trung Ương vừa ban hành văn bản về việc “xây dựng quân đội cần kiệm”. Trong đó đề cập đến việc “xây dựng vững chắc tư tưởng sống thắt lưng buộc bụng, tính toán kỹ lưỡng, phải nâng cao hiệu quả hoạt động quân sự, cũng như hiệu quả và lợi ích khi sử dụng các nguồn lực quốc phòng".Nhà bình luận thời sự người Trung Hoa đang ở ngoại quốc-ông Chung Nguyên (Zhong Yuan)- nói với báo The Epoch Times tiếng Trung Hoa,rằng:
“Cái gọi là xây dựng quân đội cần kiệm, hay sống thắt lưng buộc bụng, đã được Trung Cộng lặp lại nhiều lần trong mấy năm gần đây. Nhưng hiện nay, họ công khai kêu gọi sống thắt lưng buộc bụng, cho thấy chánh phủ Trung Cộng không còn tiền cung cấp cho ngân sách quân đội nữa.Chính sách phòng chống dịch bệnh Covid19 hà khắc của Trung Cộngtrong 3 năm 2020-2022, đã làm cạn kiệt tài chánh của các địa phương. Kể từ nửa cuối năm 2021, làn sóng cắt giảm lương của công nhân viên chức hầu hết các tỉnh ở Trung Cộng. Trong đó, các khoản trợ cấp và tiền thưởng đã bị hủy bỏ hoặc cắt giảm tối đa. Sau khi chính sách Zero Covid kết thúc vào cuối năm 2022, nền kinh tế Trung Cộng vẫn tiếp tục đi xuống, và khó phục hồi”.
“Những năm gần đây, các cơ quan ban ngành của đảng và nhà nước, thường xuyên nhắc đến nhóm chữ sống thắt lưng buộc bụng. Tháng 3/2024, trong báo cáo công tác của chánh phủ Trung Cộng, có đề nghị các địa phương phải làm quen với việc sống thắt lưng buộc bụng. Kể từ đó, nhiều địa phương đã kiểm soát chặt chẽ 3 khoản chi phí do nhà nước đài thọ, và thắt chặt mọi chi tiêu.Ba khoản chi phí do nhà nước đài thọ, là ”chi phí đi công tác ngoại quốc, chi phí mua các phương tiện giao thông, và chi phí tiếp đãi công vụ”. Các viên chức, cán bộ, công chức của đảng và nhà nước Trung Cộng thường lạm dụng 3 khoản chi này để cá nhân sử dụng”.
Ông Hoa (Hua) -từng phục vụ trong quân đội Trung Cộng- nói với báo The Epoch Times: “Rất nhiều chiến hữu của tôi trong quân đội đã mất rất nhiều khoản trợ cấp. Đã nửa năm trôi qua,mà họ vẫn chưa nhận được trợ cấp nào".
Trong khi nhà bình luận Chung Nguyên nói rằng:“Trợ cấp của các địa phương có thể giảm, nhưng giới lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Cộng có lẽ sẽ vẫn ưu tiên bảo đảm cho chi tiêu quân sự, đây thực sự là khoản chi lớn nhất cho mục tiêu duy trì ổn định. Kế đến là khoản chi để duy trì ổn định trong xã hội, và bảo đảm lương, đãi ngộ cho công nhân viên chức. Theo bản báo cáo ngân sách đã công bố hồi tháng 3/2024, , thì ngân sách quốc phòng năm 2024 của Trung Cộng tăng 7,2%”.
Tháng 4/2024, Đô Đốc John C. Aquilino-cựu Tư Lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói rằng: “Dù suy thoái kinh tế, nhưng chi tiêu quân sự của Trung Cộng có thể vượt cao hơn mức 7,2% mà Trung Cộng công bố”.
Vẫn lời bình của ông Chung Nguyên:
“Với dấu ấn của hầu hết mọi người, chi tiêu quân sự của Trung Cộng dường như là một cái hố không đáy, nhưng nó không thể tăng trưởng vô hạn, bởi kinh tế Trung Cộng đang suy thoái dẫn đến mức thu nhập tài chánh của họ thu không đủ chi, vì vậy mà chi tiêu quân sự chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.Điển hình là kế hoạch sản xuất Hàng Không Mẫu Hạm Phúc Kiến. Không chỉ tốn tiền đóng hàng không mẫu hạm, mà còn cần có một lượng lớn các loại phi cơ chiến đấu kèm theo, cùng với các khu trục hạm và tiềm thủy đỉnh hộ tống. Ngoài ra, còn cần có hải cảng và các cơ sở khác tương ứng. Việc bảo trì và huấn luyện hàng ngàn thủy thủ, tất cả đều cần đến ngân sách khi thực hiện kế hoạch”.
Từ ngày 17 đến 19/6/2024,Trung Cộng đã tổ chức một hội nghị công tác chính trị toàn quân ở Diên An, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, đã phát biểu: “Hiện nay, tình hình thế giới, tình hình trong nước, tình hình đảng, tình hình quân đội, đều có những chuyển biến phức tạp và sâu sắc, quân đội ta phải đối mặt với những thử thách chính trị phức tạp.Vì vậy, chúng ta cần bảo đảm thực thi chính sách và chế độ đãi ngộ cho quân nhân, đồng thời nâng cao cảm giác đạt được, và cảm giác từ các sĩ quan và binh lính”.
Ông Chung Nguyên cho rằng:
“Điều này cho thấy lãnh đạo Trung Cộng rất sợ quân đội gây rối loạn nếu không đãi ngộ họ. Ông Tập Cận Bình đã liên tục tăng cường ngân sách cho quân đội trong những năm gần đây, lương cho quân nhân trong các năm 2014, 2018 và 2021 đã tăng đáng kể. Bắt đầu từ ngày 15/10/2023, Trung Cộng còn chánh thức thực hiện “Quy định tạm thời về bảo đảm đãi ngộ cho viên chức trong quân đội”.
“Nếu không thể cắt giảm tiền lương và cắt giảm phúc lợi của quân nhân, rất có thể họ sẽ cắt giảm chi phí cho việc mua sắm trang bị và huấn luyện. Trung Cộng vẫn đang gia tăng chi phí vào vũ khí hạt nhân, đến mức lấn vào chi phí cho vũ khí thông thường. Hiện nay, Trung Cộng công khai kêu gọi quân đội sống thắt lưng buộc bụng, là một tín hiệu quan trọng khác, cho thấy chánh phủ này đang trên đà suy thoái hơn nữa”.(tóm lược bài của Ninh Hải Chung do Minh Lý biên dịch từ báo The Epoch Times trong e-mail tiengọinonsong@ ….. ngày 27/6/2024)
Trung Cộng tái tổ chức tập thể nông thôn chuẩn bị chiến tranh.
Ngày 1/5/2024, Quốc Hội Trung Cộng thông qua “Luật Tổ Chức Kinh Tế Tập Thể Nông Thôn”, ngay sau đó Chủ Tịch Tập Cận Bình ký Sắc Lệnh số 26 ban hành, và luật này có hiệu lực từ ngày 1/5/2025.
Luật Tổ Chức Nông Thôn có 8 chương gồm 67 điều. Nội dung nêu rõ rằng: “Các tổ chức kinh tế tập thể nông thôn, bảo đảm cho kế hoạch phát triển và củng cố nền kinh tế tập thể nông thôn mới. Đồng thời, góp phần củng cố công hữu xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết giữa các tổ chức cơ sở nông thôn,và củng cố nền tảng quản trị của đảng ở nông thôn”.
Ngày 6/5/2024, Ông Viên Băng -một học giả nổi tiếng-trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA), như sau:
“Mục đích của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Cộng khi thông qua bộ luật này, không chỉ ôn lại thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá với tổ chức công xã nhân dân”, mà còn đối phó với tình hình chính trị hiện tại và tương lai. Trung Cộng đang chuẩn bị đối phó với các tình hình trong tương lai. Ông Tập Cận Bình đang đẩy toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, và văn hóa vào tình trạng thời chiến. Những quy định lần này về nông thôn, thực chất là đề kiểm soát chặt chẽ đối với khu vực nông thôn, khiến toàn bộ nông thôn rơi vào tình trạng chiến tranh.”
“Hồi năm 1980, Trung Cộng đã thực hiện “cải cách và mở cửa”, đồng thời giải tán các “công xã nhân dân”.Bây giờ, ông Tập Cận Bình lại củng cố chặt chẽ hơn đối với các tổ chức của đảng tại các vùng nông thôn thông qua chủ nghĩa toàn trị về kinh tế,bằng cách khôi phục lại nền kinh tế tập thể.Luật quy định các tổ chức tập thể nông thôn giao đất nông thôn cho khu vực nông thôn quản trị, giải quyết việc cấp và sử dụng nhà ở nông thôn, tổ chức điều hành và quản trị tài sản tập thể, hỗ trợ và hợp tác với ủy ban nông thôn trong việc thực hiện quyền tự quản dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng tại các thôn làng”.
Xoay quanh mục đích tái tổ chức các “công xã nhân dân”,người làm truyền thông thâm niên là Vương Kiếm,nhận định trên YouTube của ông rằng: “Nền kinh tế tập thể là sở hữu chung, và bước tiếp theo là công xã nhân dân.”
Trong khi nhà bình luận thời sự Thái Thận Khôn viết trên Twitter: “Nhiều người tin rằng, tham gia vào một nền kinh tế tập thể, là điều mà ông Tập Cận Bình đưa đất nước quay trở lại “công xã nhân dân” thời Mao Trạch Đông”.
Đến nhận định của học giả Dã Phu trong cuộc phỏng vấn của đài RFA, rằng: “ Luật Tổ chức kinh tế tập thể nông thôn được thông qua, nhằm chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói, vì ở các vùng nông thôn hiện naysử dụng đất chưa đạt kết quả như mong đợi, chưa có sự hiện đại hóa và quy mô. Trung Cộng đã tạo nên một nước nông nghiệp rộng lớn, một đất nước có quá nhiều nông dân mà vẫn dựa vào nhập cảng. Vì vậy mà dự trữ ngoại tệ ngày càng thấp xuống, trong khi chuẩn bị cho một cuộc chiến nào đó trong tương lai”.
“Hiện nay, tình hình khu vực Tây Thái Bình Dương đang bất ổn và nguy cơ xung đột ngày càng tăng. Khi xung đột vũ trang nổ ra ở Biển Đông, hoặc eo biển Đài Loan, rất có thể Trung Cộng sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Bây giờ, kiểu nông dân tản mác đã nhận bao thầu ruộng đất.Họ có thể trồng trọt hoặc không tròng trọt là quyền của họ. Hệ thống hợp đồng trách nhiệm về đất đai, được thực hiện để giải quyết vấn đề nạn đói là một chính sách mang tính tạm bợ và đó không phải là luật đất đai”.
Học giả Dã Phu kết luận: “Nhà cầm quyền Trung Cộng tin rằng, hệ thống hợp đồng đất đai là một chính sách tạm thời. Qua thời gian, phát hiện ra nông dân không trồng lương thực, thậm chí họ phải đến siêu thị để mua thực phẩm, điều này cho thấy nguy cơ thiếu hụt thực phẩm ngày càng trầm trọng. Thực tế, một số lượng lớn nông dân mua gạo, mua rau, và ngũ cốc từ siêu thị ở mọi thị trấn. Đây là một vấn đề lớn đối với một quốc gia có nền nông nghiệp lớn như Trung Cộng”.(tóm lược bài của Trần Mỹ Hoa & Gia Nguyên do Trúc Nhi biên dịch, trong e-mail tienggoinonsong@ ….. ngày 3/7/2024)
3. Thỏa thuận giữa Nhật Bản với Philippines.
Ngày 8/7/2024, tại thủ đô Manila, với sự chứng kiến của Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Ngoại Trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro, ký Thỏa Thuận Hợp Tác An Ninh, cho phép hai bên đưa quân đến lãnh thổ của nhau. Thỏa thuận này rất quan trọng trong hợp tác an ninh giữa hai quốc gia trong tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản ký một thỏa thuận như vậy với một quốc gia khu vực Đông Nam Á. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc Hội hai quốc gia phê chuẩn. Nhật Bản và Philippines là hai đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á, cùng quan điểm cứng rắn đối với Trung Cộng trên hai vùng biển tranh chấp.
Sau khi Thỏa Thuận có hiệu lực, Nhật Bản sẳn sàng điều động lực lượng quân sự quân sự sang Philippines giúp đối phó với Trung Cộng ngày càng gia tăng quấy rối Philippines trên Biển Đông. Ngược lại, Philippines cũng sẳn sàng điều động quân đội sang Nhật Bản giúp đối phó với Trung Cộng quấy rối khu vực biển Hoa Đông.
Hồi tháng 12/2023, Nhật Bản thông báo kế hoạch phát triển quân sự lớn nhất kể từ sau Thế Chiến 2, vì vậy mà Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia chung quanh để đối phó với Trung Cộng. Nhật Bản nhiều lần lên tiếng trước những hành động của Trung Cộng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhất là các vụ chạm trán gần đây khiến tàu của Philippines bị hỏng, và thủy thủ của nước này bị thương. (trích bản tin của Tú Linh Reuters trong báo Bình Định online ngày 8/7/2024)
4. Nội Bộ Việt Cộng.
Bộ Công An Việt Cộng quản trị kinh tế tại Đà Nẵng và Hưng Yên.
(Bộ Trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang)
Mới đây (tài liệu không ghi ngày), hệ thống truyền thông nhà nước trích đăng Quyết Định mà Thủ Tướng Phạm Minh Chính vừa ký, như sau: “Thủ Tướng phân công Thượng Tướng Lương Tam Quang -Bộ Trưởng Bộ Công An- trách nhiệm quản trị kinh tế tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên,về chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập cảng, đồng thời giải quyết những khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chánh… , và các vấn đề khác tại địa phương”.
Tin tức được báo chí trong nước đăng, nhưng không cho biết tại sao có sự phân công lạ lùng này, vào thời gian đang tranh chấp quyền lực trong nội bộ của nhóm cầm quyền cao nhất. Xin nhớ rằng, Hưng Yên là quê quán của Tướng Công An Tô Lâm, mới nhậm chức Chủ Tịch Nước hồi tháng 5/2024.
Đà Nẳng là thành phố trực thuộc trung ương, là trọng điểm kinh tế của miền Trung, cũng là vị trí trọng yếu về kinh tế, xã hội, an ninh, và quốc phòng của cả nước.
Một cựu Công An -yêu cầu ẩn danh vì lý do an toàn bản thân- nhận xét với đài RFA rằng:
“Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính phân công cho Thượng Tướng Lương Tam Quang trách nhiệm quản trị kinh tế tại Đà Nẵng và Hưng Yên như thế, tức là họ sẽ mở rộng cái quy định cho những địa phương này phát triển, trong khi bóp chặt những địa phương khác về phát triển. Khi Đà Nẵng và Hưng Yên phát triển thành công, thì họ tha hồ tung hô nhau rằng “Công An thành công trong lãnh vực kinh tế, xã hội”, rồi từ đó lấn qua cả giáo dục, y tế, giao thông, ..v..v…, nói chung là Công An toàn trị”.
“Quyết Định này cũng gây thắc mắc về vai trò và nhiệm vụ của các ban ngành trong chánh phủ Việt Nam hiện nay, khi trách nhiệm của Bộ Công An theo quy định là bảo vệ an toàn , trật tự xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, sao lại chen vào trách nhiệm kinh tế của Bộ khác. Trong khi Bộ Kế Hoạch &Đầu Tư có trách nhiệm quản trị nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư phát triển,… bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia, chính sách quản trị kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư từ ngoại quốc vào Việt Nam, và đầu tư của Việt Nam ở ngoại quốc”.
Nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Luật Sư Đặng Đình Mạnh, nhận định:“Quyết Định đó cho thấy sự khuynh loát tuyệt đối của Bộ Công An trong giai đoạn hiện nay. Về phương diện pháp lý, Bộ Công An chỉ là một trong các bộ thành viên thuộc chánh phủ mà đứng đầu là Thủ Tướng, nhưng thực tế thì Bộ Công an đã hoàn toàn khống chế toàn bộ hệ thống quyền lực chính trị, bao gồm cả Bộ Chính Trị và các ban đảng trung ương”.
Tiến Sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy (Norway), nhận định rằng:
“Sở dĩ có sự lớn mạnh của hệ thống Công An trị trong chế độ cộng sản tại Việt Nam, là do sự thiếu vắng những lãnh đạo có tầm ảnh hưởng ngay bên trong đảng cộng sản bên cạnh sự lớn mạnh của nền kinh tế, và sự trưởng thành về nhận thức của người dân nói chung.
“Một hiện tượng dễ thấy trên chính trường Việt Nam hiện nay, là sự thống trị của lực lượng Công An. Ông Chủ Tịch Nước và ông Thủ Tướng, cả hai ông đều có gốc Công An. Vì giới lãnh đạo là Công An, nên họ dễ dàng nói chuyện và làm việc với giới Công An, kết quả là Công An được cất nhắc đảm nhận nhiều vai trò hơn trong xã hội, như mới đây ông Bộ Trưởng Bộ Công An nhận trách nhiệm các vấn đề phát triển kinh tế cho Đà Nẵng và Hưng Yên”.
“Trên thực tế, Bộ Công An cũng tham gia làm kinh tế cũng giống như Bộ Quốc Phòng ở Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa. Năm 2017, bài viết trên báo Công An Nhân Dân, như sau: “Vào lúc đó, Bộ Công An đã có 10 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp này, Tổng Công Ty Viễn Thông Toàn Cầu (GTEL) được xem là phát triển nhất. Đầu năm 2024, Tướng Tô Lâm -Bộ Trưởng Bộ Công An- chánh thức phát động toàn bộ lực lượng Công An và người thân của họ sử dụng hệ thống viễn thông di động do công ty của Bộ Công An quản trị là Gtel Mobile, đồng thời bày tỏ mong muốn các công ty viễn thông của Bộ Công An sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên cả nước”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nhận định với RFA:
(Công ty Viettel)
“Việt Nam mình không phải như các nước khác. Riêng về Viettel của quân đội, nó là vấn đề đặc thù vì kỹ nghệ thông tin của quân đội phát triển tốt, từ đó họ xây dựng lên hệ thống truyền tin của quân đội đi riêng biệt với hệ thống truyền tin của VNPT, tức là của bưu điện. Thế mạnh của những tổ chức đó là nhân sự, đồng thời nó có sẵn cơ sở căn bản về vấn đề truyền tin. Về nhân sự, họ được đào tạo tốt. Về kỹ nghệ, ngườì ta học tốt và thực hành tốt”.
“Trong khi Bộ Công An làm kinh tế không phải là nghiệp vụ của họ. Ăn thua là thế mạnh thực tế chớ không phải là thế mạnh về công quyền. Bộ Công An cũng là công cụ quan trọng của đảng trong công cuộc “đốt lò chống tham nhũng với hằng loạt các vụ đại án tại nhiều địa phương trên cả nước.Điều đó cho thấy vị thế khuynh loát tuyệt đối của Bộ Công An trong giai đoạn hiện nay.Đúng như Luât Sư Đặng Đình Mạnh nhận định: “Về phương diện pháp lý, Bộ Công An vẫn chỉ là một trong các bộ thành viên thuộc chánh phủ, nhưng thực tế thì Bộ Công An đã khống chế toàn bộ hệ thống quyền lực chính trị, bao gồm cả Bộ Chính Trị và các ban đảng cấp trung ương”.
“Giờ đây, khi Bộ Công An vừa lo trật tự an toàn xã hội, vừa quản trị kinh tế, là chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp hằng ngàn tỷ đồng, mà Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ (ở Na Uy) cho rằng điều này sẽ gây tác hại cho Việt Nam. Một hậu quả lớn của chế độ Công An trịsẽ đẩy kinh tế Việt Nam vào bế tắc. Giới Công An được đào tạo chỉ để trấn áp và kiểm soát xã hội; họ không quen với tư tưởng tự do và thúc đẩy sáng tạo. Một nền kinh tế sẽ không thể tiến lên nếu nó không có sáng tạo. Và một xã hội sẽ không thể sáng tạo nếu nó không có tự do. Hậu quả của việc Công An cầm quyền, nó sẽ khiến đất nước lỡ một cơ hội bằng vàng để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vòng 20 năm tới, vào lúc mà mức dân số vàng của Việt Nam vừa chấm dứt”. (tóm lược bài trong e-mail dienbienhoabinh@..... ngày 16/7/2024, dẫn tin từ đài RFA cùng ngày 16/7/2024)
Chủ Tịch Tô Lâm thay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguyễn Phú Trọng hôn mê từ chiều 18/7/2024, và chết lúc 1 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại quân y viện 108 Hà Nội. Nhóm cầm quyền Việt Cộng ra lệnh đình hoãn các chương trình văn hoá nghệ thuật để chuẩn tang lễ…(trích bản tin đài BBC tiếng Việt ngày 19/7/2024)Theo yêu cầu của Hội Đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ cấp trung ương, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cần tập trung vào công tác điều trị, nên một ngày trước khi Nguyễn Phú Trọng qua đởi, Bộ Chính Trị giao trách nhiệm cho Chủ Tịch Nước Tô Lâm điều hành công việc của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị, và Ban Bí Thư khóa 13.
Bộ Chính Trị Việt Cộng ra thông báo, như sau: “Các cơ quan chuyên môn tập trung đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia đầu ngành, và những điều kiện thuận lợi nhất để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Tổng Bí Thư. Đồng thời kêu gọi toànđảng, toàn dân, và toàn quân,tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng, quản trị nhà nước; tăng cường đoàn kết, thống nhất, chung sức chung lòng, tiếp tục phát huy những thành tựu quan trọng, toàn diện mà đất nước đã đạt được, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra.Các cấp cần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân”.(tóm tắt bản tin trong VNEpress dẫn tin từ Thông Tấn Xã Việt Cộng ngày 18/7/2024)
Ông Tô Lâm càng “leo lên” chức vụ cao, thì toàn xã hội Việt Nam càng nhanh chóng bị Công An trị. Người dân Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa đã và đang khốn khổ vì bị nhóm cầm quyền Việt Cộng bịt mắt bịt tai bịt miệng, nhưng khi toàn xã hội bị Công An trị, thì người dân chỉ còn cách duy nhất để sống là cùng đứng lên chống lại họ, cho dẫu nhiều nguy hiểm trước mắt …
Kết luận.
Tôi lại nhắc Các Anh rằng:
- Không ai ăn giùm Các Anh khi Các Anh đói.
- Không ai uống thuốc giùm Các Anh khi Các Anh bệnh.
- Không ai đi học giùm Các Anh khi Các Anh muốn có kiến thức.
- Không ai tập thể dục giùm Các Anh khi Các Anh muốn có một cơ thể khỏe mạnh.
- Không ai đi làm giùm Các Anh khi Các Anh muốn có tiền lương để chi tiêu thường ngày.
- Không ai bước giùm Các Anh khi Các Anh muốn đi về phía trước.
- Không ai đứng dậy giùm Các Anh khi Các Anh vấp ngã trên đường đời.
- Cũng không ai giành lại quyền làm người giùm Các Anh, khi Các Anh bị chế độ độc tài tước đoạt cái quyền đó.
Vậy, Các Anh hãy nhớ, bản thân mỗi con người là chánh, trong khi những người chung quanh chỉ giúp chúng ta khi chúng ta cần họ.
Quốc gia cũng tương tự như vậy, và biểu tượng của quốc gia Việt Nam chính là dân tộc Việt Nam. Vậy, chỉ có Các Anh và đồng bào trong nước, là thành phần chánh đứng lên giành lại Quyền Làm Người & Quyền Được Sống Trong Tự Do Dân Chủ cho chính Các Anh + thân nhân Các Anh + đồng bào chúng ta, trong khi Cộng Đồng chúng tôi tị nạn cộng sản tại hải ngoại, với nhiều thuận lợi sẽ vận động yểm trợ mạnh mẽ cho Các Anh và đồng bào trong nước làm nên lịch sử.
Hãy in sâu lời nhắn gọi trên đây vào tâm hồn thật của Các Anh -chớ không phải tâm hồn người cộng sản dối trá- để đừng bao giờ quên “trách nhiệm của người cầm súng đối với đồng bào, cũng là trách nhiệm đối với bản thân và gia đình Các Anh nữa nhé”.
“Cơ hội” có thể là trong thời gian không xa trước mắt, Trung Cộng suy yếu đến mức mất chỗ dựa cho lãnh đạo Việt Cộng, hoặc nội bộ nhóm cầm quyền Việt Cộng suy yếu đến mức hỗn loạn, chính là lúc Các Anh phải mạnh mẽ đứng dậy, vì Các Anh không đứng lên,sẽ không có quốc gia nào đến Việt Nam giành lại Quyền Làm Người giùm Các Anh đâu.
Và Các Anh phải hiểu rằng, “Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng, mà chính dân tộc Việt Nam phải tranh đấu, và Các Anh là thành phần nòng cốt trong cuộc tranh đấu này”, trong khi Cộng Đồng chúng tôi tị nạn Việt Cộng tại hải ngoại có nhiều điều kiện thuận lợi, với nhiều cách vận động những quốc gia phát triển giúp Các Anh và đồng bào làm nên lịch sử.
Texas, 19 tháng 7 năm 2024
Phạm Bá Hoa