Làm Thế Nào Để Phá Thế Độc Quyền của
“BIG TECH”?
LÊ THẢO CHI
Sự lũng đoạn của các tập đoàn công nghiệp thông tin Mỹ đang ngày càng nghiêm trọng và thậm chí gây ra những nguy cơ tiềm ẩn liên quan chính trị. Phá thế độc quyền của các công ty này là chủ đề thời sự rất lớn đối với nghị trình của chính phủ Mỹ nói chung. Thứ Tư 9-12-2020, Ủy ban Thương mại Liên bang và 48 bang đã cáo buộc Facebook trở thành công ty độc quyền bằng cách chèn ép cạnh tranh bất hợp pháp. Vụ việc chắc chắn dẫn đến cuộc đối đầu pháp lý gay gắt có thể phá vỡ một số dịch vụ truyền thông phổ biến nhất thế giới. Các nhà quản lý liên bang và tiểu bang của Hoa Kỳ, sau khi điều tra Facebook hơn 18 tháng, cho biết những thương vụ thu tóm của Facebook, đặc biệt Instagram với giá 1 tỉ USD năm 2012 và Whatsapp với giá 19 tỉ USD hai năm sau đó, đã loại bỏ sự cạnh tranh và biến Facebook thành gã độc quyền khổng lồ.
Độc quyền không chỉ gây thiệt hại kinh tế
Từ khi thuộc về Facebook, Instagram và Whatsapp đã tăng vọt mức độ phổ biến, giúp Facebook kiểm soát ba trong số ứng dụng nhắn tin và truyền thông xã hội phổ biến nhất toàn cầu, đưa Facebook từ một công ty khởi nghiệp trong phòng ký túc xá đại học cách đây 16 năm thành một “cường quốc” internet trị giá hơn 800 tỉ USD. "Trong gần một thập niên, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và loại bỏ sự cạnh tranh, mang lại sự thiệt hại cho chính người sử dụng" - tổng chưởng lý Letitia James ở New York, người dẫn đầu cuộc điều tra liên tiểu bang song song cuộc điều tra liên bang, nói.
Trong bài viết mới đây trên Foreign Affairs (số tháng Một và Hai, năm 2021), ba tác giả sừng sỏ Francis Fukuyama, Barak Richman và Ashish Goel viết rằng, giới lập pháp và các cơ quan quản lý Hoa Kỳ nói chung đã buông lỏng Facebook, Google, Amazon và Apple trong một thời gian quá dài. Tổng thống Trump nhiều lần lập luận rằng những gã khổng lồ công nghệ có quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng, và những đồng minh của Tổng thống đắc cử Joseph R. Biden Jr. cũng lên tiếng tương tự. Các cuộc điều tra dẫn đến vụ kiện chống lại Google do Bộ Tư pháp đưa ra cách đây hai tháng đã cáo buộc gã khổng lồ tìm kiếm này bảo vệ thế độc quyền một cách bất hợp pháp. Ít nhất một vụ kiện nữa chống lại Google mà giới lập pháp Cộng hòa và Dân chủ sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Ở châu Âu, giới quản lý đang đề xuất các luật cứng rắn hơn đối với ngành công nghiệp này nói chung, khi ban hành luật phạt hàng tỷ đôla nếu vi phạm luật cạnh tranh. Các vụ kiện chống lại Facebook có thể sẽ kéo dài. Công ty này từ lâu đã phủ nhận bất kỳ hành vi phản cạnh tranh bất hợp pháp nào và chắc chắn sẽ sử dụng nguồn tiền dồi dào để “tự vệ” đến cùng.
Hai năm qua, Ủy ban Thương mại Liên bang và liên minh tổng chưởng lý tiểu bang đã khởi xướng loạt điều tra về việc lạm dụng độc quyền của các nền tảng trực tuyến. Dù có sự đồng thuận về mối đe dọa mà các công ty công nghệ lớn gây ra đối với nền dân chủ nhưng rất ít đồng thuận về cách ứng phó. Một số người cho rằng chính phủ cần phải “xé lẻ” Facebook và Google. Những người khác kêu gọi đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế việc khai thác dữ liệu của các công ty này. Ít người nhận ra rằng tác hại chính trị do các nền tảng gây ra còn nghiêm trọng hơn tác hại kinh tế.
Trong bài báo công phu trên Foreign Affairs nói trên, nhóm tác giả viết rằng, sức mạnh kinh tế và chính trị tập trung của các nền tảng kỹ thuật số giống như một vũ khí được nạp đạn đặt sẵn trên bàn. Ở một thời điểm, những người ngồi trên bàn có thể không cầm súng bóp cò. Tuy nhiên, vấn đề đối với nền dân chủ Mỹ là liệu có an toàn không, khi để súng nằm “chình ình” ở đó, nơi mà một kẻ nào đó ngứa tay có ý định xấu có thể đến, cầm lên và nhả đạn tùy thích. Không có nền dân chủ tự do nào có thể dễ dàng tin vào quyền lực chính trị tập trung đối với các cá nhân, dựa trên giả định rằng họ luôn là “người tốt”.
Minh họa: New York Times
“Check and Balance”
Đó là lý do tại sao cần phải thiết lập cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực (check and balance). Phương pháp rõ ràng nhất để kiểm tra quyền lực là ban hành quy định chính phủ. Đó là cách tiếp cận được áp dụng ở châu Âu, ví dụ Đức, nơi mà việc truyền bá tin tức sai sự thật có thể bị truy tố hình sự. Một cách tiếp cận khác để khống chế sức mạnh của các nền tảng internet là thúc đẩy sự cạnh tranh lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề là cả Mỹ lẫn EU đều không thể xé lẻ Facebook hoặc Google theo cách mà Standard Oil và AT&T bị phá thành những đơn vị nhỏ hơn như trong lịch sử chống độc quyền của Mỹ.
Trước viễn cảnh mờ mịt của giải pháp “cắt nhỏ”, nhiều nhà quan sát chuyển sang ý tưởng tạo ra "tính di động dữ liệu" để đưa yếu tố cạnh tranh vào. Tương tự việc chính phủ yêu cầu các công ty điện thoại cho phép người sử dụng chuyển số điện thoại khi họ đổi mạng, chính phủ có thể yêu cầu người dùng có quyền lấy dữ liệu của họ để chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (The General Data Protection Regulation-GDPR), luật quyền riêng tư mà Liên minh Châu Âu đưa ra, có hiệu lực vào năm 2018, đã áp dụng cách tiếp cận này. Một phương pháp thay thế nữa để kiềm chế quyền lực của các ông lớn công nghệ là dựa vào luật bảo mật. Theo cách này, các quy định sẽ giới hạn mức độ mà một công ty công nghệ có thể sử dụng dữ liệu của người sử dụng. Ví dụ: GDPR yêu cầu dữ liệu người sử dụng chỉ được dùng cho mục đích mà thông tin được lấy ban đầu, trừ khi người dùng cho phép rõ ràng.
Giải pháp “middleware”
Một trong những giải pháp hứa hẹn nhất lại ít được chú ý, theo nhóm ba tác giả trong bài viết Foreign Affairs, là phần mềm trung gian (middleware). Phần mềm trung gian thường được định nghĩa là phần mềm chạy trên nền tảng hiện có và có thể sửa đổi cách trình bày dữ liệu cơ bản. Khi được thêm vào các dịch vụ của nền tảng công nghệ hiện tại, phần mềm trung gian có thể giúp người dùng chọn cách mà thông tin được sắp xếp và lọc cho họ. Người dùng sẽ chọn các dịch vụ phần mềm trung gian để xác định tầm quan trọng và tính xác thực của nội dung thông tin; và các nền tảng sẽ sử dụng các quyết định đó để giúp chọn ra những gì mà người dùng đó đã thấy trước đó. Tóm lại, phần mền trung gian sẽ giúp bạn thấy những gì mà bạn muốn thấy chứ không phải thấy “tùm lum” như hiện nay.
CEO của Facebook, Mark Zuckerberg, trong một phiên điều trần Quốc hội (Getty Images)
Nói cách khác, một lớp cạnh tranh của các công ty mới với những thuật toán minh bạch sẽ tham gia và tiếp quản những chức năng cổng biên tập vốn đang được lấp đầy bởi các nền tảng công nghệ thống trị có thuật toán không rõ ràng. Sản phẩm phần mềm trung gian có thể được cung cấp thông qua nhiều cách tiếp cận. Một cách tiếp cận đặc biệt hiệu quả là người dùng có thể truy cập phần mềm trung gian thông qua một nền tảng công nghệ như Apple hoặc Twitter. Trên nền tảng Apple hoặc Twitter, một dịch vụ phần mềm trung gian có thể thêm các nhãn như "gây hiểu lầm", "chưa được xác minh" và "thiếu ngữ cảnh". Khi người dùng đăng nhập vào Apple và Twitter, họ sẽ thấy các nhãn này trên các bài báo và tweet.
Một phần mềm trung gian cũng có thể ảnh hưởng đến việc xếp thứ hạng ưu tiên xuất hiện đối với một số nguồn cấp dữ liệu nhất định, chẳng hạn danh sách sản phẩm Amazon; quảng cáo và kết quả tìm kiếm của Facebook; kết quả tìm kiếm Google hoặc đề xuất video trên YouTube. Cụ thể hơn, người sử dụng có thể chọn các nhà cung cấp phần mềm trung gian để giúp điều chỉnh kết quả tìm kiếm trên trang Amazon của họ, sao cho chỉ hiển thị kết quả tìm kiếm liên quan những sản phẩm được sản xuất trong nước, sản phẩm thân thiện môi trường hoặc sản phẩm có giá thấp. Phần mềm trung gian thậm chí có thể ngăn người dùng xem một số nội dung nhất định hoặc chặn hoàn toàn các nguồn thông tin hoặc nhà sản xuất nào đó.
Mỗi nhà cung cấp phần mềm trung gian cần được yêu cầu minh bạch trong các dịch vụ và tính năng kỹ thuật. Nhà cung cấp phần mềm trung gian sẽ bao gồm các công ty theo đuổi cải tiến nguồn cấp dữ liệu; và các tổ chức phi lợi nhuận đang tìm cách nâng cao những giá trị dân sự. Một trường báo chí cũng có thể cung cấp phần mềm trung gian nhằm ưu tiên những thông tin xác tín; hoặc một hội đồng giáo dục có thể cung cấp phần mềm trung gian tập trung vào những vấn đề được địa phương hóa. Bằng cách làm trung gian mối quan hệ giữa người dùng và nền tảng, phần mềm trung gian có thể đáp ứng sở thích từng người tiêu dùng đồng thời mang lại khả năng chống lại các hành động đơn phương của những anh “big tech” luôn muốn thống trị.