Lẩm Cẩm Sự Đời, Đoàn Công Tử
Anh Sáu Thảo
Anh Sáu Thảo lên thành phố kiếm sống, anh hứa với chị Phụng, nguời vợ có cha mẹ cưới hỏi đàng hoàng, là khi có công ăn việc làm, có chỗ ở ổn định, anh lộn về đón chị và 3 đứa nhỏ lên sống với anh.
Đời sống duới quê dầm mưa dãi nắng, tất bật lắm cũng đủ cái ăn, nhưng không có tương lai. Thằng Hiếu đã 12 tuổi và con Hiền 7 tuổi, ngoài việc học đã phải phụ mẹ công việc ngoài rẫy và bé Hậu đuợc lót khăn cho ngồi trong thau nhựa, để bốn mẹ con lúc nào cũng bên nhau, con Hiền vừa chơi với em vừa chờ mẹ và anh sai vặt.
Anh Thảo hứa chắc như đinh đóng cột, vậy mà đã qua năm rồi. Chị Phụng và lũ nhỏ chờ chồng, chờ cha đỏ con mắt. Nghe ông bà ngoại sắp nhỏ và các em cằn nhằn nói hành nói tỏi chồng, chị Phụng tủi thân, quyết đi tìm anh.
Tối hôm truớc khi đi, chị ôm chặt 2 đứa con gái mà nuớc mắt cứ tuôn trào, chị dắt thằng Hiếu đi tìm ba nó và gửi 2 đứa con gái cho ông bà ngoại và chị sẽ quay về đón khi tìm đuợc anh Thảo.
Hồi để anh Thảo đi, chị buồn lắm, nhưng nghĩ tới tuơng lai, chị chỉ cầu xin Trời Phật độ trì cho anh Thảo, vốn ở hiền gặp lành, quí nhân phù trợ, anh Thảo đi nhưng chị còn các giọt máu của ảnh làm bầu bạn, làm nguồn an ủi, chị thấy cũng không đến nổi nào nhưng bây giờ, sao chị thấy như xé ruột, nhìn bé Hậu nó áp đầu vào vai chị nó, ngủ ngon lành, chị cứ ngồi nhìn ba đứa nhỏ cho đến khi trời sáng.
Có tiếng chạo rạo sợ chị em con Hiền thức dậy, chị vội đánh thức thằng Hiếu để mẹ con chị lén lút đi cho kịp chuyến xe sớm, lên tới thành phố cũng phải xế chiều.
- Sao mình không dắt hai em cùng đi tìm ba, ba chắc cũng nhớ hai em lắm mà...
Thằng Hiếu cứ níu tay mẹ mà hỏi từ lúc mới rảo buớc ra khỏi nhà, chị cắn răng đau xót và không biết trả lời con như thế nào.
Thôn xóm yên bình, ra tới đầu lộ khá xa mới nghe chộn rộn tiếng đủ loại xe, chị Phụng bỗng nghe như có tiếng khóc của bé Hậu và tiếng kêu của con Hiền vọng lên từ chốn xa xăm.
- Mẹ ơi!!! anh Hiếu ơi!!! sao bỏ tụi con lại....
Chị nghe rỏ ràng mà lạ lùng là từ nhà ra tới đây đâu phải là gần. Chị quay qua hỏi Hiếu mắt còn đỏ húp.
- Hiếu ơi, con có nghe tiếng em con nó kêu không?
- Có, con có nghe, nó nói đừng bỏ hai đứa nó, mình quay về đón em rồi cùng đi, mẹ! mẹ ơi!
Chị Phụng nắm tay Hiếu và quay trở về nhà đón Hiền và Hậu, chị nhất định, sau khi phải xa chồng, tự rày về sau chị không để bất cứ đứa con nào phải xa chị nữa, sống chết có nhau.
*
Anh Thảo lúc mới lên Thành phố đuợc bạn cùng quê là Luận giới thiệu vào làm kho hàng cho hiệu buôn Thuận Lợi, anh có mã đẹp trai và đô con nên Cô Yến con ông chủ để ý và cất nhắc cho anh làm Cai Kho và anh ma mãnh nói xạo là còn... độc thân nên Cô Yến càng lưu tâm đến anh dữ ác, cho anh ở trong căn phòng nhỏ bên cạnh kho, cô thường mời anh ăn bánh, ăn sô cô la, mà cô nói là đồ bên Mỹ, Việt kiều đem về.
Rồi sớm muộn, truớc sau, cũng đến màn đi ăn chè ở Nhà Bè, rồi đi ăn lẩu cá kèo bên Tân Thuận. Hết chè, lẩu, rồi tới cái ngàn vàng của Cô Yến cổ cũng để anh Thảo xơi tái luôn với lời hăm dọa, anh mà có con khác là "chiết" với em.
Sáu Thảo bị công việc và cô Yến quần anh cả ngày, cho nên năm khi muời họa, nửa đêm về sáng, có thì giờ, anh lật đật nhớ đến chị Phụng và xấp nhỏ, anh chạnh lòng và xót xa, tự nhủ : thôi ráng để dành tiền gửi về quê, thì đâu cũng vào đó, anh vẫn thuơng yêu chị Phụng và tụi nhỏ như là những báu vật của đời anh, không gì thay thế đuợc, chỉ có chăng cuộc đời lắm lúc phải "quyền biến" vì hoàn cảnh.
Anh Thảo đuợc cô Yến xúi ba cô cho anh đi học thêm buổi tối và thêm khóa Anh văn giao tiếp, Sài gòn dạo này các hãng xưởng ngoại quốc vô nhiều, làm ăn, giao thiệp cần tiếng Anh.
Cô Yến hay hẹn hò anh Thảo đi Thủ Đức ăn nem rồi có lúc qua Lái Thiêu hái chôm chôm, măng cụt, lớp ăn lớp đem về cho Ông Lợi, ông xem ra chịu thằng ngố này. Ông chịu là phải rồi, ông mong cô con gái có người đàn ông, chứ cổ có khuynh hướng sống tự do, không bạn trai. Tự đó giờ cô có đem ai về giới thiệu cho ông xem mắt đâu, cứ tối ngày đi theo đám bạn gái hết Dalat, Vũng Tàu tới Nha Trang, làm ông già nhức đầu với cô con một này.
Cùng lúc đó, chị Phụng và mấy đứa nhỏ đã ở trọ bên Khánh Hội, buôn gánh bán bưng, sáng bán cháo lòng, chiều tối chè Bà Ba nước dừa, lên đây mấy tháng rồi nhưng tìm kiếm dò la không ra tin tức anh Thảo, mà anh Luận cũng không âm tín, thành phố dân đông như kiến cỏ, hàng xóm láng giềng còn không biết nhau, tìm nguời như thể tìm kim đáy biển.
Ngoài thì giờ học, thằng Hiếu hay qua phụ ông Tám Đại Hao Xu (Daihatsu) chở hàng đi giao khắp nơi, đi đâu nó cũng dáo dác tìm ba nó, con Hiền thì coi em và phụ mẹ nấu nướng.
Rồi cũng quen, lên thành phố chị Phụng nhả nắng, da trắng ra , vốn đã có duyên ngầm, chị càng đẹp thêm lên, làm nhiều ông trong xóm bổng thích ăn sáng bằng cháo lòng và chè bà ba giấc khuya, ăn trả tiền thì được, còn bày đặt rộng rãi bo thêm để đòi nắm tay thì quyết là không chứ đừng nói là đòi cái gì khác.
- Em nấu cháo lòng, sao em không thấu …lòng anh ?
- Dạ lòng heo mổ ra thì thấy, chứ lòng người, có mổ được đâu mà biết, mèn ơi!
Rồi chị cười huề, giả lã. Trêu ghẹo cho vui, thêm phần hữu nghị, vậy mà nhờ đó chị Phụng buôn may bán đắt, vốn tánh hiền lành, tụi nhỏ con chị lể phép nên cả xóm ai cũng mến thương.
Chị Phụng và đám nhỏ lên Sài gòn tính cũng được 6 tháng rồi. Bữa nọ, ông Tám Đại hao xu có mối giao hàng chất đầy nhóc lên cả trên mui, thấy thằng Hiếu xớ rớ ở đó ông kêu nó đi phụ để xuống hàng.
- Hiếu ơi! Rảnh phụ ông đi Bà Chiểu giao hàng ở Kho hàng Thuận Lợi.
- Ông Tám chờ con chút, con quên đồ...
Nó trân mắt nhìn Sáu Thảo thì Sáu Thảo cũng vừa lúc trợn mắt kêu khẽ:
- Hiếu ! con!
- Ba ơi!
Nó nói nhiêu đó rồi òa khóc như mưa, bên ngoài kia trời cũng sấm chớp, đổ xuống cơn mưa chiều Sài gòn như trút nước, ông Tám vẫn chờ nó:
- Cái thằng nhỏ quên cái gì mà lâu quá không biết, phải chờ nó chứ bỏ nó ở đây sao được !
- Con về nói má hay và an tâm, tối nay hay chậm nhất mai sớm ba qua rồi tính…, mà ngoài má ra, con đừng nói với ai con gặp ba ở đây nhen…
Chờ đến trời tối, anh Thảo ngoắc xe ôm qua Khánh Hội, quần tìm cả tiếng đồng hồ anh mới thấy chị Phụng đang ngồi bên bếp lửa trong cái chái mà chị thuê làm nơi tá túc, anh Thảo ôm chị từ sau lưng, mùi mồ hôi của chồng và cái ôm ấp chờ quá lâu ngày, làm chị bật khóc.
- Anh ơi, mẹ con em nhớ anh quá nên đi tìm…
Sáu Thảo đưa tiền cho vợ tìm thuê nhà khá hơn, may cho mấy đứa nhỏ vài bộ đồ mới có mà đi học đi chơi với người ta, còn chị Phụng lên khung, diện đồ, cô Yến sao sánh nổi.
- Em buôn bán chơi chơi cho vui, chủ yếu để anh lo, mà có điều anh dặn là đừng có đến chỗ của anh làm, kể cả thằng Hiếu, tạm thời mình phải sống xa cách như vầy, hai ba tối anh về một lần.
- Anh đang được nhà nước “ta” giao công tác bí mật, bọn phản động có thể đang theo dõi anh, đó là lý do bấy lâu nay anh không liên lạc về quê với gia đình. Với em và con, anh là Sáu Thảo muôn đời không hề thay đổi, còn với nhiệm vụ đối với đất nước, anh có bí danh khác…
À mà cũng quên nói thêm, sau một thời gian, anh Thảo khám phá ra là Cô Yến dùng anh làm bình phong đỡ đạn với ông già, với người ta, chứ thật sự người cô yêu và ân ái hàng đêm là cô Oanh Buồi, cũng dân đồng tính. Anh Thảo biết và thây kệ, cứ ngậm miệng ăn tiền…
Anh Sáu Thảo canh chừng khi cô "Hai" Yến đi chơi xa với người yêu đồng tính là cô Oanh Buồi, thì anh dọt về ở vài ngày với chị Phụng. Chị Phụng độ này văn minh và tính kỹ rồi, chị xài thuốc ngừa thai, không muốn có thêm con với anh Sáu, ngộ nhở anh bỏ chị, thời thế mà có đổi thay, thì chị cũng còn đủ sức kham nổi gia đình với thằng Hiếu, con Hiền và út Hậu.
Chị Phụng thuộc loại: “Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng…rồi thôi” chứ không phải “chỉ còn mối tình mang theo”, đầy toan tính lạng quạng cà chớn.
Chị thật thà như đếm kể cho anh Thảo nghe, hồi chưa lấy anh, cũng có người theo tán tỉnh chị, rù quến chị ra chỗ vắng, ôm nhau hun hít lăn lộn đỡ ghiền, nhưng đòi ăn trước trả sau là không có. Cho nên, đêm đám cưới, khách dự tiệc mới ra về được non một nửa, anh Thảo nôn nóng vô sân làm vua phá lưới một cách đàng hoàng, thủ môn Phụng bị lượm banh mấy lần, không kêu la cự nự được một tiếng.
Nhớ lại, trai gái trong làng ai cũng khen họ là cặp đôi xứng hợp. Hồi thời quốc gia, anh Thảo cũng có lên trường quận học gần xong lớp 11, thì mấy ông trên núi về...
Nhà nào có đất ruộng hay rẩy vườn mà không ai cầm cuốc cầm cày trực tiếp sẽ bị sung công chia cho mấy hộ, diện gia đình cách mạng hay gia đình liệt sĩ, anh Thảo phải bỏ học ở nhà làm ruộng và làm rẫy, chớ không thì bị cho là địa chủ.
Sáu Thảo và bà mẹ anh làm đám ruộng và miếng rẫy bở hơi tai mà đâu dám kêu người phụ, sợ bị kêu là thuê tá điền bóc lột nông nô. Trong khi đó nhà chị Phụng ở cuối thôn cũng chạy ăn từng bữa, chị Phụng và thằng Hòa, em chị, lên gặp má anh Thảo xin phụ nhổ cỏ, theo nước, kiếm gạo.
Má anh Thảo có con mắt tinh đời, nhìn tướng mắn con của chị Phụng, chị mà về làm vợ anh Thảo, bà có vài đứa cháu nội liên tiếp là cái chắc và nhà bà cũng có thêm nhân lực hợp pháp trong việc đồng áng rẫy nương. Anh Thảo cưới chị Phụng là như vậy.
So ra trong làng, chị Phụng sáng sủa nhất, anh Thảo thấy mình có phước. Ban ngày anh cày ruộng, tối về nhà anh …cày chị Phụng lia chia, thằng Hiếu ra đời. Má anh mừng có cháu nội trai, bà lấy được vốn rồi!
Mấy năm sau bà theo ba anh Thảo về nơi tiên cảnh, giao nhà cửa đất đai cho anh Thảo và gia đình bên chị Phụng, con dâu mà bà thương mến tin cậy còn hơn con ruột.
Trở lại chuyện trên Sài gòn, giờ đổi là thành phố mang tên ông Hồ. Dân ngoài kia đổ vô cũng nhiều, dưới miền Tây lên cũng đông, sinh kế ngày thêm khó khăn. Gánh cháo lòng chị Phụng bán coi có khách là y như rằng hôm sau có thêm mấy gánh gần đó, mà còn hoành tráng hơn. Cũng may, người ta cũng coi mặt mà bắt hình dong. Chị Phụng sạch sẽ, gánh cháo và lòng heo của chị gọn ghẽ nên chị cũng có “thương hiệu” cầm cự được thời gạo châu củi quế.
Lúc vắng khách ế ẩm, chị nhăn răng cười giả lả với bà Kiểm, cũng bán cháo lòng, ra nghề sau chị , ngồi xéo xéo bên kia, nhưng bả làm ngơ. Chị Phụng tính đề nghị mỗi bên trao đổi cháo để nếm thử cho biết, nhưng thấy thái độ kém thân thiện và làm phách của Bà Kiểm, chị đành thôi.
Chị Phụng lắm lúc cũng ấm ức nhớ lại hồi anh Thảo không tin tức về nhà cho vợ con cả năm trời. Nói công tác mật, mật thì cũng phải có …gan mà tính tới chớ, để vợ con chờ đợi chết người.
Nghĩ đi là vậy, nghĩ lại thì chị thấy mọi sự trên cõi đời cũng đều có cái nghiệp, cái cơ duyên của nó. Không mất tin chồng cả năm thì chị và lũ nhỏ đâu có đánh bạo lên Thành Phố sống và đổi đời như hiện nay.
Cũng như chị Hoa chủ nhà, chị có chồng là anh Bền, đi vượt biên hồi còn mới đính hôn. Anh làm công nhân ngoài kho 5 Khánh Hội, thấy người ta chộn rộn đi xuống tàu chạy giặc đám bạn cũng níu kéo anh lọt xuống hầm tàu, lộn ngược trở lên cũng đâu dễ, anh cố nén nước mắt xa chị Hoa, lưu lạc xứ người.
Ấy vậy mà anh gửi tiền về lo cho chị Hoa mua nhà, làm ăn và chờ đi bảo lãnh để làm Việt Kiều, ngon ơ.
Chị Phụng ngẫm nghĩ và cười một mình. Cháo lòng bán không hết thì…mai hâm lại bán tiếp, ai lại không bán đồ cũ, tiệm ăn cũng vậy thôi.
Lúc anh Sáu biết Cô Yến là dân 2 giây, nam nữ đều dùng đuợc, nói trắng ra cô quan hệ tình ái Nam Nữ, Nữ Nữ đều lấy làm vui thú, mỗi lần gần cô, anh Sáu nhà mình thấy nhợn nhợn mất hứng, anh khởi động chậm chạp và nhiều lúc như xe đang chạy, bị hết xăng, cà xịch cà đụi rồi dừng hẳn.
Anh mang cơn dư chấn đó về nhà mà chị Phụng, thì cứ ăn cháo lòng bán còn dư nên chị sung độ lên, rượt anh Sáu chạy vòng vòng hoài. Anh bị rượt cũng thấy tủi thân, nghe lời tụi bạn là đám tài xế xe hàng, bổ mấy thang Minh Mạng hầu tăng cuờng sức mạnh cho "Bộ chỉ huy miệt Down under". Minh Mạng đâu không thấy chỉ thấy ...Bảo Đại đưa tay đầu hàng, cần tìm thuốc khác để... cứu nuớc.
Thời này nhân loại chưa có vị cứu tinh vĩ đại Viagra, Cialis, nên anh Sáu thử lung tung xèng mà không tài nào có hiệu quả, nào là ăn nhiều hành tỏi, không ăn rau răm, nên ăn thịt dê, ăn gì bổ nấy, tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn, ngầu pín, ruợu pha huyết chim se sẻ, soda hột gà, hột vịt lộn, ngọc duơng tầm thuốc bắc, nghĩa là thử đủ thứ, chỉ hiệu nghiệm cầm chừng. Anh Sáu chợt hiểu rằng, cuộc đời này chẳng qua chỉ có "ấy ấy" là vui.
Bổng một hôm ngồi uống cà phê bít tất trong quán chú Quầy, thấy con em vợ chủ quán, mặc áo thì chật, lộ hai trái cam, ửng hồng, chạy lơn xơn bưng thức uống cho khách, anh Sáu thấy mình nóng gà lên, như có tiếng kêu " gung ho" của Thủy quân lục chiến Mỹ khi xung trận. Anh vội trả tiền cà phê, chạy về lôi chị Phụng ngoài sạp cháo về nhà, nói có chuyện gấp, vừa vô nhà anh đè chị hun lấy hun để, rồi xốc bế chị Phụng lên giuờng, đuợc ăn bất ngờ chị nàng cuời khúc khích và còn làm bộ:
- Anh..anh.., từ từ anh, sao hôm nay dữ thần vậy trời...
Bữa đó anh Sáu lâm trận kịch liệt vui vẽ đôi đuờng. Anh biết bệnh mình chỉ là ham của lạ, cần cái gì khác cô Yến, chị Phụng, quá quen thuộc nên... lờn thuốc. Tuy vậy lòng vẫn còn không vui, ý anh là phải thấy đâu đánh đó mới là đúng điệu, quen lạ đều đánh mới là ...lịch sự, như anh Tô chòm xóm anh Sáu hồi còn duới quê. Anh này chu toàn từ trong nhà ra đến ngoài ngỏ, lâu lâu lại còn... an ủi mấy bà U 70, rất là lễ độ và nhẹ nhàng.
Anh Sáu ham của lạ, nhưng chị Phụng hó hé là không được, nhiều lúc anh thấy mình không công bằng và thảo lảo như cái tên của anh.