Sau đây là hai ý kiến khác biệt về sự xuất hiện của thầy Minh Tuệ tại Việt Nam. Một bài nói về những “điểm son” của “hiện tượng” này của ông Thiện Nhân và một bài chống lại việc xuất hiện của thầy Minh Tuệ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Để trả lời cho những “cáo buộc” của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, một người trẻ trong nước là ông Vũ Thế Dũng của Thinking Scholl.com có một clip phản biện lại thông cáo này rất hay. Chúng tôi xin kèm theo để rộng đường dư luận.
Bài Thứ Nhất
ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA KHI THẦY MINH TUỆ “XUẤT HIỆN”?
1) Hình ảnh Thích Minh Tuệ đã làm thay đổi cách nhìn một chiều đối với Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Tại sao là một chiều? Bởi không ít vị tu sĩ cho rằng tu sĩ phải đầu tròn, áo vuông, phải được giáo hội công nhận, phải có danh xưng cao đạo này nọ mới được gọi là tu sĩ. Nhưng ẩn sâu đằng sau những hình tướng này ra sao, đó mới là quan trọng.
2) Hình ảnh đầu đội trời, chân đạp đất trên khắp mọi nẻo đường đã làm lung lay những bước chân quen bước lên xe máy, xe hơi, máy bay sang trọng của nhiều vị tu sĩ?
3) Hình ảnh ba y phấn tảo được chắp, vá từ những mảnh vải lượm ở bãi rác, bãi tha ma, khiến cho những bộ hoàng y của nhiều tu sĩ bị lu mờ?
4) Hình ảnh chiếc "bình bát" được chế từ lõi nồi cơm điện vì sợ làm hoen ố hình ảnh bình bát của Phật, những bình bát mà rất nhiều tu sĩ dùng để nạp đầy những “món đồ” không đúng với Phật pháp”?
5) Hình ảnh từng bước chân an lạc, đi khắp mọi nẻo đường của tổ quốc, dưới trời mưa, giá lạnh hay nắng nóng 30-40 độ C chỉ để rèn luyện sức khỏe và học hỏi lối sống tàm quý, tri túc, biết đủ khiến cho vô số các tu sĩ quen hành cước trong các đạo tràng cao sang phải nhột nhạt?
6) Hình ảnh một ngày ăn một bữa trước ngọ, sau ngọ ai cho, ai tặng, ai cúng dường bất cứ thứ gì đều nhất quyết không nhận, cho dù một vật nhỏ đã khiến nhiều tu sĩ ngày ăn ba bữa, nhận đồ cúng dường phi thời, cảm thấy bị thương tổn vì quyền lợi đang bị thu nhỏ và đe doạ?
7) Hình ảnh ai cho tiền, nhét tiền, ép nhận tiền vào tay nhưng nhất quyết không nhận, vì nhận tiền là phạm giới, khiến cho không ít tu sĩ quen, thường nhận tiền, tìm mọi cách để nhận tiền của chúng sanh phải đổ mồ hôi hột?
Hình ảnh đắp y phấn tảo, an nhiên tự tại giữa bốn mùa nóng lạnh, kiết già qua đêm trong hang núi sâu, dưới rừng lá rậm, trong căn nhà hoang hay giữa bãi tha ma... khiến cho nhiều tu sĩ quen nằm giường cao, nệm đẹp, có máy điều hòa phải cảm thấy bất an?
9) Hình ảnh nụ cười an lạc luôn nở trên môi, từ bi cầu nguyện an lạc cho những chúng sanh ngay cả khi bị chúng sanh chửi bới, đánh đập, xua đuổi... Khiến không ít tu sĩ đã quen cảnh được chúng sanh khúm núm, xu nịnh, cung phụng... cảm thấy nhức nhối?
10) Luôn xưng con với tất cả chúng sanh - tự tại, vô ngại, vô ngã khiến không ít tu sĩ quen núp trong ảo tướng giả tạm đứng ngồi không yên?
11) Luôn phủ nhận mình là tu sĩ - vì không muốn làm mất đi hay làm ảnh hưởng tới hình ảnh tôn nghiêm, cao quý của Bổn Sư, bổn tự nơi mình xuất gia, mà chỉ khiêm hạ nhận mình là một công dân Việt Nam đang học thực hành theo hạnh nguyện của Phật khiến không ít tu sĩ và các cư sĩ cuồng tín tức tối?
12) Luôn pháp, lấy giới của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật làm Thầy, trang nghiêm trong từng bước chân, khiêm cung, lễ kính trước hết thảy chúng sanh khiến cho nhiều tu sĩ, cư sĩ lơ mơ về pháp, sao nhãng, khinh khi giới luật của Phật phải tức tối, hoảng sợ.
13) Luôn lấy Giới - Định - Huệ làm Thầy, làm nền tảng tu học, làm hành trang khuyến tấn hành giả, tùy duyên hóa độ chúng sanh khiến cho nhiều tu sĩ, cư sĩ quen tu giới định huệ trên sa lon, phòng lạnh đứng ngồi không yên, ăn ngủ không ngon, không yên giấc?
Sự xuất hiện hiện của thầy Thích Minh Tuệ đang làm sống lại hình ảnh của chư cổ Phật, của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nhắc nhở, khuyến tấn chúng sanh đi theo con đường Bát Chánh Đạo để cùng nhau hướng về bến bờ giải thoát.
Mọi thủ đoạn sử dụng đám đông để trà trộn gây hỗn loạn, xây dựng kịch bản ám sát & hãm hại, sử dụng công cụ truyền thông bôi xấu, dèm pha, chửi bới, hành vi nhục mạ, bức hại, đánh đập thầy Thích Minh Tuệ càng chứng tỏ một điều, đạo từ bi trí tuệ của Phật đang không ngừng tỏa sáng trên đất Việt.
(Nguồn Thiện Nhân)
Bài thứ hai
Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về "sư Thích Minh Tuệ"
(NLĐO) - Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng người được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo
Ngày 16-5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ký văn bản số 151 thông báo về việc người được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo
Thông báo nêu rõ trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Tiktok, Facebook, Youtube, Instagram, Twitter xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.
Người này được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ". Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến GHPGVN.
Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của GHPGVN. Điều này cũng đã được chính người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội.
Theo thông báo, người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Tuy nhiên, lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu view và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử GHPGVN.
"Trong mấy ngày nay, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN" - công văn của GHPGVN nêu rõ.