Đinh Hùng Cường: PHÒNG ĐỢI TỬ THẦN

Diễn Đàn

Đinh Hùng Cường

PHÒNG ĐỢI TỬ THẦN

(Một câu chuyện – chẳng đặng – đừng đọc)

Viết trong mùa dịch Covid-19 (July 20, 2020)

Thực vậy, chẳng ai muốn đọc, một chuyện mà tất cả mọi người khi cuối đời, đều đến đây để được thần chết đưa đi, đó là phòng đợi tử thần (Hospice). Con người khi đi đến nơi cuối cùng của kiếp sống, người Nhật gọi là điểm khởi hành (Departure), Người Tây phương gọi là đời mới (New life), và người mình gọi là dứt nợ trần ai hay Chết. Thực ra đi tới cái chết là hết, nhưng thật không dễ gì để được chết êm thắm, nhắm mắt lìa đời như một giấc ngủ là ít người có được.

Tôi muốn kể lại một số điều không muốn kể, tôi đã chứng kiến cảnh một số người sắp chết, dĩ nhiên là tôi đã an ủi người ta một cách dối trá, nói là anh không chết đâu anh, nhưng thực ra tôi biết thừa rằng, có thể tôi chỉ quay đi, người bạn tôi sẽ chết, nhưng ngay lúc đó, tôi không nói được. Những ngày còn trận mạc, tôi rất quan tâm đến cái chết của con người, tôi thường hỏi bác Diễn tôi, một nhà tướng số thần tài, là làm sao biết được một người sắp chết, bác tôi nói dễ lắm, cứ nhìn mặt người nào bóng nhẫy, da mặt căng như được bàn ủi ủi và tóc tai cứ dựng ngược lên trời, là biết người đó sắp chết.

Trước những cuộc hành quân, tại tuyến xuất phát, tôi tập họp anh em, chuyện trò với họ, cố xem tướng mạo như bác tôi nói, anh nào, lát nữa đây đụng trận sẽ chết. Nhưng khốn nỗi, Trời nắng chang chang, mặt anh lính nào cũng căng nhẫy, đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại. Đầu thì đội nón sắt có lưới, tôi không cách gì coi cái tóc cái tai, để biết anh nào tóc dựng, anh nào tóc nằm, mà đoán xem họ sẽ sống hay chết sau cuộc hành quân này. Tôi bèn đổi cách, bắt chuyện, tìm hỏi xem, cách thức họ nói năng có lộ ra điều gì làm tôi suy nghĩ là anh này nói gở, sẽ gặp nạn hay không. Tuyệt nhiên – Tôi không tìm thấy điều gì ở những người lính sống chết cùng tôi, thân yêu như anh em, gia đình – có điềm nhìn thấy là sẽ chết. Chỉ sau khi chạm địch, im tiếng súng, điểm danh sau cơn binh lửa, mới biết ai còn ai mất. Cho hay số phận con người, trước hòn tên mũi đạn, khi chinh chiến, không ai biết được, chỉ trông vào rủi may cho cái mạng sống của mình.

Sau chiến tranh, đời tị nạn đã bắt tôi phải lo cơm áo cho vợ con, tôi bỗng quên bẵng đi cái chết của con người cho đến cả 40 năm. Rồi bất thần nhìn lại, bạn bè anh em đã bạc trắng mái đầu, tôi lại thấy cái chết lởn vởn trong tâm tư. Bây giờ tôi không còn bác Diễn để hỏi, và cho dù tôi còn có người học trò cưng của bác là anh Quyến, tôi cũng khó hỏi, hay có hỏi thì cũng chỉ được trả lời bằng một nụ cười vô thưởng vô phạt. Quyến không chịu nói. Tôi cũng chả cần hỏi, cứ vô phòng đợi tử thần (Hospice) cạnh nhà thương, hay chạy đến nhà bạn – khi được thân nhân thông báo bạn mình, hay người thân thuộc sắp ra đi – thì biết ngay người đó sẽ chết.

Tôi đã đến thăm anh Đặng, một người bạn hơi lớn tuổi, một người hàng xóm của tôi. Tại phòng đợi tử thần, tôi mường tượng thần chết, đứng kính cẩn ngoài cửa, tay lăm lăm cầm lưỡi hái, chờ giờ hoàng đạo là nhảy vào lấy mạng người. Sự thật, không vậy, thật khác lạ, tôi thấy một phòng ốc sáng sủa, sạch sẽ, tuyệt nhiên không có cảnh chết, cảnh nhà thương, không thuốc men. Người bệnh được nằm yên tĩnh thoải mái trong phòng đợi. Thời điểm này gọi là hết thuốc chữa, chỉ tĩnh dưỡng, ăn, uống và chờ đi. Anh Đặng nằm im trên giường, hai mắt nhìn lên trần nhà, thấy tiếng động, anh quay sang gặp tôi, mừng rỡ, khuôn mặt tươi hẳn lên, ra lời và tôi với anh bắt đầu nói chuyện:
– Cường hả, cảm ơn cậu vào thăm tôi. Tôi đáp đùa:
– Phải vào chứ, tình nghĩa lúc này, làm sao bỏ được anh Đặng già thân mến, người anh, người hàng xóm nhiều kỷ niệm của đời tôi. Anh khỏe không? ăn ngủ được chứ?.
– Ăn như ăn rác vô mồm, có cảm thấy gì đâu.
Vẫn cái giọng vui đùa, anh Đặng nói tiếp:
– Năm ngoái khi đi bác sĩ, tôi biết mình bị ung thư, bác sĩ phán là phải uống thuốc, làm kê mô (chemotherapy), yên chí sẽ sống thêm 10 năm nữa. Tôi nghe lời, nhưng khi làm kê mô, đau đớn, ói mửa, rụng tóc, khó chịu quá, tôi nghĩ, thôi thì bỏ kê mô, uống thuốc cũng sống được một nửa, 5 năm cũng đủ lúc đó cũng ngoài tám chịch, đi thì cũng vừa, đâu ngờ, bỏ kê mô, một năm sau, bệnh tái phát, nó lan nhanh đến độ bây giờ, không còn thuốc chữa.

Nói đến đây, anh Đặng chợt ngừng, khuôn mặt anh đang vui bỗng tối lại, thực tế đã cho anh nhìn thấy, mình sắp đi, mà đi thật, hết vui nổi anh đã buồn bã, khóc, nói với tôi, anh đâu muốn chết, chưa muốn Tô Bia, muốn sống vui với đời lúc nữa. Tôi ngồi im lặng cạnh anh, không biết làm cách nào an ủi. Chỉ giữ thái độ thân thiện với anh, đến khi anh Đặng lơ mơ chìm vào giấc ngủ, thì tôi lặng lẽ rời Hospice ra về. Một tuần lễ sau, anh Đặng đã ra đi khi tôi đang ở Cali, không có mặt tiễn anh. Tô Bia là nhà đòn lớn, sang trọng tọa lạc ở đường Hai Bà Trưng Sài gòn năm xưa. Khi sống anh Đặng hay dùng chữ Tô Bia để ám chỉ nói đùa đến người chết.

Lê Thiệp là người bạn chí thân của tôi từ Sài Gòn, tôi không phải bạn học với Thiệp, nhưng từ Ban Mê Thuột, Thiệp đã vô Nam ở với gia đình chú Mai, cùng xóm với tôi. Ông thần này được tổ đãi, suốt đời làm báo, lêu lổng, rong chơi, bỗng một ngày cậu vượt biển qua Mỹ, Thiệp đến ở nhà tôi một lúc với thằng Tùng, thằng Đàn con chú Mai. Trong lúc cầu bơ cầu bất Thiệp gặp thằng Tuyển, bạn làm báo của Thiệp, lại là bạn thân của tôi thời trung học. Thằng Tuyển nhường cái job của nó ở Connecticut cho Thiệp để đi Cali, vì vợ Tuyển không chịu nổi cái lạnh thấu xương ở miền Bắc Mỹ.

Tôi còn nhớ câu chuyện khi ở VN, tôi có dắt Thiệp cho bố nuôi tôi coi tử vi cho anh ta, bố tôi nói, anh này phú quý tột bực, nhưng phải cái nạn thượng lộ mai thi (số chết đường, chết xa), mà quả thật, Thiệp kể tôi nghe, khi vượt biển, anh đã cho vợ chồng ông bà Bùi Điển đi nhờ, bạn bè nên không lấy tiền bạc chi cả, bà Bùi đã có một thời đi bay Air-VN với Trâm, còn cậu Điển sau này ôm tờ Thủ Đô Thời Báo ở Falls Church Virginia cho tới già. Trong lúc Thiệp đứng ở bờ thuyền trên biển, bỗng bị một cái sóng vô cùng mạnh đánh vô, làm cu cậu văng xuống biển, may nhờ phúc đức, Thiệp vớ được cái lốp cao su ở thành tàu, ôm mà chịu trận cho con thuyền kéo đi, đến một lúc, hai tay Thiệp rã rời, không còn có thể ôm theo con thuyền được nữa, thì bà Bùi, không hiểu sao trong khoang thuyền bước ra, thấy cậu Thiệp lóp ngóp dưới biển, bèn tri hô rầm rĩ, cả thuyền nhao nhao chạy ra cứu Thiệp. Thoát chết, Thiệp nói, sóng mạnh đến nỗi, Thiệp ở trần, mặc cái quần đùi, mà khi văng xuống biển, sóng lột băng cả cái quần, làm cậu Thiệp lên tàu mình trần như nhộng. Cho hay cái tâm tốt với bạn, ông Trời đã trả ơn, cho bà Bùi thấy mà cứu Thiệp.


Lê Thiệp và vợ, chị Phương Mai

Trời thương, Lê Thiệp đã thành công vượt bực, với hàng chục tiệm phở ở Mỹ, ở Đại Hàn, shopping, office building đủ cả. Rồi bỗng dưng Lê Thiệp bị ung thư gan đến thời kỳ thứ tư. Lá gan là một bộ phận âm thầm gánh chịu mọi khổ đau cho những cơ phận khác trong cơ thể con người. Một khi nó quá tải, không ôm nổi nữa, thì nó phát ra, và bệnh nhân chỉ có nước chờ chết. Đó là trường hợp của Lê Thiệp. Chị Mai vợ Thiệp, thương chồng, đã tìm mọi cách chữa chạy, bất kể tiền bạc, nhưng vô vọng. Thiệp đã chọn “Hospice” ở nhà. Tôi đến thăm Thiệp với Thủy, ông bạn nhậu của Thiệp, mà Thủy cũng là em ruột ông Thụ, người bạn lớp nhì tiểu học với tôi. Điều tôi nói ở đây là tôi rất lạ cho phong thái của Thiệp. Tôi thương bạn đến rơi nước mắt, khi biết thằng bạn thân trong đời của mình sắp ra đi. Thay vì cảm động, nó đã sửng cồ mắng tôi:
– Tôi chết, tôi không lo, tại sao ông lo. Kệ mẹ nó, chúng mình ngồi đây, nói chuyện vui.
Cả ngày hôm đó, nó không uống rượu được nữa, pha trà cho tôi và Thủy. Cậu Thủy buồn lắm, dân rượu với Thiệp nay lại phải uống trà. Nó loay hoay rót bình trà vô cái cốc nhỏ xíu, bảo tôi, trà này quý lắm. “Trảm Mã Trà” đấy. Người ta bỏ trà vô bụng con ngựa, xong chặt đầu nó, để dạ dầy con ngựa tiết ra một chất đặc biệt cho trà. Tôi cho là nó nói phét. Ngựa đâu mà lắm thế để chém đầu. Cũng như chuyện cà phê nanh chồn ngon nhất, người ta nói cho con chồn ăn hạt cà phê, không tiêu, nó ị ra, đem hột đó rang lên pha cà phê uống, thực ra chỉ là phịa, người ta xem con chồn chọn hạt nào nó ăn, người ta cho là hột ngon, bắt chước, lấy riêng ra làm cà phê đặt tên cà phê Nanh Chồn.
Trước khi Thiệp chết, tôi có đến ngồi với bà Toán, chị ruột nó. Chị Toán nói với tôi một câu mà tôi thật não lòng: “ Cậu Cường ơi, tôi thương Thiệp lắm, nếu tôi chết được thay cho em thì tôi cũng chết”.
Tôi biết nó nằm trên gác, đau đớn lắm, nhưng rồi theo số phận, trời kêu ai nấy dạ. Thằng Thiệp đã ra đi sau đó vài ngày. Tôi và ông Thủy đã đến nhà quàn đưa nó. Khi tôi và ông Thủy thấy, chị Mai vợ Thiệp ôm cái hình của Thiệp bước ra, mắt đỏ hoe, thì tôi biết đời bạn tôi kể như xong, bao nhiêu của cải, vợ con, tiền bạc, thương yêu để lại cho đời, ngọn lửa sáu ngàn độ trong lò thiêu đã mang Lê Thiệp với cái quan tài thành tro bụi. Thật buồn cho kiếp người! Cát bụi lại trở thành cát bụi. (Poussière revient à la poussière) Đúng là Vô Thường theo đạo Phật nhiệm mầu.

Ông Thủy, bạn nhậu với Lê Thiệp, cũng ra đi sau đó vài tháng. Ông Thiệp ung thư gan, ông Thủy ung thư cổ họng. Cũng như Lê Thiệp, ông Thủy chọn Hospice tại nhà, chị Liên vợ Thủy đã dọn cho ông một căn phòng nhỏ, nằm đó, yên ắng ôn lại sự đời mà đợi ngày đi.
Tôi là bạn học với ông Thụ, anh ruột ông Thủy từ thời lớp nhì. Tôi hợp với ông Thủy nhiều hơn, tuy không biết nhậu, nhưng mỗi khi sáp lại với Thụ, với Phạm Bá Vinh (anh vợ ông Thủy) thì tôi cũng túy lúy. Tôi biết ông Thủy hơi bê tha, nhưng con người có nghĩa khí, nên tôi cho đó là chuyện nhỏ, tôi vẫn thân với ông. Tính Thủy thẳng thắn, hay mất lòng người.
Thủy có cái tài, là ông uống rượu bị cảnh sát bắt bao lần, mà không bao giờ bỏ tù ông được cả. Cứ mỗi lần thổi bong bóng là cậu Thủy tìm cách giữ lại nồng độ rượu trong cuống họng. và hơi thở bình thường chạy ra cái bong bóng, cảnh sát phải tha. Nhưng rồi, Trời bất dung đãng, cảnh sát đã chế ra một cái “device” mới, khi người phải thổi bong bóng, mà không thổi đủ áp suất cho cái “device activated” thì coi như chưa thổi, phải thổi lại. Lúc đó tài ông Thủy hết dùng được, ông phải vận hơi thổi, hơi rượu hàng chục chai bia trong bụng ông đã làm cho ông bị bắt vô tù. Tôi đã ứng tiền để chuộc ông ra, sau đó, ông nghĩ cách khác là có thể qua mặt cảnh sát, nhưng không hiệu quả, ông tái phạm lần thứ hai, cảnh sát cho ông ra tòa, thương ông, tôi đã nói Trâm ứng tiền cho ông thuê luật sư, chúng tôi đều nghĩ, giúp ông thôi, số tiền này sẽ không bao giờ được bồi hoàn, và chúng tôi cũng không hề bao giờ nhắc nhở số tiền này trong suốt thời gian ông Thủy ốm đau. Có một lần lâu lắm, trước tất cả những chuyện này. Ông Thủy nói một câu trước mặt Trâm làm tôi cảm động. Thủy nói:” bạn bè ông Thụ tôi đều gọi bằng thằng, trừ ông, bao giờ tôi cũng gọi ông bằng ông”. Mà thật vậy, bao giờ ông Thủy cũng gọi tôi bằng ông Cường và vợ tôi là bà Trâm.

Một điều bất ngờ nữa là sau khi ông Thủy chết, mấy năm sau, chị Liên vợ ông Thủy đã trả đủ số tiền bảy ngàn mà Trâm đã ứng cho ông. Tôi lạ quá, điều chúng tôi không bao giờ nhắc, sao chị Liên lại biết, hóa ra trước khi chết, ông Thủy đã tâm sự với chị Nhâm là chị ruột, ông thiếu tôi số tiền, nhờ chị Nhâm nói vợ Thủy, nên mấy năm sau bán nhà chị Liên đã trả.


Đặng Văn Thủy (hàng trước, bên trái) hàng sau là vợ chồng Đinh Hùng Cường

Buổi trưa hôm đó, hai vợ chồng tôi đang học truyền hình với Võ Thành Nhân, bỗng ông Thụ kêu tôi, phải lại ngay, ông Thủy chết rồi. Vợ chồng tôi vứt sách vở, chạy như bay tới nơi, thì ông Thủy vừa mới tắt thở. Không may lúc Thủy chết, Thụ vội vã lo cho em mà quên cái hàm răng giả ở ngoài, Thụ nhất định bắt tôi, ghì xác ông Thủy, vừa chết mà đã cứng đơ, để Thụ banh miệng ông Thủy ra, nhét cái hàm răng giả vô. Thụ thật mạnh tay kéo hết sức mới kéo được cái hàm ông Thủy mở ra.

Thiệp và Thủy chết đi để lại trong lòng tôi niềm thương mến. Hai tay này có một cá tính đáng nể, cái chết đến với họ, nhẹ như không, chả buồn phiền, lo sợ hay thắc mắc. Đến và đi giữa cuộc đời không lưu luyến, không tạo âu sầu phiền não cho bạn bè hay người thân. Tuy chết bệnh, nhưng cả hai đã ra đi rất anh hùng. Thương bạn mà lòng tôi vô cùng cảm phục .

Chưa hết, cái năm quái ác này (2013) tôi có đến 3 người bạn đã ra đi, người thứ ba là một ông Mỹ, bạn Trâm, lúc đầu ông Smith khai thuế cho Trâm, sau ông thành người bạn thân thiết, vợ ông người Ukraine, đàng hoàng tư cách. Hàng năm, sau mùa thuế, Trâm thường đãi ông bà này ăn uống. Richard Smith bảo vệ Trâm hết mình, bất chấp sở thuế, chuyện lớn, chuyện nhỏ, “audits” hay “questions” Richard đến tận nơi, ăn thua đủ với nhân viên thuế vụ.
Từ ngày có ông Smith, Trâm ăn no, ngủ yên, kiếm tiền mà không hề sợ sở thuế dòm ngó. Nhưng rồi cũng như Phật đã nói, mỗi người chỉ đi được với nhau có một đoạn đường, bất kể ai là ai. Có hợp, phải có tan, đúng sau 30 năm khai thuế, ông Smith gặp chúng tôi, đáng lẽ tiến hành công việc như thường lệ, ông lại nói là sẽ khai thuế năm chót, vì sức khỏe ông xuống quá. Từ một người vạm vỡ, cao lớn, ông tụt 90 pounds, gần một nửa trọng lượng con người. Dù hết sức rồi, với lời hứa, bà vợ Ukraine cũng chở ông từ Gettysburg xuống khai thuế cho Trâm. Chúng tôi đã đãi hai vợ chồng người bạn bữa cơm lần chót để ông nhập viện.
Đến khi biết ông vô Hospice, chúng tôi lặn lội lên thăm. Cái cảnh Hospice, ôi hãi hùng, phòng đợi của tử thần, trông yên lành tĩnh mịch nhưng ngầm chữa nỗi kinh hoàng. Mỹ cũng như Việt đều chung số phận, mỗi người nằm đó ôn lại những phút chót của đời người bằng những lối suy nghĩ khác nhau, không biết do tinh thần, trực giác hay vô thức mà phản ứng mỗi người mỗi khác. Richard Smith, không bao giờ nghĩ mình sắp chết, ông nằm trên giường bệnh, thân hình còn bằng đúng một nửa, ông ta chỉ còn là bộ xương nhúc nhích, hai con mắt chìm sâu vào trong hốc mắt.
Chúng tôi tuy thương ông, nhưng nhìn ông không khác gì một con ma còn sống. Richard vẫn tỉnh táo nói với Trâm, hôm nay thứ sáu, tôi nghỉ cho khỏe, thứ hai vợ tôi sẽ chở tôi xuống Virginia, tôi sẽ làm nốt cái State tax cho bà. Ông nằm đó, không chấp nhận cái chết, hay ông dối nó cho là ông sẽ không chết, vì ông còn ham sống quá chăng? Cho đến lúc chúng tôi bắt tay ông ra về, ông vẫn còn thì thào nói với Trâm, “See you Monday for your State tax”. Ba ngày sau đó, ông đã không xuống Virginia, mà chúng tôi phải trở ngược lên Gettysburg tiễn ông trong một nhà thờ Orthodox, vì ông là cựu chiến binh Hoa Kỳ, người ta đã bắn bảy phát súng tiễn ông trước khi hạ huyệt.

Cho dù Hospice tại Hospice (riêng rẽ), Hospice tại gia, hay Hospice tại nhà thương, tôi đều thấy các bạn tôi ra đi mau mắn, trừ trường hợp bạn Sỹ, Hospice tại Maryland, thì bạn lại ra đi lâu lắm. Sỹ cứ nằm đó mà không chịu chết. Nguyễn Văn Long bảo tôi, mình phải đi thăm Sỹ, Ông bà Long Lan, vợ chồng tôi đã đến Hospice vào buổi chiều nhá nhem thăm Sỹ. Bà Lan cẩn thận mua bó hoa, vì cho rằng những người nằm trong Hospice thì ăn uống được gì nữa đâu. Bốn người chúng tôi ngồi nói chuyện với Sỹ lâu lắm.
Tôi thấy Sỹ không có triệu chứng gì là sắp ngủm cả, tôi bèn khều Long ra ngoài nói nhỏ. Sỹ có gì đâu mà họ lôi anh ta vô đây nằm lâu quá.
Vô lý, họ phải cho anh ta trở lại nhà thương để chữa trị. Long nói không hiểu sao, chứ bà vợ Sỹ nói là hết thuốc chữa rồi, Ung thư nó ăn hết tim gan, phổi thận, còn gì nữa đâu để mà sống. Tôi không trả lời Long, nhưng nghĩ Long đã bảo vợ Sỹ nói thì phải trúng. Sỹ là bạn với tôi và Long cùng thời Sư Đoàn 5. Long ở Tiếp Vận, Sỹ ở Tổng Quản Trị, còn tôi ở quan sát viên. Chúng tôi có duyên với nhau, suốt bao năm chinh chiến, đi đâu cũng gặp. Anh chàng Sỹ này tính vui nhộn, sống rộng rãi theo kiểu Nam Kỳ, xả láng sáng về sớm. Trước khi động viên đi lính, Sỹ làm quan thuế, rất cổ tài.
Thường rộng rãi trong lúc ăn nhậu, tôi có một kỷ niệm bắt tức cười với anh, mà không dám cười. Số là hôm đó chúng tôi họp tại bộ tư lệnh sư đoàn có tướng Thuần, tư lệnh chủ tọa. Sỹ và tôi là loại cóc cắn, ngồi tuốt phía sau, Sỹ lấy thuốc lá ra hút. thời đó, sĩ quan anh nào có cái quẹt lửa gas là sang lắm. Rút điếu thuốc, ngậm lên môi, bật cái quẹt gas lên, ngọn lửa xanh rờn, mồi thuốc thật ngon, không có mùi xăng như quẹt zippo, hay mùi diêm sinh ngai ngái như que diêm.

Bỗng tôi thấy Sỹ bật cái quẹt gas lên, rồi ngã ngửa ra đằng sau, ôm lấy mũi, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Lạ quá, ông tướng ngồi đó tôi đâu dám hỏi. đến khi tan buổi họp, tôi thấy mũi Sỹ đỏ lòm, tôi hỏi Sỹ, anh mới nói, không biết đứa nào rắn mắt, lấy cái quẹt gas của Sỹ, vặn cao hết mức, khi bật lên, lửa gas có thể cao cả tấc. Ngọn lửa đã không mồi điếu thuốc trên môi, mà đâm thọc vào mũi, đau quá, Sỹ bụm mặt, miệng muốn chửi thề, khốn nỗi ông tướng ngồi trên. Sỹ đau quá không văng được câu chửi, phải bịt miệng cho nước mắt chảy ra. Sỹ kể cho tôi, lúc đó anh mới văng tục một tràng ra cho hả nỗi đau mà trước đó không chửi được. Làm tôi vừa tội nghiệp cho bạn vừa tức cười cho hành động của Sỹ, ngồi bên cạnh tôi đã ngửi mùi khói khét lẹt của lông mũi.

Rồi đất nước hết binh đao, Sỹ ở tù mệt nghỉ, khi đến Mỹ, sống đời sung sướng. Tôi hỏi Sỹ, đi sau đến muộn làm sao sống đời sung sướng? Sỹ nói, vì đi sau, đâu có học hành chi mô, Tôi làm Janitor cho tòa báo Washington Post. Tôi kể chuyện diễu hay quá, mấy anh em ở đó thương, kêu tôi không phải làm gì cả, cứ kể chuyện vui cho họ nghe, đỡ buồn ngủ, là họ sẽ làm hết công chuyện cho Sỹ. Từ đó, hằng đêm Sỹ vác chiếu đi làm, kể chuyện riễu cho anh em và supervisor nghe, xong là tìm chỗ ngủ, đợi đến giờ về là anh em đánh thức Sỹ dậy.

Bây giờ Sỹ nằm đây, khuôn mặt vui tươi nói chuyện, chúng tôi đã yên lặng lắng tai nghe, Sỹ nói:
Tôi cảm ơn vợ chồng Cường với Long đã đến thăm trong đêm tối, dù chỉ ngắn ngủi thôi, nhưng vô vàn hạnh phúc. Đời tôi đang nằm đây, nếu có ai nói nhất nhật tại tù bằng ba thu tại ngoại, Thực không thấm vào đâu. Tôi phải nói một đêm nằm trong Hospice bằng ba năm nằm trong tù, nó kinh hoàng lắm bạn ơi. Tám giờ tối, khi những “services” trong nhà thương đã hết, người gác đóng cánh cửa lại, cho dù đèn vẫn bật sáng, nhưng cái im lặng làm cho tôi vô cùng sợ hãi. Nằm nghĩ viển vông, biết rằng cuộc đời đến đây là hết, nhưng nó hết như thế nào. Mình sẽ chết ra sao, sáng mai mình có dậy không?, còn hy vọng nhìn vợ con nói điều trăn trối, hay âm thầm nhắm mắt ra đi, mỗi tiếng động, mỗi tiếng kêu than, cho đến mỗi tiếng thở dài của những người bệnh nhân tôi đều nghe thật rõ, tôi cứ nằm đó, mắt không nhắm, không mở, không thức, không ngủ. Tôi muốn ngủ, nhưng không sao ngủ được, nghĩ ngợi mông lung, muôn ngàn muôn vạn ý nghĩ nhào vô trong đầu làm mình muốn điên luôn.
Tôi ngắt lời Sỹ, sao bạn không bật TV lên coi cho nó thật mỏi mắt thì nó sẽ ngủ. Sỹ nói:
– Đã làm hết cả rồi, không ăn thua gì cả. Cái điều mình không biết ngày mai ra sao, thì mình còn hy vọng, đằng này, mình biết ngày mai mình chết, thì còn gì để nghĩ, còn gì để hy vọng? bấu víu vào ai, tin tưởng vào cái gì?. Cứ thế và tôi phải thức, phải sống suốt đêm. Trời ơi, đêm dài lắm, Tôi mong có tiếng động, tôi mong cho trời sáng, để tôi thấy người ta qua lại lên xuống để mình biết mình đã qua đi được một đêm hãi hùng..


Người nằm là Sỹ, người đứng bên phải là Đinh Hùng Cường
Nghe Sỹ nói, chúng tôi thương bạn quá, không nỡ về, kéo hai bà vợ ngồi lại cho đến gần nửa đêm mới từ giã. Chia tay nhau, mỗi người một ngả, Long đi Maryland, tôi lui lại Virginia. Có lẽ đời Sỹ sống quá nhởn nhơ, hồn nhiên vui vẻ, ông Trời ghét, bắt Sỹ phải sống lâu dài trong Hospice, đến cả tháng Trời, để nghiền ngẫm khổ đau, để biết đời là bể khổ.

Tôi và Long trở lại hơn 1 tháng sau, khi Sỹ đang hấp hối, lúc này bịnh bắt đầu lây, chúng tôi để hai người vợ ngoài hành lang, Long và tôi, trang bị mặt na, mặc áo chống vi trùng bước vô thăm Sỹ, anh mệt lắm, chắc cũng không biết chúng tôi đến, anh chỉ cố sức kéo buồng phổi, lấy hơi vô để kéo dài sự sống, bà vợ Sỹ thì đứng cạnh, thương chồng, nước mắt lưng tròng, giọt ngắn, giọt dài rơi lã chã, gọi chồng, anh ơi! anh ơi, anh Cường và anh Long lại thăm nè, ráng mở mắt ra anh Sỹ ơi, tiếng gọi rơi vào thinh không. Trong phòng chỉ còn tiếng khò khè kéo hơi từ hai buồng phổi của Sỹ. Chúng tôi đứng lâu lắm, dù không nói chuyện với Sỹ được tiếng nào, nhưng để an ủi cho vợi nỗi đau của vợ Sỹ.

Sinh ký tử quy (Sống gửi thác về) là định luật muôn đời. Nếu đời là bể khổ?  Sao ta cứ tiếp tục sinh con đẻ cái, gieo hạt, gieo mầm cho nỗi thống khổ kéo dài bất tận cho loài người? Mà nếu đời là bể vui, thì cuộc đời chàng Sỹ, sống không biết khổ là gì, cuối đời, ông trời bắt sống trong phòng đợi, mà chầm chậm cho thần chết rước đi. Tôi nhớ mãi câu nói của Sỹ: Khổ lắm Cường ơi! Một ngày trong tù bằng 3 năm sống ngoài đời và một ngày trong Hospice, bằng 3 năm sống trong tù”.

Đời tôi sẽ ra sao? Tôi sẽ chết, không nhắm được mắt vì đau đớn bệnh tật, hay êm thắm ra đi, hay âm thầm lo hãi ngày đêm nằm trong Hospice, như Sỹ, như Smith, như Thủy, như Thiệp. Chịu thua. Tôi thấy bế tắc, nhưng bế tắc mà vẫn biết mình cũng sẽ phải đến điểm khởi hành. Cũng vậy thôi, nào ai thoát khỏi. Có một điều vắn gọn là cảm ơn Trời đã cho tôi làm người, cảm ơn đời đã cho tôi sống tới ngày hôm nay, cho dù tôi chả đẻ bọc điều, lớn lên không cha không mẹ. Tôi thèm khát tình thương tình người. Tôi phải trả giá biết bao nhiêu, không phải để thành công, thành danh, mà cái giá quá đắt khổ đau, nhục nhằn tôi trả, chỉ để đổi lấy được sống bình thường như những bạn bè tôi.
Tôi cảm ơn Trâm, vợ tôi đã lấy tôi qua bao trở ngại, thương tôi, sống bền vững bên tôi, cho tôi bốn đứa con, một mái gia đình. Cho dù hôm nay, mẹ già chúng tôi ra đi lúc 104 tuổi, con cái, đứa theo chồng, đứa theo vợ. Chúng nó xây đời tự do riêng tư cho nhau. Một mẹ già, hai vợ chồng, 8 đứa con cả dâu lẫn rể, 7 đứa cháu, bỗng dưng bà cụ ra đi là tan hết, mỗi tiểu gia đình mỗi ngả, chung quy còn lại cuki có hai vợ chồng.
Trâm thường hoài niệm, nuối tiếc những thời đã qua. Nhưng tôi đã hiểu biết phần nào qua cuộc đời những người bạn tôi. Tôi khuyên Trâm, hãy theo ông sư Trần Đức Giang, người bạn cũ năm xưa, nay là cao tăng Nhật Bản, từ mấy chục năm qua, Giang đã qua đây, chỉ cho chúng tôi rằng, “Hoan Hỉ Phụng Hành” hãy vui vẻ giúp đời, và “ Trung Thứ Truyền Chi” tha thứ mà vui sống, đừng trách cứ con cái hay bất cứ ai.
Kết luận cho bài viết này, tôi xin chia sẻ với các bạn hai câu mà tôi mới học được, nó vô cùng chí lý.
“Khi biết nhân quả, không trách Trời, Khi biết mình, không trách người”.
Quốc Thái – Đinh Hùng Cường.

*

Chú Thích:
Đinh Hùng Cường: Bạn thời thơ ấu của Lê Thiệp, Thiếu tá Quận Trưởng quận Thủ Thừa (Long An)
Diễn: Nhà Tướng số lừng danh Ngô Hùng Diễn từng xem tướng cho rất nhiều các chính khách và tướng, tá VN, trong số có cả thủ tướng Phan Huy Quát.
Đặng, Sỹ: Bạn cũ của Đinh Hùng Cường.
Thủy: Đặng Văn Thủy em dân biểu Đặng Văn Tiếp và Đặng Văn Thụ, Trưởng Phòng Trừ Gian thời ông Kỳ.
Trần Đức Giang: Bạn Lê Thiệp và Đinh Hùng Cường, đi tu ở Nhật từ hồi trẻ, hiện đang trụ trì tại một chùa ở Sendai. Lê Thiệp đã viết về ông trong bài Sư Triệt Học Giờ Lận Đận nơi nao.

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top