Diễn đàn, PHƯƠNG TÔN
Khi Một Người Ái Kỷ Thua Cuộc
Liệu có những gì đó có thể là những điểm giống nhau giữa bệnh ung bướu và ái kỷ (narcissism), một bên là bệnh tật và một bên là rối loạn nhân cách?
Nói chung, bệnh tật có thể dùng liệu pháp y khoa để chữa trị nhưng ái kỷ là nhân cách bản thân, tự mình yêu mình, tự cho bản thân mình là quan trọng nhất, có giá trị hơn người, không xem trọng người khác. Khác với bệnh tật, người ta không thể mong đợi ái kỷ có thể chữa trị được. Do đó ái kỷ không phải là một căn bệnh.
Tuy vậy, giữa ung bướu và ái kỷ vẫn có điểm chung giống nhau. Ung bướu có loại dữ tính và lành tính. Ái kỷ cũng vậy có loại hiền, loại dữ.
Ái kỷ hiền là những người tự mê mình nhưng không hại ai, làm phiền đến ai. Những người làm nghệ thuật, các văn nghệ sỹ thường là những người rất mê mình, nhất là các họa sĩ, ca sĩ và những người viết văn. Không những rất thích xem, nghe, đọc những tác phẩm của mình mà lại còn ngại tiếp xúc với nhưng tác phẩm của người khác vì sợ là dơ nhiễm cái tư tưởng sáng tạo của mình. “Xưa nay thế thái nhân tình, vợ người thì đẹp, văn mình thì hay” chính là vậy.
Sang loại ái kỷ ác tính thì lại là khác. Không những tự xem mình là nhất, cái gì của mình cũng là nhất, những gì mình làm ra là nhất không ai bằng. Loại người này khi gặp thất bại thường tỏ ra hung dữ như loại chó điên, cắn sủa với bất kỳ ai. Loại người này là một mối nguy của xã hội và khi nắm quyền lực sẽ là đại họa cho đất nước. Điển hình cho một loại ái kỷ dữ là một Donald Trump, Tổng thống vẫn còn đương nhiệm của Mỹ.
Trump, một người ái kỷ là chuyện không lạ. Cho đến nay, mọi người đều biết những gì của Trump đều được ông ta cho là nhất hạng. Mái tóc vàng đẹp nhất, ăn nói hay nhất, buôn bán giỏi nhất, làm kinh tế thành công nhất trong lịch sử vân vân và vân vân… Biết vậy nhưng người ta đều bỏ qua, xem đó là loại ái kỷ lành tính, không nguy hiểm. Tuy nhiên kể từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 03.11 cho đến nay, Trump mới giơ nanh vuốt cho thấy ông ta là loại người ái kỷ ác tính.
Trong thời gian kiểm phiếu sau cuộc bầu cử ngày 03.11 đến tận hôm nay, sau khi Joe Biden, tạm thời được xem là một tân Tổng thống thứ 46 của Mỹ, Trump tung ra vô số lời kết án mang tính cách thuyết âm mưu như là bầu cử gian lận, phiếu bị cướp, đòi phải ngưng kiểm phiếu nhưng nơi tình hình có vẻ bất lợi cho ông ta, kiện ra tòa án, đòi kiểm phiếu tiếp tục những bang nơi ông ta đang trên đà chiến thắng và cuối cùng ông tuyên bố chiến thắng, không đồng ý chúc mừng Joe Biden thắng cử… đã làm cho không chỉ đảng Dân chủ phẫn nộ, mà ngay cả một số đảng viên Cộng hòa cũng chỉ trích hành vi của Trump và lo lắng rằng cuộc bầu cử và hậu quả của nó sẽ làm xói mòn niềm tin vào nền dân chủ.
Chấp nhận kết quả bầu cử ngay cả khi kết quả không như mình mong đợi – suy cho cùng thì đó là điểm son của nền dân chủ. Vậy tại sao Trump lại thể hiện mình là một kẻ thất bại tồi tệ, ngay cả khi rõ ràng ông ấy là người thua cuộc?
Phải chăng đây là một “hành động của sự tuyệt vọng” của một người tự yêu mình quá mức bình thường? Theo các chuyên gia về tâm lý, những người ái kỷ là những người trở nên tồi tệ, xấu xa nhất khi gặp thất bại. Vì quá tự tin vào mình, quá yêu mình nên mất kiểm soát hành động của bản thân.
Rainer Sachse, nhà tâm lý học và trợ giảng tại Đại học Bochum, Đức gần đây đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí “Spiegel” tại Đức. Ông nói: “Trump là một kẻ thiếu nhân cách hoặc một người ái kỷ xấu xa về mặt hành vi mà người ta có thể quan sát được vì ông ấy thiếu bất kỳ chuẩn mực xã hội nào.” Thông thường, những chuẩn mực như vậy còn được gọi là chuẩn mực đạo đức giúp con người điều chỉnh hành vi của mình, giúp chúng ta không nói dối, trở thành con người “văn minh”.
Pablo Hagemeyer, một chuyên gia về tâm thần học và tâm lý trị liệu, cũng cho rằng, Trump thuộc về nhóm người ái kỷ ác tính. Vì vậy, tình hình hiện tại, khi Trump thua cuộc trong khi tranh cử cho nhiệm kỳ hai là điều gay go nhất mà ông ta phải chịu đựng. Hagemeyer giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí FOCUS Online. “Khi những người có đặc điểm tự yêu mình bị áp lực, họ bị rơi vào trạng thái vô lý loạn thần, tức là xa rời thực tế.” Điều đó có thể dẫn đến những đặc điểm hoang tưởng, như cảm thấy bị đe dọa, bị ngược đãi v.v…
Nhìn chung, không gì hủy hoại hình ảnh bản thân do nỗi sợ hãi thua cuộc mà những người ái kỷ mắc phải. Một khi áp lực xảy ra, những người ái kỷ sẽ phải chống lại thực tế trong hoang tưởng. Ông Trump mắc phải lỗi lầm này, tự giam mình trong ngục tù hoang tưởng, tự thực sự coi gian lận bầu cử là có thật, thực sự tin vào những gì mình đang nói.
Hoang tưởng nhất mà người ta có thể thấy được khi ở thế thua mà Trump ngang nhiên công bố mình thắng cử. Hoang tưởng tin rằng, chỉ có thể một Donakd Trump mới cứu được nước Mỹ và do đó phải trở lại nắm quyền.
Trong cơn tuyệt vọng, Trump, một người ái kỷ ác tính trở nên như một con thú điên bị dồn tới chân tường, nhe răng dơ móng vuốt để bảo vệ cái hình ảnh hoang tưởng “mình là người không thể thay thế được”.
Cùng với Trump, trên chiếc thuyền đang chìm dần xuống nước là những người được gọi là “cuồng Trump”, họ cũng là một dạng người ái kỷ ác tính. Những người này không sở hữu chuẩn mực đạo đức xã hội, không đủ tự tin, không có đức hạnh để xác nhận lầm lỗi mà lại sợ đánh mất hình ảnh “đẹp” của mình, sợ mất tiếng tăm, sợ người khác khinh thường vì đã sai lầm khi phò không đúng chủ tướng, nên trong cơn tuyệt vọng họ vẫn tiếp tục điên cuồng tung ra những lời dơ bẩn nhất để chống lại với thế giới văn minh còn lại.