Ý Dân là Ý Trời
Diễn đàn, Hùng Nguyễn
Năm 1968, 1972 là hai năm tranh cử Tổng Thống và Quốc hội Mỹ. Nixon ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa đã yêu cầu TT Thiệu hậu thuẫn nên coi như Nixon nợ TT Thiệu hai lần khi TT Thiệu ngả về Đảng Cộng Hòa. Sau đó Nixon vẫn phản bội TT Thiệu với chủ trương phải lo quyền lợi cho nước Mỹ.
Nhiều người Việt cho rằng VNCH mất vì đảng Dân chủ đã cắt mọi viện trợ để VC chiếm Miền Nam nên thù ghét “bọn” Dân Chủ đến bây giờ, dù sự việc đã hơn 45 năm. Đây là lý do chính mà họ luôn chống đảng Dân chủ, ủng hộ đảng Cộng hòa và nay là ủng hộ TT Trump vì ông Trump chống cộng sản tức là chống Trung cộng và Việt cộng.
Trước hết tôi chẳng thuộc phe nào. Bênh hay chống nên có lập luận cụ thể thuyết phục để mọi người tham khảo. Tôi chỉ xin góp ý kiến để chúng ta có cái nhìn khách quan hơn. Công hòa hay Dân chủ cũng phải vì nước Mỹ, Tổng Thống nào cũng vì nước Mỹ và TT nào giỏi cũng chỉ có 8 năm, còn TT không được lòng dân thì chỉ ngồi có 4 năm rồi phải ra đi. Ý dân ở Mỹ đúng là ý Trời. Muốn được đắc cử thì phải nghe ngóng xem dân muốn gì để "gãi" đúng chổ ngứa để được dân bầu. Thậm chí "mỵ dân" cũng có để được trúng cử, nhưng chỉ được một lần mà thôi. Bây giờ xin phép nhắc lại vài sự kiện lịch sử để thấy rằng các vị dân cử ở Mỹ đã phục vụ dân Mỹ như thế nào và đảng Dân chủ có phải là nguyên nhân làm mất VNCH năm 1975 hay không.
1) Năm 1965, Chánh phủ của TT Johnson (Dân chủ) Mỹ đổ bộ ba tiểu đoàn Thủy quân lục chiến vào Đà Nẵng. Lúc đó chánh phủ Phan Huy Quát không được biết nhưng để giữ sỷ diện cho cả hai bên cũng đành im lặng và chỉ thị tổ chức đoàn nữ sinh ra choàng vòng hoa chào mừng các chiến sỹ đồng minh không mời mà đến. Sự kiện này đánh dấu việc Mỹ tham gia cuộc chiến việt nam và chiến tranh ngày càng khốc liệt. Chiến tranh leo thang từ năm 1965 đến 1968, với quân số của Mỹ quân các nước đồng minh Đại hàn, Thái lan, Úc, Tân Tây lan, Trung hoa Dân quốc, Phi luật tân tổng cộng hơn nửa triệu lính. Với lý do trước mắt là để ngăn chận sự bành trướng chủ cộng sản, sau là tiêu thụ cho hết số vũ khí tồn kho từ thời đệ nhị thế chiến, nên được Quốc hội Hoa kỳ chuẩn thận ngân sách cho cuộc chiến và dĩ nhiên hợp lòng dân Mỹ lúc đó.
2) Trong ba năm tham chiến, người dân Mỹ đã phải tiễn đưa người thân sang Việt nam chiến đấu đã chứng kiến từng đêm trên truyền hình hình ảnh thương vong của lính Mỹ ngày càng gia tăng mà chưa thấy ngày chiến thắng đã làm cho dân Mỹ nãn lòng và từ đó phong trào phản chiến gia tăng đòi Mỹ rút quân về. Dĩ nhiên những thành phần thân cộng hoặc cộng sản quốc tế "ngu" gì không đổ thêm dầu vào lửa.
Sự kiện năm Mậu Thân 1968, Tòa Đại sứ Mỹ bị tấn công làm chấn động dư luận Mỹ đến nỗi TT Johnson không ra tái tranh cử để lo giải quyết chiến tranh việt nam và ông kêu gọi Bắc việt tham gia đàm phán để giải quyết cuộc chiến tại Paris. Quyết định của TT Johnson đã không được phía VNCH hậu thuẫn.
Từ một TT phát động Mỹ cuộc chiến, nay quay sang chủ hòa cũng vì lòng dân Mỹ đã thay đổi. Một thế hệ trẻ lớn lên và thế hệ già đã về "nước chúa" cũng góp phần thay đổi dư luận.
3) Năm 1968 là năm tranh cử Tổng Thống và Quốc hội Mỹ. Nixon đại diện đảng Cộng hòa, là một con diều hâu thứ thiệt, đã yêu cầu TT Thiệu hậu thuẫn bằng cách không tham gia hòa đàm Paris. Ông Thiệu tin "con diều hâu" sẽ tiếp tục yểm trợ VNCH nên đã phớt lờ lời kêu gọi của ông Johnson nên đảng Dân chủ mất ghế Tổng Thống về tay Nixon Cộng hòa. Nixon nợ TT Thiệu lần thứ nhứt.
Sau khi Nixon lên làm TT thì hòa đàm Paris vẫn diễn ra để kết thúc chiến tranh theo ý dân Mỹ. Thế nhưng từ năm 1968 đến 1972, nhiệm kỳ đầu của Nixon, cuộc chiến càng khốc liệt hơn dù lính Mỹ đã rút dần và chuyển giao phần lớn cuộc chiến cho Quân lực VNCH. Việt nam hóa chiến tranh, thay đổi màu da trên xác chết để vừa lòng dân Mỹ.
4) Năm 1971, một sự kiện bất ngờ, một đội bóng bàn Mỹ được mời sang Trung cộng đấu giao hữu mà báo chí sau này gọi là "ngoại giao bóng bàn", mở đầu một bước ngoặc lịch sử ảnh hưởng đến tình hình thế giới và nhứt là hệ trọng đến VNCH.
5) Năm 1972, Nixon ra tái tranh cử. Tuy lính Mỹ có rút bớt về nhưng chiến tranh vẫn khốc liệt mà hòa đàm Paris vẫn còn kéo dài. Để bảo đảm cho việc tái đắc cử. Nixon đã cử Kissinger sang Saigon nhiều chuyến để thúc dục và áp lực mạnh TT Thiệu. Nixon đã viết nhiều lá thơ hứa hẹn bảo vệ VNCH nếu Hiệp định Paris bị phía miền Bắc vi phạm. Cuối cùng TT Thiệu phải ký kết hiệp định Paris rất bất lợi cho VNCH vì tin vào lời hứa của TT Nixon và cũng để giúp Nixon tái đắc cử. Nixon nợ TT Thiệu lần thứ hai.
Cũng trong năm 1972, Nixon sang Bắc Kinh chia chác quyền lợi với Mao và giải quyết cuộc chiến việt nam khiến cả hai phía việt nam đều không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Kết cuộc ông Nixon dù mang ơn TT Thiệu 2 lần, đã phản bội TT Thiệu, với chủ trương lo quyền lợi cho nước Mỹ. Từ đó mới có việc thương lượng sau lưng VNCH để giao Miền Nam cho VC, đổi lấy thị trường Tàu. Cũng vì quyền lợi Mỹ mà ông Nixon (cộng hòa) đã "đá" đồng minh chí thiết là Trung hoa Quốc gia (tức Đài Loan) ra khỏi LHQ để đưa Trung cộng vào thế, gây hậu quả đến ngày nay.
6) Khi hiệp định Paris đã ký kết. Nixon đã giữ lời hứa với dân Mỹ là rút hết quân về và chấm dứt (can dự vào) chiến tranh việt nam. Lời hứa Nixon phai dần theo thời gian khiến TT Thiệu phải từ chức ra đi và còn gì nữa để dân Mỹ đóng thuế cho Quốc Hội (Dân chủ) chi tiền vào cuộc chiến mà Mỹ muốn quên. Dân Việt tức tửi ôm hận với đảng Dân chủ nhưng dân Mỹ hài lòng.
7) Ngày nay với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, vậy nếu ông Trump là TT nhiệm kỳ 72/76 thì ông Trump có bỏ rơi VNCH không? Tôi tin là có. Tại sao? Vì Ông Trump vừa mới bỏ rơi, cúp mọi viện trợ cho một đồng minh do Mỹ triệt để ủng hộ là lực lượng kháng chiến của người Kurd tại Seria, mặc họ chiến đấu sống chết với quân Seria và quân Thổ. Ông Trump cũng có ý định rời bỏ NATO, đồng minh chí cốt mà do Mỹ thành lập.
8) Nếu Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ 72/76 đảng Cộng hòa chiếm đa số thì họ có tiếp tục chi tiền để hỗ trợ cuộc chiến không? Không. Vì lòng dân Mỹ đã không còn thiết tha với cuộc chiến việt nam. Họ muốn quên.
Người Đài Loan có căm giận đảng Cộng hòa của ông Nixon thời đó cho đến đảng Cộng hòa của thời nay không? Người Đài Loan họ hiểu thời thế đồi thay không có gì bất biến. Nhưng người Việt sao cứ giữ mãi trong lòng chuyện dĩ vãng dù bây giờ có thể đã thành dân Mỹ rồi.
Quan niệm của bao đời TT Mỹ có ông nào không lo cho nước Mỹ trên hết ? Nhưng họ không nói ra. Ông Trump nói chỉ để kích động chủ nghĩa dân tộc, nghe sướng tai nhưng bất lợi về ngoại giao. Chúng ta có lo cho gia đình mình trước và trên hết không? Và chúng ta có tuyên bố tùm lum cho mọi người biết không ? Thất sách, chỉ làm cho thiên hạ ghét không thích chơi với mình nửa. Ông Trump bị mất cảm tình của châu Âu của Nhựt, Đại hàn, Canada,...và không được ủng hộ để có tiếng nói chung về việc Corona-19 và việc chống Tàu cộng.
9) Ông Trump chống cộng, quyết xóa bỏ các chế độ độc tài? Sao ông Trump cầm cờ đỏ tại VN? Ông Trump ngưỡng mộ những nhà độc tài Putin, Tập Cận Bình, khen Kim Jong Un để xóa bỏ độc tài? Đối với Mỹ không có kẻ thù và cũng không có bạn. Quyền lợi là trên hết. Những đại công ty Mỹ nơi nào cần buôn bán làm ăn là họ nhào vô. Cộng sản, độc tài họ đâu quan tâm bằng tiền vô túi. Tại sao những người Việt tỵ nạn lại chạy về VN làm ăn? Vì Tiền. Vậy chuyện ông Trump chống độc tài, chống cộng sản hay không là do ông có làm ăn được hay không. Đơn giản vậy thôi. Chính trị, kinh tế là thế đó.
Ông Trump, một thương gia, có tái đắc cử thì cũng làm thêm 4 năm nữa thôi. Sau khi trở về làm ăn thì cái thị trường mà gia đình ông nhắm tới ở đâu?
Qua sự kiện TT Trump mới thấy người Việt mình chia rẻ đến độ chia tay. Dù tất cả người Việt ở Cali có bỏ phiếu cho ông Trump thì ổng cũng không có được phiếu nào của cử tri đoàn vì Cali là tiểu bang "của" đảng Dân chủ. Cũng như dù tất cả người Việt ở Texas có bỏ phiếu cho ông Biden cũng như không vì Texas là tiểu bang "của" đảng Cộng hòa. Mỗi người Việt có chánh kiến riêng có thể nêu lên để cùng nhau học hỏi, tham khảo. Không nên chỉ cho ý kiến mình là đúng và bác bỏ ý kiến trái nghịch bằng những lời khiếm nhã. Thích thì nghe, không thích thì bỏ ngoài tai, đâu ai bắt buộc được ai. Tuy nhiên cũng có một ít người là đảng viên của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa phải bênh vực lập trường của đảng. Hoặc một vài người viết bài có nhuận bút theo chủ trương của tờ báo để mưu sinh thì cũng nên dùng lời lẻ thuyết phục. Có một trường hợp cần cảnh giác là sự cố tình kích động gây chia rẽ cộng đồng người Việt theo chủ trương của một thế lực vô hình nào đó.
Cộng đồng người Do Thái ở Mỹ cũng chỉ có vài triệu người mà họ có trên 30 đại diện trong Quốc hội Hoa Kỳ. Còn cộng đồng Việt hơn 3 triệu mà thử hỏi có bao nhiên người đại diện tại Quốc Hội để tiếng nói của chúng ta được quan tâm? Nếu tình trạng mất đoàn kết vẫn triền miên thì người Mỹ và các cộng đồng khác nghĩ sao về chúng ta?
Mong bỏ qua những điều không vừa ý.
Hùng Nguyễn