Cựu Thủ tướng CHU DUNG CƠ:
Nếu CHỦ QUYỀN HỒNG KÔNG bị phá vỡ,
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG HOA
chính là tội đồ của dân tộc Trung Hoa
Nếu CHỦ QUYỀN HỒNG KÔNG bị phá vỡ,
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG HOA
chính là tội đồ của dân tộc Trung Hoa
Bài phát biểu của cựu Thủ tướng Trung Cộng Chu Dung Cơ về Hồng Kông lan truyền mạnh mẽ trên Internet
Sau bài phát biểu, ông Chu Dung Cơ bước xuống và hô lớn "Tôi yêu Hồng Kông".
Thông tin Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ) thúc đẩy ‘Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông’ đã gây chấn động thế giới. Vào thời điểm nhạy cảm này, bài phát biểu của cựu Thủ tướng Trung Cộng Chu Dung Cơ về Hồng Kông vào năm 2002 đã được lan truyền ‘chóng mặt’ trên mạng. Thủ tướng Chu nói rằng nếu chủ quyền của Hồng Kông giao lại cho Bắc Kinh mà bị phá vỡ, ĐCSTQ chẳng phải sẽ trở thành tội nhân của dân tộc?
Lưỡng hội của ĐCSTQ tuyên bố Luật An ninh Quốc gia sẽ giúp ĐCSTQ kiểm soát Hồng Kông tốt hơn và có thể làm suy yếu quyền tự do mà khu tự trị này có - loại tự do khiến Hồng Kông phân tách với Trung Cộng .
Nội dung của Luật An ninh Quốc gia này bao gồm "ly khai đất nước", "lật đổ Chính phủ Nhân dân Trung ương", "can thiệp nước ngoài" và "hành vi chủ nghĩa khủng bố". Dự luật này không cần thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và sẽ được đưa trực tiếp vào Phụ lục III của Luật Cơ bản thực thi tại Hồng Kông.
Dự luật tà ác này thực chất là lật đổ tự do còn lại của Hồng Kông, phá hủy "một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông và đặt đặc khu hành chính này dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Vào ngày 21/5, dự luật này được công bố đã một lần nữa làm dấy lên nỗi sợ hãi, tức giận và phản đối về ảnh hưởng ngày càng tăng của chính quyền độc tài của ĐCSTQ tại đặc khu hành chính Hồng Kông, đồng thời cũng khiến người dân không khỏi lo ngại.
Vào ngày 23/5, trên mạng Internet đã lan truyền đoạn video phát biểu nội bộ của cựu Thủ tướng Trung Cộng Chu Dung Cơ về Hồng Kông tại Tòa nhà Chính phủ ở Hồng Kông. Tại thời điểm ông phát biểu, truyền thông của ĐCSTQ đã không đưa tin. Hiện tại xem lại video này, thực sự cảm thấy như "dỡ bỏ lệnh cấm".
Các kênh truyền thông chia sẻ video nói rằng “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông đã đến thời khắc quan trọng. Hồng Kông hôm nay sẽ đi về đâu? Quan điểm của chính quyền trung ương về Hồng Kông đã rất rõ ràng kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Một số người lo lắng về tương lai của Hồng Kông. Trong bài phát biểu của Chu Dung Cơ không lảng tránh vấn đề này, trong đó chúng ta có thể thấy được một số thông tin quan trọng đối với Hồng Kông.
Thời gian cụ thể của video này được quay vào ngày 19/11/2002, ông Chu Dung Cơ, khi đó là thủ tướng của ĐCSTQ, tham dự bữa tiệc chào mừng được tổ chức tại Tòa nhà Chính phủ Hồng Kông. Trong khoảng thời gian đó, ông đã có một bài phát biểu trong gần nửa giờ về tình hình ở Hồng Kông vào thời điểm đó.
Nền kinh tế của Hồng Kông đã rơi xuống đáy vào thời điểm đó. Trưởng đặc khu lúc đó là Đổng Kiến Hoa đã kêu gọi ông Chu Dung Cơ đến thăm Hồng Kông.
Trong bài phát biểu, ông Chu Dung Cơ nhấn mạnh rằng ưu thế của Hồng Kông chưa mất, khả năng cạnh tranh và thực lực kinh tế không bị giảm sút, Hồng Kông hoàn toàn có thể dựa vào lực lượng của mình để khắc phục khó khăn hiện tại.
Ông nhấn mạnh Hồng Kông là một viên ngọc sáng và có hy vọng lớn, có con đường sáng rộng lớn phía trước và kỳ vọng ở 6 triệu người thế hệ trẻ Hồng Kông...
Ông nói: "Tôi không tin rằng Hồng Kông thất bại. Nếu Hồng Kông thất bại, không chỉ các quan chức của chính phủ Hồng Kông mà cả chính quyền trung ương Bắc Kinh sẽ phải có trách nhiệm. Hồng Kông được trao trả về cho chúng ta, nếu bị hủy hoại trong tay chúng ta, chẳng phải chúng ta sẽ trở thành tội nhân quốc gia?"
Sau bài phát biểu, ông Chu Dung Cơ bước xuống và bất ngờ hô lớn "Tôi yêu Hồng Kông", khiến những tràng pháo tay không ngớt và giành được lời khen ngợi từ các giới ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ban lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã thúc đẩy nhiều quy định và thường xuyên ‘ra tay’ hành động đối với vấn đề Hồng Kông. Bất chấp hậu quả có thể gây ra cho các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao..., kể từ năm 1997 khi chủ quyền của Hồng Kông được trao cho Bắc Kinh, ĐCSTQ không chút do dự làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" với quyền tự trị của Hồng Kông, gây ra tình trạng bất ổn xã hội ở đặc khu này.
Nhìn lại "Tuyên bố chung Trung - Anh" năm 1984 chính thức được ký, "một quốc gia, hai chế độ" đã được xác định và đệ trình lên Liên Hiệp Quốc. Chuyên gia pháp lý người Anh, ông Martin Dinham nhắc nhở rằng không có quy định chấm dứt trong "Tuyên bố chung Trung - Anh" và nó không thể được đơn phương chấm dứt.
Sau khi Anh trả lại Hồng Kông vào năm 1997, họ đã giám sát việc thực hiện "một quốc gia, hai chế độ" theo quy định của "Tuyên bố chung Trung - Anh". Hệ thống tư bản và lối sống của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong 50 năm và sẽ không thực hiện hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Hồng Kông.
Nhìn lại Hồng Kông ngày hôm nay, người ta phát hiện nhà lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình trước đây đã phát minh ra "một quốc gia, hai chế độ" do bất đắc dĩ phải chấp nhận yêu cầu "lấy chủ quyền đổi lấy chính quyền" của Anh, và từ lâu đã chôn vùi quả bom chính trị hẹn giờ. Chỉ là ĐCSTQ đã kích nổ quả bom trước thời hạn.
Kể từ khi chuyển giao chủ quyền của Hồng Kông cho Bắc Kinh, ĐCSTQ đã bắt đầu xâm nhập và kiểm soát Hồng Kông trên quy mô lớn từ mọi tầng lớp, tiếp tục trì hoãn cuộc tổng tuyển cử trưởng đặc khu, Văn phòng Liên lạc Hồng Kông và Macau trực tiếp chỉ huy hoạt động của chính phủ Hồng Kông.
Từ năm 2002 đến 2004, có dự luật “Điều 23 tà ác” đã khiến 500.000 người Hồng Kông diễu hành phản đối và buộc phải chấm dứt. Đây được coi là trận chiến nhỏ đầu tiên của "Một quốc gia, hai chế độ" và chiến thắng nhỏ đầu tiên thuộc về người dân Hồng Kông.
Vào tháng 6 năm 2014, người dân Hồng Kông đã đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý về Cuộc bầu cử Trưởng đặc khu năm 2017. Cuối cùng, đã có 790.000 người tham gia cuộc trưng cầu dân ý, cho thấy ý dân là sẽ đấu tranh cho cuộc tổng tuyển cử Trưởng đặc khu. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã kiểm soát "cuộc bầu cử nhóm nhỏ" và từ chối "cuộc tổng tuyển cử thực sự", điều này trực tiếp dẫn đến "hành động chiếm đóng trung tâm" của người dân Hồng Kông.
Vào ngày 28/9/2014, hàng chục ngàn người đã xuống đường, học sinh bãi khóa, thề sẽ chiến đấu vì "quyền bầu cử phổ thông". Cảnh sát Hồng Kông đã bắn nhiều đạn hơi cay, lạm dụng vũ lực, khiến người dân phản đối. Đêm đó, hơn 100.000 người đã xuống đường biểu tình. Cuộc chiến "một quốc gia, hai chế độ" đã được phát động lần thứ hai tại Hồng Kông.
Cuộc đấu tranh thứ 2 cho "một quốc gia, hai chế độ" kéo dài hơn 2 tháng và phát triển thành "Phong trào dù vàng". Vào ngày 15/12 cùng năm, cảnh sát đã giải tán đám đông ở khu vực Vịnh Causeway và bắt giữ một số người biểu tình.
Vào tháng 3 năm 2017, với sự hỗ trợ của phe Giang Trạch Dân của ĐCSTQ, thông qua "cuộc bầu cử nhóm nhỏ" do ĐCSTQ kiểm soát, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã trở thành Trưởng đặc khu Hồng Kông.
Năm 2019, các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ muốn ban hành Luật dẫn độ tại Hồng Kông. Vào ngày 15/3/2019, phong trào phản đối Luật dẫn độ của người dân Hồng Kông đã khởi động. Vào ngày 9/6, hàng triệu người Hồng Kông đã diễu hành và cuộc tranh chấp "một quốc gia, hai chế độ" một lần nữa đã nổ ra vào năm 2019.
Cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ chìm lắng xuống trong một thời gian sau khi virus Corona Vũ Hán bùng phát. Vào tối ngày 21/5/2020, khi ĐCSTQ tuyên bố "Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông", các cuộc biểu tình lại xuất hiện ở nhiều nơi tại Hồng Kông. Những người biểu tình hô khẩu hiệu và vẫy cờ, kêu gọi người dân tham gia cuộc diễu hành ‘đại tam bãi’ vào ngày 27/5.
Năm 2019, ĐCSTQ công bố Luật dẫn độ tại Hồng Kông, đã gây ra nhiều tháng biểu tình phản đối. Bây giờ, nếu như bất chấp dân ý, thúc đẩy Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, chắc chắn ĐCSTQ sẽ gây ra một sự phản kháng lớn hơn nữa.
Minh Thanh