Chuyện Việt Nam, Hàm Anh:
TIỀN LẼ
Tiền Việt Nam hiện có hai loại: tiền giấy và tiền kim loại: tiền giấy có mệnh giá từ 100, 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 200.000 và 500.000; tiền kim loại có mệnh giá 200, 500, 1 000, 2.000 và 5.000 đồng.
Tiền xu, mặc dù có đồng giá tới mấy ngàn, chẳng xu hào trinh cắc tí nào, chẳng đến nỗi quá ít ỏi nhưng vẫn được gọi chung là đồng xu, khi mới phát hành, phần lớn được coi là bạc lẻ, dùng để tiêu cho những món cần tiền ít như gửi xe, mua mớ rau, quả trứng… để thối lại khi món hàng có giá lẻ. Hoặc có lúc dùng để mua lon nước ngọt khi đút tiền vào máy bán hàng tự động.
Dần dần sau này những tờ tiền giá thấp như tờ 100 đồng và các loại tiền xu hầu như đã biến mất trên thị trường mua bán hàng hóa. Người dân cho rằng tiền giấy có thể xếp thành tệp, thành chồng dễ giữ hơn tiền xu dễ lọt, khó giữ, phải có một túi nhỏ chuyên đựng tiền xu rất bất tiện, và nhất là chẳng cần dùng đến nó là mấy khi tiền giấy với các mệnh giá to nhỏ đã đủ cho mọi nhu cầu tiêu xài rồi.
Tờ tiền 100 giá trị quá nhỏ, còn tiền xu chẳng những vừa nhỏ lại bất tiện vì nặng nề lại lâu ngày bị hen rỉ trông không được sạch sẽ. Đồng 1.000, 2.000 và 5.000 giá trị có ít đâu cũng mất tích hồi nào không biết. Thành thử các máy bán lon nước ngọt tự động cũng không thể phổ biến sự tiện lợi của chúng khi không còn tiền xu để nhét vào. Bây giờ mua lon nước bằng những máy dùng tờ tiền polymer. Đồng xu hiếm hoi trên nguyên tắc vẫn còn nhưng trong thực tế từ lâu đã mất tích. Ai còn giữ, trăm năm nữa thành tiền cổ lúc đó sẽ có giá.
Nơi duy nhất dùng tiền xu là xe buýt. Máy bán vé tự động trên xe buýt nhận cả tiền giấy lẫn tiền xu. Đương nhiên chẳng ai sẵn xu để trả nên khi đút tiền giấy, máy sẽ nhả ra tiền giấy hay tiền xu để thối lại. Nếu ai thường xuyên đi xe buýt, sẽ giữ đồng xu ấy cho lần đi sau. Những ai không thích xu hoặc ít đi xe buýt thì đưa tiền cho tài xế để được thối lại tiền giấy.
Đồng tiền Việt Nam liên tục bị mất giá, 5.000 trở xuống bị coi là bạc lẻ. Ngay cả người ăn xin cũng tăng giá từ 500 đồng lên 2.000 rồi 5.000. Ông ăn xin ngồi cuối chợ ra giá hẳn hoi:
– Bà con cô bác làm ơn làm phước cho mười ngàn mua cơm.
Nếu trong túi sẵn 200, 500, chớ cho ăn xin nếu không muốn họ lườm háy, bởi vì không thể gom mấy chục tờ mới đủ mua đĩa cơm, mất thời giờ quá đi! Nếu cho năm ngàn thì vài tờ đủ mua hộp cơm. Không thì ít nhất cũng hai ngàn, tệ hơn là một ngàn. Hay là đưa hẳn mười ngàn một lần cho ông ăn xin mua cơm ngay khỏi nhọc công ngồi lâu.
Khi tính tiền cho cân thịt, ký rau, nếu nhân lên thành tiền 19.000 hay 57.000 người bán đều tính chẵn thành 20.000 và 60.000 đồng. Giữa chợ búa đông đúc, không người khách nào thắc mắc đứng ngẩn người lẩm nhẩm tính toán để nhận ra số tiền được làm tròn bằng cách tăng lên chứ không bao giờ giảm đi. Hoặc đôi co thì người bán hàng sẽ cãi lại họ đã cân già, đã thêm cọng hành vào cho đủ… Vả lại tiền lẻ có là bao nên người bán hàng sẵn sàng nhiếc khách:
– Có mấy đồng bạc cũng tính toán!
Tới đó thì khách đành im luôn bỏ đi chứ đâu cãi cọ gì tiếp với người bán hàng được coi là người nghèo bán buôn ngoài chợ dầm mưa dãi nắng, lời lãi bao nhiêu mà hơn thua với họ dăm đồng lẻ!
Đến tết Nguyên Đán thì tiền lì xì tối thiểu phải mười ngàn trở lên. Đứa trẻ nếu học đếm rồi thì dưới số đó chúng bĩu môi liền. Nhà nước cũng không phát hành tờ tiền 1.000, 2.000, 5.000 mới nhân dịp Tết nữa. Cho nên gần tới Tết, thiên hạ vắt chân lên cổ tìm chỗ quen biết, họ hàng bạn bè thân thuộc đang làm trong ngân hàng nhờ đổi tờ 10.000, 20.000, 50.000 mới để lì xì.
Thật ra dù tiền lẻ hiếm khi dùng tới nhưng theo luật pháp thì nó vẫn phải được chấp nhận lưu hành.
Nói vậy không có nghĩa tờ 200, 500 không có chỗ dùng.
Nó vẫn được dùng trong một số siêu thị. Một dạo tiền lẻ khan hiếm nên nhiều nơi thay vì thối 500 đồng thì thay bằng viên kẹo. Ngược lại, nếu khách hàng muốn dùng viên kẹo ấy để giao dịch lại thì đương nhiên không được đồng ý. Ngoài chợ búa vài người bán thật thà không thối bằng viên kẹo mà bằng trái ớt, cọng ngò. Khách hàng phản đối viên kẹo bất bình đẳng quá nên nay siêu thị đã trữ khá nhiều tờ 200, 500 để thối lại dù đa số khách hàng đều không nhận mà gạt bỏ lại. Đương nhiên chỉ ở siêu thị mới thối số tiền nhỏ như thế. Còn những nơi khác bao giờ cũng làm tròn số. Và bao giờ số tròn cũng là ngàn chứ không bao giờ là trăm. Tiền trăm không còn giá trị gì nữa. Tờ tiền nhỏ đó được siêu thị thối lại cũng chỉ dùng ở chính siêu thị đó chứ không nơi nào khác tiêu nữa.
Người miền Bắc cũng có dùng tờ tiền nhỏ vào dịp Tết để khi đi tới đình, đền miếu mạo… Những tờ tiền nhỏ 200, 500, 1.000, 2.000 được đặt dưới chân tượng, nhét vào khe tượng, thả xuống phủ kín mặt ao giếng nhằm mục đích lấy may.
Thiên hạ coi tờ bạc lẻ này chẳng khác tiền… vàng mã. Chỉ có điều không dám… hóa vì sợ phạm tội hủy hoại tài sản, giấy bạc nhà nước chính thức phát hành. Tiền mã in rất nhiều hình đồng tiền VN, dollar Mỹ, đồng Europe… nhưng vì đằng nào cũng là hàng mã, tốn giấy má, công xá in ấn nên in tiền nhỏ làm chi cho phí. Thường tiền mã VN in hẳn trên đó con số 200.000, 500.000 để người âm xài cho đã!
Chẳng biệt phong tục mới xuất hiện này lấy nguồn gốc từ đâu mà cho rằng thả nhiều tờ tiền nhỏ một cách có vẻ bất kính như vậy lại nhằm mục đích lấy may. Cứ mỗi dịp lễ Tết, ở những nơi tôn nghiêm đó, bạc lẻ xòa ra như bướm. Mặc dù nhà nước tuyên bố không in nhiều tiền lẻ vì không còn thông dụng trong trao đổi thực tế nhưng cứ đến Tết, người ta lại đua nhau đi đổi tiền lẻ: 200, 500, 1.000 và luôn có chỗ đổi muốn bao nhiêu cũng có mới kỳ lạ.
Vì ít phát hành, ít trao đổi tiêu dùng trong mua bán hàng hóa nên muốn có xấp tiền lẻ để rải vào dịp Tết, người ta lại phải mua với giá khủng. Thường giá mua chiếm khoảng từ 10% đến 20% tổng số tiền và không mua bán ồn ào trên đường phố mà thông qua mạng, qua điện thoại… cho kín đáo.
Cúng tờ tiền to tuy mệnh giá cao nhưng chỉ một, hai tờ. Chi bằng cứ thả lả tả hàng xấp tiền lẻ, tổng cộng chẳng bao nhiêu nhưng nhìn tung ra thì nhiều như bươm bướm. Ném thoải mái, bảo đảm tiền của ai cúng vẫn còn đấy, chẳng ai buồn nhặt vì nếu có người tham nhặt cũng chẳng bao nhiêu hòng mua bán được thứ gì. Lừa gạt mắt người, cho đến thần thánh cũng lừa gạt và bất kính là vậy.
Xem thế chứ sau đó, chịu khó thu gom, mất công sắp xếp, đếm lại cũng thành món chứ chẳng chơi. Thỉnh thoảng, người ta vẫn đọc được đây đó tin người nghèo, nông dân hay công nhân, làm việc dảnh dụm lâu năm, cuối cùng ôm cả bao tiền giấy, tiền xu đi mua hàng. Mới tháng 4 đầu năm nay, một tài xế ở Bình Dương đã mang một bao tải tiền lẻ năm chục triệu đi mua hai chiếc iPhone 7 màu đỏ bản 128 GB, trong đó 5.000 đồng là tờ tiền mệnh giá cao nhất. Hay gần đây, tháng 6, tại Phú Yên, một người đàn ông lớn tuổi vẻ ngoài lam lũ, tiều tụy đã mang mấy cọc tiền lẻ 1.000, 2.000 đồng, khoảng vài triệu đồng, chắc là chắt mót từ lâu lắm, vào tiệm kim hoàn để mua vàng làm của hồi môn cho con gái.
Tiền lẻ cũng còn thấy trong các thùng từ thiện được đặt khắp nơi: Ở bệnh viện, chợ búa, trung tâm thương mại, bến xe… đều có, nhằm quyên góp vì đồng bào lũ lụt… chẳng hạn. Trong những thùng bằng kính ấy, người ta nhìn thấy rõ toàn những tờ 200, 500, 1.000, 2.000… Thật ra không phải người hảo tâm hẹp dạ. Hỏi ra, có thể họ đã đóng góp rất nhiều cho những nơi khác nhưng bỏ tiền vào các thùng từ thiện công cộng thì… mông lung quá, chẳng biết nó đi đâu về đâu, nên chỉ tiện tay bỏ vào đó những tờ tiền hầu như không thể tiêu pha mà thôi.
Bởi vậy có cơ quan bị phê bình vì thùng từ thiện đặt trước sảnh chẳng có giá trị gì với đống tiền lẻ lộn xộn đó. Bởi thế, giám đốc buộc nhân viên, mỗi người phải bỏ vào thùng 10.000, 20.000… Khi phái đoàn kiểm tra nào đó đến, giám đốc hãnh diện cho biết với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, mỗi nhân viên dưới quyền đã “tự nguyện” đóng góp để giúp đỡ nạn nhân thiên tai hoạn nạn… với số tiền đáng kể.
Gần đây rộ lên một số tài xế bảo nhau trả cả cọc tiền lẻ 200, 500 đồng, có người dùng cả tiền xu, để phản đối trạm thu phí và mức thu vô lý. Nhân viên trạm thu phí đếm tiền lẻ không xuể khiến xe nối đuôi kẹt dài hàng cây số, đợi thông xe hàng mấy tiếng đồng hồ, tới nỗi cuối cùng phải xả trạm cho xe qua để khỏi kẹt xe. Việc này xảy ra dài dài, tài xế bị nhân viên của trạm chụp hình xe, biển số xe và tài xế không biết để làm gì, cảnh sát giao thông ngăn chặn tài xế trả tiền lẻ. Thậm chí có tài xế còn bị triệu tập vì tội… gây rối. Do đó người ta thắc mắc phải chăng tiền lẻ không còn giá trị lưu hành và dùng tiền lẻ là phạm pháp?
Té ra cuối cùng tiền lẻ ở nhiều mặt vẫn hữu ích đó chứ.
Hàm Anh