Chuyện Trong Ngày, Đoàn Công Tử: Từ Con Đường Củ Sâm …đến Con Đường Củ Mì

Diễn Đàn

Chuyện Trong Ngày, Đoàn Công Tử

Từ Con Đường Củ Sâm …

Người ta nói nhiều đến Con Đường Tơ Lụa, Silk Road, Route de la soie, trục giao thương Đông Tây, không chỉ tơ lụa mà còn nhiều thứ, kể cả chính trị. Có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, nhưng đến thời Nguyên Mông với Marco Polo, con đường này được nổi tiếng. Nhưng ở đây nói chuyện củ sâm và không nói chuyện tơ lụa.

Từ năm 1953, ở Bắc Hàn người ta có Con Đường CSâm ( danh từ mới của cụ Đoàn), con đường mấy anh chị củ sâm đi vượt biên chạy độ cha con nhà Kim nhật Thành là một loại Bác Hồ cộng với Stalin, made in North Korea .
Từ đầu cơn khổ nạn của dân tộc Triều Tiên cho đến nay, có khoảng trên 300,000 người Bắc Hàn đào thoát đi tìm tự do qua ngã Trung Quốc và Nga, họ ra đi vì không chịu nổi chế độ hà khắc của một trong những chế độ Cộng Sản loại tàn tệ nhất thế giới.

 Họ trốn qua Trung Quốc thường thì qua ngã Cát Lâm và Liêu Ninh, rồi tìm cách đi Nam Hàn, đi Mỹ, đi đâu cũng được, kể cả đi Việt Nam Cộng Sản.

Chính phủ Việt Cộng, qua sự thương lượng với Nam Hàn có lập ít nhất là 3 nhà An toàn, gọi là Safehouses, không phải jailhouse đâu, để đón người, nhưng sau đó bị đổ bể, họ quay qua bắt bớ xua đuổi rồi ngăn cấm. Chắc Việt Cộng sợ mất lòng Kim jong Un, gọi là Kim chính Ân.

Chính phủ Nam Hàn cũng khéo léo lo liệu giúp đỡ và thu hút các người tị nạn Phương Bắc, anh nào có quân hàm ở Bắc Hàn được Nam Hàn cho mang ngang cấp và trọng dụng trong quân đội. Hồi đầu, Nam Hàn cho mỗi người 28 triệu won (thời đó là 24000 us, không biết con số có in lộn không ) vì chỉ có vài ngoe, rồi xuống 10 triệu won ( 8000 us) vì lạm phát. Sau này có tụi tội phạm tràn xuống và nay chỉ còn 450,000 won, vừa đủ cho một người nghèo ở Nam Hàn (402 us $ giá hôm nay).

Nhóm tị nạn Bắc Hàn được sang Mỹ thường tập trung ở LA, sống ổn định vì nhờ họ có thiện chí cung cấp tin tức cho chính phủ Hoa kỳ. Canada thì không nặng về tin tình báo nhưng cũng cho người tị nạn Bắc Hàn đời sống tốt. Cụ Đoàn mấy năm nay quen một anh Bắc Hàn là thợ hàn áp lực (Pressure Welder), làm ở các vùng ống dẫn dầu Alberta, lương lớn và anh sinh tật cờ bạc và vì ăn ớt nhiều, khi thua hay chửi thề bằng tiếng Anh và có lần nóng lên đòi uýnh sếp da trắng. Anh thứ hai là dân mới, no money no honey, đang nấu bếp ở tiệm ăn Hàn Nhật vùng Millwood, anh mời mình đến ăn, bớt 10%. Nhưng ăn uống gì tính sau, hỏi thăm tình hình Bắc Hàn trước đã.

Chuyện Bắc Hàn kể ra không thể tưởng tượng được, cụ Đoàn phát khóc với anh taquá sức tàn tệ. Bây giờ một thân một mình xứ người, vợ con còn ở Bắc Hàn rêm mình rêm mẩy. Có lúc nhớ vợ con quá hóa cuồng, anh muốn trốn về lại ...Bình Nhưỡng, tới đâu thì tới, có chết cũng cạnh vợ con. Cụ Đoàn khuyên anh nên đến gặp một anh Dân Biểu, bên này kêu là Member of Parliament, để xin giúp cho đoàn tụ, nhưng chuyện đó khó dàn trời, khó hơn dương gian tìm về thăm địa phủ, cho nên đêm nào nằm mơ thấy vợ con, anh mong đừng tỉnh giấc.

Đó là chuyện chảy xuôi rồi cũng lại có người đi ngược, là James Joseph Dresnok,  sinh năm 1941, lính Mỹ ở Tây Bá linh,  hết hạn quân dịch, anh về lại Mỹ thì vợ anh đã có người khác. Anh buồn nhưng mừng vì họ chưa có con, vì anh đã có tâm nguyện không bao giờ bỏ rơi con mình, như có ông tướng nào đó đã nói "Tôi không bỏ rơi binh lính thuộc quyền, ngoài mặt trận ", No soldier left behind.


James Joseph Dresnok (ảnh trên Internet)

Buồn tình bị phụ bạc, "Anh đã lầm để em ở nhà...", anh xin đi phục vụ tại Nam Hàn và đơn vị đóng gần khu phi quân sự. Nghe đâu anh to con, hay ăn hiếp bắt nạt bạn bè và có nhiều lúc can tội đi chơi không giấy phép. Sắp bị ra tòa tại đơn vị vào ngày nào đó quên mất, năm 1962, trong lúc mọi người ăn trưa, anh vượt qua bãi mìn, chạy qua phía Bắc Hàn xin... tị nạn. Tụi Bắc Hàn chỉ chờ có thế, họ đón anh và đưa lên Bình Nhưỡng bằng xe lửa.

Dân Bắc Hàn đang đói nhưng anh được ăn no và được đối xử hơn cả tử tế. Anh là dụng cụ tuyên truyền cho chế độ và rủ rê tụi Mỹ bỏ hàng ngũ.

Có lúc anh tỉnh ngộ đòi đi về lại Mỹ bằng cách trốn vào tòa đại sứ Liên Xô xin tị nạn chính trị,  bị bắt lại và bị hăm he làm sao đó, anh quay lại tuyên bố sẽ ở lại Bắc Hàn đến chết, "dù có cho vàng cũng không về nước Mỹ xấu xí, xâm lăng". Anh nói vậy !

Anh được Bắc Hàn cho đóng phim, cuốn phim nói về chính mình và nhất là được cưới cô vợ mới khá đẹp người Romania, nói là làm tòa đại sứ nhưng nghe đâu cô này cũng bị bắt cóc bên châu Âu, để sẽ làm vợ một trong các anh lính Mỹ tị nạn Bắc Hàn, có 4 tên đang ở đó.

Bà vợ này chết năm 1997, hình như bị lao, sau đó  James Dresnok lấy một bà khác, người Triều Tiên lai Togo, cũng có 1 con.
Hàng ngày đi câu cá, James tự hỏi mình ở Bắc Hàn không biết vì tự nguyện hay chơi dại bị kẹt, cho đến ngày anh qua đời năm 2016. Thọ 74 tuổi, tuổi Tân Tỵ. Tuổi trẻ bơ vơ, tuổi trung niên dấn thân vào con đường mù mịt. Tuổi già, bệnh rồi cũng phải chết thôi, sau khi Kim Jong Un ra lệnh "tận tình" chạy chữa, Un nói anh Mỹ này hút thuốc và uống rượu không ngừng nghỉ.

Hai con lớn của James nay đều là sĩ quan trong quân đội Bắc Hàn và mới đây họ khuyên Donald Trump nên nghĩ kỹ trước khi hành động, họ ở xa mà làm như biết tánh Trump, trong khi ở Mỹ người ta hoan hô Trump quá trời. Họ được cho là trung thành với Bắc Hàn hơn cả dân CSâm  Bắc Hàn thứ thiệt.
Đó là chuyện Con Đường CSâm. Chuyện "Con đường CMì" cũng hấp dẫn không kém, sẽ được trình chiếu cũng trong rạp này đêm mai hay đêm mốt, bỏ qua rất uổng.
Cụ Đoàn,
Aug 28. 2017.
 
… đến Con Đường Củ Mì



Hồi mấy ông Cách Mạng chưa vô, trong Nam cũng đã biết ăn khoai mì (cassava) nhưng ăn in ít thôi, khoai mì chà bông trộn với dừa nạo, cho thêm chút đường cát, chút muối và đậu phộng, mè nghiền, hay đem làm bánh, nói chung chỉ ăn cho vui.
Ăn vậy nên Cụ Đoàn, hồi còn nhỏ kêu là Đoàn Can, vẫn thèm khoai mì. Ở Phan rang thì có khoai mì luộc nhưng phải đợi cho đến khi lên Ban Mê Thuột, đánh giặc như giỡn chơi mà ham lên lon, rồi bị Việt cộng bắt và VC cho ăn khoai mì mệt nghỉ và còn tởn đến 40 năm sau.
VC bắt và đem tù binh vào xa trong mật khu, ở đó cây khoai mì trồng bát ngàn, họ dặn dò: nhổ một cây khoai mì lên ăn là bẻ thân cây ra làm 4 khúc cắm lại xuống đất, nhờ vậy khoai mì tiếp tục mọc, đầy rừng, nuôi những đoàn quân qua lại trên đường rong ruổi. Nhưng họ khuyên nên ăn khoai mì (mà họ gọi là sắn) cho đúng cách, vì trong đó có chất độc cho gan và có nhiều trường hợp ngộ độc sắn không cứu chữa được.

Phe ta nhiều khi đói nên cứ phe lờ, cứ nướng khoai mì uống nước trà tán dóc bên đống lửa , nhất là chị Tư Dõng phi công trực thăng, dân thích nói tiếng Tây đúng điệu và là chuyên viên nướng khoai mì.  Nhiều anh không đi cải tạo hay có đi và về nói thêm thắt cho vợ con bạn bè tội nghiệp, như một loại trẻ con nhõng nhẽo, làm nũng. Nói "đi cải tạo mà làm gì có màn uống nước trà bên đống lửa? ". Không biết trại nào, chứ trại tù binh Đức Cơ, Thanh Bình, Thanh An, Bàu Cạn của Cụ Đoàn đều như vậy, vì đồn điền trà Catecka do tù binh lao động dọn dẹp đem nó trở lại sản xuất, tụi tù chúng tôi ước chi ăn được lá trà thay cơm.

Dù độc, khoai mì vẫn cứu đói bạn tù. Khoai mì cũng biểu tượng cho đội quân VC, không cần hiểu biết nhiều nên dễ thắng trận, trông họ đơn giản mà ...độc. Bộ Đội cmì, cái thằng củ mì, rồi Việt kiều cũng củ mì, là loại gì các bạn chắc đã hiểu, là loại cù lần ai nói gì cũng tin, rồi lù đù vác cái lu mà chạy.

Dọc đường mòn Hồ chí Minh, nhiều rừng mì có cây nhổ lên củ to như bắp chân người lớn, bọn tù binh và bộ đội  ăn nhiều khoai mì, chúng tôi gọi đó là Con Đường CMì, con đường không khá, trung úy Sanh thì gọi là Con Đường CC..., con đường xuyên rừng có những nơi trọc lóc không còn lá cây và dưới đất thì đầy mìn cóc, khởi đầu từ một nơi rất củ mì là Quảng Bình để đến một nơi cũng củ mì không kém là Lộc Ninh. Trên đường đi toàn là rẩy mì và mộ chôn vô danh. Cuộc Chiến CMì được ngoài Bắc lý luận rất củ sắn và trong Nam thì không thèm củ mì vì chê và cứ đòi ăn Ration C, lương khô hành quân của Mỹ (Meal Combat Individual).

Trở lại Con Đường CMì, khoai mì là thực phẩm chính, khoai khô xắc vụn độn ít cơm, lá mì thì bỏ muối, ăn như cải muối, chấm nước mắm ( vì đâu dễ mà có cải xanh, chỉ dùng cho ngày lễ). Ăn xong tráng miệng bằng khoai mì nướng còn ăn sáng thì đã có khoai mì luộc. Nói xin lỗi, ăn kiểu chay tịnh này hoài, thầy chùa cũng thèm thịt chứ đừng nói mấy tên ngụy tặc như mình.

Ăn thiếu, ăn độn là đòn tẩy não chứ VC làm gì có loại xà bông nào tẩy óc và thuốc men gì tẩy trí. Mấy cha đi học tập bị đói nên nói gì cũng làm bộ nghe, nhưng về tới nhà là lanh như sóc, chạy tứ tung tìm đường... vượt biên. Con Đường CMì làm người ta xuống dốc nhưng trả về lại đời thì biết tay nhau, lại trở về con đường Duy Tân cây dài bóng mát, rồi ăn nhậu và qua Mỹ thì học khôn, anh đi cày, anh thì đi trên con đường chống Cộng bằng miệng, riết rồi đâm nghèo.

Năm 2012, có dịp trở về quê, tìm Con Đường CMì. Từ SG đi Ban Mê Thuột bằng đường 14, vô Bản Đôn, rồi đi Pleiku, Kontum, lên tới được huyện Đắc Tô, xã Kon Đào, còn cách ngã ba Đông Dương 50 km, rồi vô Bờ Y còn gọi là ba biên giới. Vùng Kontum nơi đóng quân của Sư đoàn F 10,  đơn vị năm xưa đã dùng nghi binh gạt tướng Phạm văn Phú làm như họ đang đe dọa Pleiku mà thực ra lẻn về đụng với Sư đoàn 23 VNCH tại Quảng Đức và Ban mê thuột, tạo khúc quanh "lịch sử". F10 sau đó nhập đại quân tràn về đồng bằng, về PR và về thẳng tới SG, một cánh nhỏ của họ còn chiếm cả phi trường Tân sơn nhất.

 Dù thua họ về trí lẫn về dũng, Đoàn tôi vẫn muốn có dịp nhậu với họ một bữa và nói với họ rằng: cụ Đoàn thua họ chuyện ở trận địa mà ít nhất cũng đã thắng về cuộc đời con người. Cuộc đời đáng sống sau cuộc chiến vô ích thiêu đốt tuổi trẻ. Ở xứ tự do cuộc đời là của mình chứ không là của Đảng của Chính Phủ, hồi trẻ và về già cũng thế, con cái cũng là của nó. Còn họ tiếng là thắng nhưng vẫn còn bị lợi dụng từ đời cha đến đời con, nào là "Sư Đoàn Thép bảo vệ Tây Nguyên, bảo vệ khu Ba Biên Giới, bảo vệ đất nước" để Đảng và bọn cán bộ an tâm làm giàu, ăn cắp nhiều ngàn tỷ.

Các anh Sư đoàn F10, còn gọi là Đoàn Đắc Tô, cũng có lúc gọi là Đoàn Kontum của tôi ơi ! Với tôi,  thời khoản ngắn ngủi đối đầu với các anh thật là đáng nhớ, tôi không ân hận và thù hận mà thỉnh thoảng lại còn chạnh lòng nhớ đến các anh, như những người anh em bạn bè thượng cẳng chân hạ cẳng tay nơi quê nhà, thời còn trai trẻ. Có nhiều lúc cố tìm xem hình ảnh thương mến của sư đoàn 10, quân khu 3, trên YouTube, nhưng chỉ thấy hậu duệ của các anh, nay chúng không mang dép râu mà đã mang giày, mặc đồ bông ngụy trang giống như lính dù VNCH cũ, trông tươm tất hơn các cha anh của chúng, nhưng tôi nghĩ còn lâu mới đánh đấm được như các anh ngày xưa.

Những người "bạn" năm xưa ! Chắc phần đông đã qua đời, lớp còn sống không biết có còn nhớ những ngày ngang dọc trên Con Đường CMì trong rặng Trường sơn những năm 70, lòng tràn đầy tự hào chỉ vì không biết mình bị gạt.
Cụ Đoàn.
Aug 31, 2017.
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top