TRUMP: Thông minh nhất nam tử!
Chu Thập
Thời trung học, tôi là một học sinh dốt văn. Làm bài văn chương hay nghị luận, tôi cứ “thì là mà” cho xong chuyện. Thơ phú thì lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Các bạn tôi không mất quá nhiều giờ để học thuộc một bài thơ hay ca dao. Tôi thì có tụng niệm cả buổi cũng chẳng nhét vào bộ nhớ được câu nào. Chính vì vậy mà tôi không mặn mà với thơ phú cho lắm và dĩ nhiên cả đời cũng chưa làm nổi một câu thơ!
Trong thi ca Việt Nam tôi chỉ thích có mỗi ông Nguyễn Công Trứ. Ông này gãi đúng chỗ ngứa của tôi. Vào cái tuổi mà tôi tin rằng có ý chí sắt đá thì chuyện gì cũng làm được, đương nhiên tôi phải tôn Nguyễn Công Trứ làm thần tượng thôi. Không phục ông sao được, bởi vì đường khoa cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi, ông mới thi đậu và ra làm quan. Học rộng, tài cao, chí lớn vậy mà vẫn 2 lần bị cách chức, một lần bị giáng xuống cho làm lính quèn, vậy mà ông vẫn cứ kiên cường đeo đuổi sự nghiệp cho đến cùng.
Mỗi lần thi cử, tôi đều lấy bài “Đi thi tự vịnh” của ông ra để tâm niệm: “Đi không chẳng lẽ lại về không?…Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông?” Nhưng mang lại nhiều cảm hứng cho thời tuổi trẻ của tôi hơn cả là bài “Chí nam nhi” của ông. “Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ”: một người con trai thông minh, nên làm người khác thường trong thiên hạ!
Khổ nỗi, không thông minh được như ông Nguyễn Công Trứ và cũng chẳng có được ý chí sắt đá như ông cho nên rốt cục, chuyện gì tôi cũng lở dở lèng èng cả. Lấy đâu để mà “gáy” như Tổng thống Mỹ Donald Trump!
Nghe đâu vào tháng 11 tới đây, Tổng thống Trump sẽ viếng thăm Việt Nam. Gần đây, khi đến thăm Việt Nam, các tổng thống Mỹ thường “lẩy” Kiều. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã mượn hai câu Kiều “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” để ám chỉ đến mối quan hệ vừa chớm nở giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đến lượt mình, vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama cũng đề cao mối quan hệ Việt-Mỹ qua câu: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Ngay cả phó Tổng thống Joe Biden, khi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hồi năm 2015, cũng “lẩy”Kiều như ai: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Tôi không biết khi đến Việt Nam, ông tổng thống Mỹ chuyên phá vỡ các thông lệ có còn “lẩy” Kiều như các vị tiền nhiệm của ông không. Theo tôi, ông nên trích thơ của cụ Nguyễn Công Trứ thì tốt hơn, bởi vì với một người “thông minh nhất nam tử “như ông, lại đang lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh nhứt thế giới và dĩ nhiên lúc nào cũng nổ về những thành tích của mình, chẳng có nơi nào đáng để “gáy” về trí thông minh và sự thành công của mình cho bằng Việt Nam, một đất nước lúc nao cũng khao khát thành tích và kỷ lục thế giới.
Sở dĩ tôi liên tưởng đến trí thông minh của Tổng thống Trump là bởi vì mới đây ông đòi thi đấu với Ngoại trưởng Rex Tillerson về trí thông minh. Có chuyện thách đấu như thế là vì có tin đồn được đài NBC News loan tải theo đó, trong một trường hợp không được xác định ở đâu và lúc nào, ngoại trưởng Mỹ đã gọi ông Trump là một kẻ “ngu đần” (moron). Cho tới nay, ông Tillerson không khẳng định và cũng chẳng phủ nhận ông có nói như thế không. Nhưng ai cũng biết rằng hầu như trong bất cứ vấn đề đối ngoại nào, giữa ông và Tổng thống Trump lúc nào cũng có chuyện lục đục, ông nói gà thì bà lại nói vịt.
Chuyện Tổng thống Trump đòi thi đấu về trí thông minh với Ngoại trưởng Tillerson chẳng làm ai phải ngạc nhiên, bởi vì ông đã từng có nhiều thành tích khoe mẽ về trí thông minh và thách đấu về trí thông minh với nhiều người khác.
Trong một “Tweet” bắn đi hồi năm 2013, tỷ phú địa ốc Trump đã viết: “Xin lỗi những kẻ thua cuộc và thù hận, nhưng chỉ số thông minh (I.Q) của tôi là một trong những chỉ số cao nhứt và tất cả quý vị đều biết mà! Xin đừng cảm thấy ngu đần hay bất an. Không phải lỗi của quý vị đâu!”
Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, ông tự so sánh với một nhà báo và một vị cố vấn của Đảng Cộng Hòa: “Tôi thông mình hơn họ nhiều. Tôi nghĩ rằng tôi có một chỉ số thông minh cao hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng tôi đã học ở một đại học tốt hơn, tốt hơn về mọi mặt”.
Trong một “tuýt” phóng đi hồi năm 2013, Tổng thống Trump còn cho rằng ông có chỉ số thông minh cao hơn hai vị tổng thống tiền nhiệm là George W Bush và Barack Obama.
Được thành lập từ năm 1776, Phi Beta Kappa là một tổ chức chuyên sưu tầm tên tuổi của những sinh viên sáng giá nhứt tại 286 trường đại học của Hoa Kỳ. Theo tổ chức này, trong số 44 tổng thống Mỹ, có 17 vị được xem là những người rất thông minh. Bill Clinton, George H W Bush và Jimmy Carter là những vị mới được đưa vào danh sách trong thời gian gần đây. Theo một cuộc khảo sát của trường Đại học California hồi năm 2006, Tổng thống John Quincy Adams(1767-1848) được xem là vị tổng thống thông minh nhứt.
Thật ra, trong mắt tôi, vị tổng thống Mỹ nào cũng thông minh xuất chúng hơn người cả. Tổng thống Trump tỏ ra “phi thường” ở chỗ ông dám vỗ ngực tự xưng là người thông minh.Nhưng thái độ này lại khiến tôi nghĩ đến một câu nói của ông Stephen Hawking, nhà vật lý và vũ trụ học nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo New York Times hồi năm 2004, khi được hỏi về chỉ số thông minh của mình, nhà bác học này trả lời: “Tôi chẳng biết gì về chuyện này cả. Những người khoe khoang về chỉ số thông minh của mình đều là những kẻ thua cuộc”.
Trong một số báo ra dạo mùa xuân năm 1974, báo New York Times đã cho đăng ở trang chủ danh sách của 10 vị dân biểu và thượng nghị sĩ “đần” nhứt trong Quốc hội. Đứng đầu danh sách là Thượng nghị sĩ William Scott của Tiểu bang Virginia. Ông này được chỉ định để trình bày trước Thượng viện về kho hỏa tiễn ngầm của Hoa Kỳ. Anh ngữ dùng chữ “missile silos”. “Silo” trong Anh ngữ cũng có nghĩa là “kho chứa thóc”. Có lẽ không nắm vững ngữ cảnh của từ này cho nên ông Scott mới nói bừa: “Tôi không quan tâm đến “nông nghiệp”. Tôi chỉ muốn quân cụ mà thôi”. Chỉ vì một chút sơ xuất như thế mà chỉ sau một nhiệm kỳ ông tuyên bố rút lui khỏi chính trường.
Nhưng chuyện của phó Tổng thống Joe Biden nghe ra còn khôi hài hơn. Tháng 9 năm 1987, trong cuộc tranh cử tổng thống, Thượng nghị sĩ Biden đã bị các ký giả hạch hỏi tơi bời về chuyện đạo văn. Bị một ký giả dồn vào chỗ bí, ông liền trả đòn: “Tôi nghĩ rằng tôi có chỉ số thông minh cao hơn bạn…Tôi đã từng chiến thắng trong một cuộc thi đấu quốc tế về tranh luận trong trường và đứng đầu lớp tôi. Tôi là sinh viên ngoại hạng trong năm cuối của phân khoa chính trị học. Tôi tốt nghiệp với 3 bằng cử nhân với 165 tín chỉ trong khi chỉ cần 123 tín chỉ là đủ. Và tôi lấy làm hân hạnh được ngồi xuống để so sánh chỉ số thông minh của tôi với bạn”.
Chỉ vài ngày sau, báo chí Mỹ phanh phui ra rằng những điều ông Biden “nổ” trên đây đều láo khoét cả. Và lập tức ông đã rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc(x.http://www.politico.com/magazine/story/2017/10/11/trump-iq-president-smart-).
Thật ra, không phải tất cả những ai “nổ” về trí thông minh của mình đều thất bại cả đâu. Dường như nhận xét của nhà bác học Stephen Hawking chẳng đúng chút nào về trường hợp của Tổng thống Trump. Ông vẫn cứ nổ, vẫn cứ khoe mẽ về trí thông minh, về đủ mọi thành tích…vậy mà ông đã thắng và thắng lớn. Không biết thành công có tiếp tục mỉm cười với ông trong tương lai không. Nhưng cứ nhìn lại cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái, không ai dám phủ nhận rằng Tổng thống Trump, một người chưa từng bước vào chính trường, đã đạt được một chiến thắng chưa từng thấy trong lịch sử của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Những người không thích ông bảo ông là một kẻ ngu đần. Ngu đần sao đã có thể đánh bại được tất cả những ứng cử viên sừng sỏ nhứt của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa? Tôi tin những lời ông khi ông nổ về trí thông minh của ông. Ông quả là một người thông minh. Nhưng dĩ nhiên, thông minh đích thực không chỉ giản lược vào những con số và các phép tính. Nếu đo lường trí thông minh dựa theo các phép tính thì chắc chắn người máy và máy móc nói chung thông minh hơn người nhiều. Thật ra, phép trắc nghiệm về chỉ số thông minh cũng chẳng đo lường được hết trí thông minh của một con người. Nhà bác học Albert Einstein đã chẳng bao giờ trải qua một cuộc trắc nghiệm như thế. Nhưng biết đâu khi phải làm cuộc trắc nghiệm ấy, ông lại chẳng đưa ra những giải đáp mà chẳng ai dám nghĩ tới, bởi vì ông có cách suy nghĩ không giống ai. Ngày nay nhiều nhà khoa học không đồng ý về sự hữu dụng của phép trắc nghiệm để đo lường trí thông minh của một con người. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chỉ số thông minh có thể thay đổi theo thời gian và nó chẳng ăn nhập gì với trí thông minh cảm xúc hay óc sáng tạo. Tôi đã nhận thấy điều này qua rất nhiều người bạn học thời trung học của tôi: có người học hành chẳng ra gì, thi đâu rớt đó, vậy mà ra đời, họ lại là những người thành công vượt bực.
Fred Greenstein, nguyên là giáo sư về chính trị học tại trường đại học Princeton, Hoa Kỳ có đưa ra 6 đặc tính để đánh giá trí thông minh của một tổng thống Mỹ hay nói chung của một nhà lãnh đạo. 6 đặc tính đó là: truyền thông đại chúng, khả năng tổ chức, kỹ năng chính trị, viễn kiến, tri thức và thông minh cảm xúc.
Theo Giáo sư Greenstein, trong những đặc tính trên đây, Tổng thống Trump tỏ ra rất xuất sắc trong nghệ thuật truyền thông đại chúng và kỹ năng chính trị. Nhưng nếu xét về khả năng tri thức, óc tổ chức, viễn kiến và nhứt là thông minh cảm xúc thì tổng thống Trump còn lâu mới tỏ ra mình là người thông minh.
Thời trai trẻ, tôi ngưỡng mộ các bậc thông minh, tài trí. Tôi mơ được làm Thành Cát Tư Hãn hay Nã Phá Luân Đại Đế. Nhưng càng tiến tới trong tuổi đời, khi mà với trí khôn hạn hẹp chỉ đủ để thấy rằng chỉ có một đời để sống, tôi chỉ còn đi tìm nguồn cảm hứng nơi những con người nào đã sống và chỉ ra cho tôi thấy đâu là điều quan trọng nhứt trong cuộc đời. Họ có thể không phải là những người có chỉ số thông minh cao, nhưng họ đã cảm nhận và nhìn ra những giá trị đích thực để đeo đuổi. Họ mới thực sự là những người thông minh. Họ “thông minh như người”thực sự, chớ không phải như người máy. Sự thông minh của họ nằm ở chỗ biết chọn lựa cái gì là giá trị lâu dài, đáng theo theo đuổi, không phí thì giờ cho mấy chuyện ruồi bu như kèn cựa nhau tiếng gáy. Xét cho cùng, khi con người biết sống cho ra người, biết dùng mỗi phút giây trong đời sống của mình để tìm hạnh phúc bằng cách biết cảm thông, chia sẻ niềm vui nỗi khổ với người khác, cư xử tử tế, và sống cho người khác…họ mới là những con người thông minh.
Thời trai trẻ, tôi muốn được như cụ Nguyễn Công Trứ: “thông minh nhất nam tử” thì phải sống khác người. Ngày nay tôi chỉ còn thấy chỉ có mỗi một điều quan trọng trong cuộc đời là: không cần phải sống khác người mà phải sống cho ra người và ra người tử tế!
Chu Thập
nguồn: http://vietluan.com.au/thong-minh-nhat-nam-tu/