ASEAN đi về đâu khi Mỹ và Trung Cộng đụng độ?
Quang cảnh một phiên họp trực tuyến của ASEAN về dịch Covid-19 do thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, nước chủ tịch luân phiên chủ trì, ngày 14/04/2020. REUTERS - Handout .
(RFI) Chưa bao giờ các nước ASEAN rơi vào tình trạng tế nhị và lưỡng nan như hiện nay trong mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng . Từ Biển Đông đến khu vực tranh giành ảnh hưởng, Đông Nam Á trở thành điểm nóng trong khi cả thế giới đang chống dịch Covid-19.
Tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cho thấy rõ sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Cộng. Chuyên gia Lucio Blanco Pitlo III, trên báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ngày 07/05/2020, cho rằng Trung Cộng cần một « điểm nóng » để đánh lạc hướng công luận trong nước về cách xử lý khủng hoảng, bị công luận thế giới chỉ trích.
Bắc Kinh kích động tinh thần dân tộc thông qua các cuộc tập trận rầm rộ thể hiện sức mạnh quân sự được chiếu trên truyền hình Nhà nước để khẳng định không lơ là « bảo vệ chủ quyền » trước « những khiêu khích » của đối thủ, vừa được Hoàn Cầu Thời Báo (05/05) chỉ đích danh là Hoa Kỳ.
Washington, thông qua ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, liên tục lên án Bắc Kinh « đục nước béo cò », lợi dụng cả thế giới chống dịch để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 05/05, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ phát biểu: « Trong khi Bắc Kinh tăng cường chiến dịch tuyên truyền sai lệch nhằm chuyển hướng chỉ trích và đánh bóng hình ảnh, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cách hành xử hung hăng của quân đội Trung Cộng ở Biển Đông, từ đe dọa tầu hải quân Philippines đến đâm chìm tầu cá Việt Nam và đe doạ các nước khác phát triển dầu khí ngoài khơi ».
Tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải và thịnh vượng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 06/05. Trước đó, trang Taipei Times ngày 06/05, trích phát biểu của đại sứ Đài Loan ở Hoa Kỳ, cho biết đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Hải Quân Mỹ tái lập vai trò kiểm soát và bảo đảm tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do lo ngại Trung Cộng chiếm ưu thế trong trật tự thế giới thời hậu dịch Covid-19. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực, liên minh an ninh giữa Mỹ các đồng minh, đối tác trong vùng sẽ bị xói mòn…
Ngoài xung đột thương mại, cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh về nguồn gốc và cách xử lý dịch Covid-19 cũng cho thấy sự rạn nứt khó hàn gắn được, ít nhất là trong thời gian sắp tới. Trung Cộng trở thành « vật tế thần » hiệu quả của tổng thống Trump để trút hết tội lỗi trong khi ông cũng bị chỉ trích lơ là những khuyến cáo, đánh động ngay từ tháng 01/2020 về mức độ nguy hiểm của dịch. Bắc Kinh thì tung tin chính Mỹ đem virus corona vào Vũ Hán, tại đại hội thể thao quân sự vào tháng 10/2019 để tự nhận cũng là « nạn nhân » của dịch Covid-19.
Liệu ASEAN có thể giữ mãi im lặng và thụ động ?
Một số chuyên gia, khi trả lời trang EurAsian Times ngày 03/05, nhận định chừng nào các nước thành viên ASEAN còn bất đồng, Trung Cộng sẽ càng dễ « chia để trị » và gặt hái thành quả từ chiến lược này. Gợi ý được đưa ra là ASEAN hợp tác với Mỹ, nước không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng là nước duy nhất có thể ngăn chặn kế hoạch và hành động của Bắc Kinh trong khu vực.
Báo mạng The Straits Times cũng nêu nhận định của giáo sư Khoong Yuen Foong, trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy), trong cuộc hội thảo bàn tròn trực tuyến ngày 28/04 rằng dịch Covid-19 làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã xấu đi do cuộc chiến thương mại và cạnh tranh chiến lược. Có thể hai bên sẽ gây sức ép buộc ASEAN phải chọn phe nào.
Giáo sư Khoong nhận định các nước ASEAN cũng khó giữ được vị trí trung dung giữa hai đại cường : Một bên là đối tác thương mại hàng đầu, trong đó có dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, bên kia là đối tác chiến lược giúp kìm hãm tham vọng bành trướng của nước láng giềng khổng lồ. Một lần nữa, ASEAN lại rơi vào tình cảnh « trên đe dưới búa ».