Nợ Trung Cộng : lớn như thế nào,
Trung Cộng nợ ai và tiếp theo sẽ ra sao?
Trung Cộng nợ ai và tiếp theo sẽ ra sao?
• Thanh Hương - Trà Nguyễn
Viện Tài Chính Quốc tế (IIF) ước tính rằng tổng nợ của Trung Cộng đã cán mốc 317% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của năm 2020. Trong tháng 5/2020, IIF cũng cho rằng khoản nợ mà phần còn lại của thế giới nợ Trung Cộng sẽ tăng lên tới hơn 6% GDP toàn cầu...
Bản chất khoản nợ của Trung Cộng ?
Nói chung, nợ của Trung Cộng có thể chia thành 2 phần: nợ trong nước và nợ nước ngoài.
Nợ trong nước của Trung Cộng , được định giá bằng nhân dân tệ, gồm 3 bộ phận: nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ. Nợ doanh nghiệp gồm các khoản vay của các công ty nhà nước và khu vực tư nhân, trong khi nợ công của Trung Cộng là sự kết hợp của nợ chính quyền địa phương và nợ quốc gia. Trong khi đó, nợ hộ gia đình được kết hợp bởi khoản nợ của mọi thành viên trong một hộ gia đình, bao gồm nợ tiêu dùng và vay thế chấp.
Nợ nước ngoài của Trung Cộng bằng các loại tiền không phải nhân dân tệ bao gồm các công ty thuộc khu vực tư nhân vay mượn từ ngân hàng nước ngoài, tín dụng liên quan đến thương mại cho các công ty Trung Cộng từ các đối tác thương mại nước ngoài, và chứng khoán nợ do các công ty nhà nước và tư nhân Trung Cộng phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng nợ mà Trung Cộng cho các nước nghèo,
đang phát triển vay lên tới 6% GDP toàn cầu
đang phát triển vay lên tới 6% GDP toàn cầu
Hầu hết khoản nợ này là chính thức, đến từ chính phủ và các công ty do nhà nước kiểm soát. Trong nhiều năm qua, Trung Cộng đã tích cực cho các nền kinh tế mới nổi vay tiền, ví dụ như những nước ở châu Phi. Trung Cộng cũng là một chủ nợ lớn của Kho bạc Hoa Kỳ, tài trợ hiệu quả thâm hụt ngân sách liên bang ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều khoản vay ở các nước đang phát triển là giữa các chính phủ, và Trung Cộng thường không tiết lộ chi tiết hoặc điều khoản của các khoản vay.
Trung Cộng cũng đang mở rộng các dự án ở hải ngoại của mình, được tài trợ bởi những khoản nợ được chính phủ hậu thuẫn dưới Sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng để xây dựng đường sắt, đường bộ, các tuyến đường trên biển,... trải dài từ Trung Cộng đến châu Á, châu Phi và châu Âu.
Một báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế được công bố vào tháng 5 năm 2020 cho thấy Trung Cộng hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước thu nhập thấp, với các khoản nợ tồn đọng của Trung Cộng trên phần còn lại của thế giới đã tăng từ 875 tỷ USD năm 2004 lên hơn 5,5 nghìn tỷ USD vào năm 2019 - hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Sự gia tăng cho vay nước ngoài của Trung Cộng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các khoản vay ngân hàng và các khoản ứng trước, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington cho biết. Kể từ khi Vành đai và Con đường được ra mắt vào năm 2013, ít nhất 730 tỷ USD đã được giải ngân trực tiếp cho các hợp đồng đầu tư và xây dựng ở nước ngoài tại hơn 112 quốc gia, theo IIF.
Tổng nợ Trung Cộng hiện gấp hơn 3 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Cộng
IIF ước tính rằng tổng nợ trong nước của Trung Cộng đã cán mốc 317% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu năm 2020, từ mức 300% vào quý cuối năm 2019 - mức tăng theo quý lớn nhất từng được ghi nhận.
Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Cộng , một cơ quan cố vấn liên kết với chính phủ, cho rằng tổng nợ toàn quốc ở mức 245,4% GDP vào cuối năm 2019, tăng thêm 6,1 điểm phần trăm so với năm trước.
Nợ tiêu dùng của Trung Cộng là phân khúc nợ tăng trưởng nhanh nhất, đặc biệt là dưới hình thức thế chấp và cho vay tiêu dùng. Nợ hộ gia đình đã tăng lên tới 54,3% GDP của Trung Cộng trong quý cuối năm 2019 so với 51,4% trong quý cuối năm 2018, theo IIF.
Nợ nước ngoài của Trung Cộng , bao gồm nợ bằng USD, đạt 2,05 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2019, so với 2,03 nghìn tỷ USD trong quý trước, theo Cục Quản lý Ngoại hối của Trung Cộng .
Ai là người cho Trung Cộng vay tiền? Người lao động Trung Cộng , quỹ hưu trí Mỹ, nhà đầu tư phương Tây và cả Ngân hàng Thế giới...
Hầu hết nợ chính quyền địa phương của Trung Cộng , một trong số những nhà phát hành nợ trong nước thường xuyên nhất, được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính được nhà nước kiểm soát hoặc sở hữu. Trong nhiều thập kỷ, các chính quyền địa phương Trung Cộng đã dựa vào nợ tài khoản ngoại bảng thông qua các công cụ tài trợ của chính quyền địa phương (FGFV).
Nhiều trong số những khoản vay này không được ghi chép lại và việc các khoản tiền này được sử dụng như thế nào thì không minh bạch. Những khoản nợ ẩn giấu như thế này ước tính từ khoảng 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY) (tức là khoảng 4,2 nghìn tỷ USD) cho tới 40 nghìn tỷ CNY, theo Standard & Poor’s. Trung Cộng cũng phát hành các trái phiếu của chính quyền địa phương trị giá 4,36 nghìn tỷ CNY (914 tỷ USD) vào năm 2019.
Hầu hết các khoản vay này được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước, ví dụ như các ngân hàng thương mại, tiếp theo là các ngân hàng chính sách. Ngân hàng chính sách là các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, các hoạt động cho vay và đầu tư của nó được dùng để hỗ trợ cho các chính sách của chính phủ, ví dụ như phát hành trái phiếu để gây quỹ cho các công ty đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo hiểm.
Thị trường trái phiếu Trung Cộng bao gồm các trái phiếu được phát hành bởi chính quyền quốc gia, chính quyền địa phương, các công ty tư nhân, cùng với các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và các chứng khoán có tài sản đảm bảo khác. Thị trường trái phiếu Trung Cộng , lớn thứ ba thế giới, đã tăng trưởng vững chắc lên con số 13 nghìn tỷ USD. Kể từ năm 2016, nó đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông qua các chương trình được chính phủ kiểm soát, ví dụ như chương trình Kết nối Trái phiếu và chương trình Tổ chức đầu tư nước ngoài đủ tiêu chuẩn.
Các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các nhà quản lý tài sản, quỹ tương hỗ, văn phòng gia đình và quỹ phòng hộ đã nắm giữ 2,19 nghìn tỷ CNY (308 tỷ USD) trái phiếu Trung Cộng vào năm 2019, tăng lên từ mức 457,8 tỷ CNY (64,4 tỷ USD) vào năm 2018. Tuy nhiên sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường trái phiếu nội địa Trung Cộng vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm 2% trên tổng số.
Ngoài ra, Trung Cộng cũng là con nợ lớn nhất của Ngân hàng Thế giới. “Trên thực tế, bản thân Trung Cộng chính là một trong những người đi vay lớn nhất của Ngân hàng Thế giới, với 16 tỷ USD dư nợ; nước này đang vay mượn giá rẻ một cách có hiệu quả từ các nước phát triển và cho vay lại, thông qua BRI, với một mức giá cao hơn đáng kể”, Steil và Rocca, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết trong một báo cáo về nợ của Trung Cộng qua dự án Vành đai - Con đường (BRI).
Trong 10 năm qua, nợ Trung Cộng tăng thêm 20% mỗi năm
Nợ trong nước của Trung Cộng đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là khoảng 20% kể từ năm 2008, nhanh hơn tăng trưởng GDP của nước này. Trong nỗ lực chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ CNY (586 tỷ USD) vào năm 2008 để thúc đẩy nền kinh tế, dẫn đến sự gia tăng vay mượn của chính quyền địa phương và các công ty nhà nước.
Tuy nhiên từ năm 2016, Trung Cộng đã tăng cường nỗ lực giảm bớt đống nợ của mình nhằm hạn chế các nguy cơ tài chính bằng một chiến dịch giảm nợ do ngân hàng trung ương chỉ đạo.
Các công ty nhà nước đã được yêu cầu giảm mức nợ của mình và nâng cao tính hiệu quả, mặc dù quá trình này đã diễn ra rất chậm chạp. Bộ Tài chính đã tìm cách kiểm soát các rủi ro tiềm ẩn trong các công cụ tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) bằng cách kêu gọi một số chính quyền địa phương gây quỹ bất hợp pháp cần đưa ra nhiều báo cáo kiểm toán.
Báo cáo của Fitch Ratings cho biết, khoảng 12,2 nghìn tỷ CNY (1,7 nghìn tỷ USD) nợ chính phủ, bao gồm một phần lớn là nợ LGFV, đã được chuyển đổi thành trái phiếu chính quyền địa phương từ năm 2015 đến năm 2018 sau khi Hội đồng Nhà nước đưa ra hướng dẫn công nhận một phần nợ LGFV là nợ trực tiếp của chính quyền địa phương.
Các hướng dẫn của Hội đồng Nhà nước cũng quy định khoản nợ LGFV nên được thay thế bằng một lượng trái phiếu đô thị tương đương do chính quyền tỉnh phát hành nhằm cải thiện tính minh bạch. Hạn ngạch trái phiếu có mục đích đặc biệt dành cho chính quyền địa phương vào năm 2015 được dành riêng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và phúc lợi công cộng. Các nhà phân tích, chẳng hạn như từ Standard & Poor's, tin rằng chính phủ trung ương có khả năng sẽ loại bỏ hoàn toàn mô hình LGFV.
Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu một số chính quyền địa phương mắc nợ nặng nề cần phải dọn dẹp khoản nợ của mình, và cũng ra lệnh cho tất cả các quan chức tỉnh phải thường xuyên báo cáo các khoản vay của họ trong một hệ thống tập trung kể từ năm 2019.
Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, nợ nước ngoài của Trung Cộng cũng tăng, một phần là do nỗ lực mua lại tài sản nước ngoài của nước này. Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài đã chậm lại một chút kể từ năm 2015 do sự kết hợp của các yếu tố như tăng trưởng trong nước chậm chạp, kiểm soát vốn và kiểm soát theo quy định, và sự giám sát ngày càng tăng của các nước đối với đầu tư của Trung Cộng .
Nợ phình to chạy theo “thành tích tăng trưởng”, che giấu bong bóng bất động sản và nợ xấu khổng lồ tại các ngân hàng thương mại, và chính sách đối ngoại “bẫy nợ” đối với các nước nghèo
Nợ trong nước của Trung Cộng phần lớn được dẫn dắt bởi khát vọng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhất có thể của đất nước này. Trong một thời gian dài, hoạt động của các quan chức chính quyền địa phương hầu như toàn bộ được đánh giá dựa trên cơ sở về khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế của họ. Mô hình khuyến khích này đã góp phần quan trọng vào thành công kinh tế của Trung Cộng kể từ khi đất nước này bắt đầu cải cách mở cửa thị trường hơn 40 năm trước.
Nhiệm vụ trọng yếu của chính quyền địa phương là duy trì tăng trưởng cao, không để thất nghiệp dẫn tới biểu tình và các mâu thuẫn xã hội vốn đang ngày một gay gắt trong lòng Trung Cộng . Theo Blackwill & Tellis (2015), tác giả cuốn sách Chiến lược lớn nhắm vào Trung Cộng , cho rằng: “Tăng trưởng cao GDP chính là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền đương nhiệm”. Và đương nhiên, chính quyền địa phương nào đạt được mục tiêu tăng trưởng mới có thể làm hài lòng chính quyền trung ương và con đường thăng tiến của các quan chức địa phương chắc hẳn sẽ rạng rỡ hơn.
Như vậy, chủ sở hữu nợ của chính quyền địa phương chính là các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn mà chính quyền trung ương sở hữu. Hiển nhiên, trung ương sẵn lòng rót tiền về địa phương qua hệ thống NHTM phi thị trường, tuân thủ chặt chẽ các mệnh lệnh hành chính của trung ương chỉ để duy trì tăng trưởng, tạo việc làm, tránh đổ vỡ thị trường bất động sản (BĐS) vốn là mấu chốt có thể gây ra đổ vỡ hệ thống tài chính của quốc gia này. Không những thế, do nợ của chính quyền trung ương chịu sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng đánh giá tín nhiệm quốc tế, nên các chuyên gia cho rằng các quan chức Trung Cộng dường như muốn sử dụng kết hợp tài chính của chính quyền địa phương và chính sách cho vay của các ngân hàng quốc doanh để chuyển nhiều khoản nợ của chính quyền trung ương vào tài khoản của chính quyền địa phương.
Một cuộc điều tra năm 2015 của Tạp chí Phố Wall ước tính rằng nợ chính quyền địa phương của Trung Cộng đã chiếm một con số tương đương với 35,5% GDP của đất nước với tổng số 18 nghìn tỷ CNY. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây của các hãng tin trong nước ở Trung Cộng đưa ra con số nợ chính quyền địa phương ở mức 16,61 nghìn tỷ CNY vào tháng 4 năm 2018. Chính phủ trung ương Trung Cộng đã tuyên bố giới hạn cho vay địa phương là 20,99 nghìn tỷ CNY cho năm 2018. Con số 16,61 nghìn tỷ CNY vào khoảng 2.432 tỷ USD, 20,99 nghìn tỷ CNY tương đương với 3.075 tỷ USD. Khi quốc gia này ước tính GDP ở mức 14.092 tỷ USD vào cuối năm 2017, dự báo của chính phủ về khoản nợ của chính quyền địa phương lên tới 21,82% GDP.
Tuy nhiên, vì tăng trưởng của Trung Cộng đã chậm lại, nên ngày càng có nhiều lo lắng rằng nhiều trong số những khoản nợ này đang có rủi ro vỡ nợ. Điều này có thể sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng có hệ thống trong hệ thống tài chính do nhà nước làm chủ của Trung Cộng .
Đầu tư nước ngoài cung cấp cho Trung Cộng một cơ hội để gia tăng kinh doanh và thương mại, thúc đẩy nền kinh tế của đất nước này. Sáng kiến Vành đai và Con đường, sáng kiến chính sách đối ngoại đặc trưng của Bắc Kinh, cho phép Trung Cộng tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để tăng cường ảnh hưởng ra nước ngoài. Do đó, mức nợ nước ngoài của Trung Cộng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính sách đối ngoại theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên việc Trung Cộng tăng cường cho vay nước ngoài đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu nước này có nên tiếp tục nhận các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là một nước đang phát triển không. Hoa Kỳ, cổ đông lớn nhất của WB, đã phản đối việc cho Trung Cộng vay. David Malpass, vị chủ tịch người Mỹ của WB, đã chỉ trích hành vi đi vay để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Cộng , nói rằng các khoản vay này khiến các nước yếu thế rơi vào “khoản nợ khổng lồ và các dự án chất lượng thấp”.
Trong bối cảnh nhận phải các chỉ trích từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, cùng với sự tăng trưởng đang chậm lại ở trong nước, Trung Cộng đã cắt giảm các khoản vay dành cho Mỹ La-tinh, quần đảo Thái Bình Dương và châu Phi. Rhodium Group có trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính rằng các khoản vay mà Trung Cộng dành cho châu Phi đã giảm xuống còn 16 tỷ USD trong năm 2017 từ mức đỉnh là 29 tỷ USD vào năm 2016.
Tương lai của khoản nợ Trung Cộng sẽ như thế nào?
Chính quyền địa phương cũng như các công ty nhà nước và tư nhân ở trong tình trạng yếu kém về tài chính đang phải vật lộn để trả lãi cho các nhà đầu tư khi tăng trưởng chậm lại, gây ra một làn sóng vỡ nợ trong thị trường trái phiếu từ năm 2019. Các hãng xếp hạng dự đoán rằng năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ hơn ở cả trong và ngoài nước.
Vào tháng 5/2020, công ty dầu khí MIE Holdings niêm yết đã không thể trả được khoản lãi 17 triệu USD trên đống trái phiếu trị giá 248 triệu USD của mình.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có khả năng làm chậm các nền kinh tế khu vực hơn nữa, làm giảm doanh thu của chính quyền địa phương và làm giảm khả năng thanh toán và tái tài trợ nợ, với khả năng một số nền kinh tế khu vực sẽ phải tăng gánh nặng nợ nần. Các ngân hàng nhỏ của Trung Cộng cũng đã có dấu hiệu bị ảnh hưởng, khi mà vào năm 2019 chính phủ trung ương đã phải bước vào để cứu trợ hoặc giải cứu một phần cho một số tổ chức - như Ngân hàng Baoshang và Ngân hàng Cẩm Châu - lần đầu tiên kể từ những năm 1990.
Trung Cộng đã yêu cầu các ngân hàng của mình phải mở rộng khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, điều này có thể gây thêm nợ xấu cho hệ thống tài chính trong tương lai vì các công ty có thể sẽ rất khó khăn để tạo ra đủ doanh thu do nhu cầu kém và triển vọng tăng trưởng yếu.
Mức nợ chung cũng sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2020 vì Trung Cộng dự kiến sẽ nâng hạn ngạch trái phiếu chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt lần đầu tiên kể từ năm 2007 để giải cứu nền kinh tế đang bị virus tấn công.
Theo một báo cáo vào tháng 4 của Rhodium Group có trụ sở tại Hoa Kỳ, không chắc liệu Trung Cộng có thể khôi phục lại các khoản cho vay và đầu tư vào năm 2020 hay không, vì họ phải trì hoãn và đàm phán lại các khoản vay trong quá khứ trên khắp thế giới trong bối cảnh điều kiện vĩ mô xấu đi vì đại dịch virus Corona Vũ Hán.
Trước cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, các ngân hàng chính sách của Trung Cộng đã cắt giảm các khoản vay mới dưới Sáng kiến Vành đai và Con đường. Rhodium dự kiến, trước những thách thức đang diễn ra trong nước, Trung Cộng có thể sẽ ưu tiên đầu tư tại quốc nội, nhưng vẫn có thể tăng cho vay nước ngoài thông qua các ngân hàng chính sách của mình. Đầu tư ra nước ngoài vẫn là một lựa chọn hấp dẫn của các công ty Trung Cộng vì các thương vụ mua lại đang được định giá thấp hơn do tác động của đại dịch.
Thanh Hương - Trà Nguyễn