• Diễn Đàn, Thái Doãn Hùng
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Những thầy bói bình chọn tác phẩm văn chương
Là một người Việt yêu chuộng văn học Việt Nam đang ở Tây Âu, tôi thường theo dõi những sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở quê nhà và hải ngoại với tầm nhìn và tâm cảm rất gần gũi và thân thương. Những tổ chức và sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước thường thu hút sự quan tâm và niềm tự hào của một người con xa xứ.
Hàng năm tôi vẫn thường đón nhận tin tức về những giải thưởng văn chương từ nhiều miền trên thế giới. Ngoài giải thưởng văn chương ở đỉnh điểm của nhân loại như giải NOBEL, thế giới có hàng trăm đến hàng nghìn giải thưởng văn chương hàng năm thu hút giới văn bút toàn cầu. Riêng về thế giới văn chương của Việt Nam ta có một sự văng bóng đầy im lặng giữa cộng đồng văn học thế giới khiến nhiều người ngạc nhiên. Năm 2016, lần đầu tiên một tác giả người Việt Nam được giải thưởng văn chương nổi nổi tiếng nhất của Mỹ là Pulitzer là Nguyễn Thành Việt với tác phẩm The Sympathizer viết về thân phận người Việt nhập cư tại Hoa Kỳ như lời trần tình của “người phân tâm hai hướng” (man of two minds) giữa Việt và Mỹ đã được đại chúng cũng như giới văn bút nhiệt thành khen ngợi.
Láng giềng Việt Nam, hầu như nước nào cũng có từ hai, ba giải thưởng văn chương có tầm cỡ toàn quốc trở lên, được thế giới biết đến. Đơn cử như:
Đại Hàn có đến 7 giải thưởng (Dong-in Literary Award, Hyundae Munhak Award, Manhae Prize, Park Kyung-ni Prize…)
Thái Lan có 2 giải thưởng (S.E.A.Write Award, Sriburapha Award)
Singapore có 3 giải thưởng (Category:Singaporean literary awards, Epigram Books Fiction Prize, Singapore Literature Prize)
Phi Luật Tân có 2 giải thưởng (Palanca Award, Philippine National Book Awards…)
Trung Quốc có 3 giải thưởng (Luxun, Mao Dun Literature Prize…)
Nhật Bản có đến 15 giải thưởng (Yamamoto Prize, Akutagawa Prize, Mishima Yukio Pirze…)
Riêng Việt Nam có Hội Nhà Văn, 600 tờ báo, hàng vạn nhà văn, nhà thơ, nhà báo rôm rả khắp nước sao chẳng thấy một giải thưởng văn chương truyền thống nào trong bao nhiêu năm qua góp mặt với cộng đồng thế giới.
Ôi! Việt Nam “bốn nghìn năm văn hiến” biến nơi đâu?!
Ở xa, tôi vui mừng biết được nước Việt mình có Hội Nhà Văn Việt Nam quy tụ hơn 300 hội viên cự phách hoạt động từ thời kháng chiến nhưng vì bảo vệ đức khiêm tốn nên chỉ có những giải thưởng nội bộ “áo thụng vái nhau” chứ không muốn đưa ra làm rộn ràng làng xóm. Bỗng dưng năm nay, 2020, cõ lẽ được hỗ trợ bởi tinh thần bùng phát kinh hồn của Đại dịch Covid -19 nên bèn tung hê bầu bán và ban phát những giải thưởng Văn Chương rầm rộ hoành tráng nhất từ trước đến nay.
Thông tin xác nhận rằng:
“Nhà văn Trần Thùy Mai với tác phẩm Từ Dụ Thái Hậu đã dành được giải nhất cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.”
À, thì ra đây là một cuộc “thi đấu văn chương” chứ không phải là giải văn chương tự nhiên là do tài năng hữu xạ tự nhiên hương mà độc giả và các nhà tham khảo, nghiên cứu tự nhiên tìm đến như tiêu chuẩn của tất cả các giải văn chương có giá trị trên thế giới nầy.
Được tin nhà văn Trần Thùy Mai chiếm giải khôi nguyên văn chương nước nhà Việt Nam với bộ tiểu thuyết dã sử, tôi nhớ lại thời gian về thăm đất nước có tham dự buổi ra mắt sách của Chị tại Huế với sự có mặt của hàng nhân sĩ gạo cội đất thần kinh. Câu hỏi hôm ấy tôi đặt ra là tại sao tác giả không chọn cụm từ thuần Việt là Thái hậu Từ Dụ mà lại chọn cấu trúc Hán Việt – tên trước tước vị sau – là Từ Dụ Thái Hậu.
Về nhà hôm đó và mấy hôm sau, tôi đọc đi đọc lại bộ truyện hai cuốn non nghìn trang (Quyển Thượng 441 trang và quyển hạ 461 trang). Tôi hơi chững lại, khi đọc những dòng cuối trang 461, hình ảnh Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế nói lời cuối với thái hậu Từ Dụ rằng:
“-Từ nay Đức bà không ra bàn chính sự, chắc chẳng bao giờ Quế thấy lại dung nhan. Vậy xin Đức bà nán lại vài giây, để Quế được chiêm ngưỡng những phút cuối cùng.”
Điều làm tôi ngạc nhiên là cả nghìn trang qua, nhà văn Trần Thùy Mai chỉ mới viết phần giới thiệu một nhân vật mẹ vua nổi tiếng nhất lịch sử qua những màn xung đột hậu tẩm thâm cung bí sử (giả định). Nhưng nội dung làm nên nhân vật Từ Dụ là từ đây về sau với vai trò hiền mẫu của vua Tự Đức trong một khung cảnh dầu sôi lửa bỏng nhất của đất nước Việt Nam đối mặt với mưu đồ xâm lăng đất nước, nô lệ hóa người dân của thực dân Pháp. Chính trong khung cảnh nầy, thái hậu Từ Dụ mới thật sự chứng tỏ bản lĩnh, tài đức đã làm cho nhà vua tôn kính, quân Tây e dè và nhân dân ngưỡng mộ. Tôi nghĩ là tác giả mới viết một nửa về bối cảnh cung đình. Phần tiếp theo viết về hoàn cảnh lịch sử, về mối tương tranh xung đột và đảm lược hóa giải mới là phần chính của một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa. Trong khi độc giả đang đợi phần chính nầy thì Hội Nhà Văn Việt Nam đã vội vàng đi đến kết luận và tuyên bố tác phẩm đoạt giải nhất văn chương Việt Nam! Thế thì có khác gì thuốc chủng ngừa vắc-xin Covid-19 chưa thử nghiệm trên thực tế thân thể con người mà đã đem ra thị trường tiêu thụ.
Nhà báo Việt Nam đã đưa tin rằng:
Tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu của nhà văn Trần Thùy Mai từ khi xuất hiện đã nhanh chóng gây sự chú ý trên văn đàn. Sau buổi ra mắt vào tháng 9/2019, tiểu thuyết Từ Dụ Thái Hậu nhanh chóng được Nhà xuất bản Phụ Nữ cho tái bản để đáp ứng nhu cầu bạn đọc lên cao.
Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc thi tiểu thuyết 2016 – 2019: Từ Dụ Thái Hậu đoạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết kéo dài qua nhiều năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng thời, Hội Nhà Văn cũng trao tặng 5 giải nhì, 7 giải ba, 7 giải tư và nhiều tặng thưởng khác.
Tôi chưa có cơ hội để đọc các tác phẩm được giải thấp hơn của Hội Nhà Văn. Nhưng không biết Hội nầy đã căn cứ trên những tiêu chí nào để chấm giải nhất và các giải giá trị cho một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử chưa hoàn thành, mới viết xong một nửa, chưa trình bày hết cốt lõi của nội dung. Một nửa cuộc đời chưa phải là cuộc đời và một nửa lịch sử chưa phải là lịch sử!
Trừ phi có những nguyên do đặc biệt nào khác, kết luận toàn hảo cho một công trình sáng tạo nửa vời là một việc làm tùy tiện, tắc trách và phi nghệ thuật. Một cơ quan nhân văn của một đất nước như Hội Nhà Văn Việt Nam mà vi phạm những nguyên lý căn bản sơ đẳng này trong tổ chức và sinh hoạt sẽ làm dấy lên biết bao nghi vấn và đánh giá tiêu cực đáng tiếc. Một Hội Nhà Văn điển hình đúng nghĩa thường được xây dựng trên tài năng và tác phẩm của hội viên. Đã nhiều năm qua, theo phản ánh của giới văn bút từ trong nước thì Hội Nhà Văn Việt Nam là một tổ chức “Thi Công” có chủ tịch làm thơ để ăn lương biên chế của nhà Nước. Với một cá nhân hay tổ chức bất tài thì sự im lặng không làm phương hại đến ai nhưng sự lên tiếng và tổ chức đình đám dưới tiêu chuẩn và thiếu phẩm chất của lĩnh vực chuyên môn sẽ tạo ra sự thoái trào cho chuyên ngành liên hệ. Trường hợp Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay là một “ca” chuyên môn ở dạng thoái trào đáng tham khảo.
Qua những dòng viết điểm xuyết nầy, tôi hoàn toàn chưa đề cập gì đến giá trị tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai mặc dầu trước đây tôi đã có dịp đọc các truyện ngắn trên báo và các tác phẩm của Chị như: Thị Trấn Hoa Quỳ Vàng, Quỷ Trong Trăng, Thập Tự Hoa, Trăng Nơi Đáy Giếng… và đã có cảm tưởng rất tích cực đối với nhà văn nữ xứ Sông Hương, Núi Ngự nầy.
Đôi lời chia sẻ chân thành của một người con xa xứ yêu chuộng văn học nghệ thuật Việt Nam.
Thái Doãn Hùng
London, December 2020