TRỐN HỌC “Stolen Day“  by Sherwood Anderson • Trương Mỹ-Vân dịch 

TRỐN HỌC

“Stolen Day“  by Sherwood Anderson

• Trương Mỹ-Vân dịch 



Sherwood Anderson (1867-1941) là văn sĩ Mỹ sinh tại tiểu bang Ohio. Lúc 14 tuổi ông bỏ học đi làm và khi về ở Chicago ông quen biết nhiều nhà trí thức trong số đó có Theodore Dreiser và Carl Sandburg. Do họ khuyến khích, ông nghỉ việc và bắt đầu viết văn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Winesburg, Ohio” (1919), tuyển tập truyện ngắn với đề tài chính là ảnh hưởng của cuộc cách mạng kỹ nghệ và nền văn minh cơ khí đối với giá trị và phong tục của nếp sống thôn dã Hoa Kỳ, quyển sách này đã ảnh hưởng nhiều đến các nhà văn Mỹ khác trong số đó có Ernest Hemingway.

Truyện “Trốn Học” được dịch từ nguyên tác “Stolen Day”, là hồi ký tuổi thơ của tác giả. Chữ “stolen day” nghĩa bóng là một ngày đi chơi thay vì đi học hay đi làm.


Có lẽ tất cả trẻ con đều giỏi tài đóng kịch.
Mọi chuyện khởi đầu với Walter, đứa bé cùng xóm trạc tuổi tôi, bị bệnh phong thấp, sưng khớp xương và vì thế không phải đi học.
Thế nhưng Walter vẫn đi lại bình thường và còn ra suối câu cá nữa.
Cạnh nhà tôi có dòng suối nhỏ chảy qua đám lau sậy, rồi đổ tung xuống đập nước tạo thành cái hồ sâu. Chỗ này ngồi câu cá tuyệt lắm và đôi khi còn bắt được nhiều con cá thật bự nữa.
Một buổi sáng mùa xuân trên đường đến trường, tôi rẽ sang lối đi xuống suối để tìm xem Walter có đó không. Mặc dầu luôn mồm bảo bị sưng khớp xương nhưng hắn ta vẫn ra suối một mình và hiện đang ngồi lù lù câu cá ở đó.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy hai chân bắt đầu đau nhức và lưng cũng hơi ê ẩm. Tôi vào lớp nhưng đến giờ ra chơi tôi bật khóc nức nở, đúng lúc cô giáo tên Sarah Suggett đi đến.
Cô tiến về phía tôi.
- Thưa cô, em đau nhức khắp người.
Tôi vừa nói vừa tiếp tục khóc và lập tức cô giáo bảo:
- Thôi em về nhà nghỉ đi.
Thế là tôi vội vã ra về, vừa bước khập khểnh một cách đau đớn cho đến khi ra đường cái bỗng dưng tôi cảm thấy khỏe ngay.
Mặc dầu vẫn còn bị sưng khớp xương nhưng lúc này tôi bước đi bình thường được. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ:
- Có lẽ mình không nên bảo bị sưng khớp xương vì biết đâu bệnh này có thể làm cơ thể sưng vù lên thì khốn.
Thế là tôi quyết định đi tìm Walter để hỏi cho ăn chắc nhưng không thấy nó ở dưới suối. Tôi nghĩ thầm:
- Có lẽ hôm nay cá không cắn câu.
Tôi sợ nếu bảo bị bệnh sưng khớp xương có lẽ sẽ bị mẹ và chị tôi cười vì mọi người trong gia đình thường chế diễu tôi khiến tôi vô cùng bực mình, nhưng tôi tự nhủ:
- Mặc ai cười thì cười, mình vẫn bị bệnh tê thấp.
Và thế là toàn thân tôi lại bắt đầu đau nhức ê ẩm.

Khi về đến nhà tôi ngồi bệt trước hiên. Có lẽ tôi ngồi như thế lâu lắm vì lúc này cả nhà đều đi vắng ngoại trừ mẹ và hai em tôi. Ray dạo đó khoảng bốn, năm tuổi và Earl có lẽ lên ba. Chính Earl thấy tôi trước tiên và lúc bấy giờ tôi chờ mãi đâm chán nên nằm dài trên thềm. Earl tuy nhỏ nhất nhà nhưng tính tình trầm tĩnh, nghiêm nghị.
Có lẽ Earl bảo mẹ tôi biết vì một lúc sau mẹ tôi bước ra hỏi tôi:
- Có chuyện gì thế con? Sao con không đi học?
Suýt chút nữa tôi buột miệng bảo mình bị bệnh tê thấp nhưng tôi ngưng kịp.
Trước đó vài hôm tôi nghe ba mẹ tôi bàn với nhau về bệnh tình của Walter. Ba tôi bảo:
- Bệnh này có thể ảnh hưởng đến tim lắm.
Vì thế tôi nhớ lại và đâm ra lo sợ. Tôi nghĩ:
- Lỡ mình bị bệnh này không khéo đứng tim chết ngay lúc này không chừng.
Trước hôm đó tôi chạy đua ở trường với Irve, anh tôi, và chúng tôi chạy vòng quanh sân khoảng nửa dặm. Anh tôi thách tôi:
- Tao chấp mày chạy quanh sân này. Thế nào tao cũng về đích trước mày cho xem!
Thế là chúng tôi chạy đua và tôi thắng, nhưng sau đó tim tôi cứ đập thình thịch trong lồng ngực. Bây giờ nhớ lại tôi không khỏi ngạc nhiên:
- Mình bị bệnh tê thấp thảo nào tim cứ đập liên hồi. May quá hôm qua không bị đứng tim, nếu không mình đã chết ngắt rồi!
Ý tưởng này càng khiến tôi thêm lo âu và bỗng dưng tôi càng đau nhức hơn trước.
- Mẹ ơi con đau quá!
Mẹ tôi bảo tôi lên lầu nằm nghỉ, nhưng hôm đó vào đầu mùa xuân, tôi còn tâm trí nào nằm yên trên giường khi ngoài khung cửa sổ ánh nắng mai nhảy múa trên những cành cây cao và trong không trung tiếng chim chuyền cành ríu rít như mời gọi tôi ra ngoài cùng dự cuộc vui.
Thế nhưng tôi vẫn cố nằm trên giường mãi đến vài giờ sau mới cảm thấy khỏe. Tôi vùng dậy đi xuống nhà dưới và bảo mẹ tôi:
- Mẹ ơi, con bớt rồi.
Lúc bấy giờ mẹ tôi đang bận tay nên không để ý gì đến tôi, chỉ ừ hử cho qua chuyện. Chính mẹ tôi bắt tôi lên giường nằm và chẳng hề bước lên lầu xem tình trạng tôi ra sao. Tôi không nghĩ đến điều này khi còn nằm trên giường nhưng bây giờ khi tôi bảo mẹ rằng tôi đã khỏe rồi và mẹ tôi chỉ đáp “Thế à, thế thì tốt”, rồi tiếp tục công việc của mẹ khiến tôi cảm thấy khắp mình mẩy bỗng dưng đau nhức dữ dội. Tôi nghĩ:
- Chẳng thà mình chết cho rồi. Thế nào mình cũng sắp chết vì bệnh tê thấp này.
Rồi tôi ra ngồi bệt trước hiên nhà và lúc này tôi đâm ra giận mẹ tôi vô cùng.
- Nếu mẹ biết sự thật rằng mình bị bệnh tê thấp và có thể chết bất cứ lúc nào, chắc mẹ chẳng hề quan tâm đến mình đâu.
Và càng nghĩ thế tôi càng giận mẹ tôi hơn.
- Thôi được rồi, mình sẽ đi câu.
Tôi lại nghĩ với bệnh sưng khớp xương của tôi và với cơn nhức nhối lúc này, tôi sẽ ngồi câu bên cạnh hồ nước và biết đâu bỗng dưng tim tôi sẽ ngừng đập. Rồi dĩ nhiên tôi sẽ té nhào xuống nước và nếu không chết ngay khi đầu tôi chạm mặt nước, thế nào tôi cũng chết đuối cho xem.
Mọi người trong gia đình tôi sẽ tề tựu đông đủ quanh bữa ăn tối, và khi thấy thiếu tôi họ sẽ hỏi:
- Nó đâu rồi?
Và mẹ tôi sẽ nhớ ra ngày hôm đó tôi nghỉ học vì bị đau nhức. Rồi mẹ sẽ lên lầu tìm tôi nhưng dĩ nhiên chẳng thấy tôi đâu cả.
Năm ngoái có đứa bé con của gia đình Wyatt chết đuối trong dòng suối này.
Ở cuối đường có dòng suối nhỏ và trên bờ cạnh gốc cây tùng già có cái thùng “phuy” chôn sâu dưới đất. Mọi người thường bảo nhau con suối này nguy hiểm lắm và một hôm nọ đứa con út của gia đình Wyatt ra suối chơi một mình rồi té xuống nước.
Khi mẹ tôi ra suối lấy nước bắt gặp thì đứa nhỏ đã tắt thở từ lâu rồi.
Hôm đó nhằm lúc mọi người trong gia đình tôi đều có nhà và mẹ tôi hớt hả chạy về với đứa trẻ ướt đẫm sóng sượt trên tay. Mẹ tôi cố chạy thật nhanh đến nhà ông bà Wyatt, mặt mẹ xanh như chàm. Bây giờ nhớ lại tôi còn thấy rõ nét hãi hùng trên gương mặt mẹ tôi hôm ấy.
Tôi nghĩ:
- Thế nào mọi người cũng đổ xô đi tìm mình cho xem. Và thế nào cũng có người bảo thấy mình ngồi câu cá cạnh hồ nước hôm đó. Rồi mọi người sẽ hoảng lên, khắp thành phố đều chạy ra bờ hồ và cuối cùng họ sẽ vớt xác mình lên.
Nghĩ đến đây tôi cảm thấy khoái chí tử, mặc dầu biết mình đã chết.
- Và rất có thể khi họ tìm thấy và vớt xác mình lên, mẹ mình sẽ ôm mình trong tay và tất tả chạy về nhà như lần mẹ ôm đứa bé con bà Wyatt vậy.
Rồi tôi đứng dậy ra sân sau tìm cần câu và đi thẳng ra hồ nước. Tuyệt nhiên mẹ tôi không hề hay biết điều gì vì mẹ đang bận. Bao giờ mẹ tôi cũng bận công chuyện cả!
Ra đến hồ tôi tự nhủ không nên ngồi gần bờ nước quá. Lúc này tôi không còn đau nhức nữa nhưng tôi nghĩ:
- Với bệnh phong thấp này khó lòng đoán trước được, có lúc đau lúc không. Walter bị bệnh này mà vẫn đi câu như thường chứ có sao đâu.
Tôi móc mồi, ném cần câu xuống nước, bỗng dưng cần câu giật mạnh. Tôi liền kéo lên và biết lần này tôi câu được một con cá thật bự vì trước giờ chưa bao giờ cá cắn mồi như vậy cả.
Tôi biết ngay đây là một trong những con cá chép to tướng của ông lão Fernn.
Lão Fernn có hồ nuôi cá chép riêng. Mùa hè ông thường dùng hồ nước làm nước đá bán và mùa xuân ông mua cá chép thả trong hồ. Thế nhưng mùa xuân năm nay nước lụt tràn vào hồ của ông khiến một số cá chép bơi vào suối và cuối cùng lọt vào hồ nước công cộng này.
Lúc này con cá của lão Fernn đang cắn mạnh và tôi càng giật cần câu, nó càng kéo trở lại khiến tôi sợ đứt dây nên lăn đại xuống bờ hồ, tay vừa nắm chặt sợi dây và cuối cùng tôi nhào thẳng xuống nước.
Tôi chụp được con cá ngay trong hồ, rồi cả hai chúng tôi cứ thế quần thảo với nhau. Rút cuộc tôi nắm được bụng cá, luồn tay dưới mang nó và kéo nó lên khỏi mặt nước.
Rõ ràng đây là một con cá khổng lồ, lớn gần bằng nửa người tôi. Tôi hì hục kéo nó lên bờ và vẫn giữ một tay dưới mang cá, tôi đâm đầu chạy về nhà.
Chưa bao giờ tôi chạy nhanh như vậy, mặc dầu con cá trơn tuột, vùng vẫy cố sức thoát khỏi tay tôi nhưng tôi vẫn nắm chặt vào mang nó. Thình lình tôi vấp té sóng soài trên mình nó nhưng cuối cùng tôi vẫn mang được con cá về nhà.
Thế là hôm đó tôi trở thành người hùng trong gia đình tôi. Mẹ tôi mang ra chậu giặt áo quần, đổ đầy nước và thả con cá vào trong. Sau đó bà con lối xóm đổ xô lại xem con cá khổng lồ.
Tôi lên lầu thay quần áo rồi xuống nhà ăn cơm tối. Và bỗng dưng tôi làm hỏng một ngày tuyệt vời của tôi.
Trong lúc mọi người đang tề tựu đông đủ quanh bữa ăn tối, ba tôi hỏi tôi tại sao hôm đó tôi lại về sớm vì ba tôi gặp cô giáo Sarah Suggett trên đường về nhà và cô giáo kể tôi bị bệnh ở trường.
Ba tôi hỏi:
- Hôm nay con bị bệnh gì ở trường thế?
Và trước khi kịp suy nghĩ, tôi buột miệng:
- Con bị bệnh tê thấp.
Thế là mọi người cười ồ lên khiến tôi không còn nghe thấy gì nữa. Tôi chỉ biết bỗng dưng toàn thân tôi bắt đầu đau nhức và tôi bật khóc nức nở.
- Con đau thật, con đau thật mà!
Tôi vùng dậy bỏ chạy lên lầu và ở miết trên đó đến khi mẹ tôi lên tìm tôi.
Tôi biết rằng mọi người trong gia đình sẽ không bao giờ buông tha tôi và sẽ chế giễu tôi mãi về căn bệnh quái ác này. Nghĩ vậy tôi càng cảm thấy đau đớn hơn, nhưng lúc này cơn đau không còn ở dưới chân hay sau xương sống của tôi nữa.

Trương Mỹ-Vân
dịch từ “Stolen Day” của Sherwood Anderson

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top