TRẦN HÀ NAM Nhớ một bài thơ Nguyễn Khuyến

Nhớ một bài thơ Nguyễn Khuyến

NGÀY XUÂN DẶN CÁC CON


Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi có lẻ ba.
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng,
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
(Tác giả tự dịch bài “Xuân nhật thị chư nhi”)


Nhân ngày rảnh rỗi nhớ lại thời làm luận văn tốt nghiệp đại học, đề tài “Tính dân tộc đậm đà trong thơ Nguyễn Khuyến”, cảm cái chất thâm thúy trong thơ Cụ.

Bài thơ Ngày xuân dạy các con là một trong những bài thơ dạy con với tất cả sự nghiêm cẩn của một người cha. Không những thế, đó còn là tâm sự giữa thời loạn của một bậc trưởng thượng trong làng Nho bất lực trước cái đảo điên thế sự. Nguyễn Khuyến là một trường hợp hiếm hoi trong văn học trung đại Việt Nam khi vừa làm thơ chữ Hán, vừa tự dịch sang thơ Nôm. Có thể hiểu với truyền thống của văn chương trung đại coi trọng chữ Hán hơn chữ Nôm, những bài gửi gắm nỗi niềm kín đáo thường được tác giả viết bằng chữ Hán để tăng độ hàm súc trong cấu tứ, ngôn từ. Thế nhưng, khi tự chuyển sang chữ Nôm, có lẽ đó là cách Nguyễn Khuyến muốn cởi mở lòng mình, chia sẻ nỗi niềm bằng tiếng nói mộc mạc giản dị. Một người làm thơ Nôm đường luật xuất thần như Nguyễn Khuyến lại có thể chuyển ngữ sang tiếng ta một cách tinh tế điêu luyện, có những bài chữ Nôm xuất sắc và được nhớ nhiều hơn thơ chữ Hán. Bài thơ này là một minh chứng tiêu biểu.


Khi viết bài thơ này, Nguyễn Khuyến mang theo tâm trạng của một người dứt khoát trở về với nhân dân, nhưng vẫn trĩu nặng ưu tư thời thế:
Bút nghiễn trầm tư ưng hữu lệ
Sơn hà cử mục bất thăng sầu
(Ngẫm đến bút nghiên đáng tràn nước mắt
Ngước nhìn sông núi khôn xiết buồn đau)


Niềm hy vọng của ông gửi vào hậu thế cũng vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của nhà Nho:học hành – đỗ đạt – làm quan… và luôn giữ mình gắn bó với gốc gác thuần hậu từ làng quê: “Các con nối chí cha nên biết – Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà”. Còn ở bài thơ này, ông dành để nói về mình nhiều hơn. Phần tiền giải là những tâm sự trĩu nặng buồn đau về thời thế:

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi có lẻ ba.
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.


Còn gì đau hơn khi cứ nhìn ngày tháng trôi đi, những người đầy tâm huyết như ông đành ngậm ngùi cảm thấy sự già nua bất lực. Theo cách tính thời gian trong bài thơ, cũng có nghĩa là nhà thơ đã về lại vườn Bùi chốn cũ được 5 năm. Tuổi 53, chưa thể gọi là già (dù làng quê của ông bắt đầu làm lễ mừng lên lão cho các cụ khi chạm ngưỡng ngũ tuần!). Bản thân nhà thơ cũng ý thức điều đó chăng, khi ông nói về mình rất ấn tượng, trong hình hài “thêm được tóc râu phờ” – mang nghĩa mệt mỏi, chán chường, bế tắc. Cái phờ phạc hình hài còn gánh thêm cái buồn lo thời thế, đã được gói ghém trọn vẹn trong hai câu thực:
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già


Mối tương quan giữa nhà thơ – thời cuộc được diễn giải với đầy đủ tính bi kịch của nó! Cái vô nghĩa, giáo điều của đạo Nho đã không còn “ích gì” cho buổi nhiễu nhương. Đó là sự sụp đổ của một tín điều mà cụ Tam Nguyên không thể không cảm thấy cay đắng! Lý tưởng của một thời đại “vua sáng tôi hiền” trở nên tiếng cười mỉa mai chua chát, thành nỗi hổ thẹn. Lập công dương danh mà chi, khi mà “áo xiêm” của thời đại chỉ là thỏa mãn cho lũ người “vinh thân phì gia”, khao khát “lập công dương danh” đã bị những biến cố lịch sử làm đảo lộn. Áo xiêm mà chi, vênh vang mà chi! Người tự trọng như cụ chỉ càng thêm thẹn! Xưa Phạm Ngũ Lão thẹn vì chưa trả được “nợ công danh”, còn giờ cụ Hoàng Và lại thẹn cho chính mình đắm chìm quá sâu trong mớ lùng nhùng “áo xiêm” kia! Cái nỗi thẹn sau 600 năm của kẻ sĩ sao mà khác nhau quá!

Phần hậu giải của bài thơ, nỗi niềm ấy không nguôi mà tạo thành cái nhìn thời thế, nhân thế càng trở nên thảng thốt:

Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ


Cụ thật tài tình khi điểm nhãn hai câu thơ với những từ láy lơ láo, ngất ngơ khó có thể tìm từ nào thay thế hay hơn! Ngụ ý từ đó mà ra, khi dân Nam thời đó mấy ai mà không thuộc vài câu Kiều! Hẳn họ sẽ nhớ ngay tâm trạng Từ Hải : hàng thần lơ láo phận mình ra chi! Đời đã loạn, cố gắng cũng sức cùng lực kiệt khó xoay chuyển tình thế. Ai có lương tri sao mà không khỏi ngất ngơ, bàng hoàng?
Thời loạn, vận suy lắm rồi nên cụ không cao giọng dạy con theo kiểu giáo điều: “Quốc loạn thức trung thần, gia bần tri hiếu tử”, mà chỉ nhắc nhở một cách kín đáo:


Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng
Sao con đàn hát vẫn say sưa?


Ngỡ như chỉ là mắng con ham chơi hơn ham học, bỏ phí “một tấc thời gian một tấc vàng” nhưng câu cuối khiến ta giật mình nhớ câu thơ Lý Thương Ẩn: Thương nữ bất tri vong quốc hận – Cách giang do xướng Hậu đình hoa. Nguyễn Khuyến đã từ quan, sau này con ông lại ra làm quan, ông lo buồn nhiều hơn vui. Nhắc con không để uổng phí thời gian, không ham mê những thú vui để hoài phí tuổi trẻ, cũng gắn mong muốn duy nhất là con mình chí ít sống có ich, sống tử tế giữa thời nhiễu nhương, vậy cũng là quý lắm rồi!
Đọc lại thơ Nguyễn Khuyến, gọi là một chút ôn cố tri tân, viết vội vài cảm nhận cho khỏi cùn ngòi bút, cũng tự nhắc mình khỏi ân hận mai này “lấy chi đền tấc bóng” vậy!

Trần Hà Nam
20/9/2016


 








 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top