Ngọc Cân, MẢNH ĐÁ THIA LIA

Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi

MẢNH ĐÁ THIA LIA

  

Đã không nhiều bạn bè, giờ bị nghỉ hưu sớm, sau vài năm ông gần như cô độc.
Trời cho ông cái thú xâu những suy nghĩ vụn vặt thành chuỗi, dài đủ để qua từng ngày, ngắn để nối những trằn trọc giữa giấc. Sinh thú này dễ ru người ta tới miền hoang tưởng. Nhất là ông, một cuộc đời tầm thường thua thiệt, đáp số duy nhất đúng cho mỗi cao vọng, thèm muốn là thất vọng, trăm lần như một. Không tính “Giấy Ra Trại” và “Hát Ô” riết quen. Không còn biết chán, biết buồn. Như mặt hồ lặng gió. Còn chưởi thề thì đã hết trước, từ lâu.
Ngoài giờ đi phụ xe bus chở học sinh, ông cũng ra ngoài. Đi bơi, tập thể dục. Đi bộ nhìn cái này cái kia. Ngồi ghế đá ngắm ông đi qua bà đi lại. Chuyển mình theo nắng ngang, nắng xéo; mưa, nóng thì về. Ông nhớ nhà nào trồng hoa gì, nhà nào có xe đậu một chỗ. Mùa hè Houston nóng ngốt mà cũng mưa dữ dội, như xối nước; trời đất một khối nước đè xuống. Những cơn mưa đó, núp trong phòng nhấp cà phê, nhìn và nghe nước quật kiếng cửa sổ phải nói là “tàn nhẫn vô nhân đạo” (nghĩa đen, vì hồi xưa chỉ bỡn cợt - con nhỏ đẹp tàn nhẫn vô nhân đạo! - phim hay tàn nhẫn vô nhân đạo!…). Những sáng sớm tháng Ba tháng Tư cuối xuân như lúc này, sương đặc trùm kín, cửa sổ như phủ màn một màu trắng đục, thấy bắt ngán nói gì lò mò xuống đường cho va người ta.
Cú phôn của đồng nghiệp cũ kêu tới chơi nghe bình thường.
-  Khỏe không ông.
-  Cũng vậy thôi, ông bà sao.
-  Thì cũng cày thường…à, bả kêu tôi nhuộm tóc!
-  Vậy nữa! Đố hiểu được mấy bà. Không sợ đi hoang chắc.
-  Tiệc tùng còn chọn áo quần kêu mặc, má ơi!
-  Hà hà… được chăm sóc mà còn la... muốn như tôi không, cha?
-  A nói mới nhớ, tối mai thứ Bảy tới chơi nhe … người trong hãng không à… gặp nói dóc chơi.
-  Ông phone tôi tưởng có gì quan trọng… chớ nhậu chơi thì tôi sẵn sàng… a mà này, có sinh dật sinh xé ai không?
-  À… Không, không có. Tập tụ ăn nhậu ca hát vui vẻ thôi. Sorry lâu ngày... ông.
-  Còn nhớ là vui rồi, ông.
-  Tới mà thấy cao niên đầu đen như trai lơ thì đừng quở nhe… hay ông chơi luôn, mình trộ thiên hạ chơi cho vui.
-  Ông còn vợ, còn đi làm thì vậy là thường; tôi xưa nay bạc, chủ đuổi, vợ bỏ, hưu, già... dưng không vác cái đầu đen tới… bộ muốn làm MC chắc.
-  Hà hà, ờ nói chơi chớ chắc gì tôi nghe lời... sao nhiều chuyện. Bye ông.
-  Bye ông, cám ơn ông bà.
Ông ngạc nhiên vì cũng đã khá lâu; lời mời là ngọn gió hiếm, vờn mặt hồ lao xao, xâu chuỗi trong tay không liền mạch. Dưng không nhớ tới mình. Thực ra ai trong bọn họ nghĩ tới ông? Mấy bà thì đã bỏ ý định “giới thiệu” từ lâu; từ thương qua ghét 180 độ, kêu ông là gương xấu, à là gàn, bướng, lười, tới đâu toàn mùi thuốc lá, thậm chí man man, khùng… “thấy chưa, hậu quả hiển nhiên, coi chừng!”. Chỉ mấy cha can đảm còn, mới ngôn “như ông mà sướng” ra miệng, ngay những lúc có mặt vợ, dễ nể.
Thua vài tuổi, họ cũng bắt đầu vô tình hỡi ơi như ông, đụng đâu hay đó. Ông tính soạn bộ vía cho bắt mắt chút, tự cười mình, lấy áo quần thường mặc hồi đi làm ra ủi; tính cạo sạch râu nhưng lại tém gọn chung quanh rìa, tề ngang tất cả ngọn cho thấp đều số 3. Chỉ cần tự trọng vừa phải.
oOo
Bà chủ nhà mở cửa, rạng rỡ:
-  Vô đi vô đi, ổng đang bận tay phía sau. Mấy ổng cũng lai rai ngoài đó.
Tay bà khựng lại nhận chai rượu vang trong động tác muốn vỗ vai hay vỗ cánh tay ông làm ông hơi lỡ bộ, cũng may chai rượu không rớt. Ông càng ngạc nhiên hơn khi mấy bà trong bếp tràn ra phòng khách, ai cũng hân hoan chào đón như chưa hề có mấy cái vụ quê độ “giới thiệu” trước đây.
-  Lâu ngày không gặp mà coi ông không đến nỗi.
-  Ông có linh cảm gì không mà coi trẻ, tươi ra đó nhe.
Ngớ người:
-  Linh cảm gì! Chính bây giờ mấy bà mới làm tui linh cảm. Gì vậy? Gì mà trẻ ra! Giờ phải già hơn hồi đó chứ. Cám ơn mấy bà an ủi.
-  Là lên giây cót cho ông chớ không phải an ủi, phải không mấy chị.
-  Phải, phải! Chuyện người ta mà sao tui vui quá.
Mù tịt:
-  Gì nữa… bộ lại tính gả tôi thêm nữa sao… cũng cám ơn, quá đát rồi mấy bà à. Cho tôi ra sau với mấy ổng, lâu ngày coi vậy cũng nhớ.
Họ nháy mắt nháy mũi, dạt ra cho ông đi qua nhà bếp để kéo cửa ra sau. Ông nghe được cái vui của họ theo sau lưng. Phải có một cái gì đó đang xảy ra, về ông, cho ông; ông không dám đứng lại để hỏi cho ra lẽ... không lý bả hồi tâm? Nah... never!
Ông chủ nhà, đầu đen thui nham nhở, đang cắm dây dàn nhạc, buông tay bước nhanh lại bá vai. Ông nhìn tóc bạn, không nói gì. Mấy ông kia đang ngồi cầm chai bia, lần lượt chào hỏi, bá vai bá cổ. Làm như cái vui hồi nãy của mấy bà lan ra tới mấy ông, ai cũng cười cười. Một ông trao chai Heineken ướp lạnh.
-  Giải khát đi. Nghe nói chiều giông, khuya nay sương, giờ oi quá. Ông đã có gì vui chưa?
-  Ông làm như tôi con gái tuổi cập kê…
-  Ờ, thì cũng mới nghe mấy chả nói chuyện ông.
-  Trời! Gì nữa! Mấy bà cũng mới bóng gió gì đó làm tôi đang thắc mắc. Có gì mấy cha huỵch toẹt ra cho tôi nhờ.
-  Tụi này cũng mới nghe loáng thoáng chớ có biết gì đâu.
Ông tu một hơi gần nửa, dằn chai xuống bàn, nhìn một tay nhiều chuyện nhất:
-  Nói!
Hắn nhìn mấy tay kia:
-  Làm như mấy bả nói “châu về hiệp phố” gì gì đó…
-  Tôi châu về hiệp phố? Hay ai?
-  Là ông đó.
-  Với bả, vợ tôi?
-  Hình như không phải… hồi trước ông có bồ với ai trong hãng không? Nếu có là đó, người đó.
-  Trời đất! Tưởng tôi rảnh chớ mấy người mới thiệt là giàu tưởng tượng. Chuyện vậy mà dựng được! Thôi dzô đi.
Ông chột dạ. Họ biết chuyện cô ấy với ông? Sao vậy được? Ông và cô ấy giữ gìn tối đa mà, luôn luôn “chú, cháu - cô, tôi”, không bao giờ qua lại thân mật trước mắt người thứ ba. Hợp rồi tan âm thầm. Đám cưới cô ở xa, không mời đồng nghiệp, sau nghỉ việc luôn, mười mấy năm rồi còn gì. Cô không dính líu gì tới việc vợ chồng ông chia tay vài năm sau. Thế gian ghê thật.
Trong nhà khách lục tục tới. Mấy bà lần lượt bưng các khay thực ăn ra. Bà chủ nhà trực diện:
-  Ông biết ai sắp tới không?
-  Ý bà là sao.
-  Bồ ông đó. Họ ly dị rồi.
Không cách chi nói giả ngộ, tu một ngụm làm như tin ấy không gợn lên một xúc động nào, không cần góp lời.
-  Bộ ông đắc đạo rồi chắc. Không care gì hết nữa sao!
-  Bà biết?
-  Sao không, giác quan thứ sáu mà. Lúc đó cũng chỉ vài người, tụi này chỉ là giả bộ mù. Kỳ này điện thoại mời cổ cũng giả bộ vô tình cũng như ông xã tui phone kêu ông.
-  Biết vầy tôi lặn. Mấy người thiệt không để tôi yên.
-  Đừng đóng kịch nữa. Mừng thấy mồ còn lên giọng.
-  Thua mấy bà! Tôi đâu dè mấy người âm mưu dữ vầy. OK thôi. Thân trai mười hai bến nước, đục mấy bà chịu nhe.
-  Tính cho ông sốc chơi nhưng nghĩ lại nên nói trước để ông chuẩn bị. Vui há!
Ông nhích ghế ra, xoay hướng, châm thuốc. Trầm ngâm. Tiếng mấy người kia nói chuyện kề bên tai mà nghe như xa. Cô sẽ đến. Thật, chứ không như trong một vài giấc mơ.
“Tôi muốn cô ta nhưng mãi một năm sau mới nắm bàn tay. Chậm như vậy vì tôi nhát, sợ đổ bể, một bước tới ba bước lùi. Thân phận cũng éo le, con gái dù không phải mười tám đôi mươi lại quen với người có gia đình. Khi tình đã tỏ mà tôi còn không muốn nó thành tựu 'dành cho em quyết định cái hôn đầu, anh chờ'.
Ba trăm sáu mươi ngày sau đó là xâu chuỗi những trân châu của kiếp người, tiếng cười reo vui, hẹn hò hồi hộp, tất bật đi về, nụ ngắn nụ dài, tay chân bạch tuộc; suýt quên luôn đời. Sắp đến cái mốc thứ hai mà tôi cũng dành ưu tiên cho nàng. Trong vòng tay, chợt nấc 'cho hết, cho hết; để lên xe... có phải đó là điều anh vẫn mong cho em không!'. Thôi... thôi...
Một lần tôi liếc đá trên mặt hồ, nàng la to sung sướng, ngưỡng mộ sáu bảy dòng nước tỏa ra như phép lạ, quay nhào lại ôm bất chấp mọi người. Khi nhìn ra thì mặt hồ phẳng lặng, không hề xúc phạm.”

Điếu thuốc châm không hút. Tàn dài, cong. Ông tập trung cả người nâng hai ngón tay lên, khẽ khàn kê môi. Chỉ chờ có vậy, cả khúc tro tàn rớt xuống đầy quần. Ông để vậy.
-  Chai mới đây. Bần thần hả ông?
-  Cám ơn. Ừ... dzô đi.
-  Bộ hồi đó có vậy thiệt hả?
-  Thiệt hay không cũng chẳng quan trọng. Quá khứ.
-  Giỡn ông! Hồi hộp căng thẳng chớ! Hy vọng chớ.
Để che đậy ông văn hoa:
-  Hồi đó vượt biên cũng tháng Ba ta, biển êm như mặt hồ; lòng tôi bây giờ cũng vậy… ừ … tin tôi đi.
-  Xạo!
-  Không lẽ đánh trống thổi kèn…. cho mấy người hả hê...
-  Tôi vô can à nhe… nhưng tình thiệt: ráng đừng để duột nhe ông. Nói nhỏ ông nghe: hồi đó tôi cũng khoái cổ, bây giờ mới biết vì sao cổ tỉnh bơ. Ông vậy mà ngon à nhe...
-  Đừng làm tôi tưởng thiệt. Ờ, dzô miếng đi. Wish me luck, man!
-  Good luck!
Ai ngờ đi tiệc nhậu chơi mà chấn động như vầy. Ông thèm hào hứng mà nghi ngại. Nghĩ tới những xâu chuỗi trong căn phòng nhỏ, không giới hạn, không xấu đẹp. Ông muốn len lén, lặn để về nhưng phải trở vô nhà, lại chạm mấy bà; cửa hông vườn sau mở toang nhưng ông chủ nhà ngồi gần đó, đón khách, đỡ những thùng bia.
Thôi thì loanh quanh dăm ba chuyện, ngắm các chậu hoa, giỏ hoa rộ tối đa. Bà này chịu săn sóc cây cảnh dữ. Mình là một chậu chết khô phải phục hồi?
Người đàn ông mới từ cửa kéo bước ra coi lạ. Đồng nghiệp trong vườn đều nhìn, yên lặng. Ông nghĩ họ im vì như vịt thấy  công: Anh ta sáng rực dù ăn mặc giản dị. Mọi thứ trên người anh ta nói lên một sự chọn lựa ý nhị. Chủ nhà đổi vị trí bước qua, đưa tay ra để bắt, “Hello” rồi tịt. Bà chủ đã ra tới, giới thiệu hai người đàn ông. Cả hai “Hello” “Hello” lại. Miệng cười của ông bà chủ nhà rất lịch sự, kiểu vợ chồng dưới quê lên thăm thông gia sang giàu trên phố.
Sau lưng bà chủ là cô. Cô ấy vẫn vậy. Oh, no! Phục sức như công nương nào. Ông bật lửa châm thuốc, mấy ngón bàn tay trái bụm sát nhau, run run, che vừa gió vừa nửa khuôn mặt. Mắt chỉ thấy mỗi cô.
Ông vốn biết mình lệ thuộc thuốc lá. Rõ ràng là sau khói thứ hai, thả chậm, ông lại thấy đâu vô đó. Vườn đầy hoa. Thân hữu chuyện trò. Cô ấy vẫy tay chào mọi người. Hello thăm hỏi qua lại rân. Mắt cô tới ông kêu  “Chú!”, hình như có thêm cái gật đầu nhẹ. Ông vẫy lại. Ông bà chủ đứng quay lưng về phía ông, đối diện với cô ấy và người đàn ông. Cô có vẻ cao hơn trước, chắc vì chiếc váy linen trắng ngà ôm hờ suốt thân từ vai xuống cổ chân. Chừng ấy đủ cho các bà bận trí tối nay và mãi mãi về sau.
Vậy mà nói “họ ly dị rồi”, làm tình báo kiểu này là đun phe ta vô chỗ chết!
Ông có cảm tưởng cô diện như đi dự một dạ tiệc tiếp tân mà khách cần mặt mũi, phô trương. Ông tìm cách bào chữa cho người cũ, chỉ là tiệc cùng hãng cũ thôi mà, vì sao? Phải có lý do.... Kệ người ta, nghĩ ngợi để làm gì, thương ư.
Ông không biết mình vui hay buồn. Đám đồng nghiệp tản bớt ra. Ánh mắt cô quét qua một lần nữa, hình như vô tình, trước khi cô theo bà chủ nhà vô trong. Ông chủ nhà nhìn quanh như tìm nơi bán cái đối tượng của mình, nghĩ sao lại lấy bia mời, cùng khách ngồi xuống đầu hàng ghế.
Không gian không còn gián đoạn. Ông nhấp bia, cười ngu ngơ. Ông biết: cũng như ông, nhóm “âm mưu” đang dở khóc dở cười. Chẳng sao, coi như ông được thêm một lệnh tha, một triền sóng chưa dâng cao đã đổ xuống. Tốt thôi. Việc hôm nay đã được người đàn ông ấy quyết định. Bây giờ đơn giản là một tiệc vui. Ông đến chỉ vì thế thôi mà.
Sắp xếp chỗ ngồi, mời ngồi, mời ngồi… Bàn ăn dài hai khúc đàn ông đàn bà. Cô và người ấy ngồi kế nhau ở biên giới. Có mấy khách không đồng nghiệp nên giới thiệu giới thiệu. “Chồng sắp cưới”, hừ sắp cưới! Vậy là đợt hai!
Steaks, sườn nướng, bánh bột lọc, xôi gấc, chả giò, xà lách, cơm chiên dương châu.. Bia bia xoẹt xoẹt... rượu vang vơi châm vơi châm… Cười nói nói cười. Vang trên bàn, bia sau lưng. Bạn bè kề vai. Xôm tụ. Một bàn tròn đầy bánh trái chè cháo chờ lai rai.
Ông tránh nhìn đám âm mưu, ngại vô tình làm họ áy náy; vậy mà họ chuyển bại thành thắng, đùa giỡn liên miên, làm như ông “dzui” hay “buồn” họ khoái như nhau (còn đủ lịch sự để không bóng gió gì). Hừ, mắc dịch! Cười đi, cười cho đã đi, ta đây đắc đạo từ lâu, nhằm nhò gì.
Ăn uống màn đầu chưa vơi, tiếng đàn keyboard đã vang lên. Giờ hát hò. Một đồng nghiệp trẻ thủ keyboard, có cái tài bắt tông ai cũng gần đúng, ai rớt nhịp anh giúp họ lượm lên, nghe có khi biết khi không. Những ca sĩ quen thuộc lần lượt hát. Vui! Tới phiên ông, ông chủ ý hát một bài không anh em yêu iếc gì.
-  “Chiếc lá cuối cùng” “chiếc lá cuối cùng” đi ông!
-  Phải đa, phải đa... lâu ngày không nghe cũng nhớ.
Tiếng la nhao nhao làm ông phân trí; chưa cầm micro lên, đã nghe nhạc sĩ dạo đầu bản nhạc ông hay hát hồi trước. Chơi luôn, chuyện nhỏ.
Cả đám ngồi yên nên giọng hát từ loa nghe rất rõ. Trong tiệc tùng kiểu này ít ca sĩ được tôn trọng như vậy.
….
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa
Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
Trong giây phút ngắn ông lặng sau khi ngân câu đầu của phiên khúc thứ hai, cả đám khán thính giả cất giọng rân vang:
“Chỉ cần em nói nhỏ một lời thôi”
Tuy sát micro, lời ông hát “Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi” bị át.
Nhất là tiếng cười rần rần sau đó làm ông không muốn hát tiếp. Nhạc sĩ đã bốc lại hợp âm, không lẽ ông ngưng. Chơi thì chơi, vòng sau ông hát lời họ hát “... nói nhỏ một lời thôi…”, cũng chính nhờ kiểu hát của ông hồi trước mà họ quá quen ... hết bài, dĩ nhiên vỗ tay. Xuống ngang đám “âm mưu”, đám cướp lời, tính xổ nho mà lâu ngày mất phản xạ, lại nữa hình như mắt mấy bà ấy buồn buồn nên tha. Không dám nhìn cô ấy.
Về chỗ một lúc, ông ra khỏi bàn đi tránh, để hút thuốc. Ông không kêu “khói lửa “để rủ rê vài đồng chí còn sót. Không có ai tự động đứng dậy.
Cũng cùng lúc nhạc sĩ xin xả hơi. Vài người ra khỏi chỗ ngồi. Mấy bà thu dọn bớt trên bàn ăn và bưng đồ ngọt qua. Làm như bà chủ nhà tính bước qua góc vườn ông ngồi nhưng khựng lại khi ông bạn trai của cô ấy đã đi về hướng đó, sau một vòng bắt tay mấy ông kia.
-  Hình như chỉ còn mình anh hút?
Ông quay qua nhìn mái tóc bồng, vai ngực nở nang. Người thế này ai không mê.
-  Ờ, cũng còn ít.
-  Ngày mình hết gói không anh? –
-  Có khi. Thường thì hai ngày.
-  Anh không ngại sức khỏe?
-  Ôi, ghiền rồi thì chịu thôi. Anh không khó chịu mùi thuốc lá.
-  Không khó chịu lắm. Nói anh nghe kỳ: em thông cảm mấy anh. Anh ở gần xa.
-  Tôi ở đằng đầu của Bissonnet, gần nhà bảo tàng.
-  Vậy gần chỗ em Montrose rồi. Ờ mà trong mấy bà ai là bà xã vậy anh?
-  Không, tôi độc thân mấy năm nay.
-  À ra vậy. Trước lạ sau quen, có dịp mời anh tới chơi nhe, mình không à. Em thích giọng anh. Em đọc, anh bấm số phone cho em.
Ông bấm theo như người mất hồn. Phone kia reo, ông giật mình muốn cười to nhưng thắng lại kịp. Trong hoang mang cầm chắc một điều: anh ta không muốn là chồng sắp cưới của cô nào cả. Một mặt nào đó, hay hơn một mặt, anh giống ông: lấn cấn mình với ta, ta với mình.
Anh chào. Gương mặt đẹp trai với nụ cười răng đều đặn trắng phau. Áo quần tóc tai chăm chút quay đi. Ông châm vội điếu thuốc.
Ca hát, ăn uống, xoẹt xoẹt, nâng ly… dzô, dzô đi… người nóng, trời mát nhanh, cặp đôi đó không chịu hát. Xem ra từ đầu tới cuối có phần miễn cưỡng.
Sương xuống mỗi lúc mỗi đậm, mấy bóng đèn có vầng. Lục đục tan hàng. Hình như ông là người cuối cùng đứng dậy. Ông vừa bước qua cửa kéo bà chủ nhà đã đứng đó nói nhỏ “Sorry nhe ông, tôi đâu ngờ người ta đã sớm có đôi có cặp để dẫn tới. Ông nói “không sao, không sao” và phải đứng nán lại một bên để nghe thêm phân trần. “Vợ chồng” cô ấy đã chào, đã ra tới cửa trước. Ông muốn trở về ngay với những xâu chuỗi: làm như trách bà chủ lắm chuyện trật đường rầy, ông hơi thiếu lịch sự, dứt áo để ra xe dù ông chủ cũng đã rót whiskey ngỏ ý nâng ly qua đêm.
Thật ra đêm nay tay đôi rót whiskey ra hai chung, cùng nện cốp xuống bàn, dốc ực là ò è... kiểu
“Ò è Rồ-bè đánh đu, Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng.
Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”
Rồi cứ thế mà rót, rót là hợp tình hợp cảnh nhất, không những để hạ màn một đêm văn nghệ mà nghe đâu tác giả của bài gốc “Auld Lang Syne” cũng nói đến người xưa tình cờ tái ngộ đấy thôi, ừ, giá như uống với nhau một ly rồi chia tay thì đã có sao. Hợp tan tan hợp, ngoi lên chìm xuống; thia lia cũng chỉ là trò chơi cưỡng lại quy luật. Hy vọng cú nhồi này thôi là xong, êm.
Xe trước xe sau chạy chưa hết một block đường trong khu nhà biệt lập, đèn thắng xe trước rực lên. Ông rề thắng xe mình. Xe trước tấp vô lề, đèn báo nguy chớp chớp. Ông tính đạp ga lạng mé trái vượt lên, một chút nghi ngại, ông trả số đậu hẳn lại chờ xem. Lờ mờ trong khoảng đèn xe pha, cửa bên phải xe kia bung ra; sương trắng ở đó tụ thành hình váy dài, tất tả bươn ngược lại hướng nhà tiệc.
Cửa bên phải ông nghe “cách”, mở, sương trắng mát lùa vô hoà với mùi khói thuốc cô đọng nhiều năm trong xe.
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top