Ngày Tết đọc lại, Phan Lạc Phúc LÊ THƯƠNG VÀ HUYỀN SỬ

Ngày Tết đọc lại

Phan Lạc Phúc

LÊ THƯƠNG VÀ HUYỀN SỬ



Trích GP Xuân SGN 1997 do Hoàng Dược Thảo chủ biên

Một vì tinh tú của nhạc tiền chiến Việt nam vừa tắt lịm. Lão nhạc sĩ Lê Thương vừa mất tại quê nhà (Sài Gòn) trung tuần tháng 9/96 vừa qua, hưởng thọ 82 tuổi. Anh là bậc trưởng thượng, nổi danh từ trên một nửa thế kỷ nay, thuộc thế hệ đầu tiên của nhạc “cải cách”.
Ngày ấy cuối thập niên 30, đầu 40, thời Pháp thuộc, tân nhạc Việt Nam chưa định hình. Lũ học trò “nhất quỹ nhì ma” tụi tôi thiếu bài hát VN để hát nên phải mượn những bài “hát ta theo điệu Tây” phỏng theo Tino Rossi hay Maurice Chevalier. Những bài như “ Sous le Beau Ciel de Pekin” được chúng tôi hát đặt theo lời Việt là “ Ai bánh trôi bánh chay xôi vò bánh cuốn với giò”. Đến bài : J’ai Deux Amours” nổi tiếng, chúng tôi cải biên thành: “ Giò này giò nóng, ai muốn mua thì cứ bỏ một hào ra, ai muốn mua vào mà mua.” Đang hát bậy hát bạ như thế bây giờ chúng tôi được hát những bài lời đẹp như mơ của Lê Thương: “ Anh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già...” trong thằng Cuội hay “Gió thu đưa người biệt ly vào cảnh thảm sầu đó chăng” trong Thu Trên Đảo Kinh Châu là nó thoả mãn ngay, cái thèm khát của lũ thanh thiếu niên chúng tôi. Lê Thương là một cái tên, ngay từ ngày đó được chúng tôi yêu mến và quí trọng. Anh là nhạc sĩ cùng thời với Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Doãn Mẫn, Văn Chung, Hoàng Quí, Văn Cao...xây nền đắp móng cho tân nhạc Việt Nam.
Saú mươi năm đã trôi qua. Trong thời gian ấy biết bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu, bao nhiêu lớp sóng phế hưng diễn ra trên đất nước đau thương của chúng ta.
Nhạc VN cũng vậy, đã phát sinh, lớn dậy...kinh qua nhiều cơn sốt trưởng thành. Bao thế hệ nhạc sĩ đã tham gia sáng tác, nhiều tài danh xuất hiện, nhiều thể loại được hình thành. Hãy theo Phạm Duy đi trên “Con Đường Cái Quan” của nhạc VN từ Nam chí Bắc. Phạm Duy đã sản xuất ra bao nhiêu loại nhạc: Kháng chiến ca, dân ca, tình ca, tâm ca, đạo ca, rồi tục ca v.v...Nhạc trẻ xuất hiện Phạm Duy tuyên bố “ Tôi tóm cổ nhạc trẻ liền”. Không biết anh sẽ ngưng lại ở chỗ nào. Trong mấy chục năm qua, Phạm Duy và đồng nghiệp của anh đã phong phú hoá, đa dạng hoá nền tân nhạc Việt Nam. Nhưng người nhạc sĩ già Lê Thương trước sau chỉ sống trong địa hạt của riêng mình: Huyền sử ca” ( chanson mythique). Anh không sống với hiện tại mà quay ngược về dĩ vãng, đắm đuối trong buổi bình minh của dân tộc, theo chân tổ tiên đi giữ nước và dựng nước. Ba bài “ Hòn Vọng Phu” của anh là đỉnh cao của Huyền Sử Ca và cũng là ba viên ngọc quý của nền tân nhạc Việt Nam.
Ngay những bài hát đầu tiên nổi tiếng của anh như “ Thằng Cuội” “ Thu Trên Đảo Kinh Châu”, tôi đã tìm thấy những dấu vết đầu tiên của huyền sử. Thằng Cuội, Cây Đa-Hằng Nga, Cung Quế, đâu có trên thế gian nầy, đó chỉ là một cơn mộng mơ của con người từ một thời xa xưa lâu lắm. Còn Thu Trên Đảo Kinh Châu! Kinh Châu nào, ở đâu?Có phải Kinh Châu thời Tam Quốc, đất dụng võ đầu tiên của Lưu Bị mượn của Đông Ngô? Không phải vậy. Kinh Châu chỉ là một khoảng không gian nào đó, chợt ẩn, chợt hiện, chợt nhớ chợt quên trong tâm hồn tác giả.
Đi vào ba bài “ Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, người ta càng thấy không khí tắm đẫm huyền sử trong bộ ba trilogie tuyệt diệu. Tôi là người dốt nhạc nên nên không giám bàn về âm điệu mà chỉ dám có đôi ý kiến về lời ca. Tác giả cho hay bài Hòn Vọng Phu thứ nhất, anh viết năm 1945. Cách mạng tháng 8 đã xong, bắt đầu chống Pháp, lúc bấy giờ là thời kỳ xã hội chủ nghĩa gọi là Dân Chủ Cộng Hòa, chỉ có đảng đâu còn vua, còn chúa. Nhưng tác giả Lê Thương, vì không sống với thực tại nên anh viết “ Lệnh vua hành quân”. Vua ở đây theo anh có lẽ là vua tiên tổ, vua Hùng, các vị tiền nhân đã khai sáng ra đất nước. Người chinh phu từ biệt vợ con, cửa nhà, ruộng nương, mồ mả ra đi theo lệnh tổ tiên xưa đâu phải theo lệnh của người đương thời:”Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn, quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng, hàng cờ bay cuối thôn...” Buổi xuất quân có không khí trầm hùng của “tuý ngoạ sa trưòng, cổ lai chinh chiến”, vừa có cái xúc động của “bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi”(1). Trong bài thứ nhất chúng ta nhận ra những điạ danh: Thiên San, Man Khê, Tiêu Tương. Những tên riêng ấy tuy quen thuộc nhưng không phải địa danh trong nước Việt của chúng ta. Nó đến với tâm hồn tác giả qua một sự liên tưởng diệu kỳ: Đây là những đia danh tìm thấy trong Chinh Phụ Ngâm. Lê Thương đã đồng cảm với Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, đi ngược về những thế kỷ trước để cực tả nỗi cô đơn của người chinh phụ...

Ngày xưa ngày xửa vua gì
Có nàng đứng ngóng chồng về đầu non
Thế rồi mong mỏi mong mòn
Thế rồi hoá đá ôm con đợi chờ...

Chúng ta bắt đầu về bài kể dân gian đầy huyền thoại bài 2: “ Ai Xuôi Vạn Lý”. Chưa có ở đâu mà nhân giới, nhiên giới, vật giới lại hoà đồng như thế. Hoà đồng trong một nỗi khổ đau tận cùng và thánh thiện. Nỗi đợi chờ dằng dặc như thời gian đã khiến hai mẹ con nàng hoá đá. Hay tảng đá đã cảm được nỗi đau quá lớn của trần gian nên đã trở thành người. Nỗi đợi chờ đã khiến cho đoàn cỏ cây khi chàng đi hãy còn tre thơ, bây giờ đã thành đoàn cổ thụ gia. Núi non trở thành người nên núi non thương tình kéo nhau đi thăm nàng làm nên dãy trường sơn vạn lý xuyên nước Nam. Hết rặng Trường Sơn lại có 9 con long thật lớn ( Cửu Long) đưa mẹ con nàng ra những đảo xa trên biển, đi tận cùng non nước để xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?
Thật ra, đây chỉ là cuộc Nam tiến của dân tộc chúng ta được huyền thoại hoá qua truyền kỳ Hòn Vọng Phu. Nó là kỳ công của đất nước, của tổ tiên chúng ta cùng một lúc với nỗi khổ đau của những người đi mở nước. Lịch sử của dân tộc chúng ta là một cuộc Nam Tiến trường kỳ từ bao ngàn năm, từ Hồ Động Đình xuống phương Nam rồi định cư trên lưu vực sông Hồng, sông Mã. Vì cường lân phương Bắc, vì những biến động lịch sử nên ông cha chúng ta lại phải tiếp tục đi về phương Nam, cho đến tận mũi Cà Mau, giáp mặt biển Đông. Vị thế địa dư cũng như điều kiện lập quốc của chúng ta đã khiến cho người Việt Nam nào “ ra người” đều phải sống kiếp chinh phu, người đàn bà VN đời này ra đời khác, đều là chinh phụ. Đó là cái mệnh biệt ly có từ khi khai quốc. Trong bọc trứng nở ra trăm con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng. Đó là số phận của chúng ta:

Người về chỉ những người ta
Gió mơ hồ nhắn người xa quên về!

Vào những năm 63, 64, 65, kẻ viet bài này cùng người bạn Nguyễn Đình Toàn, có phụ trách “ Câu chuyện Văn Học Nghệ Thuật” trên Đài Sài Gòn. Thông thường, đài Sài Gòn chỉ nhờ viết bài rồi xướng ngôn viên của đài tự đọc. Nhưng NĐT và tôi nhận thấy giọng đọc của xướng ngôn viên nó chuyên nghiệp quá, quen tai quá nên chúng tôi đọc lấy bài viết của mình. Giọng đọc có vụng về, nhưng nó chân thật hơn, hợp ý mình hơn. Đặc biệt, NĐT có một giọng thầm thì bên gối rất khác lạ và quyến rũ, nên nó trở thành tiền đề cho một mục mới Nhạc Chủ Đề sau này. Trong loạt bài “ Ý Thơ Trong Lời Nhạc Việt Nam” chúng tôi đã nói về ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Loạt bài này đến tai tác giả. Anh liên lạc với chúng tôi và ngỏ ý muốn có một cuốn băng làm kỷ niệm. Chúng tôi sung sướng nhận lời. Buổi gặp mặt anh Lê Thương năm ấy để trao tặng cuốn băng diễn ra ở tiệm nước “Hồng Trà” đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đài phát thanh. Anh lúc đó đã trên 50 nhưng vẫn còn tráng kiện. Anh đồng ý với chúng tôi là những nhân danh, địa danh trong bài hát đều là “ giả thiết”. Cả đến “ Cuối thu năm Mậu Tí, tướng quân mang kiếm về” cũng chỉ là một điểm tựa thời gian mà thôi.. Nó có thể là Mậu Tí, là Mậu Thìn, là Mậu Ngọ đều được cả. Anh nói: “ Chỉ có nỗi đau chờ đợi, sự biệt ly truyền kiếp của người Việt Nam chúng ta là có thật mà thôi.” Hôm ấy tôi nhớ có hỏi anh là theo truyền kỳ thì người chồng đi không trở lại, tại sao anh viết bài 3: Người chinh phu về. Anh noí: Nỗi đau của người chinh phụ lớn quá, thống thiết quá, nếu mình không viết người chinh phu về để giải toả phần nào nỗi đợi chờ hoá đá, chẳng hoá ra mình bất nhân quá hay sao?”
Bây giờ, từ buổi gặp anh một lần, lần đầu cũng là lần chót đến nay đã hơn 30 năm. Đất nước chúng ta lại trải qua bao nhiêu biến thiên, bao nhiêu dâu biển, Từ một tráng niên tôi bây giờ cũng đã sắp trở thành ông lão thất thập cổ lai hy. Tưởng rằng ý định của anh năm ấy chỉ là thực hiện một “happy ending” nhưng rồi ra tôi mới thấy người sáng tác, đến một lúc nào đó trở thành người tiên tri ( prophète). Người VN bây giờ không những Nam tiến đến tận mũi Cà Mau giáp mặt biển Đông mà còn phân tán đi không biết bao nhiêu nơi trên thế giới. Một tâm hồn Việt Nam nào bây giờ mà không có mối sầu ly biệt ở trong lòng. Người ở lại nhớ kẻ ra đi. Người ra di nhớ người ở lại. Cái mệnh biệt ly kia bao giờ mới hết. Đặc biệt là những ngưòi xa xứ ai mà không mong:Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng mau dồn chân. Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu. Từ bóng cây ngôi mộ bên đường, từ mái tranh bên đình trong làng. Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống, bao mối thương vang dậy trong lòng...”
Hỡi người bạn, nghe tin Lê Thương mất, anh đem đến cho tôi nghe lại cuốn video có 3 bài Hòn Vọng Phu. Vừa nghe, cả anh và tôi đều ngậm ngùi lau nước mắt. Giọt nước mắt mong nhớ quê nhà mà không biết ngày nào mình trở lại hay là giọt nước mắt nhớ Lê Thương “ lấy cây hương thật quí thắp lên thương tiếc chàng.”Tôi không làm sao phân biệt được. 
 

Về người viết, Nhà Văn Phan Lạc Phúc.


Nhà Văn PHAN LẠC PHÚC, đã qua đời tại Sydney- Úc Châu, hưởng thọ 88 tuổi vào lúc 1:32 PM ngày thứ Năm 28 tháng 4 -2016 vì đột quỵ.
Ông sinh năm 1928, tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Đức. Ra trường ông phục vụ tại Tiểu Đoàn 6 Việt Nam thuộc GM 2.

- Năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Định.

- Năm 1964, Phan Lạc Phúc làm việc tại Phòng 5 Bộ TTM.

- Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, New York, Mỹ.

- 1958, Phan Lạc Phúc là Phụ tá Trưởng Phòng 5 Bộ TTM và lần lượt đảm trách các chức vụ:

- Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân,

- Sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.

- Năm 1964, Trưởng Khối Huấn Luyện của trường trường Chiến Tranh Chính Trị.


- Văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ TTM. VNCH về “Lục Đại Chiến.”

- Năm 1965, Phan Lạc Phúc là Chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến và mở mục Tạp Ghi dưới tên Ký Giả Lô Răng.

- Năm 1973, học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình.

- Tham Mưu Phó CTCT Quân Đoàn III tại Biên Hòa.

- Biên tập Tập san Quốc Phòng (trường Cao Đẳng Quốc Phòng).

Sau biến cố tháng Tư, 1975, Trung Tá Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D.

Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ.

Ông cầm bút trở lại, và cũng với thể loại tạp ghi xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Chiêu Dương, Văn Nghệ, Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada).

Những tác phẩm của nhà văn Phan Lạc Phúc là: Bạn Bè Gần Xa (2000,) Tuyển Tập Tạp Ghi (2002).


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top