Hoàng Long Hải: Công-Tội,  9 CHÚA 13 VUA

Hoàng Long Hải

Công-Tội,  9 CHÚA 13 VUA

 
Tưởng niệm vua Duy Tân
(Cải táng về Huế tháng 4/1987)
Ước chi tới bến sông Hương
Đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày
Thế là đã trở về đây
Một con người tận chân mây cuối trời
Thịt da phiêu dạt quê người
Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà
Ngai vàng vừa cũ vừa xa
Ánh vàng vương miện cũng là hư không
Mặt trời vẫn mọc đằng đông
Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!

Nguyễn Duy

      Ngày 18, 19 tháng 10 vừa qua, một cuộc hội thảo văn hóa bàn về công tội của các vua chúa triều Nguyễn được tổ chức tại Thanh Hóa, quê hương của triều đại nhà Nguyễn (Gia Miêu, ngoại trang, Thanh Hóa).
      Tại sao bây giờ Cộng Sản Việt Nam làm việc đó?
Họ có mục đích gì, ý đồ gì? Bởi vì, từ trước tới giờ, trong tất cả sách báo, văn hóa, giáo dục của Cộng Sản đều phê phán nặng lời các vua chúa triều Nguyễn, cho rằng đó là một triều đại phong kiến phản động, làm hại đất nước, dân tộc.

      Càng ca ngợi “anh hùng áo vải đất Tây Sơn”, lợi dụng hình ảnh ba anh em nhà Tây Sơn là nông dân để tuyên truyền cho giai cấp nông dân, giai cấp nồng cốt của Việt Cộng, thì họ lại càng đã phá triều đại nhà Nguyễn dữ dội.
     Dòng dõi
      Nếu nói tới giai cấp nông dân cơ bản của Cộng Sản thì phải nói tới bần nông, cố nông, như những người đã được nói tới trong “Ba Người Khác” của Tô Hoài. Ngoại dĩ, tiểu nông, trung nông, địa chủ, thảy đều là phản động cả. Theo cách nhìn đó thì anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ có là bần nông bao giờ đâu!?

      Thật ra, trong xã hội Việt Nam ngày trước, sự phân chia giai cấp không rõ rệt và không triệt để như các nước khác, bên Ấn Độ chẳng hạn. Nghề chính của người Việt là làm ruộng, ai thi đổ hoặc có cơ hội thì ra làm quan, không làm quan nữa thì về làm thầy đồ, làm dân. “Tiến vi quan, thối vi sư” hay “thối vi dân” là câu thường nói trong xã hội cũ. Việc phân chia và đào sâu hố ngăn cách giai cấp là điều chỉ mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam mấy chục năm trở lại đây, do Cộng Sản khích động và cổ xúy với mục đích chính trị là củng cố sự độc tài đảng trị của Cộng Sản mà thôi.

      Nếu có ai về Phú Lạc, Bình Định, quê hương anh em nhà Tây Sơn, sẽ thấy ngôi nhà, vườn tược nơi họ sinh ra và lớn lên không phải là nhỏ, nhà nghèo. Thân phụ của ba anh em mời thầy về nhà dạy chữ Nho cho con thì điều đó, chứng tỏ gia đình nầy là gia đình giàu có, đâu phải “tam đợi bần ông, tứ đợi khố rách” để Cộng Sản nhận vơ họ là người của phe ta.

      Thực ra, theo chính sử cũng như dã sử, dòng dõi Nguyễn Huệ cũng không thuộc giai cấp nông dân vô sản bao giờ. Ông thuộc dòng dõi Hồ Quí Ly, người cướp ngôi nhà Trần, gốc gác từ nước Ngu bên Tầu. Khi lên ngôi, Hồ Quí Ly đặt tên nước là Đại Ngu là ý cũng muốn nói về nguồn gốc bên Tầu của ông. Khi quân Minh xâm lăng nước ta, giả mượn tiếng “phù Trần diệt Hồ”, thì con cháu nhà Hồ chạy trốn vào Nghệ An. Đến lúc Trịnh Nguyễn phân tranh đánh nhau 7 trận, mỗi khi quân Nguyễn thắng, vượt sông Gianh ra Nghệ An thì lùa bắt dân chúng ngoài đó đem vào khai khẩn những vùng đất mới chiếm được của Chiêm Thành và Chân Lạp. Đó là nguyên nhân tại sao họ Hồ ở Nghệ An lại vào lập nghiệp ở Bình Định.

      Do đó, anh em Nguyễn Huệ, gốc họ Hồ, quê ở Nghệ An bị quân chúa Nguyễn bắt đưa vào lập nghiệp ở Bình Định, nhưng khi nổi loạn chống Trương Phúc Loan bèn đổi họ Hồ thành họ Nguyễn vì đất trong Nam là đất do công lao gầy dựng của các chúa Nguyễn, sợ để họ Hồ thì lòng người không phục.

      Chỉ một việc anh em nhà Tây Sơn không muốn giữ họ Hồ mà phải đổi thành họ Nguyễn, cũng đủ cho chúng ta thấy lòng người dân xứ Đằng Trong kính trọng và mang ơn chúa Nguyễn như thế nào!
      Một số dã sử và chính sử có nói tới việc nầy, và ngay trong “Thằng Thuộc, con nhà nông” của Hồ Hữu Tường cũng bàn tới việc đó. Hồ Hữu Tường chính là hậu duệ nhà Tây Sơn chạy trốn vào đất Nam Bộ, sợ vua nhà Nguyễn trả thù con cháu họ Hồ (Tây Sơn) sau khi Gia Long thống nhứt sơn hà,
     
      Bên cạnh đó, nhà Nguyễn, gốc cũng là bậc danh tướng. Hình như ông tổ của họ là Nguyễn Bặc, làm tướng đời nhà Đinh.

Sử chép:
      “Năm mậu thìn (968), Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế, tức là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Tiên hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm-hàm quan văn võ, phong cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lê Hoàn làm thập Đạo tướng quân, và phong cho con là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.”
                              (Việt Nam Sử Lược, - Trần Trọng Kim,       tập 1 trang 86)

      Trang sau, 87, Trần Trọng Kim viết:
      “Phế Đế (979-980). Vệ vương mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền chính ở cả Thập Đạo Tướng quân là Lê Hoàn. Lê Hoàn lại cùng với Dương Thái Hậu (tức Thái Hậu Dương Vân Nga- tg) tư thông.
      “Các quan đại thần bây giờ là bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc, thấy Lê Hoàn nhiếp chính lộng quyền quá, mới cử binh mã đến đánh, nhưng bị Lê Hoàn giết cả.
 
      Đoạn trên, cho ta thấy Nguyễn Bặc là một đại công thần, tước công (Định Quốc công), công trạng là định quốc, cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhứt đất nước. Công ấy lớn lắm, đứng trước cả Lê Hoàn, làm Thập Đạo Tướng Quân. Đoạn sau, cho thấy ông là người trung thành với nhà Đinh, chống Lê Hoàn, là người tư thông với hoàng thái hậu (vợ Đinh Bộ Lĩnh). Lê Hoàn đang âm mưu cùng Thái hậu Dương Vân Nga cướp ngôi nhà Đinh.
     
Các nhà “viết sử” Cộng Sản Hà Nội thường ca ngợi “Thái Hậu Dương Vân Nga”, kẻ ngoại tình với Lê Hoàn. Chính bà nầy lấy áo long bào mặc cho Lê Hoàn khi âm mưu cùng Lê Hoàn phế bỏ Vệ Vương, mới 6 tuổi để trao ngai vàng lại cho Lê Hoàn, lấy lý do là để tập trung quyền lực chống nhà Tống đang chuẩn bị xâm lăng. Thực ra, sử chép như sau:

“Lúc bấy giờ nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng đã mất, tự quân còn dại, muốn thừa thế sang lấy nước ta, mới hội đại binh ở gần biên giới.
“Bên ta được tin quân Tàu sắp sang, Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng, đem binh đi chống giữ. Trước khi khởi hành, Phạm Cự Lượng họp cả quân sĩ lại ở trong điện, rồi nói rằng: “Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi rồi, mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng mình. Dẫu chúng mình có hết sức lập được chút công nào, thì rồi ai biết cho? Chi bằng nay tôn Thập Đạo Tướng quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn.”
“Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Thái hậu thấy quân sĩ thuận cả, mới sai lấy áo long cổn mặc vào cho Lê Hoàn.
“Lê hoàn lên làm vua, giáng Đinh Tuệ xuống làm Vệ Vương, sử gọi là Phế đế.”
                                              (Sđd – trang 88)

Đọc đoạn sử trên, người ta đâu có thấy gì gọi là vì nước mà hy sinh, quên tình riêng để lo chống ngoại xâm như Cộng Sản tuyên truyền. Nhìn chung, đây chỉ là âm mưu với nhau giữa một người đàn bà trắc nết, đã có chồng, ngoại tình, mê tình nhân đến cái độ đem ngai vàng của con mà trao tình nhân để bà ta được làm hoàng hậu một lần thứ hai nữa, thì quả thật là một người đàn bà có tham vọng quá lắm. Còn như Phạm Cự Lượng cũng chỉ là trong đám thoán đoạt ngai vàng với nhau cả. Cự Lượng tôn Lê Hoàn lên làm vua thì chính vì quyền lợi của ông ta.

Thế rồi dòng họ nhà Nguyễn nầy “chìm” đi trong nhiều năm vì con cháu phải trốn tránh sợ bị phe địch trả thù. Dần dà, sau nhiều hưng phế, dòng họ nầy lại nổi lên, đúng như câu tục ngữ của ta thường nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.”

Chẳng qua, khoảng thời gian sau 1975, đám Cộng Sản Hà Nội muốn theo Nga bỏ Tầu, nên Tầu Cộng tức giận muốn cho Việt Nam (Cộng Sản) “một bài học”. Để chuẩn bị chống Tầu, Cộng Sản Hà Nội cho viết lại lịch sử, dựng thành tuồng tích “Thái Hậu Dương Vân Nga” để động viên dân chúng chống Tầu!
 
Ai chia cắt đất nước
Dòng họ nhà Nguyễn nầy chính là hậu duệ Nguyễn Bặc, quan hệ đến lịch sử nước ta không ít.

Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê năm 1527, các cựu thần nhà Lê bỏ chạy trốn cả. Một trong số những người nầy là ông Nguyễn Kim. Nguyễn Kim hay còn gọi là Nguyễn Hoằng Kim là con ông Nguyễn Hoằng Dụ, trốn sang Ai Lao, được vua Xạ Đẩu của Lào cho đến sinh sống tại Sầm Châu (Trấn Ninh). Nguyễn Kim cho người đi tìm con cháu nhà Lê để tôn phù khôi phục cơ nghiệp. Đám ông Nguyễn Kim tìm được một người tên là Lê Duy Ninh, bèn lập lên làm vua, tức vua Trang Tông.

Nguyễn Kim có một tướng tài tên là Trịnh Kiểm. Thấy người có tài, Nguyễn Kim bèn gã con gái là Ngọc Bảo cho.
Ít lâu sau, Nguyễn Kim chiếm lại đưọc vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất ra hàng.

Khi Nguyễn Kim đem quân đi đánh Sơn Nam, bị hàng tướng nhà Mạc, là người nói trên, đánh thuốc độc chết. Tất cả binh quyền đều thuộc vào tay con rể là Trịnh Kiểm.

Nguyễn Kim có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Cũng làm tướng và lập được nhiều công lớn.

Trịnh Kiểm sợ hai người em vợ tranh lại binh quyền bèn lập mưu giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng lo sợ, chưa biết tính cách nào nên cho người ra hỏi kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Dương. Trạng Trình bảo: “Hoành Sơn nhất đái, vạn dại dung thân.” (Một dẫy Hoành Sơn có thể yên thân vạn đời.”

Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho ông vào trấn ở phía Nam, qua khỏi Hoành Sơn (đèo Ngang, giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình). Trịnh Kiểm tâu với vua Lê xin cho và được thuận.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng binh tướng, gia quyến và bà con ở huyện Tống Sơn (bản quán nhà Nguyễn), Thanh Hóa vào Nam.

Khi vào tới truông Ái Tử, đường xa, binh lính khát nước nên dân chúng bèn đem nước ra dâng. Cậu Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Kỹ đi theo làm quân sư, thấy vậy, bèn nói: “Nay mới đến trấn mà dân đem nước ra dâng, ấy là nước vậy.” Nguyễn Hoàng bèn đóng quân tại đó, sau nầy gọi là kho Cây Khế, thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

Trong sách đã dẫn, Trần Trọng Kim viết:
“Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan mà lại có lòng nhân đức, thu dụng hào kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên lòng người ai cũng mến phục.
….
“Năm quí tỵ (1593), Trịnh Tùng đã lấy được thành Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hợp, nhưng mà đảng nhà Mạc con nhiều, phải đánh dẹp nhiều nơi, Nguyễn Hoàng đưa quân lính và súng ống ra Đông Đô, ở hàng 8 năm, giúp Trịnh Tùng để đánh họ Mạc, lập được nhiều công to. Nhưng Trịnh Tùng vẫn có ý ghen ghét không muốn cho ngài về Thuận Hóa, mà ngài cũng chưa có dịp gì mà về được.”
“Sang năm canh tý (1600), nhân vì họ Trịnh kiêu hãnh quá, các quan có nhiều người không phục, bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê khởi binh chống lại với họ Trịnh ở Nam Định. Nguyễn Hoàng đem bản bộ tướng sĩ giả cách nói đi đánh giặc rồi theo đường hải đạo về Thuận Hóa.
“Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa rồi, sợ họ Trịnh nghi ngờ, bèn đem người con gái là bà Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con Trịnh Tùng.
                                                               (trang 88 - 89)

      Từ đó, hai bên, ngoài mặt vẫn có giữ hòa khí, nhưng mâu thuẫn chia cắt đất nước đã nảy sinh.

      Một mặt, chúa Nguyễn lo phòng thủ. Mặt khác, chúa Trịnh chủ trương xâm lăng. Sử chép như sau:

      Năm 1629, chúa Trịnh Tráng muốn lấn vào Nam bèn sai Nguyễn Khắc Minh đi, mang tiếng là phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét, Đào Duy Từ khi này là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Chúa Trịnh cũng đồng thời đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Duy Từ khuyên là không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dực để phòng thủ. Chúa Nguyễn nghe theo và thực hiện ngay.
“Về sắc phong, vào năm 1930 Duy Từ cho người làm một mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cơ trốn về. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn đi vội sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc trước kèm bài thơ:

Mâu nhi vô địch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch!

“Cả triều không ai hiểu. Giai thoại kể rằng chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan đến thì mới giải được ý nghĩa ẩn trong bài thơ là câu “dư bất thụ sắc” (ta không nhận sắc) của Duy Từ. Chúa Trịnh hiểu ý trả sắc phong, nổi giận cho người đuổi theo sứ đoàn chúa Nguyễn thì cả sứ đoàn đã đi hết. Có thể người ta căn cứ vào bài thơ nầy để kết tội chúa Nguyễn “đoạn tình Nam Bắc” gây nên cuộc phân ly đất nước, bởi vì trả lại sắc cho vua Lê có nghĩa là không thần phục nhà Lê nữa. Tuy nhiên, người ta cũng không quên lúc ấy vua Lê chỉ ngồi làm vì, chúa Trịnh đã tiếm dụng thiên tử và cai trị mọi nơi. Thành thử, nói cho đúng với tình hình thực tế bấy giờ, trả sắc cho vua Lê có nghĩa là chống lai sự tiếm dụng quyền hành của chúa Trịnh, mượn danh vua Lê chứ không phải chống lại vua Lê. 
“Ở Nam, để tăng cường phòng thủ, Duy Từ bèn bày cho chúa Nguyễn đánh chiếm phía nam Sông Gianh rồi đắp Lũy Thầy để phòng thủ. Lũy Thầy và Lũy Trường Dục là hai chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước chúa Trịnh.”
 
Công nghiệp chúa Nguyễn ở Đằng Trong
Biết là khó trở vê Đằng Ngoài tranh nghiệp với chúa Trịnh, vã nghe theo lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nên chúa Nguyễn Hoàng (tục gọi là chúa Tiên) ở lại miền Nam là tìm chốn dung thân, khỏi bị giết như anh của ông là Nguyễn Uông. Câu nói củaNguyễn Ư Kỷ “nước đó là nước vậy” không hẵn lúc đó Nguyễn Hoàng ưa lập quốc ở miền Nam, tạo thành một quốc gia riêng biệt để nước Đại Việt chia làm hai. Nói như thế là cho rằng Nguyễn Hoàng không có ý đồ chia cắt đất nước. Tham vọng quá lắm của Nguyễn Hoàng cũng chỉ là làm chúa ở xứ Nam, giống như chúa Trịnh ở xứ Bắc, cùng thờ vua Lê, biểu tượng cho nước Đại Việt. Vì không nương thân được với chúa Trịnh nên Nguyễn Hoàng tìm dất dung thân ở phía Nam, tránh khỏi việc chém giết của cha con Trịnh Kiểm, bất quá thì như một tướng, biên thùy một cõi.

Cũng như chúa Trịnh ở phía Bắc thờ vua Lê thì Nguyễn Hoàng ở phương Nam cũng thờ vua Lê vậy.

Thời kỳ ấy, vua là biểu tượng của đất nước, cả hai Trịnh Nguyễn đều thờ vua, nhất là với Nguyễn Hoàng. Người ta không tìm thấy sách sử nào nói tới việc Nguyễn Hoàng muốn truất phế vua Lê để giành ngôi. Vậy thì sao có thể, như các nhà viết sử Cộng Sản Hà Nội cho rằng ông là người chia cắt đất nước, có tội với tổ quốc và dân tộc được? Hơn thế nữa, khi Trịnh Tùng đem quân đánh nhà Mạc ở Bắc Hà, đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng thì Nguyễn Hoàng cũng vì vâng mệnh vua Lê, nên đem quân ra Bắc giúp Trịnh Tùng.

Tuy nhiên, biết Trịnh Tùng có ý không muốn cho ông về lại miền Nam nữa, coi việc đó như thả hổ về rừng,  thì Nguyễn Hoàng mượn tiếng đi đánh dẹp các tướng nổi loạn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê để trốn về Nam. Đó cũng chỉ là cách thoát chết, đi tìm đất sống, vì đối với Nguyễn Hoàng, Trịnh Tùng bấy giờ cũng như Trịnh Kiểm ngày trước, không ai muốn ông toàn mạng.
 
Từ trước đến sau, Nguyễn Hoàng củng cố và xây dựng phía Nam, không bao giờ có ý nghĩ để chiếm ngai vàng của vua Lê mà chỉ có ý định thoát  khỏi cái chết ở tay chúa Trịnh. Bảy lần “Trịnh Nguyễn Phân tranh”, thì đúng như sử đã nói đó là sự phân tranh giữa Trịnh và Nguyễn. Trịnh thì muốn diệt Nguyễn để mở rộng quyền bính về phương Nam, và tránh hậu hoạ, vì sợ một ngày Nguyễn mạnh lên, sẽ giương cao chính nghĩa phù Lê diệt Trịnh để giành quyền lại cho cho vua Lê. Nguyễn thì nghĩ tới việc mở mang bờ cõi phía Nam, để có đất dung thân, mở cơ nghiệp lâu dài, không mong việc trở lại nắm quyền chính ở đất Bắc Hà nữa vì biết không đủ sức diệt Trịnh. Những lần đánh bại quân Trịnh, quân chúa Nguyễn cũng không vượt quá Thanh Nghệ bao giờ.

Để xây dựng Xứ Đằng Trong, các chúa Nguyễn tìm người tài đức ra giúp chúa. Thái độ của các chúa rất chân thành và cẩn trọng, chẳng hạn như việc đón Đào Duy Từ, sự việc được ghi lại như sau:

“Năm 1627, nghe tin chúa Nguyễn thắng chúa Trịnh ở Nhật Lệ, Trần Đức Hòa vào chúc mừng rồi nhân đó dâng chúa Nguyễn bài Ngọa Long Cương Vãn. Chúa xem xong thấy lạ bèn cho mời Duy Từ đến. Khi Trần Đức Hòa dẫn Duy Từ đến, thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên chỉ mặc áo trắng sơ sài và đứng cửa hông đợi; Duy Từ bèn đứng lại và đòi về. Thấy vậy, chúa liền vào thay đổi triều phục, áo mũ chỉnh tề rồi mở cửa lớn ra đón Duy Từ mới vào. Chúa cho mời Đức Hòa và Duy Từ ngồi rồi hỏi Duy Từ chuyện chính sự.”
Vì Đào Duy Từ là người tài giỏi, giúp chúa được nhiều việc nên chúa Nguyễn gọi ông bằng Thầy. Lũy Thầy ở Quảng Bình, được đặt tên theo ý nghĩa đó.
Xem cách chiêu đãi người hiền như vậy, công của các chúa ở miền Nam rất lớn.
Trước khi nói tới sách sử, xem xét qua phương cách của dân chúng đối với chúa Nguyễn trong ca dao tục ngữ, chúng ta có thể thấy lòng ngưỡng mộ của dân chúng đối với chúa Nguyễn rất lớn.
Kỵ húy hay kỵ tên là một phương cách bày tỏ lòng kính trọng đối với người khác. Trong các kỳ thi và trong cách sống của người Huế xưa, chốn cung đình vua quan, người ta thấy hiện tượng đó khá rõ.
Thế tại sao ở miền Nam, dân chúng kỵ húy nhiều như vậy. Đọc sách “Tín Đức Thi Xã”, nhà xuất bản rất nhiều chuyện Tàu được phiên dịch qua quốc ngữ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy “Đông Hớn, Tây Hớn”, thay vì “Đông Hán Tây Hán”, “Tiết Nhơn Quí” thay vì Tiết Nhân Quí” như cách nói của người Bắc. Đặc biệt, tên họ các vua chúa triều Nguyễn được kỵ tối đa!

Tại sao vậy?
Tại vì đất trong Nam là “đất chúa Nguyễn” thì người dân tránh tên các cua chúa triều Nguyễn thì có gì lạ đâu!

Mấy chữ “đất chúa Nguyễn” tôi viết trong ngoặc kép ở đây là một danh từ người Nam trước đây thường dùng để nói lên, không hẵn quyền sở hữu mà chính là muốn nói tới công nghiệp của các chúa vậy.

Hằng năm, khi tới mùa hè, gặp khi gió Nồm thổi thì không khí mát mẻ. Gió Nồm là gió biển thổi dọc theo bờ biển Việt Nam, từ hướng Tây Nam lên hướng Đông Bắc, thuận tiện cho việc đi thuyền buồm từ Nam ra Bắc.

Khi Nguyễn Ánh chiếm lại được đất Gia Định, củng cố thế lực, hằng năm chờ khi có gió Nồm thổi, thuận tiện cho việc chúa Nguyễn dong buồm ra Bình Định đánh phá nhà Tây Sơn.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, tình thế nhà Tây Sơn, anh em chú cháu tranh giành nhau, việc chính sự bết bát lắm, dân chúng than vãn, cứ mong chúa Nguyễn đem quân ra dẹp nhà Tây Sơn cho xong. Lúc đó, dân chúng miền trung Nam Bộ cũng còn nhớ ơn chúa Nguyễn lắm, nên trong dân chúng có câu ca dao:

                 Lạy trời cho nổi gió Nồm
            Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.

Miền Nam có nhiều kinh rạch, người ta thường di chuyển bằng kinh rạch nên ghe xuồng là phương tiện cần thiết. Bên cạnh đó, cây bần là loại cây thường được trồng ở bờ kênh để giữ đất và làm nơi neo ghe thuyền vì tàng cây bần khá lớn, cho nhiều bóng im.

Rút kinh nghiệm từ trận đánh Rạch Gầm, Xoài Mút, sợ quân binh chúa Nguyễn núp lén đánh quân Tây Sơn, Nguyễn Lữ bèn ra lệnh đốn hết các cây bần hai bên bờ kênh. Do đó, trong dân chúng lại có câu ca dao trách oán:
           Mồ cha đứa đốn cây bần,
      Không cho ghe đậu, ghe lần ghe đi!

Đã chưởi là “Mồ cha”, gọi là “đứa”, điều đó chứng tỏ dân chúng không tôn trọng gì Đông Định Vương (Nguyễn Lữ).

Về công lao mở đất phương Nam, chúa Nguyễn là người lãnh đạo, các quan chức nhà Nguyễn giúp sức. Do đó, việc dân chúng thờ cúng ở các lăng miếu của Lê Văn Duyệt (Lăng Ông à Chiểu), Thoại Ngọc Hầu (ở Long Xuyên), Nguyễn Hùynh Đức (Long An),…cũng nói lên công lao của họ mở đất ở đằng trong.

Ranh giới Đằng trong là kể từ sông Gianh (Ranh (giới), nói trại là Gianh) cho tới Hà Tiên – Cà Mâu. Tuy nhiên, khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam thì địa giới Đại Việt mới chỉ quá Thạch Bi Sơn (Núi Đá Bia - Đèo Cả, ranh giới Bình Định - Phú Yên).

Năm 1470, Lê Thánh Tôn đem quân đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. Rồi để tiêu diệt nước nầy, không cho ngóc đầu lên được nữa, vua Lê Thánh Tông áp dụng một chính sách cai trị rất độc ác: Chia để trị. Lê Thánh Tông chia Chiêm Thành ra làm ba nước nhỏ: Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan. Ba nước nhỏ nầy lo việc cạnh tranh nhau, chống nhau hơn là chống lại ách cai trị của Đại Việt và dần dần họ bị diệt vong. Sau khi củng cố đất Quảng Nam, Đại Việt lấn dần về phương Nam, chiếm cứ một cách lặng lẽ và thủ tiêu ba nước Chiêm nầy, tức vùng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết. Đại Việt tiến dần vào đất Thủy Chân Lạp (Nam Bộ ngày nay ngày nay).

Đến đây, chúa Nguyễn lại dùng “mỹ nhân kế” để lấy đất của Miên. Sự tích như sau (trích):
 “Công nữ Ngọc Vạn là con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Năm Canh Thân 1620 bà được gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II và cuộc hôn nhân này đã giúp Chúa Nguyễn mở rộng được lãnh địa thêm về phía Nam.
“Ngọc Vạn tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, con gái thứ hai của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Nhiều tài liệu thường ghi là công chúa Ngọc Vạn, nhưng thực sự bà chỉ là công nữ, con của Chúa Nguyễn.
“Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi chúa năm 1613. Để củng cố vị trí vững mạnh để chống lại Chúa Trịnh Đàng Ngoài, Chúa Sãi giao hảo với các nước phương Nam khi đó là Chiêm Thành và Chân Lạp. Vua Chân Lạp mới lên ngôi là Chey Chetta II muốn kết thân với chúa Nguyễn để làm thế đối trọng với vua Xiêm La, nên đã cầu hôn với con gái Nguyễn Phúc Nguyên.
      Năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II. Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac Ksattecey và sinh con trai là Neang Nhéa Ksattrey vào năm 1624.
“Khi tới Chân Lạp, Ngọc Vạn đã đem theo nhiều người Việt, trong đó có người giữ chức vụ quan trọng nơi triều đình Chân Lạp. Bà lại lập một xưởng thợ và các nhà buôn gần kinh đô cho họ sinh hoạt. Năm 1620, lưu dân Việt đã có một nhóm tụ cư tại Prei Kor. Năm 1623, Chúa Sãi gửi quốc thư ngõ ý muốn đặt một trạm thu thuế, vua Chân Lạp nhanh chóng chấp thuận. Nguyễn Phúc Nguyên còn cử một sứ bộ sang Chân Lạp xin vua Chey Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Prei Kor. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Bù lại, chúa Sãi hai lần giúp Chey Chetta II đẩy lui quân Xiêm xâm lược. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, bước đầu để dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long.
“Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi giữa những hoàng thân. Năm 1658 hai hoàng thân So và Ang Tan nổi lên đánh vua Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc Ông Chân, nhưng thất bại, xin nhờ thái hậu Ngọc Vạn giúp đỡ. Thái hậu Ngọc Vạn chỉ cách cho hai người này cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Tần liền cử phó tướng Tôn Thất Yến, đang đóng ở dinh Trấn Biên, đem 3.000 quân qua giúp, bắt được Nặc Ông Chân ở vùng Mô Xoài, đưa về giam ở Quảng Bình vì lúc đó nhà chúa đang hành quân ở Quảng Bình. Tại đây, Nặc Ông Chân từ trần năm 1659.
“Chúa Nguyễn phong So lên làm vua Chân Lạp tức Batom Reachea. Từ đó, Chúa Nguyễn càng ngày càng can thiệp vào công việc của Chân Lạp và đưa người thâm nhập, dần dần tiến đến sinh sống tận mũi Cà Mau như ngày nay.”
                            (Việt Nam Bách Khoa Tự Điển)

Tôi từng đi qua nhiều thành phố lớn nhỏ ở miền Nam trước 1975. Không ít nơi có tên đường “Ngọc Hân Công Chúa”. Không tỉnh nào có tên đường “Ngọc Vạn Công Chúa” ngay cả Biên Hòa và Lộc Giã (Đồng Nai) là đất nhờ công của Ngọc Vạn mà có. Vậy là sao nhỉ?

Không lý những người đặt tên đường cho thành phố thích câu “chuyện tình bộ ba” oái oăm, lãng mạn của công chúa Ngọc Hân. Bộ ba, như tôi vừa viết là Ngọc Hân, vai vợ, Chế Mân, vai chồng, và Trần Khắ Chung, vai người tình! Còn chuyện tình duyên công chúa Ngọc Vạn lấy ông vua Miên thì không có gì sóng gió cả nên ít hấp dẫn người đọc chăng? Hay chỉ vì một lẽ; sách sử nói tới Ngọc Hân thì nhiều, Ngọc Vạn thì ít nên những người đặt tên đường ít biết tới lịch sử mà không biết có công chúa Ngọc Vạn trong lịch sử Việt Nam?! Vậy thì ai nói lịch sử là công bình?

Ở các thành phố lớn miền Trung và Bắc, trước khi bị Việt Cộng chiếm đóng, người ta quen với những tên đường phố như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Duy Tân, v.v… Nếu có tên Lê Văn Duyệt thì tên đó chỉ ở tên một con đường ngắn ngủi, ngoại ô, nghèo nàn.

Vào tới Saigon và các tỉnh miền Nam thì khác. Những tên Lê Văn Duyệt, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Quang Định là tên những con đường lớn, ở trung tâm thành phố. Điều đó nói lên công trạng của những người đã góp công với vua chúa, khai phá và xây dựng đất Nam bộ.

Tự Điển Việt Sử chép:
 
Thoại Ngọc Hầu:
“Ở chức vụ trấn thủ Vĩnh Thanh, ông đã có công lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam. Các công trình lớn của ông để lại cho đời sau là:
“Đào kênh Thoại Hà dài hơn 30 km ở núi Sập (Thoại Sơn) vào năm 1818, với khoảng 1.500 nhân công. Vua Gia Long đã cho phép lấy tên ông để đặt cho tên núi, tên kênh.
“Đào kênh Vĩnh Tế dài theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc - Hà Tiên, nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan, dài hơn 90 km, huy động đến 80.000 nhân công thực hiện từ năm 1819 - 1824. Con kênh được đặt tên theo tên vợ chính của ông, phu nhân Châu Thị Tế.
“Kênh đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông là Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831), Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820). Sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), Phó Tổng trấn thành Gia Định Trương Tấn Bửu, Phó Tổng trấn thành Gia Định Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại góp sức.
“Ngay trong đợt đầu đã có hơn 10.000 nhân công bao gồm: 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân là người Khmer.
“Kênh phải qua nhiều đoạn đất cứng khó đào, lại có khi gặp phải thời tiết, khí hậu bất lợi nên có lúc công việc phải gián đoạn hoặc chậm chạp.
“Biết vậy, ngay khi lên ngôi (1820), vua Minh Mạng lập tức ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia định là Lê Văn Duyệt huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 39.000 người, trong số đó binh và dân người Khmer 16.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ hàng triệu mét khối đất đá...và có khi phải thay nhau thi công suốt ngày đêm...
“Kênh hoàn thành với chiều dài 205 dặm rưỡi (91km), rộng 7 trượng 5 thước (25m), sâu 6 thước (3m) và hiện nay nhờ nhiều lần nạo vét, nên đã sâu hơn nhiều. Ước tính, trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 80.000 dân binh.
“Bởi công việc ở chốn “đồng không mông quạnh”, nhiều “sơn lam chướng khí”; việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn rít... quá cao. Và số người bỏ trốn rồi bỏ mạng cũng lắm, mặc dù luật lệ ràng buộc, nhiều tai ương, nhất là khi phải vượt qua sông Vàm Nao.
“Cho nên khi tin vui về đến Huế, vua Minh Mạng rất đổi mãn nguyện vì nối được chí cha, liền sắc khen thưởng, dựng bia ở Núi Sam và ở bờ kênh mới đào để ghi nhớ thành quả to lớn này.

“Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc vào Cao đỉnh.
“Trước khi khởi đào, vua Gia Long có lời dụ cho dân chúng, vừa động viên vừa chỉ rõ sự lợi ích:
“Công trình đào sông này rất khó khăn, nhưng kế giữ nước và cách biên phòng quan hệ chẳng nhỏ, các ngươi ngày nay tuy là chịu khó, nhưng mà lợi ích cho muôn đời về sau. Vậy dân chúng cần bảo nhau cho biết, đừng nên sợ nhọc.”

“Năm 1822, vua Minh Mạng lại có chỉ dụ tương tự:
“Đường sông Vĩnh Tế liền với tân cương, xe thuyền qua lại đều là tiện lợi. Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta (ý nói vua Gia Long) mưu sâu, tính xa, chú ý việc ngoài biên. Công việc đào kênh mới bắt đầu chưa xong. Nay ta theo chí tiên hoàng, cố nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài về sau.
“Đào xong, “Đại Nam nhất thống chí”, phần An Giang tỉnh, một lần nữa ghi nhận:
“Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.
“Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thuỷ, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.

Nên ca dao có câu:
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.
                                    (Theo Việt Nam Bách khoa tự điển)

      Việc đào kinh Vĩnh Tế, như mô tả ở trên, gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ và bệnh tật chết chóc. Ngày nay, (trước 1975), những người già cả cố cựu Hà Tiên đôi khi cũng nhắc lại những khó khăn, chết chóc đó do cha ông kể lại. Tuy nhiên, ngoài tính cách quân sự để tạo ra biên giới hiển nhiên giũa hai nước, về mặt giao thông và kinh tế thì sự thuận tiện và hữu ích nông nghiệp khá lớn.

      Bọn Khmer Đỏ, khi cai trị Kampuchia, chúng đã khơi dậy những huyền thoại về sự tàn ác của “Quan Việt Nam” tạo kích động lòng căm thù, làm chất xúc tác để người Miên điên cuồng “cáp Duồn” (Giết người Việt) và vượt qua biên giới, tấn công vào các xóm làng Việt Nam, giết hết mọi người, bất kể già trẻ, và đốt phá nhà cửa ruộng vườn. (Xin đọc “Anh Em Thù Địch (Brother Enemy) của Nayan Chanda, cùng tác giả đã dịch).

      Trong chiến tranh, vì Việt Cộng khủng bố và thu thuế rất nặng, kênh Vĩnh Tế bị bỏ hoang, ghe thuyền không dám đi lại. Đoạn ở Giang Thành, lâu ngày không nạo vét đã bị cạn, ghe thuyền không còn qua lại được nữa.

      Hơn thế nữa, trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương trước đây, kênh Vĩnh Tế cắt ngang con đường tiếp tế và giao liên của Việt Cộng từ Kampuchia qua Việt Nam, (giới quân sự thường gọi là đường giây 1-C). Vì vậy, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và Quân Đội Mỹ đã thiết lập trung tâm quân sự Trà Phô gần Giang Thành để bảo vệ con đường giao thông theo kênh Vĩnh Tế và cố ngăn chận sự xâm nhập của Việt Cộng từ Kampuchia qua Việt Nam, trong khi Việt Cộng cố giành lại con đường huyết mạch nầy, khiến trung tâm Trà Phô phải rút bỏ vì áp lực quân sự của địch. (Xin xem “Kể chuyện đánh giặc ở quê hương Nguyễn Tấn Dũng”, cùng tác giả)

Đắp lộ Núi Sam - Châu Đốc, dài 5 cây số trong năm 1826 - 1827, huy động gần 4.500 nhân công. Đoạn nằm trong nội ô thị xã Châu Đốc. Hiện nay con đường vẫn còn mang tên Ông.
      Năm 1823, ông cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế: Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vĩnh Thông.
“Những công trình trên được xem là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới này. Ngoài những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn và các văn bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn, còn có bia "Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương" dựng tại núi Sam năm 1828 nhằm kỷ niệm ngày hoàn thành con lộ Châu Đốc - Núi Sam, ngày nay không còn nữa nhưng văn bia văn còn ghi trong sử sách.
 
Trịnh Hoài Đức:
“Khi Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820) chiếm lại Gia Định và cho mở khoa thi, ông và Trịnh Hoài Đức trúng tuyển, được cử làm Hàn lâm viện chế cáo, giữ việc biên soạn sổ sách, rồi lần lượt trải qua Điền tuấn quan (trông coi việc khai khẩn),
Năm 1788 khi chúa Nguyễn Phúc Ánh mở kỳ thi tại Gia Định, ba ông ra ứng thi và đều đỗ đạt. Trịnh Hoài Đức được bổ làm Hàn Lâm Viện Chế Cáo, rồi được sung chức Điền Tuấn Quang, trông coi việc khai khẩn đất ở Gia Định.
                                                        (Sách đd)
 
Gia Định tam hùng:
Vương Hồng Sển viết:
Trong nhóm người Minh Hương, có ba ông: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định đều là những bực công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san. Hà TiênChiêu Anh Các, Gia Định có Thi hữu tam gia không kém.
Chúa Nguyễn Phúc Ánh cho Ngô Tùng Châu làm Chế các ở Viện Hàn lâm. Rồi ông cùng với Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Hoàng Minh Khánh và chín người nữa, được cử làm Điền tuấn quan để coi việc đốc sức dân khai khẩn ruộng đất ở Gia Định.
(Sách đd)
 
Trương Minh Giảng
“Do công thắng trận, Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng khen thưởng một tấm bài bằng ngọc và tiền phi long bằng vàng. Nhân quân Xiêm do các tướng Chao Phraya Bodin và PhraKlang chỉ huy, theo lời cầu viện của Lê Văn Khôi, tiến vào xâm phạm lãnh thổ Đại Nam, ông cùng Nguyễn Xuân đẩy lui được quân Xiêm, được tấn phong tước “Bình Thành Nam”. Nhân thắng lợi, Trương Minh Giảng cùng Nguyễn Văn Năng đánh đuổi quân Xiêm, giúp Chân Lạp thu phục lại thành Nam Vang, được gia phong tước Bình Thành Bá. Rất nhanh chóng sau đó, ông được phong hàm Hiệp biện đại học sĩ, lãnh chức Tổng đốc An Giang.
      Không lâu sau, ông lại được phong hàm Đông các đại học sĩ, kiêm chức Bảo hộ Cao Miên. Năm 1835, Minh Mạng đổi đất Chân Lạp thành Trấn Tây thành, sát nhập vào Đại Nam. Do công lao trấn giữ Trấn Tây thành, năm 1838, khi triều đình dựng bia võ công, tên ông được khắc hàng đầu đặt trong Võ miếu Huế.

“Do tình hình Trấn Tây (gồm vài tỉnh đông nam Campuchia, phía dưới Biển hồ, giáp Việt Nam: thủ đô Phnom Penh, Kandal, Takeo, Prey Veng,...) không yên vì gặp phải sự chống đối mãnh liệt của người Chân Lạp (Cao Miên), năm 1840, vua Thiệu Trị quyết định rút bỏ Trấn Tây thành (tức Phnom Penh ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. Trương Minh Giảng theo lệnh rút quân về trấn thủ An Giang.
“Vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên. vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy.. Biết thế, nhưng vua chưa ra lệnh đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên.
“Mãi đến tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mới cho lệnh đào kênh, và công việc được bắt đầu khởi công vào tháng chạp năm ấy, trải qua mấy giai đoạn trong suốt 5 năm, đến tháng 5 năm Nhâm Thân (1824), dưới triều vua Minh Mạng mới xong.
Lịch sử khẩn hoang miền Nam
                                                                  (Sách đd)
     
Quả thật, công lao của người miền Nam, trước kia cũng như bây giờ, vô tình hay cố ý bị người ta bỏ quên.

      Giữa năm 1982, tôi đi ở tù về, sau 7 năm 10 ngày cái gọi là  “học tập cải tạo.” tình cờ gặp ông bạn học cũ. Bây giờ ông ta hay vô ra trụ sở “Hội Trí Thức Yêu Nước” số 42 (hay 142) đường Nguyễn Thị Minh Khai. Anh bạn bảo: “Ông cũng nên vô đây đi! Yêu nước con mẹ gì! Vô ra đây để người ta nắm đầu mình. Họ có nắm đầu mình, mình mới được yên thân. Không nắm được mình, họ nghi ngờ, phiền lắm!” Vậy thì rõ: Đây là cái rọ heo! Chui vô rọ heo nằm cho “cách mạng” yên tâm. Ông bạn nói thêm: “Dân trí thức Saigon cũ, ai cầu an, đều vô đây cả.” Rồi ông ấy kể câu chuyện:
      “Saigon “giải phóng” được mấy năm, có buổi hội thảo ở hội nầy, bàn về công tội của ông Phan Thanh Giản. Những người cũ đi hội với vẻ mặt “Hàng thần lơ láo”. Gọi là hội thảo nhưng mọi sự coi như xong cả rồi. Ông Phan Thanh Giản là người Nam bộ đầu tiên thi đổ tiến sĩ, làm quan cho phong kiến nhà Nguyễn. Ấy là hai tội. Đi sứ Tây mà không chuộc được đất ba tỉnh miền Đông, ấy là ba tội. Làm kinh lược mà không dám chống Tây, giao thành cho giặc là bốn tội. Uống thuốc độc chết (tự sát) là hèn nhát. Mấy anh “sử (da) ra sử vào” ngoài Bắc mới vô thì to mồm mạt sát ông Phan Thanh Giản cho đúng với chủ trương, chính sách của “cách mạng”.

      “Thảo luận được một lúc, ngồi lâu cũng nản, mỏi mệt, ông Vương Hồng Sển bèn đứng lên nói:
- “Sở dĩ bữa nay có buổi hội nầy vì ông Phan Thanh Giản là người miền Nam. Cụ cũng là người có ích. Nếu không có ích thì làm sao bữa nay có bánh mì thịt nguội, nước ngọt dọn sẵn ở đàng bàn kia. Vậy nên chúng ta nên cùng nhau tới ăn mà về. Công tội đã rõ ràng bàn làm chi nữa cho mất công.”
      Nghe cụ Vương Hồng Sển nói ai, cũng cười và vui vẻ kéo nhau đi ăn. Mấy hôm sau, tên đường Phan Thanh Giản ở Saigon đổi thành tên đường Điện Biên Phủ.  
 
Về vấn đề thống nhất đất nước
Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558. Năm 1592, sau khi đem quân giúp Trịnh Tùng chiếm lại Bắc Hà, Nguyễn Hoàng lại rút quân vào Nam. Từ đó hai bên công khi thù địch, sông Gianh biến thành ranh giới chia cắt đất nước, phân biệt đằng Trong (chúa Nguyễn) và đằng Ngoài (chúa Trịnh), đánh nhau tất cả bảy trận. Trận thứ nhứt xảy ra năm 1627, tính tới khi Hoàng Ngũ Phúc của chúa Trịnh đem quân vượt sông Gianh năm 1774. Thời kỳ nấy kéo dài 144 năm. Dân chúng hai miền không qua lại được.

Trần Trọng Kìm viết:
“Đang khi trong Nam có quyền thần chuyên chính ở trong, Tây Sơn đánh phá ở ngoài, ở ngoài Bắc chúa Trịnh là Trịnh Sâm biết tình trạng như vậy, bèn sai đại tướng là Hoàng Ngũ Phúc đem thủy bộ hơn ba vạn quân cùng với Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Bảo, vào đất Bố Chính, để đánh họ Nguyễn, giả nói là vào đánh Truơng Phúc Loan.

Đến tháng 10 năm giáp ngọ (1774), quân Hoàng Ngũ Phúc sang sông Linh Giang, sai Hoàng Đình Thể đem quân đến đánh lũy Trấn Ninh, nhờ có nội ứng cho nên không đánh mà lấy được lũy. Trịnh Sâm được tin Hoàng Ngũ Phúc đã phá được thành Trấn Ninh rồi, bèn quyết kế đem đại binh vào tiếp ứng. Đến tháng chạp thì quân của Hoàng Ngũ Phúc tiến lên đóng ở làng Hồ Xá (thuộc huyện Minh Linh (nay là Vĩnh Linh – tg) Quảng Trị, rồi tuyền hịch đi nói rằng quân Bắc chỉ vào đánh Trương Phúc Loan mà thôi, chứ không có ý gì khác cả. Các quan ở Phú Xuân bèn mưu bắt Trương Phúc Loan đem nộp.”
Trong đoạn trên, quân Trịnh chỉ nói vào đánh Trương Phúc Loan mà không nói đánh chúa Nguyễn vì sợ lòng người còn ngưỡng mộ chúa Nguyễn lắm!
Mãi tới khi Nguyễn Ánh đánh tan nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế năm 1802, nước Việt Nam “thống nhứt” từ Bắc chí Nam (Ải Nam quan, mũi Cà Mâu) thì cái công đó, sử gọi là “Gia Long thống nhất sơn hà”.

Tuy nhiên, khoảng nửa thế kỷ nay, sau khi Việt Cộng nắm chính quyền, đặc biệt sau khi họ cai trị nửa phía Bắc vĩ tuyến 17 thì tất cả mọi phương tiện truyền thông báo chí, sách vở, giáo dục ở các cấp cứ nhứt nhứt chủ trương rằng Nguyễn Huệ là người có công thống nhứt đất nước!
 
Sự thật nằm ở đâu!?
Cũng như tôi đã trình bày ở phần trước, vì anh em nhà Tây Sơn thuộc hàng “áo vải”, (ý nói là dân giả, nông dân), khác với “áo gấm” (là giai cấp vua quan) nên để tuyên truyền, bôi lọ “bọn thống trị”, Cộng Sản bèn cho bóp méo lịch sử, “râu ông nọ chắp cằm bà kia” để đem cái công lớn thống nhứt đất nước về cho Nguyễn Huệ, thuộc hàng “áo vải” không phải của Gia Long, thuộc hàng “áo gấm”.
Như trên đã nói, Đại Việt bị chia cắt hàng mấy trăm năm, sông Gianh, với lũy Thầy, lũy Trường Dực, v.v… trở thành một bức trường thành vững chắc, ngăn cách dân Đại Việt thành hai vùng riêng rẻ, không qua lại thông thương được. So ra, cũng không chặt chẽ và khắt khe bằng việc chia cắt nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, do âm mưu của Nga Tàu, cùng với tay sai của họ là Việt Cộng. Chính ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là ngoại trưởng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo lệnh Liên Xô và Trung Cộng, đặt bút ký vào hiệp định nầy. Riêng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam, do bác sĩ Trần Văn Đỗ làm ngoại trưởng thì không chịu ký, ra đứng ngoài hành lang mà khóc cho số phận của dân tộc. Lại một sự điêu linh khác của người Việt bắt đầu.
Sau nầy, để xóa bỏ tội lỗi đó, Cộng Sản Bắc Việt cố sống cố chết chiếm cho được miền Nam, hy sinh bao nhiêu mạng người. So ra, trong lịch sử Cộng Sản VN, ông Hồ Chí Minh là người chịu tội chia cắt đất nước. Người có công hoàn tất cuộc xâm lăng miền Nam mà họ gọi là “thống nhứt” là Lê Duẫn. Cho nên Lê Duẫn rất tự hào về công lao đó, cho rằng y hơn hẵn Hồ Chí Minh là người chịu chia đất nước làm hai như trong hiệp định Genève 1954 qui định.

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh trước sau kéo dài khoảng 150 năm, lấy sông Gianh làm ranh giới thì ai là người phá bỏ bức trường thành đó để dân hai miền qua lại liên lạc cùng nhau. Công việc đó, như tôi trích dẫn ở trên, là công của quân Trịnh, do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy. Nguyễn Huệ, sau đó ba lần kéo quân ra Bắc, thì Nguyễn Huệ cũng chỉ là người đi theo con đường cũ, con đường bức tường chia cắt đã sụp đổ, Hoàng Ngũ Phúc phá bỏ đi rồi.

Trong khoảng thời gian Đại Việt chia cắt đằng Trong, đằng Ngoài, biết bao nhiêu thế lực nổi lên làm cản trở việc thống nhứt đất nước đó: Thế lực các chúa ở hai miền, thế lực nhà Mạc còn sót lại ở Cao Bằng, thế lực nhà Tây Sơn.

Ngay cả khi nhà Tây Sơn chiếm trọn đất nước, Nguyễn Ánh phải chạy qua Xiêm La, họ Mạc hoàn toàn bi tiêu diệt, thì chính anh em nhà Tây Sơn cũng không làm công việc thống nhứt đất nước bao giờ. Họ chia nước ra làm ba: Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn, tự xưng là “Trung Ương hoàng đế”; Nguyễn Lữ ở phía Nam, xưng là “Đông Định Vương”, Nguyễn Huệ ở phía Bắc, gọi là “Bắc Bình Vương”. Ba triều đại nầy độc lập hẵn nhau, không ai dưới quyền ai, dù chỉ là hư danh, thì sao gọi là thống nhứt được?

Chính Nguyễn Huệ, vì anh em xích mích nhau, đã đem quân vây thành Bình Định, ngặt nghèo đến độ Nguyễn Nhạc phải lên cổng thành, khóc lóc với Nguyễn Huệ, xin Nguyễn Huệ rút quân lui, nở nào “Nồi da nấu thịt”. (1).

Thống nhứt, theo nghĩa thông thường, phải là thống nhứt lãnh thổ. Đối với Việt Nam, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu, phải là một lãnh thổ liền lạc, không bị chia cắt thành những chính quyền khác nhau thì mới gọi là thống nhứt.

Ngoài việc thống nhứt lãnh thổ, Gia Long đã thiết lập được một nền cai trị trên toàn cõi Đại Việt. Mọi việc thi cử, thuế lệ, mệnh lệnh quan cách, binh lính, v.v… đều thuộc trung ương, một giường mối, đâu đâu cũng như nhau. Như thế mới gọi là thống nhứt sơn hà. Công việc ấy, công trạng ấy thuộc về Gia Long chứ chẳng còn ai khác.

Tuy nhiên, xét cho cùng, công việc thống nhứt đó gặp không ít trở ngại, nếu trước đó, không có người dọn đường, dẹp bỏ bớt chông gai cho kẻ đi sau. Trong ý nghĩa đó, thì đặc biệt việc “lấp sông gianh” của Hoàng Ngũ Phúc là có ý nghĩa nhứt. Thứ hai, Nguyễn Huệ ba lần ra Bắc ổn định đất Bắc Hà, không phải là không có công, ít nhiều đóng góp cho việc thống nhứt đất nước vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là sự đóng góp cho việc thống nhứt chứ không phải là người làm ra việc thống nhứt ấy.

Tôi xin trích theo sau đây mười hai ý kiến của các nhà viết sử chân chính và và cả những người xuyên tạc lịch sử vì âm mưu chính trị. Mười hai ý kiến đó chia thành 3 phần:

- Khẳng định công thống nhất thuộc về Nguyễn Ánh
- Khẳng định công thống nhất thuộc về Nguyễn Huệ
- Công mở đầu công cuộc thống nhất là của Nguyễn Huệ nhưng hoàn thành thống nhất là do Nguyễn Ánh.
 
Công lao thuộc về Nguyễn Ánh:
1. Ý kiến của Nguyễn Phương: “Nguyễn Ánh là cha đẻ của nước Việt Nam”, là “người tiêu biểu cho tinh thần ái quốc”, “là một anh hùng dân tộc”. Và tác giả khẳng định: “Nếu Nguyễn Ánh không còn có công nào khác – mà thực sự còn nhiều – ngoài công cuộc thống nhất Việt Nam, thống nhất lãnh thổ và tinh thần ái quốc, thì với bấy nhiêu thiết tưởng ông đã đủ đáng được mọi người dân Việt Nam biết ơn rồi vậy”. So sánh với Nguyễn Huệ, tác giả viết: “Chẳng những Nguyễn Huệ chưa phục vụ gì cho việc thống nhất, mà trái lại đã giúp đắc lực vào việc chia cắt đất nước ra một cách sâu xa hơn thời Trịnh Nguyễn”. Còn Nguyễn Ánh “chẳng những đã thống nhất Việt Nam về địa lý mà còn thống nhất về tinh thần ái quốc” (Tạp chí “Bách Khoa,” số 149).

2. Ý kiến Tân Việt Điểu: Tác giả có thừa nhận chút ít đóng góp của Tây Sơn khi cho rằng: “Tây Sơn là những tay thợ đã dọn quang đãng những chướng ngại vật để sau này Gia Long thênh thang đi đến thống nhất”, nhưng lại khẳng định: “Nguyễn Ánh mới là người đem tất cả tâm huyết, tất cả tài đức ra dể thống nhất nước Việt... Sở dĩ Nguyễn Ánh thắng được Cảnh Thịnh, một phần lớn là nhờ vào cái địa thế “phụng chử lân chầu” và “long bàn hổ cứ” của miền Nam rất thuận lợi để làm bàn đạp cho cuộc Bắc tiến, nhằm mục đích thống nhất lãnh thổ (“Văn Hóa nguyệt san”, số 64).

3. Ý kiến Lê Thành Khôi: Năm 1955, trong cuốn Le Việt Nam, histoire et civilisation xuất bản ở Paris, tác giả cho rằng phong trào Tây Sơn “chỉ mới dọn đường cho sự khôi phục nền thống nhất dân tộc mà Nguyễn Ánh sẽ thực sự hoàn thành vào đầu thế kỷ XIX”. Vẫn theo tác giả, “một nước gọi là thống nhất khi chỉ có một chính quyền trong bờ cõi”. Từ luận điểm trên, tác giả đối chiếu các niên đại và thấy rằng: năm 1786 tồn tại 4 chính quyền (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và vua Lê), năm 1788 tồn tại 3 chính quyền (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh), năm l794 vẫn còn hai chính quyền (Nguyễn Quang Toản và Nguyễn Ánh), đến năm 1802 “Gia Long thắng Cảnh Thịnh, chỉ còn một chính quyền của nhà Nguyễn, lúc bấy giờ nước Việt Nam mới thống nhất”. Năm 1981, Lê Thành Khôi tái bản cuốn sách trên với nhiều bổ sung, đổi tên sách là “Histoire du Vietnam des origines à 1858” và vẫn giữ luận điểm cũ khi tác giả viết: “Nếu chỉ cần vượt giới tuyến là thống nhất đất nước rồi, thì công... đó phải thuộc về họ Trịnh khi quân Trịnh vượt sông Gianh năm 1774 và vào Huế năm 1775, và “(thời Tây Sơn) không những đất nước chưa trở lại hòa bình thống nhất, mà nội chiến vẫn tiếp tục khi ở Bắc khi ở Nam, và thanh niên lại đổ máu. Cuối cùng, “sự bất hòa của anh em Tây Sơn đo cho phép Nguyễn ánh trở về Gia Định và tổ chức việc khôi phục nhà nước của mình. Cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu, khi thắng khi bại diễn ra trong 15 năm trước khi kết thúc vào năm 1802 với thắng lợi của họ Nguyễn và sự thống nhất hoàn toàn nước Việt Nam”.

4. Ý kiến GS. Hoàng Xuân Hãn: “Về Quang Trung, cái công đánh bạt Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long, cái công ấy rất to... Chứ còn trong anh em (viết sử) sau này thường cứ nói rằng là: Công thống nhất nước Việt Nam là Tây Sơn, tức là Quang Trung, đối với tôi thì tôi không đồng ý. Cái sự quân Tây Sơn có đánh bại quân Xiêm ở Rạch Gầm cũng là một sự thực. Đánh bại quân Thanh ở Thăng Long cũng là một sự thực. Nhưng hai cái thắng trận ấy không phải là đồng thời, mà trái lại, có thể nói cái hồi mà vua Quang Trung ở ngoài Bắc thì Nguyễn Nhạc còn đang chiếm vùng giữa, vùng trong thì lúc ấy nhà Nguyễn đã chiếm cả trong Nam rồi. Không phải là thống nhất. Đấy chỉ là đánh được giặc ở Nam, đánh được giặc ở Bắc. Nếu ông ấy sống lâu nữa, có lẽ sẽ thống nhất; nhưng vì ông chết sớm thành ra không thống nhất được.” (Đài phát thanh Quốc tế của Pháp (RFI) phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn – Tạp chí Xưa và Nay trích đăng trên số 3- 1-1997 với tựa đề “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Hoàng đế Quang Trung”

5. Ý kiến Tạ Chí Đại Trường: Vận dụng luận điểm “sức mạnh Nam hà kết hợp với sức mạnh Tây phương”, tác giả giải thích: “Trong lịch sử của họ, Tây Sơn đã xô đổ được Nam hà, rồi không tìm được đồng minh bên ngoài, bên trong lại hãnh diện về sức mạnh quân lực, họ không tìm được cách tổ chức khai thác những khả năng địa phương để tâm phục lâu dài dân chúng. Quay ra Bắc hà, họ lại chui đầu và trong cái rối rắm mà người trước đã gỡ không ra vì sự cằn cỗi của đất đai, vì không khí bảo thủ lâu đời khó tẩy xóa của sinh hoạt vua, quan, dân chúng”. Cho nên, theo tác giả, cái ngày Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, chiếm được Bắc hà cũng là ngày “đóng hết một giai đoạn rối rắm, tàn bạo”. Và tác giả gói ghém ý tưởng của mình như sau: “Ngày 20 tháng 7, Nguyễn Ánh ra tới Thăng Long, đặt chân lên nơi mà hơn 200 năm trước tổ tiên ông phải giả tiếng mới về Nam được. Thăng Long, Thanh Hóa, Phú Xuân, Gia Định, rồi nối vòng Gia Định, Phú Xuân, Thăng Long, con đường thật dài, thật đầy gian nan cực nhọc mà cũng đầy vinh quang. Đất nước mệt mỏi vì chiến tranh, nay đã tìm được đường thoát trong thống nhất, yên nghỉ...” (Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802 – Sài Gòn, 1971).
 
Ý kiến những nhà viết sử thiếu trung thực, gồm có:
1. Ý kiến GS. Phan Huy Lê: Khái quát toàn bộ sự nghiệp của phong trào Tây Sơn, tác giả viết: “Đó là sự nghiệp lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền chúa Trịnh cùng chế độ vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía Nam, quân xâm lược Thanh ở phía bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, bước đầu lập lại nền thống nhất quốc gia, xây dựng vương triều Tây Sơn trong đó triều Quang Trung đã đề ra và thực thi nhiều chính sách tích cực...” (Kỷ yếu HTKH “Phú Xuân – Thuận Hóa – thời Tây Sơn” – Huế, tháng 12-2001).

2. Ý kiến Phan Thuận An: “Nguyễn Huệ, người anh hùng kiệt xuất của thời đại ấy đã lần lượt phá tan từng mảng xã hội mâu thuẫn, bất công, nhiễu nhương từ Nam ra Bắc để bước đầu đưa đất nước đến chỗ thống nhất” (Kỷ yếu HTKH “Phú Xuân – Thuận Hóa thời Tây Sơn” – Huế, tháng 12-2001).

3. Ý kiến GS. Trần Văn Giàu: “Phần đóng góp của Nguyễn Huệ vào hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam là ý thức về sự nghiệp thống nhất nước nhà (...). Từ năm 1527, Đại Việt bị phân liệt. Tình trạng phân liệt kéo dài đến gần cuối thế kỷ l8, hơn 200 năm (...). Mạc, Trịnh, Nguyễn, không ai có tư tưởng thống nhất, tất cả họ chỉ có ý đồ xâm chiếm lẫn nhau. Cứ như thế ấy thì cái họa xâm lăng ắt khó tránh. Nội chiến chỉ chấm dứt khi khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, lần lượt đánh đổ cả hai chúa Nguyễn, chúa Trịnh, đánh đổ luôn vua Lê, trong Nam thì đuổi quân Xiêm, ngoài Bắc thì đuổi quân Thanh, lãnh tụ Tây Sơn đường đường chánh chánh lên ngôi hoàng đế, vua Càn Long nhà Thanh dù mới đại bại (hay là vì đại bại) mà phải công nhận Quang Trung là vua nước Việt Nam (...). Trong việc lập lại sự thống nhất sau thời gian phân liệt kéo dài thời Lê mạt, thì người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là vĩ nhân đo khởi xướng và bắt đầu thực hiện sự nghiệp ấy” (Sự hình thành về cơ bản của hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam – Tham luận tại Hội thảo Việt Nam học tại Hà Nội, tháng 7-1998).

4. Ý kiến Đặng Thành Nam: “Việc đất nước chia đôi là đo Trịnh Nguyễn phân tranh suốt trong hai thế kỷ. Khi nhà Tây Sơn nổi lên...; Nguyễn Ánh phải chạy qua Xiêm lưu vong và cầu cứu ngoại bang. Cuối cùng ai là người diệt được nhà Trịnh mà suốt 200 năm nhà Nguyễn không những không làm gì được mà còn bị mất kinh đô về tay nhà Trịnh nữa. Chính Nguyễn Huệ đã diệt Trịnh, đuổi Thanh (...) chấm dứt việc hai trăm năm đất nước bị chia đôi, đưa đến việc thống nhất đất nước về cơ bản (...). Việc Gia Long rước hàng vạn quận Xiêm về giết dân, tàn phá đất Nam Bộ, bị Quang Trung đánh chạy thục mạng ở Rạch Gầm kia đâu phải là chuyện tuyên truyền chính trị. Việc Gia Long nhờ vũ khí, nhờ đại bác của Pháp, nhờ chính bọn đánh thuê, bọn cha cố phương Tây để chiếm lấy đất nước đâu phải là chuyện bịa đặt!” (Về những hiện tượng bất thường trong văn học và sử học – Báo Công An Tp.Hồ Chí Minh, 21-5-1998, tr.18).

5. Ý kiến Jean Chesneaux: “(...) Sự kiện lớn nhất dường như việc khôi phục thống nhất đất nước, việc xóa bỏ sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc đối địch. Chính là Tây Sơn chứ không phải là nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, như người ta thường gán cho họ, đã có công trong việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất; dù chia ra các miền khác nhau nhưng vẫn cùng một mục đích... Niềm kiêu hãnh khôi phục lại uy danh của nước Việt Nam thể hiện rõ trong bài hịch (Hịch Tây Sơn)” (Contribution à l’ histoire de la nation vietnamienne – Paris 1955, tr.37).

6. Ý kiến Joseph Buttinger: Trong cuốn The smaller dragon (New York, 1962), tác giả viết: “Khi Hà Nội thất thủ trước chính quyền mới ở Đàng trong [ý nói: Tây Sơn], Việt Nam đã trở lại thống nhất (...). Triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, song nền thống nhất của Việt Nam tồn tại suốt cho đến lúc đương triều cuối cùng của nó bị lật đổ vào năm 1802 trước những lực lượng mới trỗi dậy từ phương Nam. Nhưng đây lại là một phần của câu chuyện khác: khi nhà Tây Sơn đổ, vận mệnh Việt Nam được đặt dưới ảnh hưởng của những lực lượng phương Tây đưa vào châu Á”.
 
Những ý kiến không quên công lao của Nguyễn Huệ:
1. Ý kiến Đỗ Bang: “Nguyễn Huệ, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Xiêm (1785) đã đi từ Nam ra Bắc bằng sự nghiệp vượt sông Gianh năm 1786, xóa bỏ Đàng trong và Đàng ngoài, thủ tiêu chế độ thống trị của hai họ Trịnh – Nguyễn chia cắt đất nước. Nguyễn Huệ có nhiều nỗ lực củng cố nền thống nhất và cứng rắn độc lập dân tộc trong những năm sau đó nhưng vẫn không vượt qua được những hạn chế phân phong nghiệt ngã trong nội bộ vương triều Tây Sơn, và cũng là cơ hội để Nguyễn Ánh trở lại củng cố thế lực ở đất Gia Định. Sau ngày Quang Trung chết (1792), thế lực Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, năm 1801 chiếm Phú Xuân. Năm 1802, Nguyễn Ánh ra Bắc tiêu diệt lực lượng Tây Sơn còn lại, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước. Vậy thống nhất đất nước là một quá trình đấu tranh gay go, mà sự kiện xóa bỏ Đàng trong, Đàng ngoài năm 1786 là sự kiện vĩ đại và có ý nghĩa nhất. Sự kiện năm 1802 là sự kiện kết thúc, hoàn thành công cuộc thống nhất. Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh là hai đối thủ không đội trời chung, nhưng cùng chung số mệnh là đấu tranh “thống nhất sơn hà”, thực hiện niềm khát vọng của nhân dân sau hơn 200 năm nội chiến, chia cắt.” Trong Kỷ yếu HTKH “Phú Xuân – Thuận Hóa thời Tây Sơn” (Huế, tháng 12-2001), tác giả Đỗ Bang nói rõ thêm: “(từ Phú Xuân Thuận Hóa) phong trào Tây Sơn lớn mạnh phát triển ra toàn quốc, đã xóa bỏ chế độ thống trị vua Lê – chúa Trịnh, chấm dứt tình trạng cát cứ Đàng Trong – Đàng Ngoài, lập lại nền thống nhất đất nước, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789)”. Ở một đoạn khác, tác giả dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Qúy Thi cho rằng: Việc Nguyễn Huệ vượt qua sông Gianh ra Đàng Ngoài “là một hành động hợp với quy luật lịch sử, cũng là một hành động vượt qua chính mình của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn”.

&

      Việc cai trị của chín chúa, mười ba vua kể từ đời chúa Tiên vào Nam năm 1558 đến khi Bảo Đại thoái vị năm 1945, cộng chung lại 387 năm, là rất lớn, nắm lấy vận mệnh dân tộc Việt Nam một thời gian dài.
      Nếu kể về sai lầm, không phải các vua chúa ấy không có. Tuy nhiên, xét cho cùng, việc kết tội Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà” là nói ngoa.

Trước khi ông Bá Đa Lộc giúp cho Nguyễn Ánh thì các cha cố người Tây phương cũng đã vào giảng đạo ở nước ta rồi, đâu có phải vì ông Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh mà người Pháp có cớ vào xâm lược nước ta. Ông Bá Đa Lộc chết sớm. Những người Pháp do ông Bá Đa Lộc tuyển chọn giúp Nguyễn Ánh thì sau nầy, có vài người làm quan trong triều, cũng đã “Việt hóa” thành Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chất. Sau khi Minh Mạng lên ngôi, các ông nầy xin trở về Pháp, không có ai quan hệ tới việc quân Pháp đánh phá nước ta xảy ra mấy chục năm sau đó.
      Dĩ nhiên, không ít người phê phán việc Nguyễn Ánh nhờ quân Xiêm La sang đánh Nguyễn Huệ, hay có quan hệ với nước Pháp, nhưng cũng không thể vì vậy mà chối bỏ công lao thống nhứt đất nước của ông ta được.

      Trong 13 đời vua - Nếu tính cả Cường Để, ông vua không ngai -, thì nhà Nguyễn có 14 đời vua, người có công, kẻ có tội. Tội thì nhỏ mà công thì lớn.

      Trong 14 đời vua, có tới 4 ông bị lưu đày. Đó là các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và Cường Để. So với các triều đại trước, triều đại nhà Nguyễn chịu nhiều đau thương hơn.

      Vã lại, bên cạnh đó, không ít ông vua có hiếu với cha mẹ, (như vua Tự Đức) có lòng thương dân, biết noi gương các đời vua trước, cai trị dân với lòng nhân đức.

      Ngay như vua Bảo Đại, người ta phê phán không ít về ông, và Việt Cộng xuyên tạc, bôi lọ ông cũng quá lắm, nhưng xét cho cùng, vua Bảo Đại rất có lòng thương dân.

      Khi Việt Minh cướp chính quyền ở phía Bắc, chính phủ lâm thời của ông Hồ Chí Minh được thành lập, vua Bảo Đại đã có ý thoái vị. Trong “Một Cơn Gió Bụi” Trần Trọng Kim viết:

“Tôi vào tâu vua Bảo Ðại: “Xin ngài đừng nghe người ta
bàn ra bàn vào. Việc đã nguy cấp lắm rồi, ngài nên xem lịch sử của vua Louis XVI bên Pháp và vua Nicholas II bên Nga mà thoái vị ngay là phải hơn cả. Vì dân ta đã bị bọn Việt Minh tuyên truyền và đang hăng hái về việc cách mệnh như nước đang lên mạnh, mình ngăn lại thì vỡ lở hết cả. Mình thế lực đã không có, bọn Việt Minh lại có dân chúng ủng hộ, nên để cho họ nhận lấy trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của nước”.

“Vua Bảo Ðại là ông vua thông minh, hiểu ngay và nói: “Trẫm có thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nền tự chủ của nước nhà là đủ. Trẫm muốn là người dân của một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

“Nhờ ngài có tư tưởng quảng đại nên có tờ chiếu thoái vị. Khi tờ chiếu ấy tuyên bố ra, nhân dân có nhiều người ngậm ngùi cảm động, nhưng lúc ấy phần tình thế nguy ngập, phần sợ hãi, còn ai dám nói năng gì nữa.

“Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: “Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Ðồng Minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự”.

Khi việc ấy trình lên, nhà vua hỏi việc ấy có gây ra đổ máu cho dân chúng hay không. Khi biết rằng việc đổ máu là không tránh được thì vua Bảo Đại từ chối. Ông không muốn dân Việt Nam phải gánh chịu nhiều đau khổ hơn nữa.

Ở thế kỷ 20, ba nhận vât lớn lãnh đạo Việt Nam là các ông Bảo Đại, Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, xem ra tay ông Bảo Đại ít dính máu dân lành hơn cả, chẳng qua, ông là người vô sự và ít tham vọng. Còn như Hồ Chí Minh, dưới triều đại của ông, bao nhiêu triệu người đã hy sinh cho “sự nghiệp” của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Điều căn bản của một người cầm vận mệnh dân tộc là thương dân, yêu nước. Người đó, dù làm vua hay làm tổng thống, chủ tịch, bao giờ họ cũng có một cái ngai vàng trong lòng dân chúng. Đó là cái ngai vàng vĩnh cửu, tồn tại mãi mãi mà nhà thơ Nguyễn Duy đã nói trong bài thơ trích dẫn ở trên:

“Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ.”

Trong 9 chúa 14 vua, không ít vua chúa đã có ngai vàng trong lòng dân tộc. Vậy thì, dù ai có dùng những thủ đoạn gian xảo, bỉ ổi nào đi nữa cũng không thể phủ nhận công lao của các vua chúa nhà Nguyễn đối với đất nước và dân tộc được?! 

hoànglonghải

      (1) Người dân Bình Định khi đi săn thú, thường lột da con thú săn được để làm nồi, nấu chính thịt con thú đã săn được.



Phụ lục: Bài đọc thêm
Công-Nữ Ngọc-Vạn
Tác Giả: Ngô-Viết-Trọng
CHƯƠNG 18 (Ngọc Vạn)

Trong suốt mấy thế kỷ liên tiếp, chỉ có vua Chey Chetta II đã tạo được một thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đáng gọi là thời hoàng kim trên đất nước Chân Lạp. Thời gian này việc bang giao giữa Chân Lạp với Đại Việt hết sức thân ái đẹp đẽ. Người Xiêm tuyệt nhiên không còn quấy phá đe dọa Chân Lạp như trước kia. Thấy vua Chey được Thuận Hóa triệt để ủng hộ, số người thân Xiêm trong triều đều nín khe, không dám hai lòng. Trong nước dân chúng yên bụng làm ăn, ban đêm cửa không cần đóng, ngoài biên lính thú có thể ngủ yên giấc. Nhiều người truyền miệng nhau cảnh sống thanh ấy bình có được cũng là nhờ sự “nhẹ vía” của vị quốc mẫu người Việt. Phải nói rằng đây là một thời kỳ hiếm thấy trên đất nước Chân Lạp triền miên chiến tranh chống ngoại xâm và dẹp nội loạn.
Chính vua Chey cũng hãnh diện công nhận ngài là người rất may mắn có được một người vợ tuyệt hảo. Ngài đã có những lúc sung sướng tận hưởng niềm vinh quang của một ông vua thời thịnh trị.
Về cuộc sống gia đình, ngài cũng hưởng được nguồn hạnh phúc chan chứa. Sau khi những yêu cầu về vấn đề di dân của người Việt được giải quyết thỏa đáng, vị hoàng hậu diễm lệ Ngọc Vạn đã thật sự có những nụ cười thật tươi với chồng.
Một thời gian sau, hoàng hậu Ngọc Vạn lại sinh cho ngài đứa con thứ hai, cũng thông minh, dễ thương không kém gì hoàng tử To, vua đặt tên cho hoàng tử là Nou. Lúc này hoàng hậu lại càng hết sức chiều chuộng, săn sóc chồng từ công việc đến các thú giải trí, đến từng miếng ăn, giấc ngủ và đến cả những giây phút ân ái. Ai cũng nhìn nhận vua Chey là một trong những vị vua có diễm phúc nhất trên đời!
Tội nghiệp vua Chey, ngài không hề biết một chút sự thật nào về nội tâm của người vợ tuyệt vời ấy. Người Việt có câu hát “Trái bồ hòn trong tròn ngoài méo, Trái sầu đâu trong héo ngoài tươi”, vua Chey chỉ tìm gặp hoàng hậu qua dạng bên ngoài của một trái sầu đâu.
Thật sự hoàng hậu Ngọc Vạn đã cố gắng tạo những nụ cười thật tươi, những nụ cười hoàn toàn trái ngược với cõi lòng khô héo của bà để hiến tặng chồng. Việc đó bây giờ đối với hoàng hậu hoàn toàn không phải với mục đích mời chào, mua chuộc nhà vua như trước kia! Mà nó hoàn toàn phát sinh từ tấm chân tình của một người biết hối lỗi khi bất đắc dĩ phải nhúng tay vào một tội ác. Bà thương chồng với tấm lòng người mẹ thương con, người chị thương em, hay người vợ thương chồng khi biết người thân của mình đã mắc chứng bệnh không còn cách chữa. Bà cố gắng phục vụ, chiều chuộng chồng hết mình như cố gắng làm thỏa mãn cho một người thân trước khi người ấy xa rời trần thế... Đó cũng là một cách để bà được giảm bớt nỗi ray rứt trong lòng. Mấy ai biết được diễm phúc thật sự của vua Chey lại nằm ở điểm này?
Tổ quốc trên hết! Dân tộc trước hết! Trước khi ra đi hoàng hậu Ngọc Vạn đã trân trọng hứa nguyện với cha già thân yêu, bà đâu dám lơ là với lời hứa nguyện đó được? Lúc đó bà còn quá trẻ đâu có thể lường đoán được sự phát triển tình cảm của mình với chồng, với con cái mình về sau này!
Cũng trong thời gian này, người Việt di dân lặng lẽ nới rộng sinh hoạt về thương nghiệp, công nghiệp cũng như nông nghiệp trên đất Chân Lạp một cách êm đềm với từng bước thật vững chắc và hoàn hảo.
Năm Mậu Thìn (1628), vua Chey mắc bệnh trầm trọng. Các ngự y đã tận tình săn sóc nhưng bệnh không cách nào thuyên giảm. Biết mình không còn sống được bao lâu, vua Chey gọi người em ruột là hoàng thân Préah Outey và mấy viên đại thần vào cung để phó thác việc sau. Ngài vốn có ba người con trai. Đầu tiên là hoàng tử Chan, con của hoàng hậu Pha Luông đã quá cố. Ông hoàng này đã từng được phong làm thái tử rồi lại bị truất. Hai người con trai khác là hoàng tử To và hoàng tử Nou là con của hoàng hậu Ngọc Vạn. Bình sinh vua Chey rất yêu quí hoàng hậu Ngọc Vạn nên cảm tình cũng thiên hẳn về To và Nou. Hơn nữa, ngài nghĩ chỉ chọn con của Ngọc Vạn hoàng hậu kế vị ngôi vua Chân Lạp mới mong được sự ủng hộ của Thuận Hóa. Đó là cách ngài phải chọn để nước Chân Lạp hi vọng được sống còn trước móng vuốt người Xiêm. Do đó, Chan đương nhiên bị loại ra ngoài tầm lựa chọn làm người kế vị. Trước khi lâm chung, vua Chey quyết định phong To làm thái tử để kế vị ngài.
Truyền ý chỉ của mình xong, không bao lâu thì vua Chey thăng hà. Hoàng thân Préah Outey và triều đình bèn phò thái tử To lên ngôi lấy hiệu là Chau Ponhea To. Hoàng hậu Ngọc Vạn được tôn lên làm thái hậu.
Vua Chau Ponhea To còn quá nhỏ nên quyền chính hầu hết nằm trong tay quan phụ chính Préah Outey. Ông này là người rất trung hậu và cũng có tinh thần bài Xiêm quyết liệt như vua Chey nên chính sách ngoại giao của Chân Lạp không thay đổi gì. Chính sách thân Việt vẫn được duy trì, di dân người Việt vẫn tiếp tục được ưu đãi.
Chan là hoàng tử lớn mà không được lập làm vua nên sinh lòng bất mãn, ngầm vận động nổi dậy tranh quyền. Những đại thần thiếu thiện cảm với người Việt lợi dụng tình trạng này âm thầm qui tụ chung quanh Chan để mưu tính về sau. Những sắc dân khác lâu nay vẫn ngầm ganh tức vì người Việt được ưu đãi quá nhưng không làm gì được, nay có cơ hội, cũng ủng hộ Chan. Các chính phủ Xiêm, Lào cũng hứa sẽ ủng hộ nếu Chan mưu đồ chuyện lớn. Những hoạt động của phe đảng Chan tuy ngày mỗi phát triển nhưng họ vẫn còn giữ được bí mật. Triều đình chỉ nghe biết một cách mơ hồ mà chưa nắm được bằng cớ gì hết.
Đêm ấy, vua Chey lại vào thăm hoàng hậu. Sau ngày sinh hoàng tử, hoàng hậu lại càng hay bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng về cảnh mẹ ăn thịt con. Nội tâm bà bỗng chia hẳn ra hai thế giới mâu thuẫn nhau. Khi bước chân ra ngoài, bà vẫn giữ vững lập trường cứng rắn là theo đuổi phục vụ tổ quốc đúng con đường bà đã vạch sẵn. Thế nhưng khi trở về trong phòng riêng một mình, bà lại sống theo cảm quan của một người mẹ thương con vô bờ bến, lại bị dằn vặt hối hận đến muốn quên những lời đã hứa hẹn với cha mình. Những mâu thuẫn đó đã làm cho bà đau khổ ghê gớm. Và hình như nỗi đau khổ đó đã thâm nhập vào nhan sắc tự nhiên cố hữu của Ngọc Vạn, khiến trông bà càng diễm tuyệt đến tê tái lòng người. Vua Chey Chetta II càng yêu bà say đắm, lúc nào cũng quyến luyến không muốn rời ra.
Sau một thời gian cầm quân chinh chiến xa cách, lại mang được chiến thắng vinh quang trở về, vua Chey hi vọng lần này ngài sẽ được đón nhận bằng một nụ cười hân hoan của hoàng hậu. Nhưng khi giáp mặt nhau, nhà vua vẫn chạm phải cái vẻ nghiêm nghị lạnh lùng muôn thuở.
. Ái hậu mạnh giỏi chứ!
Hoàng hậu xá vua mà thưa:
. Cám ơn thánh thượng, thần thiếp vẫn an lành. Thần thiếp xin chúc mừng thánh thượng chiến thắng vinh quang!
Nhìn nét mặt buồn chảy của hoàng hậu, vua càng thấy xốn xang thêm. Ngài nói:
. Hoàng hậu chúc mừng ta chiến thắng sao không tặng ta một nụ cười?
Hoàng hậu thưa:
. Thiếp vẫn có tật, trong lòng nếu không thoải mái thì không cách nào cười được, cúi xin thánh thượng tha tội!
Vua Chey hỏi:
. Hậu muốn cho lưu dân đồng bào của hậu được tự do khai khẩn sinh sống, ta đã ban lệnh cho phép rồi, hậu lại xin cho họ được võ trang để tự vệ, ta cũng không từ chối, hậu còn điều gì không thoải mái nữa? Chẳng hiểu vì sao tới bây giờ hậu vẫn cứ buồn như thế?
Hoàng hậu nhỏ nhẹ thưa:
. Thay mặt đám lưu dân người Việt, thiếp xin tri ân sâu xa đối với tấm lòng quảng đại vô bờ của bệ hạ. Bệ hạ đã rộng lòng cho thần dân của thiếp đến khai khẩn làm ăn trên đất nước của bệ hạ. Bệ hạ cũng không ngần ngại mà cho phép họ được võ trang để tự vệ. Nhưng vấn đề này giải quyết xong thì vấn đề khác lại nẩy sinh. Sau khi các đơn vị võ trang của cộng đồng di dân người Việt được thành lập, triều đình Đại Việt lại phải cử người đến cai quản họ, phải cung cấp tài chánh, mua sắm vũ khí, bỏ công sức huấn luyện cho họ. Việc này rất tốn kém, lại rất trở ngại vì triều đình Đại Việt ở quá xa xôi. Mà như bệ hạ đã thấy đó, các lực lượng võ trang này đã từng là biểu tượng cho quân đội Đại Việt, họ đã thật sự giúp bệ hạ trong việc đẩy lui giặc Xiêm La. Xin bệ hạ vì tình nghĩa thông gia môi răng khắn khít, thông cảm sự khó khăn của triều đình Đại Việt, cho Đại Việt lập một đồn kiểm soát quan thuế ở Prey Kor để họ tự lấy thuế kiều dân Việt mà chi dụng vào các việc cần thiết. Việc này thật ra cũng có lợi cho Chân Lạp lắm chứ! Làm được như vậy, khi bệ hạ cần tới sức họ, chỉ hú một tiếng là họ vui vẻ lên đường hết lòng hi sinh cho sự sống còn của Chân Lạp ngay!
Vua Chey ngẫm nghĩ chốc lát rồi phán:
. Hoàng hậu nói đúng! Sở dĩ nước Xiêm trong thời gian gần đây đưa quân xâm lược Chân Lạp, vừa chạm trán người Việt là phải rút lui, như thế lực lượng võ trang Đại Việt quả là một lá bùa hộ mệnh hữu dụng mà trẫm phải đeo để trấn áp người Xiêm! Vậy tại sao trẫm lại không muốn tạo mọi sự thuận lợi cho người Việt! Nhưng ngặt trong số quần thần có kẻ này người nọ, họ cho rằng nếu chấp thuận như thế thì coi như Chân Lạp đã mất một phần chủ quyền quốc gia. Bao nhiêu ngày cả hai phe tranh cãi kịch liệt mà vẫn chưa xong đấy!
Hoàng hậu nói:
. Việc tranh cãi một vấn đề, thói thường vẫn chín người mười ý. Có người chỉ tranh cãi lấy lệ, có người tranh cãi vì ý đồ riêng... đâu phải ai cũng tranh cãi vì trách nhiệm? Việc thịnh hay suy, còn hay mất của nước Chân Lạp hiện nay ai trách nhiệm? Có phải chính bệ hạ là người chịu tất cả trách nhiệm không? Tại sao bệ hạ không quyết định mà phải để cho họ tranh cãi đến bao giờ mới xong? Như thế vô tình bệ hạ đã làm cho quyền lực một ông vua nhẹ thể đi mất! Bệ hạ là đấng chí tôn trong nước, bệ hạ có quyền quyết định tối hậu chứ!
Vua Chey nói:
. Ái hậu nói có lý! Được! Trẫm thuận cho phép người Việt lập một đồn quan thuế ở Prey Kor để tự thu thuế mà chi dụng!
Hoàng hậu nghe vua phán xong, quì xuống lạy mừng:
. Bệ hạ quyết định như vậy quả thật là sáng suốt. Thế tức là bệ hạ đã mua được một nguồn ơn nghĩa lớn lao của Đại Việt rồi! Sau này, lỡ bệ hạ gặp rắc rối gì Đại Việt làm sao mà ngó ngơ không hết lòng vì bệ hạ được?
Vua Chân Lạp sung sướng đỡ hoàng hậu dậy:
. Ơn nghĩa gì! Chỉ cần hoàng hậu được vui là trẫm toại nguyện rồi!
Vua Chey tự mình thảo chiếu chỉ, lại tự tay đóng ấn rồi giao cho triều đình thi hành. Lần này việc làm của nhà vua thành đạt suông sẻ. Có lẽ nhờ cuộc chiến thắng quân Xiêm quá vẻ vang đã làm tăng uy tín cho nhà vua. Hơn nữa, đội quân Đại Việt đã rất đắc lực góp phần trong chiến thắng này quá hiển nhiên không ai chối cãi được. Vì thế, không có một vị quan nào lên tiếng phản đối nữa.
Từ đó, Prey Kor thành đầu cầu chiến lược, việc di dân của người Việt có căn bản vững chắc để dần phát triển toàn diện công, thương, nông nghiệp trên toàn vùng đất Thủy Chân Lạp.
Trước kia, di dân người Xiêm cũng được phép tùy tiện khai khẩn đất đai của Chân Lạp. Các sắc dân khác đều phải nể sợ, nhường nhịn, nên người Xiêm càng thả sức dọc ngang. Họ vốn tính hung bạo, ngang ngược, lại quá tự tôn nên rất khó thân thiện với các sắc dân khác. Thời gian sau này, chính quyền Chân Lạp không còn chịu áp lực của chính quyền Xiêm nữa nên mọi ưu đãi dành riêng cho di dân người Xiêm cũng không còn. Những khi xảy ra sự va chạm với các sắc dân khác, người Xiêm không còn được đặc biệt bênh vực che chở nữa. Trong khi đó, những người Việt cần cù kéo đến lập nghiệp ngày càng đông. Cái tin người Việt được quỉ thần che chở, giúp đỡ lại mỗi ngày mỗi lan rộng. Người Xiêm tự nhiên cảm thấy bị cô lập, bị quấy rối, bị đe dọa... Thế là họ đành lần lượt tìm đi nơi khác làm ăn hoặc hồi hương.
Không bao lâu, trên khắp vùng Thủy Chân Lạp người ta thấy xuất hiện những cánh đồng lúa, bắp bát ngát mênh mông. Thật là một cuộc biến hóa đổi đời kỳ diệu! Bản chất cần cù, kiên nhẫn, tranh sống mãnh liệt của dân tộc Việt đã được thể hiện mạnh mẽ. Những người Việt không có được một mảnh đất cắm dùi trên chính quê hương mình chẳng mấy chốc bỗng trở nên những đại điền chủ trên quê người. Thế là tiếng đồn cứ lan ra, lan ra! Hầu hết dân nghèo bên này sông Gianh trở vào lại cứ đua nhau tìm đến vùng đất mới. Những người bị chính quyền Đàng Ngoài coi là bất hảo vượt biên vào Đàng Trong cũng được chúa Nguyễn giúp phương tiện đưa đi lập nghiệp sinh sống. Thành ra, những khó khăn về công ăn việc làm của xứ Đàng Trong không còn tồn đọng nữa. Mức sống của dân Đàng Trong tự nhiên được nâng cao hơn hẳn so với dân Đàng Ngoài. Do đó, kho đụn của chính quyền Đàng Trong càng trở nên dồi dào, sung túc.






 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top