Tôi qua Mỹ theo diện HO8 và định cư tại thành phố San Jose . Lần đầu tiên tôi gặp Cụ Hà Thượng Nhân tại hải ngoại nhân buổi ra mắt tập thơ “Một Rừng Chánh Khí” của nhà thơ Trường Giang.
Năm ấy, tuổi đã gần 80 mà trông cụ còn rất khỏe mạnh, đi đứng vững vàng, mắt sáng không cần mang kính lão. Trong tiết mục nhận xét về tập thơ, Cụ Hà là diễn giả chính. Giọng nói ấm và rành mạch với lời phát biểu tuy trầm tĩnh nhưng khá đanh thép về những nhận xét thẳng thắn, không thiên vị. Câu nào hay có ý nghĩa cụ khen, câu chưa đạt được ý lời, cụ góp ý sửa chữa.
Đọc thơ theo quan điểm của cụ là phải thấm từng lời, từng chữ. Cụ nói trước cử tọa Cụ không phải là loại diễn giả “mặc áo thụng vái nhau”. Cụ tiếp: “Người đọc đã đặt niềm tin ở mình thì người nhận xét thơ phải trung thực để người làm thơ có cơ hội thăng tiến trong nghệ thuật sáng tác”.
Cụ nhận xét : Nhà thơ Trường Giang mới học làm thơ Đường Luật từ ngày trong trại tù Cộng Sản mà tôi thấy tác giả đã tiến bộ vượt bực về kỹ thuật sáng tác thơ Thất ngôn Bát cú Đường luật như người đã “sống” với thơ Đường lâu năm. Thơ Đường của Trường Giang rất chặt chẽ về niêm luật. Các vế đối trong một bài thất ngôn nào cũng chỉnh. Tuy nhiên vì quá nghiêm khắc trong cách chọn từ nên khiến cho bài thơ mất đi phần tự nhiên .
Tôi còn nhớ trước năm 1975, nhân chuyến về dự đại hội tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của cán bộ CTCT từ cấp trưởng phòng trở lên trên toàn quốc. Phái đoàn các tỉnh được hướng dẫn đến viếng thăm các phòng ban trực thuộc Tổng Cục. Chúng tôi có đến tham quan Tòa soạn Báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nhật Báo Tiền Tuyến… Nhân dịp nầy tôi được diện kiến Trung tá Phạm Xuân Ninh Bút hiệu Hà Thượng Nhân. Đó là lần đầu tiên tôi gặp mặt nhà thơ Hà Thượng Nhân. Người viết thường xuyên trong mục “Đàn Ngang Cung”. Thuở ấy tuổi cụ cũng kề cận với cái tuổi “Lục thập nhi thuận nhĩ ” nhưng trông Cụ rất phương phi.
Sau lần tham dự buổi Ra Mắt Sách, tôi và nhà thơ Trường Giang thường chở nhau đến nhà thăm viếng cụ Hà. Những dịp nầy Cụ thường kể cho chúng tôi nghe về nghề làm báo chí trong một chế độ tôn trọng quyền Tự Do Ngôn Luận của thời Việt Nam Cộng Hòa khiến cho ngành kinh doanh về in ấn và xuất bản rất dễ phát đạt.
Những kỷ niệm về các chuyến đi xuất ngoại dự các cuộc họp và đọc tham luận về nền Văn hóa Dân tộc của các nước trong Thế Giới Tự Do do Văn Bút quốc tế tổ chức. Cụ nói về kỷ niệm của các cuộc thi tuyển thơ toàn quốc mà cụ là một thành viên trong Ban Giám Khảo Chấm Thi của Miền Nam …
Rất nhiều giai thoại về các nhà văn, nhà thơ, kể cả quan chức thời đó mà cụ thường hay tiếp cận. Cụ đọc bài thơ “ Ông Về Ông Kẻ Lông Mày Tí Chăng?”(có ý viết riêng cho ông Kỳ) đăng trong “Mục Đàn Ngang Cung” trong dịp Tết Đinh Mùi (1967). Lúc bấy giờ Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đang làm Thủ Tướng. Bài thơ tạo nhiều dư luận thích thú thời bấy giờ (xin trích một đoạn đầu):
“Ông làm Thủ Tướng, tôi làm thơ,
Tôi gửi cho Ông thật bất ngờ.
Tuy chẳng quen đâu, nhưng chẳng lạ,
Dẫu không thân nữa, cũng không sơ.
Nếu chưa láo lếu từ khi ấy,
Sao có ngông nghênh lúc bấy giờ.
Nghe nói rằng Ông chơi được lắm,
Thử xem Ông quả có cao cờ.
Ghế Thủ Tướng ? Ờ ờ cái đó,
Có ra gì, mây chó (1) mà thôi.
Gặp thời cũng ghé đít ngồi,
Đeo râu, đội mũ một hồi đã sao ?”
Nhà thơ Hà Thượng Nhân còn cho biết là sau khi đọc bài thơ, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ nhờ Trung Tá Vũ Đức Vinh (tức nhà văn Huy Quang) lúc ấy là Tổng Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh đem quà đến biếu ông (một hộp thuốc lá mạ vàng có khắc chữ viết tay của Ông Kỳ : “Nguyễn Cao Kỳ thân tặng nhà thơ Hà Thượng Nhân”, một cái bật lửa, một cặp bút máy) và mời cụ đến chơi nhưng nhà thơ Hà Thượng Nhân đã từ chối và nhất định không chịu gặp khi ông Kỳ đang tại quyền.
Thời gian gần đây, với số tuổi gần chín mươi mà trí tuệ của cụ vẫn còn minh mẫn. Phải công nhận cụ Hà có một trí nhớ thiên phú. Cụ còn nhớ từng lời phát biểu hoặc tranh luận với những người đông môn từ thời xa xưa. Những bài thơ dài dằng dặc của các thi sĩ khác, đến nay cụ vẫn còn đọc vanh vách không thiếu một chữ nào. Cụ kể lan man từ đề tài nầy sang đề tài khác. Cụ nói rất say sưa quên cả người đối diện. Đến thăm cụ Hà, chúng tôi chỉ biết ngồi nghe, nghe suốt buổi đến lúc phải từ biệt ra về.
Có lần chúng tôi được cụ cho xem tập bản thảo viết tay mà cụ đã dành một đêm họa hết tập thơ gần một trăm bài của nhà thơ Hà Bỉnh Trung mới xuất bản, từ tiểu bang Virginia gởi tặng cụ. Chúng tôi khâm phục tài sáng tác của cụ, gần như “ứng khẩu thành thơ”.
Lần tôi chuẩn bị xuất bản tập thơ đầu tiên nơi hải ngoại, tôi mong muốn được Thi sĩ Hà Thượng Nhân viết cho một bài Tựa để giới thiệu thơ của tôi, song tôi rất ngại ngùng vì chưa có niềm tin ở thơ mình. Tôi sợ thơ tôi không đủ tiêu chuẩn để cụ đặt bút viết mà cụ đã thường bày tỏ quan niệm : “ Người phê bình thơ không nên có kiểu mặc áo thụng vái nhau”.
Có lần tôi và nhà thơ Trường Giang đến nhà thăm cụ, sẵn dịp tôi mang biếu cụ lon trà King Tee của Đài Loan mà cụ ưa thích. Sau khi khui lon trà của chúng tôi đem biếu, cụ chế trong một ấm trà nhỏ làm bằng đất màu gan gà. Loại bình tách nầy được bán đại trà trong các tiệm tạp hóa ở hải ngoại nầy. Hình như cụ tiếp khách bằng độc nhất bộ bình tách đó. Tôi nhìn thấy trên bàn một tập bản thảo thơ của một nhà thơ nữ đặt chồng lên trên cuốn sách mới xuất bản của một tác giả nổi tiếng trước năm 75 từ Úc Châu gởi tặng cụ. Tôi cầm tập thơ bản thảo định xem qua, Cụ bảo:
“ Cô ấy nhờ tôi viết lời tựa cho tập thơ đó, nhưng tôi từ chối vì mình nhắm mắt viết những lời khen thì không thể được mà phê bình trung thực thì khó vô cùng, nên tôi thoái thác vì tuổi già bây giờ không còn tinh thần để đọc nhiều nữa.
Sau buổi thăm viếng đó, tôi quyết định bỏ ý định nhờ cụ Hà viết lời tựa trong tập thơ.
Khi tập thơ “Từ Đó Em Yêu” hoàn tất, tôi mang tặng Cụ Hà trước khi tổ chức buổi “Ra Mắt Sách”kèm theo là một audio cassette ngâm thơ do nghệ sĩ Hồng Vân, người sinh trưởng tại Quảng Ngãi thực hiện với 14 bài thơ trích trong tập thơ “Từ Đó Em Yêu” lấy tựa đề là “Quảng Ngãi Quê Hương Ơi”. Đây là cassette dự tính sẽ tặng cho quan khách đến tham dự trong buổi “Ra Mắt Sách”.
Khoảng một tuần lễ sau, tôi nhận được lời nhắn trong điện thoại của cụ Hà Thượng Nhân bảo đến nhà cụ lấy lại tập thơ. Tay chân rã rời, đầu óc bấn loạn và trái tim tôi gần như vỡ tan vì cái tin nhắn “sắt đánh” nầy.
Tôi hoàn toàn thất vọng như tâm trạng của cậu học trò ngày xưa không được gọi tên mình trong bảng kết quả kỳ thi. Niềm hy vọng càng cao, thì nỗi thất vọng càng lớn.
Trước niềm tin bị đổ vỡ, tôi như chiếc lò xo bị mất xung lực. Ngày ông Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng, tôi cũng đã để rơi nước mắt trước số phận của vợ con mình, nhưng chung quanh còn có cả hàng triệu người cùng chung nỗi khổ như nhau. Vả lại, đó là hoàn cảnh lịch sử của đất nước không ai có thể ngăn được dòng thác lũ của thời đại. Đó là chuyện lớn của một tập thể dân tộc, còn tập thơ của tôi nó thuộc về lãnh vực tài năng, năng khiếu của một cá nhân.
Lòng tự ái của con người bị thương tổn khi một vật tặng bị trả lại, mà vật tặng nầy thuộc lãnh vực trí tuệ. Không thể chần chừ được nữa, tôi liền điện thoại tâm sự với nhà thơ Trường Giang về cú message của cụ Hà. Anh Trường Giang hối tôi đến chở anh cùng đi lên nhà của cụ Hà để biết lý do. Bởi theo anh Trường Giang thì cụ Hà rất tế nhị, nhưng đây là một “ca” đặc biệt.
Anh hỏi thêm: “Những bài thơ của anh viết trong tập thơ có bài nào xúc phạm đến cụ không ?”
Tôi trả lời : “ không bao giờ tôi đối xử như thế với người khác ngang hàng chứ đừng nói chi đến một bậc huynh trưởng đáng tôn kính như cụ, thuộc vai vế bậc cha, bậc thầy của mình”.
Khi đến nơi, thật sự tôi không còn tinh thần để bấm chuông và còn trù trừ không muốn vào nhà. Anh Trường Giang chủ động tất cả. Khi cửa mở, Cụ Hà tươi cười bắt tay chúng tôi như thông lệ. Cụ chậm rãi mang bình nước trà đi thay trà mới, rửa sạch các tách trà. Riêng tôi thì lòng như lửa đốt, đảo mắt nhìn quanh nhà xem tập thơ của mình có bị vứt bỏ trong xó xỉnh nào không. Anh Trường Giang lật một tập truyện ngắn đặt trên bàn xem lướt qua..
Cụ mang khay trà đến bàn. Trong khi anh Trường Giang rót trà ra ba cái tách, cụ Hà đứng lên lê đôi dép lệt bệt trên sàn nhà, chậm rãi vào buồng ngủ, rồi trở ra phòng khách trên tay cầm cuốn thơ trao cho tôi , Cụ bảo: Tôi đã đọc hết tập thơ của anh.
Thú thật, lúc bấy giờ tôi muốn cầm tập thơ đứng lên xin kiếu từ ra về, nhưng vì phép lịch sự nên phải mở sách ra xem. Tôi thấy nhiều chữ viết tay bằng mực bút bi màu xanh dày đặc trên những trang thơ. Những nơi thì đánh dấu vòng tròn quanh một từ, những nơi khác thì dấu ngoặc lớn ngoài lề sách kèm theo là chữ hay, khá, hay tuyệt, có nơi thì cụ ghi: không nên dùng chữ trùng âm trong một câu, cần tránh… Và trên trang giấy trắng cuối cùng tập thơ, cụ ghi rất trang trọng câu sau đây mà đến bây giờ và có lẽ cho mãi cuối đời, tôi vẫn còn nao nức mỗi lần đọc đến nó: “Trong số người làm thơ, có đến hàng trăm, hàng ngàn nhưng chưa chắc có một người là thi sĩ, nhưng Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích đích thực là một Thi sĩ”.
Trao tập thơ cho anh Trường Giang, tôi đứng lên đến ôm vai cụ với trái tim đầy xúc động, tôi nói : “ Em xin cảm ơn Thầy”. Tôi hôn vào chiếc má đầy vết nhăn mà mắt tôi thì rưng rưng ngấn lệ. Cụ Hà cười, bảo : Hôm nào anh gởi biếu cho tôi tập khác nhé.
Xung lực của chiếc lò xo trong tôi, dường như được cụ Hà Thượng Nhân, người Thầy của tôi đã “tái tôi luyện” bằng một “dung dịch vô hình” cực kỳ quý hiếm nên đã được hoàn toàn phục hồi. Kể từ đó tôi gọi cụ là Thầy Hà Thượng Nhân.
Niềm tin vào những bài thơ của tôi được đánh giá rõ ràng, chắc nịch của người thầy Thi Sĩ mà những nhà thơ hải ngoại thường gọi cụ là “Hà Chưởng môn”.
Hôm sau tôi đem biếu cụ tập khác để thế cho cuốn trước mà cụ đã dành nhiều thì giờ ghi những điều nhận xét giúp cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm và vững tin. Nhân dịp nầy, tôi mạnh dạn bày tỏ niềm mong ước của tôi là xin cụ đứng tên Trưởng Ban Tổ Chức và là người giới thiệu tác phẩm trong buổi “Ra Mắt sách Thi Phẩm Từ Đó Em Yêu”. Cụ đồng ý ngay và còn dặn dò thêm : Mang bản chính giấy mời cho cụ ký trước.
Trong buổi Ra Mắt Thi Phẩm “Từ Đó Em Yêu” tại Thánh Đường Tự Do vào tháng Bảy Năm 2002, Nhà thơ Trường Giang phụ trách phần giới thiệu Tác Giả. Trong bài viết Trường Giang có nhắc lại câu nói trên của Thầy Hà Thượng Nhân.
Trong phần “Giới Thiệu Tác Phẩm”cụ Hà có đề cập đến thơ chiến đấu là loại thơ rất khó thu hút người đọc. Người làm thơ loại nầy dễ đi lạc vào lối thơ tuyên truyền. Cũng như thể thơ lục bát, không khéo trở thành những câu ca dao trong nhân gian.
Cụ phát biểu : “ Làm thơ chiến đấu mà như hô khẩu hiệu để tuyên truyền thì in ra không ai đọc, bán không ai mua. Trong tập thơ của Hạo Nhiên có một số bài thơ thuộc loại thơ chiến đấu, nhưng tác giả đã tránh được những khuyết điểm mà tôi đã trình bày trên”. Cụ Hà tiếp :
Trong bài “Giấu Lửa Trong Tim”, Nguyễn Tấn Ích viết về cái chết của bạn tù bị Việt Cộng giết hại rất xúc động. Làm thơ chống cộng mà được như thế nầy là đạt được mục đích :
“ Đứng trước mộ mầy, giữa núi non,
Tim tao hực lửa, lửa căm hờn
Trong cơn nắng Hạ rừng khô khốc
Mà mắt tao đầy giọt lệ tuôn!”
Vẫn trong phần nói về nghệ thuật làm thơ tuyên truyền , cụ đề cập đến thơ của Hàn Mặc Tử. Cụ nói: Một bài thơ của Hàn Mặc Tử nó tác động rất mạnh mẽ về đức tin Công Giáo gấp cả trăm lần bài giảng đạo của các vị linh mục. Nói đến đây, cụ đọc một mạch mấy câu thơ trong bài “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” mà không cần nhìn vào sách vở:
“… Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn triều mến
Lạy Bà là Đấng trinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang…”
Cụ Hà ngừng một giây, hớp một ngụm nước rồi tiếp:
- Mời quý vị đọc bài thơ “Người Đến Với Tôi” trang 94 trong tập thơ mà quý vị đang cầm trên tay, tôi nghĩ Hạo Nhiên đã thành công trong loại thơ nầy, như phần kết bài thơ, tác giả viết:
“… Tôi cảm nhận một làn hơi truyền mãi
Từ tay Người mang dấu ấn Thánh Linh
Từ tay Người mang dòng chữ Thánh Kinh
Cuồn cuộn chảy hai nghìn năm cứu thế
Chưa hề khóc, bỗng mắt tôi nhòa lệ
Người đến rồi, hóa giải được hồn tôi
Giữa mùa Giáng sinh thứ nhất trong đời
Tôi tin nhận đặt niềm tin nơi Chúa!
Đọc những đoạn thơ như thế nó tác động tâm lý người đọc vô cùng và tạo thêm sức mạnh cho đức tin tôn giáo.
Có lẽ vì tính phê bình thơ quá thẳng thắn mà có một vài người không thích cụ. Họ đã tìm kẽ hở của cụ mà phá bĩnh. Nhân một lần cụ đỡ đầu cho buổi ra mắt Thi Phẩm “Duyên Thơ” của nữ sĩ Tâm Huyền đến từ Canada. Tuổi cụ Tâm Huyền năm ấy đã ngoài 80. “Duyên Thơ” là đứa con tinh thần sinh sau đẻ muộn.
Cụ đã lặn lội qua nước Mỹ, nơi có khá đông thi văn hữu là bạn thân của bà cụ sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc ra mắt cho đứa con út của bà, trong đó có cụ Hà Thượng Nhân tình nguyện đứng ra tổ chức buổi Ra Mắt Sách. Không biết vì lý do gì mà có vài người cho rằng thơ bà Tâm Huyền không chống cộng. Lấy cớ đó họ vận động một số người khác tẩy chay khiến bà cụ nhiều đêm mất ngủ.
Tôi thật sự đau lòng và phẫn nộ bởi thơ của bà có khá nhiều bài chống cộng với lời thơ bóng bẩy, thâm thúy và đầy trăn trở. Tôi xin được trích ra đây bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật có tựa đề “Vĩnh biệt Xã Hội Chủ Nghĩa” để dẫn chứng:
“Thế giới người ta tỉnh cả rồi,
Nước mình mê ngủ mãi không thôi.
Giáo điều rã mục từ trong gốc,
Chủ nghĩa tan tành ở tận nôi.
Còn kẻ rao hàng ôm xác chết,
Cản người xịt thuốc khử mùi hôi.
Mau lay nhau dậy bừng con mắt
Ngẩng mặt cho, không tủi giống nòi !”
Tâm Huyền.
- “Ôi, ở đời sao có kẻ ác tâm đến thế, đi đánh phá một người đã đem cả tâm huyết cuối đời lưu lại một thi phẩm cho nền văn học nước nhà nơi hải ngoại.”
Đó là câu nói của một quan khách thốt lên khi nhìn thấy một số người cầm cờ, biểu ngữ chống đối đứng bên ngoài hô khẩu hiệu đả đảo trong lúc Ban Tổ Chức đang khai mạc Buổi Ra Mắt Thi Phẩm “ Duyên Thơ”của nữ sĩ Tâm Huyền.
Một người khác thì thầm khi thủ tục khai mạc buổi lễ chấm dứt :
- Nhìn cảnh chống đối bên ngoài khiến tôi bi quan vô cùng. Số người đọc cũng như những người viết tác phẩm văn học bằng tiếng mẹ đẻ nơi hải ngoại mỗi ngày mỗi cạn mà còn chống đối kiểu nầy sẽ khiến cho giới trẻ thêm nản lòng. Một người bạn khác kéo tay chúng tôi lặng lẽ đi vào một nơi góc phòng nằm khuất bên ngoài đứng tâm sự:
- Anh buồn vì số người đọc sách tiếng Việt nơi hải ngoại này ngày một giảm. Nhưng thử hỏi trên 84 triệu dân ở quê nhà ngày nay đã có mấy người đọc sách. Họ phải chạy kiếm miếng ăn từng bữa đến mờ mắt còn thời giờ đâu mà sách với báo. Người nông dân năm tháng làm việc như úp mặt xuống ruộng đồng, mà bọn “Thái Thú Ba Đình” tìm cách lấy đất bán cho ngoại nhân.
Cái nhóm cán bộ đảng viên lo chạy mánh, buôn lậu, ăn cắp của công thì còn tha thiết gì đến sách. Bọn họ đàn đúm ăn nhậu, phè phỡn hưởng thụ trên thân xác của những người con gái ngây thơ tuổi đáng con cháu của mình. Thử hỏi còn tìm đâu ra tinh hoa văn học, giá trị nhân bản trong xã hội đầy dẫy bất công hơn bao giờ ! Sách không còn là phẩm vị của ngọn đèn trí tuệ thì xã hội ngập chìm trong bóng tối của suy đồi. Đó mới thật sự là nỗi đau của chúng ta, nỗi buồn của sách !
Tài làm thơ nhanh của Cụ Hà Thượng Nhân được người đời bây giờ truyền tụng :
“Chỉ bảy bước là xong một bài thơ đường luật”. Trước năm 75, cụ từng là chủ bút một số tờ báo lớn tai miền Nam . Những bài thơ đăng trong mục “Đàn ngang cung” đã nhiều lần cụ chọc viết vào “hang hùm” chẳng chút e dè.
Mười mấy năm tù cộng sản, Cụ Hà vẫn bền lòng, giữ tư cách và khí khái của một nhà trí thức miền Nam. Không như những tù nhân lớn tuổi khác lúc nào cũng “cẩn tắc vô ưu”. Tôi có nghe nhiều giai thoại về cụ Hà trong những năm ở tù Cộng Sản đã được nhà thơ Trường Giang từng sống chung trong tù với cụ kể lại.
Tường thuật câu chuyện nầy, tôi e ngại sẽ làm phiền lòng cụ, bởi cụ không muốn ai ca ngợi lẫn bênh vực mình, nhưng vì đã viết thì phải viết cho trọn những điều mắt thấy tai nghe để những ai đánh phá cụ Hà là “người không chống cộng” mà xét lại việc đã làm trước kia gây bao bức xúc cho những người có tâm huyết, có tấm lòng bảo vệ và phát huy nền văn học trong sáng mang tính nhân bản của dân tộc Việt chống lại độc tài và áp bức. Vì vậy, tôi xin kể sơ lược vài câu chuyện mà thôi :
Trong giờ lao động tại trại tù Z30A, tên cán bộ coi tù mặt còn non choẹt thấy cụ Hà bỏ cuốc vào một bụi cây để tránh cơn xây xẩm vì say nắng, hắn liền đến trước mặt ông cụ, rồi lớn tiếng giáo dục. Nào là chây lười, mang thói ngồi không ăn bám, trước kia chỉ biết ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc, nay làm việc như thế chỉ bốc phân mà ăn... Ông cụ ngồi yên nghe hắn mạt sát, nói trên trời dưới đất như một con vẹt. Khi bài “thuyết giảng” chấm dứt, cụ bảo với hắn:
- Cán bộ nói xong rồi, bây giờ cho phép tôi có vài lời. Cán bộ có đồng ý cho tôi trao đổi trên tinh thần cởi mở không?
- Được, cho phát biểu nhưng phải nghiêm chỉnh.
Đứng trước mặt tên vệ binh coi tù , ông cụ bình tĩnh, lên tiếng chậm rãi, thẳng thắn:
- Nhìn khuôn mặt, tôi đoán tuổi tác cán bộ ở vào hàng vai vế cháu con tôi. Còn nhìn chữ viết, tôi đoán cán bộ chỉ là anh học trò lớp bảy hay lớp tám là cùng. Trong khi đó học trò của tôi ngoài đời có người đã là giáo sư đại học, là tướng lãnh. Tướng Nguyễn Sơn của chế độ hiện giờ cũng là học trò cũ của tôi đấy.
Tôi là người trí thức được đào tạo để làm công việc bằng trí óc. Hãy thử giao công việc bằng trí óc cho tôi, tôi sẽ không thua bất cứ một lãnh đạo nào của anh, kể cả Tố Hữu.
-A, anh này láo ! Cán bộ chặn lại - Anh là cái thớ gì mà dám so sánh với Phó Thủ Tướng.
-Muốn biết tôi là ai, cán bộ đi hỏi Tố Hữu là hắn phải biết tôi. Tố Hữu một thời là bạn thơ của tôi đấy. Ngay cả anh ta cũng chưa dám giáo dục tôi nữa là anh. Là kẻ chiến thắng, có súng trong tay các anh bắt chúng tôi nói con chó là con bò, chúng tôi cũng phải nói theo. Nhưng trong thâm tâm chúng tôi vẫn cho đó là con chó, không thể nào khác được. Vì vậy những điều anh “giáo dục” khiến tâm tôi đã không phục mà khẩu cũng không phục luôn. Tri thức con người không cho phép chúng tôi nhắm mắt tin theo.
Tên cán bộ đỏ mặt quát :
-Anh là tên ngụy cực kỳ phản động, hãy bước ra ngoài hiện trường đi lao động ngay, tối về viết tờ kiểm điểm nạp cho tôi vào ngày mai.
Tuy rất cay cú, nhưng đã lỡ hứa cho phép nên hắn đành ngậm đắng nghe ông cụ chửi khéo.
Thế là cụ Hà phải qua nhiều đêm bị phê bình kiểm điểm trong đội. Sau cùng ông cụ bị đưa ra toàn trại tuyên phạt 30 ngày cùm trong nhà kỷ luật.
Cái hình phạt bị cùm đã ớn lạnh còn thêm cái bao tử phải đối phó với cơn đói dày vò vì tiêu chuẩn phần ăn bị cắt bớt thì càng khủng khiếp hơn. Thế mà khi hết cùm, tinh thần ông cụ vẫn cứng cỏi như thường.
Vì bị cùm lâu ngày chân ông cụ rất yếu không đi lao động ngoài được. Trại cho cụ làm công tác y tế, giữ vệ sinh trong phòng ăn tập thể của tù bằng cách cầm cái quạt mo cau đập ruồi cho hàng chục dãy bàn dài có đặt sẵn thức ăn. Tức cảnh, óc khôi hài châm biếm không ngăn được, cụ làm ngay một bài thơ :
“Tại sao cách mạng lại thành công ?
Lao động vinh quang có biết không.
Vì bước suy tư dài vĩ đại,
Nên khâu y tế rộng vô cùng.
Phát huy truyền thống thời trung cổ,
Khẳng định tài năng thuyết đại đồng.
Cái mặt đập ruồi nay đã mạnh,
Mà sao ruồi bọ vẫn còn đông.”
Một hôm, cả đội tù ngồi nghỉ giải lao mười phút trên đồi trồng sắn, anh bạn tù vui miệng đọc cho nhau nghe bài thơ :
“Ba miếng da trâu, một miếng lòng,
Mừng ngày cách mạng đã thành công.
An tâm tin tưởng nhờ khoai sắn,
Từng bước đi lên đến đại đồng”
Vì thiếu cảnh giác để cán bộ bảo vệ nghe được, chiều về anh bạn đọc thơ bị kêu viết kiểm điểm. Không còn phương cách nào giấu giếm, anh đành khai thực bài thơ đó là của ông Phạm Xuân Ninh. Thế là Cụ Hà bị kỷ luật thêm lần nữa.
Về thơ, cụ Hà Thượng Nhân sáng tác đủ thể loại có đến hàng ngàn bài nhưng nhất quyết không chịu xuất bản mặc dù có khá nhiều “Mạnh Thường Quân” đề nghị đứng ra bảo trợ tài chánh.
Thơ cụ Hà như những luồng sinh khí ngào ngạt hương thơm phát ra từ đóa hoa mới nở, ông không cần giữ lại. Bạn bè, có người nào thích thì ghi chép lưu giữ. Kẻ nhớ thì đọc lại cho người sau thưởng thức.
Kệ sách trong nhà ông cụ không sang trọng, đẹp đẽ nhưng toàn những cuốn sách có giá trị của nhiều tác giả từ các nơi trên thế giới gởi tặng. Cụ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi mời cụ phát biểu trong những cuộc ra mắt thơ văn:
“Tôi yêu thơ nên yêu người làm thơ. Tôi trân trọng những tác phẩm mà tác giả đã dành cả tâm huyết nuôi dưỡng đứa con tinh thần của mình lớn lên trong nền văn học nghệ thuật của nước nhà nơi hải ngoại”.
Ông cụ thông cảm cảnh nghèo của người làm thơ, nên thường hay nhắc đến hai câu thơ sau đây của Nguyễn Bính:
“ Khuyên con chớ lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, khổ lắm con!”
Trải qua mấy mươi năm, Cụ Hà Thượng Nhân không chịu theo đạo Thiên Chúa Giáo, mặc dầu cụ bà và con cháu của cụ đều là con chiên ngoan đạo lâu đời. Mới đây, trước khi bước qua tuổi 92, bỗng nhiên Cụ Hà có quyết định xin Cha chịu phép rửa tội theo Công Giáo. Ngày 1 tháng 8 năm 2009 vừa qua, một buổi ”Rước Lễ Lần Đầu” được tổ chức khi cụ chịu phép rửa tội và thêm sức tại nhà thờ Saint Victor San Jose có sự tham dự đầy đủ của toàn thể gia đình, bè bạn và tín hữu.
Nhìn bức hình cụ ngồi trên ghế được linh mục dội nước phép trên đầu với tên Thánh là Phêrô Dũng Lạc, lòng tôi ngậm ngùi nghĩ đến ngày Thầy Hà Thượng Nhân bỏ chúng tôi mà đi, còn chăng chỉ là hình ảnh của cụ trong ký ức và những bài thơ lưu truyền qua sách vở.
Cụ mang đi hết thảy những gì của cụ đã tạo dựng kể cả hào quang một thời trên suốt nửa thế kỷ qua. Hình ảnh tuyệt vọng của cụ Hà khi thú nhận mắt không còn xem được sách và mối ưu tư mà cụ thường xuyên bày tỏ trong những lần cụ đến tham dự các cuộc họp mặt của thi văn đoàn rằng :
“Quý vị sẽ không tránh được niềm cảm xúc sâu xa khi nghĩ đến một ngày nào đó người làm Thơ Đường Luật sẽ dần dần mất đi và người yêu loại thơ nầy cũng không còn nữa cùng với người viết sách bằng tiếng Việt và đọc sách tiếng Việt nơi hải ngoại sẽ mai một ”.
Khiến tôi nghĩ đến những thế hệ kế tiếp sau nầy, có đốt đuốc mà tìm một lão tướng Thơ Đường như Thi sĩ Hà Thượng Nhân sẽ không bao giờ có được trên hải ngoại nầy.
Chợt, thân phận ông đồ ngày xưa mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã chạnh lòng trước cảnh tàn lụi của nền nho học trên đất nước mình đã làm cho tôi ngậm ngùi nhớ lại bài thơ “Ông Đồ Già” :
“…Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?”
Hạo Nhiên Nguyễn Tán Ích
Một Bài Thơ Tình nổi tiếng của thi sĩ Hà Thượng Nhân
Xin làm cỏ biếc vương chân em đi
Xin làm cỏ biếcVương chân em đi
Xin làm giọt mưa
Mưa dầm rưng rức
Trên vai người yêu
Anh cầm tay em
Bàn tay khô héo
Anh nhìn mắt em
Gió lùa lạnh lẽo
Anh nhìn lòng mình
Mùa đông mông mênh
Cỏ non mùa xuân
Còn xanh dấu chân
Trăng non mùa hạ
Ướt đôi vai trần
Có xa không nhỉ
Ngày xưa thật gần
Có xa không em?
Ngày xưa thật gần.
Hà Thượng Nhân