ĐẶNG NGỌC THUẬN, Trở về từ cõi chết vì suy thận

TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT VÌ SUY THẬN
ĐẶNG NGỌC THUẬN

(Riêng tặng quý bạn : BS Nguyễn Lương Tuyền, DS Nguyễn Kim Chi, BS Nguyễn Thanh Bình
và GS Lâm Văn Bé, những người thường lưu tâm đến những ngày đã tưởng là chót của đời tôi)

Lời dẫn (tóm tắt của bài : Chết Vì Suy Thận): Suy thận thường do 2 nguyên nhân, tiểu đường và áp huyết cao. Trường hợp của tôi là bị áp huyết cao. Từ năm 40 tuổi áp huyết của tôi đã lên khoảng 140/80, chữa chạy chỉ bằng thuốc lợi tiểu và kiêng ăn mặn.

Đến năm 87 tuổi thì mặc dầu bác sĩ gia đình đã cho uống thêm nhiều thứ thuốc hạ áp huyết khác, áp huyết của tôi vẫn có chiều hướng tăng dần (160-180) chứ không hạ bớt xuống hay ổn định được. Rồi thử máu thì mức créatinine (cặn bã của đồ ăn nhiều chất đạm) bình thường chỉ quanh quẩn ở mức 100 mmol/L đã tăng lên đến 300-400 mmol.

Thế là tôi đã bị suy thận mãn tính rồi! Song cuộc sống hưu trí của tôi từ năm 74 tuổi vẫn bình thường cùng gia đình và bạn bè hội họp ăn uống, ca hát, nhảy múa, đánh bài … Đúng là hưởng thụ, vui sống sau gần 30 năm làm việc cật lực, không kể ngày đêm!

Cho đến khi đạt 87 tuổi tôi bị chứng này tật kia hành hạ, nhất là bệnh thống phong (gout) và phong vẩy nến (psoriasis). Bệnh gout làm đầu gối bên phải của tôi sưng to gần bằng trái bưởi đau nhức muốn khóc được. Tôi phải nhập viện Hôpital du Haut-Richelieu, nơi chúng tôi có đứa con làm bác sĩ ở khu Cấp Cứu. Bà Isabelle Deschênes, BS chuyên về Phong Thấp phải dùng kim đâm vào đầu gối tôi để rút nước ra và cho tôi uống Colchicine làm tôi đi cầu chảy không thua suối Lồ Ồ, song cũng làm xẹp hẳn đầu gối và hết hẳn đau nhức. Psoriasis lại còn tệ hơn nữa, gây ra những cơn ngứa làm tôi phát điên lên được, đôi khi muốn tự vẫn cho xong cuộc đời khốn khổ. BS Steven Palenchuck chuyên về Nội Khoa nói với con tôi là 2 chứng gout và psoriasis thường báo hiệu hội chứng suy thận mãn tính đang biến thể thành cấp tính. Quả nhiên thử máu thì Créatinine đã lên tới mức 800-900 mmol/L và GFR chỉ còn 5mmol/min có nghĩa là chứng suy thận của tôi đã tới mức chót rồi (terminal stage). Mà chót ở đây có nghĩa là chết đấy!

Chẳng lẽ chịu trận cho Thần Chết đón tôi đi đến Miền Vĩnh Cửu, con tôi đưa tôi tới gặp bà Isabelle  Chapdelaine, BS chuyên về Khoa Thận ở bệnh viện Hôpital du SacréCœur. Bà nhìn nhận tôi bị suy thận mức chót, song vẫn còn có cơ cứu vãn được, bằng cách lọc máu bằng máy thận nhân tạo. Bà giảng giải có 2 cách lọc máu, hoặc bằng máy hémodialyse rất mạnh mẽ gay go cho người lớn tuổi như tôi, hoặc bằng màng bụng (dialyse péritonéale gọi tắt là DP) nhẹ nhàng và tự làm lấy tại gia. Bà quyết định chọn phương cách DP cho tôi. Song tình trạng tổng quát của tôi quá kém vì bần huyết mà quả thật tôi gầy còm ốm yếu hom hem trông thật là thiểu não tang thương ngẫu lục (như ngày xưa nhà văn Phạm Đình Hổ đã diễn tả). Ít ai biết thận có chức năng tạo ra 1 chất poiétine để chất này kết hợp với chất sắt trong máu thành hémoglobine, một sắc tố mang dưỡng khí đến khắp các cơ quan trong cơ thể con người, nhất là não bộ. BS Chapdelaine đề nghị trước hết tôi hãy mỗi tuần chích dưới da 100mcg thuốc Aranesp (poiétine nhân tạo) và chuyền tĩnh mạch Venofer cho đỡ bần huyết, lại sức rồi mới bước sang giai đoạn 2 là lọc máu. Bà cũng giới thiệu tôi đến BS Catherine Villeneuve-Tang chuyên về bệnh ngoài da để trị psoriasis. Bà Villeneuve-Tang kê toa Clobetasone pommade, tôi bôi đến đâu vết loang vẩy nến tiêu tùng đến đấy. Quả là một thần dược tôi có được là nhờ toa của một BS có hai dòng máu Âu- Á, xinh đẹp không chừng chẳng kém gì Bà Chúa Chè của chúng ta (Xin xem Tự Cổ Mỹ Nhân Như Danh Tướng của Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Thanh Bình).

Song mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Ngày 20 tháng 02 năm 2020, tôi bỗng lên cơn sốt cao rồi mê man bất tỉnh khi vừa dứt một cuộc điện đàm, còn ngồi trên ghế trong văn phòng. Nhà tôi tức khắc gọi 9-1-1 cầu cứu. Cô phụ trách đường giây 9-1-1 hứa cho xe cứu thương tới ngay và khuyên nhà tôi đặt tôi nằm thẳng xuống sàn nhà. Khốn nỗi nhà tôi cũng đã hơn 80 tuổi, làm sao đủ sức đỡ tôi nằm xuống sàn nhà. Cũng may xe cứu thương tới ngay và 2 anh chàng trợ y (paramedics) cao lớn lực lưỡng, bình tĩnh vực tôi một cách dễ dàng nằm xuống sàn nhà, đo huyết áp, bắt nhịp mạch và đếm hơi thở rồi mới khiêng tôi lên nằm trên cáng. Tôi thoát chết nhờ nằm ngửa trên sàn nhà, máu dễ di chuyển lên não bộ khiến tôi dần dần hồi tỉnh. Được chở gấp đến khu cấp cứu của bệnh viện Sacré-Cœur, bác sĩ thường trực truyền máu và kháng sinh vô tĩnh mạch cho tôi, song chung cuộc BS chuyên Khoa Thận phải làm hémodialyse d’urgence vì suy thận cấp tính là nguyên nhân chính yếu có khả năng giết chết tôi như chơi, không kịp ngáp!

Máy thận nhân tạo và tôi hoàn toàn không thích hợp nhau vì 2 bên có thể ví như một cặp nhân tình đến lúc chia tay. Nó khiến tôi chết đi sống lại tới 2-3 lần. Ngay thuở ban đầu đã chẳng còn chút lưu luyến nào. Sau mỗi lần lọc máu, tôi mệt lả người và khi về tới nhà là lăn quay ra sàn nhà bất tỉnh khá lâu mới hồi sinh nổi, thật đúng như lời BS Isabelle Chapdelaine đã cảnh báo là máy hemodialyse rất mãnh liệt và gay go (forceful and aggressive). Nhưng nếu muốn sống thì tôi phải chịu đựng vì không có sự lựa chọn nào khác trong tình huống lúc bấy giờ. Cũng may chỉ mấy tuần sau, BS Chapdelaine tìm ra manh mối câu chuyện : Ấy là các chuyên viên lọc máu mỗi lần đã rút nước trong cơ thể tôi ra từ 2 đến 3 L, hơn sức tôi chịu đựng nổi quá nhiều. Sau khi bà Chapdelaine ra chỉ thị có viết trong hồ sơ bệnh lý của tôi là mỗi lần lọc máu chỉ được lấy ra tối đa 1 L nước mà thôi thì tôi gần như hết mệt và không bất tỉnh nữa.

Song không phải chỉ có vấn đề rút nước mà thôi. Máy Thận nhân tạo còn làm đa số bệnh nhân cảm thấy trong người rét lạnh vô cùng, một thứ lạnh ớn người khó hiểu vì ngay sau khi cô y tá nối xong ống dẫn máu vô máy lọc thì khi máu đó chảy về cơ thể 2 là bệnh nhân cảm thấy lạnh ngay, 2 tay run lẩy bẩy và 2 chân cứng đơ. Mỗi lần lọc máu lâu 3-4 tiếng đồng hồ thì cơn lạnh tăng cường độ đến quá 2 tiếng mới bớt dần. Bệnh viện có phát cho mỗi bệnh nhân một cái mền ủ nóng song không đủ và ai nấy đều tay xách nách mang một hai cái chăn lông đắp thêm. Lâu ngày tôi tự sáng chế ra một phương cách để chế ngự cái lạnh oái ăm ấy. Đó là tập trung tư tưởng vào hơi thở của chính mình và quên hết mọi chuyện. Có người nói với tôi đó là một cách thiền láo lếu. Song theo tôi phương cách đó hữu hiệu hơn cả mền điện và còn giúp tôi quên cả thời gian, buổi lọc máu như ngắn lại. Dẫu sao tôi xin thú thật là cho đến nay, tôi vẫn chưa làm quen được hẳn với cái lạnh quái đản đó nên mỗi lần lọc máu là một lần khổ sở!

Trở về với cuộc sống ít nhiều bình thường : Vì vậy tôi mong mỏi được đổi sang phương thức lọc máu DP bằng màng bụng. Muốn vậy tôi phải chịu một cuộc giải phẫu nhỏ để gài một cái ống dẫn (catheter) dung dịch dialysat vô màng bụng. Dialysat là một dung dịch do hãng Baxter bào chế, đặc biệt có khả năng hút qua màng bụng mọi cặn bã trong máu. Khốn nỗi đại dịch cúm Tàu khiến bệnh viện phải dành ưu tiên chữa chạy cho bệnh nhân Covid-19, kể cả khoa Giải Phẫu nên tôi chờ hoài chờ hủy mà chẳng được kêu đi mổ. BS Chapdelaine thương tình giảm từ 3 lần lọc máu 1 tuần xuống còn 2 lần khiến tôi có nhiều ngày giờ ở nhà với gia đình. Thử máu kiểm soát hàng tuần thì thấy mức Creatinine của tôi vẫn là 500 mmol/L như những người lọc máu khác. Với thời biểu mới như vậy, tôi cảm thấy thoải mái hơn xưa là ngày đêm chỉ lo nghĩ đến chuyện đi lọc máu. Thật là một ám ảnh làm cuộc đời mất hết phẩm chất!

Tôi dần dần lại sức, lên được 5 ký lô nên ngoại hình trông tạm được trở lại. Tôi đổi cách di chuyển bằng khung đi (walker hay marchette) sang chống gậy hay ‘’ba-toong’’ như người Việt ta thường gọi, song chính ra gọi là canne lịch sự và đúng hơn nhiều. Dùng canne trông đỡ tàn phế hơn dùng marchette song cũng phải đúng cách chứ không thể như các cụ xưa nói múa gậy vườn hoang được. Nguyên tắc cơ bản là tránh cho chân yếu không phải chịu đựng hết sức nặng của thân thể. Ví dụ như lên cầu thang, bao giờ chân khỏe cũng phải bước lên trước (như thể lên thiên đường) còn chân yếu bước lên sau. Khi xuống thang thì ngược lại, chân yếu bước xuống trước (như thể xuống địa ngục) và chân khỏe bước theo sau. Đi như thế, chân khỏe luôn luôn đỡ hết sức nặng của cơ thể. Chống gậy cũng phải tuân theo một nguyên tắc như vậy song trước hết phải canh cho cây gậy dài ngang hông người sử dụng. Bao giờ cây gậy cũng được cầm phía bên kia của chân yếu. Khi di chuyển, chân yếu bước lên trước cùng lúc với cây gậy rồi chân khỏe bước theo nhưng bước quá chân yếu. Thế là chân yếu được cây gậy giúp sức còn chân khoẻ tự túc tự cường luôn luôn chịu đựng sức nặng của thân hình. Người tàn phế sẽ thấy di chuyển dễ dàng và vóc dáng cũng khỏe khoắn ngon lành, thậm chí đôi khi còn oai phong lẫm liệt nữa nếu tính người thích ăn diện, ăn mặc lịch lãm.

Đúng lúc này đại dịch đã bớt hung dữ nhờ dân Quebec hăng hái đi chích ngừa đầy đủ 2 liều thuốc. Chính phủ thả lỏng lệnh cấm cửa (confinement hay lockdown) nên tôi có thể chơi lại môn bài mà tôi ưa thích nhất trong cuộc đời hưu trí. Ấy là mạt chược, một món bài rất vui thú nhất là khi đánh nhỏ được thua chỉ 5-10 đồng song giúp ta gìn giữ được trí nhớ lâu dài hơn. Thật vậy khi đã lớn tuổi, trí nhớ mau yếu kém dẫn đến tình trạng y học Tây Phương gọi là senile dementia. Tiện đây xin lưu ý quý bạn đừng lầm senile dementia với maladie d’Alzheimer vì với Alzheimer người bệnh thường có thêm một hai triệu chứng của bệnh điên thứ thiệt (schizophrenia) như đa nghi, hoang tưởng, thậm chí dữ tợn cả bằng lời nói lẫn chân tay. Song mạt chược có điểm giống như rượu mạnh và ma túy khiến người chơi say mê quá độ và khi đã nhịn được thì thôi, chớ đụng lại quân bài là lại dính luôn. Một thí dụ hiển nhiên là chính bản thân tôi. Suốt thời kỳ bệnh tật ốm yếu, tôi đã tưởng cai được mạt chược. Vậy mà khi hồi được chút đỉnh sức khỏe, nể bạn bè, tôi tham dự lại một canh là chứng nào tật nấy, tôi đánh luôn mấy canh 3 tẩy khiến bạn bè ai nấy đều phải khâm phục hay nói cho đúng, phải sợ cho tôi luôn!

Rồi vợ chồng tôi suy tính : Lọc máu bằng màng bụng ngày nào cũng mất 8 tiếng, không còn thời giờ để làm chuyện khác mà suốt ngày chỉ loanh quanh sửa soạn lọc máu cho buổi tối và ban đêm. Rồi tự mình phải loay hoay nối ráp và tháo gỡ dây chuyền với catheter màng bụng, không đúng cách hay sơ ý có thể làm nhiễm trùng gây ra đại họa. peritonite (sưng màng bụng) phải giải phẫu kịp thời không thì vong mạng như chơi.
Nếu chẳng may cái cycleur (điều khiển cả hệ thống truyền dung dịch) bị trục trặc thì còn lâu mới kêu được ông chuyên viên đến sửa chữa. Chưa kể hãng Baxter chở hang đóng thùng chứa các bọc Dialysat chồng chất đầy nhà, biến gia cư của mình không những thành một cái nhà kho, một bệnh viện nhỏ mà còn là một cái nhà tù muôn thuở nữa. Trong nhà chỉ có 2 người, 1 là bệnh nhân và 1 là y tá kiêm cai kho và cai tù.
Biết thế là nhà tôi đồng ý với tôi từ chối Dialyse Peritoneale để tiếp tục với Hemodialyse tại Y Viện, sẵn sàng mọi phương tiện như máy móc tối tân, bác sĩ thăm bệnh hang tuần, y tá lấy máu thử nghiệm thường xuyên không phải đòi hỏi, nói chung là tất cả mọi điều mà lọc máu ở nhà rất khó xin xỏ nơi CLSC địa phương. Tôi ráng chịu khổ sở phần nào 2 buổi tối để đổi lấy gần như cả một tuần lễ tự do sống như tất cả bàn dân thiên hạ.
Nhà tôi sẵn sàng lái xe đưa đón tôi mặc dầu tuổi cũng đã cao và sức khỏe cũng chẳng dồi dào cho lắm. Mùa hè việc lái xe không lấy gì làm khó song mùa đông mưa tuyết giá băng thì đã có 3-4 phương tiện di chuyển tùy nghi mình lựa chọn theo từng hoàn cảnh cá nhân. Ấy là :
- Transport adapté của nhà nước, rẻ rè như thẻ Opus song bất tiện ở chỗ phải gọi phone giữ chỗ từ hôm trước và thường phải chờ đợi lâu lắc khi đi cũng như khi về.
- Uber thì tương đối cũng rẻ và gọi phone là có ngay và ít phải chờ đợi.
- Taxi là phương tiện chót vì đắt song cực chẳng đã cũng phải xài đến vì những người làm hémodialyse không nên và nói cho đúng, không được bỏ một kỳ nào hết.
- Tốt hơn hết là có được một ông hàng xóm tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ lái xe chở mình đi và về, như trường hợp may mắn của tôi đã được ông hàng xóm hứa chắc như vậy.

Lời kết : Có một điều lạ lùng là thời gian tôi phấn đấu để trở về từ cõi chết vì suy thận trùng hợp đúng với lockdown vì đại dịch Covid-19. Tôi bị cấm cửa như tất cả mọi người nhưng tôi vì 2 lý do, con Coronavirus Wuhan và ... chứng suy thận. Người ta chịu đựng cái ống thông cuống họng để nhận dưỡng khí (intubation) thì tôi khốn khổ vì cái máy lọc máu (hemodialyse) mãnh liệt và gây cấn. Song chung cuộc lockdown đã được giải tỏa và tôi đã sống sót. Điều đó là nhờ Ơn Trên, bà BS Isabelle Chapdelaine, vợ con tôi cùng các bạn bè thân thích. Tôi xin tạ ơn Chúa và ghi ơn tất cả mọi người, nhất là nhà tôi. Mai mốt đây (chắc cũng gần thôi) Thần Chết sẽ đưa tôi về Cõi Vĩnh Cửu, chuyện đó cũng là lẽ đương nhiên của Trời Đất sau hàng mấy chục năm, hạnh phúc nhiều mà gian khổ cũng lắm.
Carpe Diem : Que sera, sera!

Đặng Ngọc Thuận

Hè 2021

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top