Đặng Ngọc Thuận md, CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN

Đặng Ngọc Thuận md

CHẾT ĐUỐI TRÊN CẠN


Mến tặng Hoàng Mai:
Trong suốt 57 năm chung sống, phải chăng chúng ta tuy hai mà một

Lời nói đầu: Bài tự chuyện này, coi như môt tiểu sử ngắn gọn, kể lại những lần xém chết đều có thật, trải nghiệm trong cuộc đời của chính tác giả.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, tôi đã đủ 90 tuổi. Nhìn lại cuộc đời trôi nổi từ Bắc xuống Nam rồi sang Quebec, tôi thấy Ông Trời sắp đặt cho tôi một số phận thật nhiều ‘vào tử ra sinh.’ Chỉ xin kể lại đây những sự việc quả thật ‘chết 7 còn 3’ mà thôi. Để rồi xin kết thúc bằng câu chuyện ‘chết đuối trên cạn’ xảy ra cho tôi mới mấy tuần trước, ngay trên giải đất Canada ‘đất lành chim đậu’ này !’ Thế nhưng các bạn trượt tuyết trên núi coi chừng tuyết đổ ầm ầm từ trên cao xuống chôn kín người, ngộp thở mà chết. Trường hợp của tôi khác hẳn.

Năm 1945, tôi mới 11 tuổi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học hành dốt nát từ trường tiểu học Hàng Than bò lên lớp Đệ Thất trường trung học Chu Văn An. Song tôi đã được chứng kiến mặt trận Việt Minh lật đổ chính quyền Quốc Gia. Rồi thực dân Pháp lăm le chinh phục lại Đông Dương, khởi đầu là những đô thị lớn như Saigon, Hà Nội. Gia đình tôi phải tản cư mới đầu đến làng Đại Từ là quê ngoại của tôi. Quê tôi tuyệt đẹp nằm bên bờ sông Nhuệ nước trong veo lờ đờ chảy, có chỗ nước cạn chỉ đến đầu gối khiến ta có thể lội qua bờ bên kia một cách dễ dàng. Anh chị em trong họ chúng tôi vui chơi trong những cánh rừng cây đến mùa nặng chĩu trái vải ngọt lịm hoặc vô trong những căn lều xay mía thành mật thật ngọt ngào. Song dần dà do chiến tranh ngày càng lan rộng, cả họ trôi dạt đến làng Đô Hoàng thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi ông ngoại tôi được biết dưới danh hiệu là cụ Tú Hàng Đồng vì ông tôi là một trong số người cuối cùng đậu tú tài Hán học theo cách tổ chức lều chõng...

Tại đây tôi mắc bệnh thương hàn. Thời ấy đã ai biết Tifomycine là món thuốc gì nên bệnh nhân chỉ còn uống nước cháo vì sợ lũng ruột và …nằm chờ chết! Thầy mẹ tôi mướn một bà lão lưng còng mắt toét thường trực chăm sóc tôi bên giường. Thật sự tôi như một con cá mắm luôn miệng hỏi ‘mấy giờ rồi hả u ?‘ Bà lão thì thầm với bố mẹ tôi’ ‘Cậu ấy hỏi giờ để đi đấy’. Đi đâu? Tôi còn trẻ quá mà! Thế rồi như có một sức mạnh vô hình thúc dục, con cá mắm ngồi dậy đòi ăn và xuống giường biến thành một bộ xương biết đi đứng luẩn quẩn trong nhà. Tôi ăn lại bữa người béo tròn trùng trục, tóc rụng hết nên đầu trọc lốc như một nhà sư, song tôi chẳng ‘’ke’’ chút nào, mà bỏ qua những lời chế riễu nhạo báng đó.

Sau khi xém chết vì bệnh thương hàn, tôi chỉ nghĩ đến chuyện đi học lại. Cả huyện Ý Yên chẳng có lấy một trưòng trung học song may thay tôi có ông cậu ruột là BS Nguyễn Đình Hoằng cho tôi được theo học cùng cô con gái do chính ông chỉ dẫn vô cùng tường tận. Trí óc tôi bỗng mở toang ra để hiểu thế nào là Toán học, thế nào là Hóa học. . . .Tất cả đều chẳng còn gì là bí mật cho tôi nữa. Một lần tôi thoáng nghe ông kể công với mẹ tôi:
Chị có biết tôi là người đã kéo thằng Thuận ra khỏi vũng bùn lầy của sự ngu dốt không?
Mẹ tôi trả lời :
Cám ơn cậu. Nó lo học hành thì sau này ‘’no cơm ấm cật,’’ chứ tôi chẳng mong gì nó báo hiếu đưọc bố mẹ!’’

Lời nói của mẹ tôi không ngờ lại đúng với sự thật, như quý bạn sẽ biết sau đây.

Cuộc chiến Việt-Pháp ngày càng khốc liệt. Máy bay của đoàn quân viễn chinh áp dụng một chiến thuật khủng bố rất kỳ quặc và dã man để xua dân về thành thị họ đang chiếm đóng cho thêm tấp nập và phồn thịnh. Ấy là từ máy bay trên không, dùng súng liên thanh bắn bừa bãi xuống đám dân lành ở dưới đất. Một bữa tôi theo mẹ tôi đi phiên chợ làng, đang ở trong chợ thì nghe tiếng súng nổ liên hồi khắp nơi và tiếng la hét : ‘Máy bay,máy bay, Tây nó bắn!’... Mẹ con tôi vội vàng bỏ chợ theo một con đường đất chạy về làng. Song một chiếc máy bay đuổi theo bắn một tràng đại liên về hướng chúng tôi. Cũng may mẹ con tôi đã kịp nằm rạp xuống mặt đường. Tôi đứng dậy và thấy rõ ràng trên mặt đất một lằn đạn giữa mẹ tôi và tôi. Mẹ con tôi vừa xém chết trong giây phút. Thật là hú hồn!

Thế rồi gia đình tôi cũng phải cuốn gối ‘’dinh tê’’ về Hà Nội. Tôi được vô học tại trường trung học Pháp Albert Sarrault, một trường ‘quí phái’ trước kia chỉ dành cho “con ông cháu cha” mà thôi. Tôi học một lèo thi đậu Tú Tài toàn phần Pháp rồi PCB và lên Đại Học Y khoa. Tất cả mất khoảng 12 năm trời, không kể năm 1ère tôi thi nhảy Bacc1 để lên học Sciences Expérimentales sửa soạn học Y Khoa. Cả lớp vỏn vẹn có 7 người mà ra bác sĩ chỉ còn có 4.       Ngày lãnh bằng Y Khoa Bác Sĩ ở Saigon tôi chẳng vui chút nào, trong lòng rầu rĩ vô cùng vì nghĩ đến cha mẹ và các em tôi bị kẹt lại ở miền Bắc. Chả là vì khi tôi học xong năm thứ nhất Y khoa thì Hiệp Định Genève đã cắt đôi nước VN làm 2 miền Bắc Nam bất khả liên lạc. Tôi theo trường vào Nam, hứa chắc với cha mẹ sẽ ra Bác Sĩ và trở về đoàn tụ với gia đình. Song thời thế đã không cho phép tôi giữ lời hứa. Sau đó, tôi đã gia nhập Quân Lực VNCH, cùng lúc với các bạn đồng khóa và đồng nghiệp khác.

Trong thời gian ở quân ngũ, có lúc tôi phục vụ tại QYV Qui Nhơn, dưới quyền chỉ huy của một Y Sĩ Đại Úy mang hỗn danh là Bếp …. Hỗn danh nầy xuất phát từ ngoại hình đen đủi xấu xí và tính vụ lợi ích kỷ của ông ta. Một hôm ông gọi tôi lên văn phòng và nói:
Nội 1 tuần nữa toa phải lên QYV Pleiku đi trưng binh, song toa cứ yên tâm làm việc, để moa xin với cấp trên toa khỏi phải đi luôn.’’

Phần tôi chẳng ngại ngùng gì đi công tác trên Pleiku nhưng chính Bếp là người đã chỉ định tôi đi thì làm gì có chuyện xin xỏ với cấp trên.

Ông ta không muốn phải thay thế tôi để săn sóc các thương bệnh binh mà chỉ muốn có thêm 1 tuần lễ để đi phòng mạch tư kiếm tiền vì tư lợi. Y như rằng xế chiều ngày giáp chót phải trình diện tại Pleiku, ông mới lạnh lùng ra lệnh :
« Nội đêm nay toa phải lên Pleiku trình diện. Moa cho toa mượn tên tài xế và chiếc xe Jeep của moa, lấy đường số 19 mà đi. »

Lúc ấy đường số 19 do VC chiếm đóng và kiểm soát. Vào đó số tử là cái chắc và ra sinh cũng là tù binh của quân Bắc Việt (nhập tử xuất sinh). Nói chuyện với Bếp hoàn toàn vô ích vì ông nổi tiếng là có một thứ bướng bỉnh nhà quê một cách kỳ cục. Song có thân muốn giữ thì phải lo liệu lấy. Tôi vội chạy đi tìm một người bạn thân là Đại Úy Minh, sĩ quan liên lạc giữa tướng Tôn Thất Đính và Chỉ Huy Trưởng tiểu đoàn trực thăng Mỹ đóng tại Qui Nhơn. Anh Minh rất tốt, chạy vội đi yêu cầu người Mỹ phái ngay một chiếc trực thăng để tôi bay thẳng lên Pleiku một cách an toàn. Thế là tôi thoát chết.

Công tác hoàn tất xong, tôi trở về Pleiku và được chúng bạn cho biết là Bếp đã báo cáo tôi đào ngũ! Thật là một thủ đọan “vừa đánh trống vừa ăn cướp!” Để tránh né Qui Nhơn vì e bị Bếp yêu cầu Quân Cảnh giam giữ, tôi vội mua vé Air Vietnam từ Pleiku bay thẳng về Saigon trình diện tướng Vũ Ngọc Hoàn, chỉ huy trưởng cục Quân Y để chứng minh báo cáo của Bếp rằng tôi đã đào ngũ là hoàn toàn láo toét.

Bác Sĩ Hoàn rất thông cảm hoàn cảnh của tôi bị ‘vu oan giá họa’ nên ôn tồn cho tôi nghỉ phép mấy ngày rồi sẽ được bổ nhiệm phục vụ tại Viện Bài Lao Ngô Quyền ở ngay quận Thủ Đức, gần Saigon.

Thời gian phục vụ tại Viện Bài Lao Ngô Quyền tôi được yên ổn làm việc. Không những thế tôi còn được du học ở Tripler General Hospital, Hawai và tôi còn mở được một cái phòng mạch tại chân cầu Tân Thuận, nhỏ bé song đông khách không ngờ. Thế rồi hạnh phúc lớn đã đến với tôi. Thời ấy bác sĩ thường lấy vợ là dược sĩ. Song số tôi được Ơn Trên an bài khác hẳn. Trong khi đi lại giữa 2 nơi làm việc là quận Thủ Đức và cầu Tân Thuận, tôi thấy trong một nhà thuốc mới mở ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có một cô gái xinh đẹp rất hợp mắt tôi. Tôi giả đò vô nhà thuốc hỏi mua thuốc song thật ra để làm quen với nàng và dò hỏi xem nàng có phải là dược sĩ không. Nàng thẳng thắn cho tôi biết chỉ là người bán thuốc. Song tôi vẫn say mê nàng rồi cuối cùng, một hôm tôi xin hỏi cưới nàng và được nàng nhận lời. Thế là tôi từ giả cuộc sống độc thân và lập gia đình với người con gái xinh đẹp trở thành người vợ tào khang của đời mình.

Sau đó, tôi được biệt phái làm bác sĩ thường trú tại BSV Hùng Vương. Tôi dời phòng mạch về ngay xế cửa BSV Hùng Vương chuyên khám về sản phụ khoa. Nhà tôi sanh cho tôi 2 cháu nhỏ thật cute (xinh xắn và dễ thương) mặc dầu là con trai. Cháu đầu tiên được đặt tên là Kỳ Nam để ca tụng Miền Nam kỳ diệu và cháu thứ hai là Kỳ Phát để đánh dấu quảng đời xây dựng sự nghiệp bỗng nhiên thành công và phát triển 1 cách rực rỡ của bố.

Sau này ở Bắc Mỹ, Kỳ Nam trở thành bác sĩ cấp cứu (urgentologue) và Kỳ Phát là luật sư chuyên về tài chánh (financial attorney-at-law). Cả hai đều lấy vợ người bản xứ. Người Quebec có câu nói ‘’Qui prend femme, prend pays’’ nghĩa là lấy vợ xứ nào thì lấy luôn xứ nấy, cũng như ta có câu ngạn ngữ ‘’nhập gia tùy tục’’ vậy. Tuy nhiên các cháu rất hiếu thảo, quý mến và biết ơn bố mẹ đã hi sinh rất nhiều cho chúng ăn học nên người.

Thế nhưng, chẳng mấy lúc mà tất cả những gì tôi đã xây dựng được đều tiêu tan như nước lã ra sông ra biển khi năm 1975 Miền Bắc đã chiếm đoạt toàn thể Miền Nam vì người Mỹ sau khi bôi nhọ Quân Lực VN thì bỏ rơi luôn nước VN Cộng Hòa. Riêng tại BSV Hùng Vương ông giám đốc cùng đa số bác sĩ đã cao chạy xa bay.

Với tư cách là bác sĩ thường trú, tôi ngẫu nhiên là nhân vật đứng đầu bệnh viện song trong lòng đầy lo lắng và buồn rầu. Tôi ra trước cửa bệnh viện nghe ngóng tình hình thì bỗng nhiên nghe nhiều tiếng nổ xuất phát từ trại lính bên cạnh bệnh viện rồi một tiếng xoạt rất mạnh ngang vành tai trái tôi. Đường đạn lạc chỉ trật sang phải một ly là tôi đã ngã gục xuống chết bất đắc kỳ tử tại chỗ! Thật ra thì đám lính tan hàng ngay sát bệnh viện đã nổ súng bậy bạ, gây thêm cảnh hỗn quân hỗn quan náo loạn trong thành phố đang thất thủ. Riêng tôi thì xém chết, không biết lần nầy và bao nhiêu lần khác nữa.

Dĩ nhiên, tôi cũng bị bắt đi học tập cải tạo. Khi tôi được thả về là vợ chồng tôi nghĩ ngay đến chuyện vượt biên bằng đường biển trốn ra nước ngoài tìm tự do, như nhiều người miền Nam đã mạo hiểm và đã thành công. Chúng tôi bị lừa nhiều lần, tiền bạc sắp ráo cạn cho đến mãi cuối năm 1979 cả nhà mới đào thoát được. Chuyến đi không suông sẻ, chiếc tàu nhỏ chứa hơn 300 mạng người bị lạc đường hỏng máy, lênh đênh cả tháng trời trên biển. Gia đình chúng tôi bị đói khát cùng cực, thêm nạn cướp biển Thái Lan hoành hành lột hết của cải. Một lần có 1 chiếc tàu cướp biển còn dở trò nhân đạo, bỏ neo cách tàu chúng tôi khoảng 300m, giơ đồ ăn thức uống ra dứ chúng tôi, muốn thì phải lội sang lấy. Tôi chẳng giỏi giang gì về món bơi lội, song thấy vợ con đói khát, tôi liều nhảy xuống biển bơi sang tàu giặc, xin được 1 gói ni lông đựng đồ ăn. Tôi đeo vô cổ rồi bơi về. Song lượt đi thì còn sức, chứ lượt về thì nửa đường mệt nhoài đến muốn chết chìm. Tuy nhiên như có 1 phép lạ, tôi trôi về tàu mình và bám vào thân tàu mà không sao leo lên được. Mọi người trên tàu phải lôi tôi lên và vợ con tôi mới có mấy nắm cơm ăn cho hồi sức.

Còn tôi thì được nếm mùi xém chết chìm giữa biển khơi!
 
Thế rồi mấy ngày sau, bỗng nhiên trước mũi tàu của chúng tôi hiện ra một chiếc thuyền hors bord điều khiển bởi một chàng thanh niên lực lưỡng mình trần, miệng không nói năng chi cả. Anh ta đứng trên thuyền tay cầm một cuộn dây thừng cỡ lớn, lẳng lặng quăng lên tàu và ra dấu cho chúng tôi cột dây vào tàu để anh ta kéo đi. Lũ thuyền nhân chúng tôi líu ríu tuân lệnh và được chàng trai xa lạ cho chiếc hors bord kéo vô bờ Mã Lai. Ai nấy mừng rỡ vì đã thoát hiểm, chen nhau lên cạn, bỏ mặc chàng trai ân nhân thản nhiên đưa chiếc thuyền cứu mạng quay mũi ra khơi trở lại. Không tin cũng phải tin là có Ơn Trên sai khiến chàng trai trẻ tuổi xuống trần gian cứu nhân độ thế đã cứu sống lũ thuyền nhân đa số kể nhưsắp chết là chúng tôi.

Chúng tôi được đưa về trại tị nạn Kota Baru để chờ phái đoàn các nước tự do đến phỏng vấn và chọn lựa. Gia đình tôi được Canada và Pháp chấp nhận. Chuyện chúng tôi được Canada chấp thuận thật khác thường. Khi phái đoàn còn ở trong trại, tôi không thể chen vô gặp họ được. Cho đến khi thấy người đại diện Quebec ra ngoài đường sắp sửa mở cửa lên xe, tôi mới liều mình tông đại cửa trại chạy ra níu áo ông ta mà xin định cư tại Quebec. Ngạc nhiên vì trình độ Pháp ngữ của tôi, ông nhận lời song chỉ ghi tên họ tôi trên một mảnh giấy cỏn con. Tuy nhiên tôi vẫn hớn hở trở về trại. Thế mà Canada đã gọi chúng tôi lên đường trước Pháp chỉ có một ngày.

Chúng tôi được đưa bằng xe bus lên Kuala Lumpur để tụ tập cho nhà nước Canada thuê bao nguyên môt chiếc máy bay đi Canada. Chúng tôi đến phi trường Mirabel một ngày đầu thu lạnh lẽo , cây cối trụi hết lá và đường xá vắng tanh, khiến nhiều người trong bọn tỏ vẻ thất vọng.

Chúng tôi được đưa về tạm trú tại trại lính Longue Pointe để chờ người bảo lãnh đến nhận và xuất trại. Tại đây sau nhiều tháng ‘’màn trời chiếu đất’’, chúng tôi mới biết lại thế nào là cái cảm giác của giường êm nệm ấm’.
 
Vì tôi thông thạo Pháp ngữ nên gia đình tôi được hội Richelieu nhận bảo lãnh về Berthierville trong tỉnh bang Quebec sinh sống. Dân Berthelais thật hiền hậu và tử tế khiến tôi tưởng nhớ tới người Miền Nam mình cũng giản dị và thật thà như thế. Tôi xin được việc làm điện thoại viên trong một nhà dưỡng lão. Công việc nhàn rỗi song tôi mong muốn trở lại nghề cũ. Tôi đã để nhiều thì giờ học hành ôn tập sách vở đi thi lấy giấy phép hành nghề y sĩ. Chỉ một năm sau tôi đã thi đậu cả phần Pháp văn và Anh văn. Gia đình tôi dọn về Montreal để tôi đi học thực hành như một y sĩ nội trú tại tổng y viện Montreal General Hospital. Rồi tôi được chính thức nhìn nhận là một bác sĩ thực thụ và nhận việc ở Mount- Sinai Hospital tại St-Agathe-des-Monts. Lương bổng nơi đây khá cao song tôi không muốn phải sống xa nhà nên từ chức và về làm cho Hôpital-des-Convalescents ngay tại Montréal. Sau cùng, tôi dành toàn thời gian chỉ làm việc tại phòng khám bệnh Minh-Châu ở vùng Côte-Des-Neiges là nơi tập hợp rất đông đồng bào Việt Nam tị nạn.

Đấy là những ngày tháng hạnh phúc nhất của gia đình tôi, kéo dài trong nhiều năm. Chúng tôi đã có lại nhà cao cửa rộng, gia đình sinh sống thoãi mái. Tôi hoạt động trong cộng đồng người Việt, đi thuyết trình về nhiều vấn đề, về nhiều đề tài, nhiều lần, nhiều nơi. Chúng tôi cũng tham dự nhiều partys do bạn bè tổ chức, chúng tôi ăn uống, ca hát, khiêu vũ tưng bừng… Chúng tôi đã có những ngày thật vui với bạn bè, thân nhân, con cháu.

Tôi dự tính làm việc đến 75 tuổi mới nghỉ hưu nhưng tôi bị chứng suy thận kinh niên nay đến giai đoạt chót nên thường mệt lừ cò bợ khiến đến năm 74 tuổi thì chịu hết nổi phải về nghỉ hưu vĩnh viễn, giã từ vũ khí (ống nghe và ống chích… là những thứ mà từ thuở niên thiếu tôi mất nhiều công lao mới có được). Rồi 1 đêm tôi bỗng bị mê man bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện cứu cấp. Bác sĩ Goupil chuyên môn về khoa thận học, quyết định dùng máy lọc máu Hémodialyse để cứu sống đời tôi. Bữa đó là ngày 20-02-2020, chỉ sau đại dịch Covid-19 có ít ngày.

Kể từ ngày đó tôi mới thể hiện được mìmh đã già nua, phải đi lọc máu cứu mạng mỗi tuần 2 lần, khác với người ta phải đi 3 lần mỗi tuần.

Được như vậy là nhờ bác sĩ Isabelle Chapelaine thấy tôi đã lớn tuổi nên muốn cho tôi có thời gian sống với vợ con bạn bè mấy năm còn lại, trước khi về chầu Trời. Tôi cố gắng tự trị, tự lập (autonomie) trong hoạt động hàng ngày (daily living activities hay ADL) cho nhà tôi đỡ cực nhọc săn sóc tôi:
Mai ru anh ngủ dịu dàng,
Đến khi yên giấc, nhẹ nhàng anh đi!

Có người chotôi “tham sống sợ chết”. Tôi không sợ chết vì đó là lẽ đào thải tự nhiên của Trời Đất, nhưng tôi rất sợ cái cảnh hấp hối khốn khổ vật vã đớn đau vì bệnh tật. Do đó mới có 2 câu thơ nói trên. Có bà bạn còn luôn luôn nhắc nhở:
Này ông Thuận, cô Mai là ‘’Thiên Thần Hộ Mệnh Ange Gardien’’ của ông đấy, ông có biết không?
Với người ngoài khi nghe lời “ca tụng” vợ mình,  tôi thường trả lời:
Dạ vâng. Song tôi nghĩ nhà tôi chỉ như mọi phụ nữ VN “thuơng chồng quý con’’ mà thôi!

Nhưng với tôi, ngoài việc là một người vợ hết lòng vì chồng vì con, sự hy sinh tận tụy của nàng dành cho gia đình thật là vô bờ. Trong những năm đầu định cư ở Montréal, gia đình  còn nghèo khổ, nàng phải tìm việc làm để nuôi gia đình và nhất là để ‘’nuôi chồng ăn học’’ lấy lại giấy phép hành nghề bác sĩ. Một bữa đi ngang qua một cửa hàng bán bánh tại đường Mont-Royal, nàng vô đại xin việc. Ông chủ tiệm đã lớn tuổi người gốc Ý thấy nàng trẻ đẹp ngó nhìn từ đầu đến chân, rồi cho làm ngay. Khi được hỏi bao nhiêu tuổi, nàng trả lời mới có 25 mà thật ra đã 41 tuổi. Thế là yên chuyện và nàng bán bánh tại tiệm này khá lâu, cả sau khi tôi đã ra trường. Sau đó nàng xin làm nhân viên ngân hàng (bank teller) trong 1 chi nhánh ngân hàng BMO mới mở ở đường Côte-des-Neiges vì họ có dụng ý thu hút các khách hàng VN tị nạn rất đông ở vùng này. Nhưng chi nhánh BMO này không thành công nên mấy năm sau đã đóng cửa. Đa số nhân viên bị sa thải, nhưng nhà tôi lại được cho về hưu trí với pension mãn đời và nhất là có được bảo hiểm nhân mạng và thuốc men cho cả gia đình. Tôi suy đoán lý do nhà tôi được ưu đãi như vậy là từ nguyên nhân nhà tôi có lần đã tổ chức tại nhà chúng tôi một buổi thuyết trình dành riêng cho các bác sĩ gốc Việt. Chủ đề là “Đầu tư vào BMO có lợi như sao’’ Buổi thuyết trình thành công quá mức vì nội trong vòng một tháng sau BMO đã thâu được hơn 1 triệu đồng từ các BS đã tham dự buổi thuyết trình. Sau 2 cái jobs “bất đắc dỉ” đó (từ cô hàng bán bánh đến nhân viên ngân hàng nhưng chưa bao giờ là một … dược sĩ!) thì nhà tôi hồi hưu hẳn, ở nhà toàn tâm, toàn ý chăm sóc gia đình với tình thương yêu nồng nàn dành cho chồng và 2 con.

Trong hơn 4 năm vừa qua, nhà tôi đích thân đưa đón tôi đi lọc máu, dìu dắt nâng đỡ tôi di chuyển loạng quạng vì quá yếu mệt, phải dùng thêm 1 cái ba-toong dù đã nhiều lần cả hai người xém té lăn kềnh xuống đất. Vì quả thật nhà tôi đâu có khỏe khoắn gì. Nàng cũng đã quá 80 lại thêm chứng đau tim (fibrillation auriculaire) và mòn khớp xương đầu gối (arthrose). Tôi phải nghĩ cách nào đễ đỡ cho nàng khỏi dịch vụ nặng nề này. Tôi đã ghi tên vào Transport Adapté song mặc dầu miễn phí, tôi nhận xét cách tổ chức của TA không thích hợp với hoàn cảnh của tôi vì tài xế không có nhiệm vụ giúp người tàn phế và thời gian chờ đợi đôi khi qua lâu lắc. Mà tôi thì vì tuổi già và bệnh tật đã thành một phế nhân “mắt mờ chân chậm, tai lãng lưng còng.”

Cũng may sau cùng, chúng tôi kiếm được 1 người chuyên đưa đón bệnh nhân đi lọc máu. Ông ta gốc Phi Luật Tân chỉ nói được tiếng Anh, 67 tuổi song còn rất khỏe mạnh, còn nhiều sức lực và rất vui tính. Ông ta lại rất tận tụy với công việc được giao phó, chủ yếu là đưa đón tôi đi lọc máu nhưng ông còn làm hơn thế nữa như ‘’bồng bế’’ tôi lên xuống cái xe SUV của ông, nâng đỡ tôi di chuyển bằng cái xe lăn của bệnh viện, thậm chí còn đắp mền, mặc áo quần, đi giầy dép cho tôi nữa. Được như vậy chắc nhờ ông có 20 năm kinh nghiệm săn sóc người cao niên trong mấy trung tâm dưỡng già của người Do Thái. Tiền công phải trả cho ông thật thà mà nói quá đắt cho ngân sách hồi hưu của 2 đứa chúng tôi. Song ‘tiền nào của nấy’’ cũng như người Quebécois thường nói «Tu en as pour ton argent’’ Thật vậy, tình trạng sức khỏe nhà tôi khá hẳn lên từ khi mướn được người thay nàng đưa đón tôi đi lọc máu và tôi cũng đỡ vất vả mệt nhọc vì mướn được người phục vụ nâng đỡ tôi thật sự tận tâm và hết lòng.

Nhờ thế tôi có sức phấn đấu giữ cho cuộc sống về chiều còn có phần nào phẩm chất (qualité de vie). Nhà tôi và tôi, chúng tôi thường hay mời bạn bè thân thích đến nhà xoa bài mạt chược ‘’cò con’’ ăn thua cực nhỏ. Mạt chược theo quan niệm của tôi, là một môn giải trí giao tế ngoài xã hội (socialisation) và nhất là một phương pháp trị liệu tâm thần (psychothérapie) cho bộ óc phải làm việc và tâm trí được thảnh thơi, xa lánh mọi áp lực hay phiền muộn. Tiện đây xin cám ơn các bạn bè (như các BS Nguyễn Thanh Bình và Thân Trọng An, DS Nguyễn Trọng Lộc, anh chị Trịnh Minh Ánh-Hiền và chị Lan) đầy thiện chí và nhiệt tình đến chơi mạt chược thường xuyên với vợ chồng tôi, và nhất là khuyến khích tôi chống chọi với Tử Thần.

Lọc máu không phải là chuyện dễ. Cái máy hémodialyse rất mãnh liệt. Bệnh nhân phải nhẫn nại chịu đựng cái rét lạnh vô tận nó gây ra, cũng như khi lọc xong mệt nhọc quá đỗi, thêm cảnh đi đứng khó khăn xây xẩm, nên phải dùng gậy chống để khỏi té ngã hoặc có người đi kèm dẫn dắt. Tuy nhiên dần dà tôi khắc phục được mọi khó khăn và làm quen với cái máy, nên còn sống sót đến ngày nay. Thực ra tôi còn phải ăn ít để tránh lên cân và uống ít để chân tay khỏi sưng vù lên. Máy lọc máu có 2 chức năng: Một là thải bớt creatinine ứ đọng trong các mạch máu và hai là thải bớt nước dư thừa trong cơ thể.

Nước dư thừa trong cơ thể có tiềm năng giết người như trình bầy sau đây.

Mỗi bệnh nhân suy thận đều được bác sĩ đánh giá và cho một trọng lượng khô (Poids sec) nghĩa là số kí- lô cân được trừ đi số lít nước chứa trong người. Mỗi lần làm dialyse cô y tá sẽ căn cứ vào trọng lượng của bệnh nhân trừ đi poids sec, để điều khiển máy lọc máu lấy ra số nước dư thừa. Càng lấy nhiều nước thừa ra, bệnh nhân càng mệt đừ câm sau khi lọc máu xong. Thế nhưng không lấy hết nước thừa ra thì bệnh nhân sẽ sa vào tình trạng giữ nước (rétention d’eau) rất nguy hiểm cho tính mạng, như trường hợp xảy ra cho chính bản thân tôi, xin kể quý bạn nghe.

Biết mối nguy hại của rétention d’eau mà tôi vẫn ăn thật no bụng, uống nước ừng ực cho đả khát. Một hôm tôi thấy chân tay và mặt mủi sưng húp lên. Sáng hôm sau ngủ dậy tôi mệt đừ câm và rất khó thở.
Nhà tôi muốn gọi xe cứu thương để đưa tôi vào bệnh viện, song tôi không chịu và muốn chết ở nhà. Nàng gọi điện thoại kêu con trai lớn về ngay vì cháu là bác sĩ cấp cứu. Cháu Kỳ Nam xem xét tình hình và cương quyết đưa tôi đi bệnh viện ngay.

Ở đây các bác sĩ chuyên về khoa thận học đồng ý là tôi giữ nước quá nhiều trong cơ thể nên nước tràn ngập đến ngoại biên (surcharge périphérique). Nếu cứ ở nhà, nước sẽ tràn vào trung tâm cơ thể, nhất là 2 lá phổi và gây ra chứng phổi bị sũng nước (œdème aigu du poumon hay OAP.) Chứng nầy rất khó chữa trị và bệnh nhân sẽ ngộp thở mà chết, rất đau khổ. Nhưng con tôi đã đưa kịp bố vô bệnh viện. BS Genest ra lệnh hút 3 lít nước ra khỏi cơ thể tôi bằng máy lọc máu và chích thuốc lợi tiểu Lasix trực tiếp vô tĩnh mạch, không biết lấy thêm ra được bao nhiêu lít nước nữa dưới dạng nước tiểu. Tôi được cứu sống và tránh được “chết đuối trên cạn’’. Chẳng khác gì người bị chết đuối dưới nước!


Lời kết: Tôi không biết mình xém chết lần nầy là bao nhiêu lần, chỉ xin đổi câu “Đời tôi đau khổ đã nhiều” thành “Đời tôi xém chết đã nhiều” và tiếp theo là xin “Đến khi chết thật, nhẹ nhàng mà đi.’’. Chấp nhận định mệnh làm người, miễn sao “Sống cho có nhân phẩm” …’’Chết cho có nhân cách!’‘

Đặng Ngọc Thuận
04-04-2024.

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top