Chính Vũ, Tiếng ve năm ấy 

Chính Vũ

Tiếng ve năm ấy 




Những ngày đầu Tháng Tư năm ấy, những ngôi trường nhỏ vùng ven Sài Gòn bắt đầu đóng cửa cho học sinh nghỉ học, vì tình hình chiến sự, ngày càng khốc liệt và cộng quân áp gần sát Sài Gòn.

Từng đoàn người từ các hướng Củ Chi, Biên Hòa, Bình Dương, Vũng Tàu… tay xách nách mang, đùm đề nhau, lũ lượt kéo về Sài Gòn, càng khiến thành phố thêm nhộn nhạo, hoang mang và lo lắng… Bọn thầy giáo trẻ chúng tôi cũng không ngoại lệ, từ vùng ven đô, trở về Sài Gòn, ngồi chơi xơi nước, với nhiều tâm trạng khác nhau…

Hôm ấy, sau khi đã ứng mấy tháng lương… hè dằn túi, buổi sáng sớm, ra đường Duy Tân ngồi uống cà phê vỉa hè, coi báo theo dõi tin chiến sự. Mới gần 8 giờ mà cái nắng đã chói chang, oi bức. Nóng rang rang.

Bất ngờ, bỗng có tiếng ve vút cao cái giai điệu e, e… quen thuộc, và một chú ve xám đen, từ trên tầng cao của cây sao già cổ thụ, rớt xuống bàn tôi ngồi và nằm im bất động. Cùng lúc, tiếng ve bỗng cất lên đồng thanh inh ỏi một tràng thật dài, và sau đó ngắt đoạn, như dồn cục và xuống một bè trầm dài lê thê như lời cầu kinh ai oán đến não lòng.

Bỗng xen vào là một tiếng gầm lớn và tiếng rít của động cơ máy bay phản lực như sát trên đầu, và một tiếng nổ lớn vang lên như rung rinh mặt đường phố. Chưa kịp hiểu điều gì xảy ra thì thấy xe cộ chạy ào ào tán loạn, có tiếng ai đó thất thanh:
“Dinh Tổng thống bị oanh tạc rồi”.

Tôi đứng lên, tiếng ve dường như cũng im bặt, nhường chỗ cho tiếng còi báo động và cứu hỏa vang lên ở hướng đường Hồng Thập Tự.
Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày 8 Tháng Tư 1975!

Càng gần những ngày cuối của Tháng Tư, tin chiến sự đồn dập khắp nơi trên từng mặt báo. Nơi này thất thủ, nơi kia mất trắng. Gương mặt những người Sài Gòn như trầm hẳn đi. Đường phố vẫn đông đúc người xe, nhưng đầy lo âu, thấp thỏm.

Tôi lại hay lang thang đi dưới những con đường xưa cũ với bao kỷ niệm của thời mới lớn, của tuổi học trò, lo nghĩ vẩn vơ…

Dưới đường Duy Tân, Tự Do, Nguyễn Du “cây dài bóng mát”, tôi, với thói quen thuở nhỏ, hay nhìn lên những tàng cao, tìm kiếm những chú sóc, chú ve, nhất là trong những ngày hè, rảnh rỗi. Lắng nghe tiếng ve để cảm cái “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, hay lãng mạn hơn:
Lần đầu ta ghé môi hôn/ Những con ve nhỏ hết hồn kêu ran…
(Trần Dạ Từ)

Lạ là những ngày Tháng Tư cuối ấy, tiếng ve không nức nở buồn, cũng không kêu ran mà như nấc cụt, uất nghẹn, buồn và có khi im bặt, như suốt một buổi chiều ngày 30 Tháng Tư. Tiếng ve như bị nén vào tàng xanh, ám mùi khói súng, mùi xa lạ mà rền rĩ rồi im bặt tới khuya!

Mười năm sau cái ngày Tháng Tư ấy, tôi bị… đi đày ra một huyện nhỏ vùng biển để dạy học với mỹ từ “ đâu cần thanh niên có”.
Mười năm dường như lúc nào cũng chỉ nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào, khi ảm đạm, nhàm chán, khi cuồng nộ, thét gào – trong khung cảnh những ngôi trường mái lợp lá buông cũ kỹ, nghèo khó… Thỉnh thoảng thấy những xác người được cho là đi “vượt biên” trôi dạt vào bờ, như trêu cợt và thách đó gã thầy giáo “thiếu chí khí” vì nhiều lý do bất khả!

Rồi một buổi trưa hè, lại về Sài Gòn “bồi dưỡng” thêm kiến thức sư phạm. Đu bám chật vật trên chiếc xe than nóng như lò lửa, tanh tao mùi cá, mùi phân heo, với những bao tải ướp cá và những cái rọ sắt nhốt heo chất đầy trên mui xe lẫn dưới gầm ghế ngồi, tôi mệt lả và cả buồn nôn. Đành xuống xe ở ngã bảy, cuối đường Phan Thanh Giản và lội bộ theo đường Lý Thái Tổ để tìm xuống trường Đại học Sư phạm.

Lại là Tháng Tư, nắng nhạt nhòa, nhưng hơi nóng từ những con đường đã xuống cấp, loang lổ, vẫn bốc hơi lên ngùn ngụt. Nhìn lên bầu trời như kém xanh, ong ong hoa cà, hoa cải. Ghé vào chiếc xe nước mía gần ngôi trường Petrus Ký xưa, nay đã mang tên khác, nhìn những cây me tây, muồng hoa vàng xác xơ, mà buồn mênh mang. Ngôi trường ngày xưa tôi học, cổng trường giờ còn đâu câu “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt/ Tây Âu khoa học yếu minh tâm” mà bao thế hệ học trò trước đây từng tu dưỡng!

Bất chợt đâu đó rền rĩ một tiếng ve, tiếng ve nghe có vẻ khào khào, già nua, lạc lõng. Rồi im bặt, rồi lạc lào rời rạc. Tôi chợt mủi lòng.
Tôi đang về nơi trường xưa, lớp cũ… vậy mà đơn độc, buồn…
“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng”, không phải tiếng ve xưa, của những mối tình học trò mơ mộng, và cũng không phải tiếng lòng buồn vì xa cách “Đôi đứa đôi nơi” mà buồn nẫu ruột vì màu cờ và đất nước đã đổi khác. Dẫu đã mười năm, nhưng lòng người dường như chưa yên, và cũng chưa được hàn gắn, mỗi khi Tháng Tư về. Mà sao tôi cứ mãi ám ảnh theo tiếng ve, và làm người xa lạ?

Thời thế đẩy đưa, hay cung “thiên di” của tôi có “vé xuất ngoại”, khi tiếng ve không mong đợi đã tắt hẳn, bắt đầu cho một năm học mới sau đó cũng gần hai mươi năm, lúc tuổi đời đã qua “tri thiên mệnh”, tôi lại khăn gói qua Mỹ đoàn tụ gia đình.

Đi hay ở cũng là điều dằn vặt, trước những thay đổi của cuộc đời. “Thiên mệnh” thì chưa rõ ra sao, nhưng “bản mệnh” của mình thì lại bắt đầu lo cho cái ăn, cái mặc và mọi sự sinh hoạt lạ nước, lạ cái trước mắt!
Cơ duyên đưa đẩy, nhờ một anh bạn giới thiệu, tôi được tuyển dụng vào làm ở một ngôi trường High School cách nhà nửa tiếng chạy xe. Tại đây, tôi không tiếp tục bán… cháo phổi nữa, mà chuyển sang bày biện, dọn dẹp những bữa ăn cho học sinh.

Thôi âu cũng là số phận? Những ngôi trường ở vùng Đông Bắc nước Mỹ này không tìm đâu ra bóng dáng những cây phượng quen thuộc ở quê nhà.

Song vẫn có những cây cổ thụ, mùa hè lá xanh ngăn ngắt và sang thu lại chuyển vàng đến nao lòng.

Không có hoa phượng và không có cả tiếng ve, nên những khi rảnh rỗi, nhìn ra khoảng sân trường rộng mênh mông, với những bãi cỏ xanh mướt mát, lòng tôi bỗng rưng rưng nỗi buồn man mác…

Rồi một buổi trưa, giao ca về sớm, lái xe vòng vèo qua một cái park, hạ kiếng xe để tận hưởng cơn gió mát lành, bên dưới những tàn cây phong cổ thụ, tôi bỗng chợt nghe những tiếng e e quen thuộc, trầm bổng như những khúc nhạc hiếm hoi trưa hè ở quê nhà.

Tấp xe vào sát lề, tôi mở cửa bước xuống, nhìn dưới một gốc phong cổ thụ, rêu bám đầy dưới gốc, nhìn thấy vô số vỏ ve bám vào quanh gốc.

Những vỏ ve nhỏ thôi, chừng bằng ngón tay, in hình như loại ve kim ở quê nhà, loại vỏ ve mà Đông y gọi là “thuyền thoát” hay “thuyền xác”, mà khi xưa, mẹ tôi thường tìm mua, nấu nước cho anh em tôi uống để trị chứng “mồ hôi trộm” hay viêm nhọt

Ngước lên tàn cao, tôi thấy những con ve, màu xanh, xám, đeo quanh cành cây và đồng loạt vang ngân tiếng e e, i i... rền vang.
Không cao vút và cũng không ngắt quãng, hay đứt nghẹn, nức nở.
Bỗng thầm nghĩ: Học sinh ở Mỹ chắc không ai quan tâm hay ấn tượng với tiếng ve? Và chắc cũng chẳng ai có tâm cảm :
“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng” như thế hệ học sinh của tụi tôi ngày xưa đó.

Và chắc cũng chẳng ai như tôi, cứ mãi tìm, và nhớ tiếng ve… một thuở. Để rồi cứ mãi tình “hoài hương” không nguôi của những ngày và năm tháng ấy…

Chính Vũ (27 tháng 4, 2022)
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top