• Phạm Trường Giang: Cự phú Bá Hộ Xường

Cự phú Bá Hộ Xường

• Phạm Trường Giang



Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nhận xét: Bá hộ Xường, vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi…
Trên đường Hải Thượng Lãn Ông – con đường gắn với phố thuốc Bắc có nhiều ngôi nhà kiểu cổ của Chợ Lớn năm xưa. Trong số đó là một khu nhà trệt có nhiều giá trị quý về kiến trúc, đặc biệt là trang trí nội thất cổ vẫn còn được giữ gìn rất tốt bên trong. Ngôi nhà hiện là từ đường của dòng họ Lý tại Sài Gòn, đấy là gia sản còn lại của bá hộ Xường, người từng mệnh danh là giàu thứ ba trong nhóm “Tứ đại phú”.
 

Bỏ quan trường theo thương trường

Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, còn có tên tự là Phước Trai, sinh năm 1842. Cha của ông là người Hoa, lấy vợ người Việt sinh ra bốn người con, trong đó ông Quan là con thứ ba. Ông sinh ra tại thôn Nhơn Hòa (Gia Định) vào năm 1842. Tương truyền lúc mới sinh có “hồng hoa bao để” (đẻ bọc điều) nên gia đình đặt tên là Tường Quan.
Từ nhỏ, Tường Quan tỏ ra thông minh và hiếu học hơn hết. Ngoài tiếng Việt, Tường Quan đi học cả tiếng Pháp, tiếng Hoa và tỏ ra xuất sắc. Tài năng cầm kỳ thi họa đều giỏi, vì vậy ông được người Hoa bầu là bang trưởng bang Triều Châu khi còn rất trẻ. Sau đó ông được Pháp mời ra làm thông ngôn, kiêm luôn chức vụ bang trưởng cả bảy bang Hoa kiều Chợ Lớn. Việc Pháp thành lập được 25 hộ trưởng trong Chợ Lớn đều có công sức rất lớn của ông.
Nghề thông ngôn không đơn giản chỉ là đi phiên dịch cho Tây, mà còn nắm nhiều thông tin cơ mật, nhất là nếu có chút tài cán, được làm thông ngôn cho quan Tây chức to thì cơ hội tiến thân vào bộ máy chính quyền thực dân rất lớn. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng kể lại: “Xưa thầy thông ngôn oai lắm: chức làm “interprète” khi đứng bàn ông Chánh (tức thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói. Khi lại đứng bàn ông Phó, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa.
Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được làm một nhiệm kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, oai thấu trời, oai hơn ông ghẹ”.
Ấy vậy mà chỉ làm vài năm, đến năm 30 tuổi, Tường Quan xin rời khỏi việc thông ngôn vốn nhiều người mơ ước để đi buôn. Giải thích cho quyết định này, có người cho rằng ông thích tự dọc ngang làm giàu hơn là thích làm chức sắc trong bộ máy cai trị thực dân. Có lẽ với vốn liếng hiểu biết nắm được trong thời gian làm việc với Pháp, Tường Quan thấy ra đi buôn còn phất hơn.
 

Vua nhu yếu phẩm lên nhờ đất

Ông Tường Quan phất thật khi đi buôn. Ban đầu ông kinh doanh thực phẩm. Cá thịt là thứ mà hiếm người nào không thường xuyên ăn. Ông thu mua cá ở lục tỉnh, mang lên bán ở Chợ Lớn và Sài Gòn, ngoài cá tươi, ông còn cho chế biến cá khô, mắm để bán ở các vùng xa hơn, thậm chí bán cá khô ra nước ngoài. Tức là ông đã nhắm đến việc xuất nhập cảng rất sớm. Sự hiểu biết và mối quan hệ với người Pháp giai đoạn làm thông ngôn giúp nhiều cho việc giao thương của ông.

Ông tiếp tục mở rộng kinh doanh, sau khi thu mua thịt cá ở miền Tây bán cho người thị tứ, ông bán ngược lại nhu yếu phẩm cho nông dân. Hệ thống thu mua của ông càng mở rộng chân rết khắp tỉnh thành, việc buôn bán càng phát đạt, thậm chí người ta đồn rằng đến gần một nửa dân miền Tây mua hàng hóa nhu yếu phẩm là có nguồn gốc xuất phát từ đầu mối của ông Tường Quan. Ngày càng giàu có, người ta không còn gọi ông bằng tên thật Tường Quan nữa, mà bằng tên mới: bá hộ Xường. Xường có thể là tên gọi ở nhà của ông, là chữ Tường đọc theo tiếng Hoa.

Gia sản của bá hộ Xường tiếp tục phất lên khi ông đầu tư qua bất động sản. Chiêu thức của ông khá đơn giản: Mua đất giá rẻ, sau đó ra xây nhà, xây biệt thự rồi cho thuê lại. Tận dụng các mối quan hệ với chính quyền Pháp cũng như cách hành xử “biết điều”, bá hộ Xường đã tìm cách mua được rất nhiều khu đất ruộng, đất hoang giá rẻ rồi đầu tư xây địa ốc. Nhờ vậy, gia sản của ông phất lên cực thịnh giai đoạn này. Người ta nói phần lớn nhà cửa trong vùng Chợ Lớn Mới và vài quận lân cận đều là của bá hộ Xường xây cho thuê. Cần biết rằng chú Hỏa (Hui Bon Hoa) được xem là có rất nhiều nhà thuê ở vùng Sài Gòn – Gia Định, tương truyền đến 30.000 căn nhà, vậy mà cũng chỉ được xếp thứ tư trong “Tứ đại phú”, sau cả bá hộ Xường. Xin lưu ý là trong “Tứ đại phú”, ba vị trí đầu không đổi, chỉ có vị trí thứ tư là được gán cho nhiều người khác, đó là Hội đồng Trạch, chú Hỏa, Trần Hữu Định và cả Bạch Thái Bưởi.
 

Có một bá hộ Xường làm thơ

Tài cầm kỳ thi họa của bá hộ Xường được ghi lại nhưng không có nhiều bằng chứng, may thay nhà nghiên cứu Võ Văn Sổ đã tìm được mấy tập sách nhỏ do bá hộ Xường viết, ký tên là Phiên Thành Phước Trai tiên sinh, do nhà in Hòa Nguyên Thạch và Văn Nguyên Đường in, gồm ba bộ:
– Ấu học thi diễn nghĩa.
– Thiên tự văn diễn nghĩa.
– Tam tự kinh diễn nghĩa.

Đây là những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc, được bá hộ Xường dịch lại bằng thơ lục bát cho dễ đọc, dễ nhớ, ví dụ như:
Nhơn chi sơ – Tánh bổn thiện/ Tánh tương cận – Tập tương viễn/ Cẩu bất giáo – Tánh nải thiêng… (Tam Tự kinh)

Được dịch như sau:
Người sanh lúc hởi còn thơ/ Lòng lành chỉnh thiệt, chẳng chờ chớ dư/ Đến chừng biết nói biết đi/ Vui đâu tời đó, tính gì dở hay/ Lòng vừa giống giống gần tày/ Chơi điều chỉ vẻ lại bày khác xa/ Lạ chi thế thái người ta/ Gần đèn thì rạng, mực hòa thời đen/ Ví dầu chẳng dạy cho quen/ Ắt là biến cải tựa đèn gió đưa…

Tức là cứ mỗi một câu Hán-Việt được dịch ra thành hai câu lục bát, cứ liên tục như vậy cho đến cuối bài.
“Không rõ bá hộ Xường dịch thơ này nhằm mục đích gì? Ông muốn dạy trẻ người Hoa hay người Việt học tiếng Việt dễ hơn qua thơ lục bát?”. Ông Sổ đặt câu hỏi, thắc mắc này đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Còn rất nhiều tư liệu về bá hộ Xường đã không còn. Gia đình ông sau này phần lớn đã rời khỏi Việt Nam định cư qua nước khác nên họ mang theo hoặc thất lạc khá nhiều khiến người đời không được biết nhiều về nhân vật khá đặc biệt này.
Bá hộ Xường mất năm 1896, khi mới 54 tuổi, đang cười nói bình thường thì lịm đi rồi mất. Tài sản chia cho các con cháu mỗi người một phần. Hậu duệ của ông nhiều người tiếp tục nghiệp kinh doanh như Lý Văn Mạnh mở rộng cả một khu ở vùng Đức Hòa, Đức Huệ của Long An ngày nay để trồng mía, xây hàng loạt nhà máy đường, hay xây dựng nên khu chợ vải Soái Kình Lâm… Nhiều người khác chọn con đường làm kỹ sư, bác sĩ, công chức. Nhờ được ăn học đầy đủ, rất nhiều người thành đạt nhưng không một ai có thể tạo dựng nên tên tuổi như bá hộ Xường.

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top