Trịnh Khải Hoàng, TÀ ÁO NOEL

Trịnh Khải Hoàng

TÀ ÁO NOEL

 

 
Buổi chiều trời âm u rồi chuyển dần đến cơn mưa lớn. Tôi cố tình không khép vội cánh cửa sổ, để mặc những bụi mưa bay tạt vào phòng làm lấm ướt bức tranh vẽ bỏ dỡ cùng dăm quyển sách trên bàn ..., Vẫn lười biếng, tôi thu mình dưới lớp chăn ấm quấn đến tận cổ nằm nghe mưa rơi đều trên mái ngói. Tôi thích và yêu mưa vô cùng! Mưa ở đâu? Từ miền núi đồi hoang vu xa lạ, ngang bao bao cánh đồng mang theo tan tác hơi lạnh của cây cỏ gãy đổ khiến tôi xao xuyến tâm hồn ...! Tôi tự hỏi có bao nhiêu khách bộ hành dừng chân trú mưa dưới mái hiên nhà người, hoặc những hàng cây ven đường ... có cô bé Mitsuko tôi mến không? Ngoài đường phố chắc tiêu điều biết mấy! .
 
Buổi chiều dần tàn, bóng tối nhen nhóm khoát lên những tán lá cây ven đường hãy còn ướt đẫm nước mưa…. Tôi khoát áo, lấy xe Vespa đến nhà Mitsuko, đưa nàng dạo quanh vài con đường hãy còn lấp loáng nước mưa, suốt những đoạn đường cô bé thích thú nói cười huyên thuyên tự nhiên, đôi lần vòng tay ôm chặc lấy tôi và trách nhẹ mỗi khi xe chạy lên những ổ gà lồi lõm, hoặc im lặng không biết lại giận hờn hay buồn chi? Mitsuko dạo này chợt buồn, chợt vui như mưa bóng mây phút chốc mưa và chóng tạnh. Khi thương mến ai, ta thường muốn hiểu và chia xẻ tâm tình cùng họ rất nhiều, ... Nhưng mỗi lần cô bé im lặng hoặc hờn dỗi, tôi giả vờ thản nhiên như không hay biết và cũng rất bối rối, đáng tiếc khi cô cúi đầu che đậy những giọt nước mắt âm thầm rơi! Sau cùng thường kết thúc bằng những tiếng cười khúc khích của cô bé qua những câu chuyện vui mà tôi kể để trêu ghẹo, và cũng là thái độ xin lỗi rất ư là nịnh đầm với Mitsuko, kèm theo vài dòng thi văn theo lời yêu cầu của “nạn nhân” Nakashima Mitsuko!
 
Tóc mây em vẫn còn dài
Phải em nuôi cánh liên đài tặng anh?
Thuyền Từ ghé bến mắt xanh
Như Lai bỗng nở trong tranh nụ cười!
Một thương chín bỏ làm mười
Hai thương em đã cùng người sang sông
Đây anh uống cạn chén lòng
Nở ra một đóa tình không rạng ngời!
Từ em thuở ấy vào đời
Cớ sao tóc thả mây trời gió bay?
Anh về nuôi mộng nào hay
Tĩnh ra mới biết hồn say phấn kỳ!
Thôi em mở cửa từ bi
Cho anh gởi chút tình si cuối cùng
 
Từ khi vào Lính đến nay đã hơn hai năm. Bây giờ ở đây miền cao nguyên với những cơn mưa lớn như không muốn tạnh và giá rét của núi rừng buổi về chiều làm se da, chùng dạ kẻ quanh năm suốt tháng hành quân liên tiếp từ mùa khô ở chiến trường: Trị Thiên, Mai Lĩnh, Phong Điền, Thạch Hãn, Gio Linh, Cửa Việt ... Những địa danh cùng với cảnh người dân hiền lành, nghèo khổ, hoạn nạn bồng bế, dắt dìu nhau trong kinh hoàng cố vượt qua khỏi vùng lửa đạn…! Nghe lạ tai và xa tầm mắt nhìn của thị dân may mắn cư ngụ trong những thành phố lớn xa hoa và bình yên! Đầu mùa mưa xuôi quân về Nam, miền đồng bằng lấp xấp nước với những cuộc hành quân: Lam Sơn, Tháp Mười, Kiến Phong, Cao Lãnh, Đức Hòa, Đức Huệ, ... và đám mạ non chờ cấy. Chiều nay dừng quân ở đây nhìn dãy núi rừng mầu tím thẩm chạy dài ... Chạnh lòng nhớ những chiều mưa qua thành phố với cô bé Mitsuko mắt huyền, tóc cắt ngắn như Poupée Nhật Bản trong tà áo màu thiên thanh trên đấy tôi vẽ cánh quỳnh lan tặng nàng vào dịp Giáng Sinh năm trước .
 
Mưa từ rừng núi bao la
Mang theo tan tác ngang qua phố chiều
Đường xưa phố cũ tiêu điều!
Chiều nay có kẻ quạnh hiu một mình!
Nhìn mưa chạnh nhớ người tình
Cánh Quỳnh năm trước bóng hình em đâu?
Mưa chi để mắt em sâu?
Ở đây rừng núi gọi sầu hư vô!
Xuyên Đảo Phương Tử Mitsuko
Kimono ngày trước em còn giữ không?
 
Thời gian và đời Lính xuôi ngược đã làm tôi thay đổi nhiều … Nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác xúc động ngày trở về nhìn lại hàng hiên nhà tôi phủ đầy những xác lá khô, có mớ đã rã mục ẩm ướt, … Lâu lắm rồi không có người chăm sóc, quét dọn giàn Antigône gẫy đổ trơ giây, hoa đỏ tàn tạ chen lẫn với rợ hoang mọc đua vượt tiêu điều! Chẳng buồn dọn dẹp để cảnh tan tác yên vậy, tôi ngồi ở hàng hiên nhìn buổi chiều mùa Đông chầm chậm qua, dăm con chim se sẻ bay về nấp trên mái ngói gọi nhau chim chíp … Trong ánh sáng nhá nhem của bóng đèn điện bên đường soi qua mái hiên, tôi nhận ra dáng quen thuộc của Mitsuko đưa tay mở chốt cửa hàng dậu, và như khám phá ra điều gì thú vị …nàng mừng rỡ bước qua cổng, vẫn dáng người quen thuộc ấy, nhưng bây giờ nàng đã là thiếu nữ… hơn trước, tóc huyền thả dài, ánh mắt hẵn đen hơn ẩn chứa thăm thẳm cả chiều thương đô thị lo âu, chờ đợi ai đó từ chinh chiến khói lửa tử sinh được bình yên trở về …! Và trời dù tối tôi vẫn hình dung “nhìn” thấy được môi nàng hồng hơn xưa, hoa nở đâu đây mà hương nhẹ bay thoảng không gian? Nàng nói:
- Em vẫn đi ngang qua đây như mọi ngày và nghĩ anh sẽ trở về vào dịp Giáng Sinh năm nay … Thật đúng như vậy. Anh không chào em há!
- Chào “Nhi Đồng” … em lớn quá! Không biết có còn là nhi đồng của anh như ngày trước? …
- Em vẫn thích được anh gọi là “Nhi Đồng” như trước. Anh đi khỏi không ai gọi em như thế, em tưởng chừng mình đã mất đi những ngày thân ái được anh nuông chìu với bao kỷ niện êm đềm xưa như xa thật xa …như chuyến tầu thơ ấu đã rời bỏ sân ga ra đi biền biệt viễn du không còn khứ hồi bến cũ …mất rồi vậy! Nghe Mitsuko nói, tâm tình của tôi có nhiều khơi “dậy lên khói sóng, yên ba giang thượng“ âm điệu rộn rã luyến ái khó diễn tả, tỏ bày là tôi đã âm thầm yêu nàng…và rồi bổng phổng đá như thằng gù Quasimodo nhà thờ Đức Bà không còn hồn để kéo chuông , giá mà phải “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì” gặp gái lần đầu tiên, bèn ú ớ “cù lần, quê một cục” đỏ mặt tía tai chỉ biết thọc hai tay dấu vào túi quần rồi đếm ngón lẫn lộn… Ngại ngùng tôi lẫn tránh bắt quàng sang chuyện khác lãng xẹt vô duyên:
- Mitsuko còn tiếp tục đọc sách Triết không?
- Dạ không anh. Nói anh đừng cười em nhé! Em có cảm tưởng mấy ông Triết Gia sống trong hư hư, thực thực … Họ cố tình dùng những từ ngữ phức tạp, tối nghĩa … để diễn giải những vấn đề vốn dĩ giản dị và thường tình …
 
Tôi mỉm cười với ý nghĩ ví von pha lẫn có chút tinh nghịch của Mitsuko, mà đúng lắm ít ra cho riêng tôi và cô bé “tri kỷ thế sự nan” này. Ôi … thương thay và tội nghiệp cho thế gian động loạn vì có thêm hậu Bá Nha, Tử Kỳ như chúng tôi! Tôi góp ý “bình loạn” thêm với nàng bên tám lạng người nửa cân:
- Anh cũng nghĩ Quân Tử đại trí giả ngu; Tiểu Nhân đại ngu giả trí … hi … hi … , như rứa, như ri: Này “nhi đồng”! Từ con người sống không như Chân Lý sinh ra Tôn Giáo, không hiểu biết Tôn Giáo sinh ra Giáo Lý, lại không hiểu Giáo Lý sinh ra Triết, và rồi con người khó hiểu Triết sinh ra Triết Học, … Vậy từ có Triết Học tức loài người đã xa rời Chân Lý lắm rồi! Xưa Ông Khuất Nguyên ở bên Trung Hoa trầm mình dưới sông Mịch La mà tự tử, nếu còn tại thế nghe tôi “luận loạn” đục ngầu như thế này, có lẽ Ông phải trồi lên khỏi sông Mịch La tha phương cầu thực qua Việt Nam bán “chí mè phủ”, “lục tàu xá”, … ế ẩm, buồn đời đến cầu Trương Minh Giảng nhảy xuống thêm lần nửa cũng nên! Đã bảo:
 
Hoa úa khinh cài thân Ngọc Nữ
Bút cùn hí họa giáng Tiên Đồng
(Vi Tiếu – Thiền sư Viên Minh)
 
Nhưng cũng có nhiều đêm thao thức phiền muộn nhận chân chính mình:
 
Tóc mấy sợi bạc dần xuân xanh cũ
Kinh Thư còn mò mẫm mấy trang ngoài
Đêm thức giấc tủi mình sao ám độn
Qua song thưa trăng đã gác non đoài.
(Thiền sư Giới Đức)
 
- Anh còn nhớ Mary không? cô bạn Mỹ tóc vàng để dài quá lưng đó!
 Mitsuko hỏi. Nhưng tôi không vội trả lời nàng vì thường khi cô ả bất chợt hỏi hoặc chuyển đề tài tất không bình thường .
- Mary tặng anh phiến đá Genuine vào dịp Noél hai năm trước ... anh có nhớ không?
- À ... anh nhớ ra rồi, bây giờ cô ấy ra sao?
- Mary đã lập gia đình ... Em có chuyện này vui lắm! Một hôm Mary rủ em đi dạo phố xem người - người qua lại mua bán, em từ chối vì sẽ phải đi dự thính buổi diễn thuyết về Kant và Triết Lý của ông. Mary lãi nhãi thuyết phục mãi, em phát cáu bèn nói với cô ta: “Mary chẳng Triết Lý tí nào cả, suốt ngày cứ lê la ngoài phố chợ, có gì với cảnh người người bon chen ngược xuôi đó chứ… ”?.
 
Anh có biết Mary trả lời với em ra sao không?
- ...
- Cô ả cũng nổi tí ti sân si và hờn mát trách em: “Này, này ... Mitsuko Nakashima Okita diễn Nôm là cô Xuyên Đảo Phương Tử ( 川島芳子), thật ra là Trung Đảo Mỹ Tân Tử (中島美津子) cô không muốn nghe, thấy sự thật hiển hiện trước mắt, xảy ra hằng ngày ở trong chợ đời và vạn cảnh chung quanh…mà chỉ mê thích nghe người ta chễm chệ đăng đàn trên bục giảng “huê dạng” phô diễn dỡ và khua mõm lắm lời, lẻo mép nói lời gian dối gạt người và thói tật huênh hoang mục hạ vô nhân xem thường dưới hàng thính chúng kia như loại sinh vật bán khai cần được giáo hoá vậy ... thật đáng tiếc vô cùng…”! Em đang giận cũng phải phì cười…!!! Chợt nghĩ Mary nói rất có lý, đời sống đang hiện hữu, thường hằng ... tại sao em cứ mãi vu vơ quan tâm, ham mê những chuyện không đâu, lại nữa mấy “ông” Triết Tây chửi mấy “bà” Triết Đông, loại triết gia Hiện Sinh không thấu đáo, chưa thành toàn, khiếm khuyết đã dẫn dắt giới trẻ với bao giấc mơ “Phù Đổng” lãng mạn, hồn nhiên trong sáng với bầu nhiệt huyết và tài năng như nụ hoa ban mai chực chờ hé nở bình minh sẽ cống hiến cho nhân loại nhiều nhân tài, đóng góp cho sự văn minh của thế giới rực rỡ đầy hứa hẹn…Nhưng theo họ, giới cai trị quyền bính già nua, giảo quyệt chiếm lĩnh, thu tóm, tích luỹ của cải thế gian, cản đường, đẩy họ vào cuộc cờ xung đột giết chóc là phi lý cần được phản kháng, chối bỏ, khước từ…và tiếc thay tuổi trẻ lầm lạc “quậy” tung trời đất, rủ nhau sống “bầy đàn” make love not war như thời hoang dã…chán chê…rồi nhiều “thiên tài” đã trở thành “thiên tai” với thân thể bệ rạc vì ma tuý đang tàn phá chết dần mòn …Buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, người phu rác lương thiện gọi báo với cảnh sát có:” thi thể người trẻ tuổi chết cóng dưới gầm cầu”…! Chúng ta khao khát và cần một Minh Triết làm thống quan để nhân loại cầu tiến noi theo mà mưu cầu an sinh hạnh phúc…? Sau đó em không còn đọc những gì… gì ... về Triết nữa cả!
 
Tôi mỉm cười với câu chuyện vui… vui của Mitsuko và Mary…! Tôi hiểu và thường ba phải nịnh đầm tán thán với mấy cô ả “triết gia”, chiếc cành ... không qua khỏi ngọn cỏ, dễ thương, hồn nhiên chưa nhiễm vết nám và nét hằn của cuộc đời này .
- Anh biết em suy nghĩ gì không?
- ...!
- Người ta bảo “Triết” rồi thì định nghĩa và xếp đặt thành hệ thống này, hệ thống nọ, ... Như vậy có phải chăng họ đóng khung và giới hạn Triết rồi không? ...!
- ...!
- Em sống với hiện tại của chính mình, có nghĩa là: Không than van vì những hoàn cảnh bất toại ý buồn phiền, hoặc tiếc nuối quá khứ an vui hạnh phúc thời qua, và cũng chẳng bất mãn hiện tại để mong cầu tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến ... Vì em nghĩ tương lai mong cầu, ước muốn được, ... nếu có đến rồi cũng sẽ với rất nhiều thiếu sót mà thôi! Tự do là sống ung dung trong ràng buộc; hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau phải không anh?
- À ... Triết Lý lắm đấy! Anh có cảm tưởng em giống như bà giáo già của anh lắm vậy .
- Em lớn rồi chứ bộ, ... anh cứ bắt “nhi đồng” nhỏ hoài sao?
- Ồ, thì lớn lắm! Tôi đưa tay làm dấu cao lớn bằng khoản một ngón tay út! Mitsuko ngéo ngón tay tôi rồi cười!
- Em đang đọc sách Zen của Daisetz Teitaro Suzuki hay lắm để hôm nào em kể cho anh nghe! Ông ta luận: “Rễ Thiền mọc ở Ấn Độ, cây Thiền lớn ở Trung Hoa và hoa Thiền nở tại Nhật Bản”, ... Quê hương của cha mẹ em .
- Ơ hay, … Thiền trực ngộ vô ngôn tự, sao ông Suzuki luận thuyết nhiều và rườm rà như thế? Hay là cô Phương Tử của xứ Phù Tang định ví von bởi chính vì thế nên chư Tăng Nhật Bản cưới vợ, nhập “thiền the” sinh nhiều Thiền nhi đồng ấu, nam nữ, đực cái, trống mái đầy đàn, đầy đống,… để hoa Thiền Hộ Sản, Bảo Sanh Đường, Điền Trung Đủ Thứ Lang, Xuyên Đảo Phương Tứ Xứ, Sơn Hà Chi Đạo Giả,…nở rộ như hoa Anh Đào khắp nước Nhật chăng? Tôi trêu nàng .
 
Biết tôi cố tình trêu ghẹo, Mitsuko giả vờ nổi máu truyền thống Samurai chắc có tí xíu mỏng… mỏng thôi? Nàng vung tay như Samurai Miyamoto Musashi kiếm sĩ Nhật Bản tuốt gươm Sho-Dai Kunimune Tachi ra khỏi vỏ và chém “xoẹt” ngang đầu tôi ... rồi cười cợt ra điều thích thú! Cô ả mới luận Thiền xong lại giở thói sát sinh , ... Tôi thiện tai ... thiện tai ... mở Tứ Vô Lượng Tâm rất ư là Tăng Chi Bộ Kinh giảng rằng: Evam me sutam, Như thị ngã văn, tôi nghe như vầy ... một thời Đức Phật ngự tại ... ngự tại… chết mất quên địa danh rồi… có vị Chư Thiên ... Chư ... lại quên luôn danh tánh, đảnh lễ Đức Phật xong bèn hỏi rằng:
- “Bạch Đức Thế Tôn bằng phương pháp nào Đức Thế Tôn nhập Niết bàn…”?
 Đức Phật trả lời:
- “Như Lai không đứng lại, không bước tới và Như Lai nhập Niết Bàn…”.
Đức Phật biết được chư Thiên ... chưa lãnh hội được Pháp! Ngài bèn giảng thêm: “Vì đứng lại tất bị chìm đắm, bước tới sẽ trôi lăn ...!”.Và chư Thiên ... À không, Dạ Xoa Nakashima Phương Tử đoạn lìa mọi triền cái không còn thói tham, sân, si, ... thân tâm khinh an, phỉ lạc bước vào vườn yêu ... Nhưng Mitsuko không phải tay vừa, đã bảo: “Trời sinh Du sao lại còn sinh Lượng…”? Cô ả thể hiện nửa phần dòng nhà con cháu Japon Thái Dương Thần Nữ không để kém phần thua thiệt “bèn” nhanh nhẩu chanh chua me khế, tân toan, ôn hàn táo thấp nhiệt kê toa đáp lễ tận tình:
- Anh biết không?... Có một chú Tiểu vốn tính vừa ba xạo, lại thêm tật nhiều chuyện, hay nghe ngóng chuyện thị phi thiên hạ rồi đem về chùa kể trình lại cho sư phụ:“Bạch Thầy, chị Mỹ ngoại tình bị người biết được, gả Hồ điêu ngoa gian dối như vẹm, chú Phú Lang Sa thập thò muốn trở lại mảnh vườn xưa đã bị bạn hữu hất chân ... anh Hoàng hay phịa chuyện và không săn sóc cưng chìu bổn cô nương ...! Sư Cụ khoát tay ra dấu ngưng lại và bảo: “Tĩnh Ngạn ... Hãy để rác rưởi yên ở đống rác hoặc phụ giúp người dọn dẹp, ... Cớ sao con mang về Chùa nhiều vậy ”?
 
Kinh hãi thật! ... Tôi chỉ mới đụng chạm chủng tộc nhẹ nhàng và nhỏ xíu như móng tay mà cô Poupée Nhật Bản dễ thương của tôi phút chốc trở mặt chua ngoa ví von và áp tặng cho tôi ngang hàng với rác rưởi... Tuy trêu ghẹo và sát phạt nhau tận tình,… nhưng: “Quân Tử thức tự đa ưu hoạn” hãy cứ để cho cô ả tưởng bở là: “Lão Ô bách tuế bất như Phượng Hoàng sơ sinh” mà lị, vả lại dù cho:
 
Đá dựng ngàn năm hoang đường khói độc
Nhìn thăng trầm biển khóc tình duyên!
(Thiền Sư Giới Đức)
 
Hai chúng tôi như tự tiền kiếp vô thuỷ, vô chung nào đó đã từng có gì… gì với nhau mà:
 Còn luân hồi là ta còn nhập cuộc
Còn ra đi còn trở lại bên người
(Thiển Sư Giới Đức)
 
Và những năm chờ, tháng đợi để được vài ba ngày phép ngắn ngủi được gần bên nhau, không đặng bao lâu lại phải xa nhau, đời Lính gian khổ nay đây, mai đó khiến những ước mơ cuộc sống bình thường và giản dị cũng khó mà thực hiện, mỗi khi dừng quân trú đóng ở vùng tạm bình yên, qua vọng gác đêm trăng tôi nhớ Mitsuko và có lẽ nàng cũng tựa bên khung cửa sổ nhìn theo trăng mà nghĩ đến tôi. Hai chúng tôi có giao hẹn với nhau như vậy:
 
Sương đêm đêm nhỏ buồn trên phiến lá
Nhớ trăng từ muôn kiếp trước xa xôi ...!
 
Nhưng bây giờ ở đây bên cạnh Mitsuko bỗng dưng tình cảm tôi lại e ngại và ngập ngừng biết mấy ...? Tôi thoáng buồn man mác nhìn vào khoảng chiều hôm trước mặt như lỡ chuyến tàu đêm…!
- Anh trở về với nhiều thay đổi và không biết có muộn màng không?
 Tôi vụng về hỏi nàng như trai mới lớn tỏ tình lần đầu tiên!
- Em nghĩ thật đúng lúc và biết rõ tâm tư, tình cảm của mình ... cũng như hoàn cảnh hiện tại và mai sau thật tri túc ... em mong anh về mà! Những chiều tan học về em thường đi ngang qua đây ngóng trông anh đã về chưa? Em luôn nhớ đến anh…! Mitsuko nói nhỏ câu cuối thẹn thùng! Tôi rất xúc động và cảm thấy có lỗi với nàng vô cùng,… đã hơn hai năm qua tôi chẳng viết gởi cho nàng lá thơ, nhưng trong thâm thẳm tâm tưởng tôi luôn nhớ đến nàng và rồi tôi như hạc nội mây ngàn.
 
Hỡi gió hãy ru ...
Lũ Hạc nội mây ngàn
Về đây chung điệu hát
Trường ca Thành Nội cũ ...
Này, Hồ Gươm liễu buông dáng rũ
Chiều sương mù lành lạnh hơi Thu
Đền Quan Thánh lấp lánh ánh trăng vàng
Chuông chùa điểm sáng
Huế ơi! Lăng Tẩm cung Đình
Xa xưa lắm ... tiếng vang rền xa mã
Đây Gia Định miền Lục Tỉnh
Câu hò sao đậm tình ...!
Hẹn nhau mùa lúa chín
Anh với mình nên duyên
Tiếng loa vang gọi Chàng
Lòng Thiếu Nữ rộn ràng!
Hối tiễn bạn tình lang
Lên đàng trời vừa hừng sáng
Gởi theo ánh mắt mơ màng
Chiều mưa Đồng Tháp nhớ hàng quân qua
 
- Mitsuko, đưa Anh đến thăm Ba, Mẹ em, khuya nay anh đưa em đi lễ ...
- Vâng ... đi với em!
 
Tiếng nàng nhỏ nhẹ vừa đủ để tôi nghe như sợ gió đêm sẽ làm tan loãng hết.
Trên đường đi đến ngôi giáo đường… đôi khi tôi dừng bước để được nhìn gió khuya lay động vờn tà áo Mitsuko bay phất phơ ... Nàng có biết lòng tôi hạnh phúc lắm không? Tôi hát nhỏ bản nhạc lời thơ rất tình tứ gởi nàng âm thầm:
 
Lại một noél nữa
Mấy mùa giáng sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời!
(Nhất Tuấn)
 
- Đi anh! ... Cứ nhìn em hoài xấu hổ chết ...!
 
Tôi thấy ánh mắt Mitsuko như vì sao huyền diệu trong đêm, má nàng thoáng thẹn thùng, tim tôi reo vang ... Ngoài kia chuông nhà thờ đổ rền, bấy giờ người ta làm lễ nửa đêm.
 
Trịnh Khải Hoàng – Hawthorne 1985.

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top