Phạm Thanh Phúc:TÌNH NGHĨA PHU THÊ

Phạm Thanh Phúc

TÌNH NGHĨA PHU THÊ



      -A di rị đa, tì ca lan đế, tì ca lan đa, dà  dí nị dà na. Nam mô cam lồ vương bô  tát, Nam mô cam lồ vương bồ tạt, sa sát na, sa bà la ta…

      Tiếng đọc kinh đều đều khi trầm khi bổng của hai ông thầy tụng kinh ở chùa Phước Hoa được mời đến ban chiều cộng với tiếng gõ mỏ lốc cốc giật cục từng đoạn, tiếng chuông buông thong thả sau một hồi dài đã làm cho không khí buổi khuya vốn ảm đạm, buồn tẻ, lại càng thêm ảm đạm hơn, nhất là dưới ánh đèn leo lét hiu hắt, và bên cạnh đó là chiếc quan tài sơn son thiếp vàng im lặng nằm trơ vơ trên hai thân đòn gỗ nhỏ. Không có ai ngồi cạnh quan tài vào giờ ấy. Hai giờ sáng.

      Chồng được đưa về nhà vào lúc chập choạng tối. Khi xe cứu thương dừng trước nhà hụ còi từng đợt dài, dân trong xóm đã biết ngay có chuyện không hay và túa ra xem. Chồng nằm trên cáng, mắt dĩ nhiên nhắm nghiền, mặt anh ta bị biến dạng trông thật kinh khủng, nhất là phần mũi gần như vỡ nát, bên trên còn dính chút máu chưa kịp khô. Theo lời nhân viên y tế thì chiếc mũi đã bị phần cản trước của chiếc xe ô tô gây tai nạn kéo lê một đoạn dài nên mới mất hẳn phần xương và thịt bên trên. Còn theo lời người cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thì ở khúc quanh đó xe cộ lưu thông không phải là quá nhanh, cũng không chiếc xe nào-nạn nhân hay kẻ gây tai nạn-vượt đèn đỏ, hoặc phóng quá tốc độ cho phép, dẫn đến tình trạng trên. Có vẻ như chiếc xe gắn máy của chồng đã loạng choạng rồi tự ngã vào phần đầu xe ô tô đang chạy cùng chiều phía trước.

      “Chết trẻ quá!”-một người nào đó trong đám đông thốt lên. Mà thật ra nào phải là quá trẻ, chồng là một người đàn ông trung niên trạc bốn lăm, bốn sáu tuổi, thân hình cao to (cứ nhìn chiều dài chiếc quan tài thì biết) và có gương mặt khá điển trai-ấy là do tấm hình đặt phía trước quan tài-cho biết như vậy. Thế nên đám đông mới tiếc rẻ; nhưng…cái chết, làm sao biết được chúng đến lúc nào? Chồng làm việc tại một nhà xuất bản trong thành phố. Có lẽ hàng xóm vẫn quen nhìn người đàn ông trung niên sáng sáng tíu tít gọi con dậy để chở đi học, ăn mặc bỏ áo vào quần tề chỉnh. Nhiều cô trong xóm thỉnh thoảng đã phải thèm thuồng nhìn cảnh ấy và thầm ước ao mình được ở vào vị trí của người vợ. Vậy nên ai trong xóm cũng thầm thương cảm khi thấy vợ khóc ngất bên xác chồng, và mọi người không ai bảo ai đều tự thấy phải có chút trách nhiệm với người vợ trẻ này, họ cùng xúm vào, người dựng rạp che tấm bạt lớn bên trên để có chỗ cho khách đến dự đám tang, kẻ chạy đi mua nải chuối xanh về đặt lên ngực người chết… mọi người ai cũng đều tíu tít chuẩn bị. Quan tài được khiêng ngay về từ chùa Phước Hoa, loại gỗ rẻ tiền thôi, vì nghe đâu ở nhà định thiêu tại Bình Hưng Hòa chứ không chôn. Mà không chôn thì không cần phải chọn quan tài có loại gỗ tốt làm gì cho phí. Quan tài được đặt giữa nhà, bên trên là di ảnh chồng-một gương mặt buồn như chính đôi mắt sâu thẳm mà anh ta đang nhìn chằm chằm vào những người đi dự đám tang. Có điều hình như trong lúc tang gia bối rối, vội quá nên bình hoa đã được cắm ngược, có mấy cành khẳng khiu chổng lên trần nhà; trong nhà nghi ngút mùi nhang đám ma, mùi hoa quả…nói chung và cả mùi tử khí-một thứ mùi đặc trưng của đám tang. Hai dãy bàn dành cho khách đến đưa đám tang xếp xen kẽ chật cả con hẻm nhỏ, nhưng mọi người trong xóm hiểu chuyện nên không ai phàn nàn gì. Gần như mọi thứ có kiếng trong nhà đã được gỡ bỏ theo như lời của một bà lớn tuổi nhất trong nhà-hình như là kiêng cữ gì đó. Chồng nằm đó, mắt nhắm nghiền, mặt anh ta không vui, không buồn, bởi vết nứt khủng khiếp  trên mũi đã gây ấn tượng lớn hơn hết so với tất cả những phần lành lặn còn lại của gương mặt. “Không ai ngờ nó chết thảm như vậy!”-Bạn nhậu thân nhất của chồng chép miệng. Hình như họ mới ngồi nhậu với nhau hồi chiều thì phải, nên trông lão ta có vẻ hối hận, vì nếu không nhậu, hẳn chồng sẽ chưa chết dưới bánh xe ô tô oan nghiệt kia. Bánh men bày lên bàn cùng bình trà sóng sánh thơm ngát, nhưng không ai buồn đụng vào, ngoại trừ đám trẻ con của bà bán cá hàng xóm. Chúng vừa ăn, vừa đùa nghịch khiến ba và má chúng, vốn không hay la rầy con, đã phải quát lên.

      Càng về khuya tiếng chuông lẫn tiếng tụng kinh càng làm cho không gian thêm thê lương. Mọi người đều đã quá mệt nên đi ngủ cả, chỉ còn lại đám bạn nhậu của chồng vẫn ngồi đó, nhậu (lại nhậu!), buồn, có người ứa nước mắt, rên rỉ cho thằng bạn xấu số. Thỉnh thoảng, tiếng chạm ly lách cách lại vang lên, nhưng khẽ khàng chứ không “khí thế” như thường thấy trên bàn nhậu ngoài mấy quán nhậu. Thì đám tang mà, ai nỡ nào gây thêm sự ồn ào; vả chăng cũng không ai còn hồn vía nào nhậu bên cạnh xác chết. Trên bàn là mấy chai Vodka nằm lăn lóc đã cạn. Mồi là con khô mực xé vội mới mua ban tối bởi gia đình tang gia bối rối nên không ai nghĩ ra được phải mua gì để những người canh quan tài có thể lai rai thức khuya đỡ buồn. Bàn bên, một nhóm vài ông già đang ngồi đánh các-tê hút thuốc phả khói mù mịt. Đánh trong im lặng khác với những sòng bài vào các dịp Tết cổ truyền. Mọi người vừa chơi, vừa bàn tán về những phẩm chất, thói quen mà lúc sinh thời, chồng có được.

      Gian nhà khá chật hẹp, chỉ  đơn giản một phòng khách, bếp và một phòng ngủ, lại nằm trong một con hẻm nhỏ nên chỉ riêng chiếc quan tài đã chiếm gần một nửa không gian chật hẹp của phòng ngoài. Hai bên quan tài là bàn thờ vong với bát hương cùng vài lá vàng mã, đĩa trái cây, bình hoa; trên đầu quan tài là hai chiếc đèn cầy lớn đang leo lét cháy. Thêm hai chiếc ghế làm nơi cho các thầy tụng ngồi tụng kinh là đã quá chật, khoảng không khác dành cho chiếc chiếu, nơi để những người thân trong nhà quỳ lạy khi cúng. Nhưng chồng chỉ có hai đứa con mà không có đứa cháu nào nên hẳn nghi lễ cúng sẽ rất buồn tẻ đây, vì quá ít người quỳ lạy cho xôm tụ. Thông thường đám tang nào cũng đầy những người là người với khăn trắng chít trên đầu, quỳ lạy xì xụp theo tiếng mõ tụng kinh; nhưng đám tang này lại khác.

      Vợ  trạc bốn mươi tuổi, mặt trái xoan, vóc người thon thả trong chiếc áo sô gai, khăn tang quấn quanh đầu. Mặt vợ lúc nào cũng buồn thê thảm và mắt cứ đỏ hoe, chực ngân ngấn nước, mỗi khi có người hỏi thăm về cái chết của chồng là đôi mắt ấy khẽ khàng tuôn hai dòng lệ, vợ vừa kể về nguyên nhân cái chết của chồng, vừa khóc rấm rứt. Khách đến viếng cứ tặc lưỡi: “Tội, hai vộ chồng thương nhau quá vậy mà giờ lại âm dương cách biệt. Coi cái cách con vợ khóc thằng chồng cũng đủ biết chúng nó thương nhau như thế nào…”. Nói là nói vậy, nhưng một số vị khách nam trẻ tuổi thỉnh thoảng cũng liếc nhìn khoảng thịt trắng lồ lộ nằm ép bên trong phần xẻ bên hông giữa áo và quần của góa phụ, rồi đưa mắt nhìn chiếc nốt ruồi nằm bên dưới môi bên phải của gương mặt-nơi gây ấn tượng lâu nhất cho bất kỳ ai lần đầu tiên tiếp xúc. Khi những tiếng chuông, mõ vang lên, hoặc khi có người đến thắp nhang và quỳ lạy người chết, cũng là lúc vợ phủ phục bên quan tài vừa lạy đáp trả, vừa khóc thê thảm. Những lúc khác, vợ bình tĩnh cắt đặt cho những người thân trong gia đình công việc tang gia như: đưa tiền cho thợ nấu ăn với lời dặn dò rất kỹ từng món, từng thức để mai tiếp khách đến đưa tang, kể cả món chay để mời các thầy tụng, rồi phong bì tiền dành cho thầy tụng kinh kèm theo quà là hộp bánh tây với hai chai nước tinh khiết, được cất cẩn thận trong túi xốp. Mấy thầy tụng tỏ ra hết sức hài lòng với sự chu đáo này.

      Buổi sáng đưa tang, mới ba giờ khuya, mưa đã như trút nước, khiến khoảng sân nhỏ trở nên trơn trượt, suýt chút nữa làm cho mấy phu nhà đòn khiêng quan tài vấp té. Cơn mưa làm cho những người đến đi đưa tang giảm hơn so dự kiến, nên số khách ít ỏi ấy đã phải chia nhau lên cả ba xe cho xôm tụ, và cũng vì vậy, mỗi chiếc xe hơn 50 chỗ ngồi chỉ lèo tèo bảy, tám người, trống vắng, lạnh lẽo đến gai người. Khi chiếc quan tài được đưa vào lò thiêu cũng là lúc mọi người xoa tay, lục tục lên xe, ra về, chỉ để lại vợ ngồi canh chờ lấy chiếc bình đựng tro. Đám tang vậy là kết thúc.

      Buổi tối, phòng khách sạn lờ mờ ánh đèn ngủ  vàng quạch, nên không rõ mặt của đôi nam nữ  đang quấn lấy nhau trên chiếc giường nệm phủ drap trắng tinh, thơm phưng phức; chỉ nghe họ trò chuyện trong lúc làm tình. Giọng nữ phấn khích:
      -Tụi mình hay mà hổng bằng hên, anh à! Tự dưng ảnh bị xe đụng, chớ nếu không, em cũng chưa biết sẽ nói sao với ảnh về chuyện xin ly dị nữa…

     Giọng nam nạt ngang:
      -Thôi, đang vui đừng nhắc chuyện đó, xui lắm. Giờ tụi mình có nhau là được rồi…

      Có vẻ như anh ta cắt ngang câu chuyện bằng một nụ hôn dài, khiến người nữ không thể  mở miệng được nữa; và họ lại tiếp tục làm cái chuyện mà họ vẫn đang làm nãy giờ. Trong bóng đêm, mặt người phụ nữ lờ mờ hiện ra một nốt ruồi đen không lẫn vào đâu được…
 
 






 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top