Trần Thị Diệu Tâm, Hột Xoàn

Hột Xoàn
Trần Thị Diệu Tâm

Vasileos Kapousouz (Greek, b.1912-1985) Portrait of Woman

Trong đời sống đơn sơ tầm thường giản dị ở chốn bếp núc, người đàn bà như chị biết rất nhiều loại ngũ cốc, nôm na là biết nhiều loại hột. Kể sao cho xiết, nhưng thật tình mà nói, chị chỉ thích có mỗi một thứ, loại hột này không có khả năng nẩy mầm cho cây cho trái, nhưng có khả năng làm sảng khoái tâm hồn chị.
Đó là hột xoàn.
Hột xoàn là thứ hột cho ánh sáng lấp lánh, nhìn phát mỏi mắt, nhìn mà mê tơi. Không có ánh sáng nào đẹp bằng ánh sáng của hột xoàn. Đàn bà ai chả thích, đâu phải một mình chị. Trong lúc ngồi ăn cơm, chị đem chuyện yêu mến hột xoàn ra tâm sự cùng chồng.
Chồng chị gắt: Chồng không mê, lại đi mê hột xoàn! Đừng có dại.
Chị cụt hứng. Chị không dại, cũng không điên. Khi biết mình còn ham mê, nghĩa là mình còn ham sống, ham yêu cuộc đời này lắm. Niềm ham mê ấy một mình chị biết một mình mình hay. Chị dành dụm mỗi tháng một lần, số tiền mặt tiết kiệm rút ra từ ngân quỹ gia đình. Như con kiến dự trữ lương thực trong suốt hai năm liền.
Vì nhà không có tủ có khóa, chị đành giấu số tiền đó mỗi nơi một ít, không nên để chung một chỗ. Nhưng với thời gian hai năm sau, trí nhớ chị có đôi chút lãng đãng, nhất là những góc kín đáo. Thấy chị lục lọi tim kiếm, cô con gái sốt ruột hỏi mẹ: " Mẹ tìm gì vậy? Nói con tìm giúp cho ". Chị không trả lời. Chồng chị cũng thắc mắc: "Em sao cứ thấy dọn dẹp đồ đạc suốt vậy? "
Cho biết làm gì chứ, con không tin, huống chi tin chồng, nhất là chuyện mình cất giấu tiền để tiêu riêng. Chị thấy nó không ổn chút nào, vì thấy không ổn, không đúng, chị càng náo nức thêm. Chờ lúc chồng con kẻ đi làm người đi học, chị lấy cớ xếp dọn tất cả đồ đạc trong nhà, áo quần lâu không mặc cho hội từ thiện. Và chị đã kiếm được những gói tiền cất dấu lâu nay, "thật mừng như tiền ai cho".
May mắn trí nhớ của chị còn sáng lắm. Sau khi kiểm kê tài sản, chị xếp lại xấp tiền ngay ngắn, thứ tự mặt trước mặt sau. Đồng tiền ơ-rô cũng hơi lạ, mỗi loại đều có kích cỡ khác nhau, có lẽ người mù cũng có thể đếm tiền được, và màu sắc tươi tắn, tiền thì phải tươi đẹp chứ.
Chị đếm đi đếm lại, mĩm cười số tiền dành dụm cũng được vài ngàn (chị không nói rõ chính xác bao nhiêu, nên người viết không biết được). Tính vốn cẩn thận, chị cuộn xấp tiền lại với sợi dây thun gọn gàng cho vào một túi vải nhỏ. Cử chỉ này làm chị nhớ đến mẹ chị ngày xưa ở quê nhà thường hay cuộn tiền để dành cho gọn và dễ cất dấu.
Chị thực hiện điều ao ước bấy lâu nay, chị sẽ mua chiếc nhẫn hột xoàn lấp lánh ấy. Chiếc nhẫn nằm trong tủ kính của cửa hiệu có tên Éternelle, chị vốn không mấy giỏi tiếng bản xứ, nhưng lờ mờ hiểu rằng nó có ý nghĩa là mãi mãi. Ai mà không quý trọng những gì thuộc về mãi mãi bất diệt.
Biết bao nhiêu cặp tình nhân, đám cưới đều tặng vợ chiếc nhẫn hột xoàn kim cương lấp lánh, hy vọng chiếc nhẫn sáng ngời ấy giữ gìn hạnh phúc tình yêu của họ đến suôt đời. Nếu người ta bỏ nhau, không phải tại nó mà tại họ muốn bỏ nhau. Chứ nó là thứ thủy chung muôn năm, nó là thứ bất diệt.
Trước đây, mỗi lần lên phố vào trung tâm mua sắm, chị luôn đến trước của hàng Éternelle, ngắm nhìn mấy chiếc nhẫn hột xoàn, ước chi một chiếc sẽ đeo vào ngón tay chị một ngày nào đó. Chị không hề biết hột xoàn loại nào là tốt nhất, đẹp nhất, nước sáng xanh hay sáng tím. Tuy nhiên chiếc nhẫn sẽ kèm theo một hóa đơn giá trị.
Từ ao ước, đến chiếm hữu là một tiến trình tự nhiên của con người. Nó phải ở trong bàn tay chị, chị là sở hữu chủ. Nếu mua được, chị sẽ ngắm nó thường xuyên, không cần phải đi qua mấy chuyến mê-trô mới gập nó yêu kiều trong tủ kính.
Chị tự tin đi vào Éternelle với số tiền trong túi, (mấy lần trước chị rất e dè). Cô gái bán hàng có vẻ thờ ơ với chị, có lẽ vì biết người đàn bà này đã nhiều lần đến xem nhưng rồi đi ra, hỏi gì cũng lắc đầu.
Nhưng lần này thì khác nhé. Chị chỉ chiêc nhẫn có giá tiền vừa đúng, nó được tôn vinh để riêng chờ đợi chị. Cô bán hàng vội vàng chạy đến gần, nhẹ nhàng mở tủ kính, chị rất hổi hộp.
-Bà muốn chiếc này ?
Chị cười gật đầu. Cô bán hàng ân cần mời chị đến ghế ngồi có đèn rọi sáng. Cô nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay chị và xỏ chiếc nhẫn vào ngón tay giữa, thật là vừa vặn như chiếc nhẫn được tạo ra cho chính tay chị, không ai khác cả.
- Chiếc nhẫn thật thích hợp với bà!
Cô gái cười rất tươi chứng tỏ cho chị thấy đó là sự thật không chối cãi. Chị mãn nguyện khi trả tiền, cảm thấy mình được đối xử rất lịch sự trang trọng, chị trở thành một vị thượng đế trong giây phút ấy!
Thực hiện được điều mơ ước lâu nay, có ai vui hơn chị. Trong khoảng đường từ Eternelle về nhà, đó là khoảng thời gian hạnh phúc đời chị, chị mân mê chiếc nhẫn không rời mắt. Sau khi về nhà, chị vẫn còn đắm đuối với chiếc nhẫn kỳ diệu đó. Nhưng thời gian đẹp đẽ ấy tồn tại không được bao lâu.
Chiếc nhẫn sáng nhấp nhánh ấy bỗng dưng làm nổi bật bàn tay xương xẩu nhiều gân xanh nổi lên vì làm lụng lâu năm, bàn tay của tháng năm mòn mỏi của một người đàn bà chỉ biết bổn phận.
Chị co bàn tay lại, cảm thấy rung động toàn thân: Chị không có bàn tay đẹp để mang một chiếc nhẫn hột xoàn. Viên kim cương này không làm tăng thêm giá trị cho chị chút nào. Tuy nhiên để đánh tan mặc cảm, chị đeo nó thường xuyên, Mỗi lần ra phố, chị cố giữ một cảm giác tự tin, nhưng hình như chẳng ai trên đường phố biết rằng chị đang đeo trên ngón tay một chiếc nhẫn có giá trị vài ngàn bạc.
Vậy niềm mơ ước ấy, chiếc nhẫn quý giá ấy có thực không? Chị nghi hoặc về giá trị của chiếc nhẫn và hoài nghi luôn chính mình! Chị đã nhầm lẫn, nhầm lẫn gì, chị không giải thích được sự thất vọng ấy, chỉ thấy sao mà buồn. Chị có cảm tưởng bao nhiều kỳ vọng về một ước mơ, nay ước mơ được thực hiện bỗng dưng nó tầm thường thế nào! Hay chính vì bàn tay chị không xứng đáng chăng?
Buổi tối, chồng con đều ngủ, chị đem chiếc nhẫn ra ngắm nghía, trong bóng đêm, viên hột xoàn không còn chiếu sáng, nó chỉ nhấp nhánh rực rỡ chói lòa khi nhận được ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào, ánh nắng mặt trời hay ánh đèn điện.
Tự thân nó không có gì cả, nó phải nhờ, phải phụ thuộc vào ánh sáng khác để khoe khoang vẻ đẹp. Nó chỉ là một viên sỏi đá. Chị nắm chặt chiếc nhẫn trong tay khi nhận ra giá trị thật của nó, nó không có hào quang. Lúc chiếc nhẫn nằm trong tủ kính, trông nó sang trọng biết bao nhiêu, sao bây giờ lại thấy tầm thường thế!
Không gian nhà bếp là nơi chốn thân thương nhất của chị, hầu như chị sống nơi này nhiều nhất thời gian mỗi ngày, chị cho rằng cất nó nơi đây sẽ dễ dàng nhớ hơn bất cứ nơi khác trong nhà. Chị gói chiếc nhẫn trong túi ny-lông nhỏ, dấu trong một lọ bột làm bánh. Tụi trộm cắp sẽ không thế nào tìm thấy, chúng nó hay rình mò các gia đình Châu Á vì cất giấu tiền mặt và nữ trang trong nhà.
Một thời gian sau, nhân dịp phải đi dự đám cưới con nhà bạn, chị sửa soạn áo quần và chợt nhớ tới món nữ trang quý báu của mình, ít ra chị cũng có một cái gì để mình nhấp nháy với đời. Dạ tiệc đầy ánh sáng, chắc chắn chiếc nhẫn của chị sẽ chiếu rực rỡ hơn ngày thường trong bóng đêm.
Chị cảm thấy phấn khởi. Nhưng chị tìm mãi cũng không thấy lọ đựng bột làm bánh nơi đâu, chị dọn hết các tủ bếp suốt một buổi sáng tìm chiếc nhẫn, nhưng vẫn biệt tăm. Chị nghi ngờ về trí nhớ của mình lo sợ một triệu chứng bệnh hoạn đến quá sớm.
Buổi chiều khi cô con gái đi làm về, chị nói : "Mẹ định làm bánh, nhưng tìm mãi không thấy lọ bột nếp đâu cả".
Cô con gái trả lời " Hôm trước con thấy lon bột làm bánh của mẹ để lâu ngày quá, con gián bò vào con đem vất thùng rác hết. Mẹ cẩn thận, con mua thuốc diệt gián rồi."
Câu trả lời của con làm chị hoảng hốt bàng hoàng, nhưng chị không dám nói sự thật đau xót đó. Chị sẽ bị chồng con trách móc đủ. Chị nghẹn ngào muốn khóc, thấy mình thật vô duyên và không may mắn.
Nhưng suy đi nghĩ lại, cũng lỗi tại mình.
Chiếc nhẫn hột xoàn không thích hợp với số phần chị, chị tìm hiểu nó là kim, mạng chị là mộc. Theo dịch lý ngũ hành, kim khắc mộc, thôi thì của đi thay người. Lý ra chi không nên mơ tưởng nó, không nên mua nó với số tiền dành dụm của gia đình. Nó là gì? chiếc nhẫn hột xoàn lóng lánh kia ?
Người ta nói mơ ước có khi đem lại niềm vui sống cho tâm hồn, nhưng giờ đây chị không còn dám mơ ước điều gì nữa. Một thử thách kinh nghiệm đau xót vừa mới trải qua, chi sợ hãi thấy mình đã nhầm lẫn tai hại. Thanh thản với hiện tại là điều quý giá nhất với chị từ đây.
Chị là người chủ thực sự với căn phòng bếp thân thương này, hằng ngày những mùi vị của hành tỏi, tiêu ớt, nước mắm, đó là nhũng gia vị nồng nàn ấm áp tâm hồn chị. Chính đó mới là sự thực cuộc sống của chị. Tai sao chị đi tìm đâu xa những bóng bẫy lấp lánh huyễn hoặc không thuộc đời sống chị? Chị tự hỏi và cũng không biết câu trả lời.
Paris, tiết Lập Xuân.
Trn Th Diệu Tâm
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top