Phiếm dị, Đào Nương
Lịch sử “Kỳ Thị” của Hoa Kỳ
www.saigonweeklyonline.com
Tôi sống ở Hoa Kỳ nhiều năm, làm báo gần như hết cả khoảng thời gian sinh sống ở quốc gia này, thế mà phải sống qua năm 2020, mới biết rằng tôi không biết gì về quốc gia này, về lịch sử thành lập, về sự kỳ thị chủng tộc, về luât bầu cử, về lá cờ “Liên minh – Confederate Flag” xuất hiện “hãnh diện” trong ngày bạo loạn 6 tháng 1- 2021, về những tượng đài các danh nhân Hoa Kỳ mà cộng đồng người Mỹ da đen đòi kéo xuống. Điều tôi muốn nói ở đây là “những sự thật” mà hiện nay một số trí thức và chính trị gia Hoa Kỳ trước những bằng chứng tìm thấy trong những viện bảo tàng về lịch sử tại Hoa Kỳ, qua những phát giác mới được “giải mã” do sự “cởi mở” hơn trong thời đại hiện tại từ các “kho tàng” tài liệu của các cơ quan an ninh, tại các thư viện cổ ở nhiều tiểu bang đã đòi hỏi lịch sử Hoa Kỳ cần phải viết lại về giai đoạn lập quốc của quốc gia này.
Tuy nhiên, tôi không nên trách tôi nhiều về sự thiếu hiểu biết này, mặc dù khi đọc lại những bài viết cũ, tôi đã đỏ mặt về sự hiểu biết nông cạn của mình về đất nước và con người của quốc gia này. Vì chính ông Jeffrey Robinson, một luật sư về hình sự tại thành phố Seattle, đồng thời là Giám đốc Ủy Ban pháp lý của Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền ACLU của Hoa Kỳ cũng vừa thú nhận một điều tương tự. Ông là một người Mỹ da đen, tốt nghiệp trường luật danh tiếng Harvard, là một diễn giả danh tiếng của Hoa Kỳ về vấn đề kỳ thị chủng tộc nhưng ông thú nhận cũng không có những con số mà ông đã trình bày trong những bài viết, những youtube ông thực hiện mới đây vì trước đây những con số này được coi là “hàng quốc cấm” của các bảo tàng viện, của các kho tài liệu của các cơ quan an ninh Hoa Kỳ
(12) Who We Are: A Chronicle Of Racism in America with Jeffrey Robinson - YouTube
Kể từ khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm 1981, Jeffrey Robinson có ba thập kỷ kinh nghiệm là luật sư hình sự và nhân quyền ở Seattle. Năm 1988, Jeff gia nhập tổ hợp luật sư danh tiếng Schroeter, Goldmark & Bender ở Seattle cho đến ngày nay. Ông đã biện hộ hơn 200 vụ án hình sự và hơn một chục vụ dân sự kiện các tổ chức, các công ty chính phủ.
Ngoài việc là một luật sư xét xử được công nhận trên toàn quốc, Jeff cũng là một giáo sư Luật được tôn trọng trong ngành hình sự. Ông là cựu chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hình sự tiểu bang Washington và là thành viên của Hiệp hội Luật sư Hình sự Toàn Quốc Hoa Kỳ. Jeff cũng là một giáo sư của American College of Trial Lawyers - Đại học Luật sư Xét xử Hoa Kỳ.
Với những người như luật sư Jeffrey Robinson, những chính trị gia như ông Donald Trump muốn nước Mỹ quay về chế độ ưu tiên cho người da trắng thượng đẳng – White Supremacists - sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Tôi mong rằng tất cả những người Mỹ gốc Việt trước khi nhận định thêm về sân khấu chính trị Hoa Kỳ, về sự kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ, về sự tranh đấu để được bình quyền trong cách đối xử bởi cơ quan công quyền của cộng đồng người Mỹ da đen nên bỏ chút thì giờ để xem những youtube của luật sư Jeffrey Robinson.
Sau đây là những con số về sự hiện diện của nô lệ da đen mà ông Robinson ghi nhận được về lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ:
• 1619: 20 người nô lệ Phi Châu đầu tiên bị đưa đến thành phố Jamestown.
• 1790: số nô lệ da đen tại Hoa Kỳ tăng lên 700,000 người. Cũng trong năm này, số lượng bông gòn – cotton - sản xuất là 1.5 triệu Pounds.
• 1861: số nô lệ da đen tại Hoa Kỳ tăng lên 4,000,000 triệu người. Cũng trong năm này, số lượng bông gòn – cotton - sản xuất là 2.3 tỷ Pounds chiếm 60% tổng số ngân khoản xuất cảng của Hoa Kỳ.
Thử tưởng tượng bông gòn thì rất nhẹ. Để có 2.3 tỷ LBS thì sẽ cần có bao nhiêu cánh đồng trồng bông? Cho đến lúc đó, các triệu phú Hoa Kỳ đều tập trung tại vùng thung lũng Mississispi gồm các tiểu bang Tennessee, Missouri và Lousiana nhờ 4 triệu người nô lệ da đen làm việc không công ngày đêm trong các trang trại trồng bông. Có thể nói sự giàu có của Hoa Kỳ trong giai đoạn lập quốc là do kỹ nghệ trồng bông với hàng triệu nô lệ da đen làm việc không công trong 242 năm.
Nếu nhìn qua những con số, chúng ta thấy gì? Từ 1619 đến 1790 là 171 năm gần 2 thế kỷ, số người da đen từ Phi Châu bị bắt về Mỹ châu làm nô lệ chỉ có 700,000 người. Nhưng từ 1790 đến 1861 chỉ 71 năm, số nô lệ Phi châu tăng từ 700,000 lên đến 4 triệu người tức trong vòng 71 năm có 3,3 triệu người Phi Châu bị bắt cóc xuống tàu bán sang Mỹ châu làm nô lệ.
Khi chưa có dầu lửa thì bông gòn là nguồn năng lượng lớn cho thế giới. Nhu cầu về cotton tăng lên, muốn khai thác đất đai để trồng bông thì không gì bằng bắt người về làm nô lệ không công. Buôn bán nô lệ trở thành một kỹ nghệ lớn cho các tiểu bang miền Bắc. Hoa Kỳ đóng chiến hạm không phải để bảo vệ đất nước chống ngoại xâm mà để đi qua Phi Châu bắt người về làm nô lệ. Những xưởng đóng tàu lớn của Hoa Kỳ đều nằm ở Massaschusetts với những làn sóng di dân của những người da trắng từ Scotland, từ Anh, từ Ireland vì những kinh nghiệm đóng tàu của họ.
Tất cả những “cha già” lập quốc Hoa Kỳ từ Washington (300 người) đến Thomas Jefferson (600 người) đều là chủ nhân của nô lệ da đen. Tổ chức Thomas Jefferson Foundation vừa phải công bố một tài liệu sau nhiều thập niên thối thác là tổng thống Thomas Jefferson, cha đẻ của Bản Hiếp Pháp Hoa Kỳ sau khi vợ chết, vào năm lên làm tổng thống Hoa Kỳ 1802 cho đến năm 1873 đã lấy một phụ nữ nô lệ da đen tên là Sally Hemings và có đến 6 người con với người này. Theo hiến pháp của chính ông lập ra, con của nô lệ vẫn phải là nô lệ nên 6 người con của ông và bà Sally vẫn phải sống đời nô lệ cho đến chết. Thử nghiệm DNA thực hiện bởi bác sĩ Eugene Foster và công bố trong tạp chí Khoa Học số tháng 11 năm 1998 xác định DNA của những đứa con của người phụ nữ da đen tên là Sally Hemings và một thành viên còn sống sót của ông Jefferson giống nhau.
Một phát giác cụ thể hơn là người ta vừa tìm ra một căn phòng bí mật phía dưới một nhà tắm trong lâu đài Monticello dẫn thẳng đến phòng ngủ của tổng thống Thomas Jefferson. Trong căn phòng tầng hầm không có cửa sổ này, bà Sally Hemings đã sinh 6 người con “nô lệ” với ông tổng thống và ban ngày bà vẫn phải làm công việc của một người nô lệ, tuân theo những luật lệ của chế độ nô lệ do chính “ông chủ” Jefferson đặt ra.
(https://www.monticello.org/thomas-jefferson/jefferson-slavery/thomas-jefferson-and-sally-hemings-a-brief-account/monticello-affirms-thomas-jefferson-fathered-children-with-sally-hemings’s)
Chỉ trước khi ông Jefferson qua đời, bà Sally Hemings và 6 người con của bà mới được ông “giải phóng” nghĩa là phóng thích khỏi chế độ nô lệ, được rời khỏi trang trại Montebello mà không bị đuổi bắt trở lại. Họ phải phân tán khắp nơi, mãi cho đến ngày chết, vẫn không được nhận là con ngoại hôn của vị cha già đã viết ra Hiến Pháp của Hoa Kỳ.
Trong kỳ bầu cử nam 2020, ông Trump và những ông dân biểu, nghị sĩ muốn xử dụng “hiến pháp” để bãi bỏ cuộc bầu cử hợp hiến mà ông Trump đã thất cử bằng những “điều có ghi trong hiến pháp” nhưng đã không còn áp dụng từ 270 năm nay. Nhưng những “điều vô nghĩa” như vậy trong Hiếp Pháp Hoa Kỳ không thiếu. Ví dụ điều 2 của Hiến Pháp cho phép người dân có súng để chống lại “phiến loạn- militia”. Chữ Militia này trong Hiến pháp Hoa Kỳ ám chỉ ai? Có phải là ám chỉ và ngăn ngừa những người nô lệ Phi Châu nổi loạn? Nạn thảm sát người hàng loạt xảy ra tại Hoa Kỳ trong vài năm qua gây kinh hoàng cho toàn dân Hoa Kỳ nhưng quốc hội Hoa Kỳ vẫn không ra được một đạo luật kiểm soát súng ống được chỉ vì điều 2 của Hiến Pháp Hoa Kỳ này.
Sau đây là những điều lệ trong Hiến Pháp Hoa Kỳ mà tôi nghĩ quí vị- cũng như tôi sẽ không tin là có thực dù ngày nay hầu hết đã không còn áp dụng:
• Article I, Section 2, of the U.S. Constitution of 1787 (Điều I, Mục 2, của Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787) xác định về số người đại diện tại Quốc hội: số cư dân nô lệ da đen trong một tiểu bang được tính là ba phần năm số cư dân da trắng của tiểu bang đó - in fact declared that for purposes of representation in Congress, enslaved blacks in a state would be counted as three-fifths of the number of white inhabitants of that state.)
Có nghĩa là 5 người da đen mới được kể bằng 3 người da trắng. Tức là người da đen không được coi là một con người bình đẳng với người da trắng.
• Article I, Section 2, of the U.S. Constitution - Điều khoản này liên quan đến việc buôn bán nô lệ. Luật ngăn cản Quốc hội hạn chế nhập khẩu người bị bắt làm nô lệ trước năm 1808. Luật này cho phép Quốc hội đánh thuế lên đến 10 đô la cho mỗi người nô lệ. Năm 1807, buôn bán nô lệ quốc tế đã bị chặn và những người nô lệ không được phép nhập khẩu hợp pháp vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc giữ người dân Châu Phi làm nô lệ vẫn hợp pháp trong nước Mỹ cho đến khi kết thúc nội chiến và thông qua Tu chính án thứ 13 vào năm 1865.
• Article 4, Section 1 of the U.S. Constitution – vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay: mỗi tiểu bang có quyền chỉ định một số cử tri đoàn bằng tổng số Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu để bầu tổng thống … (U.S. Constitution - Article 2 Section 1 - The U.S. Constitution Online - USConstitution.net) Điều này vẫn được dùng đến ngày nay để xác định kết quả chính thức của việc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
• Article 4, Section 2 par 3 of the U.S. Constitution – Nô lệ không có tự do, trốn chạy sẽ bị trả lại cho chủ nhân. (nếu có yêu cầu)
Ngay cả bản quốc ca của Hoa Kỳ cũng là một nhức nhối tủi nhục cho người Phi Châu bị bắt sang Mỹ châu làm nô lệ. Những tượng đài khắp nơi trên toàn quốc Hoa Kỳ đều là những “danh nhân” chủ trương một chính sách nô lệ hà khắc kéo dài nhiều năm trong lịch sử nhân loại thời cận đại tuy đó là nền móng cho giai đoạn lập quốc của quốc gia vĩ đại nhất thế giới này. Cựu tổng thống Trump đã ra một dự luật là những người biểu tình “đụng” đến các tượng đài này sẽ bị kết án từ 10 đến 15 năm tù tiếp theo những cuộc biểu tình của Black Lives Matters vào mùa hè năm 2020 đòi hủy bỏ những tượng đài “chứng nhân” cho chế độ nô lệ của tổ tiên người Mỹ da đen.
*
Viết về nguồn gốc hiện diện đau thương của người nô lệ Phi Châu trong lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ thì không thể tóm tắt trong một bài viết. Những công dân của Hoa Kỳ ngày nay không có lỗi gì về chế độ nô lệ của những vị tiền nhân lập quốc. Đó là một giai đoạn đã qua trong lịch sử nhưng nếu đó là lịch sử thì đó phải là những điều thật, việc thật được ghi lại bởi các sử gia cho người đời sau biết về chế độ nô lệ da đen, về nguồn gốc tại sao người da đen Phi Châu lại có mặt và trở thành một cộng đồng thiểu số đông nhất của quốc gia này. Tuy chúng ta không có lỗi vì những việc làm của lịch sử, của những vị tiền nhân lập quốc, nhưng chúng ta không thể tiếp tay với những người tự nhận mình là “thượng đẳng” chỉ vì màu da của họ? Chúng ta không thể tiếp tục những đạo luật 300 năm trước cho phép một chủng tộc được mua bán, được là chủ nhân của một chủng tộc khác và cho đó là hợp hiến?
Nhưng những cộng đồng người Mỹ gốc Việt, gốc Hoa, gốc Mễ, gốc Ả Rập vv...vv... di dân đến đây, được đất nước tươi đẹp này nhận làm công dân mặc dù tổ tiên của chúng ta không hề đóng góp máu và nước mắt như cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu đến đây với thân phận là những nô lệ trong vòng 300 năm lập quốc. Điều này không liên quan gì đến việc chúng ta đi làm và đóng thuế cho chánh phủ. Công dân xứ nào thì cũng phải đóng thuế để chánh phủ có tài chính để vận hành đất nước. Trừ ông Donald Trump. Vậy thì tại sao người Mỹ gốc Việt “kỳ thị” tất cả các giống dân khác trừ người da trắng? Không lẽ chúng ta tự đồng hóa chúng ta với … người thượng đẳng da trắng? Vì trong khi các cộng đồng khác đều chọn thái độ khôn ngoan là đứng bên ngoài các cuộc tranh đấu đòi bình quyền của cộng đồng người Mỹ Phi Châu, đứng bên ngoài cuộc bầu cử tổng thống giữa ông “thượng đẳng” Donald Trump và ông già “Bí Đần” thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại vác cờ vàng hào hứng đi theo ông Trump, đi theo những người da trắng vô cùng kỳ thị nổi loạn chỉ vì ông Trump thất cử?
Tôi có hỏi một số bạn của tôi về thái độ “kỳ thị” này. Sau đây là một số lý do (tôi ghi lại nguyên văn trả lời của người được hỏi)
• “Tụi Mỹ đen” đàn ông thì lười biếng, không chịu học hành, đàn bà thì chỉ biết đẻ và ăn trợ cấp xã hội.
• Cộng đồng nào đến đây cũng phát triển trừ cộng đồng Mỹ đen: đàn ông phạm pháp rồi đi tù, để vợ con nheo nhoc, chánh phủ phải lo, đàn bà thì không chịu thương, chịu khó làm việc như đàn bà các cộng đồng thiểu số khác, không giáo dục được con cái.
• “Black Lives” Matters hay không “Matters” thì do chính họ. Họ phải cố gắng để mạng sống của người Mỹ trở nên xứng đáng chứ không phải chỉ đòi hỏi mà được.
• Ông “đen” chẳng làm được gì sau 2 nhiệm kỳ tổng thống. Tôi không thấy “comfortable - thoải mái” khi một ông đen là tổng thống Hoa Kỳ.
5. Trông tụi đen tự nhiên thấy sợ rồi. Tụi nó trông dơ… ( nhận xét này trùng hợp với một ông dân biểu Cộng Hòa tiểu bang Ohio, ông Steve Huffman, trong một cuộc họp về Covid đã cho rằng cộng đồng người Mỹ da đen bị vướng Covid nhiều hơn vì họ không sạch sẽ, không rửa tay thường xuyên…)
Trên đây là phát biểu của những người bạn gốc Việt thế hệ của tôi, tị nạn sang Hoa Kỳ khi đã trưởng thành. Không phải là những phát biểu của người gốc Việt thế hệ trẻ hơn. Gọi là bạn vì tôi đã từng chia sẻ buồn vui với họ, đã từng đồng ý với họ về nhiều việc khi chống cộng! Nhưng riêng về vụ kỳ thị “đen, trắng” này tôi không thể suy nghĩ như học được. Hay tại tôi … lớn lên cùng với các con tôi, bạn của chúng thuộc nhiều chủng tộc, nhiều quốc gia khác nhau, đứa nào dến nhà cũng dễ thương, cũng thân thiện với tôi như các con tôi? Tại sao có thể gọi một cựu tổng thống như ông Obama là "thằng đen, ông đen" nhưng khi ra đường "bị" một ông cảnh sát da đen tằng hắng là tái xanh mặt mày, gặp một cô Mỹ đen đến thanh tra tiệm nail, hay có khách hàng làm móng là Mỹ đen thì lại lui cui rửa chân cho họ mà vui? Mặc dù hầu hết người Việt lợi nhuận thấp đều dùng cái bảo hiểm được chính phủ yểm trợ có tên là Obamacare.
Tuy “người kỳ thị bị coi là thiếu giáo dục” nhưng cộng đồng người Mỹ gốc Việt không thiếu người kỳ thị mặc dù họ không thiếu giáo dục. Giải thích làm sao đây? Vì họ không cởi mở và nhất là không nhìn lại thân phận của mình nên trở thành… cuồng? Thử tưởng tượng nếu cộng đồng Việt Nam có được một người như ông Obama, con nhà nghèo, thân cô, thế cô, học đại học Yale, có vợ cũng học trường Yale, làm thượng nghị sĩ rồi tổng thống Hoa Kỳ. Hãnh diện biết mấy. Vậy mà có người gọi ông Obama là “thằng đen” hay “thằng mọi”, và so sánh vợ ông, Michelle với mặt của một con khỉ.
Nhưng khi gọi tổng thống Joe Biden là “Bẩy Đần”, gọi Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi là “con đĩ già” chỉ vì theo ông Trump thì lại phải kết luận sao đây? Đây không chỉ là thiếu giáo dục mà là vô giáo dục. Cũng may người Mỹ không quan tâm gì đến cái social media của cái cộng đồng “đa sự” này. Điều may mắn là họ chỉ nhớ và chỉ biết thế hệ trẻ Việt Nam thông minh, học giỏi và người tị nạn Việt nam thì chịu khó, siêng năng, ít khi vi phạm tội ác.
Đào Nương
www.saigonweeklyonline.com (Feb 03/2021)