• PHIẾM DỊ
www.saigonweeklyonline.com, Feb 13,2020
Chuyện của ta, chuyện của người
Không biết nói sao, không biết viết gì để bằng hữu và độc giả hiểu được sự xúc động đến liệm người trong tôi trước cảm tình và sự thương mến mà tôi đã nhận được trong mấy qua kể từ khi www.Saigonweeklyonline.com lên sóng. Nhưng có hai trường hợp mà có lẽ tôi sẽ nhớ mãi trong đời: phản ứng của một người bạn lớn tuổi, đến với tôi từ những ngày đầu khi tôi bước chân vào làng báo và một cô độc giả mới quen. Người bạn lớn tuổi của tôi bây giờ đã già, đã yếu. Khi nhận được tin nhắn, chị gọi cho tôi mà không nói được một lời nào, chỉ có khóc. Lúc đầu tôi hơi hoảng, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra cho chị. Chị tức tủi vài phút sau mới nói được là chị mừng khi thấy tôi trở lại công việc viết lách mà chị hằng mong đợi. Vì “mỗi dòng chữ em viết ra chị chừng như nghe tiếng thở dài của em trong đó. Dù đó là tình yêu thương cá nhân hay tình yêu thương đất nước.”. Sau cùng, tôi lại phải là người trấn an chị và như mọi lần, lại phải ... “ chị quên rằng em là ... mẹ “thằng” Du à.” Tôi là một người mẹ đơn thân nuôi con nơi xứ người, khi các con tôi còn nhỏ, có muốn rơi lệ đến đâu thì cũng phải đợi cho đến lúc thằng con trai đi ngủ rồi hẳn hay. Chỉ vì sợ, “ông con trai còn mau nước mắt hơn mẹ”.
Riêng cô độc giả trẻ tuổi thì khen quá nên tôi cũng ngượng. Cô bảo cô đã đọc ngấu nghiến hết bài viết lúc nào mà không hay vì nôi dung quá xúc tích, webside trình bày rất đẹp. “Đứa con “đẽ” sau này sẽ đi nhanh, đến được với nhiều người hơn đứa trước”. Tôi chỉ biết bảo cô rằng tôi đang bận lắm mà nghe cô khen xem chừng như hết mệt.
Tháng 2 chưa vào Xuân mà trời đất ở nơi này lại quá dễ thương. Dù nước Mỹ bây giờ có một ông tổng thống thường nói lộn nên hay nói laĩ, ông nói chơi cũng như nói thiệt mà nói thiệt cũng như nói chơi. Tư cách của ông Trump đã chia nước Mỹ ra làm phân nủa vui và phân nửa buốn trước mọi thắng lợi của ông. Dưới mắt ông Trump thì điều quan trọng nhất cũng chỉ là một trò đùa: chiến tranh nguyên tử, Putin, Kim Juong Unn, ngoại giao, tình báo, tài chính… Không có gì được coi là “nghiêm túc”. Nhưng cụm từ như an ninh quốc gia, đất nước, hiến pháp chỉ còn là danh từ. Quả thật dười trào ông Trump, ngành tình báo, an ninh, ngoại giao của Hoa Kỳ bổng trở nên như một trò đuà.
Cái khổ là từ khi có ông Trump nước này bổng chia ra làm hai chiến tuyến dù không “khốc liệt” như hai bờ quốc cộng của Việt Nam ta: đó là phe của những người “ưa” ông Trump và phe của những người “ghét” ông Trump. Mà phe nào thì cũng cực đoan cả. Lại chia ra thành vùng, miền. Bạn lên New York thử xem? Cứ như đi lạc vào một quốc gia chưa hề có một ông tổng thống nào tên Trump cả. Bạn về Texas ư? Cứ coi như là đảng Dân Chủ và “con mẹ” Hillary Clinton giết người, cướp của là không thể tồn tại trên cõi đời này. Đảng Cộng Hoà sau 7 năm ngồi chơi, xơi nước, không thèm hợp tác với ông đen, bổng nhiên “vớ” được cờ thì phất loạn xạ. Obamare ư? Phải dẹp. Dẹp ngay. Sau 3 năm, không ai dẹp được mà cũng không ai biết “dẹp” làm sao, làm thế nào để dẹp. Ông Trump ra lệnh: phải xây hàng rào cản “quân xâm lấn” Me-Hi-Co và bắt chúng trả tiền xây dựng. Ông Me-Hi-Co không chịu. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump khuyên nhủ tổng thống Me-Hi-Co là: chú em cứ nhận bừa đi, anh sẽ kiếm tiền chỗ khác đấp vào. Anh phải làm được điều nay để “lấy le” với dân, là anh hứa là anh sẽ làm, anh không hứa cuội, chú em đừng cứ “em chả, em chả, dân em nghèo lấy tiền đâu tự xây hàng rào, tự mình “chận chân mình” như thế với tụi nhà báo làm gì. Ông tổng thống Me-Hi-Co vẫn ... nhàt, vẫn nhất định không chịu tuân theo “đường lối” …qua truông của ông Trump. Thế là huề. Cái tường chia đôi Mỹ-Mễ cho đến nay được trả bằng ngân quỹ dành cho quốc phòng.
Tóm lại, ở đất nước này hôm nay, không có vấn đề quốc cộng nhưng có pro-trump và anti-Trump. Có người đã đặt câu hỏi là sao đài CNN không có chuyện gì để nói, không có chuyện gì để làm khác hơn là chuyện ông Trump sao mà 80% giờ phát sóng của đài này là toàn chuyện ông Trump, con ông Trump, rễ ông Trump, người ở nhà ông Trump, cộng tác viên của ông Trump... Ngày nay, những người da trắng cầm đuốc, hô những khẩu hiệu kỳ thị của bọn KKK giữa ban ngày có phải là một vấn đề “tụt hậu” của nước Mỹ ngày hôm nay, nước Mỹ của ông Trump về vấn đề nhân bản, nhân quyền? Một nước Mỹ tự chối bỏ vai trò lãnh đạo thế giới để quay về làm một ông nhà giàu bảo vệ bản thân “America First”?
Đầu năm 2020 nhân loại nói chung và nước Tầu đỏ của ông Tập Cận Bình đối diện với nạn dịch Virus COVID-19 (tên chính thức của Coronavirus Vũ Hán). Chỉ trong ngày 12 tháng 2, 2020, số người chết lên tới 242 người, số người được định là nhiễm bệnh lên tới 15,000 người, tang gấp đôi số lượng này trước đó. Ngày hôm nay, 13 tháng 2, ông Tập Cận Bình đã cất chức Bí Thư Tỉnh Ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang) bằng Thị Trưởng Thượng Hải Ứng Dũng (Ying Yong). Bí Thư Thành Ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang) cũng bị cất chức sau khi 1,300 người chết và con số người nhiễm bệnh là 60,000 người theo tin của nhà nước Trung cộng.
Cũng trong ngày hôm nay, 13 tháng 2, Việt Nam chính thức cách ly xã Sơn Lôi tại tỉnh Vĩnh Phúc sau khi phát hiệm thêm một ca nhiễm bệnh nâng tổng số những bị nhiễm COVID 19 lên đến 16 người.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm nay thông báo một phụ nữ bị nhiễm virus corona đã chết. Đây là ca tử vong đầu tiên vì virus này tại Nhật. Bà cụ 80 tuổi được điều trị tại một bệnh viện gần Tokyo từ đầu tháng Hai sau khi phát hiện các triệu chứng. Cho đến nay tại Nhật đã có 247 ca dương tính với virus corona, trong đó có 218 hành khách trên tàu Diamond Princess. đang neo tại cảng Yokohama, Nhật bản. Tàu này bị cách ly từ ngày 3 tháng 2 tại đây. Dân chúng Nhật vô cùng hoãng sợ vì trên tàu này có trên 3,000 hành khách vẫn chưa được xác định là có bị bệnh bệnh hay không và mặc dù đã có nhiều tin nhắn của các du khách Hoa Kỳ kêu cứu, cơ quan y tế của Nhật vẫn chưa xác định ngày đồng ý cho họ rời tàu về nước. Nhiều người đã hết những thuốc men cần thiết đem theo vẫn chưa được tiếp tế.
Trong khi đó một chiếc tàu du lịch khác là Westerdam của Mỹ hôm nay đã được phép neo đậu ở Cam Bốt. Gần 1.500 hành khách lên tàu này ở Hồng Kông - nơi có gần 50 trường hợp dương tính với Covid-19 - đã phải lênh đênh trên biển suốt 10 ngày qua vì bị năm hải cảng ở Nhật, Đài Loan, Philippines, Guam và Thái Lan từ chối cho cập bện do sợ lây nhiễm. Chính quyền Úc hôm nay gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người đến từ Hoa lục. Ai Cập tối qua loan báo ngưng các chuyến bay khứ hồi nối với Hoa Lục. Riêng hội chợ thế giới về điện thoại di động ở Barcelona (dự kiến từ 24-27/2) đã phải hủy bỏ gây thiệt hại rất lớn cho ngành công nghệ này trên toàn thế giới.
Thật ra thì không có thời nào mà nhà báo khổ bằng thời này. Viết hay phê bình một nguyên thủ quốc gia thì không thể gọi là nói xấu được. Mà chuyện ông Trump thì nói bao giờ cho hết. Nhưng không lẽ lại không nói. Ôi cái vòng lẩn quẩn!. Chuyện trong nước cũng không khá hơn. Tham nhũng thì không ai bằng Việt cộng rồi nhưng hiện nay, “chúng ta” văn minh rồi nên chuyện tham nhũng, chia chác không đều đã “vượt biên” qua nước ngoài. Thế kỷ 21 rồi nhưng luật rừng thì lên ngôi ở khắp nơi. Mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé… Bây giờ mà viết về … thiên chức của nhà báo thì cả “chuột và người” đều không tin dù cho ông văn hào Hemingway có tái sinh sống lại. Đào Nương tôi xin kể lại một câu chuyện cũ vậy. Cũng là chuyện của nhà văn ta và chuyện của nhà văn người.
• Chuyện nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn
Tháng 8, 2008 đánh dấu bằng sự ra đi của hai nhà văn lớn: một của Nga và một của Việt Nam. Alexander Solzhenitsyn, người tượng trưng cho lương tâm nước Nga khi chống chế độ phi nhân cộng sản tại Liên Xô và nhà văn Sơn Nam, nhà văn tiêu biểu của “Nam bộ”, một người thiên cộng sống ở miền Nam trước 1975. Ông Solzhenitsyn đã từng bị ở trại tập trung ở Siberia nhiều năm trước khi cuốn hồi ký “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” được những người bạn tù truyền tay nhau, lén lút gửi ra ngoài và được phát hành tại các quốc gia Âu Châu vào năm 1962. Có thể nói đây là quyển sách đầu tiên gây chấn động lương tâm nhân loại về tính cách vô nhân của chế độ cộng sản.
Riêng tôi, những ngày đầu tiên sau 30 tháng 4, 1975, khi nhìn thấy những người lính Bắc Việt ngơ ngác trong thành phố Saigòn không hiểu sao lại khiến tôi nhớ đến chương đầu tiên của quyển sách này. Năm 1945, 11 ngày sau khi lá thư chỉ trích Stalin của ông được phổ biến dưới dạng truyền tay nhau trong dân chúng, khi đặt chân đến Mạc Tư Khoa ông đã bị bắt bởi những người công an “ngơ ngác” trong thành phố này không kém gì sự gnơ ngác của những lính Bắc Việt khi bước chân vào thành phố Saigon mà tôi nhìn thấy. Ba người công an được lệnh đi bắt ông tại trạm xe điện ngầm Byelorusskaya, không người nào biết lối mang ông trở lại nhà giam. Họ để ông dẫn đường. Ông viết lại trong hồi ký là ông đã dẫn họ đi vòng vòng trong trạm Byelorusskaya giữa hàng ngàn người dân Mạc Tư Khoa khốn khổ xuôi ngược đông đúc, kẻ lên, người xuống. Điều gì đã khiến ông không la lên, không gào lên để báo cho đám đông chung quanh biết rằng, ông sắp bước chân vào địa ngục trần gian là trại tập trung của người cộng sản. Chỉ biết rằng, lúc đó, thời điểm đó, ông đã im lặng. Đã chấp nhận số phận điêu linh của cá nhân mình trong biến động của quê hương. Thái độ im lặng đó phải chăng cũng là thái độ im lặng của hầu hết trí thức miền Nam Việt Nam vào những ngày sau 30 tháng 4, 1975. Họ đã im lặng sắp hàng đi vào các trại tập trung cải tạo của cộng sản vì nghĩ rằng đất nước là của chung, khi hoà bình vãn hồi, ai cũng sẽ có dịp đóng góp khả năng mình trong việc xây nước và dựng nước.
Và như Alexander Solzhenitsyn, họ đã hối hận. Nếu biết trước sự im lặng đó sẽ là bước đầu của nhiều năm địa ngục, chắc chắn Solzhenitsyn cũng như những nhà trí thức miền Nam sẽ không im lặng đưa tay vào còng như thế. Khi ra khỏi những trại tập trung, cũng như Alexander Solzhenitsyn, họ đã không im lặng nữa. Ông Solzhenitsyn đã cầm bút để tố cáo với thế giới sự vô nhân của chế độ cộng sản khi nhân danh công bằng, giai cấp vô sản để chiếm chính quyền nhưng đã cai trị người dân bằng một phương thức độc tài khát máu nhất trong lịch sử nhân loại. Và thế giới tự do đã lắng nghe... Năm 1970, ông được trao giải Nobel về văn chương nhưng chính quyền cộng sản Nga không cho ông qua Thụy Điển nhận giải. Năm 1974, dưới thời Brezhnev, trước sự can thiệp của thế giới Tây Phương, ông đã bị cưỡng ép ra khỏi nước. Ông kể lại rằng khi máy bay quay về hướng Tây ông mới biết rằng ông không bị đẩy vào trại tập trung ở Siberia lần nữa. Solzhenitsyn bị áp tải qua Đức, rồi ông quyết định định cư tại Hoa Kỳø. Ông sống lưu vong tại Vermont, Hoa Kỳ từ năm 1976 đến năm 1994 là năm mà tổng thống Yetlsin cáo chung đảng cộng sản tại Nga ông mới trở về quê nhà. Thái độ này của ông đã được các nhà văn Việt Nam sau 1975 coi như là một thái độ gương mẫu nên noi theo của một nhà văn lưu vong liêm sĩ. Và từ 1975, hình như không có nhà văn miền Nam nào hợp tác với chính quyền cộng sản khi ra khỏi những cái Gulag-made in Việt cộng cả.
Nhưng sau này, sau khi trở về nước này theo nhận xét của những nhà phê bình văn học quốc tế thì là một bước sa lầy của nhà văn lương tâm Solzhenitsyn. Là một người theo khuynh hướng dân tộc, đứng trước sự sụp đổ của Liên Bang Xô-Viết và sự băng hoại của những giá trị đạo đức truyền thống ở nước Nga, ông Alexander Solzhenitsyn, đã cổ võ cho đường lối cứng rắn của nguyên tổng thống và hiện nay là thủ tướng Vladimir Putin, cổ võ cho cuộc chiến tranh Chechnya, đồng thuận với chủ trương của chính phủ Nga là không cần theo mô hình dân chủ kiểu Phương Tây, mà cần một “bàn tay sắt” để giữ gìn trật tự và tái lập những truyền thống luân lý, đạo đức và văn hóa của nước Nga trước khi nhuộm đỏ. Không ít ý kiến đã coi đây là bước sa lầy cuối đời của nhà văn Solzhenitsyn, một người từng kêu gào cho ý nguyện dân chủ, đại diện cho lương tâm của giới trí thức và người dân Nga trong suốt bao nhiêu thập niên qua. Hai tác phẩm ông sáng tác sau khi trở về nước Rebuilding Russia (1990) và Russia in Collapse (1998) đã làm thế giới Tây Phương , những quốc gia che chở và bảo vệ ông truóc đây thất vọng. Ông kêu gọi người Nga trở về với đạo Orthodox truyền thống của Nga, chống đối sự hiện diện của các linh mục Thiên Chuá giáo và các mục sư Tin lành đến nước Nga. Có lúc ông thực hiện một chương trình đàm thoại trên TV Nga để cổ võ cho điều suy nghĩ của ông. Chương trình này không được dân Nga ủng hộ nên chỉ trong một thời gian ngắn, đã đi vào quên lãng. Sự thất bại của một tên tuổi quốc tế như Solzhenitsyn cho chúng ta thấy gì? Không thể hy vọng về một sự cải thiện hay xây dựng đất nước khi nào chế độ độc tài theo kiểu cộng sản còn tồn tại.
Tuy nhiên, trước khi mất, Solzhenitsyn còn kịp ấn hành tác phẩm Invisible Allies, Những Đồng Minh Vô Hình, ấn bản Anh ngữ, trong đó ông kể lại những người bạn đã che chở, đã bảo vệ bản thảo của ông trong hoàn cảnh ngặt nghèo của một nhà tù cộng sản. Một tác phẩm trong đó ông viết lại đời sống bằng mật mã giữa những người bạn tù, những trang bản thảo được dấu dưới đáy những thùng thực phẩm, và bằng những phương pháp vô cùng tinh vi như những gián điệp nhà nghề, họ đã chuyển tới những ký giả ngoại quốc và nhờ đó, Gulag Archipegalo mới thấy được ánh mặt trời. Ngoài ra, ấn bản Anh ngữ hoàn toàn không bị kiểm duyệt của tác phẩm The First Circle-Tầng đầu địa ngục, một trong số những tiểu thuyết lớn nhất của ông, được sáng tác trong thời gian 1957-1959, đã được phát hành. Năm 1968, tác phẩm này bị kiểm duyệt, chỉ gồm 87 chương, khi ra mắt tại New York, và 10 năm sau, bản đầy đủ gồm 96 chương mới được ấn hành bằng tiếng Pháp tại Paris. Theo nhà xuất bản Harper Perennial, trong vài năm gần đây, Solzhenitsyn đã cùng Harry T. Willetts, dịch giả bản Anh ngữ, xem xét lại và bổ sung bản dịch tiếng Anh của “Tầng đầu địa ngục”. Tuy nhiên, Willets đã qua đời năm 2005 và như thế, đích thân nhà văn đã thực hiện những sửa chữa cuối cùng của cuốn tiểu thuyết được coi là một trong những tác phẩm lớn nhất của nền văn học thế giới thế kỷ XX.
Tại Việt Nam, cho dù các tác phẩm chính của Solzhenitsyn đã được dịch ra tiếng Việt tại Sài Gòn trước 1975 nhưng sau đó, tên của nhà văn này vẫn còn là một điều cấm kỵ đối với chính quyền cộng sản Việt Nam.
• Chuyện nhà văn Sơn Nam
Nói về Nhà Văn người Nam viết về miền Nam, người ta thường bắt đầu bằng những tiểu thuyết của ông Hồ Biểu Chánh. Đọc lại những tiểu thuyết tình, trên dưới hai ba chục cuốn, về xã hội miền Nam thời Pháp thuộc, lúc chữ quốc ngữ còn phôi thai, vẫn thấy là quá hay. Sau đó, chúng ta có Phú Đức, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên...
Chỉ riêng ông Sơn Nam thì không viết chuyện tình. Ông viết về miền đất mới khai phá, những phong tục tập quán, đời sống người dân ở nơi đất phèn, chó ăn đá, gà ăn muối muỗi bay từng đàn... Nơi sinh trưởng của ông có tên là vùng U Minh Hạ, tỉnh Kiên Giang tức Rạch Giá. Ít ai nhắc đến U Minh Thượng. Người ta biết đến U Minh Hạ vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn miền Nam này. Giữa rừng văn chương tiểu thuyết bóng bẩy, lãng mạn của các nhà văn người Bắc, người Trung, văn chương “Nam Kỳ” của nhà văn Sơn Nam bỗng trở thành bông hoa lạ. Không ai đọc tập truyện Hương Rừng Cà Mau (xuất bản năm 1972) mà không say mê với những kiến thức lạ lùng trong đó. Lạ từ cái tên truyện lạ đi. Bác Vật xà bông, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Cây Huê Xà, Chiếc ghe “Ngo”, Cô Út về Rừng, Con Bảy Đưa Đò, Đảng Cánh Buồm Đen, Đóng Gông Ông Thày Quít, Đồng Thanh Tương Ứng, Hát Bội Giữa Rừng, Hòn Cổ Con, Hương Rừng, Miểu Bà Chúa Xứ, Một Cuộc Biển Dâu, Mùa “Len” Trâu, Người Mù Giăng Câu, Ông Già Xay Lúa, Sông Gành Hào, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.
Ông viết nhiều nhưng xuất bản thành sách thì không nhiều. Có lẽ đọc giả chỉ thích đọc truyện tình hơn là chuyện khai khẩn vùng đất mới, phong tục lạ... Như họa sĩ vẻ tranh có dính đàn bà, con gái vào thì dễ bán hơn là tranh của hoạ sĩ vẻ tranh trừu tượng hay lập thể. Tác phẩm của Sơn Nam ngoài hai tập Đất Phương Nam và Hương Rừng Cà Mau, những tuyển tập khác như Âm Dương Cách Trở, Ngôi Nhà Mặt Tiền, Biển Cỏ Miền Tây, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Gia Định Xưa... không được nhắc đến nhiều.
Ông Sơn Nam ít làm thơ. Nhưng tôi rất thích bài thơ của ông trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau:
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau – Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều như cỏ
Chướng khí mù như sương
Thần không là linh thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Lắng nghe sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò ơ, theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
Vì thế trước 1975, có lần đọc ở đâu đó, có người ví Sơn Nam như sông Tiền và Bình Nguyên Lộc như sông Hậu của miền Nam nước Việt, mà buồn cười. Có thể vì tâm hồn trung hậu, ít sâu sắc nên nhà văn miền Nam tầm cỡ không nhiều. Miền Bắc chỉ có dòng sông Hồng (dù cho có nhiều phụ lưu) ví von như thế thật là phiền. Ai là sông Hồng, ai là sông Mã, sông Đáy đây?
Nhưng sau ngày 30 tháng tư 1975, nhà văn giải phóng Sơn Nam được chính quyền mới trình diện, là người nằm vùng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, lợi dụng sự tự do của chính quyền Việt Nam Cộâng Hòa để len lõi hoạt động trong lãnh vực báo chí, văn hóa để chống phá chính quyền miền Nam. Có đôi lần khi còn ở lại, tôi thấy ông trên đài truyền hình hướng dẫn những “ông chủ mới” đi thăm những di tích lịch sử, những bảo tàng của miền Nam. Vẫn một Sơn Nam vẫn ốm o, còi cọc, da mặt răn rúm dù hết sức ra vẻ hớn hở, thỏa mãn để “mừng cách mạng thành công”.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, Sơn Nam cũng như bao nhiêu người nằm vùng khác, ngay cả những cán bộ lãnh đạo của Mặt Trận GPMN chỉ được đảng cộng sản xài trong giai đoạn mới tiếp thu miền Nam thôi. Sau đó, người ta lại thấy nhà văn Sơn Nam lếnh tha, lếch thếch, lang thang, không phương tiện sinh sống trong khi trước 1975, ông sống ung dung bằng tiền viết báo và in sách. Nhà nước cộng sản thì dĩ nhiên là không “trả công” cho người nằm vùng bao giờ.
Gần đây, nhà xuất bản Trẻ (trong nước) đã in lại sách của Sơn Nam. Sách cũ thì có Hương Rừng Cà Mau, Sài Gòn 300 năm... và 3 cuốn hồi ký trong đó nhà văn Sơn Nam kể lại toàn bộ cuộc đời của ông, trong đó những ngày ông theo giải phóng là được kể lại chi tiết nhất, song song với những cuốn thơ của ông Bùi Giáng. Sách của ông Sơn Nam được quảng cáo rầm rộ. Những mẫu quảng cáo chữ to, Hồi Ký Sơn Nam, với hình ông còm cỏi đứng cười được dán khắp các nhà sách, khắp các mặt báo trong nước. Dạo đó, tôi nghĩ khi tâng công để sách được in ra như vậy, ít ra ông cũng được an ủi về mặt tài chánh. Nhưng rồi cũng trên một tờ báo trong nước, tờ Công An Thành Phố HCM có đăng Lời Kêu Gọi Giúp Đỡ của chính ông Sơn Nam vì bị bịnh nặng (nhưng không nói bịnh gì) ông nhờ bá tánh thập phương ủng hộ một số tiền mấy chục triệu đồng (tiền VN) để nằm bịnh viện. Buồn cười là trong lúc Lời Kêu Gọi “cứu trợ” này được đăng trên báo Công An TPHCM thì một bài phỏng vấn nhà văn Sơn Nam phổ biến trên báo diễn đàn điện tử VnExpress, ông Sơn Nam đã có những câu trả lời thật độc đáo, vừa chua xót vừa đau thương và nhất là ... đi ngược lại sự kêu gọi này. Nhà văn mang danh “ông già Nam bộ” cho biết ông có nhiều tác phẩm xuất bản và bán chạy. Vàng đã được thử lửa hết rồi sao vẫn ... vô gia cư, không tiền chữa bệnh
Xin ghi lại đây một vài đoạn:
Phóng viên: Vì đâu người Nam bộ yêu thích giọng điệu tưng tửng, cách hành văn nhảy cóc, chuyện này xọ sang chuyện nọ, rồi cả lối kể con cà con kê của ông?”
Sơn Nam: Vì tôi là người duy nhất viết về lịch sử Nam bộ, một mảnh đất phải định hình trên một trăm năm mới ra hồn ra vía. Tôi là người nhìn thấy trước cái nét đó. Tôi cũng đã nhìn đâu là văn minh sông nước của đất này. Đừng nghĩ rằng người Nam bộ đánh Mỹ chỉ biết tối ngày xách rượu đế đi tán dóc, bây giờ họ làm kinh tế giỏi lắm. Mấy cái chuyện cá basa còn có người sang tận bên Mỹ cải lộn..
Phóng viên: Và còn cái điều gì bí ẩn sau cái tên “ông già Nam bộ.”
Sơn Nam: Nói đến Sơn Nam là nói đến sự tự tin của Nam bộ. Tự tin có cơ sở. Ví dụ: Tôi mặc áo 5 ngày không thay, thằng cha nào khinh rẻ thì cứ việc. Bởi ở rừng U Minh mà lên Sài Gòn được như vậy là quá tốt rồi. Nghe đâu người ta còn mở quán cà phê Sơn Nam ở đường Phạm Ngọc Thạch, rồi khu du lịch Bình Quới sẽ dựng tượng Sơn Nam để coi.
Phóng viên: Điều gì làm ông chua chát?
Sơn Nam: Không có tiền thì không có thể diện. Muốn làm nhà văn, nhà báo phải “hách” mới đi xã giao được, nếu quỳ lụy người ta khinh.
Phóng viên: Nhưng cũng có những thứ khác đâu mua bằng tiền được?
Sơn Nam: Đó là tôi nói lý thuyết thôi. Nhà văn mà không có đủ tiền in sách thì ai đọc? Mà một cuốn muốn in phải năn nỉ nhà xuất bản, phải bỏ ra 2, 3 cây vàng, rồi phải in thử năm ba cuốn mới mong người ta chú ý. Anh không bán được sách chứng tỏ anh dở, tài cũng phải đẻ ra tiền chớ.
Phóng viên: Nhà xuất bản Trẻ chọn Sơn Nam mua hết bản quyền tác phẩm, có phải là một bất ngờ lớn với ông?
Sơn Nam: Bất ngờ chi. Tôi có mấy cuốn được tái bản nhiều lần, người ta thấy lời mới ký hợp đồng chớ. Hồi Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, có trên 10 cuốn sách của Sơn Nam ăn khách rất mạnh. Không phải người ta hứng lên rồi làm đâu, vàng đã thử lửa hết rồi.
Phóng viên: Thưa ông, có bao nhiêu phần trăm nhà văn Việt Nam có tư cách?
Sơn Nam: Thời buổi bây giờ, có tiền là có tư cách. Giỡn chơi vậy thôi, nhà văn thứ thiệt phải biết chọn loại độc giả đứng đắn. Mà khó lắm, độc giả không còn nhiều nữa đâu?
*
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã tả hình dáng và tính tình của ông Sơn Nam như sau:
“Một Sơn Nam đi lửng thửng trên đường Phạm Ngũ Lão đến toà soạn Văn, tạt vào báo quán đưa một bài viết, một Sơn Nam ngồi ở quán cà phê vỉa hè trên đường Võ Văn Tần. Gầy ốm, dáng đi thất thểu, cái áo cũ rách, nhăn nhúm như khuôn mặt nhăn nheo của ông, điếu thuốc trên môi và đôi mắt như không nhìn đâu vào đâu, Sơn Nam có vẻ như không thuộc về một phần đất nào, mặc dù “rất Nam bộ” nhưng không như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc hay Lê Xuyên.”
Nhưng phải đọc Hồi Ký của Sơn Nam, về những tháng ngày ông đi theo “giải phóng” thì cảm tình dành cho Sơn Nam mới không cánh mà bay. Phải tâng công một chế độ không cho mình miếng cơm, miếng thuốc, đến tuổi già bệnh tật phải kêu gọi lòng từ tâm của người đời thì thật là khổ, nói làm gì ... sự tự tin của đồng bằng Nam Bộ. Như đã viết trước đây, người sinh sống ở miền Nam trước 1975 dính dáng tới văn hóa được đảng cộng sản Việt Nam “chấp nhận” chỉ có hai người. Đó là Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng. Một anh trốn lính và một thiên tài nhưng mắc bệnh tâm thần. Còn bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ của miền Nam thì nếu không vướng vào quân đội thì cũng vướng vào chính quyền miền Nam nên cho đến nay, đảng cộng sản cố tình chôn vùi tên tuổi của họ. Nhưng những nhà văn hoá Việt Nam này đã có cho họ một văn học sử riêng, rất trường tồn do tài năng của họ. Khác với cái văn học sử Mác Xít, tùy thuộc hoàn toàn vào chính trị. Chỉ tội nghiệp cho những người nằm vùng như Sơn Nam hay Lữ Phương. Một người viết văn biên khảo mà không giữ được tư cách và liêm sĩ thì coi như đã tự mình đào huyệt chôn sự nghiệp của mình. Chả trách mà đọc xong Hồi Ký của Sơn Nam, nhiều người cho rằng nhà văn Sơn Nam đã chết. Đâu phải đợi đến ngày hôm nay...
Cuối tuần ở Houston có những đêm mưa. Đêm nghe tiếng mưa dội vào khung cửa kính, nghe tiếng sấm, chớp liên tục cuả thành phố này lại khiến tôi nhớ quá Việt Nam của những ngày mưa lũ. Muà mưa đầu tiên ở Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 hình như lại là một muà mưa ghê gớm nhất. Ngày nào cũng mưa, chiều nào trời Saigon cũng âm u như sắp khóc. Hay tại tâm sự miên man cuả người ở lại khi chứng kiến thành phố của một thời thiếu nữ đang thay hình, đổi dạng. Điều gì khiến cho tà áo cuả chính mình bay trong gió chiều dưới những hàng me Saigon bỗng không còn là tà áo sinh viên cũ mà tự nó đã mang cho nó một màu sắc chính trị: trong khi mọi người vì lo sợ không còn ai dám mặc áo dài thì mình lại cố tình mặc áo dài. Để được yên thân, để có cảm giác sẽ được yên thân nên đàn bà con gái Saigon đã cất đi những tà áo dài để khoác lên mình cái áo lao động ngắn. Tháng 8, 1975 là tháng tôi nhận được một bức điện tín của người chị ở Pháp . Cái giấy màu vàng của tờ điện tín, chữ Việt không có dấu không nói gì nhiều với người ở lại ngoài một nỗi tuyệt vọng khi nhìn lại xã hội vây quanh. Có chắc gì sẽ đoàn tụ được? Có chắc gì còn thấy lại nhau? Để nói chuyện tương lai dài hay ngắn? Người ở lại chỉ có toàn tin đồn. Chỉ có những ngày đi thăm bạn mà nhà bạn bây giờ chỉ có toàn người lạ. Những khuôn mặt quyền lực nhưng ngơ ngác, đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ Việt mà người với người lại xa lạ như đến từ hai hành tinh khác biệt.
Tháng 8 mỗi năm cũng là tháng mà tôi nhớ đến nhiếp ảnh gia Trần cao Lĩnh. Ông Lĩnh mất ngày 29 tháng 8, 1989, cách đây đã 18 năm mà lối kể chuyện vô cùng dí dõm cuả ông vẫn còn trong trí tôi. Đầu thập niên 80, ngôi nhà nhỏ cuả tôi là nơi họp mặt cuối tuần cho nhiều “ông già” văn nghệ. Nhưng phải có sự hiện diện của ông Trần Cao Lĩnh từ Olympia, tiểu bang Washington về thì mới thật là vui. Nếu có một cuốn hồi ký nào tôi nghĩ nên có cho người đời sau biết về những nhân vật của Việt Nam, thì đó phải là hồi ký của ông Trần cao Lĩnh. Với tư thế là một nhiếp ảnh gia hàng đầu của miền Nam, ông được nhiều nhân vật trong chính trường mời chụp ảnh chân dung và gia đình. Tôi và nhiều người bạn đã được nghe nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh kể là hàng năm ông được mời vào Dinh Độc Lập để chụp ảnh cho gia đình tổng thống Ngô đình Diệm. Ông là người đầu tiên cho tôi nghe những lời nói tốt về bà Ngô đình Nhu từ khi giòng họ Ngô Đình biến mất khỏi chính trường miền Nam. Ông Lĩnh nói về một gia đình rất nề nếp, nghiêm túc và một người đàn bà quí phái, sang trọng, uy nghiêm nhưng hoà nhã với mọi người. Cái nhìn của nhiếp ảnh gia Trần cao Lĩnh trong những lần tiếp xúc với giòng họ Ngô Đình thật khác xa những lời đồn đại của những ông nhà báo cộng sản sau này về tư cách của người đàn bà đã từng là Đệ Nhất Phu Nhân cuả miền Nam trong những ngày tháng vàng son nhất. Thời gian qua chứng minh lời nói của ông Lĩnh là sự thật. Người đàn bà đó đã sống hết cuộc đời còn lại trong cô đơn và không để lại một điều tiếng nào cho cái tên lừng lẫy mà bà đã mang. Tiếc thay tập sách hình danh nhân Việt Nam do ông Trần cao Lĩnh chụp cũng như cuốn hồi ký mà ông định viết chưa hoàn tất thì ông đã ra đi. Cho đến nay, hàng chục ngàn âm bản của ông Trần Cao Lĩnh vẫn chưa được in thành sách. Đó là một thiệt thòi không chỉ cho văn hoá Việt nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Vì những hình ảnh đẹp mộc mạc ngày trước nay không còn mấy ở quê nhà.
Như thế thì đừng hỏi tại sao tôi lại có nhiều kỷ niệm với tháng 2, tháng của mưa dầm ở xứ người và nắng quê nhà?
• Hoàng Dược Thảo
Chuyện của ta, chuyện của người - Phiếm Dị Đào Nương Feb 13,2020
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Hoàng Khoa
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404