Tưởng Niệm Tháng 4 Đen của VNCH: Phan Nhật Nam, Ngày 30 THÁNG TƯ, 1975.

Phan Nhật Nam

Ngày thật chết với Quê Hương

30 THÁNG TƯ, 1975.



Tác Phẩm Tiếc Thương của nhiếp ảnh gia quân đội VNCH Nguyễn Ngọc Hạnh

Một.
Sự Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều Ngày 28 Tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hoả ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống..Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn.. Cuộc hành hình kéo dài từ 1 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO (Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ), ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống.. Đống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc “Năm Trăm Trần Hưng Đạo” của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam; giấy bạc Đô-la của ngân khố Mỹ.. Tất cả cùng trộn lẫn với thịt da thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung toé, hiện thực cảnh địa ngục vô vàn của Dante nơi trần thế.

Sáng 29 tháng 4, những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cấp cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị, nhưng, Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành còn lại. Thành có biệt hiệu "Thành mọi" bởi nước da ngâm đen quá độ ra chỗ đậu tàu.. Anh nỗ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, thấy rõ những vị trí pháo của binh đội cộng sản.. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh.. Lửa nháng lên dưới thân tàu, toán phòng không cộng sản phản pháo, nhưng không kịp, Thành bình tĩnh, tài giỏi lách ra khỏi vùng hỏa tập lưới đạn của giặc. Anh đáp xuống lại phi đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mù bởi cuộc dội bom chiều hôm, và cuộc pháo kích cường tập từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc nầy. Mặc, Thành tự tay nạp đạn vào tàu, anh trở lại bầu trời trên phi cảng Tân Sơn Nhất - Cửa ngỏ của Miền Nam. Anh nhìn xuống những vị trí pháo cộng sản mà giờ nầy tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh tấn công.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Thành chúc mũi tàu, bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm.. Một mình anh.. Phải chỉ một mình anh - Trung úy Trang Văn Thành, "Thành Mọi - Thành Thiếu Sinh Quân". Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh.. Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi.. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian trên quê hương.

Hai.
Sáng 30 Tháng 4, năm 1975. Anh lục túi lấy hết giấy tờ gồm Chứng Chỉ Tại Ngũ, Thẻ Lãnh Lương, Thẻ Báo Chí, Chứng Minh Thư mang Danh số 41 Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương... ném tất cả xuống miệng cống trước trước nhà sách Khai Trí, đường Lê Lợi.. Coi như mình đã chết! Hình như anh vừa nói ra lời với cảm giác thanh thản của người vừa cất xong gánh nặng quá lớn. Tay anh giữ hai chiếc máy ảnh trước ngực.. Anh tự nhắc nhở: Ít ra còn có vật dụng để thực hiện một công việc, làm một nhiệm vụ. Đây là những hình ảnh không thể thiếu cho mai sau. Để tương lai còn có người biết đến, hiểu ra. Với cách giải thích tội nghiệp, cùng đường nầy anh đi về phía Công Trường Lam Sơn, trước trụ sở Hạ Viện. Chung quanh Sàigòn vắng hoe. Trời bỗng nhiên trở mưa.. Cơn mưa ngắn, từng giọt khô nồng, u uất.Chiếc xe Molotova Trung Cộng (sau khi đi tù mới biết đấy là xe Zil) từ hướng đường Trần Hưng Đạo, chạy chậm rãi qua bùng binh chợ Bến Thành, những người đi đường nhìn lên, ngó mông trống trải. Xe tới trước thềm Hạ Viện, đám thiếu nữ miền quê nhẩy xuống, một người đội mũ tai bèo, chắc là người chỉ huy trung đội lính phụ nữ, từ ca-bin xe bước ra, chỉ chỏ, ban lệnh, kéo từng người vào vị trí “chiến đấu”... Các đồng chí, các đồng chí... bố trí đây nì, khẩn trương tác chiến... Giọng người vùng miền Bắc Trung Việt cấm cẳng, the thé. Đám thiếu nữ ngồi bất động nghiêm trọng. Tất cả đều mặc áo quần mới, áo mầu xanh dương, quần đen, vải nội hoá còn nguyên dấu hồ, giây đạn đeo chéo qua thân, miết xuống những thớ thịt ở ngực, phần bụng. Băng đạn trên người mới tinh màu đồng đỏ au.

Từ Công Trường Lam Sơn, đầu đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt “bộ đội Việt cộng”. Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính cộng sản nhẩy xuống, chạy vội vào hàng hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ.. Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính, không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoãi, chỗ tượng Thủy Quân Lục Chiến.. Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng quí giá, thức ăn đắt tiền. Anh cũng nhập vào đám đông xô đẩy đó trong giờ phút vỡ toang mối nối thời - không với những động tác, việc làm bất định, bất ngờ, vô nghĩa, vô ích. Tiếng súng nổ, đạn bay lên trời.. Và những bóng người chạy lúp xúp vào cổng Tòa Đô Chính. Anh đưa máy hình lên làm động tác quen thuộc, thuần thục hằng thực hiện trước kia nơi những chiến trường lửa đạn vây bủa. Đồng thời anh chợt nhói đau, nói thầm.. Đây là lần cuối cùng. Đây là giờ cuối cùng với cảm giác cạn ly rượu cuối cùng trước khi bịt mắt dẫn đi hành quyết. Anh đi theo đám lính cộng sản với hai thanh niên cầm cờ đỏ chạy vào “đánh chiếm” Tòa Đô Chánh. Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long.

Ba.
Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác không chủ đích đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Đũi, nơi các bạn anh hôm qua hằng vui vầy, sống động.. Anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa giòng âm động dồn dập của Sài Gòn đang hồi tẫm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài. Mà quả thật có nhiều quan tài của những người vừa chết.. Đến trước cổng trại Nguyễn Trung Hiếu, hậu cứ Tiểu Đoàn 1 Dù, anh gặp Thiếu Tá Trần Công Hạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Dù. Anh hỏi Hạnh: "Bây giờ bạn tính sao?" Tròng mắt người bạn khô khan ráo hoảnh sau bao ngày đêm không ngủ. Hạnh nói dứt khoát, dẫu mệt nhọc, rời rã: "Tôi còn đến 500 người lính,, tất cả các đại đội trưởng đang đợi lệnh tôi. Anh xem tôi có thể làm gì, đi đâu?!" Có một xác con trẻ trần truồng không biết ai ném ra từ bao giờ lên mặt đường. Một cô gái với áo dài trắng nữ sinh đi đến, gác chiếc xe đạp mini cạnh lề đường, bình thãn, thành thạo đưa máy ảnh lên, lấy góc cạnh thây đứa trẻ chết. Anh hỏi cô gái: Cháu chụp tấm hình nầy làm gì? trong khi không dám nhìn đến thây đứa trẻ mà giờ nầy đã miết xuống mặt nhựa đường do đám người chạy loạn dẫm lên. Cô gái nhỏ trả lời mau chóng: “Chụp để làm chứng tội ác Mỹ-Ngụy trước khi bọn chúng rẫy chết!” Giọng cô gái đanh lại, mắt quắt lên sau lớp kính trắng. Anh thoáng kinh hãi vì chứng kiến một điều ghê rợn: "Hóa ra Sự Ác có thể chụp xuống lòng người mau chóng đến thế sao?" Bấy giờ chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.

Một trung đội lính Dù thật sự chỉ khoảng hơn một tiểu đội giữ nhiệm vụ an ninh Cư Xá Sĩ Quan Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, trước 1972 là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Dù. Chuẩn Tướng Hậu đang trãi chiếc bản đồ trên mui xe jeep, bàn tính với những viên sĩ quan. Khi biết lệnh đầu hàng đã thi hành, ông vất tung chiếc bản đồ, gầm lên lời nguyền rũa.. Anh nói với viên thiếu úy trung đội trưởng: “Tôi vừa gặp ông Hạnh ngoài cổng Tiểu Đoàn 1. Ông Hạnh không có ý kiến, bảo anh em ai về nhà nấy” Nhưng viên thiếu úy quyết liệt: "Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu..". Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển.. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Anh đạp xe đi song song với đám quân. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng.. Tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm.. Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.

Sau nầy, anh biết thêm, trên con đường anh vừa đi qua, Đường Bắc Hải, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh thuộc Khoá 1 Nam Định, chuyên ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường giây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.. Hai người cùng trao đổi đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng.. Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước. Trung Úy Vinh đáp lại: “Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng” Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẫn bị từ trước. Cuối cùng Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!

Ở Vùng IV đồng bằng Sông Củu Long, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời sống bên cạnh thây của chồng, các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy.. Không để cho Việt cộng một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử. Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn... rất nhiều người không ai biết đã chết cùng lần vĩnh quyết Miền Nam.
Anh đi qua biên giới tử sinh nầy với mặc cảm phạm tội - Tội được sống sót. Đấy là cảm ứng có thật từ Ngày 16 Tháng 3, 1975 khi theo đoàn người di tản dọc Tỉnh Lộ 7 từ Pleiku về Phú Bổn, xuống Tuy Hoà.. Khi đứng trên Đèo Hải Vân Ngày 25 Tháng 3, nhìn đoàn người chạy từ Quảng Trị, Huế vào Đà Nẵng. Khi anh nghe ra tiếng hờn đau ai oán của người đàn bà chân trần, tóc rối, lật vạt áo dài ra để thấy đứa con nhỏ đã chết từ lâu trên tay. Sáng nay, anh đạp xe với màn nước mắt pha máu; trên áo, ở đầu ngón tay, nơi cánh mũi rây rây, nồng gắt mùi máu do khi anh đến gần, cúi xuống chụp hình viên thiếu úy và những người lính nhảy dù tự sát. Mắt người chết nhìn anh trừng trừng khốc liệt. Không hiểu anh đã về đến nhà theo lối nào, nhưng quả thật đây thật là đoạn đường dài nhất, gớm ghê nhất anh vừa đi qua với cổ đắng, miệng khô rốc, trí óc vỡ loãng trỗng không.

Bốn.
Người Nhật là một dân tộc vĩ đại qua nghi lễ hiến tế, tức Sepuku (mỗ bụng tự sát) khi danh dự cá nhân, tập thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam không có nghi thức uy hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, Người Việt cũng có phương thức riêng để bày tỏ Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá Con Người. Người Việt xử dụng Cái Chết để chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn giản nhưng không kém phần cao thượng. Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 tháng Tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc những người đã sống dài lâu dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954 đã phá thân băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600.000 người chết trên đường di tản ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do, để bảo vệ Phẩm Giá, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã, đang hiện thực điều mầu hiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê hương khổ nạn, với chính thân xác của mình.

Anh nói những lời trên không riêng cho hội thảo ở Đông Kinh trong Ngày 14 Tháng 1, năm 2002 mà muốn gởi đến cả thế giới loài người về mối Đau Thương của toàn Dân Tộc Việt. Xin tất cả hãy lắng nghe.

Viết lại ở Mỹ với Ngày 30 Tháng Tư của 48 năm sau,
Phan Nhật Nam
1975-2023,

 




 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top