Việt Cộng nằm vùng ở đâu cũng có,
ngay cả trong Dinh Độc Lập.
ngay cả trong Dinh Độc Lập.
Trúc Giang MN
Cụm Tình Báo VC A.22 trong Dinh Độc Lập
Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Cộng nằm vùng thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Chúng lặn sâu trèo cao, xâm nhập vào các cơ quan trọng yếu của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Từ Cảnh sát Quốc Gia, Cục An ninh Quân đội, Phủ Đặc Ủy Trung ương Tình báo, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và ngay cả trong văn phòng của Đại tướng Cao Văn Viên cũng có Việt Cộng nằm vùng. Tại Hạ Viện Quốc hội cũng có nhiều tên Việt Cộng nằm vùng
Đau nhất là trong Dinh Độc Lập cũng có Cụm tình báo A-22, làm cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Nguồn gốc Việt Cộng nằm vùng
Sau Hiệp định Genève 1954, trước khi tập kết ra Bắc, Việt Cộng chôn vũ khí và cài người ở lại. Bọn nầy tìm mọi cách len lỏi vào các cơ quan chính quyền xã ấp. Nhiều nhất là ở tỉnh Bến Tre. Chính quyền VNCH đã ra Luật số 10 năm 1959 đặt những tên Việt Cộng nầy ra ngoài vòng pháp luật. Các chương trình Tố Cộng và Diệt Cộng được thực hiện mọi nơi.Tại những điểm tập kết, khi chờ tàu chuyển ra Bắc, Việt Cộng tích cực thực hiện chương trình dân vận, ra tay giúp đỡ những gia đình ở nông thôn trong mọi công việc hàng ngày, tôn vinh những Bà mẹ Chiến sĩ, các “Bà Má”…Trình diễn văn nghệ ngoài trời dưới hình thức lửa trại, phụ nữ nông thôn được mời tham gia, thế là những cặp trai gái ôm nhau nhảy múa “Sol, đố, mì”. Kết hôn và hẹn 2 năm sau (Theo định Genève 1954 thì 2 năm sau sẽ tổng tuyển cử) sẽ trở về xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế là những bà vợ và con của những cán binh VC luôn luôn hướng về miền Bắc, và chờ chồng về. Đó là kế hoạch xây dựng cơ sở để VC về nằm vùng.
Một số làm gián điệp cho VC là do thân nhân, vốn là VC móc nối. Một số gián điệp chuyên nghiệp trà trộn theo dòng người di cư vào miền Nam. Một số lén lút vượt vĩ tuyến 17 xâm nhập miền Nam.
Đó là nguồn gốc của những tên VC nằm vùng.
Ở đâu cũng có những tên gián điệp Việt Cộng nằm vùng.
- Việt Cộng nằm vùng là Sinh viên các trường đại học.
Đám nầy tuyên truyền chống chính phủ, phá bầu cử, chống chương trình quân sự học đường…
2). Việt Cộng nằm vùng trong giới văn nghệ sĩ.
Gồm có: Kim Cương, Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, nhà văn Vũ Hạnh. Trước 1975, Vũ Hạnh bị bắt 5 lần, lần nào cũng có người bảo lãnh cho ra. Người bảo lãnh sau cùng là linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Hội Văn Bút.3) Việt Cộng nằm vùng trong Phật giáo.
Ni sư Huỳnh Liên, ni sư trưởng Tịnh xá Ngọc Phượng, là Việt Cộng nằm vùng.4). Việt Cộng nằm vùng ở Hạ Viện Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa.
Dân biểu Đinh Văn Đệ và Nguyễn Văn Hàm
Gồm có các dân biểu Nguyễn Văn Hàm, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Đinh Văn Đệ (Bí số U.4).
• Nguyễn Văn Hàm tổ chức “Phong Trào Cứu Đói” và “Ký giả đi ăn mày” bằng những cuộc biểu tình. Sau ngày 30-4-1975 được cho nắm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Sài Gòn. Đó là chức vụ sau cùng trước khi bị đá ra khỏi mọi chức vụ của chính quyền Việt Cộng. Hàm đã cho vợ con vượt biên qua Úc, và chính hắn cũng qua Úc sống một thời gian rồi lại trồi đầu về Việt Nam, chờ chết trong cô đơn.
• Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện. Đã từng giữ chức Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt (1963). Tỉnh trưởng Bình Thuận (1964-1967).
Người móc nối là chú, tên Đinh Văn Út (Bí danh là Chín Mẫn).
Những thành tích: Khi Việt Cộng chiếm Phước Long, Đinh Văn Đệ thông báo là VNCH sẽ đánh bom Phước Long, nên VC rút ra khỏi Lộc Ninh, không bị thiệt hại gì. Đệ (U.4) được VC ban thưởng Huân Chương Chiến Công Hạng Nhất. Thành tích thứ hai là Tổng thống Thiệu đã cử Đinh Văn Đệ làm trưởng đoàn đi Mỹ xin viện trợ khẩn cấp. Mục đích để cho Mỹ cắt viện trợ, Đinh Văn Đệ (U.4) đưa hình binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không muốn chiến đấu, bỏ chạy bằng cách bám vào càng trực thăng chạy ra khỏi chiến trường.
Đinh Văn Đệ còn đưa một gián điệp VC bí danh “Số 6”, vừa tốt nghiệp Cao học ở nước ngoài, vào làm nhân viên Ủy ban Quốc phòng của Đệ ở Hạ Viện.
5). Việt Cộng nằm vùng ở Nha Cảnh sát Đô Thành
Đó là Đại úy Triệu Quốc Mạnh mà Dương Văn Minh phong chức Giám đốc Nha Cảnh Sát Quốc Gia Đô thành. Tên Mạnh mượn danh Dương Văn Minh giải tán Nha CSQG Đô thành, bằng cách cho phép các quận trưởng cảnh sát ở 11 quận đô thành, được phép về nhà thu xếp việc gia đình, khi VC trên đường vào Sài Gòn. Các quận trưởng về nhà thì nhân viên cảnh sát cũng tự tan hàng.Thiếu tướng tình báo Việt Cộng Đặng Trần Đức trong
Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa.
1. Vài nét tổng quát về Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa
Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo (Phủ ĐU/TW/TB) (Central Intelligence Office-CIO) là cơ quan tình báo chiến lược, trực thuộc Phủ Tổng Thống. Tên giao dịch hành chánh là “Nha Hành Chánh và Nhân Viên Phủ Tổng Thống”.Trụ sở ở số 3 Bến Bạch Đằng, bên cạnh Nha Quân Pháp và Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Những tổ chức trực thuộc- Cục Tình Báo Quốc Nội gồm có: Nha Điệp Báo (Ban K), Nha Phản Gián (Ban U), Nha Chính Trị (Ban Z).
- Cục Tình Báo Quốc Ngoại gồm có các tổ chức: Phú Xuân (Pháp), Lam Sơn (Anh), Thái Bình Dương (Nhật), Tiền Giang (Thái Lan), Phú Quốc (Campuchia) và Singapore.
Các Đặc Ủy TrưởngTheo thời gian, gồm có: Đại tá Lê Liêm, Đại tá Nguyễn Văn Y, Trung tướng Mai Hữu Xuân, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Trung tướng Linh Quang Viên, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình.
Sau 30-4-1975, phần lớn nhân viên Phủ Đặc Ủy bị kẹt lại ở Việt Nam.
Chiều ngày 28-4-1975, tòa Đại sứ Mỹ yêu cầu tất cả nhân viên tập hợp tại trụ sở số 3 Bến Bạch Đằng. Sau đó, chuyển sang số 2 đường Nguyễn Hậu. Đến 1 giờ sáng ngày 30-4-75 thì mất liên lạc giữa Phủ Đặc Ủy và tòa Đại sứ Mỹ.
- Gián điệp Việt Cộng Đặng Trần Đức
- Tiểu sử Đặng Trần Đức
(Từ trái qua) Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc), Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.
Đặng Trần Đức (1922 – 2004) còn có tên là Nguyễn Văn Tá, sinh tại Thanh Trì, Hà Nội. Bí danh Ba Quốc.
Năm 1954, Đặng Trần Đức và vợ cùng 3 con, trà trộn vào dòng người di cư vào Miền Nam, mang tên Nguyễn Văn Tá. Làm thơ ký kế toán tại Nha Công An Nam Phần. Từ năm 1963 trở thành phụ tá trung thành của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội. (Sở Mật vụ). Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, bị đưa xuống làm nhân viên thường ở Sở Giao tế Dân sự, trực thuộc Phủ ĐU/TW/TB. Sau đó, nhờ có quan hệ tốt với Trung tá Trần Ngọc Châu, Giám đốc Sở nên được cho về làm việc tại Phủ ĐU/TW/TB với chức vụ cũ.
Hoạt động gián điệp của Đặng Trần Đức
Việt Cộng nằm vùng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) đánh phá Việt Nam Cộng Hòa bằng nhiều cách: Gây chia rẻ giữa Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu, gây chia rẻ giữa Bà Thiệu và bà Trần Thiện Khiêm, gây chia rẻ các đoàn thể dân sự, ăn cắp tài liệu bí mật của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH thông qua Trung úy Vũ Văn Mùi.
Đồng thời khám phá những cán bộ Việt Cộng làm việc cho VNCH. Đó là một bác sĩ dân y của Mặt Trận Giải Phóng tỉnh Quảng Đà, và một tỉnh ủy viên trong Đảng bộ Tây Ninh.
Việt Cộng nằm vùng Ba Quốc xúi giục Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chánh nhưng không thành công, vì ông Kỳ không được Phật Giáo ủng hộ và do Mỹ không chấp nhận một cuộc đảo chánh.
Ngày 23-5-1974, được lịnh cấp trên phải ra căn cứ gấp vì người giao liên tên Nguyễn Văn Thương bị bắt. Ba Quốc đến điểm hẹn là một rạp chiếu bóng ở Mỹ Tho, và được giao liên đưa ra căn cứ.
Không lâu sau đó, ngày 30-4-1975, Ba Quốc trở về cơ quan cũ, ngồi ở bàn trình diện đăng ký của những nhân viên đồng nghiệp.
Đặng Trần Đức được phong Thiếu tướng làm việc ở Tổng Cục 2 thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Cộng.
Việt Cộng nằm vùng trong Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.
1. Trung úy Vũ Văn Mùi.
Trung úy Vũ Văn Mùi là trưởng Trung Tâm Trận Liệt và Lãnh Thổ, trực thuộc Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu, do người anh là Trung tá Vũ Văn Nho làm trưởng phòng.Vũ Văn Mùi chuyển tài liệu mật đến Việt Cộng nằm vùng ở Phủ ĐU/TW/TB là Nguyễn Văn Tá (Ba Quốc).
2. Việt Cộng nằm vùng trong văn phòng của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng.
* Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Văn Minh, bí số H.3.Người giữ chìa khóa hồ sơ mật của văn phòng Đại tướng Cao Văn Viên là Đại tá Việt Cộng nằm vùng, bí số H.3. Đó là Thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Minh, thơ ký đánh máy. Tên nầy nằm vùng suốt 10 năm, từ Nguyễn Hữu Có đến Cao Văn Viên, và đến sau ngày 30-4-75 vẫn chưa bị lộ.
Phương thức chuyển tài liệu.
Nguyễn Văn Minh chép tay tài liệu vào giấy đánh máy (pelure) rồi chuyển cho các giao liên qua việc lái xe ôm ngoài giờ làm việc.
Đường dây giao liên gồm có vợ, là Đinh Thị Nữ, em gái là Nguyễn Thị Nguyệt (H.4), em trai tên Nguyễn Văn Chí (Cảnh sát áo trắng).
- Những tài liệu tối mật
Tài liệu gồm có:
- Kế hoạch năm 1974-1975 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
- Kế hoạch của Văn phòng Tùy viên Quân Sự (DAO=Defense Attaché Office) về kế hoạch viện trợ quân sự cho VNCH.
- Những văn bản mật mà Tổng thống Thiệu gởi cho Đại tướng Cao Văn Viên. Thậm chí những tài liệu tối mật, chỉ có 5 người được đọc, cũng nằm trong tay người được Đại tướng tin cậy, VC nằm vùng bí số H.3.
Đến ngày 30-4-1975 vẫn chưa bị lộ. Ba Minh giữ toàn bộ hồ sơ tối mật nầy để giao lại cho Việt Cộng, không mất một một tờ nào cả.
Cho mãi đến năm 2006, tại một hội nghị quốc tế về tình báo trong chiến tranh Việt Nam, ông Merle Pribbenow, cựu nhân viên CIA cho biết: “Đúng là phải có một điệp viên Cộng Sản nằm vùng trong lòng Bộ Tổng Tham Mưu. Dường như không phải là một sĩ quan cao cấp, mà cũng không phải là một tùy viên thân cận Tổng thống Thiệu (Có thể tiết lộ bí mật về những tài liệu mà Dinh Độc Lập gởi cho Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH), nhưng chắc chắn là người nầy đã gởi ra Bộ Chính Trị Bắc Việt những tin tình báo chiến lược”.
Gián điệp Việt Cộng hoàn hảo, Phạm Xuân Ẩn
1. Thân thế và hoạt động
Phạm Xuân Ẩn
Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12-9-1927 tại xã Bình Trước, Biên Hòa, là một thiếu tướng tình báo của Quân đội Cộng Sản Bắc Việt.
Từng là nhà báo. Phóng viên cho Reuters, tạp chí Time, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor.
Theo học trường Collège de Can Tho.
Năm 1948- Tham gia Thanh Niên Tiền Phong và sau đó, làm thơ ký cho hãng dầu lửa Caltex.
Năm 1950- Làm nhân viên Sở Quan Thuế Saigon, để thi hành nhiệm vụ là tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự từ Pháp sang VN. Đây là lần đầu tiên làm nhiệm vụ tình báo cùng với 14 ngàn gián điệp được cài cắm vào hoạt động trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1952- Phạm Xuân Ẩn ra Chiến Khu D và đã được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên Uỷ Ban Hành Chánh Nam Bộ giao cho nhiệm vụ làm tình báo chiến lược.
Năm 1953- Phạm Xuân Ẩn được Lê Đức Thọ kết nạp vào đảng tại rừng U Minh, Cà Mau.
Năm 1954- Phạm Xuân Ẩn bị gọi nhập ngũ và được trưng dụng ngay vào làm thư ký Phòng Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Tổng Hành Dinh Liên Hiệp Pháp, tại Camps Aux Mares (Thành Ô Ma). Tại đó, Ẩn được quen biết với Đại tá Edward Landsdale, trưởng phái bộ đặc biệt của Mỹ (SMM), trên thực tế, Landsdale là người chỉ huy CIA tại Đông Dương. cũng là trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG= United States Military Assistance Advisory Group) tại Saigon.
Năm 1955- Theo đề nghị của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ, Phạm Xuân Ẩn tham gia soạn thảo tài liệu tham mưu, tổ chức, tác chiến, huấn luyện, hậu cần cho quân đội. Tham gia thành lập cái khung của 6 sư đoàn đầu tiên của QLVNCH, mà nồng cốt là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp trước đó.
Phạm Xuân Ẩn còn được giao nhiệm vụ hợp tác với Mỹ để chọn lựa những sĩ quan trẻ có triển vọng đưa sang Mỹ đào tạo, trong số đó có Nguyễn Văn Thiệu, sau nầy trở thành tổng thống VNCH.
Năm 1957- Tháng 10 năm 1957, Mai Chí Thọ và Trần Quốc Hương (Mười Hương) chỉ đạo cho Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ du học ngành báo chí, để có cơ hội đi khắp nơi, tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất.
Năm 1959. Phạm Xuân Ẩn về nước, nhờ những mối quan hệ, Ẩn được bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Và Văn Hóa Xã Hội (Thực chất là cơ quan mật vụ của Phủ tổng thống), biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn Xã, phụ trách những phóng viên ngoại quốc làm việc ở đó.
Năm 1960. Từ năm 1960 đến giữa 1964, Phạm Xuân Ẩn làm việc cho hãng thông tấn Reuters. Từ 65 đến 67, Ẩn là người Việt duy nhất và chính thức làm việc cho tuần báo Time. Ngoài ra, còn cộng tác với báo The Christian Science Monitor…
Từ 1960 đến 1975- Với cái vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, với các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và với cả CIA , Ẩn đã thu thập được nhiều tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và các cơ quan tình báo.
Những tin tức tình báo chiến lược của Ẩn đã được gởi ra Hà Nội thông qua Trung Ương Cục Miền Nam. Tài liệu sống động và tỷ mỉ khiến cho Võ Nguyên Giáp đã reo lên “Chúng ta đang ở trong Phòng Hành Quân của Hoa Kỳ”.
Tổng cộng, Ẩn đã gởi về Hà Nội 498 tài liệu được sao chụp từ tài liệu gốc.
Giai Đoạn 1973-1975- Hàng trăm bản văn quan trọng của Ẩn làm căn cứ để Hà Nội “Hạ Quyết Tâm Giải Phóng Miền Nam ” của đảng CSVN.
Phạm Xuân Ẩn là nhân vật được chèo kéo của nhiều cơ quan tình báo, kể cả CIA .
Ngày 30-4-1975, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nhà báo chứng kiến cảnh xe tăng của VC hút đỗ cổng Dinh Độc Lâp. Từ đó cho đến vài tháng sau, các phóng viên, đồng bào và cả chính quyền mới cũng chưa biết Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên Cộng sản. Được xem là một điệp viên hoàn hảo.
Vợ con của Phạm Xuân Ẩn đã di tản sang Hoa Kỳ. Ẩn cũng được lịnh của cấp trên sang HK để tiếp tục hoạt động tình báo, nhưng Ẩn xin ngưng công tác vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Do kế hoạch thay đổi, Ẩn không đi Mỹ, cho nên mãi đến một năm sau, vợ con của Ẩn mới quay về VN bằng đường vòng qua Paris, Moskva, Hà Nội, Saigon.
2. Bị thất sủng
Ngày 15-1-1976, trung tá “Trần Văn Trung”, tức Phạm Xuân Ẩn, được phong tặng “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang”.Tháng 8 năm 1978, Ẩn ra Hà Nội dự khóa học tập chính trị 10 tháng vì Ẩn “sống quá lâu trong lòng địch”.
Theo Larry Berman thì Ẩn bị nghi kỵ và bị quản chế tại gia. Cấm liên lạc với báo chí ngoại quốc và cấm xuất cảnh, do cách suy nghĩ của Ẩn quá “Mỹ” và do Ẩn đã giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến ra khỏi VN ngày 30-4-1975 .
Năm 1986. Trong 10 năm, luôn luôn có 1 công an canh gác trước nhà của Phạm Xuân Ẩn.
Năm 1990. Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng thiếu tướng.
Năm 1997. Chánh phủ VNCS từ chối không cho Ẩn đi Hoa Kỳ để dự hội nghị tại New York, mà Ẩn được mời với tư cách là khách mời đặc biệt.
Năm 2002- Phạm Xuân Ẩn về nghỉ hưu.
Con trai lớn của Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân, đã du học Mỹ, làm việc tại Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Con gái của Ẩn sống ở Hoa Kỳ.
3. Ăn năn đã muộn
Trong những năm cuối đời, Phạm Xuân Ẩn cảm thấy rất thất vọng vì dân chúng không được viết tự do. Ẩn trối trăn trước khi chết là, “đừng chôn ông gần những người Cộng Sản”.Nhận định về Phạm Xuân Ẩn.
Lê Duẩn đã biểu dương Phạm Xuân Ẩn, coi đó là một chiến công có tầm cỡ quốc tế.Frank Snepp, cựu chuyên viên CIA , tác giả cuốn sách Decent Interval (Khoảng cách thích đáng) nói:”Phạm Xuân Ẩn đã có được nguồn tin tình báo chiến lược, điều đó rõ ràng, nhưng chưa ai “Dẫn con mèo đi ngược” để thực hiện một cuộc xét nghiệm pháp y về các tác hại mà ông đã gây ra. Cơ quan CIA không có gan để làm việc đó.” Hết trích.
Murrray Gart, thông tín viên trưởng của báo Time nói “Thằng chó đẻ ấy, tôi muốn giết nó”.
Việt Cộng nằm vùng Phạm Ngọc Thảo
1. Thân thế
Phạm Ngọc Thảo
Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14-2-1922 tại Sàigon. Cha ông là Phạm Ngọc Thuần, một địa chủ lớn, có quốc tịch Pháp, người Công giáo. Thảo còn có tên là Albert Thảo hoặc 9 Thảo. Sau khi đậu tú tài, Thảo ra Hà Nội học và tốt nghiệp kỹ sư công chánh.
Thảo tuyên bố bỏ quốc tịch Pháp và tham gia kháng chiến.
2. Hoạt động VC
Sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Thảo về nhận nhiệm vụ giao liên ở Phú Yên. Một lần, Thảo đưa một cán bộ về Nam Bộ. Đó Là Lê Duẩn, người đã có ảnh hưởng lớn về hoạt động tình báo của Thảo sau nầy.Được Việt Cộng bổ làm Tiểu đoàn trưởng TĐ 410, quân khu 9. (Có tài liệu nói là TĐ 404 hoặc 307). Trong thời gian nầy, ở trong khu Việt Minh, Thảo hướng dẫn chiến tranh du kích cho Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim, những người sau nầy trở thành tướng lãnh của QLVNCH.
Vợ là Phạm Thị Nhậm, em ruột của giáo sư Phạm Thiều, nguyên đại sứ Việt Cộng tại Tiệp Khắc.
3. Lợi dụng Giám mục Ngô Đình Thục
Sau Hiệp Định Genève, Lê Duẩn chỉ thị cho Phạm Ngọc Thảo không được tập kết ra Bắc, phải ở lại nằm vùng.
Từ đó, Thảo dạy học ở một số tư thục Saigon.
Phạm Ngọc Thảo đã bị Đại tá Mai Hữu Xuân, Giám Đốc An Ninh Quân Đội, lùng bắt nhiều lần nhưng đều trốn thoát. Sau cùng, Thảo về Vĩnh Long làm nghề dạy học. Tỉnh nầy thuộc địa phận của Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục, vốn đã quen biết với gia đình Thảo từ trước. Ngô Đình Thục coi Phạm Ngọc Thảo như con nuôi, và bảo lãnh cho vào dạy học ở trường Nguyễn Trường Tộ.
Năm 1956. Phạm Ngọc Thảo được phép đưa vợ con về Sài Gòn và vào làm việc ở Ngân Hàng QG. Rồi được chuyển ngạch sang quân đội với cấp bậc Đại uý “Đồng Hóa”.
Năm 1956. Do sự giới thiệu của Huỳnh Văn Lang, Tổng Giám đốc Viện Hối Đoái, Bí thư Liên Kỳ Bộ của đảng Cần Lao, Phạm Ngọc Thảo được cử đi học khóa Nhân Vị ở Vĩnh Long. Và Thảo đã gia nhập đảng Cần Lao.
4. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Lặn sâu trèo cao
Hoạt động trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa:- Chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An Vĩnh Long.
- Tuyên Huấn đảng Cần Lao Nhân Vị.
Thảo biết cách khai thác nghề viết báo của mình vào Binh pháp Tôn Tử. Chỉ trong vòng một năm, Thảo đã viết 20 bài báo nói về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo. Những bài báo được giới quân sự chú ý và cả TT Diệm và Ngô Đình Nhu.
Năm 1957. Phạm Ngọc Thảo được chuyển về Phòng Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng thống, với cấp bậc thiếu tá. Sau đó, giữ chức Tỉnh Đoàn trưởng Bảo An Bình Dương.
Năm 1960. Phạm Ngọc Thảo tham dự khóa Chỉ Huy Tham Mưu ở Đà Lạt. Giữ chức vụ Thanh Tra Khu Trù Mật.
Năm 1961. Phạm Ngọc Thảo được thăng trung tá, giữ chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa để trắc nghiệm chương trình bình định. Thời gian nầy, Kiến Hòa (Bến Tre) trở nên ổn định không còn phục kích hay phá hoại nữa.
Tuy nhiên có nhiều tố cáo Thảo là Cộng Sản nằm vùng. Thảo bị ngưng chức tỉnh trưởng Kiến Hòa, và cho đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu ở Hoa Kỳ.( US Army Command and General Staff College) Fort Leavenworth thuộc tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ.
Lý do bị cách chức tỉnh trưởng là, Thảo đã thả hơn 2000 tù nhân đã bị giam giữ, và đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Định.
5. Phạm Ngọc Thảo tham gia các cuộc đảo chánh
1). Đảo chánh lần thứ nhất, 1963Tháng 9 năm 1963, bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị (Thực chất là trùm mật vụ) và Phạm Ngọc Thảo âm mưu một cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm.
Phạm Ngọc Thảo đã kêu gọi được một số đơn vị thuộc các quân đoàn như: Quân Đoàn 3, Quân Đoàn 4, Biệt Động Quân, Bảo An, sẵn sàng tham gia. Nhưng âm mưu bị nghi ngờ. Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm Tổng Lãnh Sự ở Ai Cập, nhưng đã xin tỵ nạn chính trị ở Hồng Kông.
Sau ngày đảo chánh 1-11-1963, Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đỗ. Phạm Ngọc Thảo thăng chức Đại tá làm Tuỳ Viên báo chí trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Một thời gian sau, được cử làm Tuỳ viên Văn hóa tại Tòa đại sứ VNCH ở Hoa Kỳ.
2). Đảo chánh lần thứ hai năm 1965
Đầu năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bị gọi về nước vì Nguyễn Khánh muốn bắt Thảo. Vì thế, khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, Thảo đào nhiệm, bỏ trốn và bí mật liên lạc với các lực lượng đối lập để tổ chức đảo chánh.
Đảo chánh với lý do rất quan trọng mà Thảo nắm được là Nguyễn Khánh và Hoa Kỳ thỏa thuận sẽ ném bom xuống miền Bắc vào ngày 20-2-1965 . Vì vậy phải đảo chánh lật Nguyễn Khánh vào ngày 19-2-1965.
Ngày 19-2-1965. Phạm Ngọc Thảo và Tướng Lâm Văn Phát đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và phi trường Tân Sơn Nhất. Tướng Nguyễn Khánh đào thoát bằng máy bay ra Vũng Tàu.
Ngày 20-2-1965. Hội Đồng các tướng lãnh họp tại Biên Hòa, các tướng cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống lại đảo chánh. Nguyễn Chánh Thi ra lịnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát và 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ.
Ngày 21-2-1965, các tướng tiếp tục họp tại Biên Hòa quyết định giải nhiệm Nguyễn Khánh và cử tướng Trần Văn Minh làm Tổng Tư Lệnh QLVNCH.
Ngày 22-2-1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký sắc lịnh bổ nhiệm tướng Nguyễn Khánh làm Đại sứ lưu động. (Một hình thức trục xuất ra khỏi nước).
Ngày 25-2-1965: Nguyễn Khánh rời Việt Nam. Phạm Ngọc Thảo bỏ trốn.
3). Bị bắt và qua đời
Ngày 11-6-1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát tuyên bố trả quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Quân đội.
Ngày 14-6-1965, Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia được thành lập do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch.
Phạm Ngọc Thảo phải rút vào hoạt động bí mật. Thảo cho xuất bản tờ báo Việt Tiến mỗi ngày phát hành 50,000 tờ, tuyên truyền tinh thần yêu nước chống Mỹ và Thiệu.
Phạm Ngọc Thảo có một hàng rào bảo vệ rộng lớn từ các Xứ Đạo Biên Hòa, Hố Nai, Thủ Đức, Saigon. Có nhiều linh mục giúp đở in ấn và phát hành. Chính quyền Thiệu-Kỳ kết án tử hình và treo giải thưởng 3 triệu đồng cho ai bắt được Phạm Ngọc Thảo.
Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) kể lại “Tôi thấy Thảo gặp khó khăn nên đi tìm anh để đưa về chiến khu, nhưng anh bảo vẫn còn khả năng đảo chánh để ngăn chận việc đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam”. (Võ Văn Kiệt)
Lâm Văn Phát ra trình diện và chỉ bị cách chức.
Phạm Ngọc Thảo phải trốn nhiều nơi, cuối cùng bị bắt tại Đan Viện Phước Lý, xã Vĩnh Thạnh, quận Nhơn Trạch, Biên Hòa.
Lúc 3 giờ sáng ngày 16-7-1965, Thảo vừa ra khỏi Đan Viện Phước Lý thì bị An ninh Quân Đội phục kích bắt và đưa về một con suối nhỏ gần Biên Hòa để thủ tiêu một cách bí mật, là đâm 19 lát dao. Thảo nằm bất tỉnh và sáng sớm hôm sau, người dân phát hiện và đưa tới Linh mục Cường, cha Tuyên Uý của Dòng Nữ Tu Đa Minh cứu chữa.
Sau đó Thảo bị phát giác, bị đưa về Cục An Ninh QĐ đường Nguyễn Bĩnh Khiêm. Thảo bị tra tấn cho đến chết vào đêm 17-7-1965. 43 tuổi.
Theo Larry Berman trong cuốn ”The Perfect Spy” thì Tổng thống Thiệu ra lịnh tra tấn và hành hạ Thảo cho thật đau đớn bằng cách dùng một cái thòng lọng bằng da, buộc quanh cổ và một cái khác thì siết mạnh nơi tinh hoàn. Cũng có tin nói rằng Đại uý Hùng Sùi bóp dái Thảo cho đến chết.
Phạm Ngọc Thảo có 7 con và vợ Thảo đi dạy học. Tất cả sinh sống ở Hoa Kỳ.
Phạm Ngọc Thảo là một điệp viên đơn tuyến. Không có thượng cấp và thuộc cấp. Không thu thập tin tức mà chỉ tác động vào chính quyền.
Nhà nước CSVN truy tặng Thảo danh hiệu Liệt sĩ và quân hàm Đại tá QĐNDVN.
Cũng có nguồn tin cho rằng Phạm Ngọc Thảo là một gián điệp nhị trùng, nghĩa là làm việc cho CIA nữa.
Diễn tiến hình thành cụm tình báo Việt Cộng A.22 trong Dinh Độc Lập.
Cụm tình báo A.22 trong Dinh Độc Lập gồm có: Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe, Nguyễn Xuân Đồng và những người liên hệ bên ngoài. Vũ Ngọc Nhạ là nhân vật then chốt trong cụm A.22.1. Vũ Ngọc Nhạ
1). Lý lịchVũ Ngọc Nhạ xuống tàu di cư. Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ
Tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh ngày 30-3-1928 tại tỉnh Thái Bình. Được kết nạp vào đảng CSVN năm 1947. Vũ Ngọc Nhạ còn nhiều cái tên khác nữa như Pierre Vũ Ngọc Nhạ (tên Thánh), Vũ Đình Long (Hai Long) bí danh Lê Quang Kép, Thầy Bốn, “Ông Cố Vấn”.
2). Hoạt động
Năm 1955. Xuống tàu di cư vào Nam.
Vũ Ngọc Nhạ cùng một số điệp viên khác trà trộn vào đoàn người di cư vào Nam. Nhạ cùng vợ và con gái xuống tàu Hải Quân Pháp cùng hàng triệu người Công giáo di cư vào Nam.
- Làm thư ký đánh máy ở Bộ Công Chánh. Chinh phục được cảm tình của Linh mục Hoàng Quỳnh và trở thành “Người giúp việc” của Giám mục Lê Hữu Từ.
Năm 1958. Tháng 12 năm 1958, Nhạ bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của Dương Văn Hiếu bắt giữ, và giam tại trại Tòa Khâm (Huế) để chờ điều tra xác minh. Linh mục Hoàng Quỳnh can thiệp cho nên Nhạ được thả ra.
3). Người Giúp Việc của Đức Cha Lê Hữu Từ
Một khuyết điểm lớn của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung là giam giữ những nghi can gián điệp chung với nhau tại trại Tòa Khâm. Chính ở đó, Vũ Ngọc Nhạ đã móc nối với các “cơ sở” (những cá nhân) tình báo khác, đặc biệt là trùm tình báo VC Mười Hương.
4). Tạo dựng niềm tin đối với Ngô Đình Cẩn.
Năm 1959, Vũ Ngọc Nhạ làm tờ trình “Bốn Nguy Cơ Đe Doạ Chế Độ” được sự chú ý của Ngô Đình Cẩn và sau đó, của ông Nhu, ông Diệm. Do sự dự đoán chính xác về cuộc đảo chánh 11-11-1960 của tướng Nguyễn Chánh Thi, anh em ông Diệm đã chú ý đến và tin dùng Vũ Ngọc Nhạ.
Nhờ danh nghĩa “Người Giúp Việc” của Đức Cha Lê Hữu Từ mà Nhạ được xử dụng như là Người Liên Lạc giữa anh em Họ Ngô và giới Công Giáo di cư. Nhờ đó, Nhạ thu thập được nhiều tin tức tình báo có giá trị. Từ đó, Nhạ có biệt danh là “Ông Cố Vấn”.
Xây dựng Cụm Tình Báo Chiến Lược A.22
Sau đảo chánh 1-11-1963, thế lực Công giáo phát triển mạnh dưới tay của Linh mục Hoàng Quỳnh.Cuối năm 1965, sự tranh giành quyền lực trong “nhóm tướng trẻ”, do sự giới thiệu của LM Hoàng Quỳnh, Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã xử dụng Vũ Ngọc Nhạ trong vai trò liên lạc giữa tướng Thiệu và Khối Công giáo. Nhạ đã khéo léo lợi dụng vai trò đó để tạo ảnh hưởng đến các chính trị gia dân sự và quân sự.
Năm 1967- Sau khi tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống, cấp trên nhận thấy cần thiết phải mở rộng mạng lưới tình báo, thành lập Cụm A.22. (A.22 là mật danh của Vũ Ngọc Nhạ)
Cụm do Nguyễn Văn Lê làm cụm trưởng, Nhạ làm Cụm Phó trực tiếp phụ trách mạng lưới. Toàn bộ Cụm A.22 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Trí, chỉ huy phó Tình Báo Quân Sự ở miền Nam.
Bắt đầu, Cụm A.22 “phát triển” thêm Nguyễn Xuân Hoè, Vũ Hữu Ruật đều là những điệp viên mà Nhạ đã bắt liên lạc trong khi bị giam chung tại Tòa Khâm. Sau đó, thu nhận thêm Nguyễn Xuân Đồng và quan trọng nhất là vào đầu năm 1967, bổ sung thêm Lê Hữu Thuý (hay Thắng) mật danh là A.25.
Nói thêm về Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung
1. Về tổ chức
Là cơ quan tình báo, phản gián của Ngô Đình Cẩn do Dương Văn Hiếu chỉ huy và Nguyễn Tư Thái làm phụ tá về hành chánh. Nguyễn Tư Thái có biệt hiệu là Thái Đen,Đoàn được thành lập năm 1957 với mục đích là “Cải tạo và xử dụng các cán bộ cựu kháng chiến”. Trụ sở đặt tại Trại Lê Văn Duyệt, gần Biệt Khu Thủ Đô.
Đoàn có 8 nhân viên, gồm có hai thư ký đánh máy, được coi như trực thuộc Ty Công An Thừa Thiên và thành phố Huế. Dương Văn Hiếu cho biết :
“Tôi làm việc gần với ông Nhu hơn. Khi có chuyện hệ trọng thì Tổng thống Diệm gọi tôi và Dinh. Tôi chỉ gởi bản sao một vài phúc trình cho ông Ngô Đình Cẩn mà thôi”.
2. Những gián điệp Việt Cộng gộc bị bắt.
Trần Quốc Hương
Đoàn công tác nầy có những thành công đặc biệt, đã từng bắt giữ những cán bộ tình báo gộc của Việt Cộng như: Mười Hương (tháng 6, 1958), Vũ Ngọc Nhạ (tháng 12, 1958), Lê Hữu Thúy (năm 1959), Nguyễn Văn Nghiệp (1960), đại tá Lê Câu (1961). Lê Câu là chỉ huy quân báo Việt Cộng ở miền Nam.
Sau vụ lật đổ tổng thống Diệm, đoàn công tác nầy bị giải tán, Dương Văn Hiếu bị điều tra và kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo.
3. Phương pháp thẩm vấn đặc biệt của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung
Dương Văn Hiếu, trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung (ĐCT/ĐB/MT) cho biết:“Trong các nhà tù không song sắt, công an, mật vụ ăn ở, học tập, chơi và sinh hoạt chung với những cán bộ Việt Cộng bị sa lưới. Các toán trưởng thu thập những lời khai của các cán bộ VC, nạp cho Ban Cải Tạo.
Khi phát hiện những VC nằm vùng chúng tôi không bắt công khai, mà tổ chức bắt bí mật. Giữ kín hoàn toàn các cá nhân đầu hàng hay hợp tác. Đoàn của tôi tạo nên một màng lưới phục kích, bao vây từ những đường dây giao liên và các cơ sở cũ.
Khi bị bắt về, thay vì hỏi cung thông thường, chúng tôi áp dụng biện pháp mạn đàm, trao đổi, tranh luận cởi mở với các đối tượng. Nếu cần, mua chuộc dụ dỗ chuyển hướng.
Đối với những cán bộ VC ngoan cố chúng tôi xử dụng tập thể cải tạo để khuyên nhũ, lôi cuốn hoặc tấn công tranh luận bằng xa luân chiến, tranh luận áp đảo đối với các thắc mắc và các phản ứng của những người bị bắt. Tuyệt đối không có tra khảo hay chửi bới…
Với phương pháp nầy Đoàn đã phá hai màng lưới tình báo chiến lược và quân báo VC từ Bến Hải đến Sài Gòn”.
Mười Hương đã được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng phóng thích vào tháng 5 năm 1964.
Thành công của Cụm Tình Báo A.22
Thành công của Cụm A.22 là cài được một điệp viên dưới quyền của Lê Hữu Thuý là Huỳnh Văn Trọng làm “Cố Vấn” cho tổng thống Thiệu.Chính Huỳnh Văn Trọng đã cầm đầu một phái đoàn VNCH sang HK, tiếp xúc, gặp gỡ hàng loạt các tổ chức, các cá nhân trong chính phủ và chính giới HK, để thăm dò thái độ của chính phủ Johnson đối với cuộc chiến ở VN. Huỳnh Văn Trọng thu thập được nhiều tin tức tình báo chiến lược.
Vụ án Huỳnh Văn Trọng và 42 điệp báo
1. CIA phát hiện cụm tình báo A-22 trong Dinh Độc Lập
CIA nhanh chóng phát hiện điều bất thường là sự tập hợp của các cá nhân là những bị can đã bị bắt giam ở Tòa Khâm.Giữa năm 1968. Hồ sơ các cựu tù nhân ở Tòa Khâm được mở lại. Do tính phức tạp trong ngành điệp báo, CIA phải mất một năm mới hoàn tất hồ sơ, và chuyển giao cho Tổng Nha Cảnh Sát QG VNCH.
Vào trung tuần tháng 7 năm 1969, một đơn vị đặc biệt có mật danh là S2/B được thành lập để tiến hành bắt giữ hầu hết những người của Cụm A.22.
Toàn bộ điệp A-22: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hoè, Nguyễn Xuân Đồng, Huỳnh Văn Trọng, và hầu hết những gián điệp khác, kể cả giao liên là bà Cả Nhiễm cũng bị bắt.
Riêng cụm trưởng Nguyễn Văn Lê kịp thời trốn thoát.
Cụm tình báo A.22 bị phá vở hoàn toàn.
Chính quyền Sài Gòn rung động vì 42 gián điệp từ cơ quan đầu nảo là Phủ tổng thống cho đến các cơ quan khác, nhất là một “Cố vấn” của tổng thống đã bị bắt.
2. Biến vụ án gián điệp thành vụ án chính trị
Bút tích của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết cho Vũ Ngọc Nhạ
(…Tôi nhờ anh chuyển lời cám ơn Cha và những người bạn Mỹ đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều…)
Đây là vụ án gián điệp lớn nhất lịch sử. Các bị can đều khai, nhất cử nhất động của họ đều là thi hành chỉ thị, là do sự uỷ thác, do lịnh của tổng thống, của các tổng trưởng, nghị sĩ, dân biểu và do cả CIA nữa.
Tòa án Quân Sự Mặt Trận Lưu Động Vùng 3 CT bối rối vì không có thể gởi trác đòi những nhân chứng như tổng thống ra hầu tòa để đối chất.
Do không có đủ yếu tố để buộc tội tử hình, cho nên tòa tuyên án:
- Chung thân khổ sai: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hoè.
- Án từ 5 năm đến 20 năm tù khổ sai cho những bị can còn lại.
Khi quân cảnh dẫn các tù nhân ra xe bít bùng, thì Vũ Ngọc Nhạ quay sang nhóm ký giả ngoại quốc và thân nhân, nói lớn “Tôi gởi lời thăm ông Thiệu”.
3. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng CIA dàn cảnh
Một bất ngờ của vụ án là TT Thiệu không tin đó là sự thật mà cho là CIA đã dàn cảnh. Do đó, thời gian Vũ Ngọc Nhạ bị đày ở Côn Đảo thì TT Thiệu đã triệu hồi viên tỉnh trưởng Côn Sơn về Sài Gòn và thay thế vào đó một người thân tín của mình để có điều kiện chăm sóc cho Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng như là những thượng khách. Vì thế, Vũ Ngọc Nhạ đã đánh giá: ”Đó là một cuộc dạo chơi trên Thiên Đàng”.4. Tiếp tục hoạt động
Đầu năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng được đưa về khám Chí Hòa, Sài Gòn. Trong thời gian ở Chí Hòa, nhờ sự giúp đỡ của LM Hoàng Quỳnh, Vũ Ngọc Nhạ móc nối, bắt bắt liên lạc với nhóm “Thành Phần Thứ 3″ của Dương Văn Minh.Ngày 23-7-1973. Chính quyền VNCH trao trả Vũ Ngọc Nhạ cho Mặt Trận DTGP/MNVN với danh xưng là “Linh mục Giải Phóng”.
Năm 1974, Vũ Ngọc Nhạ được CSBV phong Trung tá QĐNDVN. Tháng 4, 1974, Vũ Ngọc Nhạ trở về Củ Chi, hoạt động bí mật mục đích xây dựng lại Cụm Tình báo chiến lược, móc nối với Thành phần thứ 3 và khối Công giáo .
Ngày 30-4-1975- Vũ Ngọc Nhạ có mặt tại Dinh Độc Lập bên cạnh tướng Dương Văn Minh.
5. Vũ Ngọc Nhạ bị thất sủng
Ngày 30-4-1975 thân phận của Vũ Ngọc Nhạ vẫn chưa được xác nhận.Năm 1976. Vũ Ngọc Nhạ được điều về Cục 2 Bộ Quốc Phòng với quân hàm Thượng tá.
Năm 1981- Được thăng Đại tá nhưng vẫn còn ngồi chơi xơi nước. Hàng ngày đọc các tin tức báo chí, tổng hợp lại rồi trình lên thượng cấp, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh.
Năm 1987- Tác giả Hữu Mai xuất bản cuốn tiểu thuyết “Ông Cố Vấn, Hồ Sơ Một Điệp Viên” ca ngợi thành tích tình báo của Vũ Ngọc Nhạ. Công chúng đã biết đến và Nhạ được phong Thiếu Tướng.
Vũ Ngọc Nhạ mất ngày 7-8-2002 tại Sài Gòn, 75 tuổi. Phần mộ của Nhạ nằm chung với các phần mộ của các điệp viên khác như Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức và Phạm Ngọc Thảo.
Kết luận
Việt Cộng nằm vùng thì thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Bọn phản bội, ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản như cái đám dân biểu Đinh Văn Đệ, Nguyễn Văn Hàm, Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu…bà Ngô Bá Thành, Tôn Nữ Thị Ninh… Đa số ham danh, nhẹ dạ dễ bị lừa gạt, trót lên lưng cọp nên phải cởi cọp.Những người còn một chút xíu lương tri và liêm sỉ thì, trước khi chết, thốt lên vài tiếng ăn năn như Trương Như Tảng, bác sĩ Dương Huỳnh Hoa. Nguyễn Hộ, Lê Hiếu Đằng…và ngay cả thiếu tướng tình báo Việt Cộng Phạm Xuân Ẩn, trối trăn trước khi chết là “Đừng chôn tôi gần những người Cộng Sản.