Nam Phương Hoàng Hậu
Và Các Thứ Phi Của Cựu Hoàng Bảo Đại
Và Các Thứ Phi Của Cựu Hoàng Bảo Đại
Trúc Giang MN
Vua Bảo Đại
Nam Phương Hoàng Hậu trong triều phục, 1934.
Nam Phương Hoàng Hậu
Người thiếu nữ Gò Công sắc nước hương trời, đức hạnh vẹn toàn, được xem là "mẫu nghi thiên hạ", tưởng đâu cuộc đời hạnh phúc, nhưng số phận hẩm hiu, phải sống cô đơn sầu muộn và chấm dứt cuộc đời nơi đất khách quê người trong buồn thảm. Bà hoàng sầu muộn đó chính là Nam Phương Hoàng Hậu.
Bà là vợ của Hoàng Đế Bảo Đại, hoàng hậu duy nhất của nhà Nguyễn được phong chức hoàng hậu khi còn sống, và cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Xuất thân
Bà tên là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4-12-1914 tại Gò Công, xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất Nam Kỳ thời bấy giờ. Tên thánh là Marie Thérèse (Maria Têrêsa), quốc tịch Pháp tên Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan.
Con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, cháu ngoại ông Lê Phát Đạt (Huyện Sỹ), là một trong 4 người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20. Miền Nam có câu: "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định".
Nguyễn Hữu Hào có hai người con gái, Nguyễn Hữu Thị Lan và người chị là Agnès Nguyễn Hữu Hào, lấy chồng sớm là Bá tước Didelot, làm công chức cho Tây.
Qua những tấm hình đăng trên tờ Indochine, thì hai chị em đều cao lớn, hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam khác.
Năm 1926, 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan sang pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng tại Paris, do các nữ tu điều hành.
Tháng 9 năm 1932, sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên chiếc tàu d'Artagnan của hảng Messagerie Maritime. Bảo Đại cũng về nước trên chiếc tàu đó để lên ngôi vua, nhưng hai người không gặp nhau.
2. Cuộc tình với Vua Bảo Đại
Gần một năm sau, khi Hoàng Đế Bảo Đại lên nghỉ mát ở Đà Lạt, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace, do Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier và Thị trưởng Đà Lạt sắp đặt, Nguyễn Hữu Thị Lan và Hoàng Đế Bảo Đại gặp mặt nhau.Về cuộc tình duyên, trong cuốn Con Rồng An Nam, Bảo Đại viết như sau:
"Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi gặp mặt nhau trao đổi tâm tình, Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, nàng rất thích thể thao và âm nhạc.
Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam, pha một chút Tây phương, do vậy, tôi đã chọn hai chữ Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các tiên đế của tôi cũng hướng về phụ nữ miền Nam, đã có 7 phụ nữ miền Nam từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế.
Trước kia, đức Thế Tổ Cao Hoàng (Vua Gia Long) được dân miền Nam yểm trợ khôi phục giang sơn, do đó có sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều và người dân miền Nam".
Trong cuốn hồi ký, Nam Phương Hoàng Hậu cũng ghi lại:
"Hôm đó, ông Darle, thị trưởng Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phước An của tôi, và tôi đến dự tiệc tại Hotel Palace. Tôi không muốn đi, nhưng cậu An năn nỉ và hứa chỉ đến tham dự và vái chào nhà vua xong thì về, nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng. Chỉ trang điểm sơ sài và mặc chiếc áo bằng lụa đen mua từ bên Pháp.
Chúng tôi đến trễ. Bữa tiệc bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi bên ngoài, thì ông Darle trông thấy, chạy đến kéo chúng tôi vào trong nhà. Ông nói: "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được".
Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành giữa nhà. Ông Darle bước đến bên cạnh nhà vua, nghiêng mình cúi chào, và kính cẩn nói: "Votre Majesté, Monsieur Lê Phước An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse". (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phước An và cháu gái, cô Marie Thérèse).
Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux chỉ dạy, nên tôi biết phải làm thế nào để tỏ lòng tôn kính đối với một quân vương, vì thế tôi không ngần ngại đến trước mặt hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát sàn nhà, cho đến khi bàn tay của cậu tôi kéo dậy. Nhà vua gật đầu chào tôi, thì vừa đúng lúc, tiếng nhạc trổi lên theo nhịp Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy. Rồi chúng tôi bắt đầu trò chuyện.
Về sau, khi đã thành vợ chồng, Ngài cho biết là hôm đó, Ngài rất chú ý đến cách phục sức đơn giản của tôi. Tôi nghĩ rằng, nhà vua chú ý đến tôi, một phần là tôi là người VN duy nhất biết nói tiếng Pháp và hành lễ đúng cung cách lễ nghi đối với Ngài".
Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan, ông viết:
"Lan có vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê, sang trọng nhưng không kiêu, có nụ cười kín đáo và không e lệ".
3.Gặp trắc trở
Khi Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan ra điều kiện:
- Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong hoàng hậu chánh cung ngay trong ngày cưới.
- Được giữ nguyên đạo Công giáo. Các con sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo.
- Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo
- Phải được Toà thánh Vatican cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.
Nguyễn Hữu Thị Lan là người nổi tiếng xinh đẹp, đã từng 3 lần đoạt giải Hoa Hậu Đông Dương, nhưng bà mang quốc tịch Pháp và đạo Công giáo, vì thế cuộc hôn nhân gặp phải nhiều phản đối.
Thái Hậu Từ Cung, mẹ Bảo Đại, không bằng lòng. Các quan trong triều, vốn có ác cảm với người Pháp và Thiên Chúa giáo, vì đã có những vụ cấm đạo, giết giáo sĩ, giáo dân, hơn nữa, một số quan lại có con gái, muốn cho vào làm dâu nhà Nguyễn.
Vua Bảo Đại nói với thân mẫu, nếu không cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan, thì ông ở vậy, không lấy vợ.
Trước Hoàng tộc, nhà vua nói: "Trẩm cưới vợ cho Trẩm, đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình".
Tôn Thất Hân làm Viện trưởng Cơ Mật Viện và Thượng thư Bộ Hình.
4. Hôn lễ và đăng quang
Ngày 20-3-1934, hôn lễ được tổ chức tại Huế. Khi đó Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan 19. Bốn ngày sau, lễ Tấn Phong Hoàng Hậu rất trọng thể ở Điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Hoàng hậu, tước Nam Phương Hoàng Hậu.
Việc phong hoàng hậu là một biệt lệ, vì 12 đời vua trước, các bà vợ chỉ được phong Vương Phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng Hậu.
Bảo Đại giải thích hai chữ Nam Phương như sau: "Tôi đã chọn tên trị vì của hoàng hậu mới là Nam Phương, có nghĩa là "Hương thơm của miền Nam" (Parfume du Sud) và tôi đã ra một chỉ dụ, đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng, là màu dành riêng cho Hoàng đế". (Có câu "Lưu phương bách thế" là tiếng thơm lưu truyền muôn thuở.
Đêm 1-4-1936, người dân Huế nghe những tiếng súng đại bác báo tin mừng, Hoàng hậu hạ sinh, và tờ mờ sáng thì nghe 7 tiếng súng thần công nổ rền, báo tin mừng là một hoàng tử. (9 tiếng đại bác, là công chúa). Đó là Đông Cung Thái Tử Bảo Long.
Bảo Đại rất thương yêu vợ. Ông thường tự lái xe đưa Hoàng hậu thăm viếng những danh lam thắng cảnh của đất nước, có lần lái xe đến tận Nam Vang (Phnom Penh).
Nam Phương giúp nhà vua trong những buổi tiếp đón những phái đoàn ngoại giao, mà trước kia chưa có hoàng hậu nào tham dự, như việc tiếp Thống chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Norodom Sihanouk của Campuchia, và Quốc Vương Lào Soupha Vangvong.
Bà cũng đem lại hoà khí giữa những chức sắc đạo Thiên Chúa với Hoàng triều nhà Nguyễn.
5. Cuộc sống lưu vong
Bà Nam Phương và các con những ngày đầu sang Pháp
Năm 1945, Hoàng Đế thoái vị, làm một thường dân.Năm 1947, Hoàng hậu rời VN bắt đầu cuộc sống lưu vong. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại một làng cổ tên Chabrignac, tỉnh Corrèze, Pháp.
Khu trang trại có rừng bao quanh, toà nhà gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách. Cựu hoàng có đến thăm bà vài ba lần.
Dân làng Chabrignac kể rằng, Nam Phương giàu có nhưng thiếu hạnh phúc, buồn nản về tình cảm nên sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Những ngày vui ngắn ngủi trong mùa hè, khi các con về thăm rồi lại đi.
6. Trút hơi thở cuối cùng
Ngày 14-9-1963, khi từ quận Brive kế bên về nhà, bà kêu đau cổ họng. Hôm sau bác sĩ đến, cho là viêm cổ họng thông thường, kê toa mua thuốc rồi ra về. Bác sĩ không biết rằng bà có bịnh lao hạch trước kia. Vài giờ sau, bà kêu khó thở. Quản gia gọi điện thoại đến xã Jouillac kế bên, rồi gọi đến thị trấn Pompadour cách đó 10 cây số, khi bác sĩ đến thì đã quá trễ. Bà đã chết vì nghẹt thở ở tuổi 49. Ngoài người giúp việc và ông quản gia ra, không có ai khác cả. Các con đi làm hoặc đi học ở Paris.
Đám tang ảm đạm cũng như cuộc đời sầu muộn của bà. Được tổ chức sơ sài, lặng lẽ, không một lời ai điếu. Ngoài 2 hoàng tử và 3 công chúa đi bên cạnh quan tài, không có bà con nào cả. Về phía chính quyền, có hai thị trưởng Brive La Gaillarde và Chabrignac.
7. Ngôi mộ
Nơi an nghỉ của bà là khu mộ của gia đình Bá tước De La Besse, vì thế, hôm đưa tang, người chủ đất là bà Bá tước đến thăm. Bà Bá tước chính là công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi, mà dân Pháp gọi bà là công chúa An Nam (Princesse d'Annam), thuộc vai vế hàng cô (tante) của Bảo Đại.
Kể lại chuyện nầy, công chúa Như Lý nói: "Ở gần nhau suốt 5 năm mà không biết nhau, đến khi người cháu Nam Phương qua đời mới biết, thật là đáng tiếc."
"Đại Nam, Nam Phương Hoàng Hậu Chi Mộ".
Ngôi mộ của bà thấp lè tè, nằm khiêm nhường và kín đáo bên cạnh những ngôi mộ to lớn ở đó. Trên mộ bia, ghi rõ tên và phẩm tước bằng chữ Pháp: "Nơi đây, an nghỉ của Hoàng hậu nước An Nam, tên là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan".
(ICI, REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM, NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN)
Phía sau mộ có khắc dòng chữ Hán, đọc từ trên xuống "Đại Nam, Nam Phương Hoàng Hậu Chi Mộ".
Người ta đồn, thi hài được chôn theo nhiều nữ trang quý báu như kiềng cổ, một xuyến nạm ngọc lam…
Ngôi mộ bị đào 3 lần, hai lần có mục đích trộm cắp và một lần vì lý do chính trị. Đó là ngày kỷ niệm Pháp thất trận Điện Biên Phủ, cho nên người Pháp không ưa người Việt Nam và không phân biệt bất cứ người Việt nào.
Hiện nay, bia đã sứt cạnh, dáng vẻ điêu tàn, vì người giữ nghĩa trang ngày càng già yếu, không còn đi lại chăm sóc mồ mả ở đó chu đáo được nữa.
Hàng năm, vào dịp Thanh Minh, công chúa Phương Liên, con gái thứ hai, sống ở Bordeau, mang hoa tươi đến trồng trên mộ.
Theo dân làng Chabrignac, thì Bảo Đại chưa một lần nào đến viếng mộ cả, ngay trong ngày tang lễ cũng vắng bóng ông, đó là lý do khiến cho các con ngày càng xa lánh ông. Người bạc tình.
Thứ phi Mộng Điệp
Bà Bùi Mộng Điệp sinh năm 1924, người Bắc Ninh, xuất thân từ một gia đình bình thường, người cha làm việc trong ngành đường sắt.
Mộng Điệp có một sắc đẹp mà người ái mộ cho là "nghiêng nước nghiêng thành". Năm 17 tuổi đã lọt vào mắt xanh của một bác sĩ tiếng tăm ở Hà Nội, Phạm Văn Phán. Kết cuộc mối tình là một đứa con trai tên Jean. Hai người chia tay, vì bác sĩ Phán đã có vợ, và là người Công giáo, nên không thể có hai vợ.
Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền. Bảo Đại thoái vị.
Tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh mời Bảo Đại ra Hà Nội, làm "Cố Vấn Tối Cao cho Chính Phủ Lâm Thời VN". Trong thời gian ở Hà Nội, ông sống với Mộng Điệp "già nhân nghĩa, non vợ chồng"
Ngày 26-3-1946, cựu hoàng tham dự phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, sang Trùng Khánh viếng thăm nước Trung Hoa, ông không về nước mà đến Côn Minh, rồi sang Hồng Kông. Trong khi đó, ở VN, bà Mộng Điệp sinh đứa con gái.
Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội, chúng bắt Bùi Mộng Điệp vì nghi ngờ làm gián điệp cho Việt Minh, mục đích cầm chân Bảo Đại ở lại với VM, vì đã làm cố vấn tối cao. Từ Hồng Kông, Bảo Đại viết thơ phản đối, và Mộng Điệp được thả ra.
Năm 1949, Bảo Đại về nước làm Quốc Trưởng. Mộng Điệp được đón về và phong làm Thứ Phi.
Mộng Điệp theo đạo Phật, thông thạo nghi lễ, chăm lo thờ phượng tổ tiên, và rất khôn khéo, biết chiều chuộng Thái hậu Từ Cung (mẹ Bảo Đại) và các thành viên trong Hoàng tộc, nên được mọi người quý mến.
Nam Phương Hoàng Hậu là người Công giáo, tính tình thẳng thắng nên đôi khi xung đột với Thái Hậu.
Trong khi Nam Phương Hoàng Hậu ở Pháp, thì Thái hậu ban áo mảo, để bà thay Nam Phương trong việc tế lễ.
Sau năm 1949, Mộng Điệp luôn luôn bên cạnh Bảo Đại ở Đà Lạt rồi đến Ban Mê Thuột. Bà giúp cựu hoàng trông nom văn phòng Hoàng Triều Cương Thổ, tức là vùng Cao nguyên Trung Phần, mà Pháp trả lại cho Bảo Đại trực tiếp quản lý. Hoàng Triều Cương Thổ là một thể chế hành chánh đặc biệt thuộc về Hoàng gia.
Thứ phi Mộng Điệp biết lái xe hơi
Mộng Điệp đảm đang, tháo vát. Có lần Bảo Đại đi săn bị lạc trong rừng, bà cởi voi đi tìm. Bà nuôi một đàn voi 40 con để phục vụ cho việc đi săn của cựu hoàng. Bà cũng biết lái xe ôtô.
Mộng Điệp gọi một nhà thầu trong Hoàng tộc là Tôn Thất Hối, xây ngôi biệt điện cách Ban Mê Thuột 50 cây số, để cho Bảo Đại nghỉ ngơi và tiện việc đi săn.
Thừa lịnh Thái hậu, bà cho xây ngôi chùa Khải Đoan, là 2 chữ ghép từ Khải Định và Đoan Huy Thái Hậu Từ Cung. Bà cũng quản đốc việc xây phi trường Ban Mê Thuột (BMT) để tiện lợi cho việc di chuyển từ BMT đến Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Nha Trang và Sài Gòn.
- Cuộc sống lưu vong của Thứ Phi Mộng Điệp
Ở Paris, bà sống tự lập, mà không nhờ đến trợ cấp của chính phủ Pháp. Bà làm việc vất vả đủ nghề để nuôi con ăn học. Bà thành công trong nghề mua bán bất động sản và trở nên giàu có. Mua nhà cũ giá rẻ, thuê kiến trúc sư nổi tiếng như ông Lê Phổ, trang trí nội thất rồi bán lại cho người giàu. Chỉ sau vài năm bà trở nên giàu có thật sự, cho con ăn học thành tài.
Kể từ khi qua Pháp, cũng giống như Nam Phương Hoàng Hậu, bà Mộng Điệp không có liên lạc với cựu hoàng.
Bà có ba người con với Bảo Đại:
1. Hoàng nữ Nguyễn Phúc Phương Thảo, sinh 1946
2. Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (1954-1955)
3. Nguyễn Phúc Bảo Sơn (1957-1987)
Bảo Sơn học hành xuất sắc, đổ tiến sĩ ngành kỹ thuật chế tạo tại một trường kỹ thuật nổi tiếng của nước Pháp. Bà rất hảnh diện về người con nầy.
Năm 1987, Bảo Sơn lái máy bay đi tắm biển, bị sóng đánh, đập đầu vào đá, thiệt mạng ở tuổi 30. Bà rất đau buồn và lui vào cuộc sống ẩn dật ở số nhà 24 Đại lộ Rueilly, quận 12, Paris.
Học giả Trần Trọng Kim khen ngợi bà: "Bà Bùi Mộng Điệp là người biết đường khinh, trọng, biết lời phải chăng".
2. Bà Mộng Điệp qua đời
Ngày 26-6-2011, sau ca giải phẩu tim không thành công, bà Mộng Điệp qua đời tại bịnh viện Saint Antoine vào lúc 12 giờ trưa chủ nhật cùng ngày. Thọ 87 tuổi.
3.Hai báu vật của nhà Nguyễn
Chiếc ấn bằng vàng ròng, nặng 8.5 kí lô,
lưỡi kiếm bị rỉ sét.
Hai báu vật thiêng liêng, biểu tượng cho vương quyền nhà Nguyễn, đã qua một cuộc hành trình khá li kì. Đó là chiếc Quốc ấn (con dấu) bằng vàng và thanh Quốc kiếm có vỏ nạm ngọc.Ngày 30-8-1945, trong buổi lễ Thoái Vị tại Huế, Hoàng Đế Bảo Đại đã trao hai báu vật tượng trưng cho vương quyền nhà Nguyễn, cho trưởng phái đoàn của Chính Phủ Lâm Thời là Trần Huy Liệu, mang về Hà Nội để báo cáo cho chính phủ, và trình diện trước quốc dân trong ngày Tuyên bố Độc Lập tại Công trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Chiếc ấn bằng vàng ròng, nặng 8.5 kg, lưỡi kiếm bị rỉ sét.
Thế rồi, Pháp trở lại Hà Nội, chiến tranh nổ ra. Hai báu vật nầy tình cờ lọt vào tay người Pháp, khi nó được cất giấu trong một cái thùng dầu lửa bằng sắt tây. Đó là, năm 1951, trong khi đào móng để sửa chữa một ngôi nhà ở Hà Đông, lính Pháp tình cờ tìm thấy hai báu vật nầy.
Cựu hoàng Bảo Đại đang ở Pháp, yêu cầu trả lại hai báu vật đó cho người đại diện của ông là Thứ Phi Mộng Điệp với sự chứng kiến của Thái hậu Từ Cung.
Năm 1953, Mộng Điệp mang ấn, kiếm và 600 món báu vật qua Pháp, bà không trao cho Bảo Đại, mà giao cho Nam Phương Hoàng Hậu để Bảo Long cất giữ sau nầy. Nam Phương căn dặn Bảo Long: "Đừng bao giờ tách hai vật thiêng liêng nầy ra hai nơi".
Kiện ra toà
Thái tử Bảo Long giữ thanh kiếm
Khi Bảo Đại viết xong quyển Con Rồng An Nam, muốn mượn con dấu đóng lên đó làm tăng thêm giá trị của quyển sách, nhưng Bảo Long không cho, lấy lý do là làm theo lời căn dặn của mẫu hậu. Vì thế, có tranh chấp. Kiện ra toà. Toà xử Bảo Đại giữ chiếc ấn, Bảo Long có quyền giữ thanh kiếm. Tình cảm cha con sức mẻ. Đến nay, không biết hai báu vật nầy ở đâu.
Bà Monique Baudot
Bảo Đại và bà Monique Baudot
Ngoài hai người vợ được xem như chính thức là Nam Phương Hoàng Hậu và Thứ Phi Mộng Điệp, một người vợ chính thức của Bảo Đại khi ông 65 tuổi ở Pháp, là bà đầm Monique Baudot.
Tên đầy đủ là Monique Marie Eugene Baudot, sinh năm 1946, nhỏ hơn ông 33 tuổi.
Lễ thành hôn ngày 18-1-1983 tại quận 16, Paris. Trước kia, hồi năm 1969, bà Monique Baudot làm việc tại Phòng Báo chí của toà Đại sứ nước Zair tại Paris. Bà Monique như là một người bạn, mà những người không ưa bà gọi bà là thư ký riêng, một quản gia hay một người hầu phòng của cựu hoàng Bảo Đại.
Bà Monique kể lại: "Khi tôi đang làm Lãnh sự Danh Dự của nước Cộng Hoà Zair, Trung Phi, thì tôi nghe nói cựu hoàng An Nam đang sống độc thân trong cơn túng bấn, gần như bị bỏ rơi". Thế rồi bà đến với ông. Sau khi cưới, với tư cách là vợ chính thức của cựu hoàng, bà tự nhận là Quận chúa Monica và tự xưng, tước vị là Thái Phương Hoàng Hậu.
Có hôn thú nhưng không có con.
Những người tình của Bảo Đại
Phố Khâm Thiên. Lý Lệ Hà là ngôi sao trong làng vũ nữ Hà thành
Ở vào thời điểm 1936, 1938, khu phố Khâm Thiên Hà Nội có 6 vũ trường, và ở đường Bà Triệu có vũ trường Liszt nổi tiếng nhất, vì có một vũ nữ hoa khôi, với những điệu nhảy lả lơi, nóng bỏng. Đó là Lý Lệ Hà và cũng là người tình của Bảo Đại.
Vào năm 1930, cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Đông. Những cô gái tham dự không phân biệt tuổi tác, nhưng với điều kiện là phải mặc áo lụa Hà Đông.
Lý Lệ Hà là một cô gái nông thôn nghèo, ở Thái Bình đoạt giải hoa hậu. Từ đó, cô là người đẹp nổi tiếng được các công tử con nhà giàu ngưỡng mộ, nhưng không có ai vói tới cả, vì cô là người tình của Bảo Đại trong thời gian ông sống ở Hà Nội, làm Cố Vấn Tối Cao của Chính Phủ Lâm Thời VN, cũng là thời kỳ ông sống với Mộng Điệp còn bà Nam Phương đang ở Huế.
Hoa hậu Lý Lệ Hà có hàm răng rất đẹp, như những hạt ngọc. Người đẹp mặc áo lụa Hà Đông là nguồn cảm hứng để nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ và được người nhạc sĩ trẻ tài hoa Ngô Thuỵ Miên phổ thơ thành nhạc, Áo Lụa Hà Đông.
Bà Lý Lệ Hà sang Pháp, sống tại một làng ngoại thành Paris trong một khu quân nhân. Ở tuổi 81, bà vẫn còn đam mê chuyện tranh cử. Chồng người Pháp làm chính trị, đang nhắm vào một trong những chiếc ghế lãnh đạo thành phố. Bà chưa gặp lại cựu hoàng kể từ khi đến Pháp 30 năm về trước.
2). Lê Thị Phi Ánh
Bà Lê Thị Phi Ánh
Bà Phi Ánh con nhà lành, giàu có, thuộc dòng họ danh giá, bà là em vợ của Phan Văn Giáo sau làm Thủ hiến Trung Phần. Cũng là một tuyệt sắc giai nhân nên được Bảo Đại yêu thương, tặng một biệt thự sang trọng. Bà có 2 con với Bảo Đại, một gái, một trai.
Sau khi chiến tranh VN kết thúc, bà Phi Ánh ở lại VN và chết trong cô đơn tại Sài Gòn. Con gái là Phương Minh, lấy chồng Pháp và sang lập nghiệp ở Hoa Kỳ.
3).Cô gái Trung Hoa Hoàng Tiểu Lan
Năm 1946, khi sống ở Trung Hoa, Bảo Đại thương yêu một cô gái Tàu lai Tây, tên Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong) và đã có với cô một đứa con gái.
4). Bà đầm Vicky
Ở Pháp, thời kỳ tinh thần cựu hoàng suy sụp nhất là phải rời khỏi vùng Alsace, bỏ lại tài sản, nhà cửa cho người vợ hờ người Pháp tên Vicky, sau mấy năm chung sống, và có một đứa con gái tên Nguyễn Phúc Phương Từ.
Tang lễ cựu hoàng Bảo Đại
Cựu hoàng Bảo Đại là vị vua sống lâu nhất nhà Nguyễn. Ông qua đời vào lúc 5 giờ sáng ngày 31-7-1997 tại quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Chết vì bị ứ nước trong màng phổi, xuất huyết thận và ung thư tụy tạng.
Tang lễ được tổ chức lặng lẽ hồi 11 giờ ngày 6-8-1997 tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot, quận 16, Paris. Ông đã rửa tội, theo đạo Thiên Chúa.
Chính phủ Pháp cử một sĩ quan mang quốc kỳ Pháp và một tiểu đội binh sĩ quân phục trắng, ngù đỏ trên hai vai, ngực đeo huy chương, bồng súng đi hai bên linh cửu. Cựu hoàng được an táng tại nghĩa trang Passy trên đồi Trocadero.
Vua Bảo Đại có gồm cả vợ và tình nhân là 8 người với 13 người con.
Vợ và tình nhân
1. Nam Phương Hoàng Hậu. Có hôn thú, 5 con.
2. Bùi Mộng Điệp. Không hôn thú, 3 con.
3. Lý Lệ Hà. Vũ nữ, không hôn thú, không con
4. Hoàng Tiểu Lan. Vũ nữ, không hôn thú, 1 con gái.
5. Lê Thị Phi Ánh. Không hôn thú, 2 con
6. Vicky (Pháp) Không hôn thú, 1 con gái
7. Clément. Vũ nữ. Không hôn thú
8. Monique Marie Eugene Baudot. Có hôn thú, không con.
Những người con của Bảo Đại
I. Với Nam Phương Hoàng Hậu
1). Thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long (4-1-1936 - 28-7-2007)
2). Công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai (1-8-1937)
3). Công chúa Nguyễn Phúc Phương Liên (3-11-1938)
4). Công chúa Nguyễn Phúc Phương Dung (5-2-1942)
5). Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Thắng (9-12-1943)
II. Với Thứ Phi Mộng Điệp
1). Nguyễn Phúc Phương Thảo (1946)
2). Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (1954 - 1955)
3). Nguyễn Phúc Bảo Sơn ( 1957 - 1987)
III. Với Hoàng Tiểu Lan
Nguyễn Phúc Phương Ân
IV. Với Lê Thị Phi Ánh
1). Nguyễn Phúc Phương Minh
2). Nguyễn Phúc Bảo Ân
V. Với bà Vicky
Nguyễn Phúc Phương Từ.
Bảo Đại hận Hồ Chí Minh đã cho báo chí chiến khu kết án ông là phản quốc. Toà án quân sự Liên Khu 3 đã lên án tử hình vắng mặt năm 1949. Rồi chính quyền Ngô Đình Diệm đã truất phế ông, tịch thu tài sản và nhục mạ ông.
Tài sản khổng lồ, địa vị, danh dự bị mất tất cả. Những năm cuối đời, sống nhờ trợ cấp xã hội của chính phủ Pháp. Đau khổ nhất là vợ con đều xa lánh.
Kết luận
Nam Phương Hoàng Hậu có 12 năm sống tràn đầy hạnh phúc, 16 năm sống cô đơn trong cuộc đời lưu vong nơi đất Pháp. Buồn nhiều hơn vui.
Hoàng hậu tan nát cõi lòng với mặc cảm bị bỉ rơi, tủi phận, đau đớn xót xa.
Bà cũng nặng lòng với dân tộc. Khi Pháp trở lại tái chiếm thuộc địa VN, Bảo Đại đã thoái vị, mặc dù mang quốc tịch Pháp, nhưng bà Nam Phương đã gởi một thông điệp cho các bạn bè châu Á, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp. Bà viết: "Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ VN, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi, của VN hãy binh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do can thiệp, để kiến tạo một nền hoà bình chân chính cho VN. Xin quý vị nhận tấm lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào Việt Nam chúng tôi".
Bà Nam Phương xứng đáng được gọi là viên kim cương cuối cùng của nhà Nguyễn.
Trúc Giang