Trúc Giang MN
Con ma nhà họ Hứa và
sự nghiệp kinh doanh của chú Hỏa
Vào những đêm mưa gió sụt sùi hay trời đất âm u, mà ông bà ta ngày xưa gọi là “Trời hư quỷ lộng, đất động chó tru”, thì phía trên lầu tòa nhà hoang vắng vang lên những tiếng rên rỉ đau thương, đồng thời thấp thoáng một bóng người toàn trắng, tóc tai bù xù, lơ lửng trên hành lang. Người ta chuyền miệng nhau, đó là con ma nhà họ Hứa.
Có rất nhiều giai thoại về cái oan hồn nầy.
Giai thoại là những câu chuyện mà người ta thường nhắc tới, có liên quan đến một nhân vật có thật. Vì chuyền miệng nên khó kiểm chứng thật hư ra sao
I. Những giai thoại về con ma nhà họ Hứa
1. Giai thoại một
Đêm đó, vào ca trực của mình, tôi phát hiện căn phòng của lầu hai, cửa sổ chưa đóng, đèn còn mở. Lập tức, tôi lên cầu thang để đóng cửa và tắt đèn. Vừa bước chân lên vài bậc, thoảng một luồng gió lạnh khiến tôi rùng mình, vì thấy một bóng người toàn trắng đứng trên lầu nhìn xuống. Tôi rọi đèn pin lên, thì không thấy gì. Một cảm giác ớn lạnh chạy suốt xương sống, khiến tôi nổi da gà, vì hôm đó trời âm u, bên ngoài đèn đường vàng vọt, khu phố vắng tanh. Chỉ nghe tiếng vổ cánh của vài con chim bay ra khỏi ngọn cây cao.
Tôi định thần, lấy lại bình tĩnh, bấm chặt 5 đầu ngón tay, thu hết can đảm, bước lên từng bậc thang.
Khi đến phòng, mắt nhìn quanh, nhẹ đưa tay ra khép cửa, thì bất ngờ, một tiếng động lớn, tôi giật mình hoảng hốt, vì một con mèo đen từ đâu phóng ào qua cửa sổ, và đứng nhìn tôi chằm chằm. Tim đập thình thịt, tôi cắm đầu chạy một mạch xuống đất.
Sau đó, nghe nói là căn phòng nầy trước kia lâu lắm, là nơi đứa con gái út của chú Hoả chết ở đó vì bịnh phong cùi.
Từ đó, không ai có can đảm lên lầu vào buổi tối cả.
2. Câu chuyện về người con gái út của chú Hoả
Tiểu thư Hứa Tiểu Lan xinh đẹp nhưng vắn số
Chú Hỏa tên là Hứa Bổn Hoà, một người Hoa, đại phú hào ở Sài Gòn năm xưa, có nhiều con trai nhưng chỉ có một con gái út, nên cưng chìu hết mực. Cô tiểu thơ tên Hứa Tiểu Lan xinh đẹp nhưng bất hạnh, mắc phải chứng bịnh phong cùi, mà thời đó, vô phương cứu chữa.
Khi phát hiện chứng bịnh nan y nầy, cô gái đâm ra hoảng loạn. Vốn dĩ được cưng chìu từ thuở bé lại có nhiều kẻ hầu người hạ, nên cô trúc hết những nổi u uất trong lòng lên đầu đám tôi tớ.
Khi bịnh trở nặng, thân thể lở loét trở nên dị dạng, tay chân co quắp. Chú Hoả cho người dùng những tấm ván che kín căn phòng, chỉ chừa một khe hở để người hầu đưa cơm nước, phục vụ mỗi ngày.
Bị nhốt, bị cơn bịnh hành hạ, thân thể nhức nhối, nên tâm trí trở nên điên loạn bất thường, khi khóc lóc, khi chửi bới, lúc cười the thé bất kể ngày đêm. Tất cả nhưng phương thuốc đông, tây cũng bó tay trước căn bịnh quái ác nầy. Hàng chục “đội quân” xuống tận rừng U Minh, Cà Mau để tìm “ngọc ong”, một loại linh dược của trời đất, hy vọng thần dược nầy hoà cùng kim loại vàng sẽ làm chậm mức phát bịnh, nhưng tất cả đều vô vọng.
Việc con gái la hét, chửi rủa làm náo động khiến cho chú Hỏa lo ngại bị phát giác và buộc phải sống cách ly với gia đình, vào những trại dành cho người bịnh phong cùi.
3. Tổ chức đám ma giả
Mục đích để cho bà con, bạn bè tin rằng đứa con gái út không còn ở trên đời nầy nữa, nên chú Hỏa tổ chức một đám ma giả, khai tử đứa con đang còn sống.Đám ma được tổ chức to lớn nhất Sài Gòn Gia Định, nhưng không có việc thăm viếng quan tài vì lý do chết vào giờ trùng nên phải chôn gấp. Hầu như mọi người đều thương tiếc số phận không may của cô tiểu thơ nầy.
Chỉ có một số ít người Tàu giúp việc trong nhà, biết được cô gái đã chết một thời gian sau đám ma.
4. Không chôn xác chết
Vì quá thương con, muốn tạo cảm giác như đứa con gái yêu thương vẫn còn sống bên mình, chú Hỏa không khâm liệm, mà đặt trong một quan tài bằng đá, nấp đậy là một tấm kiếng dày 5 phân (5cm). Bà vú người Tàu vẫn ngày ngày mang thức ăn đến như khi còn sống. Công việc đều đặn suốt cả năm.Hôm ấy, đúng ngày giáp năm, chú Hoả tổ chức một đám giỗ, mời bà con bạn bè đến dự. Chú đặt may một bộ áo đầm trắng, mua con búp bê biết nháy mắt, nằm xuống thì nhắm mắt, đứng dậy, mở mắt và mua một dĩa cơm gà để cúng.
Sau khi khách ra về, bà vú lên phòng dọn dẹp như thường lệ, thì chợt một việc hết sức bất ngờ và kỳ lạ xảy ra:
Dĩa cơm ai ăn hết phân nửa, trong khi các cửa phòng vẫn khoá chặt từ lâu. Trong căn phòng lờ mờ, ánh sáng èo uột, nấp hòm bằng kiếng đã mở ra phân nửa, con búp bê đứng hẳn trên lồng kiếng, đôi mắt nháy lia lịa.
Xa hơn nữa, lơ lửng một bóng người con gái mặc áo đầm trắng, tóc tai rối bù bao phủ cả khuôn mặt. Bà Xẩm kinh hoàng, bật tung dậy, cắm đầu chạy xuống lầu, té trẹo giò, mặt xanh như tàu lá, đớ lưỡi, không nói được nửa lời, ú ớ chỉ tay về phía lầu.
5. Kinh hoàng xảy ra
Sau khi hoàn hồn, bà nói: “Cô chủ về! Cô chủ về!”Nghe mọi chuyện, biết có điều không tốt xảy ra, nên một hành động bí mật được thực hiện. Đó là tấm nấp quan tài bằng kiếng được tháo ra, cái xác chết quấn vải trắng trong quan tài bằng đá được đưa sang cái hòm bằng gỗ rồi bí mật đem đi chôn.
II. Chuyện phim “Con ma nhà họ Hứa”
Phim thuộc loại kinh dị, do hảng phim Dạ Lý Hương sản xuất. Các diễn viên là: Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, hề Tư Rọm, bà năm Sa Đéc, Ba Vân, Năm Châu, Tâm Phan, Khả Năng, Minh Ngọc, Thanh Việt, Tùng Lâm và bé Thy Mai. Do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện.
Chính chuyện phim “Con ma nhà họ Hứa” nầy đã làm cho người ta tin tưởng hồn ma của con gái chú Hỏa là chuyện thật, nên được lan truyền suốt hơn 50 năm qua.
Cho đến nay, câu chuyện vẫn còn là một nghi vấn, vì không có chứng cớ nào chính thức và đáng tin cậy cả. Chuyện ma hiện hình đương nhiên là không có thể chứng minh được.
III. Nói về bịnh phong cùi
Bịnh phong (phung) còn gọi là bịnh hủi hay cùi, là một bịnh rất hay lây nhưng không di truyền, nghĩa là cha mẹ bị bịnh thì có thể sanh con không bị bịnh. Bịnh do trực trùng Hansen gây ra. Hansen là tên của bác sĩ đã tìm ra trực trùng bịnh hủi vào năm 1873 thông qua kính hiển vi. Tên đầy đủ của bác sĩ người Na Uy là Gerhart Henrick Armauer Hansen (1841-1912)
Người bịnh chảy nhiều nước mũi, trong đó có nhiều vi trùng, lây lan qua vết cắt khi tiếp xúc, và qua đường hô hấp. Thời gian nung bịnh từ 15 đến 20 năm. Người bịnh mất cảm giác, kim chích không đau, lửa đốt không nóng. Trên mặt hiện ra những cục sần sùi, thân thể lở loét, tay chân co rúc rồi rụng dần.
Ngày nay, nhiều thứ thuốc chữa bịnh phong cùi rất hiệu nghiệm, nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Từ năm 1995, tổ chức Y tế thế giới đã đề nghị dùng 3 loại thuốc phối hợp với nhau là Dapsone, Rifampin và Clofazimine để điều trị bệnh phong. Kết quả là sau 12 tháng là bệnh nhân có thể được lành bệnh.
Do lây lan và truyền nhiễm nên người bịnh phải cách ly để sống trong những trại phong cùi. Trại cùi Bến Sắn, Bình Dương, có 39 gia đình với 664 bịnh nhân.
Hiện nay, VN có khoảng từ 120,000 đến 150,000 người bịnh. Đã chữa lành 23,371 người. Tỷ lệ mắc bịnh là 1/100,000.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng bị phong cùi và chết trẻ. Con chú Hỏa cũng chết trẻ, nhưng khoa học xác nhận thời gian phát bịnh rất dài, từ 15 đến 20 năm, cho nên có giả thuyết cho rằng Hàn Mặc Tử, tuy bị phong cùi, nhưng chưa chắc đã chết vì bịnh nầy. Bịnh cùi gây tác hại cho nhiều cơ quan trong cơ thể con người. Vì thế, bộ phận nào yếu thì bị tác hại gây chết người.
IV. Vài nét về chú Hoả
1. Tiểu sử
Chú Hỏa (1845-1901), hưởng thọ 56 tuổi. Còn có tên là Hứa Bổn Hòa, Hui Bon Hoa hoặc Jean Baptiste Hui Bon Hoa, nổi tiếng là một trong “Tứ Đại Phú Hào Sài Gòn” vào nửa đầu thế kỷ 20. Dân gian xếp hạng là “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa”.
* Nhất Sỹ
Tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900) được phong làm huyện hàm, nên gọi là Huyện Sỹ, người làng Bình Lập, Tân An. Học trường Dòng. Hoạt động phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo Thiên Chúa. Ông bỏ tiền ra xây cất trên đất của mình 2 nhà thờ, nhà thờ Huyện Sỹ, quận 1 Sài Gòn và nhà thờ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Cháu ngoại của ông là Nguyễn Hữu Thị Lan, gả cho vua Bảo Đại, tức là Nam Phương Hoàng Hậu.
* Nhì Phương
Đỗ Hữu Phương (1844-1914) được phong làm Tổng đốc hàm, nên gọi là Tổng đốc Phương, sinh tại Sài Gòn, người gốc Hoa, biết chữ Hán, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Việt.
Ông là một trong những người chủ xuớng và bỏ tiền ra xây trường nữ trung học Collège de Jeunes filles Indigènes vào năm 1915, tức là trường Áo Tím, trường Gia Long sau này.
* Tam Xường
Tên thật là Lý Tường Quan, người gốc Hoa, giỏi tiếng Pháp, thông thuộc tiếng Quảng Đông và tiếng Việt. Là một nhà kinh doanh lương thực, cung cấp độc quyền thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.
* Tứ Hỏa
Là Hui Bon Hoa, thường gọi là chú Hỏa.
Cũng có người xếp theo thứ tự khác, là: Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”, nhà văn Sơn Nam và học giả Vương Hồng Sển cũng ghi như vậy.
- Tứ Định
Chú Hỏa có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng bộ mặt Sài Gòn năm xưa. Nhà biên khảo Vương Hồng Sển nêu nhận xét: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, chú Hỏa còn giúp ích rất nhiều trong việc mở mang kinh tế miền Nam”.
2. Những giai thoại về thời hàn vi của chú Hỏa
Chú Hỏa khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, với cái gánh ve chai trên vai, đi mua ve chai và phế liệu, đã tạo dựng một cơ nghiệp khổng lồ một cách lẫy lừng, khiến cho người đời nhắc nhở tới luôn.Rất nhiều giai thoại về cái giàu của chú Hoả.
Có người cho biết, trong một lần thu mua phế liệu, chú Hỏa nhặt được một túi vàng nằm trong chiếc ghế nệm cũ. Cũng có tin nói rằng, chú mua được một bức tượng đồng bên trong đầy vàng, rồi… nào là nhờ biết đọc chữ Hán, nên mua trúng đổ cỗ từ thời nhà Minh, nhà Thanh và cả nhà Hán nữa.
Tất cả những giai thoại trên không đứng vững.
3. Trúng thầu 20 ngàn máy truyền tin phế thải
Trong một cuộc đấu giá, viên trung sĩ người Pháp cho biết, muốn thanh lý 20 ngàn máy truyền tin cũ, thì các ông chủ thầu thu mua phế liệu phì cười bỏ qua, vì thời đó, máy truyền tin cũ không có một giá trị nào đối với việc tái sản xuất cả. Riêng chú Hỏa thì rất thích thú, bởi vì chú đã thành công trong việc phân kim lấy vàng từ một máy truyền tin loại đó.Vận dụng tất cả những mối quan hệ, mượn tiền, vay vốn, cầm cố tài sản để kiếm cho đủ số tiền mua trọn bộ 20 ngàn cái máy truyền tin phế thải.
Sau khi phân kim, chú Hỏa thu được một số lượng vàng khá lớn. Chú Hỏa đã từng mở tiệm cầm đồ, làm việc với vàng bạc, nên có kinh nghiệm trong việc giám định, thử vàng và phân kim để lọc vàng.
4. Vua nhà đất
Khi có vàng, chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, bất động sản. Nhờ có óc kinh doanh, đặc biệt là có tầm nhìn xa cả trăm năm, mà bây giờ, người ta gọi đó là “đón đầu quy hạch”Thời đó, khu chợ Bến Thành bây giờ, chỉ là một vũng lầy với con kinh 20. Bắt được tin tức người Pháp có kế hoạch lấp vũng lầy và lấp con kinh để xây một cái chợ mới, nằm sát ngôi chợ mà ngày nay gọi là Chợ Cũ.
Chú Hỏa bèn tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất vừa mới lấp. Người ta cho đó là một vụ giao dịch rất táo bạo, vì thời đó, không có kiểu giao dịch bất động sản nào theo kiểu “Đón đầu quy hoạch” như ngày nay cả.
Ở cái thời mà người ta còn dùng bạc cắc, đất trống Sài Gòn, Gia Định giá rẻ như bèo.
Sau khi khu chợ mới xây xong, ngày nay là Chợ Bến Thành, và sau đó, trong tay chú Hỏa có 20,000 căn nhà phố cho mướn.
Những toà nhà nguy nga tráng lệ được chú Hỏa xây cất theo lối kiến trúc châu Âu, mà ngày nay cũng chưa lỗi thời, đó là khách sạn Majestic, nhà ở của chú Hỏa bây giờ là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Chú Hỏa đã hiến đất để xây nhà bảo sanh Từ Dũ, bịnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, và chùa Kỳ Viên.
Khách sạn Majestic Chùa Kỳ Viên
5. Giai thoại về ngôi nhà 99 cửa của chú Hoả
Tòa nhà tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính ngày nay, thuộc quận 1, Sài Gòn. Trải qua gần 100 năm mà vẫn sừng sững với dáng dấp cổ kính, tĩnh lặng, âm u, càng làm cho những giai thoại về chú Hỏa trở nên huyền hoặc.Dù ngày nay là Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố Sai Gòn, nhưng ngôi nhà vẫn chứa nhiều bí ẩn, gợi tò mò, bởi vì nó gắn liền với những huyền thoại về một đại phú gia gốc Trung Hoa, nổi tiếng lừng lẫy của thời 100 năm về trước. Ngôi nhà hoàn thành năm 1920, cũng còn được gọi là nhà 99 cửa.
Ngôi nhà có 99 cửa
Ngôi nhà kiến trúc rất đẹp, hoà hợp giữa hai trường phái xây dựng Âu-Á. Tường nhà đúc kiên cố, dày từ 40 cm đến 60cm. Có giai thoại về tòa nhà ba gian hình vòng cung, với 100 cửa lớn nhỏ, cửa sổ. Có tin rằng, khi duyệt sơ đồ kiến trúc, viên toàn quyền người Pháp bắt buộc phải bỏ bớt một cửa, và không cho mở cửa cổng chính vì cổng nầy lớn hơn cổng của Dinh Toàn quyền, như dinh Độc Lập có 2 cổng phụ ở hai bên cổng chính vậy.
Sau tháng 4 năm 1975, Việt Cộng chiếm nhà và đến năm 1987 thì dùng làm nhà Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố Sài Gòn.
Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc nhà Bảo tàng cho biết:
“Hồi tháng 7 năm 2006, những người họ hàng của ông Hứa Bổn Hòa đang sống nhiều nơi trên thế giới như Hồng Kông, Hoa Kỳ, Đài Loan, Singapore đã về VN thăm viếng, cho nên sự thật phơi bày. Người cháu nội ông Hòa, 91 tuổi cho xem danh mục gia phả dòng họ Hứa, sự thật, ông Hứa Bổn Hoà có 3 người con trai và không có người con gái nào cả.
Sự thật về cách làm giàu của chú Hỏa
Việc ông Hoà làm giàu, thì người cháu nội cho biết: “Gia đình không giàu có từ nghề ve chai, cũng không phải nhặt được vàng hay kho báu, mà bắt đầu từ tiệm cầm đồ. Toà nhà nầy trước kia đã từng là cửa hàng cầm đồ đầu tiên ở Sài Gòn. Công việc làm ăn phát đạt, dần dần trở nên giàu có, rồi mở rộng ra trong nghề mua bán bất động sản, xây dựng những công trình lớn”.Bà Cao nói tiếp: “Chúng tôi cố gắng liên lạc với các thành viên trong gia đình họ Hứa để được cung cấp những bản thiết kế, hồ sơ hoàn công, cũng như tìm hiểu thêm về thông tin của dòng họ, hình ảnh gia đình, để qua đó có thể giúp cho khách tham quan nhà Bảo tàng hiểu rõ hơn về sự tích toà nhà và về các giai thoại có liên quan đến ông Hứa”.
Bảo tàng Mỹ thuật nầy lớn nhất VN, có 20,000 tác phẩm nghệ thuật và mỹ nghệ dân gian, qua các thời kỳ lịch sử. Mỗi năm thu hút hơn 200,000 lượt khách “tham quan”, đa số là người ngoại quốc.
Đi tìm mộ của chú Hoả
Khi còn sống, đã có không ít những giai thoại ly kỳ về bản thân, gia đình, nhà cửa, khi mất, chú Hỏa gây tò mò về bí ẩn kế tiếp là nơi chôn cất của ông.
“Vào tháng 7 năm 2006, vài người trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp trở về, mục đích thăm lại cảnh trí cũ, mồ mả cha ông, và tìm hiểu lịch sử gia đình. Họ ngụ tại khách sạn Majestic, là toà nhà do chú Hỏa xây vào năm 1925. Một người trong gia đình tên là Eddie Hui Bon Hoa cho biết, tháng 4 năm 1975, Eddie theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ. “Những người nầy đều thuộc đời cháu của chú Hỏa, do sống ở nước ngoài khá lâu nên ký ức về gia đình trước đây không có nhiều”, bà giám đốc nhà Bảo tàng Mỹ thuật cho biết như thế.
Bí ẩn bao trùm về ngôi mộ của chú Hỏa
Nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ, khi mất, chú Hỏa được an táng tại khu vực gần núi Châu Thới, Biên Hòa. Chú Hỏa xem phong thủy rất kỹ, nên chọn khu vực nầy, vì nơi đó có long mạch hiếm thấy, rất thích hợp cho chỗ an nghĩ, đồng thời, con cháu đời sau nhờ đó mà làm ăn phát đạt.Nơi đây có 2 ngọn núi thấp Bửu Long và Long Ân, là nơi rồng ngủ. Quan sát từ trên cao, thì thấy Bửu Long cổ tự kết hợp với những gò đống lồi lõm uốn quanh của địa thế, tạo thành hình một con rồng khổng lồ nằm vắt ngang qua lưu vực sông Phước Long, xã Tân Thành.
Núi Long Ân là đầu rồng, chuỗi gò đống nói trên là mình rồng uốn khúc, và núi Châu Thới phía nam là đuôi rồng vểnh lên cao.
Đi tìm mộ chú Hỏa
Một ngôi mộ trong khu mộ của dòng dõi Chú Hỏa
Sau những chuyện đồn thổi về con ma nhà họ Hứa, thì những giai thoại về nơi an táng của chú Hỏa lại xuất hiện.
Đã có rất nhiều giai thoại về gia đình chú Hỏa, các nhà báo muốn có tin tức giật gân nên đi tìm mồ của chú Hỏa.
Có người cho rằng mộ của Hui Bon Hoa đang nằm tại Thủ Đức. Cũng có tin cho biết hài cốt của chú Hỏa được mang về Pháp vì chú có quốc tịch Pháp, tên Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Lại có giai thoại khác, trước khi chết, chú cho xây dựng nhiều lăng mộ, giống như Tào Tháo vậy. Mục đích là bảo đảm an toàn cho mộ phần vì sợ kẻ trộm đào mồ để tìm của cải quý giá chôn theo, mà phong tục người Hoa thường thực hiện.
Một nhà báo đi tìm mộ của chú Hỏa.
Từ chân núi lên đỉnh núi Châu Thới có một số ngôi mộ cỗ, đơn sơ lẫn “hoành tráng”, nhưng trong đó không có mộ của chú Hỏa.
Tại xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương, có một lò thiêu xác bên cạnh một nghĩa trang cũ của người Hoa, mang tính đặc biệt về văn hoá Trung Hoa.
Một nhân viên lò thiêu xác cho biết, mộ chú Hỏa không có trong nghĩa trang nầy, hãy đến dốc chú Hỏa cách đây một cây số, vào nhà dân mà hỏi, nghe nói mộ chú Hỏa ở khu vực đó, có lẻ người ta đã cất nhà lên đó rồi.
Tại khu nhà lụp xụp, người đàn ông trung niên trả lời: “Lăng mộ chú Hỏa nhiều lắm, có đến 4, 5 cái, mà ông muốn kiếm cái nào?” Một người khác góp vô: “Không hiểu tại sao có nhiều người đi tìm mộ chú Hoả như thế? Rồi thì, nhiều người chỉ ở đây, ở kia, và đó là những mộ giả, rổng ruột, còn mộ thật thì không có ai biết được cả…
Kết luận
Chuyện con ma thì không ai có thể chứng minh được, nhưng chuyện người phụ nữ mắc chứng phong cùi là chuyện bình thường, đã xảy ra trong những gia đình bất hạnh, không ngoại trừ gia đình Hui Bon Hoa.Nhà chú Hỏa có cái sân rất rộng nên nằm thụt ra phía sau, cách hàng rào sắt bên ngoài rất xa, lại có cây cối um tùm khiến cho toà nhà âm u, vì đèn đường vàng vọt không đủ sáng, cho nên bóng dáng của người phụ nữ điên loạn, ở xa nhìn vào thì có cảm tưởng như là con ma, nhất là những người yếu bóng vía hay sợ ma. Từ đó, nhiều tưởng tượng thêu dệt cho câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, gây cảm xúc như là những chuyện ma khác.
Chuyện phim kinh dị “Con ma nhà họ Hứa” đã gây cơn sốt vì thiếu vé, do khán giả ùn ùn tranh nhau vào xem phim, đã làm cho Con ma nhà họ Hứa tưởng chừng như có thật.
Về chú Hỏa, tuy làm giàu nhưng cũng nghĩ đến đồng bào bằng cách xây dựng và hiến đất để xây dựng những công trình giúp ích cho các cộng đồng và người dân Sài Gòn Gia Định. Chú Hỏa đã hiến đất để xây Nhà bảo sanh Từ Dũ, bịnh viên Sài Gòn, chùa Kỳ Viên…
Trúc Giang
Minnesota ngày 4-7-2024