Trịnh Bách
MỆ BÔNG:
Những ký ức về cung đình xưa
Vào cuối Xuân năm 1930, nhà báo Mỹ W. Robert Moore đã có mặt tại kinh đô Huế để mục kích lễ đón tiếp Vua và Hoàng Hậu Thái Lan của triều đình Việt Nam. Vì Hoàng đế Bảo Đại lúc bấy giờ còn đang du học tại Pháp, nên hai vị Thái hoàng Thái hậu phải đảm nhiệm việc tiếp khách. Những nghi lễ và sự hoành tráng của các buổi tiếp tân, yến tiệc đã khiến ông Moore hồi tưởng lại các dịp lễ tương tự ông đã chứng kiến ở đế đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trước Cách Mạng Tân Hợi 1911.
Nhưng kỷ niệm thú vị nhất của nhà báo Mỹ này khi ở Huế là việc ông được một vị trưởng công chúa triều Nguyễn tiếp kiến tại phủ riêng của bà. Ông Moore kể lại rằng: “Vị ái nữ xinh đẹp của Bà Chúa đã rộng lượng cho chúng tôi được thưởng thức tài nghệ đàn tranh của cô. Sau đó cô cùng vị lão gia sư khiếm thị và nhóm nhạc sỹ đàn dây trong phủ hợp tấu, để đệm cho các ca công trẻ hát những bài ca Huế.”
Nàng thiếu nữ xinh đẹp ấy được mọi người biết đến với một cái tên rất Huế là Mệ Bông. Theo tục lệ cổ của triều Nguyễn, tất cả các thành viên của hoàng tộc đều được gọi là Mệ, và kèm theo là một cái tên nghe thật bình dân. Các hoàng tử, công tử càng được chiếu cố kỹ với lệ này, vì người Huế ngày xưa tin rằng quỷ thần hay thích bắt đi các trẻ trai. Tiếng Mệ dần dà đã trở thành một âm thanh biểu tượng rất dễ thương của Huế.
Mệ Bông năm 1930 (Ảnh đăng trên tạp chí National Geographic)
Gia Đình Bà Chúa Nhất và gia nhân (Mệ Bông mặc áo hoa đứng cạnh Bà Chúa)
Tuy Mệ Bông giờ đây đã là một lão bà ở tuổi cửu tuần, Mệ vẫn chỉ trả lời các câu hỏi liên quan đến tuổi tác bằng những nụ cười thật hiền. Tôi đã mấy lần được nghe câu “Khó như Mệ Bông.” Có lẽ vì người từ cung nội như Mệ thường hay phép tắc, khiến cho mọi người chung quanh hiểu lầm. Nhưng điều tôi nhớ nhất về Mệ Bông là những nụ cười bao dung của Mệ, và Mệ rất hay cười. Mà nếu Mệ khó thì cũng đúng thôi, vì với cái xuất xứ cao quý của Mệ, cộng thêm các bước thăng trầm Mệ phải trải qua sau này, Mệ có quyền “khó.”
Thân mẫu Mệ Bông là Công chúa Tốn Tùy, trưởng nữ của Cung Tôn Huệ Hoàng đế Dục Đức (1883). Bà trở thành trưởng công chúa khi em trai bà là Hoàng Đế Thành Thái lên ngôi năm 1889. Bà được sách phong tước hiệu Mỹ Lương Công chúa năm 1897. Thường được gọi là bà Chúa Nhất, Công chúa Mỹ Lương có công rất lớn với nghệ thuật tuồng cung đình của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Đội ca vũ tuồng cung đình do bà lập ra và huấn luyện trong phủ của bà đã trình diễn trong hoàng cung từ cuối triều Thành Thái, qua các triều Duy Tân, Khải Định, và nhất là Bảo Đại. Bà Chúa cũng là một trong những sáng lập viên và mạnh thường quân chính của hội Lạc Thiện, lập ra để cứu tế, giúp đỡ các cô nhi, phụ lão, và các nạn nhân thiên tai ở Bắc và Trung Kỳ. Thân phụ của Mệ Bông là Thượng thư Nguyễn Kế, con trai của Diễn Lộc Quận công Nguyễn Thân, một vị trưởng phụ chính nổi tiếng thời cuối Nguyễn Triều.
Mỹ Lương công chúa năm 1930 (Ảnh đăng trên tạp chí National Geographic)
Khi tôi ngỏ ý muốn được gặp và phỏng vấn Mệ Bông vào đầu tháng Chín năm 2001, thân quyến của Mệ tỏ ra lo ngại cho tôi. Sau khi bị tai biến mạch não, Mệ đã bại liệt gần hai năm, nói năng rất khó, và Mệ không còn nhớ gì…
Thật ra Mệ Bông còn nhớ mọi chuyện rất rõ. Ký ức về quãng đời đáng gọi là đời của Mệ hình như lúc nào cũng chỉ chờ có dịp để được khơi dậy lại. “Bao giờ trong phủ Đức Bà cũng nuôi năm chục người. Họ vừa là người giúp việc, vừa là tài tử, đào hát của đoàn tuồng.” Ngày xưa, sau khi các công chúa và hoàng tử được sách phong thì ngay như con cháu cũng phải tôn xưng họ là Đức Bà, Đức Ông.
Ông thầy nhạc mù mà nhà báo Mỹ nhắc đến là Thầy Cò. Thầy luyện các nhạc sỹ trong phủ về đàn tranh, tỳ bà, và nguyệt. Người chơi trống hay nhất trong phủ là ông Loan. Hiện vợ ông Loan, một diễn viên tuồng, hãy còn sống tại nơi phủ Bà Chúa tọa lạc ngày xưa ở chân cầu Đông Ba. Người ca giỏi nhất trong đoàn là Mụ Liệu. Ngoài ra còn “… Quy này, Ninh này, Thành này, Yến này,.. đông lắm. Đức Bà cho họ huấn luyện cả ngày cả đêm,” Mệ hồi tưởng.
Mệ cũng kể đến một điệu múa Mệ ưa, mà các vũ công khi múa trên đầu vấn khăn, trong mặc áo bào, quần chít ba, ngoài khoác áo lá tua (tức áo mã tiên). Đây là điệu múa Nữ Tướng mà cậu của Mệ là Vua Thành Thái rất ưa thích. Qua điệu múa có tính chất tuồng này, nhà vua đã biểu lộ một cách tuyệt vọng hoài bão của mình trong việc cứu đất nước ra khỏi ách thống trị của người Pháp.
Tuy Mệ Bông rất thành thạo về đàn tranh và ca Huế, Mệ chỉ học để tự tiêu khiển thôi. Phần lớn thì giờ của Mệ được dành cho các công việc trong cung. Trong khi bà Tiên Cung Thái hoàng Thái hậu, bà nội ruột của Hoàng Đế Bảo Đại, phải chăm sóc các việc lễ nghi, tiếp khách, thì bà Chính Cung Thái hoàng Thái hậu, tức bà Thánh Cung, thường phải nằm nghỉ trong cung Diên Thọ. Bà bị bệnh thấp khớp nặng, rất đau đớn. Nội cung của bà lúc nào cũng đầy mùi dầu nóng. Từ thủa nhỏ, Mệ Bông đã phải vào đọc sách, truyện hầu bà Thánh Cung. Vì Mệ rất thân với Hoàng thái tử Vĩnh Thụy, Hoàng đế Bảo Đại sau này, nên bà Thánh Cung cũng coi Mệ như cháu bà. “Đức Thánh Cung nuông tôi lắm. Mỗi lần tôi vào cung Ngài cho tôi ăn đủ thứ.”
Các bà trong nội cung đều thích được Mệ Bông vấn khăn vành dây cho họ. Mệ đã một thời nổi tiếng ở Huế về tài vấn khăn này. Khăn làm bằng nhiễu cát mỏng, dài từ 10 đến 20 thước tây. Khăn rộng từ 30 đến 45 phân tây, được xếp lại còn chiều rộng chừng 3 phân tây. Người có tước phẩm càng cao thì khăn càng dài. Trước hết một khăn vấn tóc được chít vào quanh đầu để làm nền. Rồi khăn vành dây được cuốn tiếp theo, phủ ra ngoài khăn vấn. Khăn vành dây có vị trí rất quan trọng trong nghi lễ của triều đình Huế. Ngoại trừ các lễ đại triều, khăn vành dây được dùng ở tất cả các lễ lạc khác trong cung. Có thể nói khăn vành dây là niềm kiêu hãnh cũng như nỗi khổ đau của các mệnh phụ trong triều. Bà Bạch Liên, vị Tam Giai Điềm Tần của Vua Khải Định, ngày xưa có cho tôi biết rằng bà đã phải ngủ ngồi nhiều ngày trong các dịp đại kỵ, để khỏi phải vấn lại khăn. Mệ Bông rất hãnh diện về tài vấn khăn nhanh của Mệ, chỉ mất khoảng hơn nửa giờ.
“Hoàng hậu Nam Phương thường mặc âu phục, nhưng mỗi lần cần đến triều phục thì bà lại cho vời tôi vào cung để vấn khăn cho bà. Khăn của bà Nam Phương dài lắm.” Khi Hoàng hậu mới nhập cung, Mệ phải cuộn một lần khăn vấn giả ở trong khăn vành cho Hoàng Hậu, vì tóc bà lúc đó còn cắt ngắn và uốn theo lối Âu. Khi điển lễ còn nguyên vẹn thì từ các hoàng thái hậu và hậu, phi cho đến các công chúa, mệnh phụ đều dùng khăn vành dây mầu lam. Riêng các hoàng thái hậu và các phi, hậu được chít khăn vấn vàng bên trong khăn vành dây.
Các hoàng đế cũng cần đến Mệ Bông vì tài bếp núc của Mệ. Khi Cựu Hoàng Thành Thái về thăm Huế năm 1953, Ngài đã quyết định: “ở phủ chị Chúa để con Bông nó nấu cho ăn.” Vị vua yêu nước này cũng đã nghe đồn về các món ăn Huế của cô cháu gái, trong suốt ba thập kỷ bị nhà cầm quyền Pháp an trí ở đảo Reunion bên Châu Phi.
Trái với sự tưởng tượng của mọi người, các hoàng đế ở Huế không chuộng những món yến tiệc cầu kỳ cho lắm. Các đại yến 60 món, trung yến 40 món, và tiểu yến 30 món với ảnh hưởng Trung Quốc thường được dùng để đãi quốc khách hay các quan. Còn mọi món ăn thường ngày để các hoàng đế ngự thiện, dùng bữa, có thể nói là đạm bạc. Quả thật, theo sách Hội điển thì thời Thiệu Trị, thời thịnh triều của nhà Nguyễn, một bữa ăn của Hoàng đế được quy định không vượt quá 2,5 quan tiền. “Cứ nấu cho ngon thì cái gì các Ngài cũng ăn hết”, Mệ nói. Mệ còn tiết lộ rằng thật ra các vua ít khi nào đụng đến những thực trân tươi sống ở các địa phương cung tiến về vì sợ độc và sợ bị đầu độc. Những thứ này phần nhiều được chia cho các quan, cung nữ, và thái giám.
Trước thời Hàm Nghi (1884-1885) các loại mắm nặng mùi không được phép dùng trong cung. Nhưng từ thời Thành Thái (1889-1907), nhiều vua Nguyễn đã có thời gian sống gần như thường dân ở ngoài cung, nên họ không kỵ các món này. “Ông Bảo Đại không ưa mắm, nhưng ông ấy ăn mắm tôm chua như điên.” Mà mắm này phải do Mệ Bông làm. Ngoài các chất liệu cần thiết như riềng, tỏi, đường, ớt, Mệ Bông dùng nước mắm thay vì muối để làm món tôm chua phổ thông này của xứ Huế. Dù sao thì khi nấu nướng trong cung, Mệ dùng xì dầu nhiều hơn nước mắm.
Mệ Bông có một mối liên hệ rất đặc biệt với Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Có lẽ vì họ gần nhau về tuổi tác. “Bà Nam Phương chỉ ăn đồ Tây, và ông Bảo Đại ăn theo bà.” Trong cung có hai ông bếp chính là ông Lợi người Bắc, và ông Nghĩa người Quảng Nam để nấu các cỗ Âu. Mỗi khi triều đình cần đến tiệc Việt Nam thì Mệ Bông lại phải vào nấu. Cũng có khi Mệ phụ với Má Thống và Má Tròn, hai người bếp của các món Huế trong cung.
Có những chuyện bí mật trong thâm cung mà Mệ Bông ít kể ra ngoài. Mặc dù Vua Khải Định (1916 – 1925) gần như chẳng khi nào gần gũi với các bà trong Nội, nhà vua vẫn phải có đủ mười hai bà vợ và nhiều cung nữ cho đầy tam cung lục viện theo cố lệ hoàng triều. Sự dồn nén, uất ức của các vị xử nữ cấm cung thường thể hiện ra thành các tranh chấp cãi cọ, nhiều khi dẫn đến xô xát. Để giải quyết vấn đề này, các vị ngự y cho họ dùng món cá bống thệ kho khô với tiêu, rau răm, đường, nước mắm, nước thắng đường, mà theo họ có thể có tác dụng an thần. Người thích món này nhất lại là Vua Bảo Đại. Trong các món ăn Việt Nam, vị Hoàng đế cuối cùng thích cá và rau hơn thịt. Ngài không ăn vịt mà chỉ ăn gà.
Một món cá nữa được Vua Bảo Đại ưa thích là món cá nục kho của Mệ Bông. Cá nục rửa sạch rồi ướp nước mắm, đường, ớt, khoảng gần tiếng đồng hồ. Sau đó kho rất ít nước trong nồi đất trên lửa nhỏ, lâu cho nước trong cá tiết ra đã khô gần hết. Món rau ưa chuộng của nhà vua cũng rất giản dị, đó là rau dền luộc chấm nước mắm do Mệ Bông pha. Để làm loại nước mắm này, Mệ hầm cá nục cho nhừ với nước mắm ruốc rồi chắt lấy nước. Sau đó trộn thêm đường và ớt. Người Huế ít khi bỏ chanh, tỏi hoặc dấm vào nước mắm. Nước mắm này tùy độ pha mặn nhạt, có thể dùng cho các món Huế khác như bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc, v.v, thay cho nước mắm ruốc pha nước tôm thông thường.
Kho tàng ký ức của Mệ Bông chắc phải xúc tích lắm, và hình như mọi chuyện lúc nào cũng còn sống động trong tâm khảm Mệ. Trong khi đang nói chuyện về thức ăn, Mệ chợt cười khúc khích rồi tiết lộ rằng từ thời Khải Định, mỗi khi đến thời điểm đó trong tháng của phái nữ, các cung nhân được xuất cung một tuần. Trong khi các bà Phi, Tần chỉ đành than thở ở khu Phụng Trực đằng sau điện Phụng Tiên. Tại sao đằng sau điện Phụng Tiên thì chỉ có Trời biết, vì Mệ không chịu giải thích. Điện này là nơi các bà trong cung thờ tiên tổ của các vua Nguyễn, vì nữ giới không được làm lễ ở các điện thờ chính như Thái Miếu và Thế Miếu. Điều này khiến người ta lại liên tưởng đến các bà ăn mặc lòe loẹt hay đi tế ở các đình làng, lăng miếu hiện nay. Tiếc rằng Mệ Bông đã không viết lại tất cả những gì Mệ biết cho hậu thế. Chính Mệ cũng chấp nhận là “uổng quá” khi tôi gợi ý này.
Đối với Mệ Bông thì thời gian đã dừng lại khi nhà Nguyễn cáo chung, với việc thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại vào tháng Tám năm 1945. Dù sao thì nếp sống sung túc trong phủ bà Chúa Nhất vẫn còn duy trì thêm được một thời gian, tuy rằng bổng lộc từ triều đình không còn nữa. Nhưng rồi cái món cờ bạc thời thượng ngày xưa của các Đức Ông, các Mệ, sau này dần dần trở thành mối mọt để ăn mòn các cung, phủ, của họ. Phủ bà Chúa Nhất cũng không thoát được cái kiếp nạn này. Có lẽ vì thế mà khi hỏi về lời khuyên Mệ muốn để lại cho hậu thế, Mệ Bông trả lời không cần suy nghĩ: “Đừng đánh bạc.” Đoàn tuồng trong phủ Bà Chúa cũng dần dần tan rã…
Sự mất mát lớn nhất trong đời Mệ Bông xẩy ra năm 1948, khi tình hình chính trị cướp đi mất người chồng trẻ yêu quý của Mệ, để lại cho Mệ người con gái độc nhất của hai vợ chồng. Mệ Bông không bao giờ tái giá. Niềm an ủi của Mệ bây giờ là cung An Định ở An Cựu, nơi Đức Từ Cung và một số mệnh phụ còn giữ lại được phần nào nếp sống xưa. Tại đấy các bà vẫn còn được chơi các loại bài phổ thông trong cung, thí dụ như tứ sắc, xếp, mã chược, tam hường. Nhưng Hoàng thái hậu chỉ cho họ đặt tiền cửa rất ít. Mặc dù “Bà Từ Cung nghiêm khắc lắm,” nhưng Mệ vẫn hay vào cung sống với Ngài, và giúp Ngài với hai sở trường của Mệ là khăn vành và bếp núc, khi cần.
Mệ Bông và phu quân trong ngày cưới
Mệ Bông năm 1936 / Mệ Bông và con gái
Năm 1954 lại biến đổi đời Mệ Bông thêm lần nữa. Người con gái xinh đẹp đang tuổi mười tám của Mệ bỗng một hôm biệt tích. Tìm con đến tận Sài Gòn cũng không ra, Mệ gần như điên loạn. Mãi đến hai năm sau Mệ mới nhận được thơ của cô gửi cho Mệ từ Hà Nội. Cô đã trốn ra Bắc để vô vọng tìm cha rồi bị kẹt lại.
Rồi sự bình yên của cung An Định cũng lại bị cắt đứt, vì Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh quốc hữu hoá cung này. Hoàng thái hậu Từ Cung phải mua vội một cái biệt thự gần đấy để sống. Sau đó ông Diệm lại triệu Mệ Bông về Sài Gòn để nhờ Mệ cố vấn cho các bữa yến tiệc trong Dinh Độc Lập. “Tôi không bao giờ tự tay nấu, mà chỉ ra chương trình cho các người bếp trong dinh.” Từ đó Mệ không bao giờ trở về sống ở Huế nữa.
Khi đất nước thống nhất năm 1975, người con gái ra Bắc năm xưa lặn lội vào Sài Gòn tìm mẹ. Mệ Bông, nay tuổi đã xế chiều, như được hồi sinh. Mệ xuống tóc để tạ ơn Trời Phật, và từ đó Mệ chỉ vui với con cháu, ít khi ra ngoài. Lần cuối cùng Mệ Bông trổ tài vấn khăn vành dây là vào dịp đám cưới người cháu gái năm 1985.
Các hình bóng một thời thân thương cũng đã dần dần ra đi, gần như trong âm thầm. Hoàng hậu Nam Phương mất bên Pháp năm 1963. Bà Chúa Nhất mất năm 1964. Bà Ân Phi, vợ chính của Vua Khải Định mất năm 1978. Bà Hoàng quý phi Mai Thị Vàng, vợ Vua Duy Tân, mất năm 1980. Rồi Hoàng thái hậu Từ Cung cũng mất năm 1980. Cựu Hoàng Bảo Đại, vị vua và anh em họ yêu quý nhất của Mệ, mất tại Pháp năm 1997. Mệ Bông không bao giờ muốn nhớ tin này. Như Mệ đã lập lại vài lần trong câu chuyện: “Tôi quên rồi,… nhớ mà quên.”
Mệ Bông tháng 9 năm 2001
Khi tôi đến thăm và phỏng vấn Mệ Bông vào đầu tháng Chín năm 2001, như có một phép lạ, Mệ ngồi dậy được để mặc cái áo mệnh phụ tứ thân, giống như cái áo bà Chúa Nhất mặc ngày xưa, và chụp ảnh lưu lại cho con cháu. Mệ cười thật tươi và đùa rằng nay Mệ được sách phong.
Người chạy xe ôm bên kia đường của ngôi nhà Mệ sống với con cháu hỏi tôi: “Cái bà già trong nhà đó đâu rồi mà lâu nay tôi không thấy?” Ngày xưa Mệ Bông hay mua bánh mỳ của anh ta. Tôi hỏi anh có biết bà cụ là ai không. Anh nói “không” một cách bâng quơ. Bây giờ còn ai biết ai là ai nữa…
Khi bài viết này đang lên khuôn in, tôi nhận được tin Mệ Bông, tức Ngoại công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà, nhân chứng sống cuối cùng của cung vàng điện ngọc Nguyễn triều, đã qua đời ngày mười chín tháng chín, năm hai ngàn lẻ một; chỉ hai tuần sau khi tôi phỏng vấn Mệ.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay.-2002.-Số 110.-Tr.31-33