PHAN CHÂU TRINH
NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI
NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI
TRẦN GIA PHỤNG
Phan Châu Trinh đỗ cử nhân năm 1900, đỗ phó bảng năm 1901, ra làm quan năm 1903. Năm sau (1904), PCT đột ngôt từ quan, trở về đời sống thường dân, hoạt động văn hóa chính trị tự do. Đây là một quyết định hết sức táo bạo, đi trước thời đại, vì lúc đó, đỗ đại khoa, ra làm quan, là ước mơ của nhiều người để được công danh phú quý.
Năm 1904, PCT cùng một số thân hữu mở ra phong trào duy tân, công khai, bất bạo động, không thông qua triều đình, mà vận động trực tiếp với dân chúng, theo chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Vận động duy tân công khai trực tiếp với dân chúng, cũng là một điểm mới lúc bấy giờ.
Mở đầu việc khai dân trí, PCT hô hào bỏ chữ Nho, bỏ lối thi cử cổ điển, chuyển qua dùng quốc ngữ, vì quốc ngữ dễ học, dễ phổ biến, có thể dùng làm phương tiện nhằm mở mang dân trí, phát triển đất nước.
Không kể Nam Kỳ là thuộc địa, tại Trung và Bắc Kỳ , cho đến năm 1919, tức 15 năm sau lời kêu gọi của PCT, triều đình mới chính thức bãi bỏ việc học chữ Nho và thi Nho học. Về quốc ngữ, cho đến năm 1925, tức hơn 20 năm sau lời kêu gọi của PCT, Pháp mới đưa quôc ngữ vào chương trình tiểu học của nền giáo dục mới. Như thế PCT đi trước triều đình Huế và trước cả nhà cầm quyền Pháp.
Từ năm 1905, PCT mở rộng cuộc vận động duy tân ra khắp nước. Khi về phương Nam, đến Bình Thuận, PCT khuyến khích các nhân sĩ địa phương lập công ty thương mại Liên Thành và mở trường Dục Thanh dạy quốc ngữ. Sau đó, ông ra Bắc năm 1906, giúp các nhân sĩ Hà Nội lập Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tiếp theo, PCT qua Nhật Bản quan sát, vì từ thời Minh Trị Thiên Hoàng (trị vì Nhật Bản 1867-1912), Nhật Bản là trung tâm ánh sáng của cả châu Á. Trên đường đi, tại Quảng Châu (Trung Hoa), PCT gặp Phan Bội Châu, và cả hai cùng qua Nhật Bản.
Từ Nhật Bản trở về, PCT bắt đầu cổ xúy dân quyền. Ông khẳng định với Phan Bội Châu rằng: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.” (Phan Bội Châu, Tự phán hay Phan Bội Châu niên biểu, đăng trong sách Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Chương Thâu sưu tầm, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 116.)
Vào thời bấy giờ, chế độ thực dân Pháp đang siết chặt gọng kèm cai trị, khai thác tài nguyên, bóc lột dân chúng. Vì vậy, vận động dân quyền để “có thể tính lần được”, với các nhà cách mạng là việc đòi hỏi tự do độc lập cho đất nước. Đây là một chủ trương “mềm”, hết sức mới mẻ, khác với các cuộc võ trang chống Pháp trước đây.
Kết quả việc “đề xướng dân quyền” nổi bật nhứt là các cuộc biểu tình rầm rộ, xin hạ thuế, giảm xâu của dân chúng, phát xuất từ huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam từ tháng 3, lan rộng ra các tỉnh miền Trung đến tháng 6 năm 1908. Nhà cầm quyền Pháp cho rằng đây là kết quả công cuộc vận động dân quyền của PCT, nên dù PCT không tổ chức, không tham gia biểu tình, Pháp vẫn bắt PCT tại Hà Nội ngày 31-3-1908
Nhờ Hội Nhân Quyền Pháp can thiệp, PCT không bị tử hình, mà bị đày đi Côn Lôn (Côn Đảo), và bị đưa về an trí ở Mỹ Tho giữa năm 1910. Theo yêu cầu của PCT, Pháp cho ông cùng với con trai là Phan Châu Dật rời Sài Gòn qua Pháp ngày 1-4-1911. (Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liẹu mới, Nxb. Đà Nẵng, tt. 205-212.)
Đến kinh thành Paris, cái nôi của cách mạng 1789, PCT tiến thêm một bước nữa, bắt đầu vận động dân chủ. Dân chủ là một khái niệm hoàn toàn mới mẽ dưới chính thể quân chủ Việt Nam lúc đó do vua Khải Định (trị vì 1917-1925) đứng đầu
Do chủ trương dân chủ, PCT gởi thư “Thất điều” ngày 15-7-1922, kể bảy tội của vua Khải Định nhân dịp nhà vua sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo (triển lãm) quốc tế tại Marseille. Bảy điều đó là: “Tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lỵ, xa xĩ quá độ, ăn bận không phải lối, tội chơi bời, chuyến đi tây có sự ám muội.” Thư nầy được báo chí Pháp dịch đăng ở Paris, gây một tiếng vang lớn trong dư luận thời đó.
Có một điều khá lạ lùng là dầu bị PCT đả kích nặng nề, vua Khải Định vẫn không trừng phạt PCT. Khi thượng thư bộ Hình Tôn Thất Hân đề nghị yêu cầu người Pháp xử trị PCT, thì nhà vua trả lời: “Cần gì như thế. Đại khái lời nói không trúng, nhưng cũng không sai lắm, về phía ta phải hết sức làm những việc cần làm mà thôi.” Ngoài ra, nhà vua còn từ chối bắt PCT theo đề nghị của bộ Thuộc địa Pháp. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, bản dịch của Cao Tự Thanh, Nxb Văn Hóa-Văn Nghệ, 2012, tt. 393-394.) Thái độ của vua Khải Định cho thấy nhà vua rất trọng nễ PCT.
Khi từ Pháp về Sài Gòn tháng 6-1925, PCT hai lần diễn thuyết tại Sài Gòn, đề cao các nền dân chủ trên thế giới, nhứt là bài diễn thuyết lần thứ hai ngày 27-11-1925 về đề tài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.
Trong bài nầy, PCT cho rằng quân chủ là một chế độ có tính cách “nhân trị”, nghĩa là việc cai trị dựa trên ý kiến chủ quan cá nhân của nhà vua, chứ không dựa trên luật pháp, dễ đưa đến độc tài, chuyên chế. Phan Châu Trinh nhấn mạnh: “…Vì cái độc quân chủ mà nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta…” Ông hô hào thiết lập chế độ “dân trị tức pháp trị”, tổ chức xã hội trên căn bản pháp luật công bình. Mọi thành phần xã hội, từ người đứng đầu quốc gia đến người cùng đinh, đều phải chịu sự chế tài của luật pháp, đều được xét xử như nhau trước pháp luật.
Dưới chế độ quân chủ, vua được xem là con trời (thiên tử), có quyền phong thần, nghĩa là vua vừa nắm thế quyền, vừa nắm thần quyền. Nền quân chủ chuyên chế bảo thủ còn cho rằng “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (nghĩa là “Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung”.) Vì vậy, dưới chế độ quân chủ, kêu gọi dân chủ là một điều quá mới mẻ và táo bạo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, vì người Việt đã trải qua cả hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ và trầm mình trong Nho giáo, một triết thuyết chính trị hậu thuẫn mạnh mẽ cho chế độ quân chủ.
Một điểm rất mới hơn nữa của PCT, đi trước thời đại cả trăm năm, và cho đến ngày nay vẫn còn mới mẻ, là ông dừng lại ở chủ trương dân chủ, không đi vào chủ nghĩa cộng sản.
Vào đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa CS là một thứ thuốc phiện lôi cuốn dân chúng những nước bị thực dân Tây phương thống trị. Tại Đại hội II của Đệ tam Quốc tế Cộng Sản (ĐTQTCS) ở Petrograd (hay St. Petersbourg) từ 19-7-1920 đến 23-7, và sau đó tiếp tục tại Moscow từ 24-7 đến 7-8-1920, Lenin đưa ra bản “Cương lĩnh về vấn để Dân tộc và Thuộc địa” (Thesis on the National and Colonial Questions), khuyến khích các nước bị đô hộ (các nước thuộc địa) nổi lên chống các đế quốc, giành độc lập, giải phóng dân tộc, rồi gia nhập vào khối CS. Lúc đó, Nguyễn Ái Quốc ở Paris gia nhập đảng CS Pháp năm 1920, sang Liên Xô năm 1923 và từ đó hoạt động cho Đệ tam Quốc tế CS. (Cộng hòa Liên Bang Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô thành lập ngày 30-12-1922.)
Khi biết Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng CS, PCT gởi cho Nguyễn Ái Quốc thư đề ngày 12-2-1922, nói rằng nhờ CS chống Pháp thì “quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lung con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi.” (Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, Amarillo, TX: Nxb. Chuông Rè, 2000, tt.: 2000, tt.39-40.)
Cuối cùng, các chế độ cộng sản sụp đổ ở các nước Âu Châu và ở ngay cả ở Liên Xô vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, hơn 60 năm sau khi PCT từ trần, là câu trả lời cho thấy sự sáng suốt của PCT, người đã thẳng thừng từ chối chủ nghĩa CS ngay từ đầu.
Thế mà ngày nay, đảng CS Việt Nam vẫn còn bám đuôi theo chủ nghĩa CS nhằm duy trì chế độ độc tài đảng trị toàn trị. Đảng CSVN chủ trương đi ngược với phong trào duy tân. Thay vì “khai dân trí”, CS nhồi sọ dân chúng, làm thui chột dân trí. Thay vì “chấn dân khí”, CS đàn áp đe dọa làm cho dân sợ sệt. Thay vì “hậu dân sinh”, CS bóc lột dân khiến dân đói khổ, khiếu nại, kiện tụng khắp nước quanh năm.
Chế độ CS đã đưa nước Việt Nam đến bên bờ vực thẳm: Về đối ngoại, Việt Nam đang bị Tàu cộng đe dọa nặng nề. Về kinh tế đảng CS giành quyền lợi vào tay tư bản đỏ, làm cho dân tình rất đói khổ. Quan trọng hơn cả, dưới chế độ CS, nền văn hóa và giáo dục nước ta suy đồi trầm trọng, không biết khi nào có thể phục hưng được. Không ai có thể tưởng tượng nổi cảnh tượng một giáo chức phải quỳ xuống xin lỗi phụ huynh ...