Trần Đức Thưởng
ĐÔI GIẦY TRẬN
Không nhớ lên phòng tiếp liệu căn cứ Không Quân lãnh nó năm nào, tôi rất trân quí nó, nó bảo vệ đôi chân tôi suốt các năm chinh chiến : Đôi giầy da.
43 năm qua đi, có lẽ duy nhất kỷ niệm thời chiến tranh bảo vệ miền Nam, theo tôi tới bây giờ là đôi giầy, nó theo tôi những ngày khói lửa của quê hương, những lúc sinh tử, những lúc thật hạnh phúc nó vẫn bên tôi .
Năm 1975 đôi giầy theo tôi khi trực thăng đáp trên hàng không mẫu hạm Midway khoảng 9:30 sáng hôm 30/4/1975, lúc hải quân Mỹ đưa chúng tôi lên Subic Bay của Phi Luật Tân, cái áo bay liền quần bị tịch thu tại đây, đôi giầy vẫn theo tôi vào nước Mỹ.
Niềm hạnh phúc của tôi khi được nhận vào bay cho hãng Petroleum Helicopters Inc.
Lần cuối xử dụng đôi giầy này là hôm tôi được phỏng vấn việc làm và bay thử khả năng trên chiếc trực thăng Bell-206 L tại Lafayette Louisiana, đôi giầy này tôi vẫn giữ cho tới hôm nay.
Sở dĩ tôi đi đôi giầy này bay check ride vì đôi giầy đã quá quen thuộc với tôi trên hai pedale trực thăng, nó tạo niềm tự tin ; quả đúng thế tôi được nhận vào hãng, làm việc suốt 35 năm cho tới khi về hưu
Nó có mặt trong những phút sinh tử của tôi trong thời chiến.
Quốc lô 4 nối Mỹ Tho và Cai Lậy, con đường trông thật hiền hoà ngay cả những năm cao điểm chiến tranh trước 1975, hai bên quốc lộ 4, nhà cửa san sát, cách quốc lô muơi cây số phía Bắc là khu rừng tràm bàt ngát nối dài tận vùng Mỏ Vẹt, đây là đường xâm nhâp của các sư đoàn Bắc Việt từ Cao Miên vào vùng đồng bằng Cửu long, vùng này nổi tiếng với hỏa tiễn tầm nhiệt Sam-7, một số trực thăng bị bắn rơi trong vùng. Phía Nam quốc lộ 4 nối liền giòng Tiền Giang, vùng đất không rộng lắm, giới hạn bởi giòng Tiền Giang, nơi đây có những tiểu đoàn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hầu như địch kiểm soát ngoài trừ các đồn của quốc gia.
Khoảng năm 1973, đơn vị tôi, Phi Đoàn 225 sau khi làm việc với Sư đoàn 7 trong ngày vừa xong, một hợp đoàn trực thăng khoảng 10 chiếc gồm 6 chiếc chuyên chở quân, 3 chiếc trực thăng võ trang bảo vệ và hộ tống, một chiếc chỉ huy, trên đường về lại căn cứ Sóc Trăng, anh em trong đơn vị rủ nhau qua tần số riêng đùa vui sau một ngày làm việc căng thẳng, có người vặn qua đài quân đội nghe nhạc.
- Hồng Mã ! Hồng Mã ! Đây Paddy.
Hồng Mã là danh hiệu phi đoàn 225, Paddy là danh hiệu phòng Hành Quân Chiến Cuộc Sư đoàn 4 Không Quân .
- Hồng Mã nghe bạn 5 trên 5 .
Tôi chỉ huy hợp đoàn trực thăng nghe Bộ chỉ huy hành quân Sư đoàn gọi là biết có chuyện phải làm thêm trước khi về căn cứ. Anh em trong đoàn bay đang bù khú vội bặt tiếng lắng nghe xem lệnh phải làm gì .
- Hồng Mã đây Paddy .
- Lệnh tướng Vĩnh Nghi (Tư lệnh Quân khu 4), bạn điều động một trực thăng vào đồn phía Nam Cai Lậy, tọa độ 123456 .
- Liên lạc với quân bạn khi đáp xuống bãi đáp của chi khu, Tôi nói anh em trong đơn vị hãy stand by trên trời .
Trực thăng vừa đáp, trên xe jeep của Trung Tá Long, Quận trưởng Cai Lậy bước xuống với tấm bản đồ hành quân bọc plastic, chằng chịt các dấu viết mỡ xanh đỏ khoanh vùng giữa ta và địch.
- Đồn bị vây cả tuần lễ rôi, chúng tôi cần mang thương binh ra ngoài, để nâng cao tinh thần anh em trong đồn, những cánh quân giải vây đều bị chặn đứng ngay cả M-113 .
- Thưa Trung Tá, địch cách xa hàng rào bao nhiêu mét ?
- Khoảng 50 mét.
Sau khi nghe thuyết trình của Trung Tá Long, tôi thấy chuyện này không đơn giản. Cất cánh lên với Trung Tá Long, ông mang theo khẩu súng máy nòng ngắn giống như Uzi của Do Thái. Tôi biết xuống đồn chắc chắn là bị rơi, thiết giáp không vào được mà bắt trực thăng vào, nghĩ thầm trong bụng thiệt là "Không có chó, bắt mèo ăn cứt", lóe lên ý nghĩ tôi khi xuống đồn nếu bị bắn nhiều tôi sẽ bay lên cùng Trung Tá Long như thế sẽ dễ dàng từ chối phi vụ. Tôi cũng không muốn cắt một chiếc trực thăng xuống đồn, vào chắc chắn sẽ bị bắn rơi, qua vô tuyến tôi nói nói ý định xuống đón thương binh với Trung Tá Long ; Nếu ông từ chối tôi sẽ dễ dang từ chối phi vụ nhưng ông gật đầu đồng ý, tưởng ông nói không nhưng ông nói yes, có lẽ vì tướng Vĩnh Nghi trên vùng .
Tôi điều động ba chiếc trực thăng võ trang bắn chung quanh hàng rào kẽm gai chung quanh đồn, trên cao độ hai ngàn bộ, cái đồn bé nhỏ phía dưới bụng, từ trên cao không thấy dấu hiệu chiến tranh .
Trên tần số FM tôi nói dưới đồn cho tôi trái khói, đồng thời cho ba chiếc trực thăng võ trang biết, tôi chuẩn bị xuống đồn, hai hạ sĩ quan phía sau : Tiền Già cơ phi ngồi ghế phải, Phước Võ xạ thủ ngồi ghế trái, hoa tiêu phó là Trung úy Ngô Vĩnh Viễn người gốc Chơ Lớn, anh nói tiếng Việt với phát âm lơ lớ của người Tàu. Phước Võ phút cuối anh đổi vị trí ngồi cho anh Tiền Già, Phước ngồi bên phải phía sau tôi, Phước nghĩ anh xử dụng khầu đại liên thiện nghệ hơn vì anh hay đi bay với trực thăng võ trang .
- Cho tôi thêm trái khói ? Tôi ra lệnh cho đồn...
Vừa nói trên tần số FM tôi cắt gas lao nhanh xuống đồn, theo sát con kinh bên cạnh đồn, trên cao vẫn bình yên không khí nặng nề không tiếng súng, không một ai xen vào radio, cách đồn khoảng 100 mét tôi flare ngược phi cơ để giảm tốc độ, Không thấy thương binh trong đồn, con tầu được chào đón bằng những tiếng súng nổ chát chúa chung quanh hàng rào, Trời lúc này xâm xẩm tối, những tia lửa phát ra từ những nòng súng của địch sát bên hàng rào, tôi nghĩ không dưới 15 khẩu súng lớn nhỏ, tiếng Phước phía sau hét lên, con tầu bị trúng đạn khắp thân giống như con thú bị thương, tầu rung lên vì trúng đạn
- Chết tôi rồi ! Chết tôi rồi Đại Úy Thưởng !
Máu từ cánh tay anh bắn ra tung tóe, dính đầy khung kính phía trước con tầu ; phản ứng theo kinh nghiệm , tôi đạp pedale trái, chúi mũi tầu quặt gắt sang trái theo triền kinh bay ra phía bắc sát mặt nước về phía quốc lộ 4, Phước vẫn hét lên trên radio, tôi phải hét lên : Im lặng !
- Mayday ! Mayday ! Mayday !, Hoa tiêu phó Ngô Vĩnh Viễn nói trên radi, ,tôi điều khiển con tầu với các đèn caution light, warning light, rpm audio réo vang trong mũ bay mà nghĩ sẽ rơi trên đường ra quốc lô, cuối cùng con tầu an đáp toàn tại helipad bên cạnh quốc lộ, thả Trung Tá Long xuống, tắt máy tại bãi đáp, một chiếc trực thăng trong đoàn do Ánh trong hợp đoàn đáp xuống,
Máy bay của tôi bị bắn trên dưới 30 lỗ vào thân tầu trong đó Phuớc Võ bi viên 12 ly 7 vào khuỷu tay.
Dùng phi cơ của Ánh tôi bay về Hồ Nước Ngọt Mỹ Tho, xe cứu thương đưa Phước vào bệnh viện, theo vào bệnh viện, nói với bác sĩ trực cố gắng không cưa tay. Bác sĩ trực nói khuỷu tay bị vỡ động mạch nơi đây không có đủ phương tiện, phải đưa về bệnh viện Cộng Hoà ở Sài Gòn. Ngược ra phi cơ tôi bay đêm về Sài Gòn với Phước Võ, trực thăng đưa Phước về bệnh viện Cộng Hòa, tôi nói dối bác sĩ trực hôm đó Phước là phi công, xin bác sĩ cố gắng giữ cánh tay hộ.
Cất cánh khỏi bệnh viện Cộng Hoà ,bay đêm trở về Sóc Trăng ,lòng tôi nặng trĩu thương cho Phước Võ ,tôi trót nói dối vị bác sĩ quân y nơi đây Phước là sĩ quan ,xin cố gắng giữ lại cánh tay.
Ngô Vĩnh Viễn người phi công phụ ra đi như tên anh Vĩnh Viễn, vài tháng sau đó anh hy sinh trong phi vụ cũng gần nơi anh chết hụt
Tôi không nghe tin tức của anh Phước Võ sau khi xuất viện, giải ngũ.
Thời gian trôi nhanh đã bốn mươi mấy năm, bình an nơi xứ người nhưng mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn nhớ thương anh những thanh niên miền Nam lớn lên trong lửa đạn, liên lạc được một số anh em trong đơn vị bị kẹt lại, nhờ họ tìm xem anh còn hay mất. Sau mấy năm tôi liên lạc được, anh Phước Võ chạy xe lôi tại Hốc Môn.
Sau lần nói chuyện qua phone, trung gian qua anh Tiền Già, tôi vận động được nhà văn Nguyên Nhung, anh Đức T., em trai tôi gửi về anh Phước 1000 US, anh Tiền già 200 US, đây là món quà nhỏ cho các anh biết chúng tôi không quên các anh.
Trần Đức Thưởng
* Tướng Vĩnh Nghi bị bắt tại mặt trận Phan Rang tháng ba năm 1975.