(Tác giả giữ bản quyền. Email: doanket@yahoo.com.)
HÌNH ẢNH LIÊN HỆ:
- Làng người Thượng Bru tại Khe Sanh (1) - Làng người Thượng Bru tại Khe Sanh (2) - Ðồn điền cà phê tại Khe Sanh - Bản đồ vùng Làng Vei - Khe Sanh (1) - Bản đồ vùng Làng Vei - Khe Sanh (2) - Bản đồ vùng Làng Vei - Khe Sanh (3) - Bản đồ vùng Phi Quân Sự - Trại Làng Vei Cũ (1967) - Trại LLÐB tại Khe Sanh (1) - Trại LLÐB tại Khe Sanh (2) - Không ảnh Trại Làng Vei - Hình vẽ Trại Làng Vei nhìn từ trên không - Xây cất hầm chỉ huy tại trại Làng Vei Mới - Căn cứ TQLC/HK tại Khe Sanh - Không ảnh Trại Làng Vei sau trận đánh 1968 - Chiến xa PT 76 của Cộng quân - Chiến xa PT 76 của Cộng quân bị bắn hạ (1) - Chiến xa PT 76 của Cộng quân bị bắn hạ (2) - Chiến xa PT 76 của Cộng quân bị bắn hạ (3)ĐỊCH TẤN CÔNG TRẠI LÀNG VEI LẦN THỨ NHẤT
Quả nhiên, địch đánh trại ngay đêm đó. Khoảng 3 giờ sáng ngày 4/5, quả đạn pháo kích đầu tiên rơi vào trại. Đến 3 giờ 30 sáng, quân trú phòng gọi pháo binh tại Khe Sanh bắn yểm trợ vào mặt Tây và Nam. Thoạt đầu, trại báo cáo bị pháo kích chừng 200 đạn súng cối, nhưng thật ra đa số những tiếng nổ đều do bộc phá của đặc công phá hàng rào gây ra. Pháo binh tại Khe Sanh gặp trở ngại vì chuyên viên truyền tin tại Làng Vei không có bản đồ cũng như bản đồ kế hoạch hỏa yểm nên không có tọa độ chính xác. Do đó, lúc đầu pháo binh chỉ bắn dự đoán, nhưng khi Làng Vei không điều chỉnh được tác xạ, Khe Sanh chuyển xạ đến những điểm hỏa tập tiên liệu. Đến 3 giờ 50 sáng, Lang Vei yêu cầu ngưng tác xạ.
Tới sáng, khi lực lượng Chi Khu đến tiếp cứu, địch đã rút lui, ngoài số tử thương được đồng bọn mang đi, địch còn để lại 7 xác chết. Trực thăng cũng đến đến tản thương 2 quân nhân Hoa Kỳ và 39 DSCĐ. Ngoài ra, còn có 2 quân nhân Hoa Kỳ và 20 DSCĐ tử thương. Nhiều người đặt câu hỏi "tại sao TQLC không gửi quân tăng viện như đã thỏa thuận?" Rất có thể vì TQLC không ưa LLĐB, cũng có thể vì TQLC chỉ đủ quân để giữ Khe Sanh hoặc tăng viện không kịp vì địch đã rút lui. Sau này, khi được hỏi về kế hoạch tăng viện, Đại Tá John P. Padley, vị chỉ huy kế nhiệm tại Khe Sanh cho biết: "Chúng tôi phải rất cẩn thận, vì rất có thể địch áp dụng chiến thuật công đồn đả viện". Thiếu Tá pháo binh Golden tại Khe Sanh cũng cho biết: "Cùng lúc Lang Vei bị tấn công, địch dũng khuấy rối các tiền đồn tại đồi 861 và 881 nên chúng tôi phải quay súng tác xạ yểm trợ nhiều nơi cùng một lúc".
Rất có thể địch quân đã bám sát và theo chân toán tuần tiễu đến tận trại, nhưng rõ ràng ý đồ tấn công đã được chuẩn bị từ lâu. Tên nội tuyến Đinh Nhơn gia nhập lực lượng VC địa phương từ đầu năm 1967, được lệnh đầu quân vào toán DSCĐ tại Làng Vei hồi tháng 4. Nhơn đã cùng một số đồng bọn thuộc ĐĐ 101 DSCĐ vẽ sơ đồ các vị trí phòng thủ rất tỉ mỉ và chi tiết. Các tên nội tuyến khác như A Lôi thuộc ĐĐ 103 theo dõi lịch trình canh gác, Đinh Thân vẽ vị trí trại, còn Đinh Sáng báo cáo lịch trình các cuộc tiếp tế. Tổ nội tuyến này đã cung cấp cho địch quân nhiều tin tức chính xác về hoạt động của trại. Sau này, tình báo bạn còn cho biết Đinh Nhơn đã tiếp xúc với cấp chỉ huy của địch ít nhất 4 lần trước khi trại bị tấn công.
Ngoài ra, còn có tin đồn chiến xa địch tham chiến trong trận đánh này, nhưng chỉ bố trí ngoài hàng rào phòng thủ, dùng súng đại bác bắn yểm trợ. Tin này không được xác nhận trong các báo cáo chính thức.
ĐỊCH BÁM SÁT VÙNG KHE SANH
Trận đánh đầu tiên tại Trại Lang Vei tuy diễn ra khá ác liệt, nhưng chỉ mới mở màn cho những cuộc đụng độ khác trên các ngọn đồi quanh Khe Sanh vào năm 1967. Tại các ngọn Đồi 881 và 861 liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ giữa Tiểu Đoàn 2 và 3 TQLC với địch quân. Nhờ pháo binh và không quân yểm trợ hữu hiệu, địch bị thiệt hại nặng nhưng vẫn còn đủ sức bám chặt quanh Khe Sanh.Khoảng cuối tháng 9 năm 1967, MACV/SOG gia tăng hoạt động tại vùng Khe Sanh. FOB-3 được thành lập để cùng với FOB-1 hoạt động tại vùng biên giới. Nhiệm vụ chính của các toán tuần tiễu thuộc FOB-1 căn cứ chính tại Phú Bài là thám sát vùng biên giới và cửa ngõ xâm nhập vùng thung lũng Ashau, Alưới, trong khi FOB-3 có nhiệm vụ tuần tiễu và đặt máy thăm dò (sensor) trong kế hoạch hàng rào điện tử McNamara. Thoạt đầu, FOB-3 đặt căn cứ tại vùng "French Fort" gần Chi Khu Hướng Hóa, nơi trước đây là Trại LLĐB đầu tiên trước khi di chuyển tới Khe Sanh rồi Làng Vei. Nhưng vì vị trí này vừa kém an ninh lại khó phòng thủ nên FOB-3 di chuyển tới Khe Sanh, ngay bên ngoài hàng rào phòng thủ căn cứ. Tiểu Đoàn 10 Công Binh Chiến Đấu HQHK (Seabee) biệt phái nhân viên xây cất vị trí FOB-3 mới. Tổng cộng có 4 hầm bê tông cốt sắt ngầm rất kiên cố, 8 dãy nhà cho nhân viên đồn trú, một bãi đáp trực thăng và môt bệnh xá. Việc xây cất được hoàn tất vào ngày 19 tháng 2 năm 1968.
TRẠI LÀNG VEI MỚI
Sau khi rút ưu khuyết điểm về trận đánh hồi tháng 5/1967, cấp chỉ huy LLĐB quyết định dời trại Lang Vei về địa điểm mới, nhưng cũng chỉ xa hơn khoảng tám trăm thước về hướng Tay, trên dãy đồi thấp. Lý do các công sự và hàng rào phòng thủ cũ đã bị hư hỏng nặng dự trù cần phải tốn rất nhiều công để sửa chữa. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy xạ trường tại vị trí cũ bị giới hạn, không mấy thích hợp cho việc phòng thủ.
Trại mới được chọn lựa nằm trên một dãy đồi cỏ tranh thoai thoải sát QL 9 về phía Nam, án ngữ đoạn đường từ biên giới Lao Bảo về Khe Sanh. Dưới sự giám sát của Đại Úy LLĐB Frank C. Willoughby, Tiểu Đoàn 11 Seabee khởi công xây cất vào tháng 8/1968, tổng cộng cần tới khoảng 70 tấn vật liệu xây cất liệu xây cất hạng nặng được máy bay chở đến. Đến đầu tháng 9, khoảng một phần tư trại được hoàn tất. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ cuộc tấn công lần trước và trận đánh tại trại Ashau vào tháng 3/1966, trại mới được xây cất theo quan niệm "chiến đấu riêng rẽ, yểm trợ hỗ tương". Trại được chia làm 4 khu vực phòng thủ, mỗi khu do một đơn vị đảm trách, có hàng rào kẽm gai riêng như một tiền đồn biệt lập với các công sự có xạ trường hữu hiệu, khai thác được tối đa hỏa lực súng cộng đồng cũng như súng cối. Như vậy, dù địch quân có chiếm được một khu cũng sẽ khó tràn ngập trại vì các khu khác vẫn có thể tiếp tục chiến đấu như một trại riêng. Tuy nhiên, các khu vực phòng thủ chiến đấu biệt lập này lại có thể liên hoàn yểm trợ lẫn nhau khi hữu sự.
Nằm giữa các khu vực phòng thủ là phòng tuyến trung ương cũng có hàng rào kẽm gai riêng, ngoài các công sự chiến đấu, còn có hầm chỉ huy toàn trại, được xây cất bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố ngầm dưới đất. Trên nóc hầm phòng thủ là một đài quan sát có thể nhìn bao quát quanh trại. Hầm chỉ huy là khu vực tối mật, các DSCĐ không được lai vãng.
Trong thời gian xây cất, có một Tiểu Đoàn thuộc SĐ 1 BB thường xuyên tuần tiễu giữ an ninh trong vùng. Tới tháng 10, khi trại xây cất gần xong và nhân sự bắt đầu di chuyển vào trại, còn có 2 toán Mike Force tăng cường yểm trợ tại sườn Tây và Nam. Tổng cộng, phí tổ xây cất lên tới trên một triệu đô la, riêng hầm chỉ huy tốn gần hai trăm ngàn. Theo ước tính, trại có thể cầm cự được với địch quân cấp trung đoàn.
ĐỊCH GIA TĂNG ÁP LỰC
Trong khi đó, tình hình tại vùng Khe Sanh mỗi ngày một sôi động vì địch gia tăng xâm nhập. Theo tin tình báo, ngoài các binh trạm bên Lào, Đoàn 559 của địch còn có 11 Đại Đội Vận Tải, rất đông dân công và có chừng 6 tới 7 trăm xe vận tải. Tài liệu tịch thu được còn cho biết vào cuối tháng Giêng, địch đã di chuyển khoảng 800 tấn quân nhu tới một địa điểm không rõ nhưng nghi ngờ là vùng Khe Sanh và khoảng 50 tấn khác, có lẽ vào vùng Ashau. Về lực lượng tác chiến, tin tức cho biết các Sư Đoàn 320 và 304 Bắc Việt hoạt động trong vùng để chuẩn bị tấn công Khe Sanh. Tổng cộng, lực lượng địch ước đoán lên tới khoảng 22,000 người.Để việc chuyển quân và tiếp vận được dễ dàng, trước khi tấn công Trại Làng Vei và căn cứ Khe Sanh, Cộng quân cần thanh toán các vị trí lân cận. Trước hết, ngày 21 tháng Giêng năm 1968, địch quân tấn công chi Khu Hướng Hóa đóng tại làng Khe Sanh. Lực lượng phòng thủ gồM ĐPQ/NQ cơ hữu cùng một Tiểu Đội CAC TQLC/HQ đẩy lui 2 đợt tấn công, gây tổn thất nặng nề cho địch. Khi trận đánh xảy ra, cố vấn trưởng chi khu là Đại Úy Bruce Clark yêu cầu TQLC/HQ tại Khe Sanh tăng viện, nhưng một Đại Đội TQLC chỉ tiến tới một ngọn đồi gần Chi Khu rồi lại trở về căn cứ vì cho rằng tình hình đã tuyệt vọng. Tuy lực lượng ĐPQ/ NQ đã anh dũng chiến đấu, giữ vững vị trí, nhưng trước áp lực quá mạnh của địch quân lại không được tăng viện nên phải di tản về căn cứ Khe Sanh.
Sau khi chiếm được làng Khe Sanh, quân Bắc Việt tấn công Ban Houei Sane nằm về phía Nam đường số 9 trên phần đất Lào, chỉ cách biên giới Việt Nam chừng mươi cây số. Nhiều nguồn tin cho biết Tiểu Đoàn 33 BV thuộc Hoàng Gia Lào trấn giữ vị trí này chỉ để làm cảnh, vì TĐT là Trung Tá Soulang đã từ lâu thỏa thuận ngầm với quân BV đôi bên không xâm phạm lẫn nhau. Nhưng dù có thỏa thuận hay không, trước khi tiến đánh Làng Vei và Khe Sanh, địch phải thanh toán vị trí này để rộng đường chuyển quân từ Lào sang phần đất Việt Nam. Vì vậy, trong đêm 23 rạng ngày 24 tháng 5, quân Bắc Việt dùng một Trung Đoàn có 7 chiến xa yểm trợ tấn công Ban Houei Sane. Khởi đầu bằng cuộc pháo kích chừng 200 đạn pháo binh cỡ 100 ly hay lớn hơn. TĐ 33 BV Lào, danh hiệu truyền tin "Elephant" được Không Quân HK gửi 2 oanh tạc cơ B-57 đến yểm trợ, nhưng vì không rõ tình trạn địch bạn dưới đất nên không can thiệp. Sau đó, Toán Không Yểm ASRAT Bravo tại Khe Sanh dùng radar hướng dẫn phi cơ nhưng vì địch quân xâm nhập vị trí phòng thủ quá nhanh nên không kịp yểm trợ. Tới 7 giờ sáng, địch thanh toán và hoàn toàn làm chủ Ban Houei Sane.
Trong khi đó, địch vẫn đè nặng áp lực lên Khe Sanh bằng những trận pháo kích nặng nề khiến kho đạn chính bị phát nổ, đạn dược chỉ còn lại chừng 10% cấp số. Tuy bị bao vây, nhưng Trung Đoàn 26, Sư Đoàn 3 TQLC dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lownds vẫn tin tưởng sẽ giữ vững căn cứ nhờ vào sự yểm trợ vô giới hạn của phi cơ và pháo binh. Ngày 27 tháng Giêng, lực lượng tăng viện cuối cùng đến Khe Sanh là TĐ 37 BĐQ/VNCH thuộc Liên Đoàn 1 BĐQ đến từ Phú Lộc do Đại Úy Hoàng Phổ chỉ huy. Đại Tá Lownds đưa đơn vị này trấn đóng phía cuối phi đạo, ngoài chu vi phòng thủ, có dư luận vì sợ bị nội tuyến. Sau này, TĐ 37 BĐQ đã chiến đấu rất anh dũng và được các quân nhân Hoa Kỳ thán phục.
Tại trại Làng Vei, mối liên hệ giữa TĐ 33 BV Lào và LLĐB không mấy tốt đẹp vì vụ tước khí giới. Trung Tá Soulang từ chối không chịu phối hợp với người kém cấp bậc là Đại Úy chỉ huy LLĐB Frank C. Willoughby. Do đó Trung Tá Daniel F. Schungel, Chỉ Huy Trưởng BCH-C tại Đà Nẵng và Trung Tá Hoadley Chỉ Huy Phó phải thay phiên nhau mỗi ngày bay tới Làng Vei để làm việc hàng ngang với Trung Tá Soulang. Tuy vậy, quân Lào cũng chỉ chấp nhận một toán nhỏ gồm 3 quân nhân LLĐB Hoa Kỳ làm cố vấn.
Ngày 30 tháng Giêng, Trung Sĩ Lương Đình Du thuộc Đại Đội 8, Tiểu Đoàn 8, Trong Đoàn 66, Sư Đoàn 304 Bắc Việt hồi chánh tại trại Lang Vei, cho biết đơn vị anh bị tổn thất đến 50%, Trung Đoàn chỉ còn lại chừng 1,000 người. Nhiệm vụ của Trung Đoàn 66 là cắt đứt đoạn đường từ Làng Vei tới căn cứ Khe Sanh và sau đó sẽ tấn công trại Làng Vei. Du cũng cho biết một toán thám sát đã điều nghiên kỹ càng mục tiêu vào ngày 28 tháng Giêng. Để phòng ngừa, một toán Mike Force do Trung Úy Paul Longgrear chỉ huy được lệnh bung ra tuần tiễu. Trưa ngày 31 tháng Giêng, toán Mike Force chạm chừng một tiểu đoàn địch trên đường số 9 cách trại không xa, bắn hạ 54 tên tại chỗ. Trước áp lực mỗi ngày một tăng, cộng thêm tin tức khai thác được từ hồi chánh viên, Đại Úy trưởng trại Willoughby thay đổi kế hoạch phòng thủ. Trước đây, vì những hiềm khích giữa toán Mike Force tăng phái người Hré và nhóm CIDG cơ hữu người Bru nên toán Mike Force được chỉ định đóng tiền đồn tại một vị trí cách trại chừng 800 thước về phía Tây; bây giờ, mỗi tối chỉ cho một trung đội Mike Force đón tiền đồn, quân số còn lại chừng 200 người được rút về phòng thủ khu trung tâm trại cùng với 3 Trung Đội Viễn Thám (TrĐ/VT tức CRP - Combat Reconnaissance Platoon).
Xem Tiếp Phần 4