Nhân vật Lịch sử: Nguyễn Hải Thần, Lý đông A

Sự kiện lịch sử

Nhân vật Lịch sử

Các nhân vật lịch sử bị Cộng Sản Việt Nam bắt, bỏ tù, giết, thủ tiêu, truy đuổi... từ trước "Cách Mạng Tháng 8/ 1945" đến bây giờ.

Bài 2
 
4./ Nguyễn Hải Thần
     


Ông có tên thật là Vũ Hải Thu, còn có tên là Nguyễn Cẩm Giang, không rõ tên nào thật, quê ở Đại Từ Hà Nội, - dân Hà Nội - Ông đậu Tú Tài Hán Học, nên người ta còn gọi ông là "Ông Tú Đại Từ".
     
      Nói rõ thêm về thời đại ông như thế nầy: Năm 1905, Nhật thắng Nga, người Tầu, người Việt bỗng "sáng mắt" thấy rằng, nếu biết canh tân như Nhật thì đủ sức chống lại các đế quốc Tây Phương đang xâm lăng các nước nhược tiểu châu Á. Ở nước ta, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du nổi lên là vì vậy.

      Sĩ phu nước ta bèn họp nhau bàn chuyện Đông Du, cử cụ Phan Bội Châu sang Nhật "cầu viện". Ý tưởng ban đầu là cầu viện, tức là cầu Nhật đem quân sang đánh Pháp, như ngày trước, đã từng cầu quân Tàu vậy. Tàu thì đã thua liểng xiểng, chưa tự cứu họ được, sức đâu mà còn cứu "An-nam ta".

      Qua tới Tàu, cụ Phan găp hai nhà cách mạng Tàu là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Hai ông nầy nói cho Cụ Phan biết, "cầu Nhật" thì cũng chỉ là "dịch chủ tái nô" mà thôi, nên họ khuyên Cụ Phan nên lo tới việc "đào tạo cán bộ" trước đã, còn độc lập cũng không hiếm khi cơ hội.

      Nhờ Khang và Lương giới thiệu, Cụ Phan qua Nhật được thủ tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị tiếp - tên ông nầy là tên Nhật, tôi viết lại theo cách phiên âm của Cụ Phan trong "Tự Phán". - Thủ tướng Nhật đồng ý cho du học sinh Việt Nam sang Nhật học tại hai trường "Chấn Võ" - quân sự - và Đồng Văn - hành chánh - để sau nầy phục vụ đất nước, sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Pháp.

      Có một chuyện vui, nghĩ lại mà đau:
      Buổi sáng, thủ tướng Nhật vui vẻ nói chuyện với Cụ Phan. Bồi bếp dọn ăn sáng cho hai người: Một dĩa khoai lang. Thủ tướng Nhật mời Cụ Phan điểm tâm. Trong khi Cụ Phan chưa kịp làm gì thì thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị cầm một củ khoai đưa lên, bẻ khoai ăn, không cần lột võ. Vừa ăn, thủ tướng Nhật vừa nói: "Đại trượng phu ăn khoai cần gì lột vỏ..." Câu nói làm Cụ Phan phục quá.

      Ai học về Nguyễn Công Trứ, chắc không quên câu  "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no…" trong bài "Hàn nho phong vị phú". Người quân tử "ăn rau" vì chưa đắc thời, còn "hàn nho". Còn như thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị ăn khoai lang là khi đang làm thủ tướng. Đến khi "đắc thời", ngồi trên đầu thiên hạ, thì ăn "bò vàng", như bộ trưởng Tô Lâm thì gọi là gì ???

      Sau khi Pháp bắt tay với Nhật, Nhật giải tán các du học sinh Việt Nam đang học ở Nhựt, Nguyễn Hải Thần về Tàu, học trường Hoàng Phố, - một trường quân sự nổi tiếng của Tàu, sau trở thành giảng viên trường nầy.

      Khoảng các năm 1912/13 ông về nước tham gia việc mưu sát Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Việc không thành, ông trốn sang Tàu. Năm 1915, ông lại cùng Hoàng Trọng Mậu, Phan Bội Châu, đem quân cách mạng đánh đồn Tà Lùng ở Cao Bằng. Lại thu, ông lại trốn qua Tàu. Năm 1936, ông được Hồ Học Lãm mời tham gia Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Mấy năm sau, ông cùng Trần Trung Lập đem quân tấn công Đồng Đăng - Lạng Sơn -  lại thua nữa. Sau đó, ông cùng Lý Đông A thành lập Duy Dân. Năm 1942, ông cùng Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, thành lập Việt Cách, tên đầy đủ là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.

      Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh năm 1945, ông theo quân của tướng Tàu Lư Hán, trở về Hà Nội. Ông gặp tên tướng Tàu là Tiêu Văn, yêu cầu không công nhận chính phủ của Hồ Chí Minh. Bấy giờ Tiêu Văn nhận một số vàng do Hồ Chí Minh đút lót, vì vậy, Tiêu Văn không đồng ý. Nguyễn Hải Thần cho người thương thuyết với Hồ Chí Minh để hai bên liên minh chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, hai phe Việt Minh và Việt Cách vẫn xung đột nhau. Trước tình trạng đó, tướng Tàu Tiêu Văn buộc hai phe phải thành lập chính phủ liên hiệp. Hồ Chí Minh buộc lòng phải mời Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch chính phủ. Chính phủ liên hiệp ra đời, gồm Việt Minh, Việt Cách, Việt Minh... Tiêu Văn hứa giúp Việt Nam chống lại Pháp đang chuẩn bị tái chiếm VN một lần nữa. Hồ Chí Minh chịu chia cho phe Việt Cách Việt Quốc 70 ghế trong quốc hội mới được bầu.

      Sau đó, Hồ Chí Minh ký Hiêp Định Sơ Bộ với Pháp để Tàu rút về nước, quân Pháp đến thay thế - đánh kẻ thù xa dễ hơn đánh kẻ thù gần, đảng phái Quốc Gia không còn chỗ dựa vào Tàu - Việt Minh tấn công Việt Cách, Việt Quốc bằng quân sự, khiến phe nầy phải chạy trốn sang Tàu. Trong số nầy, có lãnh tụ Nguyễn Hải Thần,

      Ông mất tại Hồng-Kông năm 1959./
 
5./ Lý Đông A

      Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam - CSVN - cũng sợ Lý Đông A như sợ Trương Tử Anh. Lý Đông A chống Cộng Sản "đúng nguyên tắc": "Một học thuyết chống một học thuyết."  Cũng như Trương Tử Anh, học thuyết chống Pháp giành độc lập, xây dựng đất nước của Lý Đông A cũng đặt căn bản trên tinh thần, văn hóa, hoàn cảnh riêng của người Việt Nam, chứ không lấy cái "khuôn mẫu" của Nga - Tàu mà tròng lên đầu dân tộc Việt Nam. Như trong bài viết "Chủ Nghĩa Xã Hội, con đường đi tới của nhân loại", tôi có nói rằng, rồi đây, dân tộc các nước muốn tồn tại và phát triển, phải tiến lên con đường Xã Hội Chủ Nghĩa của riêng mình, thích hợp với dân tộc và đất nước mình, chớ không thể, như Cộng Sản, lấy cái "khuôn mẫu" của "quốc tế" mà áp đặt lên đầu mọi đất nước được.

      Trước đây gần nửa thế kỷ, Trương Tử Anh, Lý Đông A đã biết như thế, thấy như thế, và đã vạch ra những con đường đi tới như thế, chứ không như Hồ Chí Minh, không nghĩ ra được cái gì cả, không thấy được cái gì cả, cứ bê nguyên cái của Nga, của Tàu mà tròng lên đầu dân tộc Việt Nam. Không phải như thế là sai, sai quá đi chăng. Chỉ chừng đó, chúng ta thấy viễn kiến của Trương Tử Anh, Lý Đông A xa rộng tới chừng nào. Hèn chi, sau hiệp định Paris 1973 về hòa bình Việt Nam, Nixon nói một câu, nghe đau lòng cho người Việt, người Việt phía Bắc, cũng như phía Nam: "Người Trung Hoa dùng chủ nghĩa Cộng Sản mà xây dựng đất nước; còn người Việt Nam lấy đất nước mà phục vụ cho chủ nghĩa Cộng Sản." Như thế mà gọi rằng "Đảng ta vinh quang" được sao?
 
      Có sách báo viết rằng "Ông" - Lý Đông A - là một nhà triết học, một học giả, một nhà cách mạng, một chính trị gia tài giỏi. Ông là tác giả cuốn "Việt Sử Thông Luận", Ông "xử dụng "phương pháp luận "dịch lý" trong tư tưởng Trung Hoa cổ.

      Tên thật của ông là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1920 hay 1921 tại làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông biết chữ vào năm ba tuổi, là một thần đồng, nhưng chỉ đậu "sơ học yếu lược" - lớp Ba - Ông học chữ nho với các thầy đồ, các nhà sư trong tỉnh. Người nào cũng khen ông quá giỏi, "thầy không đủ chữ mà dạy" nữa. Thân phụ ông là Nguyễn Chi Phương.

      Năm 15 tuổi, ông vào Huế, chăm sóc cho Cụ Phan Bội Châu, khi Cụ Phan bị giam lỏng ở Bến Ngự. Sau đó, ông vào tu ở chùa Yên Tử, nghiên cứu và xây dựng học thuyết "Duy Dân", lấy tên hiệu là Lý Đông A.

      Theo Hán tự, Hai chữ Đông-A ghép lại là chữ Trần. Ý người viết muốn dựng lại thời huy hoàng trong lịch sử như Triều Lý, triều Trần.


      Ông liên hệ thường xuyên với các nhà cách mạng trong "Việt Nam Quang Phục Hội" của Cụ Phan.

      Năm 1940, ông tham gia "Phục Quốc Quân", làm ủy viên chính trị, cùng Đoàn Kiểm Điểm, Trần Trung Lập khởi nghĩa ở Lạng Sơn. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, ông cùng đám tàn quân chạy qua Tàu.

      Ở Tàu, ông lại liên lạc với nhiều nhà cách mạng đang lưu vong bên đó, như Nguyễn Hải Thần, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Tường Tam và cả Hồ Chí Minh, và viết sách, khoảng 30 tác phẩm.

      Ngày 1/1/ 1943, ông thành lập và làm tổng thư ký "Đại Việt Cách  Mạng Duy Dân Đảng", gọi tắt là "đảng Duy Dân". Khi "Hoa quân nhập Việt", ông bí mật xây dựng cơ sở ở Hòa Bình, phát triển mạnh ra ở Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nam, tổ chức quân đội, huấn luyện quân sự.

      Lực lượng của ông bị Việt Minh tấn công, Lý Đông A phải chạy về Ninh Bình, rồi lại chạy trốn lên Hòa Bình.

      Ông dự trù đánh chiếm thị xã Hòa Bình, rồi tiến chiếm Sơn La, nhưng công cuộc không thành, lại bị Việt Minh tấn công. Ông bị giết tại Bến Chương, xã Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình.

      Sau 1954, một số đồng chí cũ của ông cho xuất bản một số tác phẩm của ông ở Saigon. Sau 1975, sách của ông bị tịch thu và thiêu hủy./

hoànglonghải

(Kỳ tới: 7./ Tạ Thu Thâu).









 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top