Nhân vật Lịch sử bị CS sát hại: Cụ Thiều Chửu

Sự kiện lịch sử

Nhân vật Lịch sử

Các nhân vật lịch sử bị Cộng Sản Việt Nam bắt, bỏ tù, giết, thủ tiêu, truy đuổi... từ trước "Cách Mạng Tháng 8/ 1945" đến bây giờ.



 
9./ Cụ Thiều Chửu

      (Thiều Chửu, có nghĩa là cái chổi quét bụi, thể hiện rõ tâm nguyện của mình là "cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng giáo hội qua ngòi bút cải cách của mình". Ngoài ra, "hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp")

      Nôm na thì người ta gọi là tài giỏi, uyên bác. Viết theo sách thì gọi là "nhà": "Nhà Văn Học", "Nhà Sử Học", "Nhà Nghiên Cứu Phật Học", "Nhà Tu Hành", "Nhà Cách Mạng", và còn là một "Nhà Từ Thiện". Ông có một "bầy cô nhi" mà ông phải nuôi.

      Người ta gọi ông - Cụ - như thế vì công trình của ông đối với các lãnh vực như nói trên là lớn lắm, có người gọi là "đồ sộ". Cụ còn là một nhà tu hành, không ở Chùa, mà ở nhà. Thông thường, gọi là cư sĩ.

      Tại sao không ở chùa, mà ở nhà? Thật ra, không phải ở nhà, mà ở chung với đám cô nhi, trong cái nhà Cụ nuôi cô nhi. Cụ ở chung với chúng.

      Sau nầy, - khoảng giữa thập niên 1950 -, giáo sư Thạc Đức có nhiều bài viết về "Đạo Phật Hiện Đại Hóa", "Đạo Phật Đi vào Cuộc Đời"... Nói chung, nhiều bài lắm. Tuy nhiên, trên lãnh vực nầy, có lẽ Cụ Thiều Chửu là người đi tiên phong, rõ nhất là trong việc cứu tế. Khi tản cư khỏi Hà Nội, theo lệnh của chính quyền Việt Minh lúc bấy giờ, - 1946 - Cụ đem một bầy cô nhi đi theo. Thời kỳ giặc giả, Cụ bỏ chúng bơ vơ sao được! Cụ tin vào triết lý cứu khổ, cứu người của đạo Phật, vì vậy mà Cụ "mang tội" với Việt Minh.

      Ngay từ khi còn trẻ, Cụ Thiều Chửu đã có cái nhìn "xã hội", vai trò của dân chúng trong đời sống xã hội Việt Nam. Hồi còn trẻ đó, trong lễ tang bà nội, khi đọc đến câu Phật nói “Dân chúng là cha mẹ bao đời của ta, ta phải hiếu kính cúng dàng; muôn vật đều có tính Phật, cũng bình đẳng với ta; ta phải làm cho mọi người đều bình đẳng”. Ông theo Phật, nhưng theo một con đường khác với nhiều người tu hành từ trước tới nay. "Phật giáo hiện đại hóa", "Đạo Phật đi vào cuộc đời" có phải bắt đầu ở điểm nầy. Trong viễn tượng đó, Cụ chọn "Pháp danh" là "Tịnh Liễu" - trong sạch và hiểu biết - cũng không có gì lạ.
 
      Về tác phẩm, cụ là dịch giả "Khóa Hư Lục" - kinh cứu khổ -, tác giả là vua Trần Nhân Tông. Cụ làm quản lý, biên tập cho báo "Đuốc Tuệ". Ngoài cuốn "Hán Việt Từ Điển" soạn rất công phu, Cụ cũng có tổng cộng 93 tác phẩm viết và dịch, 14 bộ kinh Phật như Kinh A-Di-Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Phả Môn, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương Kinh Lễ Sáu Phương, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư. Các sách dịch khác của Cụ có thể kể: "Vì sao tôi tin Phật giáo", "Phật học cương yếu", "Tây du ký"...

      Nguyễn Lang (Nhất Hạnh) trong "Việt Nam Phật giáo sử luận" đánh giá "các bản dịch của ông rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng", "Khóa Hư " là loại văn biền ngẫu rất khó dịch".

      Cụ có một cái nhìn rất rộng, giải thích truyện "Quan Âm Thị Kính" bằng triết lý đạo Phật, coi như đó là một cuốn kinh Phật.

      Tác phẩm cuối của Cụ là "Con Đường Học Phật Ở Thế Kỷ 20"

      Cụ tham gia tích cực vào các hội đoàn.
      Bản chất là một người năng động, tích cực với cuộc đời, Cụ tham gia nhiều tổ chức, hội đoàn..., một cách hăng hái, nhiều sáng kiến, ưa cải tiến, thay đổi. Có phải đó là "tinh thần cách mạng". Chẳng hạn như cùng Thích Trí Hải vận động thành lập Hội Phật Giá Bắc kỳ, để "vực" đạo Phật đứng lên, vì ít lâu nay, một phần vì Tây xâm lăng, cùng với các ông cha Tây đánh phá Phật giáo dữ dội, một phần đạo Phật tự nó cũng suy đồi, biến thành loại trừ ma, trừ quỉ, thầy cúng, thầy bói, cúng kiến, là một nghề sinh nhai cho nhiều người.

      Mười tám tuổi, Cụ đã viết báo Nam Phong, một tờ báo rất kén người viết của học giả Phạm Quỳnh. Do đó, khi báo và nhà in Đuốc Tuệ ra đời, Cụ được giao làm quản lý, không thù lao. Hội Phật Học Bắc kỳ còn giao cho Cụ phụ trách tài chính của "Ban Hưng Công" chùa Quán Sứ (Hà Nộ); Ông hội trưởng Hội Phật Học Bắc Kỳ bảo Cụ khai thành tích để làm sớ xin vua Bảo Đại ban phẩm hàm, Cụ trả lời: “Tôi chỉ thích làm người bạch đinh thôi… Nếu cứ ép tôi xin phẩm hàm, tôi sẽ lên rừng ở."

      Việc nầy cũng tương tự như việc Hồ Chí Minh mời Cụ làm bộ trưởng Cứu Tế - Xã Hội, Cụ cũng từ chối. Việc từ chối nầy có làm cho Hồ Chí Minh "phiền lòng", đưa tới việc Cụ bị đấu tố, khiến Cụ phải tự tử mà Hồ Chính Minh không hay biết gì cả! Cụ là hậu duệ một gia tộc sĩ phu, khoa bảng, yêu nước. Thân phụ của Cụ là Cụ Nguyễn Hữu Cầu, sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, bị đày Côn Đảo.

      Khi hoạt động cho Hội Phật Học Bắc kỳ, Cụ cho biết: “Khi đi sâu vào nhà chùa, tôi thấy sự tổ chức ở chùa không đúng một chút nào với lời Phật dạy; trái lại hoàn toàn dập theo khuôn khổ phong kiến chia giai cấp rất khắc nghiệt, hưởng thụ xa xỉ, bỏ mất hẳn cái tinh thần trọng lao động, không theo quy chế "Một ngày không làm một ngày nhịn ăn" của Tổ Bách Trượng."

      Cụ không vào chùa làm sư, "mà chỉ làm cư sĩ tu tại gia, suốt đời vừa lao động kiếm sống vừa hoằng dương Phật Pháp". Cụ "không vợ con, suốt đời trường trai mà mỗi ngày chỉ ăn một bữa đúng giờ Ngọ, mặc nâu sồng, đi guốc mộc tự đẽo lấy, đêm nằm trên tấm phản kê dưới nền nhà, không màn, mùa rét đắp chiếc chăn sợi mỏng."

      Đã là "dấn thân vào đời", "cứu khổ cứu nạn" thì Cụ "vào chùa" thế nào được! Ông bà chúng ta ngày xưa cũng thực tế lắm, từng bảo rằng: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa." Cách tu như thế, Cụ trở thành mối liên hệ giữa quần chúng và giới tu hành. 

      Nhà nghèo, Cụ không được đi học. Cụ kể: Nhà nghèo quá, chị em tôi 7-8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm, nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng. Tôi suốt ngày đứng rình ở cổng nhà pha [tức nhà tù Hỏa Lò] Hà Nội, hễ thấy bố bị giải sang Tòa án thì chạy theo, bị lũ mật thám đánh rất đau. Tôi căm thù tủi nhục nhưng thân hèn biết làm gì?

      Năm 16 tuổi, Cụ một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam, bán bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên mất hết vốn, Cụ phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí hành khất. Hai năm trời cực nhục ấy khiến ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ cứu người của đạo Phật.

      Thủa bé được bà nội dạy chữ Hán và Quốc ngữ; và nhờ tự học mà Cụ sớm tinh thông Tứ Thư Ngũ Kinh, ba mươi tuổi thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, am hiểu Hán học, Phật học. Khi bà chị ruột túng bấn, Cụ thôi việc hiệu thuốc để giúp chị mưu sinh bằng nghề cho thuê đòn tang. Hai mưới tám tuổi, Cụ giúp cậu em họ kiếm sống bằng cách cùng mua một máy in dập chân, thuê nhà số 36 phố Sinh Từ, Hà Nội, mở hiệu sách Hòa Ký, - hiệu sách: ký - và “Lục Hoà” của Phật. Hai anh em in ấn, xén giấy, đóng sổ sách, bán sách vở, sống tằn tiện nhưng vẫn cưu mang người thất nghiệp.

      Cụ có tinh thần "độc lập dân tộc" về cả lãnh vực văn hóa. Cụ bảo: “Vì kém tinh thần tự lập cho nên ta cứ vùi đầu với kinh chữ Hán, ít người dám dịch kinh sang tiếng ta. Kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán được, thì dịch ra chữ ta cũng được chứ sao! Chữ Quốc ngữ của ta rất dễ phổ biến, dịch âm lại đúng hơn chữ Hán".

      Ngay từ năm 1946 Thiều Chửu từng khẳng định học thuật của nhà Phật có giá trị như khoa học. Cụ nghiệm ra điều đó từ chỗ thấy "Phật Tổ chưa bao giờ thần bí suy tôn một đấng tối cao sáng tạo ra vũ trụ và có khả năng giải thích mọi sự vật." Rồi dự đoán khi khoa học phát triển cao, “các tôn giáo có lập trường thần bí tất sẽ bị đào thải. Thế giới ngày nay không ai không tin khoa học… Lập trường của Phật Giáo trăm phần trăm đúng với cái đích của nhân loại tiến hóa tột bực sẽ tới, lẽ tự nhiên Phật Giáo sẽ không bị đào thải, trái lại càng rực rỡ quang vinh.”

      Chính Cụ là một trong số rất ít người cùng thời ngày ấy hiểu được rằng đạo Phật có bản chất khoa học. Nhà bác học Einstein cũng nói đạo Phật không trái với khoa học, vì thế có thể đóng vai trò “một tôn giáo vũ trụ (a cosmic religion) và nó bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học (It embraces science as well as goes beyond science)”. Einstein còn nói: “Đạo Phật bắt đầu tại nơi khoa học kết thúc (Buddhism begins where Science ends)”.

      Nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận nhận xét: “Đạo Phật không hề nói về một Thượng Đế cá nhân, Đức Phật chưa bao giờ gán cho mình bản thể thần thánh“. (Tôi tự in đậm)

      Quan điểm nầy, "đụng chạm" với tín lý của đạo Thiên Chúa La Mã dữ dội lắm.

      Cụ Thiều Chửu có một niềm tin mạnh mẽ và vững chắc, vào Phật giáo, trong hiện tình đất nước hồi đầu thế kỷ 20, rằng đạo Phật sẽ loại bỏ được những điều xấu xa như mê tín, dị đoan, trừ ma, diệt quỉ... là những thứ góp phần vào thế lực xâm lăng của bọn Tây Dương. Bọn chúng đánh phá đạo Phật làm cho tôn giáo lớn nầy của dân tộc càng ngày càng suy đồi. Cụ tin tưởng mạnh mẽ và sâu sắc vai trò của đạo Phật ngày sau, không chỉ cho Dân Tộc mà còn Nhân Loại nữa.

      Năm 1946, theo lệnh "tản cư" của Việt Minh, Cụ phải đem một đoàn cô nhi khoảng 50 em, ra khỏi Hà Nội. Bỏ chúng lại cho ai được? Với lại, bây giờ đời sống người dân Bắc Kỳ cũng khó khăn lắm: Vừa qua khỏi "nạn đói Năm Ất Dậu" tới hai triệu người chết vì không có ăn, lại Tây xâm lược lần nữa, chiến tranh sắp xảy ra, trai tráng hầu hết ra chiến trường. Ai giúp ai cái gì được? Thành ra Cụ nai lưng ra mà gánh bọn trẻ, bọn trẻ lại đang tuổi đang cần ăn.

      Cụ dẫn bọn trẻ tạm trú tại ấp Đồng Tâm, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. Cụ và bọn trẻ phá đất trồng khoai mì (sắn), trồng lúa, trồng rau... để có cái ăn. Nhờ cần cù, chăm chỉ, Cụ với bọn trẻ có đủ ăn, không phải đói như dân chúng nhiều nơi khác, nơi Việt Minh gọi là "Vùng Tự Do", do Việt Minh cai trị.

      Thế rồi năm 1953, phong trào Cải Cách Ruộng Đất xảy ra ở Thái Nguyên, nơi làm mẫu mực, khởi đầu, có cán bộ Tàu Cộng đang chỉ đạo cho cán bộ Cộng Sản Việt Nam. Bọn chúng "phóng tay phát động nông dân đấu tranh đánh đổ địa chủ", đòi giảm tô, đòi lấy lại ruộng.

      Không cần biết Cụ là ai, không cần biết tới đám trẻ mồ côi sống sót được là nhờ Cụ biết lo cho chúng, bọn chúng đấu tranh Cụ, cho Cụ là "địa chủ bóc lột", là "cướp đất của nông dân", v.v... và v,v...

      Ngày 16 tháng 6 năm 1954, bọn cán bộ Cộng Sản gọi Cụ tới, Cụ kể: Bọn chúng “xỉa xói mắng nhiếc luôn ba bốn giờ, vu cho tôi đủ các tội ác, dùng những lời nói rất khinh bỉ, hà khắc, chỉ khác với đấu tố là chưa phải quỳ thôi” “Tôi không được cãi, vì cãi cũng vô ích, nói vài câu là bị cắt; ai nghe theo lẽ phải nữa mà nói.”

      Cụ không chịu đựng được nữa, oan ức quá. "Rạng sáng ngày 15 tháng 7 năm 1954 tức 16 tháng 6 Giáp Ngọ (12 ngày trước hôm ký Hiệp định Đình chiến Geneva), Cụ lặng lẽ tự trầm mình ở nơi có tên là thác Huống, trên sông Cầu. Cụ chọn ngày chết đúng một ngày sau ngày giỗ thân phụ là cụ Cử Cầu. "Các học trò ông tìm thấy trên bờ sông còn lưu lại hương hoa ông làm lễ bái lạy vĩnh biệt tổ quốc, nhân dân và tổ tiên trước khi lao mình xuống dòng nước."

      Thiền sư Lê Mạnh Thát nhận định về cái chết của Cụ: Cái chết “Thiên cổ kỳ oan”, vì nước vì dân, không oán hận, không cầu minh oan, chỉ có Bồ Tát mới làm được ấy”.

      Có người nhận xét rằng Cụ Thiều Chửu quả là quá trong sạch, ngây thơ chính trị, chưa hiểu quy luật tàn nhẫn của đấu tranh giai cấp. Tôi cũng nghĩ vậy. Là người tu hành, tâm hồn trong sáng, dễ tin, Cụ quá tin vào "cách mạng", "cách mạng" kiểu Hồ Chí Minh, kiểu Cộng Sản, cho nên Cụ đã bị bọn chúng lừa dối. Cụ thấy mình, bị oan oan, oan ức đến nỗi Cụ thấy Cụ bị: "Cái án "mạc tu hữu" (vu cáo) mà ông Nhạc Phi phải chịu đời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa."

          Cụ qua đời, Vũ Thế Vinh, học trò của Cụ làm hai câu thơ khóc thầy:
         
                    Liễu ngộ chân như, ngon giấc nghìn năm dòng Tịnh Thủy,
                    Điểm chuông cảnh giác, nương mình muôn thủa Vệ Linh Sơn.

          Suốt đời Cụ, Cụ cứu được nhiều người nhưng Cụ lại không cứu được chính mình.


Vài lời của người viết:
          Hồi còn cặp sách, tôi biết rất ít về Cụ Thiều Chửu, ngoài việc Cụ là tác giả "Hán Việt Tự Điển". Cuốn tự điển ông chú tôi mua về để trong tủ sách. Cuốn nầy tra khó hơn "Hán Việt Tự Điển" của Đào Duy Anh, có điều, muốn đọc tự điển của Cụ phải tra theo bộ, theo nét... có lợi cho sự phát triển của trí óc người học.

          Trong ý nghĩ đó, tôi nghĩ viết về Cụ vài hôm là xong.

      Đến khi tìm tài liệu, tôi "đụng" phải một ngọn núi. Ngọn núi thật sự. Cụ là người đưa đạo Phật vào đời, Cụ là người hành động, không như giáo sư Thạc Đức, viết rất nhiều sách báo, lại càng khác với Hồ Hữu Tường, một lý thuyết gia, nhất là trong Minh Đạo của ông. Khi "phê" Minh Đạo với một người bạn từng làm trong Phủ Tổng Thống, anh bạn nói với tôi một câu khiến tôi suy nghĩ đến mấy hôm. "Nhân loại không đi theo con đường đó thì còn con đường nào?"

      Mấy năm làm việc ở Dinh Điền Cái Sắn, tôi không khỏi khen thầm cái trí lự của anh em Diệm Nhu, lúc ấy hai anh em họ Ngô nầy đã nằm yên ở Nghĩa Trang Mạc Đỉnh Chi rồi. Khi qua tới Mỹ, được anh bạn ở Tennessee, lái xe đưa đi xem một nông trường bắp ở tiểu bang nầy, mới thấy nước Việt Nam đi sau nước người ta xa quá, vài ba chục năm còn ngắn. Năm mươi năm hoặc dài hơn nữa... Làm sao mà "Dinh Điền Cái Sắn" từ Ngã Ba Lộ Tẻ vô tới Cầu Quằng xã Mông Thọ, dài gần một trăm cây số, chỉ là một nông trường mà thôi, chớ không chia năm xẻ bảy như hiện nay.

      Phải nói rằng Cụ Thiều Chửu không có cái nhìn xa đến như vậy. Nhưng Cụ là người rất lo cho người khác phải chịu cảnh đói. Cụ lớn lên trong cảnh nghèo đói, lại gặp nạn đói năm Ất Dậu, lại thấy cảnh đói trong mấy chiến tranh loạn lạc... Bao giờ cũng lo cho khỏi đói. Thành ra cái tâm của Cụ lớn lắm. Chính vì cái Tâm đó mà Cụ tự tử, như Cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc, hay như tướng Nguyễn Khoa Nam tự bắn vào mình. Cũng vì một chữ Tâm mà thái tử Tất Đạt Đa, một đêm nào đó, đã trốn ra khỏi thành Ca-Ti-La-Vệ để đi tu.

      Ngoài sự dấn thân, Cụ là nhà cách mạng, có tư tưởng cách mạng: Cụ muốn cải cách đường hướng tu hành của giới tu sĩ đạo Phật: Không ngồi trong Chùa tụng kinh giải thoát cho riêng mình mà đến với quần chúng. Cách tu hành nầy là "đụng chạm" với cách mạng vô sản. Quần chúng là thuộc về Cộng Sản. Họ không cho ai "đụng" vô. Nó cũng như "Bát Nhã đào tạo tăng sinh" của "ôông" Nhất Hạnh vậy.

      Chỉ chừng đó thôi, tôi đã ngộp thở trong những tài liệu nói về Cụ Thiều Chửu rồi...

hoànglonghải

(kỳ tới: 10./ Bà Cát Hanh Long)



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top