Nguyên Vũ: Thương hoài Mekong, Kỳ 3

Thương hoài Mekong. 

Thủy điện sông Mekong và tinh thần bạo thiên nghịch địa của ĐCSTQ

Nguyên Vũ
Kỳ 3: 




“Đấu Trời đấu Đất” thì ĐCSTQ sẽ dẫn dắt đất nước Trung Hoa đã từng có 5000 năm văn minh rực rỡ ấy đi tới nơi đâu? Còn Trời Đất nào khác dung thứ nổi? 

ĐCSTQ thử nghiệm vô tội vạ với môi trường và cuộc sống nhân dân như trò chơi con trẻ. Thật là coi sinh mệnh con người cũng như tương lai của con cháu, của dân tộc như trò đùa. Và phải chăng sau tất cả những điều ấy, ĐCSTQ vẫn có thể “sướng vô cùng” vì đã được “đấu Trời, đấu Đất, đấu người” như “kim khẩu” của Mao chủ tịch?
Ở Kỳ 2, ta thấy rõ khuôn mặt của hung thủ hạ sát dòng Mekong chính là hệ thống các đập thủy điện bố trí dày đặc suốt từ thượng nguồn đến hạ lưu con sông. Nhưng nghi phạm lớn nhất còn chưa lộ diện. Thực tế, chúng nằm ở đầu nguồn dòng Mekong trên lãnh thổ Trung Cộng . Đằng sau những đập thủy điện ấy là những mưu toan gì? gốc rễ tư tưởng của chúng nằm ở đâu? chúng ta hãy khám phá vấn đề này dưới góc nhìn văn hóa.
 

Phải chăng Trung Cộng  cố ý giữ lại nước trên thượng nguồn

Cuối những năm 1990, Trung Cộng  bắt đầu lên kế hoạch xây ít nhất 7 đập thủy điện trên dòng chính thượng nguồn Mekong và đến nay (05/2020) họ đã có tới 11 con đập trong đó có những đập thủy điện thuộc loại lớn nhất trên dòng Mekong như Nọa Trát Độ, Tiểu Loan, Cảnh Hồng, Đại Triều Sơn… với khả năng tích nước lên đến một vài chục tỷ m3 (1).
Ngày 12/04/2020, Điều tra của công ty Eyes on Earth, do chính quyền Mỹ tài trợ, cho thấy đã có rất nhiều nước từ cao nguyên Tây Tạng đổ về sông Lan Thương – tức là thượng nguồn sông Mekong tại Trung Cộng . Tuy nhiên, lúc này Bắc Kinh lại tuyên bố phía Trung Cộng  cũng bị hạn hán. Đồng giám đốc điều tra, ông Alain Basist, nhấn mạnh : ‘‘Không thể bác bỏ được các dữ liệu từ vệ tinh, trong khi có rất nhiều nước trên cao nguyên Tây Tạng, thì những nước như Cam Bốt và Thái Lan lại lâm vào cảnh thiếu nước… Đã có một lượng nước khổng lồ bị Trung Cộng  giữ lại’’.  (2) 


Kết quả cho thấy, trước năm 2012, dòng chảy được coi là diễn biến tương đối tự nhiên. Dòng chảy từ biên giới Trung Cộng  - Thái Lan trở xuống có thể dự báo trước, căn cứ trên lượng nước từ các con suối trên thượng nguồn và nước băng tan. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi có sự chênh lệch lớn giữa số liệu dự báo và số liệu thực của lượng nước xuống hạ lưu. Đó cũng là năm bắt đầu vận hành của thủy điện Nọa Trát Độ và sau đó là các thủy điện khác của Trung Cộng  trên dòng Lan Thương.

Theo điều tra của Eyes on Earth, tổng lượng nước mà các hồ chứa nước để làm thủy điện của Trung Cộng  ở đầu nguồn dòng Mekong có thể dự trữ là 47 tỷ mét khối – như vậy riêng các con đập này chiếm 1/10 lưu lượng hàng năm của con sông Mekong (là 475 tỷ m3 theo Wikipedia)
Rõ ràng, thủ phạm chính hạ sát Mekong đã lộ mặt - chính là 11 đập thủy điện Trung Cộng  nằm trên thượng nguồn của con sông. 


Thủ phạm chính hạ sát Mekong đã lộ mặt - chính là 11 đập thủy điện Trung Cộng . 
 

Trung Cộng  “Một mình một chợ”

Ngày 5/4/1995, 4 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đã ký Hiệp định sông Mekong. Theo thỏa thuận ký năm 1995, 4 nước thành viên này nhất trí tham vấn lẫn nhau khi mỗi nước lên kế hoạch xây đập. Ủy hội sông Mekong (MRC) được thành lập trên cơ sở đó.
Điều 3 của Hiệp định Mekong 1995 về Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái quy định: “Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện sống và đời sống thủy sinh, và cân bằng sinh thái của lưu vực Mekong khỏi bị ô nhiễm hoặc bị ảnh hưởng có hại khác do các kế hoạch phát triển và việc sử dụng nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực gây ra”.
Tuy nhiên, Trung Cộng  chọn đứng ngoài tổ chức này để không bị ràng buộc bởi các quy định chung và có thể tùy ý hành xử kiểu “một mình một chợ”.
 

Thủy điện ở thượng nguồn Mekong và
mục đích của Trung Cộng

Cơn khát năng lượng cho “giấc mộng Trung Hoa”
Ở Trung Cộng , thủy điện được quảng cáo là năng lượng "xanh sạch" tốt nhất thay thế cho các nhà máy điện đốt than, và sẽ mở đường cho sự phát triển của phía tây (3). Than và dầu khí cũng chính là 2 nhiên liệu cần thiết nhất đối với việc sản xuất điện năng ở Trung Cộng . Theo báo cáo của Cơ quan quản lý Năng lượng Trung Cộng  (NEA) năm 2014, nhiệt điện (sản xuất từ than, dầu mỏ, khí đốt) chiếm hơn 70% lượng điện năng được sản xuất ở đất nước này. Năng lượng mặt trời, gió, điện hạt nhân, thủy điện... dù được Chính phủ tạo điều kiện để phát triển, nhưng cũng chỉ đóng góp được khoảng gần 30% còn lại. Để thực hiện “Trung Hoa mộng”, “trỗi dậy hòa bình” hay các giấc mộng bá chủ khác, Trung Cộng  cần có một nguồn năng lượng khổng lồ. Thêm được chừng nào năng lượng thì hay chừng ấy, vậy thủy điện cũng phải vào cuộc.


Thêm được chừng nào năng lượng thì hay chừng ấy, vậy thủy điện cũng phải vào cuộc. 

Trung Cộng  âm thầm trữ nước cho tương lai

Trong hội thảo "Tác động từ những chính sách của Trung Cộng  đối với sông Mekong"sáng 8/10/2019 tại Hà Nội, Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ cho rằng: trong khoảng ba thập kỷ tới, Trung Cộng  có thể phải đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya sẽ cạn dần. Trung Cộng  còn có thể đang tìm cách khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử. "Vì sao Trung Cộng  vẫn xúc tiến kế hoạch xây đập? Tôi cho rằng Bắc Kinh đang muốn tích trữ nước cho tương lai", ông nói.

Nước - gọng kìm siết chặt lân bang

Nhưng không chỉ khống chế nguồn nước ngọt của Mekong, Trung Cộng  còn khống chế vùng biển Đông (hay biển Hoa Nam theo cách gọi của họ) qua việc thiết lập chủ quyền trong “đường lưỡi bò”, thành lập huyện Tam Sa thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam, Philippines… và xây dựng các căn cứ quân sự trên khu vực Trường Sa, Hoàng Sa cũng như ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông hay các hành động gây hấn khác. Như vậy là cả vùng nước ngọt lẫn nước mặn mà các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong sở hữu đều nằm trong tay Trung Cộng  khống chế như một gọng kìm siết chặt vào sự sống của các quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn trên trang Southeast Asia - Globe 03/05/2016, Giáo sư Marvin Ott từ trường Johns Hopkins ở Hoa Kỳ nói: "Các con đập trên dòng Mekong có ý nghĩa chiến lược vì chúng cho phép Trung Cộng  quyền lực quyết định sự sống hay cái chết với các nền kinh tế ở hạ nguồn trên cả vùng Đông Nam Á lục địa."(4)

Như vậy là cả vùng nước ngọt lẫn nước mặn mà các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong sở hữu đều nằm trong tay Trung Cộng . 

Tham vọng lãnh thổ của ĐCSTQ

Vào năm 1965 của Mao Trạch Đông tuyên bố: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam, Thailand, Miến Điện, Malaysia, Singapore. Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… "
Mỗi hành động, kế hoạch của con người hay quốc gia đều dựa trên một nền tảng tư tưởng để chỉ đạo. Trung Cộng  dưới sự cai trị của ĐCSTQ dựa vào nền tảng tư tưởng hay văn hóa gì để thúc đẩy những việc này? Không gì ngoài văn hóa “Giả, Ác, Đấu” mà ở đây chúng ta đề cập chủ yếu đến văn hóa “Đấu”: đấu Trời, đấu Đất, đấu Người.


Vào năm 1965 của Mao Trạch Đông tuyên bố: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam, Thailand, Miến Điện, Malaysia, Singapore..." 

Văn hóa “Đấu” của Đảng Cộng Sản Trung Cộng : ô nhiễm môi trường chưa đáng sợ bằng ô nhiễm nguồn tư tưởng.

Mao Trạch Đông viết trong khi còn là sinh viên ở Hồ Nam:
“Trong tất cả các thế kỷ, tất cả các quốc gia đều đã thực hiện những cuộc cách mạng vĩ đại. Những cái cũ bị rửa trôi đi và mọi thứ được nhuộm mới; những biến đổi to lớn đã diễn ra, kéo theo sự sống chết, thành bại. Sự hủy diệt của vũ trụ cũng như vậy. Sự hủy diệt rõ ràng sẽ không phải là sự hủy diệt cuối cùng, và không nghi ngờ gì là sự hủy diệt ở chỗ này sẽ là sự sinh thành ở chỗ khác. Tất cả chúng ta đều lường trước được sự hủy diệt đó, bởi vì trong việc hủy diệt vũ trụ cũ chúng ta sẽ tạo ra vũ trụ mới. Chẳng phải nó sẽ tốt hơn vũ trụ cũ hay sao?!”

Trong đoạn văn có hơn 100 từ này có tới tận 6 từ “hủy diệt”.

“Muốn tạo ra vũ trụ mới, thì phải hủy diệt vũ trụ cũ”, lý tưởng ấy của Mao Trạch Đông chưa bao giờ phai nhạt mà chỉ mạnh dần lên theo năm tháng vì đó chính là lý tưởng của ĐCSTQ mà ông ta là người đại diện. Khi đã là lãnh tụ tối cao của ĐCSTQ, Mao nói: “Đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người, thật sướng vô cùng”. Vì lý tưởng cuồng điên và ngạo mạn ấy, ĐCSTQ đã lôi dân tộc Trung Hoa vào hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác với những hậu quả ghê gớm vô cùng.


Vì lý tưởng cuồng điên và ngạo mạn ấy, ĐCSTQ đã lôi dân tộc Trung Hoa vào hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác.

Hãy nói về “đấu Đất”. Từ “đại luyện sắt thép”, “vây hồ tạo ruộng”, “bắt chim sẻ một cách điên cuồng”, “chặt phá bừa bãi”... lúc ĐCSTQ mới nắm quyền cho đến việc trả giá bằng môi trường để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như ngày nay, đều là chỉ quan tâm đến trước mắt, không màng đến phúc lợi của con cháu thế hệ sau, gây hủy hoại to lớn đối với tự nhiên. 

Tổng Cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia Trung Cộng  tiết lộ, để sản xuất ra sản phẩm có giá trị 10.000 Đô la Mỹ, nguyên liệu mà Trung Cộng  tiêu hao lớn gấp bảy lần Nhật Bản, gấp sáu lần nước Mỹ, thậm chí so với Ấn Độ còn gấp hai lần. Ngân hàng Thế giới cho hay, trên thế giới có 10 thành phố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, thì Trung Cộng  đã chiếm tới 6. Diện tích xói mòn đất của toàn quốc chiếm tới 38% đất, 471 huyện của 18 tỉnh (địa khu), đất canh tác và vườn của gần 400 triệu nhân khẩu nằm trong sự uy hiếp của sa mạc hóa. 

Ngày 26 tháng 08 năm 2006, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Cộng  trong một báo cáo kiểm tra môi trường, dùng những cụm từ như “nước ô nhiễm cả”, “mưa toàn axit”, “mức độ ô nhiễm nặng nề đến độ tim đập chân run”, “không thể trì hoãn nữa rồi” để hình dung tính nghiêm trọng của ô nhiễm. Kênh 2 của Đài truyền hình Trung ương từng đưa tin, con số GDP mà Trung Cộng  mỗi năm sản xuất ra, có 18% GDP là “thấu chi” vào môi trường sinh thái và tài nguyên mà ra…
Rõ ràng, hậu quả của văn hóa đấu này thật khôn lường.


Lúc ĐCSTQ lên nắm quyền đều là chỉ quan tâm đến trước mắt, không màng đến phúc lợi của con cháu thế hệ sau, gây hủy hoại to lớn đối với tự nhiên. 
 

“Đấu Đất” trong lĩnh vực thủy điện, thủy lợi

Vào những năm 1950, dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia Xô-viết, ĐCSTQ đã xây dựng nhà máy thủy điện Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà. Cho đến ngày nay, nhà máy điện này chỉ đem lại công suất phát điện ở mức độ của một con sông kích cỡ trung bình, mặc dù Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai ở Trung Cộng . Sự việc càng thêm tệ hại khi dự án này đã gây ra sự tích tụ bùn cát ở thượng nguồn sông và đã làm đáy sông cao lên. Vì lý do đó, thậm chí một trận lũ nhẹ cũng đủ gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân dân ở hai bên bờ sông. Trong trận lũ năm 2003 trên sông Vị, lưu lượng nước chảy ở mức cao nhất là 3.700 m3 mỗi giây, là mức có thể xảy ra khoảng 3 đến 5 năm một lần, nhưng thiệt hại do nó gây nên là chưa từng thấy trong 50 năm qua.

Có nhiều hồ chứa nước cỡ lớn được xây dựng ở khu vực Trú Mã Điếm, tỉnh Hồ Nam. Năm 1975, những cái đập của các hồ chứa nước đó đã theo nhau sập đổ. Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ, 60 nghìn người đã bị chết đuối. Tổng số người chết đã lên đến 200.000 người.

ĐCSTQ vẫn tiếp tục những hành động tự ý hủy hoại đất đai của Trung Cộng . Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (sông Dương Tử) và Dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc đều là những cố gắng của ĐCSTQ nhằm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đô-la Mỹ. Thủy điện Tam Hiệp với tuyến dẫn nước dài 600km có độ dốc bằng không chỉ có thể có một trong hai lựa chọn: hoặc là nước ở đầu tuyến sẽ bao phủ Trùng Khánh thì tại đập thủy điện mới đủ chiều cao cột nước phát điện. Còn muốn để Trùng Khánh yên ổn thì Thủy điện Tam Hiệp chẳng còn ý nghĩa phát điện và phòng lũ nữa. Dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc còn hoang đường hơn, chính là lấy nước ở sông Trường Giang ở miền Nam chuyển lên sông Hoàng Hà ở miền Bắc với độ cao hơn sông Trường Giang 200m và cách đó cả hàng nghìn cây số. Đó là chưa kể đến những dự án vừa và nhỏ để “đấu Đất”.


Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (sông Dương Tử) và Dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc đều là những cố gắng của ĐCSTQ nhằm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đô-la Mỹ.

Ví như sông Trường Giang, từ xưa Trung Cộng  chỉ có Hà hoạn (nạn sông) từ Hoàng Hà chứ không có nạn sông từ Trường Giang, tức là chỉ Hoàng Hà thường dâng nước thành lũ, còn Trường Giang thì ít khi có lũ. Chính là vì rừng nguyên sinh trên thượng du Trường Giang có năng lực trữ khoảng 400 tỷ khối nước. Nhưng sau khi ĐCSTQ cướp chính quyền, nó đã tàn phá rừng nguyên thủy bừa bãi, khiến khả năng dự trữ nước giảm mạnh xuống còn 100 tỷ khối, khả năng trữ nước 300 tỷ khối đã bị chính quyền nước này phá hoại, tương đương với 10 công trình Tam Hiệp (khả năng trữ nước của Tam Hiệp không quá 30 tỷ khối).

Thậm chí, trong nội bộ ĐCSTQ đã có lần đưa ra đề nghị dùng một quả bom nguyên tử để cho nổ và mở một con đường nối trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng để thay đổi môi trường tự nhiên ở miền Tây Trung Cộng . Mặc dù sự ngạo mạn và khinh thường đất của ĐCSTQ đã làm chấn động thế giới, nó không còn là điều gì gây ngạc nhiên bất ngờ nữa.

Điều đặc biệt là trong tất cả những dự án kinh thiên động địa này, người dân Trung Cộng  hoặc không được biết một cách thực chất hoặc ý kiến của họ chẳng có một tí trọng lượng nào với chính quyền hay ĐCSTQ. Đó đều là những quyết định mang tính chính trị của một thiểu số những người cai trị. Những ý kiến khoa học nghiêm túc, cẩn trọng của những nhà khoa học hàng đầu lẽ ra phải được coi như tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá mức độ khả thi của công trình, thông thường lại bị ném vào sọt rác và chủ nhân của chúng sẽ bị trù dập đày đọa... một khi nó đi ngược lại với “quyết tâm chính trị” và lý tưởng “đấu Trời đấu Đất” của ĐCSTQ. Năm 1957, giáo sư Hoàng Vạn Lý vì phản đối việc xây dựng đập lớn Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà, đã bị Mao Trạch Đông đích thân “sờ gáy”, bị coi là cánh hữu. Sau nhiều năm, sự thất bại của đập Tam Môn Hiệp đã chứng minh chủ trương của ông là chính xác. Liên quan đến công trình Tam Hiệp, giáo sư Hoàng đã từng viết ba lá thư, trần thuật lý do “công trình Tam Hiệp vĩnh viễn không thể xây”. Ông chỉ muốn xin người lãnh đạo ĐCSTQ cho ông thời gian 30 phút, để nói rõ cho họ vấn đề của công trình Tam Hiệp, thuyết phục họ cải biến quyết sách này. Tuy nhiên, ngay cả đến thời gian 30 phút mà ông cũng không có được.

Năm 1957, giáo sư Hoàng Vạn Lý vì phản đối việc xây dựng đập lớn Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà, đã bị Mao Trạch Đông đích thân “sờ gáy”, bị coi là cánh hữu.

Ngược lại, bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ lại phát huy hết công suất. Những văn nghệ sĩ của Đảng chỉ có một nhiệm vụ là ca tụng những công trình “đấu Trời đấu Đất” này khiến cho tinh thần toàn dân như bị lên đồng và vì vậy vắt kiệt sức mình cho những quyết sách “bạo thiên nghịch địa” của ĐCSTQ; những tác phẩm văn nghệ mang tính kích động được sử dụng thay cho những khuyến cáo nghiêm túc, lý trí của giới làm khoa học chân chính. “Một con sông lớn sóng vỗ, gió thổi hương lúa hai bờ…”, đây từng là ca khúc bài tủ mà Trung Cộng tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Có khảo chứng chỉ ra, “con sông lớn sóng vỗ” lãng mạn và mê hoặc này chính là nói đến con sông lớn thứ ba của Trung Cộng  – sông Hoài, gánh vác một phần sáu dân số toàn quốc. Có một câu nói là “đi hết mọi nơi, cũng không đâu bằng bờ sông Hoài”. Nhưng chỉ vỏn vẹn trong mấy chục năm, sự ô nhiễm của sông Hoài đã kinh tâm động phách, khiến cho câu dân ca này chỉ còn là lịch sử. Các ca khúc quần chúng trong thời kỳ “Đại nhảy vọt” đã cho thấy sự ngạo mạn không có giới hạn của ĐCSTQ: “Hãy để cho núi phải cúi đầu và sông phải dẹp sang một bên”; “Không có Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời và không có Long Vương dưới đất. Ta là Ngọc Hoàng Thượng Đế và ta là Long Vương. Ta ra lệnh cho tam núi ngũ đèo phải dẹp sang một bên, ta đã đến đây!”

ĐCSTQ thử nghiệm vô tội vạ với môi trường và cuộc sống nhân dân như trò chơi con trẻ. Thật là coi sinh mệnh con người cũng như tương lai của con cháu, của dân tộc như trò đùa. Và phải chăng sau tất cả những điều ấy, ĐCSTQ vẫn có thể “sướng vô cùng” vì đã được “đấu Trời, đấu Đất, đấu người” như “kim khẩu” của Mao chủ tịch?


ĐCSTQ thử nghiệm vô tội vạ với môi trường và cuộc sống nhân dân như trò chơi con trẻ. Thật là coi sinh mệnh con người cũng như tương lai của con cháu, của dân tộc như trò đùa.

Văn hóa Đấu là phản truyền thống, phản tự nhiên

Lão Tử giảng: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên” (người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên)... từ trước đến giờ đều không có chuyện bảo con người đi đấu với Đất, phá hoại tự nhiên. Trong quan niệm truyền thống, con người và tự nhiên không phải là đối kháng lẫn nhau, “Thiên Nhân hợp nhất” nghĩa là cần tồn tại hài hòa cùng Tự nhiên. Khái niệm phát triển bền vững của thời hiện đại thực ra cũng không phải là điều gì mới mẻ, từ trước Công nguyên, đã có lý luận bảo vệ tự nhiên và hợp lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nó khiến cho Trung Cộng  từng có nền nông nghiệp truyền thống phát triển, là nền tảng cho nền văn hóa truyền thống xán lạn. Vì sao hiện tại lại xuất hiện tình huống là môi trường sinh thái và nhân văn bị phá hoại nghiêm trọng? Chính là vì phương thức làm việc bất chấp hậu quả này, đi ngược lại quy luật tự nhiên khiến cho câu cửa miệng của người Trung Cộng : “non xanh còn đó, nước biếc còn đây” phải đổi thành: “núi xanh không còn, nước xanh ngừng chảy”. Đặc biệt là hiện giờ những người dưới sự xui khiến của lợi ích kim tiền, mất đi tâm lý kính úy đối với tự nhiên, thì lại càng to gan làm bừa, cái gì cũng dám làm. Khi tự nhiên phản đòn, thì ai đến cứu vớt dân tộc của Trung Hoa đây?
Trong Bát Quái, tổ tiên Trung Cộng  coi Trời là Càn hay Tạo hoá, và kính trọng Đạo Trời. Họ coi đất là Khôn hay Mẹ, và kính trọng Đức sinh thành.


Trong Bát Quái, tổ tiên Trung Cộng  coi Trời là Càn hay Tạo hoá, và kính trọng Đạo Trời.

Tượng trong “Kinh dịch” viết: địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật, hiểu là đất rộng rãi, kẻ quân tử nên theo gương đất, lấy đức dày chở muôn vật.
Khổng Tử ghi chú về “Kinh dịch”: “chí tai khôn nguyên, vạn vật tư sinh”, cái Khôn ấy rất vẹn tròn, vạn vật từ đó mà sinh ra.
Và bàn tiếp: “Khôn là mềm nhất, nhưng trong vận động nó rất rắn. Nó là tĩnh nhất, nhưng trong thiên nhiên, nó vững chắc. Vì thuận theo mà nó đạt được chủ của nó, nhưng vẫn giữ được bản chất của nó và do đó nó trường tồn. Nó chứa đựng vạn vật, và rạng rỡ trong sự biến đổi. Đó là cách của Khôn, ngoan ngoãn biết bao, nó mang theo Trời và chuyển động với thời gian.”
Như vậy thì, trên địa cầu này, đất là mẹ, là những đức tính của nhẹ nhàng, êm ái và nhẫn. Đi theo trời, vạn vật mới có thể sống còn và phát triển trên quả đất. Kinh dịch dạy chúng ta hành động đúng đắn theo đạo của Trời và đức của Đất, yêu cầu chúng ta đi theo Trời, thuận theo Đất và tôn trọng thiên nhiên.
Nhưng ĐCSTQ đã vi phạm Càn Khôn, muốn “đấu Trời đấu Đất”. Nó đã cướp phá tài nguyên của đất một cách tùy tiện.
Mà “đấu Trời đấu Đất” thì ĐCSTQ sẽ dẫn dắt đất nước Trung Hoa đã từng có 5000 năm văn minh rực rỡ ấy đi tới nơi đâu? Còn Trời Đất nào khác dung thứ nổi?
Rõ ràng là, ô nhiễm môi trường còn chưa đáng sợ bằng ô nhiễm nguồn tư tưởng.
Nội dung kỳ tới: quan điểm và xu thế xây dựng các công trình thủy điện ở phương Tây và trên thế giới; đề xuất giải pháp để cứu lấy các dòng sông.

NGUYÊN VŨ

Tài liệu tham khảo
(1): Ví dụ: Nọa Trác Độ (Nouzhadu - công suất 5.850 MW và lượng giữ nước lên tới 27 tỷ m3), Tiểu Loan (thể tích nước 15 tỷ m3, công suất 4200MW), …(Wikipedia)
(2): Nghiên cứu của Eyes on Earth sử dụng công nghệ Special Sensor Microwave Imager/Sounder (SSMI/S), thời gian đo lường là 28 năm từ 1992 đến cuối năm 2019, bằng cách ấy người ta xác định được lưu lượng nước tại sông Lan Thương. Ủy Hội sông Mekong cũng cung cấp các dữ liệu về dòng chảy sông Mekong, tại trạm thủy điện Chiang Saen, Thái Lan – trạm này là điểm sát nhất với biên giới Thái Lan - Trung Cộng . Và các số liệu đã được đem so sánh với nhau. (theo rfi)
(3):  ^ a ă â J. Dore, Y. Xiaogang & K. Yuk-shing (2007). “China's energy reforms and hydropower expansion in Yunnan”. Trong L. Lebel, J. Dore, R. Daniel & Y.S. Koma. Democratizing Water Governance in the Mekong Region. Chiang Mai: Silkworm Books. tr. 55–92. ISBN 9749511255.
(4): ^ “Mekong: 'TQ quyết định vận mệnh'”. bbc. 5 tháng 5 năm 2016. Truy cập 5 tháng 5 năm 2016

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top