LSNNV, Trần Đổ Cẩm: Trận làng Vei- Phần 1


http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_tuade.jpg
(Tác giả giữ bản quyền. Email: doanket@yahoo.com.)


http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_phdo.gif

Phần 1


Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Cộng Quân (CQ) bất thần tung ra những trận tổng công kích vào các thành phố lớn thuộc miền Nam Việt Nam. Trong lúc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) giao tranh ác liệt với địch để bảo vệ các khu đông dân cư, tại Làng Vei, một tiền đồn hẻo lánh gần biên giới Lào - Việt do Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) QLVNCH trấn giữ cũng xảy ra một trận đánh nổi tiếng. Trận Làng Vei so với các cuộc đụng độ khác trong dịp Tết Mậu Thân tuy không mấy quan trọng nhưng lại mang tầm vóc chiến thuật rất đáng kể, vì đây là lần đầu tiên địch quân xử dụng chiến xa trên chiến trường Việt Nam. Ngoài ra, có lẽ đây cũng là một trận đánh duy nhất trên chiến trường Việt Nam, trong đó tất cả 24 quân nhân Hoa Kỳ tham chiến bên cạnh các chiến sĩ Việt Nam đều được ân thưởng huy chương gồm: 1 Huy Chương Danh Dự (cao qúi nhất), 1 Biệt Công Bội Tinh (hạng nhì), 19 Sao Bạc (hạng 3) và 3 Sao Đồng (hạng 4). Vì vậy về sau mỗi khi khi nhắc đến trận đánh tại Trại LLĐB làng Vei vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1968 này, giới quân sử Hoa Kỳ thường hãnh diện mệnh danh là "Đêm Sao Bạc" (Night Of The Silver Stars). Phần tượng thưởng cho 13 quân nhân LLĐB Việt Nam cùng gần 400 Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) không nghe nói tới.

Chúng ta sẽ lần lượt duyệt qua các chi tiết liên quan, đồng thời phân tích cặn kẽ để độc giả có thể tự nhận xét và kết luận Trận Làng Vei xứng đáng là "Đêm Sao Bạc" hay "Đêm Sao Lạc" trong quân sử LLĐB Hoa Kỳ. Rất tiếc phần tài liệu về phía Việt Nam không có nhiều nên bài viết căn cứ phần lớn vào các sách vở Hoa Kỳ và một số chi tiết khác do anh em LLĐB/VN cung cấp. Tác giả ý thức được rằng việc thuật lại trung thực một trận đánh xảy ra cách đây đã trên 30 năm là điều không dễ dàng, nhất là biến cố đó liên quan tới LLĐB là đơn vị chuyên hoạt động trong khuôn khổ chiến tranh không qui ước Vì vậy, chúng tôi rất mong mỏi được độc giả, nhất là những người trong cuộc vui lòng bổ khuyết để bài viết được thêm chính xác.

Để dễ dàng theo dõi chi tiết cũng như diễn tiến của trận đánh, chúng ta cũng cần nắm vững vị trí địa dư đặc biệt của trại Làng Vei và tình hình chiến sự lúc bấy giờ. Trước hết, để tránh lầm lẫn, cần phân biệt các địa danh có tên gần giống nhau được xử dụng trong bài như Làng Vei, Trại Làng Vei, Làng Khe Sanh, căn cứ Khe Sanh v.v… Theo qui ước, tuy những căn cứ quân sự thường dùng tên của địa danh gần nhất, nhưng thật ra là hai địa điểm khác nhau. Thí dụ như Trại Làng Vei hoặc căn cứ Khe Sanh là những vị trí quân sự nằm gần địa điểm hành chánh ghi trên bản đồ mang tên Làng Vei hoặc làng Khe Sanh, nơi người thượng Bru cư ngụ. Chúng tôi dùng danh từ như Làng Vei hay Khe Sanh để chỉ địa danh hành chánh, phân biệt với "trại Làng Vei"hoặc "căn cứ Khe Sanh" là những vị trí quân sự. Ngoài ra, danh từ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) trong bài được dùng để chỉ Trung Đoàn 26, Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ đóng tại căn cứ Khe Sanh vì TQLC/VNCH không tham dự trận đánh này.
 
SƠ LƯỢC ĐỊA LÝ VÙNG LÀNG VEI - KHE SANH

http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_dmzmap.gif


Trại LLĐB Làng Vei nằm giữa Khe Sanh và Lao Bảo chỉ cách biên giới Lào - Việt chừng 2 cây số trên đường số 9 chạy theo hướng Đông - Tây nối liền Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị, vượt Cam Lộ, Cà Lu, xuyên qua biên giới Lào - Việt tới tận Savannakhet bên Lào. Vì Lào nằm trong đất liền nên người Pháp xây cất đường số 9 để thông thương ra vùng bờ biển Việt Nam. Trong cuộc chiến Việt Nam, đường số 9 là trục lộ chiến lược quan trọng được Cộng Quân xử dụng để xâm nhập người và vũ khí từ bên Lào vào các tỉnh cực bắc VNCH. Địa thế vùng Làng Vei thuộc cao nguyên Khe Sanh gần biên giới rất hiểm trở. Mặt Bắc đường số 9 gồm những đồi núi cao khoảng 1000 thước, sườn phủ cỏ tranh như những cây mía lau cao gần đầu người, cạnh lá rất sắc có thể cắt da chảy máu. Cao điểm chế ngự nhất là núi Đồng Trị cao 1015 thước và những ngọn đồi 881, 861 (cao độ tính bằng thược). Dưới thung lũng, rạch Rào Quan quanh co uốn khúc, vào mùa khô chỉ là một ngòi nước nhỏ rất cạn và hẹp, đáy đầy đá rong rêu trơn trợt, nhưng có thể trở thành những thác nước chảy xiết nguy hiểm vào mùa mưa.

Về phương diện hành chánh, Làng Vei và Khe Sanh thuộc quận Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với quận đường đặt gần làng Khe Sanh. Về mặt quân sự, Chi Khu Hướng Hóa do một đại úy chỉ huy, gồm một chừng đại đội Địa Phương Quân (ĐPQ) và Nghĩa Quân (NQ) cùng một số cảnh sát. Thông thường có thêm một Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 1 Bộ Binh tăng phái hoạt động trong vùng cùng một Pháo Đội 105 ly (-) với 2 khẩu đặt tại sân bay Khe Sanh và 2 khẩu đặt tại Lang Vei. Sau này, vì tình hình an ninh không đuợc khả quan nên Quận Hướng Hóa được di chuyển về vùng Cùa gần căn cứ Mai Lộc.

Về dân cư, vì là vùng đồi núi hoang dã, khí hậu khắc nghiệt nên chỉ có chừng trên ngàn người Việt cư ngụ, đa số là thân nhân và gia đình nhân viên, binh sĩ phục vụ tại chi khu Hướng Hóa. Sắc tộc thiểu số Bru đông hơn, tổng cộng chừng 50,000 người sống rải rác trên các đồi, núi dọc biên giới Lào, nhưng qui tụ khá đông đảo tại hai làng Khe Sanh và Làng Vei dọc đường số 9. Cũng như những sắc dân thiểu số khác như Rhadê, Hrê v.v..., giống Bru thuộc chủng loại Mã Lai - Polynesia nên đen đúa và khá lực lưỡng. Có khoảng chừng 10,000 người Bru sinh sống tại vùng Khe Sanh, đa số khá văn minh so với nhóm thiểu số Hmong bên Lào, vì họ có dịp tiếp xúc và làm việc lâu năm với nhóm người Pháp chủ đồn điền cà phê tại đây. Có thể nói nhiều người Bru đã bỏ sóc, bản nơi đồi núi hoang dã để qui tụ thành làng tại Khe Sanh và Làng Vei vì sự hiện diện của người Pháp tại vùng này.

Người Pháp đầu tiên lập nghiệp tại Khe Sanh tên Eugène Poilane, sinh ngày 16 tháng 3 năm 1888 tại Saint-Sauveur de Landemont bên Pháp. Poilane sang Đông Dương vào năm 1909, thoạt tiên là chuyên viên sửa chữa hải pháo trong Hải Quân Công Xưởng, sau đó làm việc cho viện Bách Thảo Đông Dương, đến năm 1922 trở thành một chuyên viên Kiểm Lâm. Poilane có dịp ghé vùng Khe Sanh lần đầu tiên vào năm 1918, lúc đó còn rất hoang vu, chỉ có một ngôi nhà dành cho nhân viên sở Lục Lộ đang làm đường số 9. Với nghề nghiệp chuyên về trồng tỉa và cây cối, biết đất đỏ tại vùng Khe Sanh rất mầu mỡ, thích hợp cho việc mở đồn điền nên tới năm 1926 Poilane quay trở lại Khe Sanh lập một đồn điền cà phê khá rộng lớn. Sau này một phần đồn điền trở thành căn cứ TQLC/HK vào năm 1966. Con đường từ sân bay Khe Sanh tới đường số 9 được đặt tên là đường Poilane. Poilane là một thảo mộc gia có tài lại có đầu óc mạo hiểm, và vì là nhân viên Thủy Lâm nên có dịp đi lại khắp Đông Dương, qua cả Trung Hoa và Miến Điện để nghiên cứu về cây cỏ. Poilane tìm kiếm được nhiều giống thảo mộc lạ cho thảo cầm viên và gây được nhiều loại hoa lan cũng như cây ăn trái thích hợp với vùng nhiệt đới. Các chủng loại mang tên Poilania và Poilaniella đều do Poilane gây được. Vợ của Poilane tên Bordeauducq là một người đàn bà rất cứng cỏi. Hai người có 5 con, nhưng sau đó ly dị, Poilane lấy vợ kế người Nùng, có thêm 5 con nữa. Bà Bordeauducq cũng chẳng đi đâu xa, chỉ tới một vùng đất cách chỗ ở cũ chừng một cây số, lập một đồn điền riêng. Gia đình Poilane có một phụ tá người Việt rất được tín cẩn là ông Phan Bá Luyện người xã Triệu Ái.

Thấy Poilane khá thành công với nghề trồng cà phê, chẳng bao lâu nhiều người Pháp khác lục tục kéo đến lập nghiệp. Một người tên Simard mở đồn điền và vườn rau gần làng Bru. Một người khác tên Rome có vợ và thợ làm vườn người Nhật khai khẩn đất đai gần đường số 9; họ sống rất huy hoàng trong thời kỳ Nhật chiếm Đông Dương vào thế chiến thứ 2. Sau này, Madeleine Poilane là vợ của Felix Poilane (con trai của Eugène) cho biết gia đình Rome làm việc cho Nhật nên tất cả đều bị giết, kẻ nói là do Việt Minh, người cho là Pháp chủ mưu. Một người Pháp khác gốc Tây Ban Nha tên Llinarès mướn lại đồn điền Rome để khai thác. Mặc dù Llinarès chẳng ưa gì Việt Cộng vì đã bị mất hết tài sản khi di cư từ Bắc vào Nam, nhưng người vợ Việt Nam của Llinarès lại là cảm tình viên vẫn đóng thuế cho Việt Cộng. Cho tới khi hai công nhân bị giết, vợ của Llinarès sợ hãi mới dứt khóat bỏ luôn Khe Sanh. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1964, Việt Cộng phục kích xe hơi chở Poilane và Llinarès trên đường về Đông Hà khiến Poilane bị chết, còn Llinarès sống sót. Sau vụ "dằn mặt" này, vẫn còn một số người Pháp sống tại Khe Sanh, nhưng đều phải đóng thuế cho Việt Cộng để yên ổn làm ăn . Các đồn điền cà phê tại vùng Khe Sanh là nơi người Pháp thường lui tới để nghỉ mát và săn bắn. Vào khoảng tháng giêng năm 1962, còn thêm một gia đình người Mỹ tên John và Carolyn Miller thuộc một hội truyền giáo tới Khe Sanh để làm việc tại làng Bru nằm giữa Làng Vei và Khe Sanh trên đường số 9. Họ phát minh ra cách viết chữ Bru để in kinh thánh và dạy người Bru cách đọc và viết. Một mục sư người Việt tên Bùi Tấn Lộc cũng giúp đỡ gia đình Miller trong việc truyền giáo, nhưng sau này, vì chi Khu Hướng Hóa không bảo vệ được an ninh nên bị Việt Cộng hăm dọa thường xuyên, tất cả đều phải rời Khe Sanh. Ngoài nhà thờ Tin Lành của mục sư Lộc, còn có nhà thờ Công Giáo của linh mục người Pháp tên Poncet xây dựng vào năm 1964. Một số tu sĩ Công Giáo thuộc Ðịa Phận Huế cũng đến vùng Khe Sanh lập một đồn điền nhỏ để tự sinh sống và truyền giáo.
 
KẾ HOẠCH CHỐNG XÂM NHẬP

Tuy đường số 9 chỉ là một trục giao thông nhỏ, coi như bị bỏ hoang từ lâu, nhưng trong cuộc chiến tranh vừa qua tại Việt Nam, khu vực này lại là một chiến trường quan trọng, nơi xảy ra nhiều trận đánh lớn. Lý do vì con đường này đẫn sang Lào, lại nằm trong vùng đồi núi hiểm trở nên rất thuận tiện cho quân Bắc Việt đưa người và vũ khí xâm nhập các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên thuộc cực Bắc miền Nam Việt Nam. Để ngăn chận đối phương, người Mỹ đã lập hàng rào điện tử McNamara theo hình vòng cung dọc theo mặt Bắc đường số 9, hướng Đông kéo dài từ Cửa Việt sát biển tới Khe Sanh gần biên giới Lào. Như vậy, Khe Sanh là điểm cực Tây của hàng rào McNamara nằm trong phần đất Việt Nam. Ngay đối diện với biên giới Lào - Việt, quân Bắc Việt đã xây dựng khu hậu cần mang bí danh 611 từ khi Binh Đoàn 559 được thành lập vào tháng 5 năm 1959 với mục đích tiếp vận cho chiến trường giới tuyến Quảng Trị. Một hậu cần khác mang bí danh 604 cũng nằm trên phần đất Lào, nhưng xa hơn về phía Nam đối diện với vùng Ashau của Việt Nam, được dùng như kho quân nhu và điểm dưỡng quân trước khi xâm nhập tỉnh Thừa Thiên. Cả hai khu hậu cần này đều là những điểm tiếp liệu quan trọng nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh nối liền bằng nhiều binh trạm. Từ năm 1962, ngoài số quân phòng vệ cơ hữu khoảng chừng một tiểu đoàn tại mỗi binh trạm, lực lượng Bắc Việt thường có các Sư Đoàn 304 và 324 bố trí tại vùng đường số 9 trên phần đất Lào. Ngoài ra, còn có Sư Đoàn 325 đồn quân ngay phía Bắc vùng phi quân sự thuộc khu vực Vĩnh Linh để làm trừ bị.

Ngay từ thời chiến tranh Đông Dương 1946-1954, Cộng quân luôn dùng phần đất Lào để làm địa bàn xâm nhập người và vũ khí tiếp nhận từ biên giới Hoa-Việt xuống chiến trường miền Nam. Miền Trung Việt Nam rất hẹp nên các lực lượng Liên Hiệp Pháp dễ dàng dàn quân ngăn chặn; ngược lại, vùng biên giới Lào Việt rất hoang vu khó phát hiện nên những đoàn dân công Việt Cộng thường di chuyển qua Lào trước khi tạt vào cạnh sườn Việt Nam. Sau một thời gian lắng đọng khi hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, tới tháng 12 năm 1958, Cộng quân lại dùng đường cũ, xử dụng vùng đất Lào sát khu phi quân sự để chuẩn bị xâm nhập miền Nam Việt Nam.

http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_ksmapc.gif


Tưởng cũng nên nói Khối Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) mà Nam Việt Nam là một hội viên cũng có kế hoạch trên giấy tờ dự phòng ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng quân bằng cách giàn lực lượng dọc vùng Phi Quân Sự và vùng cán chảo bên Lào. Cứ 2 năm một lần, các hội viên SEATO lại duyệt xét kế hoạch ngăn chặn này trên sa bàn. Năm 1958, cuộc thực tập được đặt tên là Strongback và năm 1960 mang tên Blue Star. Đặc biệt vào năm 1962, khi cường độ xâm nhập của Cộng quân từ Bắc xuống Nam gia tăng rõ rệt với những hoạt động của đoàn 559, SEATO họp tại Phi Luật Tân cho thực tập kế hoạch TULUNGU (tiếng Phi có nghĩa là Hỗ Tương Yểm Trợ), còn được gọi là Kế Hoạch 5. Cuộc thao dượt diễn ra tại đảo Mindoro tượng trưng cho miền Nam Việt Nam với giả thuyết Cộng quân trực tiếp tấn công các tiền đồn với ý đồ xâm lăng Nam Việt Nam. Dĩ nhiên, cuộc thao diễn này rất gần với thực tế nên được Hoa Kỳ quyết tâm hỗ trợ. Tướng Maxwell D. Taylor và cố vấn Walt W. Rostow thuộc Hội Đồng An Ninh Hoa Kỳ được gửi sang Việt Nam để bàn thêm về việc kiểm soát biên giới. Phái bộ Taylor – Rostow đề nghị Việt Nam thành lập một đơn vị mệnh danh là "Lực Lượng Biên Phòng Tây Bắc" (Northwest Frontier Force) gồm 3,300 biệt động quân biên phòng, chia thành 23 đại đội, hoạt động tại 5 tỉnh trong lãnh thổ Việt Nam giáp ranh Lào, với nhiệm vụ tuần phòng và bình định lãnh thổ biên giới không cho địch quân xâm nhập. Riêng vùng Làng Vei, Khe Sanh và Làng Tà Cớn có nhiều người thượng Bru sinh sống nên mọi nỗ lực đều nhắm vào sắc dân này. Mục tiêu là dùng người địa phương đã quen thuộc với thủy thổ, địa thế để dễ dàng hoạt động và cũng ngăn chận địch quân không kiểm soát đuợc dân trong vùng. Đáng tiếc, Lực Lượng Biên Phòng Tây Bắc chỉ là một kế hoạch trên giấy tờ, không được thành hình trên thực tế vì thiếu quân số.

Tuy nhiên, vì không thể để địch quân tự do xâm nhập làm ung thối miền Nam Việt Nam nên vào năm 1961, Tướng Lionel C. McGarr, Trưởng Phái Bộ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam lại đề nghị kế hoạch lập một "vòng đai kiểm dịch" (cordon sanitaire) dọc theo biên giới để ngăn chặn sự bộ đội miền Bắc. Nhưng vì phải tốn quá nhiều quân và tài nguyên để thực hiện nên kế hoạch bị bác bỏ. Sau đó, chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý lập kế hoạch "kiểm soát biên giới" hay "Dân Sự Chiến Đấu" (Civil Irregular Defense Group) do CIA tài trợ với sự trợ giúp của LLĐB Hoa Kỳ trong việc huấn luyện. Theo kế hoạch này, CIA sẽ tuyển mộ những người Thượng tại địa phương để huấn luyện thành những toán phòng thủ, tuần phòng cũng như thám sát dọc theo biên giới.

Trước sư gia tăng xâm nhập của CQ, cả hai chính phủ Lào và Nam Việt Nam đều biết rõ và muốn ngăn chận, nhưng vì lực luợng quân sự Lào quá yếu nên không đủ sức. Riêng VNCH vì muốn thâu thập tin tức tình báo nên đã bí mật giàn xếp với chính phủ Hoàng Gia Lào cho phép những toán biệt kích người Việt ăn mặc quân phục Lào được hoạt động trên lãnh thổ Lào. Kế hoạch thám sát này mang bí danh Lôi Vũ, do các quân nhân thuộc Liên Đoàn 1 Quan Sát thực hiện và được đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Trần Khắc Kính, Chỉ Huy Phó Sở Liên Lạc. Với sự trợ giúp của Đại Tá Gilbert Layton, Trưởng Toán Nghiên Cứu Hỗn Hợp (Combined Studied Division) là một bộ phận của Trung Ương Tình Báo (CIA) thuộc Toà Đặi Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Thiếu Tá Kính tổ chức được 15 toán Lôi Vũ, mỗi toán 14 người, được bí mật huấn luyện tại trại Hồ Ngọc Tảo, gần trường Bộ Binh Thủ Đức. Các toán Lôi Vũ bắt đầu hoạt động từ tháng 8-1961, nhảy dù xuống các vùng Atopeu, Tchépone bên Lào. Đến đầu năm 1962, các hoạt động Lôi Vũ không còn dùng đường hàng không mà dùng đường bộ xuất phát từ Khe Sanh, Lao Bảo xâm nhập dọc theo đường số 9 để hoạt động tại vùng Tchépone và Mường Nông. Tới tháng 10-1962, vì thỏa ước ngưng bắn tại Lào được ký kết với điều khoản toàn bộ quân đội ngoại quốc phải ngưng hoạt động, những cuộc thám sát Lôi Vũ cũng chấm dứt. Tổng cộng, các toán thám sát đã thực hiện được 41 chuyến công tác, mỗi chuyến kéo dài từ một tuần đến 3 tháng trên phần đất Lào. Nếu thâu thập được thêm tài liệu và cơ hội thuận tiện, chúng tôi sẽ có bài riêng về hoạt động Lôi Vũ, tiền thân của các toán thám sát thuộc Sở Liên Lạc và Nha Kỹ Thuật sau này.

Tuy các hoạt động Lôi Vũ chấm dứt, nhưng chẳng bao lâu, các cuộc hành quân thám sát khác lại tiếp tục, vì Việt Cộng không chịu rút quân theo thỏa hiệp ngưng bắn. Lào vẫn được dùng làm địa bàn để xâm nhập người và vũ khí, vì vậy, các toán Biệt Kích Việt Nam được sự trợ giúp trực tiếp của cơ quan CIA và LLĐB/HK lại thực hiện những công tác bí mật dọc theo biên giới. Vì nhu cầu hành quân, chẳng bao lâu LLĐB nhận thấy cần phải thiết lập một trại biên phòng tại vùng Khe Sanh - Làng Vei.

Hết Phần 1
Xin đón xem tiếp: Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top